Phân tích và đánh giá nguyên tắc “Tòa án nhân dân tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử”

       Một trong những tiêu chí hàng đầu được đặt ra trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân (TAND) là phải luôn đảm bảo tính khách quan, sự công minh của người cầm cân nảy mực. Và để đạt được tiêu chí này thì đòi hỏi trong hoạt động của mình TAND phải độc lập. Có thực sự độc lập, không lệ thuộc vào các cơ quan khác thì TAND mới thực sự khách quan trong việc phán xét các vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND thì nguyên tắc độc lập luôn được đặt lên hàng đầu. Đây là nguyên tắc Hiến định và được cụ thể hóa trong tất cả các văn bản luật có liên quan đến TAND.Hiểu được vai trò quan trọng của điều đó em xin chọn đề bài: “Phân tích và đánh giá nguyên tắc “Tòa án nhân dân tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử” (Điều 5 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014)”


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Hiến pháp năm 2013.
  • Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
  • Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2014.

Danh mục từ viết tắt

TAND Toà án nhân dân
TANDTC Tòa án nhân dân cấp cao

Nguyên tắc “Tòa án nhân dân tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử”

      Nguyên tắc này được quy định tại điều 5 Luật tổ chức TAND:

Các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử.

      Theo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi), tổ chức Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự.

      Về nhiệm vụ, quyền hạn của TANDTC, Chương II của Luật tổ chức Tòa án nhân dân quy định: TANDTC không thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định; tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. TANDTC quản lý các Toà án về tổ chức (quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…); xây dựng pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, bổ sung nhiệm vụ đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác của Tòa án. Về cơ cấu tổ chức của TANDTC, Luật tổ chức TAND quy định việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TANDTC theo hướng tinh gọn với Hội đồng Thẩm phán TANDTC có từ 13 đến 17 Thẩm phán TANDTC. Hoạt động xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được đổi mới theo hướng có Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC. Bên cạnh đó, để cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 104 của Hiến pháp về việc “TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”, tại khoản 4 Điều 22 của Luật tổ chức TAND quy định: “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”.

Nguyên tắc Tòa án nhân dân tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử

      Về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cấp cao, Chương III của Luật tổ chức TAND quy định: TAND cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định  đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Về cơ cấu tổ chức, TAND cấp cao gồm Ủy ban Thẩm phán (gồm Chánh án, các Phó Chánh án, các Chánh tòa và một số Thẩm phán của TAND cấp cao), các Tòa chuyên trách (bao gồm Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên; trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) và bộ máy giúp việc. Trong đó các Toà chuyên trách xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có hiệu lực pháp luật có kháng cáo, kháng nghị. Uỷ ban Thẩm phán giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị bằng Hội đồng ba Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao theo quy định của pháp luật tố tụng. Về các Tòa chuyên trách của TAND cấp cao, bên cạnh các loại Tòa chuyên trách hiện có trong cơ cấu tổ chức của TAND như: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, trong Luật tổ chức TAND quy định thêm Tòa Gia đình và người chưa thành niên để giải quyết các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên. Việc thành lập các Tòa chuyên trách này ở Tòa án cụ thể nào phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức của từng Tòa án. Trường hợp do nhu cầu công tác, cần thành lập thêm Tòa chuyên trách khác trong TAND cấp cao thì Chánh án TANDTC đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

      Về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chương IV Luật tổ chức TAND quy định các Tòa án này xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND sơ thẩm thuộc địa hạt của tỉnh; không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm.  Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị và Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật. Về tổ chức có Uỷ ban Thẩm phán, bộ máy giúp việc, có các Tòa chuyên trách bao gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Căn cứ quy định tại điểm này và yêu cầu thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.

      Đối với TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương được quy định tại Chương V Luật tổ chức TAND thì các Tòa án này có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Toà án (như TAND cấp huyện hiện nay) và giải quyết các loại việc khác theo quy định của pháp luật (như xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND). TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có thể có các Tòa chuyên trách: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Việc thành lập các Tòa chuyên trách ở TAND cấp huyện phải tùy thuộc vào quy mô về công việc và đội ngũ Thẩm phán, công chức của từng đơn vị Tòa án. Ở những đơn vị có số lượng công việc lớn, biên chế nhiều thì có thể thành lập Tòa chuyên trách; ngược lại, nếu số lượng công việc không nhiều thì chỉ bố trí Thẩm phán chuyên trách để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Hành chính, Tòa Lao động, Tòa Kinh tế, Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Việc thành lập Tòa chuyên trách cụ thể nào trong số các Toà chuyên trách nêu trên ở mỗi TAND cấp huyện do Chánh án TANDTC quyết định. . Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên về thi hành án, công chức khác và người lao động.

Phân tích và đánh giá nguyên tắc “Tòa án nhân dân tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử”
Phân tích và đánh giá nguyên tắc “Tòa án nhân dân tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử”

      Còn đối với nhiệm vụ, quyền hạn của TAQS được quy định tại Chương VI Luật tổ chức TAND xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũvà những vụ án khác theo quy định của luật. Tòa án quân sự bao gồm Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực. Chức năng, nhiệm vụ của Tòa án quân sự trung ương là Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án quân sự quân khu và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực bị kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự với cơ cấu gồm Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương; Tòa phúc thẩm Tòa án quân sự trung ương; Bộ máy giúp việc. Tòa án quân sự trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức và người lao động. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án quân sự trung ương sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tòa quân sự trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn là phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án quân sự quân khu và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật. Cơ cấu của tòa quân sự quân khu và tương đương gồm Ủy ban Thẩm phán; Bộ máy giúp việc. Tòa án quân sự quân khu và tương đương có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án quân sự khu vực là sơ thẩm vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật. Tòa án quân sự khu vực có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án quân sự khu vực sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

      Tòa án cấp dưới khi xét xử phải không lệ thuộc vào sự chỉ đạo cũng như dựa dẫm vào ý kiến chỉ đạo của cơ quan Tòa án cấp trên. Mặc dù về mặc tổ chức thì các tòa án địa phương phải chịu sự quản lý của TAND tối cao, nhưng về mặt xét xử thì tòa án cấp dưới phải hoàn toàn độc lập với tòa án cấp trên. Theo quy định thì về mặt chuyên môn TAND tối cao có thẩm quyền “hướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Toà án” và TAND cấp tỉnh có thẩm quyền tổng kết kinh nghiệm xét xử. Trên cơ sở đó, các Tòa án cấp dưới sẽ vận dụng để giải quyết các vụ án chính xác và đúng pháp luật hơn. Đối với từng vụ án cụ thể thì Tòa án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và những gì diễn ra tại phiên tòa để ra phán xét. Trong trường hợp nếu thấy vướng mắc về vấn đề tố tụng, đánh giá chứng cứ… Toà án cấp dưới có quyền làm văn bản xin ý kiến của toà án cấp trên để được hướng dẫn. Trong thẩm quyền của mình, nếu thấy có sự xung đột pháp luật hay mâu thuẫn trong văn bản áp dụng mà toà án cấp trên chưa hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa đầy đủ thì toà án cấp trên phải hướng dẫn cho toà án cấp dưới cách áp dụng pháp luật sao cho chuẩn xác nhất. Tuyệt đối, Toà án cấp trên không được phép ”chỉ đạo” Toà cấp dưới phải xử như thế này hoặc như thế kia.

Đánh giá thực trạng thực hiện nguyên tắc “Tòa án nhân dân tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử” ở Tòa án nhân dân

      Trên thực tế hiện nay vẫn đang tồn tại thực trạng là có những cơ quan, tổ chức, cá nhân dưới hình thức này hay hình thức khác có những hành vi, hoạt động tác động tiêu cực đến  nguyên tắc xét xử độc lập Tòa án.

      Thực trạng “thỉnh thị án” – sự can thiệp của cơ quan có cùng chuyên môn trong hoạt động xét xử. Đây là thực trạng một số Tòa án cấp dưới đã không căn cứ vào các quy định của pháp luật cũng như những gì diễn ra tại phiên tòa để ra phán quyết đối với một vụ án cụ thể mà lại căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Tòa án cấp trên, dưới hình thức trao đổi nghiệp vụ, để ra phán quyết. Vấn đề sai phạm ở đây là giới hạn và thẩm quyền của cơ quan Tòa án cấp trên trong việc trao đổi nghiệp vụ và hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với Tòa án cấp dưới. Tòa án cấp trên về mặt chuyên môn nghiệp vụ chỉ được quyền hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan chứ không được can thiệp và chỉ đạo đối với những vụ án cụ thể.

      Ví dụ cho thực trạng “thỉnh thị án” có thể viện dẫn vụ án “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” do TAND tỉnh Gia Lai xét xử ngày 31/3/2011.1 Trong việc xét xử vụ án này Tòa hình sự TAND tối cao đã ban hành công văn số 52/TA-HS để hướng dẫn TAND tỉnh Gia Lai xét xử một cách cụ thể, kể cả việc kết án, mà không dựa trên những diễn biến thực tế tại phiên tòa. Điều này rõ ràng là trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập.

      Hiện nay, do một số quy định của pháp luật vẫn còn bất cập, chồng chéo, các chuẩn mực để đánh giá phán quyết của Toà án, nhất là phán quyết trong các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính…chưa thống nhất, rõ ràng, nên trong thực tiễn có không ít trường hợp, các bản án, quyết định của Toà án cấp dưới đúng pháp luật, nhưng vẫn bị kháng cáo, kháng nghị lên Toà án cấp trên và các bản án, quyết định này đã bị sửa, huỷ theo ý chí hay sự đánh giá chủ quan. Trong những trường hợp này, người đã có có quyết định hoặc bản án bị cải sửa, huỷ (vượt quá tỷ lệ cho phép) sẽ bị khiển trách, kiểm điểm một cách vô lý.

      Thực trạng cho thấy việc Tòa án cấp trên can thiệp vào việc xét xử của cơ quan cấp dưới vẫn còn xảy ra rất nhiều, đây là việc làm không tuân thủ đúng nguyên tắc luật định và ảnh hưởng đến phán quyết cũng như tính đúng đắn pháp luật. Do đó rất cần những giải pháp đó là cần có sự tác động đúng đắn, đúng thẩm quyền của Tòa án cấp trên với Tòa án cấp dưới. Hơn thế nữa cần có sự phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh của cơ quan có thẩm quyền về những vi phạm thẩm quyền.

      Độc lập là yếu tố quan trọng nhất giúp cho Tòa án xét xử khách quan và công bằng. Việc xét xử độc lập theo thẩm quyền các Tòa án là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó một số quy định pháp luật có liên quan đến Tòa án cũng làm cho Tòa án không thực sự độc lập khi thực hiện chức năng của mình. Chính vì lí do đó, yêu cầu đặt ra là phải có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự can thiệp trái pháp luật đến hoạt động xét xử của TAND, đồng thời phải sửa đổi những quy định pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo sự độc lập theo thẩm quyền thực sự của Tòa án.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích và đánh giá nguyên tắc Tòa án nhân dân tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top