Phân tích bản chất của nghĩa vụ từ hợp đồng và nghĩa vụ như từ hợp đồng

      Pháp luật là một trong những hiện tượng quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng. Cùng với sự phát triển của nhà nước, pháp luật ra đời và trở thành công cụ của giai cấp thống trị và pháp luật chi phối đến nhiều hoạt động của con người. Khi đánh giá về một quốc gia cổ đại ta sẽ nói về chữ viết, toán học, thiên văn học và tất nhiên không thể thiếu đó là pháp luật của quốc gia đó. Đặc biệt là nhà nước nổi tiếng trong lịch sử nhân loại là La Mã nếu không đề cập đến pháp luật quả là một thiếu xót lớn. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Phân tích bản chất của nghĩa vụ từ hợp đồng và nghĩa vụ như từ hợp đồng”.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình Luật La Mã, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003.
  • Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2013.
  • Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 2, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.

Khái quát chung về nghĩa vụ

Khái niệm nghĩa vụ

      Theo các tài liệu cổ của La Mã thì nghĩa vụ được định nghĩa như sau: Nghĩa vụ là sự ràng buộc của các chủ thể, trong đó người ta phải thực hiện một số hành vi theo pháp luật quy định.

       Bản chất của nghĩa vụ không phải là phải làm một việc nào đó, làm ra một tài sản hay thực hiện địa dịch mà là mối quan hệ giữa chúng ta mà theo đó họ phải cho ta một vật, phải thực hiện hoặc kiềm chế không được làm một việc.

      Trong quan hệ nghĩa vụ một bên có quyền yêu cầu được gọi là trái chủ, một bên có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu được gọi là thụ trái. Và nghĩa vụ được thiết lập trước tiên dựa vào sự tin tưởng giữa chủ nợ và con nợ. Chủ nợ tin tưởng vào con nợ sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ của họ và nghĩa vụ được chấm dứt thông qua việc thực hiện nghĩa vụ.

Căn cứ phát sinh nghĩa vụ

      Nghĩa vụ được phát sinh trên những sự kiện khác nhau mà luật pháp thừa nhận. Theo căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ thì nghĩa vụ chủ yếu được phát sinh từ hợp đồng (excontractu) và nghĩa vụ từ hành vi vi phạm pháp luật (exdelictu). Trong Luật La Mã quy định bốn căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ đó là: Nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng excoutractu; nghĩa vụ do hành vi vi phạm tư pháp exdelicto; nghĩa vụ phát sinh như từ hợp đồng quasiexcoutractu và nghĩa vụ phát sinh như từ các vi phạm exdelicto.

Nghĩa vụ từ hợp đồng và nghĩa vụ như từ hợp đồng

Nghĩa vụ từ hợp đồng

       Khái niệm

      Hợp đồng là sự thỏa thuận của hai hay nhiều bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng thể hiện ý chí của ít nhất hai bên tham gia hợp đồng.

      Theo đó về bản chất thì hợp đồng thực chất chỉ là sự thỏa thuận của các bên trong đó ít nhất là có hai bên, sự thỏa thuận có thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nghĩa vụ của các bên. Và thông thường nghĩa vụ chấm dứt bằng việc thực hiện xong nghĩa vụ, trọng tâm của việc thực hiện nghĩa vụ là đúng đối tượng, đúng thời hạn, đúng thời điểm. Đối tượng của nghĩa vụ có thể là tài sản hoặc một công việc phải làm hoặc không được làm. Nghĩa vụ đó là sự thỏa thuận tự nguyện của các bên ít nhất là hai bên trong hợp đồng thì mới có hiệu lực.

      Nội dung của hợp đồng

      Theo các Luật gia La Mã, nội dung của nghĩa vụ (trước tiên là các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng) được xác định bằng ba thuật ngữ: Cho (dare) có nghĩa là chuyền giao quyền sở hữu làm một công việc (facere) thực hiện một công việc (hành vi) nhất định hoặc không thực hiện những hành vi nhất định; cung cấp dịch vụ (praestare).

      Nội dung của hợp đồng được phân định thành các thành tố cấu thành, những thành tố này có vị trí và ý nghĩa khác nhau đối với từng loại hợp đồng cụ thể. Có những phần mà thiếu nó hợp đồng không tồn tại được ví dụ như là hợp đồng mua bán tài sản. Trong hợp đồng mua bán tài sản bắt buộc phải có tài sản (đối tượng) để bán hoặc mua và giá bán là bao nhiêu. Những điểm này được gọi là điều khoản cơ bản và bắt buộc phải có trong hợp đồng. Nếu không có những điều này thì không thể tồn tại hợp đồng mua bán. Ngoài ra còn có các điều khoản thông thường do các bên tự thỏa thuận tùy ý lựa chọn theo yêu cầu không bắt buộc phải có ví dụ như thời gian giao tài sản, mua trả chậm (mua chịu) hay mua trả tiền trước (bán chịu),…

      Ví dụ như A bán cho B một ngôi nhà thì trong hợp đồng này bắt buộc phải có tài sản đó là ngôi nhà và giá mà A bán cho B là bao nhiêu tiền. Đây là những điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng và gọi là điều khoản cơ bản. Ngoài ra hai bên còn có thể thỏa thuận về thời phương thức mua có thể mua trả chậm hay mua trả tiền trước,..

      Các loại hợp đồng trong Luật La Mã

      Căn cứ vào hình thức hợp đồng, Luật La Mã chia thành: hợp đồng thể, hợp đồng miệng và hợp đồng viết.

      Căn cứ vào thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, hợp đồng được chia thành:

      Hợp đồng thực tế, là những hợp đồng mà sau khi thỏa thuận các bên phải trao cho nhau đối tượng của hợp đồng (cho vay, cho mượn, gửi giữ,…).

      Hợp đồng ưng thuận là những hợp đồng được coi là kí kết khi các bên đã thỏa thuận xong các điều khoản của hợp đồng.

      Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

      Theo tin thần của Luật La Mã, để hợp đồng có hiệu lực phải có hai điều kiện. Một là hợp đồng phải do sự thỏa thuận giữa hai bên, không được lừa dối, không được dùng vũ lực. Hai là hợp đồng phải phù hợp với quy định của luật pháp. Trong thực tiễn xét xử, các luật gia La Mã đã phân hợp đồng thành hai loại:

      Một là hợp đồng thực tế: nghĩa vụ thực hiện và trách nhiệm nảy sinh từ thời điểm trao vật. Trong hợp đồng thực tế có hợp đồng bảo quản và hợp đồng vay mượn. Đối với hợp đồng bảo quản, thời điểm phát sinh trách nhiệm kể từ khi nhận được vật. Trong hợp đồng vay, người vay phải trả lại vật tương tự. Còn trong hợp đồng cho mượn, người mượn phải trả chính vật được mượn.

      Hai là hợp đồng ưng thuận, gồm nhiều hình thức quan hệ pháp lý như mua bán, thuê mướn sức lao động, thuê súc vật, thuê nhà ở…thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của loại hợp đồng này bắt đầu ngay sau kí hợp đồng chứ không đợi đến sau khi trao vật.

Nghĩa vụ như từ hợp đồng (ex quasi contractu)

      Khái niệm: Nghĩa vụ như từ hợp đồng dùng để chỉ nghĩa vụ phát sinh giữa các bên mà giữa họ không có sự thỏa thuận nhưng xét về tính chất và nội dung của nghĩa vụ thì “hình như” giữa các bên có một hợp đồng-tương tự như giữa các bên có hợp đồng. Nghĩa vụ phát sinh trong các trường hợp này có thể từ các giao dịch một bên hoặc từ những sự kiện khác. Xét về bản chất không phải là thỏa thuận, cũng không phải là những hành vi vi phạm pháp luật (ex delictu). Các luật gia La Mã cho rằng trong những điều kiện, hoàn cảnh thực tế phát sinh các nghĩa vụ cũng như phạm vi trách nhiệm của các bên từ các nghĩa vụ đó được giải quyết tương tự như giữa các bên đã thiết lập hợp đồng.

      Nghĩa vụ phát sinh như từ hợp đồng được thể hiện dưới các dạng sau :

      Điều hành công việc của người khác không có sự ủy quyền. Các luật gia La Mã áp dụng tương tự như giữa các bên có ủy quyền-hợp đồng ủy quyền.

      Được lợi về tài sản (làm giàu) không có căn cứ từ tài sản của người khác. Được lợi về tài sản trên sự thiệt hại của người khác được thể hiện dưới dạng sau: nghĩa vụ phát sinh do sự trả nhầm một khoản nợ mà đáng ra họ không phải trả, người nhận khoản “trả nhầm” phải hoàn trả lại phần đã nhận được; nghĩa vụ phải trả những khoản lợi không có căn cứ pháp luật.

      Thực hiện công việc không có sự ủy quyền

      Thực hiện công việc không có quyền là một trong các các căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ thuộc dạng nghĩa vụ ngoài hợp đồng theo đó người thực hiện công việc đã tự nguyện thực hiện công việc vì lợi ích của người khác (thực hiện công việc, quản lý tài sản,..) mà không có sự ủy quyền của người có công việc.

      Việc thực hiện công việc vì lợi ích của người khác trong những điều kiện nhất định làm phát sinh nghĩa vụ của người có công việc cũng như người phải thực hiện công việc vì lợi ích của người khác. Trong trường hợp thực hiện công việc của người khác, sắc lệnh của các quan chấp chính cho phép các bên kiện “như là từ các bên có hợp đồng ủy quyền”.

      Để phát sinh nghĩa vụ do thực hiện công việc không có ủy quyền, trong đó người thực hiện công việc không có ủy quyền yêu cầu người có công việc phải hoàn trả những chi phí mà họ đã bỏ ra để thực hiện công việc đó cần phải có những yếu tố: thực hiện công việc của người khác có thể được thể hiện trong việc người thực hiện công việc đã quản lý công việc, trực tiếp thực hiện công việc hoặc quản lý, chăm sóc, điều hành tài sản của người khác. Việc thực hiện này không nhất thiết phải thực hiện những hành vi pháp lý nhất định mà bất cứ sự quan tâm nào đến công việc, tài sản của người khác ví dụ như nuôi gia súc, sửa lại bức tường sắp đổ…Thông thường thực hiện công việc khi người có công việc không có mặt hiện hữu. Việc thực hiện công việc trong đó người thực hiện không có nghĩa vụ phải thực hiện (theo hợp đồng, theo quy định của pháp luật). Người thực hiện công việc đã thực hiện công việc đó với ý định bằng chi phí của người có công việc (mặc dù tự họ có thể bỏ ra các chi phí đó). Và việc thực hiện công việc không phải là hình thức “làm thuê” để lấy tiền công.

      Quyền và nghĩa vụ của các bên: người thực hiện công việc phải đặc biệt quan tâm đến công việc, vì vậy họ phải chịu trách nhiệm nếu do lỗi của họ dẫn đến thiệt hại cho người có công việc. Và chủ công việc có nghĩa vụ phải trả cho người thực hiện những chi phí mà họ đã bỏ ra để thực hiện công việc đó. Còn nếu người chủ công việc có lý do để từ chối nghĩa vụ, người thực hiện công việc có quyền yêu cầu hoàn trả những khoản lợi mà chủ công việc có được từ việc thực hiện công việc.

      Ví dụ như  ông A là hàng xóm với ông B. Do mẹ ông B ốm nặng nên cả nhà phải về quê thăm. Ông A nhờ ông B trông hộ nhà và khi thấy vườn cam của nhà ông A chín, ông B sợ quả bị hỏng nên đã thu hoạch và đem đi bán giúp. Việc bán quả tuy không được ông A nhờ nhưng ông B vẫn tự nguyện làm vì lo ông A bị mất thu nhập từ số quả đó. Như vậy ông A đã thực hiện công việc không có ủy quyền. Đó là một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối. Trong trường hợp này ông B đã thực hiện công việc giúp ông  A như công việc của chính mình. Ông B cũng đã làm đúng ý định của ông A vì nếu ông A có mặt ở nhà thì ông A cũng thu hoạch và bán số quá đó. Còn nếu khi ông B trả lại ông A số tiền bán quả nhưng ông A cho rằng số tiền đó quá ít và không nhận thì trong trường hợp này B có quyền yêu cầu A hoàn trả các khoản lợi thu được từ việc thực hiện công việc. Và theo sắc lệnh của các quan chấp chính trong luật La Mã thì cho phép các bên kiện “như là từ các bên có hợp đồng ủy quyền”.

      Nghĩa vụ phát sinh do được giàu không có căn cứ

      Thông thường tài sản của một người được “tăng thêm” hay nghĩa vụ về tài sản “được giảm” đi phải dựa trên những căn cứ nhất định. Trong trường hợp này họ đã “làm giàu, được lợi” có căn cứ (nhận tiền từ người mua, của người vay). Nếu tài sản của một người được tăng thêm hay nghĩa vụ của họ giảm đi là nguyên nhân dẫn đến việc giảm tài sản của người khác mà không có căn cứ được coi là được lợi không có căn cứ.

      Các luật gia La Mã thừa nhận nguyên tắc sự kiện làm giàu trên tài sản của người khác không có căn cứ phát sinh nghĩa vụ của người “được lợi” phải trả cho người bị thiệt hại khoản lợi mà họ đã thu nhận được đây là một dạng nghĩa vụ ngoài hợp đồng nhưng không được coi là nghĩa vụ bồi thường thiệt hại bởi việc làm giàu đó nằm ngoài ý chí của người được làm giàu. Các luật gia La Mã coi nghĩa vụ dạng này phát sinh “như từ hợp đồng quasi ex coutractu-như hợp đồng vay”.

      Thứ nhất là trả nhầm một khoản nợ (Condictio indebiti). Một người đã trả nhầm một khoản nợ có quyền yêu cầu người nhận phải hoàn trả lại tiền mà mình đã trả. Theo nguyên tắc chung nếu không có nợ thì không có cơ sở để trả nợ. Để thực hiện yêu cầu này cần có những tiền đề sau: Có sự kiện trả nợ (chuyển tiền, tài sản); không tồn tại khoản nợ đó (vượt quá khoản nợ đang tồn tại) và việc trả nợ được thực hiện do nhầm lẫn.

      Thứ hai là chuyển giao một tài sản nhưng mục đích không đạt được. Đây là hình thức kiện đòi lại tài sản khi một người đã chuyển giao tài sản cho người khác để sử dụng vào một mục đích nhất định nhưng tài sản đã không được sử dụng vào mục đích đó. Điều kiện làm phát sinh hình thức này bao gồm: có sự chuyển giao tài sản từ người này sang cho người khác; việc chuyển giao này có mục đích rõ ràng và chỉ được sử dụng tài sản đó vào mục đích ấy;và mục đích không được thực hiện-người nhận tài sản đã không sử dụng tài sản vào mục đích đó.

Bản chất của nghĩa vụ từ hợp đồng và nghĩa vụ như từ hợp đồng

      Ta có thể hiểu hợp đồng về bản chất là sự thỏa thỏa thuận giữa các bên nhưng ít nhất là hai bên để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nghĩa vụ và sự thỏa thuận đó phải phù hợp với luật pháp, không lừa dối thì hợp đồng mới có hiệu lực.

      Từ đó có thể thấy rằng nghĩa vụ phát sinh như từ hợp đồng quasi ex coutractu là chuẩn khế ước, chuẩn hợp đồng, nghĩa vụ phát sinh như từ hợp đồng. Đây là những loại nghĩa vụ không phát sinh từ hợp đồng nhưng về bản chất và nội dung gần giống như nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, các loại nghĩa vụ này bao gồm: thực hiện công việc của người khác không có sự ủy quyền và  nghĩa vụ phát sinh do được giàu không có căn cứ. Bởi lẽ mặc dù không có sự thỏa thuận trước giữa hai bên nhưng khi có sự kiện xảy ra ví dụ như thực hiện công việc không có sự ủy quyền thì sắc lệnh của các quan chấp chính trong luật La Mã vẫn cho phép các bên kiện “như là từ các bên có hợp đồng ủy quyền”. Chẳng hạn như trong ví dụ về thực hiện công việc không có sự ủy quyền ở trên thì khi ông B giao lại số tiền mà mình đã thu hoạch quả cho A nhưng A từ chối không nhận thì sắc lệnh của quan chấp chính trong Luật La Mã vẫn cho phép B kiện “như là từ các bên có hợp đồng ủy quyền” đối với A.

      Vì vậy nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền trong trường hợp này gần như nghĩa vụ trong hợp đồng mặc dù việc thực hiện công việc đó không có sự ủy quyền của bên kia hay nói cách khác là không có sự thỏa thuận giữa các bên như trong hợp đồng nhưng việc kiện đòi tài sản vẫn được giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra và vẫn giải quyết như là từ các bên có hợp đồng ủy quyền.

      Tiếp nữa là nghĩa vụ phát sinh do được giàu không có căn cứ, đây cũng “tương tự” như giữa các bên có hợp đồng. Trong chừng mực nào đó nghĩa vụ do “làm giàu” không có căn cứ giống như nghĩa vụ phát sinh từ những hợp đồng thực tế trong các bên “hình như” đã trao tài sản cho nhau, trên cơ sở đó phát sinh nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, giữa nghĩa vụ phát sinh từ những hợp đồng thực tế do sự thỏa thuận giữa các bên, còn nghĩa vụ hoàn trả của “làm giàu” không có sự thỏa thuận và do đó không có căn cứ pháp luật. Chẳng hạn như C cho D vay một khoản tiền trên cơ sở đó sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của D đối với C nhưng việc vay nợ này không có căn cứ pháp luật mà chỉ là sự thỏa thuận của các bên là vay bao nhiêu và bên kia phải trả vào thời gian nào. Như vậy trong chừng mực nào đó nghĩa vụ do làm giàu không có căn cứ giống như nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng thực tế mà hình như là các bên đã trao tài sản cho nhau. Và người vay phải có nghĩa vụ trả nợ  cho người mà mình đi vay.

      Từ những phân tích trên có thể thấy được rằng việc thực hiện nghĩa vụ như từ hợp đồng “hình như” cũng tương tự như thực hiện nghĩa vụ từ hợp đồng vì nếu có tranh chấp xảy ra thì thực hiện nghĩa vụ như từ hợp đồng vẫn được giải quyết như các bên có thỏa thuận hợp đồng.

      Qua đó thấy được rằng thực hiện nghĩa vụ như từ hợp đồng “hình như” cũng là thực hiện nghĩa vụ từ hợp đồng mặc dù không phải là nghĩa vụ từ hợp đồng vì không có sự thỏa thuận giữa các bên.

      Từ đó thấy rằng Luật La Mã là bộ luật phát triển nhất của nhà nước chiếm hữu nô lệ  La Mã. Nổi bật trong bộ luật này đó là chế định về quyền sở hữu và chế định hợp đồng. Các nhà làm luật La Mã đã dự liệu được những vấn đề quan trọng về sở hữu tài sản và hợp đồng để đưa vào trong bộ luật. Chúng có ý nghĩa rất lớn, giúp cho các nhà làm luật sau này áp dụng đưa vào trong các bộ luật hiện hành. Đặc biệt là Bộ Luật Dân sự hiện nay.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân tích bản chất của nghĩa vụ từ hợp đồng và nghĩa vụ như từ hợp đồng. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top