Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể

Một trong những đặc quyền của cơ quan nhà nước đó chính là quyền ban hành các quyết định hành chính và tổ chức thực hiện các quyết định hành chính đó. Tuy nhiên, chính bởi đó là đặc quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên ranh giới giữa đúng thẩm quyền và lạm quyền là rất mong manh. Thực trạng giải quyết ở tòa án hiện nay cho thấy có rất nhiều đơn khởi kiện vụ án hành chính về các quyết định chưa phù hợp của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên có rất nhiều vụ án không được thụ lý bởi vì sai quy định về điều kiện khởi kiện. Chính vì vậy trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay thì việc nắm rõ các quy định của pháp luật về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính là rất cần thiết. Nhận thấy được tầm quan trọng của vấn đề nên em xin làm đề tài: “Hãy đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể.” để làm bài tiểu luận của mình.

Lý luận chung về khởi kiện vụ án hành chính

Khởi kiện vụ án hành chính là một trong những quyền của cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Pháp luật Việt Nam đã thiết lập, duy trì và từng bước hoàn thiện nhiều phương thức nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn quyền khiếu kiện hành chính của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Thế nhưng để thực hiện quyền khởi kiện của mình, cá nhân, tổ chức phải nắm rõ quy định của pháp luật về điều kiện khởi kiện.

Khởi kiện vụ án hành chính

Thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính là một việc làm quan trọng có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ các quyền lợi kinh tế, văn hóa, chính trị, tăng cường mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, hạn chế các hành vi trái pháp luật. Đây được nhìn nhận là phương tiện hữu hiệu để cá nhân, tổ chức tự bảo vệ mình. Ở góc độ cơ quan giải quyết thì việc thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính này sẽ làm phát sinh trách nhiệm thụ lý giải quyết của tòa án có thẩm quyền. Qua đó nhằm giải quyết các tranh chấp hành chính, xây dựng một nền hành chính thực sự trong sạch, vì mục đích của nhân dân. Vậy khởi kiện vụ án hành chính là gì? Khởi kiện vụ án hành chính được hiểu như thế nào?

“Khởi kiện vụ án hành chính có thể hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hay công chức theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) chính thức yêu cầu Tòa án thụ lý vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người mà họ đại diện bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính , quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước hoặc việc lập danh sách cử tri.”

Quy định chung về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính

Luật tố tụng hành chính năm 2015 không quy định khái quát và tập trung các điều kiện khởi kiện vào một điều luật cụ thể, nên trong thực tế diễn ra nhiều trường hợp các nhân, tổ chức bị mất quyền khởi kiện vì những lý do không đáng xảy ra, hoặc việc thực hiện quyền khởi kiện trở nên phức tạp và tốn thời gian, công sức không cần thiết. Dưới đây là các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính.

Thứ nhất, Điều kiện về đối tượng khởi kiện: Đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 3 và khoản 1 Điều 30 Luật TTHC năm 2015.

Thứ hai, Điều kiện về chủ thể khởi kiện: Chủ thể khởi kiện được quy định tại khoản 8 Điều 3 và Điều 54 của LTTHC 2015.

Thứ ba, Điều kiện về thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện vụ hành chính được quy định tại Điều 116 LTTHC 2015.

Thứ tư, Thẩm quyền giải quyết: Theo quy định của pháp luật thì việc khởi kiện chỉ có thể được thực hiện và bảo đảm nếu việc khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 31 và 32 LTTHC 2015.

Thứ năm, Điều kiện về phương thức, hình thức và thủ tục khởi kiện: Phương thức khởi kiện được quy định tại Điều 115 luật TTHC năm 2015. Khi khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 118 của LTTHC 2015.

Như vậy khi một cá nhân hay tổ chức bất kì nào đó muốn thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính của mình thì bắt buộc phải tuân theo các quy định trên. Một đơn khởi kiện chỉ được thụ lý khi đảm bảo về cả nội dung cũng như hình thức theo quy định của pháp luật.

Đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể

Tình huống

Anh Trần Văn T 45 tuổi có hộ khẩu thường trú tại xã X, huyện K. Anh T có một mảnh đất diện tích 300m2 có nguồn gốc khai hoang từ năm 1994 và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2008. Anh T đã xây dựng một nhà xưởng cơ khí trên diện tích đất đó để làm ăn và đó là công việc tạo ra thu nhập chính của anh. Ngày 20/02/2017 ủy ban nhân dân xã X ra quyết định số 76/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của anh T với lý do đó là đất thuộc quỹ đất của xã và sẽ không được bồi thường. Ngày 21/02/2017 anh Trần Văn T nhận được quyết định thu hồi đất. Sau khi nhận được quyết định thu hồi đất anh T cho rằng việc Ủy ban nhân dân xã X ra quyết định thu hồi đất với anh là không thỏa đáng và không đúng với quy định tại Điều 66 luật đất đai năm 2013 về thẩm quyền thu hồi đất. Chính vì vậy ngày 28/02/2017 anh Trần Văn T đã gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính tới tòa án nhân dân huyện K về việc ủy ban nhân dân xã X ra quyết định thu hồi mảnh đất với diện tích 300m2 của anh là sai thẩm quyền và yêu cầu ủy ban nhân dân xã X hủy quyết định thu hồi đất. Sau khi xem xét đơn kiện của anh T, tòa án nhân dân huyện K đã thụ lý và giải quyết vụ án.

Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể
Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể

Phân tích điều kiện khởi kiện trong tình huống và đánh giá quy định của pháp luật

Trong tình huống trên thì anh T khởi kiện UBND xã X về việc ban hành quyết thu hồi đất sai thẩm quyền, và trong trường hợp này anh T cũng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về điều kiện khởi kiện.

Điều kiện về chủ thể khởi kiện

Phân tích điều kiện về chủ thể khởi kiện trong tình huống

Khoản 1 Điều 115 luật TTHC năm 2015 quy định: “ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó” . Trong tình huống trên người khởi kiện là anh Trần Văn T, đối chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 115 thì anh T hoàn toàn có quyền khởi kiện khi anh không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND xã X. 

Trên tinh thần của khoản 8 Điều 3 luật TTHC “ Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân…” thì như vậy bất kỳ cá nhân, tổ chức, cơ quan nào cũng có quyền khởi kiện vụ án hành chính; tuy nhiên để quyền khởi kiện vụ án hành chính của cá nhân, tổ chức được hiện thực hóa thì quyền khởi kiện phải được thực hiện bởi những chủ thể có năng lực hành vi tố tụng hành chính theo quy định tại Điều 54 LTTHC 2015. Như vậy, việc khởi kiện vụ án hành chính chỉ có thể được thực hiện bởi người có quyền khởi kiện vụ án hành chính hoặc người đại diện của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính với điều kiện người đó đảm bảo năng lực hành vi tố tụng hành chính. Trong tình huống anh T đã 45 tuổi, có sức khỏe, làm chủ xưởng cơ khí thì như vậy anh T hoàn toàn có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính nên anh ấy đáp ứng đủ điều kiện làm chủ thể khởi kiện vụ án hành chính, anh T tự nhân danh chính bản thân mình để kiện đòi quyền lợi của mình

Thế nhưng để khởi kiện vụ án hành chính thì cá nhân, tổ chức phải có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong tình huống trên thì anh T có một mảnh đất và anh đã xây dựng nhà xưởng trên đất đó để làm ăn. Nhưng nay anh lại nhận được quyết định số 76/QĐ-UBND của UBND xã X về việc thu hồi mảnh đất của anh với lý do đó là đất thuộc quỹ đất của xã và sẽ không được bồi thường. Và việc UBND xã X ra quyết định thu hồi đất này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của anh T vì mảnh đất này anh đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất hơn nữa trên mảnh đất này anh đã xây dựng nhà xưởng để làm ăn và đó là nguồn thu nhập chính của anh. Nên nếu bây giờ UBND xã X ra quyết định thu hồi và không bồi thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của anh, chính vì vậy anh T đã làm đơn khởi kiện.

Đánh giá quy định pháp luật hiện hành về điều kiện về chủ thể khởi kiện vụ án hành chính.

Dựa theo tình huống của anh T cũng như là các quy định của luật TTHC năm 2015 về điều kiện về chủ thể khởi kiện em nhân thấy pháp luật quy định khá chặt chẽ, cởi mở theo hướng có lợi cho người dân, qua đó giúp họ thực hiện tốt quyền của mình, đảm bảo pháp luật được thực thi trên thực tế.

  • Ưu điểm

Thứ nhất: Luật TTHC quy định điều kiện về chủ thể khởi kiện là hợp lý, luật đã quy định rõ ràng từng trường hợp cụ thể về quyền khởi kiện trong từng vụ án như: khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc…

Thứ hai: phạm vi người người khởi kiện rộng. Người khởi kiện trong vụ án hành chính không chỉ là cá nhân mà còn là cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật TTHC 2015 bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp,….. (khoản 11 Điều 3). 

Thứ ba: Tuy luật TTHC quy định khá rộng những người có quyền khởi kiện nhưng không phải ai cũng được nhà nước trao cho quyền năng này. Ngoài những quy định trên thì người khởi kiện trong vụ án hành chính phải có năng lực chủ thể tố tụng hành chính. Theo đó, chủ thể từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng hành chính hoặc có thể ủy quyền cho bất cứ người nào đại diện cho mình tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 54 Luật TTHC trừ những người không được làm người đại diện theo khoản 6, khoản 7 Điều 54 Luật TTHC. Nếu là cơ quan, tổ chức thì phải thông qua người đại diện theo pháp luật để thực hiện quyền khởi kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 48 và điểm c khoản 2 Điều 54 Luật TTHC. Còn người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

  • Hạn chế

Thứ nhất: Hiện nay, Luật TTHC và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành không có quy định người khởi kiện phải là người bị “tác động trực tiếp” bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính. Nên là cần phải quy định rõ điều này, tránh trường hợp hạn chế quyền khởi kiện của cá nhân, cơ quan và tổ chức.

Thứ hai: Luật TTHC và các văn bản pháp luật có liên quan chưa quy định về cách thức khởi kiện vụ án hành chính của người có nhược điểm về thể chất. Vì vậy sẽ gây khó khăn cho những người này trong quá trình khởi kiện

Thứ ba: Luật TTHC không cho phép các cá nhân, cơ quan, tổ chức được ủy quyền khởi kiện vụ án hành chính. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp các cá nhân, tổ chức không thể trực tiếp thực hiện quyền khởi kiện của mình khi tham gia tố tụng hành chính vì một số lý do nào đó. Ví dụ như trong tình huống trên anh T bị ốm nặng và phải nhập viện mà không thể tự mình đi khởi kiện thì quyền và lợi ích của anh T sẽ không được đảm bảo bởi hành vi hành chính của UBND xã X.

Thứ tư: Luật TTHC và các văn bản pháp luật TTHC vẫn không có quy định hướng dẫn cụ thể việc xác định người khởi kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức, điều này gây khó khăn trong việc xác định tư cách tố tụng của người khởi kiện đối với những vụ án phức tạp. Hơn nữa luật TTHC không phân biệt giữa chủ thể có quyền khởi kiện với chủ thể thực hiện việc khởi kiện vụ án hành chính mà chỉ quy định chung: người khởi kiện nên chúng ta cần tuân thủ và vận dụng linh hoạt các quy định ở: khoản 8 Điều 3, Điều 5, khoản 1 Điều 9, Điều 54 của LTTHC 2015.

Điều kiện về đối tượng khởi kiện

Phân tích điều kiện về đối tượng khởi kiện trong tình huống

Đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính có thể là quyết định hành chính (khoản 1 Điều 3), hành vi hành chính (khoản 3 Điều 3), quyết định kỷ luật buộc thôi việc (Khoản 5 Điều 30), danh sách cử chi (khoản 3 Điều 115). Ngoài ra, căn cứ vào Điều 116 về thời hiệu khởi kiện, thì đối tượng khởi kiện có thể là quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 hoặc lần 2. Tuy nhiên các quyết định hành chính đó phải áp dụng đối với một, đối tượng cụ thể, phải xác định được trên thực tế, hay nói cách khác đó phải là các quyết định hành chính cá biệt và quyết định đó đã có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức. Còn các hành vi hành chính tồn tại dưới dạng hành động và không hành động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng, thẩm quyền thực hiện, và chính hành vi đó đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chúng ta có thể hiểu rằng sự ảnh hưởng đó chính là ảnh hưởng tiêu cực đến các chủ thể bị hành vi trực tiếp xâm phạm, có sự xâm phạm mới có thể khởi kiện.

Tuy nhiên không phải tất cả các quyết định hành chính, hành vi hành chính đều được khởi kiện mà trừ các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 30, đó là các quyết định thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao; trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; quyết định mang tính nội bộ. Quy định như vậy nhằm bảo vệ bí mật quốc gia, nội bộ cũng như giúp việc tiến hành giải quyết vụ án trở nên nhanh chóng, khách quan hơn. Còn đối với quyết định kỉ luật buộc thôi việc thì tại khoản 2 Điều 30 luật TTHC thì công chức chỉ được “Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống”. Như vậy, chỉ những quyết định của Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống thì mới là điều cần cần và đủ để Tòa có thể xem xét đơn kiện và có thể thụ lý đơn của người đi kiện.

Trong tình huống trên thì đối tượng khởi kiện là quyết định số 76/QĐ-UBND của UBND xã X về việc thu hồi đất của anh T. Quyết định đó là quyết định cá biệt, ảnh hưởng duy nhất đến quyền lợi của anh T. Nên anh T đã khởi kiện quyết định này của UBND xã X nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đánh giá quy định pháp luật hiện hành về điều kiện về đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Thông qua phân tích về đối tượng khởi kiện trong vụ việc của anh T, ta thấy pháp luật quy định theo hướng có lợi cho người khởi kiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ trong việc bảo vệ quyền của mình.

  • Ưu điểm:

Luật TTHC năm 2015 quy định đối tượng khởi kiện theo hướng mở rộng, khi quyết định hành chính, hành vi hành chính, danh sách cử chi… đều được quy định là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.  Nếu như Pháp lệnh Thủ tục giải quyết vụ án hành chính thì đối tượng khởi kiện được xác định theo phương pháp liệt kê loại việc thì đến  Luật TTHC 2015 đã quy định về loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo phương pháp loại trừ. Điều này  không chỉ đáp ứng được nhu cầu mở rộng thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính mà còn thể hiện tính khoa học, hợp lý của kỹ thuật lập pháp mới tiến bộ so với cách quy định liệt kê như Pháp lệnh trước đó.

  •   Hạn chế:

Thứ nhất: Luật cần phải giải thích chi tiết hơn về khái niệm quyết định hành chính, hành vi hành chính, hay xác định rõ hơn về việc khiếu kiện về “hành vi lập danh sách cử tri” thay vì là “danh sách cử tri” bởi bản chất của việc kiện này là kiện về lập danh sách cử tri

Thứ hai: Luật TTHC 2015 không loại trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ ra khỏi các loại việc là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Nhưng tại Điều 31, 32 của Luật thì không xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Nên sẽ gây khó khăn cho người áp dụng.

Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể
Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể

Điều kiện về thời hiệu khởi kiện

Phân tích điều kiện về điều kiện khởi kiện trong tình huống

Khoản 1 Điều 116 luật TTHC năm 2015 quy định: “ Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”. Như vậy pháp luật quy định về thời hiệu khởi kiện nhằm đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích giữa người khởi kiện và người bị kiện. Thời hiệu được hiểu là một khoảng thời gian mà khi hết khoảng thời gian đó thì sẽ không còn quyền khởi kiện nữa. Nên là trong thực tiễn mọi người cần lưu ý quy định về thời hiệu nhằm tránh các trường hợp hết thời hiệu rồi mới khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Trong tình huống trên thì thời hiệu khởi kiện của anh T là hợp lý, vì anh đã kiện quyết định hành chính nên sẽ áp dụng thời hiệu tại điểm a khoản 2 Điều 116: “01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính…”. Trong tình huống này thì ngày 21/02/2017 anh Trần Văn T nhận được quyết định thu hồi đất, và ngay sau đó  ngày 28/02/2017 anh Trần Văn T đã gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính tới tòa án nhân dân huyện K để yêu cầu tòa giải quyết. Ta có thể thấy rằng chỉ sau 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi đất thì anh T đã làm đơn khởi kiện. Thì như vậy việc khởi kiện của anh T hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 116 luật TTHC.

Như vậy ta có thể thấy rằng thời hiệu khởi kiện phụ thuộc vào đối tượng khởi kiện. Chúng ta cần phải căn cứ vào đối tượng khởi kiện cụ thể để xem thời hiệu là bao nhiêu ngày tương ứng với điều luật

Đánh giá quy định pháp luật hiện hành về điều kiện về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.
  • Ưu điểm

Có thể thấy Luật TTHC hiện hành đã quy định một cách hợp lí hơn về thời hiệu khởi kiện. Nếu như trong các Pháp lệnh Thủ tục giải quyết vụ án hành chính trước đây việc quy định thời hiệu khởi kiện quá ngắn. Thì nay luật TTHC đã quy định dài hơn, và việc kéo dài hơn thời hiệu khởi kiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có đủ thời gian chuẩn bị tài liệu, chứng cứ trước khi đưa vụ án ra tòa xét xử.

  • Hạn chế

Thứ nhất: còn hạn chế trong các trường hợp không tính vào thời hiệu khởi kiện như trên thực tế có thể phát sinh rất nhiều sự kiện nằm ngoài quy định của pháp luật TTHC làm cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức không thể khởi kiện trong thời hạn luật định như: ốm đau, đi công tác, học tập nơi xa,…

Thứ hai: theo quy định về thời hiệu khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần thứ 2; thì thực tế đặt ra vấn đề: Nếu trường hợp nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà không muốn khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại, chỉ muốn khởi kiện quyết định hành chính ( giải quyết vụ việc ban đầu) thì thời điểm tính thời hiệu có được tính từ khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại hay không?

Điều kiện về thẩm quyền giải quyết và đánh giá

Điều kiện về thẩm quyền cũng là một điều kiện về khởi kiện vụ án hành chính. Theo quy định của pháp luật thì việc khởi kiện chỉ có thể được thực hiện và bảo đảm nếu việc khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 31 và 32 Luật TTHC 2015. Mặc dù tuân thủ các điều kiện như đã phân tích ở trên, nhưng cá nhân khởi kiện lại gửi đơn khởi kiện đến Tòa án không có thẩm quyền thì đơn khởi kiện không được thụ lí, vụ án hành chính không được giải quyết. Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 luật TTHC năm 2015: “ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện”. Trong tình huống trên thì việc anh T kiện lên tòa án huyện K là hợp lí. Vì đối tượng khởi kiện là quyết định thu hồi đất của UBND xã X, mà xã X thuộc huyện K nên việc anh T khởi kiện lên tòa án huyện K là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 30 luật TTHC. Tuy nhiên trong một số trường hợp tòa án cấp tỉnh có thể giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện theo khoản 8 Điều 32 luật TTHC đối với những vụ việc phức tạp. Quá đó ta thấy luật quy định về thẩm quyền giải quyết rõ ràng nhưng cũng linh hoạt, giúp cho việc giải quyết đạt hiệu quả cao nhất.

Điều kiện về phương thức, hình thức và thủ tục khởi kiện

Dựa vào Điều 115 quy định về quyền khởi kiện ta có thể thấy nếu đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính theo khoản 1 Điều 115, thì cá nhân, tổ chức được lựa chọn các phương thức khởi kiện. Trong tình huống thì anh T đã lựa chọn khởi kiện lên tòa án luôn chứ không qua bước khiếu nại quyết định hành chính đó.Như vậy, quy định của pháp luật đã tạo tính “mở” hơn về các phương thức khởi kiện vụ án hành chính cho người dân được lựa chọn nhiều phương thức khởi kiện hơn, nhưng chúng ta có thể thấy nếu đối tượng khởi kiện là danh sách cử tri mặc dù pháp luật tạo điều kiện để bảo vệ quyền lợi cho người dân nhưng trên thực tế điều kiện này rất khó để thực hiện.

Còn về hình thức, thủ tục thì đơn khởi kiện phải có nội dung chính được quy định tại Điều 118. Kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm.

KẾT LUẬN

Trong thực tiễn, việc hiểu và áp dụng đúng pháp luật tố tụng hành chính về điều kiện khởi kiện có một ý nghĩa rất quan trọng. Nắm rõ được điều kiện khởi kiện sẽ giúp cho quyền lợi của chúng ta được bảo vệ hơn, việc khởi kiện thuận lợi hơn tránh tình trạng đơn khởi kiện không được thụ lý dẫn đến mất quyền lợi. Và việc các cơ quan có thẩm quyền nắm rõ quy định về điều kiện khởi kiện sẽ giúp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được đảm bảo. Góp phần xây dựng xã hội ổn định, phát triển


PHỤ LỤC

Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính là một trong những quy định quan trọng của pháp luật tố tụng hành chính. Nó là tổng thể các điều kiện về chủ thể, đối tượng, thời hiệu và thẩm quyền giải quyết. Qua nghiên cứu về điều kiện khởi kiện sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn, toàn diện hơn, giúp cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được đảm bảo hơn.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính thông qua tình huống cụ thể. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top