Vận dụng tư tưởng hồ chí minh về đoàn kết quốc tế trong phòng chống dịch covid

Nội dung

Tính cấp thiết của đề tài

Hồ Chí Minh- cái tên đã quá đỗi thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam, Người là vị chủ tịch vĩ đại đã cống hiến hết cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tư tưởng của Người vẫn luôn là ngọn đèn soi sáng cho từng bước đi phát triển của Đảng và dân tộc Việt Nam. Trong mọi vấn đề ta luôn có thể tìm thấy những tư tưởng, những lời căn dặn chỉ lối của Người. Đứng trước đại dịch COVID, khi cả thế giới đang gồng mình chống đỡ, Việt Nam vẫn có thể vượt qua, giảm thiểu thiệt hại một cách tốt nhất, đó là nhờ chủ trương hiệu quả của chính phủ, của Đảng, và hơn cả là sự đồng lòng của nhân dân “Chống dịch như chống giặc”. Tất cả những điều trên đều được thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh về sự đoàn kết dân tộc, về vai trò của Đảng và nhà nước. Dù Việt Nam đã làm vô cùng tốt phương pháp phòng dịch, nhưng thực tế là chỉ được một thời gian là dịch bệnh lại bùng phát, mà cội nguồn của các đợt bùng phát đều là lây nhiễm từ nước ngoài và mang dịch về Việt Nam. Do vậy chỉ cần thế giới còn dịch thì chắc chắn Việt Nam sẽ không thể an toàn. Đứng trước tình hình đó, Đảng và nhà nước ta chủ trương học tập theo tư tưởng của Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, đẩy lùi dịch bệnh. Phát biểu tại Khoá họp thứ 73 Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hơn bao giờ hết, các nước cần tăng cường đoàn kết quốc tế, huy động các nguồn lực, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 là dịp để chứng minh rằng nếu tất cả các tổ chức, mọi người dân ở một cộng đồng, một quốc gia và trên toàn thế giới cùng đoàn kết, nắm tay nhau thì chúng ta có thể cùng nhau vượt qua những thách thức rất lớn đối với toàn nhân loại. Từ thực tiễn trên, tác giả nhận thấy cần có một bài nghiên cứu về cách vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong tình hình dịch COVID nhằm đánh giá những giá trị mà tư tưởng Hồ Chí Minh mang lại và đề ra phương pháp để thúc đẩy đoàn kết quốc tế.

Mục đích nghiên cứu

Bài tiểu luận: “ Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong phòng chống dịch COVID” sẽ phân tích những giá trị, ý nghĩa, và phương pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trước vấn đề này. Từ đó chỉ ra các biện pháp để tăng cường đoàn kết quốc tế chống dịch.

Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp phân tích – tổng hợp

– Phương pháp so sánh

– Phương pháp dùng số liệu

– Phương pháp liệt kê 

Cơ sở hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế được hình thành và bồi tụ từ nhiều nhân tố, cả chủ quan lẫn khách quan. Nhân tố chủ quan ở đây là phẩm chất đạo đức cao đẹp của Người. Còn nhân tố khách quan gồm có truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa Mác – Lê nin.

Nhân tố chủ quan

Hồ Chí Minh là hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Người là bậc  đại trí, đại nhân, đại dũng. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, từ bài giảng đầu tiên trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927) đến bản Di chúc cuối cùng (hoàn chỉnh vào tháng 5/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và việc tu dưỡng đạo đức, coi đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng. Trong đó, tinh thần quốc tế trong sáng là một phẩm chất quan trọng trong tư tưởng đạo đức của Người. Tinh thần quốc tế trong sáng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ bản chất quốc tế của giai cấp công nhân và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Theo đó tinh thần quốc tế trong sáng phải được thể hiện trong việc kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, gắn mục tiêu cách mạng của mỗi nước với mục tiêu chung của thời đại: hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế trong sáng là sự mở rộng quan hệ đạo đức giữa người với nguời và với toàn nhân loại bởi vì Hồ Chí Minh luôn coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, theo Người: “Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả. Đã là đồng chí, thì sung sướng cực khổ phải có nhau”. Đó là tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” mà Người đã tiếp thu được của Nho giáo và đã cải biến bằng mệnh đề “bốn phương vô sản đều là anh em”. Có thể nói, từ rất sớm, Người đã chủ trương quan hệ với các quốc gia dân tộc và các tổ chức trên thế giới để thêm bạn, bớt thù. Quan điểm dân tộc đã được thổi vào thời đại, đã vượt qua biên giới quốc gia, hướng tới mục tiêu độc lập, dân chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Từ đó góp phần tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế.

Nhân tố khách quan

Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam

Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam là một giá trị văn hóa xuất hiện từ thời các vua Hùng, được duy trì và phát triển xuyên suốt các triều đại Việt Nam từ thời kỳ An Dương Vương dựng nước Âu Lạc và lập đô tại Cổ Loa đánh đuổi sự xâm lược của Triệu Đà đến thời kỳ Bắc thuộc trên một ngàn năm, dù bị áp đặt ách thống trị và bóc lột tàn bạo, nhưng nhân dân ta đã đoàn kết, kiên cường đấu tranh với kẻ thống trị để giữ vững bản sắc văn hóa, để giữ gìn tiếng nói, phong tục tập quán của mình, đồng thời hoàn thiện và nâng cao nền văn hóa, văn minh của người Việt, củng cố tinh thần tự lực tự cường, tăng thêm ý chí đấu tranh giành độc lập tự chủ. Sau đó, tinh thần đoàn kết này lại càng sâu sắc hơn trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tại đây đánh dấu bước ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam lấy đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cả khi đã hoàn toàn độc lập, truyền thống đoàn kết vẫn mang những giá trị to lớn trong thời kỳ đổi mới của Việt Nam, tại đây tinh thần đoàn kết của dân tộc ta tiếp tục được phát huy với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đoàn kết cùng nhau giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng – an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam.

Có thể thấy Đại đoàn kết dân tộc là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống cực kì quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đoàn kết, yêu nước nồng nàn, cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động và sống thích ứng là những giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc Việt Nam. Từ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng Hồ Chí Minh, là cái nôi để hình thành tư tưởng đoàn kết quốc tế, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.

Chủ nghĩa Mác-Lê Nin

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, những học thuyết chân chính và chắc chắn nhất, cách mạng nhất là Chủ nghĩa Mác- Lênin”. Học thuyết Mác-Lê nin được ví như là mặt trời soi sáng, là kim chỉ nam, là ngọn cờ đoàn kết, là cơ sở để vạch ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng. Những giá trị và bài học trong chủ nghĩa Mác- Lê nin luôn được Người tiếp thu tỉ mỉ, cẩn thận và phát triển nó cho phù hợp với tình hình Việt Nam, trong đó có cả những quan điểm của Mác- Lê nin về quốc tế vô sản mà sau này trong tư tưởng Hồ Chí Minh nó được phát triển thành đoàn kết quốc tế.  

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen thay mặt Liên đoàn những người cộng sản viết và được công bố vào tháng 3-1848 có lời kết như sau: “Công nhân toàn thế giới hãy liên hiệp lại!”. Câu nói này đã tác động mạnh mẽ vào sự đoàn kết của tất cả những người vô sản trên thế giới, đặc biệt là tác động đến tư tưởng của Hồ Chí Minh khi mở ra một nhân tố mới giúp cho sự thành công của cách mạng dân tộc đó chính là đoàn kết quốc tế giữa những người cộng sản, giữa những dân tộc đang bị áp bức và giữa những quốc gia xã hội chủ nghĩa. Người đã viết những bài báo, bài tham luận vạch ra tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc để kêu gọi sự đấu tranh của các dân tộc đang bị áp bức và tranh thủ sự ủng hộ của những người tiến bộ trên thế giới.

Các nhân tố chủ quan và khách quan trên kết hợp với nhau tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của Hồ Chí Minh, khiến cho đoàn kết dân tộc Việt Nam phát triển thành đoàn kết các dân tộc thuộc địa và phát triển tiếp thành đoàn kết các dân tộc trên thế giới. Từ đây hình thành một hệ thống quan niệm của Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế.

Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế

Vai trò của đoàn kết quốc tế

Đoàn kết quốc tế giữ vai trò là nhân tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến kết quả của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đã từng nói: “sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới… Sự đoàn kết quốc tế có một ý nghĩa to lớn với chúng tôi”, điều này thể hiện quan điểm của Người về mục tiêu cũng như ý nghĩa của đoàn kết quốc tế trong giải phóng dân tộc đó chính là tranh thủ nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp, vì quốc gia, dân tộc và vì nền hòa bình của khu vực và trên thế giới.

Thực hiện đoàn kết quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạng tổng hợp cho cách mạng Việt Nam.

Trong Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX, Đảng ta xác định: “ra sức phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ tối đa và khai thác mọi thuận lợi ở bên ngoài”. Nội lực ở đây là yếu tố bên trong của đất nước, đó chính là sức mạnh dân tộc. Còn thuận lợi ở bên ngoài hay ngoại lực chính là sức mạnh thời đại. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu bảo vệ tổ quốc thì cần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp mới có thể chiến thắng kẻ thù

Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sự tổng hợp của các yếu tố vật chất và tinh thần song trước hết là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và ý thức tự lực, tự cường dân tộc; sức mạnh của tinh thần đoàn kết; của ý chí đấu tranh anh dung, bất khuất cho độc lập, tự do,… sức mạnh đó đã giúp cho dân tộc ta vượt qua mọi thử thách khó khăn trong dựng nước và giữ nước.

Sức mạnh thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sức mạnh của phong trào cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, là lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, là xu thế của thời đại từ sau Cách mạng Tháng 10 Nga, là sức mạnh của ba dòng thác cách mạng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh đã từng bước phát hiện ra sức mạnh vĩ đại tiềm ẩn trong các trào lưu của cách mạng thế giới mà Việt Nam cần tranh thủ. Các trào lưu đó nếu được liên kết, tập hợp trong khối đại đoàn kết quốc tế sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Không chỉ vậy sức mạnh thời đại mà Hồ Chí Minh nhận thức còn là sức mạnh của tiến bộ khoa học công nghệ, làm thay đổi có tính cách mạng về các lĩnh vực như: năng lượng, vật liệu, công nghệ sinh học, giao thông vận tải…, loài người đã tiến một bước dài trong việc chinh phục thiên nhiên

Thực hiện đoàn kết quốc tế nhằm góp phần cùng nhân dân thế giới thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng của thời đại.

Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, chủ nghĩa yêu nước chân chính phải được gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản, đại đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế; thực hiện đoàn kết quốc tế kkông phải chỉ vì thắng lợi của cách mạng mỗi nước, mà còn vì sự nghiệp chung của nhân loại tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế vì các mục tiêu cách mạng của thời đại.

Trong tác phẩm Thưởng thức chính trị (1954) Người nói : “Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình. Tinh thần quốc tế là đoàn kết với các nước bạn và nhân dân các nước khác đề giữ gìn hòa bình thế giới, chống chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc… giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta… Đó là lập trường quốc tế cách mạng”. Từ đây có thể thấy thời đại mà Hồ Chí Minh sống và hoạt động chính trị là thời đại đã chấm dứt thời kỳ tồn tại biệt lập giữa các quốc gia, mở ra các quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng cho các dân tộc, làm cho vận mệnh của mỗi dân tộc không thể tách rời vận mệnh chung của cả loài người. Ngay sau khi nắm được đặc điểm của thời đại mới, Hồ Chí Minh đã hoạt động không mệt mỏi để phá thế đơn độc của cách mạng Việt Nam, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Trong suốt quá trình đó Người không chỉ phát huy triệt để sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, mà còn kiên trì đấu tranh không mệt mỏi để củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các lực lượng cách mạng thế giới đấu tranh cho mục tiêu chung: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Lực lượng đoàn kết quốc tế và hình thức tổ chức

Lực lượng đoàn kết quốc tế

Lực lượng đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất phong phú, song tập trung chủ yếu vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế Hồ Chí Minh cho rằng, sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản quốc tế là một bảo đảm vững chắc cho thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Do đánh giá rất cao vai trò của khối đoàn kết của giai cấp vô sản thế giới, tháng 12-1920, tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp, Hồ Chí Minh đã lên tiếng: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi”. Tiếp nhận học thuyết Mác- Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy một lực lượng ủng hộ mạnh mẽ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Đó là phong trào cộng sản và công nhân thế giới, là Liên Xô và sau này là các nước xã hội chủ nghĩa, là Quốc tế thứ ba và sau này là Cục Thông tin quốc tế, Từ đó, Người đã dành nhiều thời gian và tâm lực, phấn đấu- không mệt mỏi cho việc xây dựng và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ sớm, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra âm mưu chia rẽ dân tộc để dễ bề cai trị của các nước đế quốc, tạo sự thù ghét, đối kháng dân tộc, chủng tộc,… nhằm làm suy yếu sức mạnh của các phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Ra đi tìm đường cứu nước từ một nước nô lệ nên trái tim Người cùng nhịp đập với nổi thống khổ của các dân tộc khác cùng hoàn cảnh với dân tộc mình. Chính vì vậy Người đề nghị Quốc tế cộng sản phải làm sao cho các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, xích lại gần nhau: “làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”. Và bằng mọi cách phải làm cho: “đội tiên phong của lao động thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này, chỉ có sự hợp tác này mới bảo đảm cho giai cấp công nhân quốc tế giành thắng lợi cuối cùng ”.

Đối với các lực lượng tiến bộ, những người yêu chuộng hoà bình, dân chủ, tự do và công lý. Hồ Chí Minh cũng tìm mọi cách để thực hiện đoàn kết. Trong xu thế mới của thời đại, sự thức tỉnh dân tộc gắn liền với thức tỉnh giai cấp, Hồ Chí minh đã gắn cuộc đấu tranh vì độc lập ở Việt Nam với mục tiêu bảo vệ hòa bình, tự do, công lý và bình đẳng để tập hợp và tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Sau khi Việt Nam giành được độc lập, thay mặt Chính phủ, Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để gìn giữ hòa bình”. Xuất phát từ mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ là đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất và tiến bộ, Hồ Chí Minh quan tâm đến việc khơi dậy lương tri của loài người, tạo nên tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức quần chúng, các nhân sĩ trí thức và từng người cụ thể trên hành tinh đối với cuộc cách mạng chính nghĩa của nhân dân ta. Quan điểm ngoại giao này cũng thể hiện chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã tìm thấy bạn ngay trong các nước đi xâm lược. Bởi vậy, mà Người chủ trương chống thực dân, chống bọn xâm lược chứ không phải chống người Pháp, người Mỹ nói chung.

Các hình thức tổ chức

Tư tưởng đoàn kết vì thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã định hướng cho việc hình thành bốn tầng mặt trận: Mặt trận đại đoàn kết dân tộc; Mặt trận đoàn kết Việt – Miên – Lào; Mặt trận nhân dân Á – Phi đoàn kết với Việt Nam; Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược.

Đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là vấn đề sách lược, một thủ đoạn chính trị nhất thời mà là vấn đề có tính nguyên tắc, một đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Ngay từ năm 1924 Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về thành lập “Mặt Trận thống nhất của nhân dân chính quốc và thuộc địa” chống chủ nghĩa đế quốc, đồng thời kiến nghị Quốc tế Cộng sản cần có giải pháp cụ thể để đến Đại hội VI ( 1928), quan điểm này trở thành sự thật. 

Dựa trên cơ sở các quan hệ về địa lý — chính trị và tính chất chính trị – xã hội trong khu vực và trên thế giới, cũng như tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong mỗi thời kỳ, Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập một liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung giữa 3 nước Đông Dương.

Bên cạnh đó người còn thiết lập mặt trận trong phe dân chủ cụ thể là Người luôn chăm lo củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác nhiều mặt theo tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em” với Trung Quốc, nước láng giềng có quan hệ lịch sử – văn hoá lâu đời với Việt Nam. Đồng thời thực hiện đoàn kết với các dân tộc châu Á và châu Phi đang đấu tranh giành độc lập.

Ngoài ra Người còn thiết lập mặt trận đối với các lực lượng yêu chuộng hoà bình, công lý: Trong những năm đấu tranh, Hồ Chí Minh đã tiến hành những hoạt động ngoại giao không mệt mỏi nhằm xây dựng các quan hệ với Mặt trận dân chủ và các lực lượng đồng minh chống phát xít, đoàn kết với nhân dân tiến bộ ở các nước trên thế giới, kể cả ở Mỹ và Pháp, hình thành Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược.

Như vậy, tư tưởng đại đoàn kết vì thắng lợi của cách mạng của Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở cho việc hình thành bốn tầng mặt trận: Mặt trận đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận đoàn kết Việt – Miên – Lào, Mặt trận nhân dân Á – Phi đoàn kết với Việt Nam, Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược. Đây thực sự là sự phát triển rực rỡ và thắng lợi to lớn của tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh.

Vận dụng tư tưởng hồ chí minh về đoàn kết quốc tế trong phòng chống dịch covid
Vận dụng tư tưởng hồ chí minh về đoàn kết quốc tế trong phòng chống dịch covid

Nguyên tắc đoàn kết quốc tế

Đoàn kết trên cơ sở thống nhất mục tiêu và lợi ích, có lí, có tình.

Cũng như xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, muốn thực hiện được đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản động quốc tế phải tìm ra được những điểm tương đồng về mục tiêu và lợi ích giữa các dân tộc, các lực lượng tiến bộ và phong trào cách mạng thế giới. Đây là vấn đề cốt từ có tính nguyên tắc trong công tác tập hợp lực lượng. Từ rất sớm Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sự tương đồng này nhờ đặt cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chung của thời đại, kết hợp lợi ích của cách mạng Việt Nam với trào lưu cách mạng thế giới và nhận thức về nghĩa vụ của Việt Nam đối với sự nghiệp chung của loài người tiến bộ.

Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người dứt khoát giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. “Có lý” tức là phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, phải xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng thế giới; đồng thời phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả vào hoạt động thực tiễn của mỗi nước, mỗi đảng. “Có tình” là sự cảm thông, tôn trọng lẫn nhau trên tinh thần, tình cảm của những người cùng chung lý tưởng, chung mục tiêu đấu tranh; phải khắc phục tư tưởng “sô vanh”, nước lớn, áp đặt, hoặc dung các giải pháp về kinh tế, chính trị, … để gây sức ép với nhau. Có tình còn đòi hỏi trong mọi vấn đề phải chờ đợi nhau để cùng nhận thức, cùng hành động vì lợi ích chung. Tôn trọng lợi ích của mỗi dân tộc, mỗi đảng nếu lợi ích đó không phương hại đến lợi ích chung, lợi ích của đảng khác, dân tộc khác. “Có lý, có tình” vừa thể hiện nguyên tắc, vừa là một nội dung của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh – chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Nó có tác dụng to lớn trong việc củng cố khối đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân và tình đoàn kết trong nhân dân lao động.

Đối với các dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ độc lập, tự do và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Độc lập tự do cho mỗi dân tộc theo Hồ Chí Minh là quyền trời cho, là “lẽ phải không ai chối cãi được”. Suốt cuộc đời mình, Người không chỉ đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình mà còn cho các dân tộc khác trên thế giới. Trong quan hệ với các nước láng giềng cũng như các nước khác, Hồ Chí Minh thực hiện nhất quán quan điểm có tính nguyên tắc: Dân tộc Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, đồng thời mong muốn các quốc gia, dân tộc trên thế giới quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam trên cơ sở những nguyên tắc đó. Người cũng khẳng định nhất quán chính sách ngoại giao của Việt Nam là: “làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”.

Đối với các lực lượng tiến bộ trên thế giới, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ hoà bình trong công lý. Giương cao ngọn cờ hoà bình và đấu tranh bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh xâm lược là tư tưởng bất di bất dịch của Hồ Chí Minh, nhưng đó phải là “một nền hoà bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ”. Người khẳng định: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ Việt Nam thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hoà bình”, “thái độ của Việt Nam đối với những nước Á châu là thái độ anh em, đối với ngũ cường là thái độ bạn bè”. Chính quan điểm này của Hồ Chí Minh và lòng khao khát hoà bình của nhân dân Việt Nam đã làm rung động trái tim của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Bởi vậy, trong hai cuộc kháng chiến, dân tộc ta đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ to lớn của rất nhiều lực lượng yêu chuộng hoà bình, nhờ vậy chúng ta đã làm nên những chiến thắng vẻ vang, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Đoàn kết trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Đoàn kết quốc tế là để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng quốc tế, nhằm tăng thêm nội lực, tạo sức mạnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Để đoàn kết tốt phải có nội lực tốt. Nội lực luôn là nhân tố quyết định hàng đầu, còn nguồn lực ngoại sinh chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua nguồn lực nội sinh. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần “muốn người khác giúp mình thì trước hết tự mình phải giúp lấy mình đã”. Người còn chỉ rõ “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì dân tộc đó không xứng đáng được độc lập”. Vì vậy, muốn tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế, Đảng phải có đường lối độc lập, tự chủ và đúng đắn. 

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong phòng chống dịch COVID.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là những tôn chỉ trong hoạt động đối ngoại của ta. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid hiện nay, những nội dung và ý nghĩa của tư tưởng đó lại càng thể hiện giá trị thực tiễn và nhân văn của mình. Bởi theo nhận xét của phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đại dịch COVID-19 thực sự là một thách thức rất lớn đối với toàn nhân loại. Nhưng đây cũng là dịp để chứng minh rằng nếu tất cả các tổ chức, mọi người dân ở một cộng đồng, một quốc gia và trên toàn thế giới cùng đoàn kết, nắm tay nhau thì chúng ta có thể cùng nhau vượt qua những thách thức như đại dịch COVID-19, mà chúng ta đang kiên trì, kiên cường vượt qua. Hơn lúc nào hết để thế giới có thể chống chọi lại đại dịch này thì cần liên kết với nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Minh chứng rõ rệt cho điều đó là nhờ sự nỗ lực của tất cả các nhà khoa học, rất nhiều tổ chức, cá nhân, chúng ta đã nghiên cứu và làm được ra “vũ khí” vaccine để chống lại virus SARS-CoV-2. Và những nước phát triển, sản xuất được vaccine đã chung tay, dưới sự điều phối chung của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, cùng chia sẻ, đóng góp trí thức, tiền của, vật chất để những nước đang phát triển, những nước chưa tự làm ra được vaccine, trong đó có Việt Nam, được tiếp cận tới nguồn vaccine, vốn còn hết sức khan hiếm và quý báu trong lúc này. Những vũ khí tinh thần cũng truyền tải những năng lượng sống tích cực cho người dân, cổ vũ người dân trên toàn thế giới chung tay phòng chống dịch, tiếp thêm động lực cho những con người tuyến đầu chống dịch. 

Trong suốt thời kỳ từ lúc phát hiện dịch ở Vũ Hán đến khi dịch bệnh lây lan trong cả nước, Việt Nam với tôn chỉ đoàn kết và sẻ chia với quốc tế luôn sẵn sàng bỏ sức người sức của ra hỗ trợ tất cả quốc gia đang có dịch. Cụ thể, ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tặng Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau, Việt Nam đã tặng hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước. Việt Nam tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm; tặng Myanmar 50.000 USD để cùng chung sức phòng, chống COVID-19. Không chỉ có các thiết bị vật tư y tế, để chia sẻ phần nào khó khăn mà đất nước Cuba anh em đang ứng phó với đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo. Ngoài ra Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẽ các phương pháp phòng dịch hiệu quả của mình cũng như sẵn sàng cử đội ngũ chuyên gia, bác sĩ sang các nước khó khăn để giúp họ phòng chống dịch. Những cố gắng và đóng góp của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Tất cả những thành quả này là trái ngọt của sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế.

Trong thời gian tới để nâng cao tinh thần đoan kết quốc tế phòng chống dịch, Việt Nam trước hết cần ổn định tình hình dịch bệnh trong nước, làm bàn đạp để các quốc gia trên thế giới càng thêm tin tưởng vào phương pháp phòng dịch của mình. Ngoài ra cần liên hệ, sử dụng tối đa nguồn viện trợ quốc tế vào Việt Nam với tinh thần có đi có lại, tăng cường hợp tác đa phương và tham gia vào các tổ chức quốc tế để tăng mối quan hệ gắn bó giao hảo với thế giới.


Kết luận

Đoàn kết quốc tế là một nhân tố quan trọng trong cách mạng Việt Nam góp phần to lớn vào thắng lợi của dân tộc Việt Nam, và trong thế kỷ mới, trong xã hội hiện đại thì đoàn kết quốc tế lại là nhân tố tất yếu trong tất cả các lĩnh vực đời sống. Không chỉ với Việt Nam, tư tưởng về đoàn kết quốc tế được thừa nhận và thực hiện với tất cả các quốc gia trên thế giới, sự đoàn kết ngày càng khăng khít trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay. Cũng chính vì vậy tư tưởng về đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh đã thể hiện được ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong phong trào phòng chống dịch Covid trên toàn thế giới. Tạo ngọn lửa rực cháy sự sẻ chia trong lòng người dân Việt Nam mỗi khi một quốc gia trên thế giới mắc phải đại dịch. Từ đó quảng bá nhiều hơn tấm lòng, phẩm chất cũng như văn hóa của Việt Nam ra bạn bè toàn thế giới.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân tích quy định của BLDS 2015 về thực hiện công việc không có ủy quyền. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top