Bình luận quy định về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản theo quy định của luận Phòng chống tham nhũng

Tham nhũng là căn bệnh vô cùng nghiêm trọng ở nước ta hiện nay, nó gậy hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến cả kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước, cản trở sự phát triển của đất nước và làm cho đất nước khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế với thế giới. Trước thực trạng này, Nhà nước đã đặt ra những quy định về phòng, chống tham nhũng trong đó một trong những biện pháp hiệu quả nhất là biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập. Để tìm hiểu các quy định của luật Phòng, chống tham nhũng về kê khai tài sản và việc xác minh kê khai tài sản em xin chọn đề tài:“ Em hãy bình luận quy định về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản theo quy định của luận Phòng chống tham nhũng” làm để tài của bài tập học kỳ.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012.
  • Bộ luật hình sự năm 2015
  • Bộ giáo dục và đào tạo, Tài liệu giảng dạy về phòng chống tham nhũng, Hà Nội, 2014.
  • Viện khoa học thanh tra – Thanh tra Chính phủ, đề tài cấp Bộ “Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng – thực trạng và giải pháp” Hà Nội, 2010.

Khái quát về tội phạm tham nhũng

Định nghĩa tội phạm tham nhũng

Tại khoản 2, Điều 1 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Người có chức vụ, quyền hạn chỉ giới hạn ở những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị; nói cách khác là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách, vốn, tài sản của Nhà nước được quy định tại khoản 3 điều 1 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012 bao gồm:

“ a) Cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”

Việc giới hạn như vậy nhằm tập trung đấu tranh chống những hành vi tham nhũng ở khu vực xảy ra phổ biến nhất, chống có trọng tâm, trọng điểm, thích hợp với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng như: kê khai tài sản, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Đặc trưng của tội phạm tham nhũng

Thứ nhất, chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn. Đặc điểm của tham nhũng là chủ thể thực hiện hành vi phải là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó (khoản 3, Điều 1, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005).

Em hãy bình luận quy định về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản theo quy định của luận Phòng chống tham nhũng

Nhìn chung, nhóm đối tượng này có đặc điểm đặc thù so với các nhóm đối tượng khác như: họ thường là những người có quá trình công tác và cống hiến nên có nhiều kinh nghiệm; được đào tạo có hệ thống, là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau; là những người có quan hệ rộng và có uy tín xã hội nhất định và thậm chí có thế mạnh về kinh tế. Những đặc điểm này của chủ thể hành vi tham nhũng chính là yếu tố gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng.

Thứ hai, chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao. “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi là đặc trưng thứ hai của tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng. Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi tội phạm khác, do vậy cần lưu ý khi phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thứ ba, mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Hành vi tham nhũng là hành vi cố ý. Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Nếu chủ thể thực hiện hành vi không cố ý thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, không bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích.

Bình luận quy định về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản theo quy định của luận Phòng chống tham nhũng
Bình luận quy định về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản theo quy định của luận Phòng chống tham nhũng

Quy định của Luật Phòng chống tham nhũng về kê khai tài sản

Quy định của pháp luật về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản

Đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản được pháp luật quy định tại điều 44 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đối, bổ sung năm 2007 và 2012:

“ a) Cán bộ từ Phó trưởng phòng của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân;

c) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chính phủ quy định cụ thể những người phải kê khai tài sản quy định tại khoản này”. Ngoài các chủ thể được quy định tại điều 44 thì nghĩa vụ kê khai tài sản còn đặt ra với các chủ thể được quy định tại điều 47a bao gồm: người dự kiến được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; người dự kiến được Hội đồng nhân dân bầu; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nếu như có các căn cứ được quy định tại điểm a,b và c khoản 1 điều 47 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012.

Pháp luật tuy đã quy định 9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập như đã nêu trên nhưng diện đối tượng này vẫn còn hẹp hơn nhiều so với đối tượng là “người có chức vụ, quyền hạn” trong khu vực công. Mặt khác, việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang khu vực tư cũng đặt ra vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thuộc khu vực này.

Do đó, để kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tiến tới kiểm soát được tài sản, thu nhập trong xã hội thì nhất thiết phải mở rộng diện kê khai tài sản tiệm cận với đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, do việc thực hiện kê khai tài sản còn hình thức, thủ tục kê khai nặng nề; việc theo dõi, quản lý thủ công… đã dẫn đến một số quan điểm phải thu hẹp diện kê khai tài sản để nâng cao hiệu quả quản lý. Nhưng nếu thực hiện theo quan điểm này thì sẽ là “bước lùi” trong việc tiến tới kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn nói riêngcũng như kiểm soát toàn xã hội nói chung. Vì vậy, phương án sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi là mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, quy định tất cả các cán bộ, công chức ngay khi được bầu, tuyển dụng đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Đối với khu vực ngoài nhà nước, bổ sung đối tượng phải kê khai là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân; người làm việc trong các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Quy định của pháp luật về tải sản phải kê khai

Tài sản phải kê khai bao gồm tài sản của người có nghĩa vụ phải kê khai, tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên theo quy định tại khoản 2 điều 44 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012:“ Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên”. Quy định của pháp luật như vậy là phù hợp với tình hình thực tế của tội phạm tham nhũng. Thực tế hiện nay, tình trạng tham nhũng diễn ra ngyày càng nhiều và thủ đoạn này càng tinh vi hơn. Tài sản tham nhũng được sẽ được đừng tên người thân và thỏa thuận ngầm với họ. Tuy nhiên quy định của pháp luật vẫn chưa được đẩy đủ và vẫn tạo lỗ hổng lớn đề các đối tượng có thể lách qua. Cụ thể, pháp luật chỉ quy định là người có nghĩa vụ kê khai tài sản kê khai tài sản của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Nhưng thực tế hiện nay các đối tượng có hành vi tham nhũng có thể đứng tên tài sản của mình bằng tên của bố, me, anh, chị, em nên việc kê khai tài sản là vô cùng khó khăn. Vì vậy, nhằm hoàn thiệt hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng các nhà làm luật cần mở rộng các đối tượng là người thân của người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản nhằm đảm bảo không bỏ lọt tội phạm.

Về loại tài sản cần phải kê khai được quy định tại điều 45 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012 bao gồm:

“ 1. Nhà, quyền sử dụng đất;

Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên;

Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

Thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật”.

Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012 đã quy định khá đầy đủ và cụ thể về các loại tài sản phải kê khai tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý thực hiện thẩm quyền và người có nghĩa vụ kê khia thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, tại khoản 2 của điều 45:“ Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên”. Việc quy định các tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên rất khó cho các cơ quan quản lý về kê khai tài sản xác định. Bởi lẽ không phải tài sản nào cũng dễ dàng xác định giá trị thật, thực tế hiện nay có những tài sản mà giá trị của nó dựa trên độ yêu thích của người tiêu dùng. Có những tài sản giá trị thật của nó rất rẻ nhưng lại được mua với giá vô cùng cao bởi lẽ được mọi người ưa thích. Vì vậy việc chỉ quy định chung chung tài sản có giá trị từ “ năm mươi triệu đồng trở lên” sẽ rất khó khăn cho việc xác định.

Một vấn đề nữa mà quy định này mắc phải đó là việc quy định mức giá của tài sản khá cao “ từ năm mươi triệu đồng trở lên”. Hầu hết các tội phạm tham nhũng được quy định trong BLHS 2015 thì mức giá tài sản được quy định trong khoản 1 của các tội này đều là “ từ hai triệu đồng”. Việc quy định giá trị của tài sản phải kê khai là từ năm mươi triệu đồng có cao quá so với thực tế hiện đang diễn ra. Việc quy định mức giá của tài sản phải kêu khai quá cao như vậy sẽ dễ bỏ lọt tài sản do tham nhũng mà có dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Quy định của pháp luật về công khai bản kê khai tài sản

Về công khai bản kê khai tài sản được pháp luật quy định tại điều 46a Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012: “ Việc công khai bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai được thực hiện như sau:

Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm. Trường hợp công khai bằng hình thức niêm yết thì phải bảo đảm thời gian tối thiểu là ba mươi ngày liên tục;

Bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử;

Bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân”.

Nếu kê khai mà không công khai thì sẽ khó hiệu quả, để phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản hiệu quả hơn, người có trách nhiệm kê khai phải trung thực, kê khai đúng quy định. Cơ quan có trách nhiệm xác minh phải làm rõ việc kê khai đã thực hiện đúng quy định hay chưa, còn che giấu tài sản hay không. Công khai, minh bạch thông tin kê khai tài sản theo quy định. Cuối cùng là xử lý nghiêm cá nhân vi phạm quy định về kê khai, xác minh, thực hiện công khai, minh bạch tài sản.

Quy định này là quy định mới so với Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007. Việc bổ sung quy định phải công khai bản kê khai tài sản là bước vô cùng quan trọng và hiệu quả trong quá trình phòng chống tham nhũng. Công khai bản kê khai tài sản tại sẽ giúp cho người dân tiếp cận được với thông tin về tài sản của nhũng người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản. Từ đó, phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng chống tham nhũng, đây là vấn đề rất cần thiết, bởi chỉ có công khai, minh bạch thì người dân mới có cơ sở để giám sát.

Tuy nhiên, quy định này vẫn còn hạn chế bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ công khai ở chi bộ hoặc nơi làm việc thì Nhân dân khó mà tiếp cận được bản kê khai của các quan chức, lãnh đạo. Việc Ban Bí thư đưa ra các hình thức công khai, ngoài niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trân tổ quốc. Vì vậy, để khắc phục hạn chế này có một ý kiến được nhiều người quan tâm và coi như bước đột phá là công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử. Như vậy, khi công khai bản kê tải sản trên các phương tiện truyền thông, trên cổng thông tin điện tử nhân dân sẽ đễ dàng tiếp cận hơn giúp cho việc phát hiện tham nhũng dễ dàng hơn.


Quy định của pháp luật về xác minh kê khai tài sản

Quy định của pháp luật căn cứ xác minh kê khai tài sản

Theo quy định tại điểm a,b và c khoản 1 điều 47 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012 quy định về căn cứ để xác minh tài sản:

“ 1. Căn cứ để xác minh tài sản bao gồm:

a) Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai;

b) Khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản;

c) Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý;”

Như vậy, căn cứ để thực hiện việc xác minh tài sản được thực hiện khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản, khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý. Việc quy định cụ thể các căn cứ để thực hiện xác minh tài sản như vậy đã phần nào làm cho người có nghĩa vụ kê khai tài sản kê khai tài sản một cách trung thực và chính xác, giúp phát hiện thội phạm một cách triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, mặc dù đã quy định rất cụ thể các trường hợp phải xác minh tài sản như vậy nhưng thực tế hiện nay chúng ta vẫn thấy vẫn còn một số hạn chế đó là những trường hợp đương nhiên phải xác minh tài sản mà không cần có các căn cứ ở trên. Các quy định trong luật đều là những căn cứ thụ động, có nghĩa là phải có các căn cứ đó thì mới tiến hành hoạt động xác minh. Quy định như vậy sẽ để lọt tội phạm bởi lẽ không phải lúc nào cũng có các căn cứ như vậy. Việc quy định đương nhiên phải xác minh đối với những chủ thể giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.

Bình luận quy định về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản theo quy định của luận Phòng chống tham nhũng
Bình luận quy định về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản theo quy định của luận Phòng chống tham nhũng

Quy định của pháp luật về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản

Thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản được quy định tại khoản 2 điều 47 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012 bao gồm: “ người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản ra quyết định xác minh tài sản”. Quy định này là quy định chung vè chủ thể có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản và được cụ thể hóa tại điều 47a quy định cụ thể hơn về các chủ thể có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản:

“ 1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 47 của Luật này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền yêu cầu người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức ra quyết định xác minh tài sản:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

b) Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;

c) Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân bầu;

d) Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

đ) Chủ tịch nước có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

e) Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu xác minh tài sản nếu trong quá trình tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát có kết luận về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng”.

Như vậy, tùy thuộc và từng đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai mà pháp luật quy định chủ thể có quyền yêu cầu xác minh tài sản sao cho phù hợp nhất. Việc mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu xác minh tài sản của người có nghĩa vụ kê khai tài sản là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc quy định chủ thể có quyền yêu cầu rộng như vậy hạn chế được phần nào hiện tượng bao che, lờ đi không yêu cầu so với việc chỉ quy định “người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản ra quyết định xác minh tài sản”.

Quy định của pháp luật công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản

Theo quy định tại điều 50 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012:

“ 1. Khi có yêu cầu và theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản được công khai tại các địa điểm sau đây:

a) Trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai tài sản làm việc khi người đó được bổ nhiệm, bầu, phê chuẩn;

b) Tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

c) Tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người được đề nghị để Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc Đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội bầu, phê chuẩn.

Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản của người bị khởi tố về hành vi tham nhũng phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc”.

Không như bản kê khai tài sản, bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản chỉ được công khai khi có yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền quyết định cho công khai thì bản kết luận sự minh bạch trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khài tài sản mới được công khai. Với việc quy định như vậy, pháp luật có đang tạo điều kiện để cho người có thẩm quyền xác minh với người có nghĩa vụ kê khai móc nối với nhau hay không và tại sao không công khai bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản như bản kê khai tài sản mà phải cần có yêu cầu và có quyết định của chủ thể có thẩm quyền.

Ngoài ra, nếu được công khai thì bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản chỉ được công khai tại một số địa điểm nhất định. Quy định này cũng giống với việc công khai bản kê khai tài sản. Quy định này nhằm mục đích giúp cho người dân tiếp cận được với bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản qua đó người dân có thể phát hiện được những sai phạm trong quá trình xác minh giúp cho các chủ thể có thẩm quyền xác minh tài sản được chính xác hơn, phát hiện tội phạm tham nhũng chính xác hơn. Tuy nhiên, cũng giống như việc công khai bản kê khai tài sản công khai bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản cũng tồn tại một số hạn chế mà tiêu biểu nhất là việc không công khai bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử. Việc công khai bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản trên phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản hơn, nhiều người biết đến hơn giúp cho những sai phạm trong quá trình xác minh được phát hiện kịp thời và nhanh chóng nhằm phát hiện và hạn chế tối đa thiệt hại của tội phạm tham nhũng.

Từ những bình luận trên ta có thể hiểu được phần nào quy định của Luật Phòng chống tham nhũng về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản qua đó biết được ưu điểm cũng như những hạn chế của việc pháp luật quy định như vậy qua đó giúp cho việc đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao giảm thiểu tội phạm tham nhũng giúp cho đất nước phát triển nhanh, mạnh trong quá trình hội nhập quốc tế.


Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Em hãy bình luận quy định về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản theo quy định của luận Phòng chống tham nhũng. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top