Đối với một nền kinh tế, hoạt động đầu tư có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó không chỉ đóng vai trò trong quá trình tái sản xuất của xã hội mà còn tạo ra những cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế ở những nước đang phát triển thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nợ nần và nghèo đói, tạo ra sự phát triển của các nền kinh tế phát triển. Để thực hiện đầu tư có hiệu quả rất cần phải có sự lựa chọn hình thức đầu tư gắn với nhiều thủ tục triển khai khác nhau.
Hiểu được điều đó em xin chọn đề bài số 7: “Một nhà đầu tư Việt Nam dự định triển khai 1 dự án xây dựng bến phà nằm trên địa bàn 2 tỉnh A và B, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách qua dòng sông nằm giữa địa bàn 2 tỉnh, kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Hãy tư vấn cho nhà đầu tư về hình thức đầu tư và thủ tục triển khai dự án đầu tư.”
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Luật đầu tư 2014.
- Luật đầu tư công 2014.
- Luật doanh nghiệp 2014.
- Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đầu tư, NXB CAND, năm 2011.
Khái quát về hình thức đầu tư và thủ tục triển khai dự án đầu tư
Hình thức đầu tư
Hình thức đầu tư được hiểu là cách thức mà nhà đầu tư thực hiện để triển khai các hoạt động đầu tư. Mặc dù Luật đầu tư 2014 không giải thích về hình thức đầu tư mà chỉ giải thích đầu tư kinh doanh là “việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế…” Nhưng thông qua định nghĩa này, ta có thể biết được hình thức đầu tư gồm những cách thức nào. Nội dung cụ thể của các hình thức đầu tư được quy định tại mục 1 chương IV Luật đầu tư 2014 về Hình thức đầu tư.
Tóm lại, các hình thức đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2014 gồm 3 hình thức là: thành lập tổ chức kinh tế (Điều 22 Luật đầu tư 2014 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 44 Nghị định 118/2015/NĐ-CP); đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế (Điều 24 Luật đầu tư 2014); đầu tư theo hợp đồng và thực hiện dự án đầu tư. Tùy từng trường hợp và trong những điều kiện cụ thể, nhà đầu tư sẽ lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp nhất để thực hiện các hoạt động đầu tư.
Thủ tục triển khai đầu tư
Theo nghĩa thông thường, thủ tục là “những việc cụ thể phải làm theo một trật tự quy định, để tiến hành một công việc có tính chất chính thức”. Vậy thì thủ tục đầu tư là những việc cụ thể mà nhà đầu tư phải thực hiện theo một trình tự nhất định để tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo Luật đầu tư 2014, thì thủ tục triển khai đầu tư bao gồm các thủ tục như xin chủ trương đầu tư, xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án, thủ tục giãn tiến độ đầu tư hoặc thủ tục chuyển nhượng, chấm dứt dự án đầu tư,…
Giải quyết tình huống
Tư vấn về hình thức đầu tư
Trong số những hình thức đầu tư như thành lập tổ chức kinh tế; mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tư; đầu tư theo hợp đồng và thực hiện dự án thì những hình thức đầu tư mà nhà đầu tư Việt Nam có thể sử dụng để thực hiện dự án đầu tư này bao gồm: thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện thông qua ký kết hợp đồng đối tác công tư (PPP).
Thứ nhất, thành lập tổ chức kinh tế. Nhà đầu tư Việt Nam trong tình huống này có thể thực hiện dự án xây dựng bến phà thông qua hình thức thành lập tổ chức kinh tế. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế là việc nhà đầu tư bỏ vốn để thực hiện hoạt động thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hoặc tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo đó, trong trường hợp này nhà đầu tư có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư như doanh nghiệp tư nhân (DNTN), công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 1 thành viên do số vốn dự định ban đầu là không quá lớn. Trong 2 loại hình doanh nghiệp trên thì nhà đầu tư nên thành lập công ty TNHH 1 thành viên do những ưu điểm của loại hình doanh nghiệp này so với loại hình DNTN là sự tách bạch tài sản, trách nhiệm hữu hạn của chủ sở hữu, tư cách pháp nhân của công ty TNHH 1 thành viên,… Sau khi thành lập tổ chức kinh tế thì nhà đầu tư sở hữu vốn ban đầu sẽ đóng vai trò là chủ sở hữu còn hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế được tổ chức kinh tế mới thành lập thực hiện nhân danh chính mình.
Hình thức đầu tư và thủ tục triển khai dự án đầu tư
Thuận lợi của việc thành lập công ty 100% vốn của nhà đầu tư là nhà đầu tư có toàn quyền quyết định đối với những công việc kinh doanh của công ty, công ty được hưởng toàn bộ lợi nhuận mà không phải chia sẻ với những nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, nếu lựa chọn hình thức thành lập doanh nghiệp sẽ gây lãng phí về mặt thời gian, công sức và cả tài chính của nhà đầu tư do muốn thành lập doanh nghiệp thì nhà đầu tư cần phải hoàn thành những thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 và văn bản pháp luật có liên quan.
Thứ hai, ký kết hợp đồng đối tác công tư. Trong tình huống trên, ngoài hình thức thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư còn có thể đầu tư thông qua việc ký kết hợp đồng đối tác công tư. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 nghị định 15/2015/NĐ-CP thì đầu tư theo hình thức đối tác công tư là “hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công”. Các loại hợp đồng đối tác công tư bao gồm hợp đồng BOT, BTO, BT, BOO, BTL, O&M và các hợp đồng dự án khác. Tuy nhiên, trên thực tế hợp đồng BOT và BT là hình thức hợp đồng phổ biến được các nhà đầu tư lựa chọn khi ký kết hợp đồng đối tác công tư.
Điểm chung của những hợp đồng này là nhà đầu tư sẽ bỏ vốn để xây dựng công trình và chuyển giao cho Nhà nước, sau đó Nhà nước sẽ thanh toán và đền bù cho nhà đầu tư bằng những phương thức khác nhau. Sự khác nhau giữa hợp đồng BOT và BT đến từ phương thức thanh toán, đền bù của Nhà nước và thời điểm nhà đầu tư chuyển giao quyền sở hữu công trình cho Nhà nước. Đối với hình thức BOT, sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư quản lý và kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn và có lợi nhuận, hết thời hạn này, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình cho Nhà nước. Còn với hình thức BT, sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư chuyển giao quyền sở hữu công trình cho Nhà nước và Nhà nước sẽ thanh toán bằng quỹ đất để nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận hợp lý.
So với những hình thức đầu tư khác thì đầu tư theo hợp đồng BOT thể hiện nhiều ưu điểm như nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có thể tự lựa chọn nhà thầu tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp,…; vấn đề nan giải và làm kéo dài thời gian thực hiện rất nhiều dự án hiện nay là giải phóng mặt bằng sẽ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm thực hiện, nhà đầu tư không cần tốn thời gian và công sức vào vấn đề này. Điểm rất quan trọng đối với nhà đầu tư là lợi nhuận thì trong hình thức này, lợi nhuận của nhà đầu tư luôn được bảo đảm vì sau khi thực hiện xong quá trình xây dựng, nhà đầu tư được kinh doanh công trình trong một thời gian để thu lại vốn và có được khoản lời hợp lý. Mặt khác, khi lựa chọn hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, đất đai và các biện pháp đảm bảo đầu tư theo quy định trong Luật đầu tư 2014 và nghị định số 15/2015/NĐ-CP,…
Kết luận: Trong tình huống trên, hình thức đầu tư phù hợp nhất đối với nhà đầu tư là hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT.
Tư vấn về thủ tục triển khai đầu tư
Theo Luật đầu tư công thì dự án xây dựng bến phà với vốn khoảng 1000 tỷ đồng thuộc loại dự án nhóm B. Do đây là dự án do nhà đầu tư đề xuất nên theo nghị định số 15/2015/NĐ-CP thì thủ tục để triển khai, thực hiện dự án đầu tư là:
Thứ nhất, nộp hồ sơ đề xuất dự án. Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất dự án gửi Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh; nội dung hồ sơ được quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 15/2015/NĐ-CP.
Thứ hai, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi được quy định tại Điều 25 Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Bộ trưởng, Thủ trường cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án xây dựng bến phà.
Thứ ba, ký kết thỏa thuận đầu tư. Sau khi trúng thầu dự án xây dựng bến phà, nhà đầu tư sẽ ký kết thỏa thuận đầu tư với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ tư, đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký (GCNĐK) đầu tư. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 39 Nghị định 15/2015/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp GCNĐK đầu tư cho nhà đầu tư trong tình huống là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nội dung hồ sơ, thủ tục xin cấp được quy định tại điều 40 Nghị định 15/2015/NĐ-CP.
Thứ năm, thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án. Sau khi được cấp GCNĐK đầu tư, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp dự án và thực hiện ký kết hợp đồng dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nội dung của hợp đồng dự án được quy định tại Điều 32 Nghị định 15/2015/NĐ-CP.
Thứ sáu, triển khai thực hiện dự án. Dự án được triển khai theo các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng dự án sau khi nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư được thực hiện việc lựa chọn nhà thầu; lập thiết kế kỹ thuật gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tự giám sát, quản lý hoặc thuê tổ chức tư vấn độc lập; thực hiện việc việc lý, kinh doanh công trình sau khi hoàn thiện dự án; công khai báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán.
Thứ bảy, quyết toán và chuyển giao công trình dự án. Việc quyết toán và chuyển giao công trình dự án được thực hiện theo quy định tại Điều 53, 54 Nghị định 15/2015/NĐ-CP.
Khi đứng trước các cơ hội đầu tư, các nhà đầu tư phải lựa chọn hình thức đầu tư đúng đắn để có thể thu lại được nguồn vốn của mình nhanh chóng, tránh rủi ro và các tổn thất có thể phát sinh. Nhà đầu tư phải căn cứ vào đối tượng, mục đích, nội dung, lĩnh vực và chủ thể đầu tư để lựa chọn hình thức đầu tư hợp lý. Sau đó trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, các nhà đầu tư phải thực hiện theo quy định của pháp luật về trình tự thủ tục hoạt động đầu tư.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Hình thức đầu tư và thủ tục triển khai dự án đầu tư. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.