Phát biểu sự cần thiết ban hành quy định “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô”

      Tai nạn giao thông là sự việc bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông khi đang di chuyển trên đường giao thông, do vi phạm các quy tắc an toàn giao thông hay do gặp những tình huống, sự cố đột xuất không kịp phòng tránh, gây nên thiệt hại nhất định về người và tài sản.Theo số liệu thống kê trong những năm gần đây cho thấy, số lượng người chết và bị thương do tai nạn giao thông đang có xu hướng tăng, nhất là tai nạn giao thông do xe ô tô gây ra. Do đó, những quy định của pháp luật về tiêu chuẩn lái xe là vô cùng cấp thiết. Để chứng minh cho vấn đề này em xin lựa chọn phân tích đề tài: Phát biểu sự cần thiết ban hành quy định “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô”.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
  • Quyết định số 163/2018/QĐ-BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng bộ giao thông vận tải, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ pháp chế Bộ giao thông vận tải

Lựa chọn hoạt động

      Đối với đề tài là dự thảo về việc ban hành quy định đề bài nêu ra có thể lựa chọn hình thức của dự thảo là Thông tư, bởi vì Thông tư là văn bản giải thích, hướng dẫn những văn bản được Nhà Nước ban hành, được ban hành thuộc phạm vi quản lý của một ngành nhất định. Đối với vấn đề về cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô thuộc thẩm quyền của bộ giao thông vận tải, và mặt khác vấn đề này cũng chưa đến mức phải ban hành nghị định hay luật. Vì vậy, lựa chọn hình thức Thông tư là phù hợp nhất. Theo đó, hoạt động xem xét, đánh giá được tiến hành ở đây sẽ là hoạt động thẩm định. Thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức, kỹ thuật soạn thảo đối với dự thảo văn bản QPPL theo nội dung, trình tự, thủ tục do luật định nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ của văn bản QPPL trong hệ thống pháp luật.

Chủ thể thẩm định

      Chủ thể có thẩm quyền thẩm định dự thảo Thông tư của Bộ giao thông vận tải quy định về việc “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô” là Vụ pháp chế thuộc Bộ giao thông vận tải vì:

      Căn cứ Khoản 1 Điều 102 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định:

Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thẩm định dự thảo thông tư trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

      Căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 15 Quyết định số 163/2018/QĐ-BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng bộ giao thông vận tải, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ pháp chế Bộ giao thông vận tải như sau:

Thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ xây dựng trước khi Bộ trưởng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và các dự thảo điều ước, thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt do các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký kết, gia nhập hoặc Bộ trưởng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết, gia nhập.

Cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô

      Dự thảo quy định về việc “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô” được xây dựng thành Thông tư của Bộ giao thông vận tải. Với yêu cầu đề bài là yêu cầu phát biểu về sự cần thiết ban hành văn bản nên hoạt động tiến hành ở đây sẽ là hoạt động thẩm định những nội dung sau: sự cần thiết ban hành quy định này; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư; sự phù hợp của dự án Thông tư với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính đồng bộ và tính khả thi của dự án; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo; những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề khác có liên quan đến Thông tư.


Báo cáo thẩm định

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

VỤ PHÁP CHẾ

Số:…/BC-VPC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày…tháng…năm…

BÁO CÁO THẨM ĐỊNH

Dự thảo Thông tư của Bộ giao thông vận tải quy định về việc

“cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô”

   Kính gửi:

– Văn phòng Bộ giao thông vận tải;

– Tổng cục đường bộ Việt Nam.

       Vụ pháp chế nhận được Công văn số …./BGTVT-VP ngày…tháng…năm… của Bộ giao thông vận tải về việc đề nghị thẩm định quy định  “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô”  trong dự thảo thông tư của Bộ giao thông và vận tải.

      Căn cứ điều 130 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng bộ giao thông vận tải thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định quy định “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô” trong dự thảo thông tư của Bộ giao thông vận tải, do Vụ trưởng vụ pháp chế là chủ tịch hội đồng; Các thành viên hội đồng là đại diện các vụ: Tài chính, An toàn giao thông; Khoa học và công nghệ; chuyên viên phòng xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật- Vụ pháp chế.

      Ngày 18 tháng 6 năm 2019, Hội đồng thẩm định vụ pháp chế đã họp và cho ý kiến thẩm định đối với quy định:  “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô”  như sau:

I, Ý KIẾN THẨM ĐỊNH TỪNG NỘI DUNG

1, Sự cần thiết ban hành

a, Cơ sở chính trị

Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách pháp luật định hướng về vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Nghị quyết số 48/NQ-TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chỉ thị số 18-CT/TƯ của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. . Quan điểm của Đảng là đảm bảo trật tự an toàn giao thông đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người dân. Do đó, quy định “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe” đã làm hạn chế quyền lợi của người tham gia giao thông nên không được xem là phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng.

b, Cơ sở pháp lý

Điều 14,16 Hiến pháp năm 2013, Bên cạnh đó là khoản 2 điều 2 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc qia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” . Cùng với đó là quy định tại điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định:

      “Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông

      Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

     Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay 

      Từ quy định của Hiến pháp hay bộ luật dân sự thì mọi người có quyền dân sự cụ thể trong quá trình thẩm định này là được tự do đi dày cao gót khi lại xe. Đây là quyền đương nhiên được hưởng và cần được pháp luật bảo vệ chứ không thể bị hạn chế quyền. Mặt khác, Quốc hội cũng đã ban hành luật quy định về điều kiện khi lái xe thì không hề có một quy định nào quy định rằng đi giày cao gót thì không được lái xe.

      c , Cơ sở thực tiễn

       Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.295 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 703 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 592 vụ va chạm giao thông, làm 627 người chết, 392 người bị thương và 640 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 2 giảm 18,2% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 10,6% và số vụ va chạm giao thông giảm 25,7%); số người chết giảm 13,6%; số người bị thương tăng 10,7% và số người bị thương nhẹ giảm 21,5%.

       Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông còn kém, trong tháng đã có hai trường hợp lái xe ô tô dừng nghỉ trên đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, ngồi tập trung ăn uống ngay tại làn đường ứng cứu khẩn cấp, tạo nguy cơ tai nạn cao cho các phương tiện tham gia giao thông, cần có chế tài để xử lý nghiêm các hiện tượng này. Nguyên nhân hàng đầu chiếm 25,42 % gây ra TNGT là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường. Đứng thứ hai chiếm 10,37 % do chuyển hướng không chú ý. Đứng thứ ba chiếm 7,73 % do vi phạm tốc độ xe chạy. Đứng thứ tư chiếm 7,7 % do vi phạm quy trình thao tác lái xe và nguyên nhân thứ năm chiếm 3,36 % do người lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

      Qua những con số thống kê ở trên cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao  thông chủ yếu là do ý thức người dân khi tham gia giao thông, vượt tốc độ, đi sai làn, và nhiều nguyên nhân khác….Chứ vấn đề tai nạn giao thông xảy ra hiện nay chưa có một minh chứng rõ ràng nào cho việc đi dày cao gót là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông xảy ra.

      “Phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô” không được phê duyệt và không cần thiết được ban hành

Nơi nhận:

– Như trên;

– Văn phòng Bộ giao thông vận tải;

– Tổng cục đường bộ Việt Nam.

– Lưu: VT, VHSHC

VỤ TRƯỞNG

NGUYỄN VĂN A

      Thông tư đã chuẩn bị công phu, có nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, nội dung của dự thảo cần được bổ sung, hoàn thiện hơn.  Trên đây là ý kiến thẩm định của Vụ pháp chế về sự cần thiết ban hành quy định “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô xin gửi đến văn phòng bộ giao thông vận tải và tổng cục đường bộ Việt Nam để nghiên cứu, xem xét, chỉnh lí, hoàn thiện dự thảo./.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề:Phát biểu sự cần thiết ban hành quy định “cấm phụ nữ đi giầy cao gót khi lái xe ô tô. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top