Người khuyết tật là nhóm người yếu thế, có sự khác biệt so với phần đông những người khác trong xã hội, cần có sự chung tay của cộng đồng, xã hội và nhà nước để vượt qua những khó khăn của mình để có được một cuộc sống cơ bản bình thường như đa số mọi người khác; vì vậy, việc Nhà nước đưa ra những chính sách nhằm giúp đỡ người khuyết tật và những đối tượng có liên quan với người khuyết tật, để giúp cho nhóm người này dễ dàng hơn trong viêc hòa nhập xã hội, vươn lên trong cuộc sống là một việc vô cùng cần thiết và quan trọng. Hiện nay, Nhà nước ta đã có những chính sách cụ thể đối với người khuyết tật để đảm bảo cho những quyền cơ bản của người khuyết tật cũng như những người bình thường khác, trong đó, quy định về đảm bảo tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng là một ví dụ cơ bản cho những chính sách giúp người khuyết tật tiếp cận với đời sống xã hội; và chế độ về hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc của người khuyết tật đại diện cho những chính sách đảm bảo cho người khuyết tật được hưởng mức sống tối thiểu, hy vọng lấp bù những khó khăn do khiếm khuyết của họ gây ra cho cuộc sống của họ và giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Quy định đảm bảo tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng cho người khuyết tật theo pháp luật hiện hành? Phân tích quy định pháp luật về hồ sơ và quy trình đề nghị hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc của người khuyết tật.”
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình Luật Người khuyết tật Việt Nam, Nxb. Công An nhân dân
- Luật người khuyết tật năm 2010
- Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật.
- Thông tư số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
Quy định đảm bảo tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng cho người khuyết tật theo pháp luật hiện hành
Một số khái niệm cơ bản
Khái niệm người khuyết tật
Người khuyết tật là một khái niệm có nhiều cách nhìn nhận, cách nhận thức khác nhau xuyên suốt lịch sử và trên toàn thế giới, tuy nhiên, hiện nay có hai quan điểm chính về “ người khuyết tật”.
Quan điểm thứ nhất là quan điểm khuyết tật cá nhân, còn được gọi là khuyết tật dưới góc độ y học. Quan điểm này cho rằng khuyết tật là hạn chế nằm ở chính con người đó, không liên quan gì đến các yếu tố khác xung quanh người khuyết tật.
Tiếp cận với “ người khuyết tật” dưới quan điểm khuyết tật y học tức là coi người khuyết tật là một vấn đề và mục tiêu là sử dụng y học để đưa họ trở lại trạng thái bình thường. Mô hình y tế này dẫn đến việc cung cấp giáo dục đặc biệt, giao thông đặc biệt, nghề trị liệu, vật lí trị liệu; việc chọn lọc khả năng sinh tồn, ngăn trẻ sơ sinh khuyết tật bằng cách ngăn chặn cả người mẹ khuyết tật và người mẹ sinh ra nó….
Quan điểm thứ hai về người khuyết tật là quan điểm khuyết tật theo mô hình xã hội. Trái với quan điểm khuyết tật y học, quan điểm khuyết tật xã hội lại cho rằng: con người có thể khiếm khuyết nhưng chính xã hội mới biến họ trở thành khuyết tật. Người khuyết tật là hệ quả của sự loại trừ và phân biệt của xã hội, và là do xã hội tổ chức không tốt nên những người khuyết tật phải đối mặt với một số phân biệt đối xử như: 1, Thái độ: xã hội có sự kì thị: sợ hãi, thiếu thấu hiểu, ít kì vọng; 2, Môi trường: Dẫn đến việc không tiếp cận về vật chất, ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống ( trường học, cửa hàng, tòa nhà công cộng, giao thông…); 3, Thể chế: là những phân biệt mang tính pháp lí (không được lập gia đình hay có con, không được nhận vào trường học…)
Và như vậy, hiểu người khuyết tật theo mô hình khuyết tật xã hội thì mục tiêu hướng đến là giúp người khuyết tật hiểu điều gì cần thực hiện để tiếp cận với quyền công dân và quyền con người, giúp họ nhận thức được đầy đủ các nghĩa vụ của mình với tư cách là công dân trong mọi lĩnh vực đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội mà mình tham gia.
Việt Nam là quốc gia lựa chọn nhận thức về người khuyết tật theo quan điểm xã hội, tiêu biểu được thể hiện thông qua những chính sách về đảm bảo tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng, trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Khái niệm về tiếp cận
Luật người khuyết tật năm 2010 của Việt Nam quy định: “ Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng.”
Tiếp cận tức là người khuyết tật có thể sử dụng được, ở mọi khía cạnh trong xã hội như người bình thường khác, mà chủ yếu là công trình công cộng, giao thông, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch… để giúp cho họ hòa nhập vào cộng đồng, thực hiện dễ dàng quyền lợi của mình như người bình thường khác, tránh việc họ bị cô lập, mặc cảm tự ti.
Người khuyết tật cũng giống như những người không khuyết tật, đều có quyền con người và quyền công dân được ghi nhận trong hiến pháp. Và do những khiếm khuyết bẩm sinh khác biệt so với người khuyết tật mà đã ngăn cản, khiến họ gặp nhiều khó khắn trong việc thực hiện những quyền cơ bản về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… của mình. Hiểu theo quan điểm khuyết tật xã hội thì chính là do các khía cạnh trong xã hội được tổ chức, thiết kế, xây dựng dành cho đa số người bình thường mà người khuyết tật mới gặp khó khăn, chứ không phải do lỗi của họ. Vì vậy, việc điều chỉnh, thay đổi các công trình, phương tiện, dịch vụ sao cho tất cả mọi người trong xã hội, bao gồm cả người khuyết tật đều có thể tiếp cận được là vô cùng quan trọng, để tất cả mọi người đều thực hiện được quyền lợi cơ bản của mình.
Khái niệm về nhà chung cư
Theo khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 thì : “Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.”
Khái niệm về công trình công cộng
Theo như Điều 40 của Luật người khuyết tật 2010 thì công trình công cộng có thể hiểu là bao gồm: Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa thể dục, thể thao; và trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội khác.
Cơ sở pháp lí của chính sách về đảm bảo tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng cho người khuyết tật.
Công ước về quyền của người khuyết tật (Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/3/2007)
Ngày 22 tháng 10 năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 118 tham gia kí kết Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, và ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật, Công ước trở thành văn bản pháp lí quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật.
Trong đó, lời nói đầu của Công ước nhấn mạnh tại điểm v về việc “ Thừa nhận tầm quan trọng của việc tiếp cận với môi trường thế chất, xã hội, kinh tế và văn hóa, với y tế, giáo dục và thông tin liên lạc trong việc giúp người khuyết tật hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người.”
Cụ thể hơn, Điều 9 của Công ước quy định về Khả năng tiếp cận:
“ 1. Để người khuyết tật có thể sống độc lập và tham gia trọn vẹn vào mọi khía cạnh cuộc sống, quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận trên cơ sở bình đẳng với những người khác đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin liên lạc, trong đó có các công nghệ và hệ thống thông tin liên lạc, và các vật dụng và dịch vụ khác dành cho công chúng, ở cả thành thị và nông thôn. Các biện pháp này, trong đó có phát hiện và loại bỏ những cản trở và chướng ngại đối với sự tiếp cận, sẽ áp dụng trước hết đối với:
Tòa nhà, đường sá, giao thông và các công trình, cơ sở vật chất trong nhà và bên ngoài khác, trong đó có trường học, nhà ở, cơ sở y tế và nơi làm việc;…”
Luật người khuyết tật khuyết tật năm 2010
Chương VII luật người khuyết tật 2010 bao gồm việc quy định về nhà chung cư nói riêng và công trình công cộng đối với người khuyết tật. Trong đó, nhà chung cư và các công trình công cộng phải thỏa mãn quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về xây dựng để đảm bảo cho người khuyết tật có thể tiếp cận được (QCVN 10:2014/BXD), đối với nhà chung cư và công trình công cộng xây dựng trước ngày Luật người khuyết tật 2010 có hiệu lực phải cải tạo, nâng cấp tuân theo đúng lộ trình mà pháp luật quy định.
Nhìn chung, quy định về việc tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng tiến tới việc tất cả các nhà ở và công trình công cộng phải đảm bảo được sự tiếp cận cho người khuyết tật.
“Điều 39. Nhà chung cư và công trình công cộng
Việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để bảo đảm người khuyết tật tiếp cận.
Nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội được xây dựng trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa bảo đảm các điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật phải được cải tạo, nâng cấp để bảo đảm điều kiện tiếp cận theo lộ trình quy định tại Điều 40 của Luật này.
Điều 40. Lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng
Đến ngày 01 tháng 01 năm 2020, các công trình công cộng sau đây phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật:
a) Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước;
b) Nhà ga, bến xe, bến tàu;
c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
d) Cơ sở giáo dục, dạy nghề;
đ) Công trình văn hóa, thể dục, thể thao.
Đến ngày 01 tháng 01 năm 2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng, kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện lộ trình cải tạo đối với từng loại công trình quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”
Như vậy, dự kiến đến năm 2025 thì mọi chung cư và công trình công cộng đều phải đảm bảo điều kiện tiếp đối với người khuyết tật.
Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020
Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/8/2012 là sự cụ thể hóa những quy định của Luật người khuyết tật năm 2010 và thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Nhà nước trong việc nghiêm túc huy động nguồn lực, nhân lực quốc gia để giúp cho người khuyết tật sớm được hưởng những quyền lợi của mình một cách toàn diện nhất.
Về vấn đề tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng, đề án có đưa ra những mục tiêu cụ thể như sau:
Giai đoạn 2012 – 2015: Ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Giai đoạn 2016 – 2020: 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Và các hoạt động chủ yếu của đề án trong trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng là:
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng;
- Xây dựng một số mô hình thí điểm về tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng để phổ biến nhân rộng;
- Xây dựng giáo trình về thiết kế tiếp cận phục vụ công tác đào tạo, tập huấn cho kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và các đối tượng hành nghề trong hoạt động xây dựng.
Thực tiễn thi hành quy định pháp luật đảm bảo tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng cho người khuyết tật
Năm 2013 – 2014, một cuộc khảo sát khác trên diện rộng được Hội phối hợp cùng Viện Kiến trúc Quốc gia, Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) thực hiện với mục đích: “Vẽ” bản đồ tiếp cận khu vực trung tâm Hà Nội. Kết quả: Hơn 100 công trình công cộng, không nơi nào đảm bảo tiếp cận toàn bộ. Một số ít công trình tuy có đường tiếp cận nhưng thang máy, cầu thang, hành lang, nhà vệ sinh, tay nắm cửa… lại không thể tiếp cận. Tức là, khi xây dựng các công trình văn hóa, tiện ích, tín ngưỡng như công viên, vườn hoa, siêu thị, bảo tàng, nhà hát, nhà ga, đền, chùa…, chủ đầu tư không hề tính đến nhu cầu sử dụng của người khuyết tật. Trong khi đó, với người khuyết tật, đường tiếp cận chính là đường hòa nhập, thiếu nó thì mọi cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài gần như khép lại.
Tất nhiên, nếu công tác thẩm định, giám sát không được “làm chặt” cũng tức là bật đèn xanh cho hành động lách luật. Năm 2015, Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra thực trạng áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại các công trình xây mới từ Bắc vào Nam. Kết quả cho thấy, các công trình lớn ra đời sau quy chuẩn 10 đều đảm bảo tiếp cận ở mức độ tối thiểu là có đường dẫn, nhưng về kỹ thuật, theo ông Hùng, 90% không đúng quy chuẩn. Đây cũng là tình trạng chung ở hầu hết các công trình cũ và xây mới có yếu tố tiếp cận. Bà Phan Thị Bích Diệp – Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội nhận định, các công trình do nước ngoài đầu tư thường tuân thủ quy định về kích thước. Chẳng hạn, khi Hàn Quốc tài trợ dự án dạy công nghệ thông tin cho người khuyết tật tại tám quận, huyện của Hà Nội, việc trước tiên phía bạn làm là cải tạo toàn bộ cơ sở hạ tầng từ đường đi đến khu vệ sinh, hành lang… nhằm tạo ra một môi trường tiếp cận toàn bộ, đúng chuẩn. Còn các công trình của ta được thi công, cải tạo khá tùy tiện, vòng cua thường quá ngắn, đường tiếp cận quá dốc hoặc quá dài, gây khó khăn cho người khuyết tật. Nhiều đường dẫn thậm chí vừa dốc ngược vừa không có tay vịn, khiến người khuyết tật không thể tự đi xe lăn lên. Hoặc, có một số ít nhà hát, rạp chiếu phim tuy bổ sung đường tiếp cận nhưng chỗ ngồi, cầu thang và nhà vệ sinh vẫn “nguyên trạng”, người khuyết tật không thể sử dụng. Mở đường tiếp cận theo cách này, như nhận xét của bà Phan Thị Bích Diệp, là: “Vừa thêm việc, tốn kinh phí mà lại thành ra hình thức!”.
Hiện tại đã là năm 2017 nhưng đa số các công trình công cộng, nhà chung cư vẫn chưa thỏa mãn cho người khuyết tật được tiếp cận thì lo ngại rằng Đề án chỉ nằm trên giấy mà không có tính thực tiễn.
Đề xuất một số phương án hoàn thiện các quy định của pháp luật
Bổ sung chế tài với các quy định pháp luật về tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng cho người khuyết tật.
Hoạt động thẩm định, kiểm tra phải sát sao, nghiêm khắc đối với các dự án đầu tư.
Phân tích quy định pháp luật về hồ sơ và quy trình đề nghị hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc của người khuyết tật
Khái niệm về bảo trợ xã hội, và bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật
Đúc rút từ nhiều các quan điểm khác nhau, thì bảo trợ xã hội có thể hiểu là sự giúp đỡ của nhà nước, xã hội và cộng đồng bằng những biện pháp và các hình thức khác nhau đối với các đối tượng gặp phải rủi ro, bất hạnh, nghèo đói… vì nhiều nguyên nhân dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu được cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình nhằm giúp họ tránh được mối đe doaj của cuộc sống thường nhật, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Như vậy, đối tượng của bảo trợ xã hội là những người vì gặp rủi ro, bất hạnh, nghèo đói…nhiều nguyên nhân khác mà rất cần đến sự giúp đỡ. Và nhóm người khuyết tật là tiêu biểu cho những đối tượng mang đặc tính trên.
Bảo trợ xã hội cho người khuyết tật có thể được hiểu là tổng hợp các cơ chế, chính sách và giải pháp của nhà nước và cộng động xã hội, nhằm giúp cho đối tượng ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Trợ cấp xã hội, chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc của người khuyết tật là một trong những nội dung cơ bản của bảo trợ xã hội với người khuyết tật.
Quy định của pháp luật về trợ cấp xã hội, chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc của người khuyết tật
Theo Luật người khuyết tật 2010 về trợ cấp xã hội, chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc của người khuyết tật thì chế độ này sẽ được thực hiện hàng tháng, được quy định tại Điều 44 như sau:
“1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;
b) Người khuyết tật nặng.
Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.”
Quy định này được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật.
2.1. Chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng
Chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng là chế độ được Nhà nước thực hiện hàng tháng cho người khuyết tật nhằm đảm bảo đời sống tối thiểu.
Đối tượng được hưởng bao gồm hai nhóm: người khuyết tật ở mức độ nặng và người khuyết tật ở mức độ đặc biệt nặng.
Mức trợ cấp:
- Đối với nhóm người khuyết tật nặng: người khuyết tật nặng thông thường hưởng hệ số 1,5; người khuyết tật nặng là người cao tuổi hoặc là trẻ em hưởng hệ số 2,0.
- Đối với nhóm người khuyết tật đặc biệt nặng: người khuyết tật đặc biệt nặng thông thường hưởng hệ số 2,0; người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi hoặc trẻ em hưởng hệ số 2,5.
Một người khuyết tật được hưởng nhiều hệ số thì chỉ được hưởng hệ số cao nhất.
2.2. Chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng của người khuyết tật
Chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng giúp đỡ cho nhân thân, gia đình và đối tượng nhận nuôi người khuyết tật
Đối tượng:
Người khuyết tật nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc/ và nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng
Hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng
Mức trợ cấp:
Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi;
Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang nuôi từ hai con trở lên dưới 36 tháng tuổi;
Hồ sơ và quy trình đề nghị hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc của người khuyết tật
3.1. Làm hồ sơ : Cơ sở pháp lí: Điều 20, 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CP
Làm giấy xác nhận khuyết tật
Cơ sở pháp lí: Thông tư số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
Quy trình xác định mức độ khuyết tật có 6 bước:
Bước 1: Hoàn thiện hồ sơ theo Điều 4:
“1. Hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
b) Bản sao các giấy tờ y tế chứng minh về khuyết tật: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có)
c) Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực.
Hồ sơ đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
b) Bản sao Giấy xác nhận mức độ khuyết tật.”
Bước 2: Nộp hồ sơ cho công chức cấp xã phụ trách thương binh xã hội ở UBND cấp xã.
Bước 3 : Kiểm tra hồ sơ: Nếu hồ sơ chưa đúng với quy định của pháp luật, công chức cấp xã hướng dẫn người dân hoàn thiện lại hồ sơ; nếu hồ sơ đã đúng quy định của pháp luật, công chức cấp xã báo cáo với chủ tịch UBND cấp xã.
Bước 4 : Báo cáo chủ tịch UBND cấp xã.
Bước 5 : UBND cấp xã thực hiện xác định mức độ khuyết tật; lập hồ sơ, biên bản kết luận xác định mức độ khuyết tật của người được đánh giá. Thời hạn làm việc của UBND cấp xã kể từ ngày nhận hồ sơ là 30 ngày.
Bước 6: Cấp giấy xác nhận khuyết tật: Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.
Thời hạn: 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản kết luận của Hội đồng về mức độ khuyết tật của người khuyết tật
Đối với nhóm làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
Hồ sơ bao gồm
Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Cơ sở pháp lí: Điều 20, 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CPBản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
Cơ sở pháp lí: Điều 20, 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CPBản sao Sổ hộ khẩu;
Cơ sở pháp lí: Điều 20, 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CPBản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân;
Cơ sở pháp lí: Điều 20, 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CPBản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển người khuyết tật về gia đình đối với trường hợp đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội;
Cơ sở pháp lí: Điều 20, 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CPGiấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Đối với nhóm làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc của gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng
Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai thông tin hộ gia đình theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
- Bản sao Sổ hộ khẩu;
- Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với trường hợp người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội hoặc bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.
Đối với nhóm làm hồ sơ để nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật nặng bao gồm
Đơn của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) về đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định tại Điều 19 Nghị định này;
Tờ khai thông tin người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Bản sao Sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc;
Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Bản sao Sổ hộ khẩu của hộ gia đình người khuyết tật, nếu có;
Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
Bản sao Quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.
Đối với nhóm làm Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với người khuyết tật đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi
Trường hợp 1: người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội, hồ sơ bao gồm:
Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
Bản sao Sổ hộ khẩu;
Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân;
Bản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển người khuyết tật về gia đình đối với trường hợp đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội;
Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Trường hợp 2: người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hồ sơ bao gồm:
- Bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con dưới 36 tháng tuổi.
3.2. Quy trình đề nghị
Bước 1: Hoàn thiện hồ sơ như đã phân tích ở trên
Bước 2: Nộp hồ sơ vào UBND cấp xã. Hồ sơ chưa hợp lệ sẽ được hướng dẫn để hoàn thiện.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội) tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ đối tượng và niêm yết công khai kết luận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 07 ngày;
Khi hết thời gian niêm yết công khai, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội bổ sung biên bản họp Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội vào hồ sơ của đối tượng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong thời hạn 10 ngày, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể, công khai trước nhân dân và có văn bản kết luận của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội để bổ sung vào hồ sơ của đối tượng.
Bước 4: Thẩm định: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày, nhận đủ hồ sơ đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định hoặc có thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về lý do không được trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Bước 5: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét và ký Quyết định trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Những chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật để giúp cho họ có thể hòa nhập với xã hội và vươn lên trong cuộc sống có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với những người khuyết tật. Những quy định pháp luật về chính sách đối với người khuyết tật đã tương đối hoàn thiện và chặt chẽ. Tuy nhiên, để pháp luật có thể đi vào thực tiễn đời sống thì công tác thi hành pháp luật vẫn còn phải cải thiện nhiều hơn, để sao cho những người khuyết tật trong xã hội sớm được bù đắp những thiệt thòi của mình mà có một cuộc sống ít nhất là cơ bản như những người bình thường khác trong xã hội.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Quy định đảm bảo tiếp cận nhà chung cư và công trình công cộng cho người khuyết tật theo pháp luật hiện hành. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng./.