Đất đai có vai trò quan trọng đối với đời sống của con người và các hoạt động xã hội, đây cũng là lĩnh vực có một khối lượng văn bản, chính sách pháp luật rất đồ sộ. Vì vậy, để quản lý đất đai một cách hiệu quả thì việc giám sát thực hiện các chính sách pháp luật đất đai là một điều không thể thiếu.
Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Hãy phân tích vai trò của giám sát cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật đất đai. Bằng kiến thức đã học và bằng thực tế quan sát, anh/chị có nhận định gì về việc thực hiện quyền giám sát cộng đồng trong việc thực hiện chính sách pháp luật đất đai trên thực tế thời gian qua”
Danh mục tài liệu tham khảo
- Luật đất đai năm 2013.
- Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
- Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư.
- Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật đất đai, NXB CAND, 2016.
Khái quát về quyền giám sát cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật đất đai
Mọi người cũng xem:
Vai trò quan trọng của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình
Phân tích quy định và thực trạng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Trình bày tóm tắt diễn biến vụ việc thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng (thành phố Hải Phòng). Dựa trên các quy định của pháp luật đất đai hiện hành, nhóm Anh (Chị) hãy bình luận về những việc làm của UBND huyện Tiên Lãng trong vụ việc này? Từ vụ việc này rút ra những kinh nghiệm bổ ích gì cho việc sửa đổi, bổ sung Luật đất đai?
Giám sát là hoạt động theo dõi, kiểm tra, xem xét việc thực hiện, không thực hiện hoặc không thực hiện đúng những điều đã quy định. Thông qua đó mà xác định những tồn tại để tìm ra những giải pháp khắc phục.
Chủ thể thực hiện quyền giám sát quản lý sử dụng đất đai :
Thứ nhất, giám sát mang tính chất quyền lực do Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp thực hiện theo quy định của Hiến pháp và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức hội đồng nhân dân và UBND, Điều 198 Luật Đất đai.
Thứ hai, giám sát không mang tính chất quyền lực do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của mặt trận về quản lý, sử dụng đất theo quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Điều 198 Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thứ ba, giám sát của công dân đối với quá trình quản lý và sử dụng đất đai. Việc giám sát này được thực hiện theo hình thức giám sát trực tiếp thông qua việc phản ánh, gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết hoặc giám sát gián tiếp theo cách thức phản ánh, gửi đơn đến các tổ chức đại diện để tổ chức này thực hiền quyền giám sát. (Điều 199 Luật Đất đai).
- Vai trò của giám sát cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật đất đai
Vai trò của giám sát cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật đất đai
Mọi người cũng xem:
Phân tích thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được hoàn thiện trong những quy định của luật đất đai
Điều kiện, hồ sơ, thủ tục thực hiện Sang tên sổ đỏ trong năm 2023
Nêu những vướng mắc nổi cộm trong thi hành các quy định về trình tự, thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng
Vai trò phát hiện, tố giác
Giám sát cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật đất đai có vai trò quan trọng trong việc nhằm kịp thời phát hiện, tố giác và nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật đất đai.
Về lý thuyết, nhân dân – chủ thể của quyền lực hay chủ sở hữu đất đai luôn muốn nhà nước – người nhận sự ủy quyền của mình thực hiện quyền lực một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, không ít trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau mà các quy định trong pháp luật đất đai đã bị vi phạm. Những vi phạm trong khâu thực hiện pháp luật thường có tác động tiêu cực trực diện tới xã hội, cá nhân. Vì vậy, việc phát hiện kịp thời những hành vi lạm quyền, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật đất đai của chính quyền địa phương, kịp thời uốn nắn, xử lý chặt chẽ các vi phạm pháp luật là yêu cầu đặt ra đối với hoạt động kiểm soát thực hiện pháp luật đất đai, để bảo đảm pháp luật đất đai được thực hiện một cách nghiêm chỉnh trên thực tế, góp phần giảm thiểu những phức tạp phát sinh từ đất đai, giữ vững sự ổn định xã hội. Vai trò này thể hiện trong mọi hoạt động giám sát của tất cả các chủ thể, từ các cơ quan Nhà nước cho tới tổ chức xã hội, đặc biệt là công dân.
Việc trao quyền giám sát trực tiếp cho người dân thông qua việc khiếu nại, tố cáo cũng là đáp ứng yếu tố cơ bản của dân chủ là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân – chủ thể của quyền lực nhà nước và chủ sở hữu đất đai.
Hãy phân tích vai trò của giám sát cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật đất đai
Vai trò vận động và tư vấn chính sách
Việc vận động và tư vấn chính sách đất đai là vô cùng quan trọng trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn khi đất nước đang trên phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những chính sách, quy hoạch đầu tư, dồn điền đổi thửa,… Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng các tổ chức thành viên chính là chủ thể có thể thực hiện vai trò này một cách hiệu quả nhất. Với vai trò, vị trí được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật hiện hành, cùng với hệ thống hiện hữu từ trung ương tới tận khu dân cư, khu phố, thôn xóm, bản làng, Mặt trận Tổ quốc có một thế mạnh nhất định để làm điều này.
Ngày nay người nông dân xa rời dần đồng ruộng nảy sinh những hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến cơ cấu, hoạch định, chính sách của đất nước. Vấn đề này có thể xảy ra ở các địa phương, là mối nguy hại lớn cho tương lai nguồn đất.
Việc vận động và tư vấn giúp người dân hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật, để dân hiểu cốt lõi của các chính sách từ đó người dân tự giác chấp hành sẽ giúp giảm thiểu những hậu quả không đáng có về đất đai, về chi phí sửa lỗi,… và nhiều những rủi ro khác cho đất nước.
Vai trò giáo dục, phổ biến, tuyên truyền
Giám sát cộng đồng, đặc biệt là thông qua Ban giám sát, đã tuyên truyền cho người dân biết những thông tin cần thiết về pháp luật đất đai, cũng như tiếp nhận các khiếu nại đúng và giải thích cho người dân những khiếu nại sai.
Việc trao quyền giám sát cho người dân nói riêng và xã hội hóa hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội nói chung là xu thế tiến bộ, là biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn tiêu cực trong xã hội và tinh giản biên chế bộ máy nhà nước, giảm bớt gánh nặng chi phí của ngân sách.
Nhận định về việc thực hiện quyền giám sát cộng đồng trong việc thực hiện chính sách pháp luật đất đai trên thực tế thời gian qua
Mọi người cũng xem:
Mặt tích cực
Luật Đất đai 2013 đã thực sự chú ý tới các quy định cụ thể nhằm chuyển đổi phương thức từ thể chế quản lý sang thể chế quản trị đất đai, trong đó coi trọng cả hai mặt: trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền cũng như sự tham gia giám sát của người dân, của các tổ chức xã hội. Những năm gần đây, vai trò của giám sát cộng đồng đang được Nhà nước và xã hội quan tâm nhiều hơn. Trong thực tế, một số mô hình đồng thuận trong quản lý, sử dụng đất đai ở cơ sở đang phát huy tác dụng tốt.
Nhờ nguyên tắc giám sát cộng đồng mà việc giám sát của nhân dân được thực hiện thuận lợi; qua đó, nhân dân kiến nghị phù hợp, đúng pháp luật những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Mặt hạn chế
Tuy nhiên, hình thức chủ yếu mà nhân dân thực hiện kiểm soát chính quyền địa phương là thông qua quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo nhưng cơ hội được phát biểu ý kiến, khả năng được tiếp thu ý kiến hay không phụ thuộc phần nhiều vào chính quyền địa phương. Và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo lại thuộc về chính người đã ban hành các quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính. Việc kiến nghị, phản ánh trực tiếp với chính quyền địa phương trong quá trình quản lý đất đai ít được thực hiện. Tỷ lệ người trả lời có cơ hội đóng góp ý kiến của mình trước khi quy hoạch, kế hoạch được ban hành từ năm 2011 đến năm 2015 là khá thấp và có xu hướng giảm trong vài năm gần đây (6,2% năm 2011, 6,5% năm 2012, 7% năm 2013, 5% năm 2014 và 3% năm 2015) Cho đến hiện nay, nhân dân chưa một lần được thực hiện quyền quyết định trực tiếp những vấn đề quan trọng liên quan đến tài sản quý giá bậc nhất của mình bằng hình thức trưng cầu dân ý. Vì vậy, khả năng phát hiện các sai phạm trong thực hiện pháp luật đất đai là có, nhưng khả năng uốn nắn chính quyền thực hiện đúng phạm vi ủy quyền là chưa cao.
Việc thực hiện giám sát cộng đồng trong pháp luật đất đai còn không ít trở ngại, bởi lẽ một phần còn do nhận thức về pháp luật đất đai ở một số địa phương mà đặc biệt là những nơi vùng sâu xa còn hạn chế, yếu kém. Xuất phát từ thực tế hiểu biết pháp luật đất đai còn chưa đầy đủ dẫn tới việc thực hiện giám sát cộng đồng về các chính sách pháp luật đất đai chưa thực sự hiệu quả.
Một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả của giám sát cộng đồng trong việc thực hiện chính sách pháp luật đất đai
Thứ nhất, cần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quy trình tham gia giám sát, phản biện xã hội và khả năng phản biện của các cấp chính quyền để từ đó nâng cao hiệu quả trong việc thực thi quyền giam sát của nhân dân.
Thứ hai, cần thực hiện tổng kết các bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công của các ban giám sát cộng đồng một cách toàn diện, trung thực, chính xác. Đây là một việc hết sức cần thiết, bởi trên những điều đã được tổng kết, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam sẽ nghiên cứu xem xét và tham mưu cho các cơ quan liên quan để xây dựng các cơ chế giám sát cộng đồng liên quan đến thực thi chính sách đất đai một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, cần có kề hoạch phổ biến, giáo dục một cách rộng rãi thường xuyên về Luật Đất đai năm 2013 trong dân. Chính quyền và MTTQ cấp cơ sở nên có kế hoạch trước về thưc hiện giám sát cộng đồng và thông báo cho dân biết. Nên biên soạn sách hỏi đáp một cách ngắn gọn và chuẩn bị đội ngũ cán bộ hướng dẫn, phổ biến về Luật đất đai cho dân.
Thứ tư, hoạt động giám sát cộng đồng nên mang tính chủ động hơn là để khi có khiếu kiện của dân mới tiên hành, cần có cơ chế cụ thể để triển khai các phương thức giám sát khác nhau: giám sát của cơ quan dân cư, MTTQ và các tổ chức thành viên, giám sát của người dân.
Qua đây ta thấy giám sát cộng đồng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai có vai trò quan trọng, và trong thời gian qua, việc thực hiện quyền này tuy còn thiếu sót nhưng cũng có những ưu điểm nhất định. Vì vậy chúng ta cần tiếp tục thực hiện một cách hợp lý và có hiệu quả, đồng thời khắc phục những hạn chế nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người dân một cách đúng đắn và chân thực nhất.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Hãy phân tích vai trò của giám sát cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật đất đai. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.