Đất nước ta đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng chế độ xã hội mới. Trong bối cảnh đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì các vấn đề xã hội cũng nỏi lên mạnh mẽ. Đặc biệt là các loại tệ nạn xã hội và tội phạm. Là một quốc gia đang phát triển, tình hình diễn biến tội phạm ở Việt Nam không cao như một số nước ở trong khu vực và trên thế giới, nhưng tính chất phức tạp của tội phạm ở Việt Nam lại khá cao. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, tội phạm chính là một trong những mặt trái của sự phát triển ở nước ta hiện nay. Sự phát triển của tội phạm ở nước ta đã dẫn đến những hậu quả ảnh hưởng nhiều đến trật tự an nình, kinh tế xã hội của đất nước, là thách thức lớn đối với công tác thực thi pháp luật, đảm bảo quốc thái dân an của cơ quan chức năng có thẩm quyển. Nhận thức được thực trạng trên, trong bài tập này, em xin trình bày kiến thức của em về đề tài số 04: Vận dụng mơ hình nghiên cứu hiện tượng tội phạm theo khu vực địa lý, giới tính, lứa tuổi, phân tầng xã hội để tìm hiểu về một loại tội phạm cụ thể ở nước ta hiện nay và cụ thể là tội phạm trộm cắp tài sản, nhằm mục đích làm rõ thêm đặc điểm, tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này đối với cộng đồng, từ đó có những giải pháp cụ thể để ngăn ngừa, hạn chế tối đa sự phát sinh các loại tội phạm nói chung và tội trộm cắp nói riêng.
Nội dung
Một số vấn đề lý luận liên quan về vấn đề tội phạm học.
Khái niệm tội phạm.
Theo Khoản 1 Điều 8 BLHS 2017 quy định thì: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, hành vi bị coi là tội phạm được phân biệt với những hành vi không phải tội phạm qua bốn dấu hiệu: tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự và tính phải chịu hình phạt.
Một số loại tội phạm.
Trên lý thuyết và ngay cả trong thực tế, có rất nhiều cách phân loại tội phạm khác nhau dựa vào các phương diện đánh giá khách nhau. Có thể phân loại tội phạm theo các cách sau:
– Theo các lĩnh vực của đời sống xã hội: Tội phạm kinh tế, tội phạm công nghệ cao, tội phạm môi trường,…
– Theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Theo nhóm các chủ thể mà hành vi của tội phạm làm tổn hại: Tội phạm xâm hại an ninh quốc gia, tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, tội xâm phạm trật tự, tội về ma túy,…
Mô hình nghiên cứu hiện tượng tội phạm theo khu vực địa lý, theo lứa tuổi, giới tính và sự phân tầng xã hội.
Nghiên cứu hiện tượng tội phạm theo khu vực địa lí.
Mô hình nghiên cứu theo khu vực địa lí là hướng nghiên cứu hiện tượng tội phạm dựa trên sự phân tích cơ cấu xã hội – lãnh thổ, được nghiên cứu trên hai khu vực cụ thể bao gồm khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Theo số liệu nghiên cứu tin cậy đã chỉ ra rằng, tỉ lệ phạm tội ở khu vực đô thị bao giờ cũng lớn hơn khá nhiều so với tỉ lệ tội phạm ở khu vực nông thôn. Có nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến vấn đề này, như là:
– Sự phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nhiều kiến trúc lớn như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại,… hiện đại, tiện nghi thể hiện chất lượng đời sống cao đã tạo điều kiện cho tội phạm phát triển ở các khu vực thành thị.
– Mật độ dân số ở các khu vực đô thị thường cao hơn rất nhiều so với khu vực nông thôn, thành phần đô thị lại phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi phạm tội.
– Cơ cấu kinh tế đô thị đa dạng và phong phú, sự kiểm soát, liên kết giữa các thành phần trong xã hội không chặt chẽ, lỏng lẻo dẫn đến sự mất kiểm soát trong hoạt đồng kiểm tra, bảo vệ, ngăn chặn, phòng ngừa các hoạt động phạm tội ở khu vực đô thị.
– Do thành phần xã hội hỗn tạp, cuộc sống bận rộn, công việc yêu cầu cao, tạo thành lối sống dửng dưng, ích kỉ của người sống ở các khu vực đô thị.
– Hầu như các hoạt động kinh tế, xã hội, nguồn lực xã hội tập chung mạnh mẽ ở các khu vực đô thị, dẫn đến tình hình tội phạm vô cùng đa dạng, phức tạp theo nhiều mức độ.
Nghiên cứu hiện tượng tội phạm theo lứa tuổi.
Nghiên cứu hiện tượng tội phạm theo lứa tuổi là hướng nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ của tội phạm phân bố trong từng độ tuổi hoặc nhóm lứa tuổi nhất định trên tổng số dân cư. Phần lớn những người phạm tội thường thuộc vào nhóm tuổi từ khoảng 18 đến 30 tuổi. Trong độ tuổi này, mặt tâm sinh lý của con người chưa được hoàn thiện đầy đủ và toàn diện, nhận thức về các vấn đề còn hạn chế, các yếu tố khách quan bên ngoài có thể dễ dàng tác động khiến họ trở nên kích động, quá khích, từ đó dẫn đến việc thực hiện các hành vi tiêu cực như phạm tội. Mặc khác, những người thuộc lứa tuổi này, thường là những người chưa có được tiếng nói, vị thế trong xã hội, chưa khẳng định được vị thế của bản thân trong cộng đồng, vì vậy, dễ rơi vào mặc cảm, chán ghét, suy nghĩa sai lệch khi bản thân không được công nhận. Đó cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ phạm tội của lứa tuổi này cao hơn hẳn những lứa tuổi khác.
Nghiên cứu hiện tượng tội phạm theo giới tính.
Nghiên cứu cũng như nhìn nhận thực tế có thể thấy rằng tỉ lệ phạm tội ở nam giới cao hơn ở nữ giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên phải kể đến chính là đặc điểm về cơ thể và đặc thù tâm sinh lý của nam giới. Với sự phát triển vượt trội hơn về thể chất, họ được gọi là “phái mạnh” và thường có xu hướng “hành động” hơn là “lời nói”. Trong cuộc sống, khi xung đột xảy ra, nam giới thường sử dụng “nắm đấm” để giải quyết vấn đề hơn nói chuyện để giải quyết mẫu thuẫn. Bên cạnh đó, sự kiềm chế của nam giới cũng kém hơn phụ nữ nên khi bị kích động, tùy giới hạn từng người, nam giới cũng có thể sẽ dễ dàng gây ra hành vi phạm tội. Sự kích động này thường do tâm lý muốn khẳng định mình, khẳng định “cái tôi” của bản thân, dẫn đến bị sự nóng giận chi phối hành vi. Áp lực từ công việc, công sống cũng là một phần nhân tố tác động đến hành vi phạm tội của họ.
Nghiên cứu hiện tượng tội phạm theo phân tầng xã hội.
Đây là mô hình nghiên cứu hiện tượng tội phạm dựa trên sự phân tích cơ cấu xã hội – giai cấp. Sự phân tầng xã hội và quá trình phân hóa giàu nghèo trong xã hội đã hình thành nên những giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, có mức sống và chất lượng cuộc sống khác nhau. Những điều kiện về xã hội như sự nghèo khổ, bất ổn định về kinh tế, tình trạng nhà ở, định hướng giáo dục không đầy đủ, sai lầm, môi trường sinh sống kém văn minh,… dễ dẫn tới sự phát triển của tình trạng phạm tội. Do đó, chủ thể của hành vi phạm tội thường là người thuộc tầng lớp người dân lao động nghèo khổ. Ngoài ra, với sự phát triển ở môi trường không được đầy đủ, con em của họ cũng có thể bị ảnh hưởng dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội.
Một số loại tội phạm ở nước ta hiện nay.
Tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay.
Ở thời điểm hiện tại, dù đã thực hiện một cách sát sao các Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, tội phạm ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt cho xã hội.
Nhìn chung, tình hình tội phạm ở Việt Nam hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, số người phạm tội là người chưa thành niên chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Hoạt động của tội phạm có tổ chức, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, trộm cướp có sử dụng “vũ khí nòng”, tội phạm sử dụng công nghệ cao, chống người thi hành công vụ, giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân gia tăng.
Những năm gần đây, mỗi năm phát hiện trung bình rên 70.000 vụ phạm tội các loại, trong đó khoảng 50.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội, trên 10.000 vụ phạm tội về kinh tế và gần 10.000 vụ phạm tội về ma túy. So với các nước trên thế giới và trong khu vực thì tình hình tội phạm ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp, nhưng tính chất phức tạp hơn. Đáng lưu ý hơn cả là tỉ lệ tội phạm ẩn ở nước ta cao, đặc biệt trong lĩnh vực tội phạm về kinh tế, ma túy.
Một số loại tội phạm cụ thể.
Các loại tội phạm mới, tội phạm xuyên quốc gia, có tính quốc tế, tội phạm có yếu tố nước ngoài có chiều hướng gia tăng và trên thực tế đã xuất hiện một số băng nhóm tội phạm là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam câu kết với người nước ngoài.
Tội phạm giết người tuy có giảm nhưng diễn biến lại phức tạp, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.000 vụ. Tính chất các vụ án ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng ra tay vô cùng man rợ và tàn ác, gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân.
Tội phạm hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em gia tăng và xảy ra hết sức nghiêm trọng, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 600 vụ, một số trường hợp mang tính chất rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tôi cướp tài sản trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.600 vụ. Tuy nhiên, những vụ cướp đặc biệt nghiêm trọng, có sử dụng vũ khí nóng xảy ra nhiều, đặc biệt là hiện trạng dùng súng để cướp các tiệm vàng giữa ban ngày ở khu vực đông dân cư và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt. Điều này thể hiện sự manh động, nguy hiểm, coi thường pháp luật của một số đối tượng.
Nguyên nhân.
- Về nguyên nhân khách quan, Chính phủ cho rằng, tội phạm và vi phạm pháp luật phức tạp do tình hình thế giới, trong đó có tác động hậu suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản. Tác động mặt trái kinh tế thị trường, phân tầng xã hội, lối sống thực dụng, đạo đức xuống cấp, tác động văn hóa phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực, internet… Trong khi đó, công tác tuyên truyền có lúc chưa khách quan, nặng về tuyên truyền sai phạm, gây tâm lý bức xúc. Yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây nảy sinh tội phạm chưa được giải quyết. Văn bản pháp luật thay đổi liên tục, bất cập, nhiều quy định chế tài xử lý một số tội phạm còn chưa phù hợp.
– Tính chất giai cấp của tội phạm: tình hình phạm tội là một hiện tượng mang tính giai cấp. Đối với mỗi xã hội, với những hình thái kinh tế xã hội khác nhau thì hình thức và mức độ hoạt động của tội phạm có khác nhau. Sự xuất hiện, tồn tại và hoạt động của tội phạm phụ thuộc vào nền tảng vật chất- kỹ thuật, mối quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng với hạ tầng cơ sở và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong xã hội đó.
Nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa dẫn đến tình trạng thượng tầng kiến trúc chưa phát triển đầy đủ, hạ tầng cơ sở kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu, đời sống nhân dân chưa ổn định và nhất là hệ thống các quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện để theo kịp sự phát triển. Sự thay đổi liên tục của các văn bản pháp luật dẫn đến tình trạng chưa kịp thời hướng dẫn thực hiện pháp luật, chưa có hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật thì luật đã thay đổi. Sự phân hóa giai cấp và phân tầng giữa các giai cấp trong xã hội càng ngày càng gia tăng trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người nghèo vẫn nghèo, người giàu càng ngày càng giàu hơn.
Trong tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ, tình trạng thất học, mù chữ và tái mù chữ tiếp tục gia tăng do thiếu sự định hướng, chỉ dạy đúng đắn, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Trong tầng lớp người có của cải, một bộ phận chạy theo lối sống thực dụng, trụy lạc, coi thường pháp luật, chạy theo đồng tiền, làm giàu bất chính,… Các yếu tố đó đã ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của tội phạm.
– Tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên thế giới diễn ra khá phức tạp, tác động xấu đến sự hình thành và phát triển tội phạm ở nước ta, làm nhiều loại tội phạm mới nảy sinh, phát triển.
- Về nguyên nhân chủ quan, công tác quản lý nhà nước về an ninh – trật tự còn nhiều sơ hở.
– Công tác quản lý kinh tế – xã hội còn nhiều sơ hở, thiếu xót, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
-Trong lĩnh vực quản lý kinh tế: còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Do chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ, khắc phục những sơ hở, thiếu sót nên một số cơ quan, doanh nghiệp đã lợi dụng chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng, do chưa có kinh nghiệm, chưa loại bỏ được những sơ hở, thiếu sót, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng, lập hồ sơ, chứng từ giả, rồi móc nối với nhân viên hải quan, thuế vụ chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
-Trong quản lý văn hoá – tư tưởng: do chưa quản lý tốt các sản phẩm văn hoá, một số văn hoá phẩm có nội dung không lành mạnh, đồi trụy, kích động bạo lực,… đã gây ra những ảnh hưởng, tác động xấu đến một bộ phận dân cư, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Điều này làm cho một số chạy theo lối sống thực dụng, đề cao “sức mạnh” của đồng tiền, vị kỷ cá nhân, coi thường pháp luật, kể cả đi vào con đường phạm tội, hoạt động tệ nạn xã hội…
-Trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự: chưa được thường xuyên quan tâm, đầu tư đúng mức. Có nơi, có lúc còn buông lỏng, chưa có các biện pháp hữu hiệu trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác…
– Đạo đức xã hội bị xuống cấp, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao do bị tác động của lối sống thực dụng, tiền tệ hoá các quan hệ xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao, chưa tạo ra được thói quen “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, sống có văn hoá, tôn trọng kỷ cương, phép nước, không phạm tội, không hoạt động tệ nạn xã hội…
Giải pháp phòng ngừa, biện pháp ngăn chặn sự gia tăng tội phạm.
Việc tìm ra biện pháp giải quyết, kiểm soát các vấn đề này có ý nghĩa lớn trong công tác bảo đảm anh ninh trật tự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, duy trì sự ổn định của xã hội. Đưa ra định hướng về các giải pháp và đem vào thực tiễn hoạt động sẽ trở thành phương tiện đắc lực của nhà nước nhằm kiểm soát tội phạm, ngăn chặn không để tội phạm xảy ra, góp phần giữ vững an ninh trật tư, an toàn xã hội.
– Thực hiện tuyên truyền, định hướng đúng đắn về pháp luật cho người dân nhằm hạn chế, đẩy lùi nguyên nhân làm phát sinh tội phạm.
– Giảm tội phạm xảy ra bằng các biện pháp giám sát đầy đủ, có hiệu quả, giảm điều kiện phát sinh tội phạm, tránh xảy ra tội phạm.
– Phát triển đồng đều xã hội, khi xã hội đã phát triển ổn định thì tăng cường phúc lợi xã hội là hoạt động có tính chất chiến lược nhằm giảm bớt các nhân tố được coi là nguy cơ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi phạm tội của cá nhân.
– Củng cố, tăng cường vai trò kiểm soát, giữ gìn trật tự xã hội của cơ quan công an, cảnh sát.
– Định hướng xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật lâu dài phù hợp với thực tế xã hội và sự phát triển của xã hội, kiểm soát trước các nguy cơ phát sinh, nhìn nhận sớm những vấn đề xã hội đang và sẽ đến để hạn chế sự thay đổi pháp luật quá thường xuyên mà dẫn đến việc khó áp dụng pháp luật vào thực tế thi hành.
Tội phạm cụ thể – tội trộm cắp tài sản.
Tài sản tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, phong phú và đa dạng. Tài sản là của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng. Tội trộm cắp tài sản là tội phạm thuộc nhóm các tội về xâm phạm sở hữu.
Cơ cấu khu vực địa lý.
Theo nghiên cứu, số lượng các đối tượng phạm tội là người sống ở thành thị chiếm phần lớn hơn tội phạm ở khu vực nông thôn ( tội phạm đô thị chiếm trên 70%). Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của hội nhập kinh tế khu vực cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tình hình tội phạm đã có sự chuyển dịch từ thành thị sang nông thôn. Theo số liệu của ILSSA thống kê, vào năm 2007, tỉ lệ tội phạm giữa khu vực thành thị và nông thôn là 67.6% – 32.4%, nhưng đến năm 2012, tỉ lệ này đã thay đổi như sau: tội phạm đô thị chiếm 45.2% và tội phạm nông thôn là 54.8%. Sự thay đổi này cho thấy rằng, không chỉ ở thành thị mà khu vực nông thôn cũng đang trở thành khu vực nóng về diễn biến tội phạm phức tạp.
Lí giải cho điều này có thể thấy làng quê vốn gắn liền với những gì đơn sơ, mộc mạc và người dân nơi đây cũng quen với nếp sống bình dị, chân chất, bà con lối xóm sống chan hòa, gắn bó với nhau. Chính vì thế, sự cảnh giác của người dân ở các vùng quê cũng có phần hạn chế. Họ luôn cho rằng ở quê không có hoặc ít có các trường hợp trộm, cướp và càng không cảnh giác đối với những người trong cùng xóm, ấp với nhau.
Trước đây, tình hình an ninh, trật tự xã hội ở các vùng nông thôn đỡ phức tạp hơn so với hiện nay, số lượng tội phạm cũng như mức độ phạm tội cũng ít nghiêm trọng hơn so với các thành phố lớn, đông dân cư. Bởi lẽ, ở nông thôn, người ta biết nhau hết, quan hệ họ hàng, bà con khá gắn kết, nên tội phạm từ nơi khác đến dễ bị phát hiện.
Người nông dân về bản tính thì khá hiền lành, tốt, sống trong một cộng đồng thì tính nết tốt xấu của ai, đều được biểu hiện khá rõ. Sự quản lý của các gia đình khá chặt chẽ, người dân cũng không có nhiều tài sản lớn nên tệ nạn nếu có cũng đa phần chỉ là trộm cắp vặt con gà, quả trứng… Các vụ án nghiêm trọng như giết người cũng có, nhưng rất hạn hữu.
Nhưng bây giờ, cùng với quá trình đô thị hóa và kinh tế thị trường đã khiến cho diện mạo nông thôn thay đổi. Đời sống người nông dân cũng trở nên tốt hơn, họ có của ăn của để. Xã hội ở nông thôn dần xuất hiện sự khác nhau giữa những người có của cải nhiều hơn và ít hơn. Dẫn đến tình trạng những người ghen tị với người khác hoặc lười nhác không chịu làm việc nảy sinh ý định trộm cắp đối tài sản để phục vụ nhu cầu cá nhân.
Cơ cấu giới tính.
Do đặc điểm tâm sinh lý, nam giới luôn có tỉ lệ trộm cắp cao hơn rất nhiều so với nữ giới. Ở nam giới, tâm lý thích chứng tỏ bản thân thường mạnh hơn, không thích việc bản thân thua kém hơn so với người khác. Trong khi nữ giới thường có xu hướng an phận, kém cạnh tranh hơn, ngoài ra còn có khả năng kiểm soát hành vi, tài sản của bản thân. Trong trường hợp muốn thể hiện bản thân nhưng không có điều kiện để thực hiện, nam giới thường nảy sinh những suy nghĩ liều lĩnh, bất chấp khi bị cái tôi của bản thân chi phối mạnh mẽ. Tuy vậy, việc nữ giới có hành vi trộm cắp cũng không phải là ít, dưới nhận thức không đầy đủ, tác động của các yếu tố khách quan, nữ giới cũng có thể có hành vi trộm cắp, đặc biệt là những đối tượng gia đình hoàn cảnh, thiếu thốn nhưng thích đua đòi theo bạn bè đi ăn chơi, không muốn bản thân mình bị lạc loài với các bạn.
Cơ cấu lứa tuổi.
Đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản thường là những cá nhân, nhóm người thuộc độ tuổi chưa thành niên đến 30 tuổi.
Đối với những đối tượng thuộc độ tuổi chưa thành niên, môi trường xã hội xung quanh ảnh hưởng rất nhiều đến sự định hướng hành vi. Sự tiếp cận với những loại thông tin, đối tượng không lành mạnh trong môi trường hoặc qua các phương tiện như internet, phim ảnh rất dễ dẫn đến sự nhận thức sai lệch mà thực hiện các hành vi trái pháp luật như trộm cắp tài sản. Ngoài ra, trong độ tuổi này, nếu thiếu sự kiểm soát từ cha mẹ, người giám hộ, người chưa thành niên sẽ rât dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác. Do sự phát triển nhận thức chưa đầy đủ cũng chưa có khả năng tự bản thân mình làm ra tiền hoặc có khả năng nhưng do lười nhác, người chưa thành niên cũng thực hiện trộm cắp tài sản để kiếm tiền tiêu sài.
Đối với đối tượng từ đủ 18 tuổi đến 30 tuổi hoặc hơn nữa, tuy có đủ khả năng để tự kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng do nhiều nguyên nhân mà vẫn thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Quan trọng nhất phải kể đến đó là sự không có khả năng tự mình kiếm được một công việc tử tế, có công việc nhưng do lười nhác mà không thể tiếp tục, dẫn đến việc không có tiền. Khi đó, những đối tượng này sẽ nảy sinh ý định trộm cắp tài sản của người khác nhằm đem bán đi lấy tiền hoặc sử dụng.
Theo phân tầng xã hội.
Sự chênh lệch về điều kiện kinh tế giữa các vùng miền, trình độ dân trí cũng như sự phân hóa giàu nghèo đã làm xuất hiện nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Theo nghiên cứu, những người thuộc tầng lớp lao động nghèo có tỉ lệ phạm tội trộm cắp cao hơn các tầng lớp khác. Những người tầng lớp này thường có trình độ dân trí không cao. Một bộ phận khác có thể là nông dân sống trong khu vực chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, bị mất đất làm nông, không có việc làm nên rơi vào cảnh túng quẫn nên làm liều.
Kết luận
Tội phạm đã và đang là mối nguy hiểm chung của toàn xã hội. Không chỉ có những tội xâm phạm về sở hữu, các tội xâm phạm về sức khỏe, tính mạng con người cũng càng ngày càng ra tăng. Những “ung nhọt” này đang đe dọa mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân, sự yên bình của xã hội và trật tự của pháp luật. Nếu như không có những biện pháp “cứu chữa” mạnh mẽ, với tình trạng phát triển nhanh chóng như hiện nay, những vấn đề này sẽ trở thành “bệnh nan y” không thể chữa trị của cả cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của đất nước. Chính vì vậy, việc giáo dục và trang bị các kiến thức pháp luật về phòng chống các tệ nạn xã hội trong sinh viên nói chung và sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội nói riêng là vô cùng quan trọng và cần thiết. Có như vậy thì việc áp dụng và thực hiện pháp luật về phòng chống các tệ nạn xã hội mới đạt hiệu quả cao.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Giáo trình Xã hội học pháp luật.
- Tập bài giảng Xã hội học
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Vận dụng mơ hình nghiên cứu hiện tượng tội phạm theo khu vực địa lý, giới tính, lứa tuổi, phân tầng xã hội để tìm hiểu về một loại tội phạm cụ thể ở nước ta hiện nay. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.