Thiết chế gia đình trong phòng ngừa tội phạm

Đặt vấn đề

Vấn đề tội phạm là một vấn đề muôn thủa của xã hội loài người, có thể thấy từ khi con người xuất hiện tư hữu các hiện tượng tội phạm bắt đầu xuất hiện, con người bắt đầu ý thức về vấn đề tội phạm từ đó bắt đầu tìm ra nguyên nhân và phương pháp phòng ngừa tội phạm xảy ra. Xã hội càng phát triển, các loại tội phạm cũng ngày càng trở nên tinh vi, khó nắm bắt và biến tướng thành nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề đặt ra trong phòng ngừa tội phạm cho phù hợp với tình hình xã hội lúc này là tìm ra những nguyên nhân gốc rễ của tội phạm để kịp thời phản ứng và loại trừ nó. Theo tội phạm học, gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các thiết chế gia đình cũng là một phương pháp phòng ngừa tội phạm quan trọng. Qua thực tiễn tình hình tội phạm tại Lào Cai, em sẽ phân tích vai trò của thiết chế gia đình trong phòng ngừa tội phạm qua bài tiểu luận dưới đây.

Mục tiêu nghiên cứu

Nêu được khái quát các lý thuyết cơ bản về phòng ngừa tội phạm, các học thuyết liên quan đến tội phạm ảnh hưởng từ các yếu tố gia đình và nội dung của thiết chế gia đình trong phòng ngừa tội phạm gắn với thực tiễn tại tỉnh Lào Cai.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp luận, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích, phương pháp liệt kê, phương pháp tổng hợp.

Khái quát chung về phòng ngừa tội phạm

Khái niệm tội phạm

Khi nhà nước ra đời và vấn đề phân chia giai cấp, phân hóa giàu nghèo trở nên nghiêm trọng thì tội phạm cũng theo đó mà phát triển. Nhìn chung tội phạm là một hiện tượng của xã hội ra đời trong sự chênh lệch quyền và lợi ích của giai cấp thống trị và giai cấp bi trị. Các hành vi phạm tội được Nhà nước quy định và áp dụng chế tài xử phạt nếu vi phạm. Việc quy định này hoàn toàn dựa trên ý chí nhà cầm quyền, ví dụ như ở Việt Nam tàng trữ vũ khí là tội nhưng ở Mỹ thì không. Nhà nước quy định về tội phạm trong Luật hình sự nên khiến cho tội phạm mang tính chất xã hội – pháp lý. Tội phạm gắn liền với bản chất tư hữu của con người, chỉ cần con người vẫn có những mưu cầu lợi ích riêng thì khi đó tội phạm vẫn còn tồn tại.

Theo quy định của Luật hình sự Việt Nam, tội phạm được định nghĩa là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Theo đó tội phạm sẽ có các điểm cơ bản sau: Một là, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội; hai là, tội phạm được quy định trong Bộ Luật hình sự; ba là, tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện; bốn là, người thực hiện hành vi phạm tội một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý) và năm là, tội phạm xâm phạm đến một hoặc nhiều quan hệ xã hội được Luật Hình sự ghi nhận và bảo vệ. Hiểu được khái niệm và đặc điểm của tội phạm sẽ tìm ra được những phương án phòng ngừa hiệu quả

Khái niệm phòng ngừa tội phạm

Khi một hiện tượng tội phạm xảy ra, các nhà nghiên cứu thường điều tra về nguyên nhân, hậu quả, quá trình của hiện tượng đó. Cái đích mà các nhà nghiên cứu tội phạm học từ trước đến nay không chỉ là cách để xử lý hành vi phạm tội đó mà quan trọng hơn cả là cách để phòng ngừa hành vi đó xảy ra thêm một lần nữa. Theo đó, phương châm đấu tranh chống tội phạm từ trước đến nay của nước ta đó chính là: Nhanh chóng và kịp thời phát hiện tội phạm, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội, trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, hình thành thói quen phản ứng tích cực và hưởng ứng của Nhà nước và xã hội đối với tội phạm. Từ đây có thể thấy vai trò trung tâm quan trọng của phòng ngừa tội phạm đối với khoa học tội phạm học nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

Liên quan đến phòng ngừa tội phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “ Xét xử là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”, từ đây ta thấy phòng ngừa tội phạm nhìn chung xuất phát từ hành vi ngăn chặn, các nhà nghiên cứu tội phạm sau khi nghiên cứu các mặt hình thành của tội phạm sẽ đề ra các biện pháp nhất định trong hiện tại để tội phạm không xảy ra trong tương lai. Việc làm này còn được gọi là dự báo về tình hình tội phạm. Dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá đó Nhà nước và các cơ quan chức năng áp dụng vào thực tiễn. Nói về vai trò của Nhà nước trong phòng ngừa tội phạm, chủ nghĩa Mác- Lê nin cho rằng: “Với bản chất tốt đẹp của mình Nhà nước xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có khả năng tiến hành cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm có kết quả. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm phải được coi là một bộ phận của cuộc đấu tranh giai cấp, và trong cuộc đấu tranh đó phải đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa tội phạm…”. Như vậy phòng ngừa tội phạm ở đây phải là những nỗ lực chung của Nhà nước và nhân dân, những nỗ lực này phải có một sự tác động đến hành vi phạm tội, sự tác động đó phải có kết quả là làm loại bỏ hoặc làm giảm hậu quả, xác suất thực hiện tội phạm. Do vậy những phương thức dù không mang hình thức là phòng ngừa nhưng lại đem lại kết quả trên thì vẫn được coi là phương thức phòng ngừa tội phạm.

Từ các phân tích trên, các học giả tội phạm học đã đưa ra nhiều định nghĩa về phòng ngừa tội phạm ví dụ như theo GS.TS. Đỗ Ngọc Quang, phòng ngừa tội phạm có hai nghĩa: “Theo nghĩa rộng, phòng ngừa tội phạm bao hàm, một mặt không để cho tội phạm xảy ra, thủ tiêu nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Mặt khác, bằng mọi cách để ngăn chặn tội phạm, kịp thời phát hiện tội phạm, xử lý nghiêm minh các trường hợp phạm tội và cuối cùng là cải tạo, giáo dục người phạm tội, đưa họ trở thành những công dân có ích cho xã hội; theo nghĩa hẹp, phòng ngừa tội phạm là không để cho tội phạm xảy ra, không để cho tội phạm gây hậu quả cho xã hội, không để cho thành viên của xã hội phải chịu hình phạt của pháp luật, tiết kiệm được những chi phí cần thiết cho Nhà nước trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và cải tạo giáo dục người phạm tội”. Bên cạnh cách định nghĩa này, TS. Lê Thế Tiệm và tập thể tác giả cũng phân tích về phòng ngữa tội phạm như sau: “Phòng ngừa tội phạm tức là không để cho tội phạm xảy ra và gây nên những hậu quả nguy hiểm cho xã hội, không để cho các thành viên của xã hội phải gánh chịu các hình phạt khắc nghiệt của pháp luật. Và nếu tội phạm có xảy ra thì phải kịp thời phát hiện, xử lý để đảm bảo cho tội phạm không thể tránh khỏi hình phạt, giáo dục và cải tạo người phạm tội trở thành công dân có ích cho xã hội…”. Nhìn chung các cách định nghĩa trên mới chỉ nêu được vai trò chính của phòng ngừa chứ chưa nêu được các đặc điểm của chủ thể, cơ sở nói chung của phòng ngừa tội phạm. Theo đó, định nghĩa về phòng ngừa tội phạm nên được nêu như sau: “phòng ngừa tội phạm là tổng thể các biện pháp can thiệp chung và riêng áp dụng cho người phạm tội tiềm năng và nạn nhân tiềm năng, có xác định mục tiêu rõ ràng, được tiến hành bởi các thiết chế nhà nước và cộng đồng, trong đó nhấn mạnh vào cách tiếp cận vấn đề có định hướng nhắm kiểm soát hành vi không phù hợp với xã hội, những hành vi phạm tội, cũng như giải quyết những khía cạnh liên quan đến tội phạm như nỗi sợ hãi, sự rối loạn về tâm lý, mất an ninh, trật tự”.

Đối tượng phòng ngừa tội phạm

Một hành vi phạm tội xảy ra do một hoặc nhiều yếu tố chủ quan, khách quan tác động. Theo đó đối tượng của phòng ngừa tội phạm không chỉ là hành vi phạm tội, có nghĩa là ngăn chặn những hành vi phạm tội chuẩn bị xảy ra, có khả năng xảy ra mà cả những nguyên nhân tác động đến việc hình thành, lựa chọn hành vi đó cũng cần được dự liệu và ngăn chặn. Ví dụ như sự phán xét của cộng đồng là yếu tố ảnh hưởng đến những hành vi che giấu làm lây lan dịch bệnh, thì ở đây những biện pháp bảo mật thông tin cá nhân là biện pháp phòng ngừa sự phán xét tránh cho người bệnh sợ hãi mà trốn khai báo cách ly. Như vậy đối tượng của phòng ngừa tội phạm còn là những yếu tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định phạm tội, sự sợ hãi tội phạm và sự hỗn loạn mất ổn định.

Phân loại phòng ngừa tội phạm

Phòng ngừa tội phạm có thể được phân ra làm nhiều loại khác nhau căn cứ vào các hệ quy chiếu khác nhau như:

Căn cứ vào chiến lược phòng ngừa có: các chiến lược nuôi dưỡng; chiến lược bảo vệ/phòng tránh; các chiến lược ngăn chặn 

Căn cứ vào đối tượng thụ hưởng có hai loại phòng ngừa: Phòng ngừa chung và phòng ngừa cá nhân

Căn cứ vào các yếu tố cấu thành có bốn loại: Thực thi pháp luật- biện pháp phòng ngừa cơ bản do cơ quan có thẩm quyền thực hiện; sự phát triển- biện pháp ngăn ngừa sự phát triển của tội phạm tiềm năng; xã hội- biện pháp thay đổi điều kiện xã hội ảnh hưởng đến tội phạm và nạn nhân của tội phạm đó trong xã hội; tình huống- biện pháp ngăn chặn tội phạm, giảm cơ hội phạm tội và tăng nguy cơ phát hiện, bắt giữ 

Căn cứ vào cách tiếp cận có thể chia thành phòng ngừa tình huống phạm tội, phòng ngừa trên cơ sở phát triển xã hội và phòng ngừa trên nền tảng cộng đồng.

Thiết chế gia đình trong phòng ngừa tội phạm
Thiết chế gia đình trong phòng ngừa tội phạm

Nguyên nhân của tội phạm dựa trên thiết chế gia đình

Khái niệm nguyên nhân của tội phạm

Điều gì đã tạo nên phòng ngừa tội phạm dựa trên thiết chế gia đình? Và làm thế nào để sử dụng biện pháp phòng ngừa ấy? Đó là hai câu hỏi pháp lý trọng tâm của bài luận này. Hiển nhiên rằng khi nói đến phòng ngừa chúng ta phải nhắc đến những yếu tố cấu thành nên tội phạm. Theo Luật hình sự, các yếu tố cấu thành nên tội phạm gồm có mặt chủ quan, mặt khách quan, chủ thể, khách thể. Theo đó tất cả các yếu tố trên đều là biểu hiện của sự lựa chọn bị tác động bởi các nguyên nhân của tội phạm. Ví dụ như trả thù là nguyên nhân dẫn đến người phạm tội lựa chọn thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó trả thù tác động vào yếu tố tâm lý người phạm tội khiến họ cố ý thực hiện hành vi, việc cố ý cấu thành nên mặt chủ quan của tội phạm. Từ đây có thể thấy nguyên nhân của tội phạm là tổng thể những hiện tượng tiêu cực của đời sống xã hội kết hợp với những yếu tố tâm lý, những yếu tố sinh học và những tình huống theo cơ chế biện chứng nhất định làm phát sinh ra tội phạm, hỗ trợ, thúc đẩy hay kìm hãm sự tồn tại và phát triển của nó.

Biểu hiện của các thiết chế gia đình trong nguyên nhân của tội phạm

Trong học thuyết Nho giáo, gia đình là đơn vị kết cấu cơ bản nhất của xã hội, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định của xã hội, với đạo đức và cuộc sống của con người. Trong tội phạm học, gia đình là một hạt nhân quan trọng tác động đến quá trình tội phạm hóa của mỗi người. Có thể thấy các yếu tố hoàn cảnh gia đình, tình cảm người thân có tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách, tâm lý và ra các quyết định trong cuộc đời mỗi người trong đó có cả các quyết định phạm tội. Các yếu tố liên quan đến gia đình là cấu thành cơ bản của nhiều học thuyết về nguyên nhân tội phạm. Nó có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp hình thành nên nguyên nhân tội phạm.

Ảnh hưởng của gia đình đến yếu tố sinh học trong nguyên nhân của tội phạm

Con người là loài động vật bậc cao sinh sản hữu tính. Quá trình sinh sản là quá trình kết hợp giữa giao tử của nam và nữ tạo thành một hợp tử chứa 23 cặp NST được cho từ bố và mẹ. Như vậy yếu tố sinh học của mỗi người bị ảnh hưởng từ các đặc tính sinh học từ gia đình (bố, mẹ). Mà yếu tố sinh học lại có vai trò nhất định trong việc xác định hành vi  của con người. Ví dụ như, một người bị bệnh tâm thần có thể thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà bệnh tâm thần có thể xuất hiện do di truyền từ bố mẹ hoặc tiếp xúc với virus hoặc các chất độc trong khi trong bụng mẹ. 

Trong thuyết phạm tội thừa kế, sự di truyền gen của gia đình được coi là nguyên nhân cho việc phạm tội. Cụ thể nhà nghiên cứu Richard Louis Dugdale (1841-1883) trong tác phẩm Dòng họ Juke: Sự nghiên cứu về tội phạm, tình trạng bần cùng, bệnh tật và sự di truyền (1875) của mình đã chỉ ra rằng có một số dòng họ đã sản sinh ra những thế hệ tội phạm, họ đã di truyền một đặc điểm thoái hóa nào đó từ đời này sang đời khác. Quan điểm này của ông liên tục được củng cố bằng hàng loạt nghiên cứu và được áp dụng mạnh mẽ trong phòng chống tội phạm vào đầu thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Điều này chứng minh gia đình là một nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến hành vi phạm tội thông qua gen.

Ảnh hưởng của gia đình đến yếu tố tâm lý trong nguyên nhân của tội phạm

Từ góc độ duy vật biện chứng tâm lý có thể hiểu là sự phản ảnh khách quan các yếu tố bên ngoài vào não bộ con người, qua đó con người thể hiện các hoạt động cá nhân của mình ra thế giới bên ngoài. Trong tội phạm học, yếu tố tâm lý bị tác động mạnh mẽ bởi gia đình. Gia đình là một tập thể gắn bó và thường xuyên tiếp xúc với nhau. Theo đó, nếu một gia đình hạnh phúc, yêu thương lẫn nhau sẽ tác động tích cực đến sự hình thành nhân cách và tâm lý giúp giảm tỉ lệ xử sự phạm tội. Ngược lại, thực tế chứng minh ở những gia đình có mối quan hệ căng thẳng, đổ vỡ thì thành viên trong gia đình đó có nguy cơ cao xử sự phạm tội. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai, năm 2014, số lượng người chưa thành niên phạm tội ở tỉnh là 14,3%, còn ở các huyện là 85,7%, trong đó có hơn 80% trẻ chưa thành niên xuất phát từ các gia đình không hòa thuận hoặc là trẻ mồ côi. Số liệu này chứng minh sự bất ổn của gia đình như ly dị, cha mẹ không quan tâm dạy dỗ con cái, sự thiên vị, bạo hành gia đình,… đã tạo nên tâm lý tiêu cực, nóng nảy và nhân cách chống đối xã hội khiến con người khó kiềm chế, lựa chọn xử sự phạm tội để giải quyết vấn đề.

Ảnh hưởng của gia đình đến yếu tố xã hội trong nguyên nhân của tội phạm

Gia đình là cấu thành cơ bản của xã hội, trong quá trình xã hội hóa, con người vượt bậc hơn hẳn các loài động vật khác ở khả năng học tập, bắt chước của mình. Theo đó, gia đình đóng vai trò quan trọng trong quá trình xã hội hóa của mỗi người. Tội phạm giống như các dạng hành vi khác cũng được học tập, một người có thể học tập từ người thân của mình các hành vi trộm cắp, nói dối,… Ví dụ như đối với những gia đình làm nghề giết mổ động vật có thể khiến những đứa trẻ học tập bạo hành với động vật. Hay điển hình như đối với những gia đình có tư tưởng trọng nam khinh nữ, thì những người con trai khi lớn lên cũng học tập theo tư tưởng đó gây ra hành vi bạo hành gia đình. Ngược lại, nếu một người được nuôi dạy trong một gia đình có truyền thống lễ giáo, văn minh, lịch sự thường cư xử đúng mực và khi đứng trước việc lựa chọn nên thực hiện hành vi phạm tội hay không họ sẽ lựa chọn hành xử đúng lương tâm, đạo đức đã được dạy. 

Ảnh hưởng của gia đình đến nhân thân người phạm tội

Nhân thân người phạm tội là bộ phận quan trọng và cơ bản của cơ chế hành vi phạm tội. Đời sống sinh hoạt, kinh nghiệm sống của cá nhân được quy định bởi nội dung của các quan hệ xã hội cụ thể hình thành trong gia đình ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân thân con người. Theo đó có thể hiểu gia đình là một bộ phận của nhân thân mỗi người, có tác động hình thành các đặc điểm sinh học, tâm lý, xã hội của mỗi người. Trong khoa học Luật hình sự, khi xét đến hình phạt, yếu tố nhân thân như cha mẹ có công với cách mạng có ảnh hưởng đến việc giảm nhẹ hình phạt. Hoặc các đặc điểm về quan hệ gia đình là căn cứ để xem xét tội danh như loạn luân, ngược đãi hoặc hành hạ cha, mẹ, ông, bà, người có công nuôi dưỡng mình,….

Phòng ngừa tội phạm dựa trên thiết chế gia đình

Như phân tích ở trên, gia đình là một thành tố tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hành vi phạm tội. Đặc biệt, gia đình là nơi gắn bó mật thiết, nơi tìm về của mỗi con người. Hình ảnh của gia đình sẽ phản ánh một phần sự phát triển của đứa trẻ. Những yếu tố từ gia đình như cấu trúc gia đình, nguyên tắc gia đình, lịch sử gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên, sức khỏe tâm thần,… là những yếu tố ảnh hưởng thường xuyên và liên tục đến một con người. Do vậy chỉ cần một yếu tố bị lệch chuẩn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân trong gia đình đó. Do vậy ngăn chặn sự lệch chuẩn từ mỗi gia đình là một trong những biện pháp phòng ngừa tội phạm từ sớm và có ý nghĩa thực tiễn cao.

Trong nghiên cứu của Graham, đã chỉ ra 7 loại tác động đến gia đình nhằm giảm thiểu sự phạm tội ở trẻ em và thanh thiếu niên như sau:

Phòng ngừa mang thai khi còn nhỏ tuổi

Một thực trạng đáng báo động đó là theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em thuộc Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400 nghìn ca phá thai ở độ tuổi 15-49 được báo cáo chính thức, trong đó học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ khá lớn. Còn theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên/thành niên còn cao; tình trạng phá thai lặp lại ở lứa tuổi này còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. Kéo theo tình trạng này là các tội phạm tình dục gia tăng đồng thời kéo theo hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe của người mẹ và môi trường sống của trẻ khi ra đời. Đặc biệt hơn tỷ lệ mang thai khi còn nhỏ tuổi thường cao ở những nơi vùng sâu vùng xa, ở Lào Cai nơi tập chung rất nhiều các nhóm người dân tộc không còn xa lạ gì với tập tục cướp vợ hay lấy vợ sớm khi mới 14-15 tuổi. Điều này do ảnh hưởng nghiêm trọng của hủ tục và sự thiếu hiểu biết của người dân nơi đây. Do vậy phương pháp phòng ngừa tốt nhất đó chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức và thẳng tay xử phạt đối với những trường hợp tảo hôn tránh lấy lý do văn hóa ra để thoát tội.

Cung cấp sự hỗ trợ và tư vấn cho mẹ và trẻ sơ sinh

Người mẹ khi mang thai và khi sinh con tâm lý và sinh lý thay đổi thường dễ bị tác động lựa chọn những hành vi phạm tội, nhất là đối với những người mẹ mang thai ngoài ý muốn. Những vụ án trầm cảm sau sinh dẫn đến giết con là minh chứng cho việc thiếu sự quan tâm chăm sóc đến mẹ và bé dẫn đến người mẹ bị áp lực quyết định lựa chọn thực hiện hành vi phạm tội. Giải quyết tình trạng này quyết định số 4673/QĐ-BYT năm 2014 ra đời hướng dẫn chuyên môn chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ. Đồng thời các trung tâm tư vấn tâm lý, hỗ trợ sinh sản cũng góp phần cải thiện tình trạng này.

Hướng dẫn tăng chất lượng chăm sóc gia đình

Tăng chất lượng chăm sóc gia đình có thể hiểu là tăng chất lượng sống của gia đình, như chất lượng sinh hoạt ( chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm), chất lượng y tế, chế độ phúc lợi xã hội. Để tránh trường hợp không đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu dẫn đến hành vi phạm tội. 

Thiết chế gia đình trong phòng ngừa tội phạm
Thiết chế gia đình trong phòng ngừa tội phạm

Hỗ trợ giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi cha mẹ, hay cha mẹ ly dị hoặc gia cảnh nghèo túng là đối tượng dễ bị tác động dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ điển hình đó là ở Sapa thường có nhóm trẻ trộm cắp của khách du lịch hoặc gần đây xuất hiện tình trạng đập phá cửa xe để trộm đồ. Tình trạng này chủ yếu do những đứa trẻ không có một môi trường giáo dục tốt, không được đi học hoặc ba mẹ không cho đi học hoặc cuộc sống quá khổ phải phạm tội để nuôi thân. Giải quyết vấn đề này không chỉ đơn giản là hỗ trợ học tập cho các em mà còn phải cải thiện cuộc sống cho các những đứa trẻ đó và gia đình của chúng.

Giúp đỡ bậc cha mẹ nếu họ đang gặp khó khăn, căng thẳng

Mặc dù đã dán bảng thông báo và đi dẹp thường xuyên nhưng hình ảnh những đứa trẻ chèo kéo khách mua hàng trên Sapa vẫn diễn ra như “cơm bữa”, khi hỏi nguyên nhân thì cả phụ huynh và cháu đều nói do gia đình khó khăn nên bắt các cháu bé đi bán hàng. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu bé khi bị tước đi quyền học tập, quyền vui chơi của trẻ (vì đa số là bán hàng từ sáng sớm đến tối khuya). Ngoài ra, việc cha mẹ gặp khó khăn căng thẳng không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của họ mà còn là tấm gương xấu cho những đứa trẻ học theo. Trên thực tế nếu sống trong gia đình bố mẹ thường xuyên cãi nhau thì đứa trẻ thường có xu hướng bốc đồng, nóng nảy, dễ thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy phải có những biện pháp xã hội về hỗ trợ việc làm, vay vốn hộ nghèo hoặc sự tham gia của các cơ quan như hội phụ nữ, ủy ban nhân dân vào hòa giải các bên

Tăng những biện pháp bảo vệ trẻ và thành viên gia đình khỏi bạo hành

Theo báo cáo kết quả thu thập thông tin về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ năm 2009 đến năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 1.446 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, hơn 58% số vụ bạo lực gia đình là bạo lực thân thể; ngoài ra còn có bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Như vậy trung bình mỗi năm toàn tỉnh xảy ra 160 vụ bạo lực gia đình. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là nữ giới ở độ tuổi từ 16 đến 59, chiếm trên 92%, còn lại là trẻ em và nạn nhân trên 60 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là do tư tưởng trọng nam, khinh nữ; do ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội; đời sống kinh tế khó khăn dẫn đến mâu thuẫn và bạo lực; người bị bạo lực thường chọn cách im lặng, cam chịu dẫn đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không thể can thiệp giúp đỡ. Mười năm qua chỉ có 682 vụ bạo lực gia đình được can thiệp xử lý. Để phòng, chống bạo lực gia đình, giúp đỡ những người không may bị bạo lực gia đình, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào cai đã xây dựng được 385 CLB, nhóm phòng chống bạo lực gia đình ở 77 xã phường, thị trấn. Cùng với đó công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình, việc phát hiện và xử lý các trường hợp bạo lực gia đình hiện cũng đang được chính quyền địa phương các cấp thuộc tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường.

Giảm tỉ lệ trẻ em vô gia cư

Theo số liệu thống kê gần đây, ở Việt Nam có khoảng 1.500.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có khoảng 176.000 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến những quyền con người cơ bản của trẻ mà còn là gánh nặng cho xã hội vì tỉ lệ tội phạm trẻ em tỉ lệ thuận với tỉ lệ trẻ mồ côi. Giảm tình trạng này cần thiết phải có những chính sách an sinh xã hội lâu dài, xây thêm nhà tình thương và hỗ trợ trẻ tìm cha mẹ.


Kết luận

Các yếu tố gia đình là những yếu tố tác động lâu dài và xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tâm sinh lý của mỗi con người. Sự biến chất hoặc lệch chuẩn của một trong các yếu tố gia đình có tác động mạnh mẽ dẫn đến con người lựa chọn xử sự phạm tội. Sự di truyền của gia đình cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các yếu tố sinh học của người phạm tội. Do vậy, pháp luật cần đề cao các thiết chế gia đình trong việc phòng chống tội phạm từ sớm. 


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Thiết chế gia đình trong phòng ngừa tội phạm. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top