Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề tiền ảo có phải là hàng hóa không?

Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề tiền ảo có phải là hàng hóa không?

      Tóm tắt nội dung bản án:

      Người khởi kiện: Ông Nguyễn Việt C.

      Người bị kiện:

  • Chi cục trưởng Chi cục T;
  • Cục trưởng Cục T.
  • Năm 2008-2013: ông C có tham gia trao đổi tiền ảo qua mạng Internet.
  • Ngày 19/10/2015: Cơ quan A ban hành Công văn số 87/ANĐT đề nghị Cục T nghiên cứu xử lý vi phạm hành chính về việc truy thu thuế đối với hành vi mua bán tiền ảo trên mạng Internet của ông C.
  • Ngày 12/5/2016: Chi cục trưởng Chi cục T ra Quyết định số 714/QĐ-CCT truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với ông C do hành vi mua bán tiền ảo trên mạng internet với tổng số tiền truy thu là 2.649.377.069 đồng.
  • Ngày 10/8/2016: Cho rằng số tiền nêu trên vượt quá tổng lợi nhuận trước thuế mà mình thu được nên ông C gửi đơn khiếu nại đến cơ quan thuế. Cơ quan giải quyết khiếu nại lần đầu là Chi cục trưởng Chi cục T. Sau khi xem xét, Chi cục trưởng chi cục T ra Quyết định số 1205/QĐ-CCT bác đơn khiếu nại.
  • Ngày 5/10/2016: ông C tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Cục trưởng Cục T.
  • Ngày 18/5/2017: Cục T sau khi xin hướng dẫn của Tổng cục Thuế đã ra Quyết định số 1002/QĐ-CT thừa nhận tính hợp pháp của Quyết định số 714/QĐ-CCT và không chấp nhận đơn khiếu nại của ông C. Không đồng tình, ông C tiếp tục gửi đơn khiếu kiện tới Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre đề nghị hủy hai quyết định trên.
  • Ngày 21/9/2017: TAND tỉnh Bến Tre chấp thuận đơn khởi kiện của ông Cường và tại Bản án số 22/2017/HC-ST ngày 21-9-2017 đã tuyên hủy hai quyết định trên của các cơ quan thuế với lý do theo pháp luật hiện hành, tiền kỹ thuật số không phải hàng hóa.

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật dân sự năm 2015.
  • Bộ luật hình sự năm 2015.
  • Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007.
  • Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008.
  • Luật Doanh nghiệp năm 2014.
  • Luật Đầu tư năm 2014.
  • Bản án số: 22/2017/HC-ST ngày 21/09/2017 về việc Khiếu kiện Quyết định truy thu thuế giữa người khởi kiện Nguyễn Việt C với người bị kiện Cục T.
  • Nguyễn Nhật Thanh, Nhận diện bản chất pháp lý của tiền mã hóa, Tạp chí Pháp luật và kinh tế, số 10 (319), 2018, tr.34-39.

Câu 1: Xác định loại vụ việc và câu hỏi đối với khách hàng (ông C) nhằm làm rõ thêm vụ việc trước khi tiến hành khiếu nại lên Cục trưởng Cục thuế.

      Trả lời:

      Xác định loại vụ việc: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng thuế, thu thuế, truy thu thuế.

      Câu hỏi làm rõ vấn đề:

Câu hỏi 1: Ông C đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh để có thể kê khai nộp thuế cho hoạt động kinh doanh của mình chưa?

      Trả lời:

      Theo biên bản làm việc ngày 26/4/2016, ông C có trình bày ông đã đến Chi cục T làm hồ sơ đăng ký thuế nhưng không được vì loại hình kinh doanh của ông C là loại hình mới phát sinh, khi công C trình bày như vậy thì phía Chi cục T cũng không có ý kiến gì. Ngoài ra, theo biên bản ngày 11/5/2016 của Đội thẩm định thuộc Chi cục T cũng đã nêu: lý do không xử phạt hành chính hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số của ông C là do đây là một loại hình mới phát sinh, đến nay chưa có văn bản pháp luật về thuế đối với loại kinh doanh này, mặt khác ông C đã tham vấn ý kiến của Cục T nhưng không có hướng dẫn, vì thế cơ quan thuế chưa lập được danh bạ đưa vào bộ quản lý thuế theo quy định pháp luật, vì vậy đây là lỗi của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, theo Điều 23 Luật Quản lý thuế quy định hồ sơ đăng ký thuế đối với cá nhân kinh doanh gồm tờ khai đăng ký thuế và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, ông C đã đến Phòng Tài chính Kế hoạch cũng như Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre để xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh nhưng phía cơ quan thẩm quyền không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ông C, với lý do: thời điểm đó, hình thức kinh doanh này chưa có tên và mã số ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh của Việt Nam. Do ông C không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được thì đương nhiên không kê khai thuế được.

      Như vậy, việc ông C không thực được việc đăng ký kê khai thuế là do có sự khiếm khuyết về luật, chưa có đủ căn cứ pháp luật để ông C thực hiện việc đăng ký thuế.

Câu hỏi 2: Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T gửi cho ông C gồm những nội dung gì ông không đồng ý?

      Trả lời:

      Thứ nhất, tại phần biện pháp khắc phục hậu quả, tổng số thuế ông phải nộp là 2.649.377.069 đồng, cụ thể: thuế giá trị gia tăng: 981.527.006 đồng, thuế thu nhập cá nhân: 1.667.850.063 đồng. Như vậy, số thuế thu nhập mà ông phải nộp như vậy là quá cao, còn hơn tổng lợi nhuận trước thuế (1.358.393.508 đồng) mà ông đã thu được theo kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, phần thuế giá trị gia tăng phải nộp cũng quá cao và chưa thật sự hợp lý.

      Thứ hai, Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T là quyết định về việc biện pháp khắc phục hậu quả. Theo quy định của pháp luật, biện pháp khắc phục hậu quả luôn luôn đi kèm với một quyết định với xử phạt vi phạm hành chính, ngoại trừ 5 trường hợp được quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối chiếu với quy định pháp luật thì trường hợp của ông C hoàn toàn không nằm trong 5 trường hợp này, như vậy, nếu như Chi cục T muốn ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì phải đi kèm với một quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chứ không thể không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà có quyết định áp dụng biện pháp khắc quả. Ngoài ra, theo Luật quản lý thuế thì không có quy định nào cho rằng truy thu thuế là biện pháp khắc phục hậu quả. Do đó, Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T về biện pháp khắc phục hậu quả là không có căn cứ. Bên cạnh đó, cơ quan thuế chỉ căn cứ vào số liệu do Cơ quan A cung cấp mà không tiến hành xác minh, áp dụng các biện pháp của ngành thuế để tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với ông C là không thuyết phục.

      Thứ ba, phương pháp tính thuế giá trị gia tăng đối với loại hình kinh doanh của ông C trong Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T là áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Theo khoản 2 điều 11 của Luật Thuế giá trị gia tăng quy định: “… Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng áp dụng đối với các trường hợp sau đây: a) Cơ sở kinh doanh và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ; b) Hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý”.  Như vậy, Chi cục T áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng đối với loại hình kinh doanh của ông C là không phù hợp vì ông C có hộ khẩu thường trú tại 02E khu phố E, phường P, thành phố B.

Câu hỏi 3: Có phải ông C cũng thừa nhận loại hình kinh doanh của ông phải chịu thuế theo quy định pháp luật nhưng do cơ quan thuế yêu cầu ông nộp thuế quá cao nên ông không đồng ý không?

      Trả lời:

      Theo ông C, theo quy định pháp luật thì thuế giá trị gia tăng được thu trên hàng hóa. Theo hồ sơ thể hiện, ông C mua bán Bitcoin qua mạng Internet. Đến nay, chưa có cơ quan nào khẳng định Bicoin là tiền ảo, tiền điện tử hay là tiền kỹ thuật số. Như vậy muốn khẳng định Bitcoin là gì thì nhà nước phải công nhận, ở đây nhà nước chưa công nhận. Vì vậy, không cở sở để khẳng định Bitcoin là hàng hóa. Do đó, việc cơ quan thuế cho rằng Bitcoin là hàng hóa, việc mua bán Bitcoin là kinh doanh hàng hóa nên phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân là không có căn cứ. Việc cho rằng, ông C “không thấy hợp lý khi cơ quan thuế thu thuế quá cao” nghĩa là ông C chấp nhận việc đóng thuế nếu cơ quan thuế giảm tiền thuế, cách hiểu như vậy là không đúng vì đây là chỉ là một trong các căn cứ để ông C yêu cầu hủy quyết định hành chính.

Câu 2: xác định các vấn đề pháp lý phát sinh cần làm rõ liên quan đến vụ việc, văn bản liên quan?

      Trả lời:

      Tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là gì?

      Tiền mã hóa là đối tượng sinh ra trong giai đoạn phát triển của công nghệ thông tin. Ban đầu đối tượng này chỉ được coi như một loại sản phẩm của phần mềm máy tính với những tính chất đặc thù. Có rất nhiều loại tiền kỹ thuật số đang tồn tại trong hệ thống không gian ảo, phổ biến như Bitcoin Litecoin , Namecoin , Ripple , Iota , Neo … Khởi đầu là đồng tiền ảo có tên gọi là Bitcoin xuất hiện vào năm 2009 và sau đó đã gia tăng chóng mặt về số lượng đạt mức 80 loại tiền ảo vào năm 2013. Đến tháng 4/2018 đã có khoảng hơn 1.584 đồng tiền mã hóa tương tự Bitcoin được giao dịch và định giá vào khoảng 393 tỷ USD[1].

      Tiền mã hóa (cryptocurrency) là đối tượng được tạo ra bởi các mã toán học dựa trên mã nguồn mở. Hầu hết các loại tiền mã hóa được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain. Nói một cách đơn giản, nó là một hệ thống truyền tải và lưu trữ dữ liệu hoặc thông tin được tạo ra trong khi giao dịch bằng một loại tiền mã hóa. Về mặt lý thuyết, các thông tin lưu trữ trên khối blockchain là không thể thay đổi và phá hủy. Việc phát hành tiền mã hóa cũng tuân theo những quy tắc nhất định nhằm đảm bảo số lượng tiền được phát hành không quá nhiều sẽ gây ra tình trạng lạm phát giảm giá trị của đồng tiền. Tiền kỹ thuật số thường được kiểm soát bởi các bên tự nhân và được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng cụ thể.

      Khác với tiền điện tử, cũng được số hóa, tức là tiền ở dạng những bit số (tiền điện tử phải đáp ứng đủ ba điều kiện là lưu trữ điện tử, được phát hành dựa trên tiền thật và được chủ thể chấp nhận như một phương tiện thanh toán), thì tiền mã hóa chỉ đáp ứng được điều kiện thứ nhất và thứ ba (điều này khiến nhiều người nhầm lẫn giữa các khái niệm) nhưng lại không có được đặc điểm thứ hai. Ngoài ra, nếu như giá trị của tiền điện tử được tổ chức phát hành đảm bảo bằng việc cam kết sẽ chuyển đổi tiền điện tử sang tiền giấy theo yêu cầu của người sở hữu, thì đa phần các tiền mã hóa hiện nay được giao dịch mua bán hoàn toàn trên môi trường internet và không chịu sự quản lý của bất cứ cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào.

Pháp luật Việt Nam có thừa nhận tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là hàng hóa không?

      Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở 1 trong 4 dạng.

      Thứ nhất, vật đó phải là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại dưới dạng chất rắn, lỏng, khí và con người có thể chiêm ngưỡng, kiểm soát được, như nhà cửa, xe cộ, bàn ghế…

      Thứ hai, tiền – phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành và được Nhà nước bảo hộ – dùng để định giá các loại tài sản khác bao gồm tiền nội tệ và ngoại tệ, tiền điện tử.

      Thứ ba, giấy tờ  có giá trị, có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự.

      Thứ tư, quyền tài sản, tức quyền giá trị được thể hiện bằng tiền, bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng đất, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ… Đối chiếu các quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong 4 dạng trên.

      Ngoài ra, theo định nghĩa về hàng hóa của Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại, hàng hóa bao gồm các loại động sản kể cả động sản hình thành trong tương lai, những vật gắn liền với đất đai. Theo quy định này, muốn trở thành hàng hóa, trước tiên đối tượng phải được công nhận là tài sản và phải thuộc 1 trong 2 dạng hoặc động sản hoặc bất động sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đối chiếu với quy định này, tiền ảo cũng không được coi hàng hóa. Tiền ảo không được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một loại tiền tệ và nó không phải là tài sản. Vì những lý do sau:

      Thứ nhất, các giao dịch thương mại hay dân sự thanh toán bằng Bitcoin mang tính chất ẩn danh, chủ thể của quan hệ không xác định được danh tính và chủ thể của các bên quan hệ không biết rõ về nhau, mà chỉ thông qua mạng Internet. Vì vậy, khi có hành vi xâm phạm lợi ích của nhau thông qua giao dịch bằng tiền ảo Bitcoin, thì bên có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm sẽ được giải quyết như thế nào, khi mà bên chủ thể vi phạm cố ý ẩn tích và lẩn trốn trên mạng Internet? Ngoài ra, do tính ẩn danh cao cho nên việc sử dụng Bitcoin trong giao dịch có thể bị lạm dụng là phương tiện cho tội phạm rửa tiền, buôn bán hàng cấm, trốn thuế và mua bán, trao đổi những tài sản phi pháp khác.

      Thứ hai, thuộc tính của Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên có nhiều nguy cơ bị xâm phạm, bị chiếm đoạt, bị thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn. Vì vậy, giao dịch bằng Bitcoin có nhiều nguy cơ bị lạm dụng, bị chiếm đoạt mất tài sản là khoản tiền do các thành viên của mạng lưới Bitcoin góp vào, nhưng chưa có cơ chế bảo vệ vì nhà nước không thừa nhận quan hệ giao dịch này.

      Thứ ba, do không có cơ quan giám sát, không có cơ quan trung gian, quan hệ sử dụng Bitcoin tự do, tự phát theo một quy ước giữa các bên chủ thể tham gia giao dịch không công khai, do giá trị Bitcoin biến động mạnh theo thời gian hoạt động ngắn nên ẩn chứa nhiều nguy cơ bong bóng, nhà đầu tư không lường trước được những rủi ro tiềm ẩn trong giao dịch, bị thiệt hại về tài sản mà không đươc bảo vệ bằng các cơ chế pháp lý. Ngược lại, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào, do vậy chủ sở hữu Bitcoin tự chịu toàn bộ rủi ro.

Hoạt động kinh doanh tiền kỹ thuật số (tiền ảo) có bị pháp luật Việt Nam cấm không?

      Trả lời:

      Thứ nhất, với pháp luật hình sự:

      Theo quy định tại Điểm (h) Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, hành vi phát hành cung ứng sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoặc hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Như vậy, theo quy định này và dựa vào những phân tích ở trên, việc phát hành cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là bất hợp pháp, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

      Tuy nhiên, do tiền ảo chưa được công nhận là tiền hay tài sản ở Việt Nam, nên tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị xác định là phạm tội rửa tiền hoặc không. Thí dụ, người nhận hối lộ bằng tiền ảo, sau đó thực hiện các hoạt động rửa tiền thì không phạm tội. Nhưng người nhận hối lộ bằng tiền thật, sau đó đổi sang tiền ảo rồi thực hiện các hoạt động rửa tiền khác thì có thể phạm tội rửa tiền. Điều này chứng minh sự bất hợp lý trong quy định của pháp luật khi cùng 1 hành vi, lúc được xem là phạm tội, lúc lại không.

      Như vậy, pháp luật hình sự chỉ cấm các trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng các giao dịch tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền được quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015.

      Thứ hai, với pháp luật về đầu tư và chứng khoán:

      Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp thực hiện kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn hoặc góp vốn bằng tiền ảo cũng không bị cấm theo Luật Doanh nghiệp 2014.

      Trong khi đó, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 6, cũng như ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê tại Điều 7, đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Như vậy, theo Luật Đầu tư năm 2014, các hoạt động liên quan đến tiền ảo không bị coi là ngành nghề cấm kinh doanh.

      Hiện nay, các hoạt động huy động bằng tiền ảo ICO hoặc các sàn giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra, các chủ thể vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh chuyển nhượng góp vốn huy động vốn đầu tư bằng các đồng tiền ảo. Pháp luật không cấm hoạt động kinh doanh này nhưng cũng chưa có những quy định cụ thể, cùng với đó việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động này cũng chưa có cơ sở để giải quyết phù hợp.

      Kết luận: Qua các quy định của Pháp luật cho thấy, nhà nước Việt Nam hiện tại không hề cấm các giao dịch, mua bán trao đổi tiền kỹ thuật số này. Mà các điều khoản đưa ra chỉ cấm các hành vi lừa đảo, chống rửa tiền và tạo ra thông điệp tiền ảo rất mạo hiểm, chúng ta có thể bị mất rất nhiều tiền. Bên cạnh đó, cũng cho thấy sự quan tâm của nhà nước về lĩnh vực tiền mã hóa mới này, mở ra tiềm năng phát triển cực lớn cho tương lai gần.

Tiền kỹ thuật số (tiền ảo) có thuộc đối tượng chịu thuế theo pháp luật thuế Việt Nam không?

      Hiện nay, hoạt động kinh doanh tiền ảo và các hoạt động khác liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích sinh lợi không chịu sự điều chỉnh của luật về thuế. Nguyên nhân do Việt Nam chưa có khung pháp lý về tiền ảo, nên bản thân các đồng tiền ảo và các hoạt động kinh doanh tiền ảo không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể có liên quan.

      Có nhiều quan điểm như Chi cục trưởng Chi cục T trong bản án cho rằng hoạt động kinh doanh mua bán tiền ảo là hoạt động mua bán hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân của pháp luật thuế hiện hành. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008: “Đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và hàng tiêu dung ở Việt Nam” và quy định tại Điều 2 và Điều 3 Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2007: “Đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”. Như đã phân tích ở trên, tiền ảo không được coi là hàng hóa, khung pháp lý về tiền ảo cũng như hành vi mua bán tiền ảo qua mạng Internet đang được hoàn thiện, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào xác định tiền kỹ thuật số, tiền ảo là hàng hóa và mua bán tiền ảo là kinh doanh hàng hóa được pháp luật cho phép và phải chịu thuế. Do vậy, tiền ảo không thuộc đối tượng chịu thuế theo pháp luật thuế Việt Nam.

       Quan điểm của nhóm về bản án:

      Từ những phân tích ở trên, nhóm chúng em hoàn toàn đồng tình với lập luận đầy thuyết phục của tòa. Bitcoin là dạng tiền kỹ thuật số (tiền điện tử), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính. Việc lưu thông trên Thị trường của loại tiền này không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Vì không phải phương tiện thanh toán hợp pháp nên cũng chưa có tập quán thương mại liên quan đến việc kinh doanh loại tiền này. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện nay chưa xem đồng tiền bitcoin là hàng hóa dịch vụ nên việc truy thu thuế là không thỏa đáng. Việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là mặc nhiên công nhận tiền điện tử là hàng hóa. Việc truy thu thuế không đúng này sẽ ảnh hưởng hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp…

       Bên cạnh đó, tại quyết định truy thu thuế, cơ quan thuế có ghi nhận rằng không xử phạt vi phạm hành chính đối với ông C do hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng Internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế còn chậm. Điều đó thể hiện việc mua bán loại tiền này chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành…

       Quyết định truy thu thuế đã căn cứ vào công văn của cơ quan an ninh để tính thuế là không đúng bởi tài liệu này chỉ mang tính chất tham khảo. Tài liệu này là kết quả thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự nhằm xác định có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hay không, nhằm xác định số tiền ông Cường tham gia mua bán tiền ảo, từ đó định lượng số tiền phạm pháp hoặc thu lợi bất chính chứ không phải làm căn cứ để tính thuế GTGT hay thuế TNCN theo quy định.

       Qua đây, có thể thấy, pháp luật cần điều chỉnh bổ sung các quy định, thực hiện pháp luật hóa về đối tượng kinh doanh mới này trên thị trường – tiền ảo. Đây là hạn chế mà pháp luật đang bỏ ngỏ, cần hoàn thiện khung pháp lý về loại tiền này trong pháp luật kinh doanh thương mại và tài chính. Mặc dù lợi nhuận từ tiền ảo ông C thu được tại thời điểm Chi cục T ra quyết định yêu cầu thu thuế là không phù hợp, nhưng trong tương lai cần có quy định cụ thể áp dụng thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân với trường hợp kinh doanh tiền ảo.

Câu 3: Soạn đơn khiếu nại gửi Cục trưởng Cục Thuế liên quan đến vụ việc

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————-

Bến Tre, ngày 01  tháng  06  năm 2016

ĐƠN KHIẾU NẠI

(Về Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/05/2016 của Chi cục

      trưởng Chi cục Thuế Thành phố Bến Tre)

      Kính gửi: Chi cục trưởng Chi cục thuế Thành phố Bến Tre

              Người khiếu nại:

      Tôi: Nguyễn Việt C

      Sinh ngày: 08/09/1984

      CCCD số: 031078005445

      Nơi cấp: Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư.

      Địa chỉ thường trú: 02E khu phố E, phường P, thành phố B, tỉnh Bến Tre

      Số điện thoại liên hệ: 0385888888

               Nội dung khiếu nại:

      Ngày 13/05/2016, tôi nhận được Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với tôi. Cụ thể nội dung Quyết định là buộc tôi phải nộp tổng số thuế 2.649.377.069 đồng, bao gồm:

      Thuế Giá trị gia tăng: 981.527.006 đồng đối với lượng tiền kĩ thuật số tôi giao dịch trên internet từ giữa năm 2008 đến hết năm 2013.

      Thuế Thu nhập cá nhân: 1.667.850.063 đồng đối với thu nhập từ quá trình kinh doanh tiền kĩ thuật số qua mạng internet của tôi từ giữa năm 2008 đến hết năm 2013.

      Quyết định này của Chi cục trưởng Chi cục Thuế là không phù hợp với quy định pháp luật, căn cứ vào những lí do sau:

  1. Không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền kĩ thuật số là hàng hóa, nên Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế cho rằng tiền kĩ thuật số là hàng hóa và thu thuế giá trị gia tăng đối với tiền kĩ thuật số, thu thuế thu nhập cá nhân với khoản thu nhập từ kinh doanh tiền kĩ thuật số là không có căn cứ pháp luật.
  2. Tại thời điểm tôi thực hiện kinh doanh tiền kĩ thuật số vào giữa năm 2008 cho đến 2013, cũng như tại thời điểm hiện tại không có văn bản pháp luật nào quy định tiền kĩ thuật số là “hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam”.

       Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005 thì khái niệm hàng hóa được quy định cụ thể như sau:

      “Hàng hóa bao gồm:

      a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

      b) Những vật gắn liền với đất đai”

      Tiền kĩ thuật số không phải là vật, do đó tiền kĩ thuật số không thuộc khoản b) quy định trên.

      Tiền kĩ thuật số cũng không phải động sản vì nếu xác định tiền kĩ thuật số là động sản, tức là đã công nhận tiền kĩ thuật số là một loại tài sản. Theo Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 thì tài sản là: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”

      Tiền kĩ thuật số không phải là vật, tiền, giấy tờ có giá. Quyền sở hữu đối với tiền kĩ thuật số cũng không trị giá được bằng tiền do giá trị của tiền kĩ thuật số hiện tại không được công nhận chính thức trong bất kì văn bản pháp luật nào, không có căn cứ pháp lí nào quy định các chủ thể sở hữu tiền kĩ thuật số có thể quy đổi ra tiền Việt Nam Đồng. Bên cạnh đó việc mua bán tiền kĩ thuật số do người mua tự nguyện mua và người bán tự nguyện bán, tự  thỏa thuận về giá cả và giá trị của tiền kĩ thuật số chỉ mang tính cá biệt cho riêng giao dịch đó, đứng trên phương diện pháp lí, việc sở hữu tiền kĩ thuật số hoàn toàn không có giá trị.

      Căn cứ theo Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự, tiền kĩ thuật số không phải là hàng hóa. Do đó, tiền kĩ thuật số không phải đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng, cá nhân thu được lợi nhuận từ kinh doanh tiền kĩ thuật số không phải nộp thuế Thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này.

      Chi cục trưởng Chi cục thuế Thành phố Bến Tre căn cứ theo Công văn Số: 4356/BTC-TCT của Bộ Tài chính gửi Cục thuế tỉnh Bến Tre; Công văn số 87/CV-ANĐT ngày 19/10/2015 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre để ra Quyết định bắt buộc tôi phải chấp hành là trái với quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lí hành chính Nhà nước.

      Công văn số: 4356/BTC-TCT của Bộ Tài chính gửi Cục thuế tỉnh Bến Tre và Công văn số 87/ CV-ANĐT ngày 19/10/2015 của Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Bến Tre là văn bản chỉ mang tính chất tham khkĩ thuật số, hướng dẫn nội bộ giữa các cơ quan Nhà nước thuộc các cấp, các ngành.

      Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật liệt kê Hệ thống các Văn bản quy phạm pháp luật, trong đó không có Công văn. Vì vậy, Công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có tính chất bắt buộc thi hành.

       Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp quy định rằng Cơ quan Nhà nước phải thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, cụ thể:

      “1. Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.”

      Theo Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hành vi của Chi cục trưởng Chi cục thuế Thành phố Bến Tre căn cứ theo các Công văn để ra Quyết định buộc tôi phải chấp hành là vi phạm pháp luật.

          Yêu cầu giải quyết khiếu nại:

      Căn cứ những lí do trên, tôi yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục thuế Thành phố Bến Tre xem xét hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 Về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với tôi theo quy định pháp luật.


    Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân tích quy định của pháp luật việt nam về vấn đề tiền ảo có phải là hàng hóa không? Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top