Xu hướng phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về tham nhũng

Hiện nay, tình hình tham nhũng ở nước ta đã ở mức nghiêm trọng, đáng báo động. Tham nhũng không chỉ xảy ra ở cấp Trung ương, ở những chương trình, dự án lớn mà còn xuất hiện nhiều trong các cấp chính quyền cơ sở – cơ quan tiếp xúc với nhân dân hằng ngày, giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà hành vi tham nhũng còn xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, làm mất lòng tin của nhân nhân vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, việc phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề cấp bách, quan trọng mà nhà nước ta đặt ra. Ngoài việc phòng ngừa, không cho những hành vi này xảy ra thì việc áp dụng hình thức xử lý như thế nào đối với hành vi này cho tương thích với mức độ nguy hiểm của hành vi là vấn đề cần lưu ý, biện pháp xử lý nghiêm minh nhất đối với hành vi này đó là xử lý hình sự.Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề:“Xu hướng phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về tham nhũng”


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật hình sự năm 1985, sửa đổi bổ sung vào các năm 1989, năm 1991, năm 1992 và năm 1997.
  • Bộ luật hình sự năm 1999.
  • Bộ luật hình sự năm 2015.
  • Sắc lệnh số 223/SL, ngày 27/11/1946 về trừng trị các tội hối lộ, phù lạm, biển thủ công quỹ.

Nội dung

Sự phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về tham nhũng từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999

Giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985

Trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985, việc xử lý các hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của các Sắc lệnh, chỉ thị. Trong đó, nổi bật là Sắc lệnh số 223/SL, ngày 27/11/1946 về trừng trị các tội hối lộ, phù lạm, biển thủ công quỹ; Sắc lệnh 267/SL, ngày 15/6/1946 quy định trừng trị những âm mưu và hoạt động phá hoại tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã và của nhân dân làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch của Nhà nước…

Trong Sắc lệnh số 223/SL, ngày 27/11/1946 về trừng trị các tội hối lộ, phù lạm, biển thủ công quỹ có quy định như sau:

Điều 1 Sắc lệnh quy định: Tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ hoặc phù lạm, biển thủ công quỹ hay của công dân đều bị phạt khổ sai từ năm đến hai mươi năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ, phù lạm hay biển thủ; tang vật hối lộ bị tịch thu sung công; người phạm tội có thể bị xử tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản; các đồng phạm và tòng phạm cũng bị phạt như trên.

Điều 2 Sắc lệnh quy định:Người phạm tội đưa hối lộ cho một công chức mà tự ý cáo giác cho nhà chức trách việc hối lộ ấy và chứng minh rằng đưa hối lộ là vì bị công chức cưỡng bách ước hứa hay là dùng cách trá ngụy thì người ấy được miễn hết các tội. Trong trường hợp này, tang vật hối lộ được hoàn lại.

Có thể thấy, trong Sắc lệnh số 223 đã ghi nhận những hành vi sau được coi là tham nhũng: hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ; hành vi biển thủ công quỹ hay của công dân. Đồng thời, trong Sắc lệnh cũng có quy định về việc nếu người phạm tội đưa hối lộ cho công chức tự ý cáo giác cho nhà nước và chứng minh rằng bị cưỡng ép thì sẽ được miễn hết các tội.

Như vậy, tuy các hành vi tham nhũng chưa được hình sự hóa nhưng việc ghi nhận những hành vi này trong các Sắc lệnh đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý những hành vi này, đảm bảo sự công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật.

Xu hướng phát triển của pháp luật hình sự việt nam về các tội phạm về tham nhũng
xu hướng phát triển của pháp luật hình sự việt nam về các tội phạm về tham nhũng

Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999

Năm 1985 Bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta ra đời trên cơ sở của nền kinh tế bao cấp và thực tiễn của tình hình tội phạm thời kỳ đó. Trong Bộ luật hình sự năm 1985 đã có quy định về các hành vi tham nhũng và hình phạt tương ứng cho mỗi hành vi.

Để có những quy định cụ thể phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn, BLHS đã được sửa đổi, bổ sung liên tiếp: ngày 28/12/1889 (lần 1); ngày 12/8/1991 (lần 2); ngày 22/12/1992 (lần 3); ngày 10/5/1997 (lần 4).

Theo đó, các hành vi tham nhũng được hình sự hóa là: hành vi tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản;…

Các hành vi tham nhũng được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 và được sửa đổi, bổ sung qua các giai đoạn đều có chung những dấu hiệu sau:

  • Chủ thể của các tội phạm về tham nhũng đều là những người có chức vụ, quyền hạn;
  • Các tội phạm về tham nhũng có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái với công vụ;
  • Các tội phạm về tham nhũng xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội;
  • Các tội phạm về tham nhũng đều vì mục đích vụ lợi.

Như vậy, Bộ luật hình sự năm 1985 không chỉ quy định những hành vi tham nhũng để tạo căn cứ pháp lý cho việc xử lý những hành vi này mà còn quy định thêm nhiều hành vi tham nhũng trong Bộ luật hình sự so với các hành vi tại Sắc lệnh 223 như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản… Quy định này cho thấy xu hướng mở rộng việc xử lý các hành vi tham nhũng để phù hợp với tình tình thực tế.

Việc ghi nhận các hành vi tham nhũng trong Bộ luật hình sự 1985 cho thấy sự quan tâm đúng mực của nhà nước đối với vấn đề này, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để xử lý những hành vi mang tính nguy hiểm cho xã hội cao, gây nhiều thiệt hại cho nhà nước, công dân.

Quy định về các tội phạm về tham nhũng của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015

Quy định về các tội phạm về tham nhũng của Bộ luật Hình sự năm 1999

Để đáp ứng và phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước, luật hình sự buộc phải có những thay đổi mang tính phát triển. Sự phát triển này được thể hiện trước hết và chủ yếu trong những sửa đổi, bổ sung của BLHS. Chúng ta có thể chia quá trình phát triển này thành hai giai đoạn: Giai đoạn từ 1986 đến trước khi có BLHS năm 1999 và giai đoạn từ khi có BLHS năm 1999 đến nay. Trong giai đoạn đầu, sự thay đổi của BLHS chỉ có tính cục bộ nhằm mục đích khắc phục tạm thời những hạn chế, những bất hợp lí của BLHS năm 1985. Ở giai đoạn thứ hai, sự ra đời BLHS năm 1999 đánh dấu sự thay đổi tương đối toàn diện của luật hình sự Việt Nam, trong đó có cả những quy định về phòng chống tham nhũng.

Trong Bộ luật hình sự năm 1999, đã có 7 hành vi được hình sự hóa thành các tội phạm tham nhũng đó là: tham ô tài sản (Điều 278); nhận hối lộ (Điều 279); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281); lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282); lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283); giả mạo trong công tác (Điều 284).

Các quy định về các tội phạm tham nhũng trong Bộ luật hình sự năm 1999 thể hiện sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp khi quy định rõ ràng, cụ thể hơn để các cơ quan có thẩm quyền dễ dáng áp dụng trên thực tế.

Ví dụ, đối với tội tham ô tài sản, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa mà mình có trách nhiệm trực tiếp quản lý, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm” (Khoản 1 Điều 133). Trong quy định này, có thể thấy các nhà làm luật cũng đã mô tả đầy đủ các dấu hiệu của tội tham ô tài sản: hành vi khách quan là hành vi chiếm đoạt tài sản; chủ thể thực hiện hành vi là người có chức vụ quyền hạn trong việc quản lý tài sản và mới động cơ vụ lợi. Tuy nhiên, trong quy định này không đề cập đến giá trị của tài sản tham ô phải là bao nhiêu, mà phải đến những lần sửa đổi, bổ sung thì các nhà làm luật mới thêm vào quy định về trị giá tài sản tham ô. Đến Bộ luật hình sự năm 1999, về cơ bản đã hạ mức sàn của trị giá tài sản tham ô (từ 5 triệu đồng theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật hình sự năm 1985 xuống còn năm trăm nghìn đồng); đồng thời ghi nhận thêm nhiều hành vi làm tình tiết tăng nặng cho tội phạm và quy định thêm hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ.

Có thể nhận thấy rằng, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định ít hành vi được coi là các tội phạm về tham nhũng hơn so vớ Bộ luật hình sự năm 1985 sửa đổi bổ sung năm 1997. Cụ thể, Bộ luật hình sự năm 1999 đã không coi những hành vi như đưa hối lộ, môi giới hối lộ; hành vi lập quỹ trái phép là tội phạm tham nhũng mà hành vi đưa hối lộ bị coi là những tội phạm khác về chức vụ.

Như vậy, Bộ luật hình sự năm 1999 có xu hướng thu hẹp những hành vi bị coi là tội phạm tham nhũng, nhưng trong mỗi hành vi thì các nhà làm luật lại quy định mức giá trị tài sản tham nhũng thấp hơn và những tình tiết định khung tăng nặng nhiều hơn, do đó, tuy ít hành vi hơn nhưng phạm vi xử lý trong mỗi hành vi phạm tội lại rộng hơn. Có thể khẳng định, bộ luật hình sự năm 1999 có xu hướng mở rộng hơn về việc xử lý các tội phạm về tham nhũng.

Quy định về các tội phạm về tham nhũng của Bộ luật Hình sự năm 2015

Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 đã liệt kê 11 hành vi tham nhũng được xây dựng trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) ngày 10/5/1997 về các tội tham nhũng. Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 được ban hành đã dành riêng 01 chương quy định về các tội phạm về chức vụ trong đó 01 mục (mục A) với 07 điều luật quy định về các tội phạm tham nhũng và 01 mục (mục B) với 07 điều luật quy định về các tội phạm khác về chức vụ. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật PCTN) năm 2005 đã quy định 12 hành vi tham nhũng chứ không phải 07 hành vi. Như vậy, các tội phạm về tham nhũng quy định tại Mục A, Chương XXI, BLHS năm 1999 không còn phù hợp với quy định về hành vi tham nhũng của Luật PCTN năm 2005. BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 nhưng không sửa đổi, bổ sung các tội phạm về tham nhũng, nên các tội phạm về tham nhũng quy định tại Mục A, Chương XXI vẫn là 07 tội. Có thể thấy sự không thống nhất giữa các quy định trong các văn bản pháp luật dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng.

Bên cạnh đó, kết quả rà soát, đánh giá các quy định của BLHS năm 1999 với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng cho thấy, pháp luật hình sự của Việt Nam chưa thực sự tương thích với các yêu cầu về hình sự hóa quy định tại Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) như mở rộng tội phạm tham nhũng ra khu vực tư, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, đưa lợi ích phi vật chất vào cấu thành tội nhận hối lộ…

Nhóm tội phạm về tham nhũng được quy định tại mục 1 Chương XXIII của BLHS năm 2015 gồm 7 điều, từ Điều 353 đến Điều 359. Đó là các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và giả mạo trong công tác. Về cơ bản thì những hành vi được coi là tội phạm tham nhũng không thay đổi so với bộ luật hình sự năm 1999 nhưng trong mỗi điều luật, chúng ta đều có thể thấy xu hướng mở rộng phạm vi xử lý các tội phạm về tham nhũng:

Thứ nhất, mở rộng phạm vi chủ thể của tội tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.

Trong bộ luật hình sự năm 1999, chủ thể của các tội phạm về tham nhũng chỉ có thể là những người trong nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức). Tuy nhiên, trên thực tế những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư cũng hoàn toàn có thể thực hiện các hành vi tham nhũng này. Một người thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp có thể thực hiện hành vi tham ô tài sản, một người giám đốc, trưởng phòng cũng có thể nhận hối lộ. Do đó, một yêu cầu cấp thiết là phải đưa nhóm chủ này thành chủ thể của các tội phạm tham nhũng.

Bộ luật hình sự năm 2015 đã đáp ứng được yêu cầu này. Các nhả làm luật đã mở rộng phạm vi chủ thể thực hiện tội phạm, không chỉ còn bó hẹp trong khu vực nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước) mà còn gồm cả những người có chức vụ trong khi thực hiện “nhiệm vụ” (tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước).

Thứ hai, quy định về của hối lộ có thể là lợi ích phi vật chất.

Trong Bộ luật hình sự năm 1999, để có thể cấu thành các tội phạm về tham nhũng như tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ thì của hối lộ phải là những lợi ích trị giá được bằng tiền. Tuy nhiên, đến bộ luật hình sự năm 2015, của hối lộ không chỉ còn là những lợi ích vật chất trị giá được bằng tiền mà là bất kỳ lợi ích nào, có thể là lợi ích tinh thần (vị trí, tình dục,…). Bên cạnh đó, bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định thêm việc nhận những lợi ích này không chỉ cho mình mà còn cho người khác. Như vậy, nội hàm của quy định này đã được mở rộng.

Những quy định này của bộ luật hình sự năm 2015 phù hợp với quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng. Cụ thể, trong công ước cũng quy định về tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước (Điều 21, Điều 22 Công ước liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng); đồng thời công ước cũng quy định về của hối lộ có thể là bất kỳ một lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc người khác.

Xu hướng phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về tham nhũng
Xu hướng phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về tham nhũng

Thứ ba, bổ sung cấu thành tăng nặng định khung hình phạt đối với một số tội và bổ sung các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng.

Cũng giống như hầu hết các quy định của BLHS năm 1999 về các nhóm tội phạm cụ thể khác, các quy định về tội phạm tham nhũng còn nhiều hạn chế, dấu hiệu định tội, định khung của nhiều tội chưa rõ ràng cụ thể, nhiều tình tiết có tính chất “định tính”, gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý tội phạm. Hơn nữa, một số quy định về tội phạm chức vụ còn quá đơn giản, chưa dự liệu được hết các trường hợp phạm tội có tính nghiêm trọng hơn, do đó, chỉ thiết kế một hoặc hai khung hình phạt. Để bảo đảm tính minh bạch của các quy định, bảo đảm cá thể hóa trách nhiệm hình sự cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, bổ sung nhiều tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với hầu hết các tội phạm về tham nhũng. Cụ thể như sau:

Tội tham ô tài sản (Điều 353): Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm đ, e, g, khoản 2; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, c, d khoản 3.

Tội nhận hối lộ (Điều 354): Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm d, khoản 2; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, khoản 3; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, khoản 4.

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm đ, e khoản 2, bỏ tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo Điều 280 BLHS 1999; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, c, d khoản 3; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, khoản 4.

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Bổ sung tình tiết định khung hình phạt tại khoản 1; Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm c, khoản 2; Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại khoản 3.

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ: Bổ sung tình tiết định khung hình phạt tại khoản 1; Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm c, khoản 2; Sửa đổi khung hình phạt và bổ sung tình tiết định khung hình phạt tại khoản 3, 4.

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi: Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm d, khoản 2; Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại điểm b, khoản 3; Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại khoản 4.

Tội giả mạo trong công tác: Sửa đổi định khung hình phạt tại điểm c, khoản 2; Sửa đổi, bổ sung định khung hình phạt tại khoản 3, 4.

Thứ tư, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô tài sản đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353, tội nhận hối lộ đặc biệt nghiệm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354. Đối với các trường hợp này, bất kể thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý.

Nhìn chung, các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội phạm tham nhũng đều có xu hướng mở rộng và có phần bất lợi cho người phạm tội, tuy nhiên vẫn có một số quy định được sửa đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội:

Thứ nhất, tăng mức định lượng, cụ thể hóa số tiền phạt đối với các tội phạm về tham nhũng.

Định lượng về tiền phạt đối với một số tội danh tham nhũng của Bộ luật hình sự 1999 không còn phù hợp với thực tế tình hình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay của Việt Nam, chưa tương xứng với hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra nên cần phải có sự điều chỉnh nâng lên cho phù hợp. Một số tội danh, mức phạt chưa được cụ thể hóa mà để theo mức độ giá trị tiền và tài sản mà người tham nhũng có được khi thực hiện hành vi tham nhũng cũng chưa hợp lý vì tiền và tài sản có được đó phải bị tịch thu còn tiền phạt thì cần được quy định cụ thể căn cứ vào tội danh nên Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi theo hướng cụ thể hóa mức tiền phạt.

Thứ hai, nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị là giảm hình phạt tử hình, đồng thời khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho nhà nước và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm để hưởng chính sách khoan hồng. Điều 40 BLHS năm 2015 quy định “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Như vậy, có thể thấy các quy định về tội phạm tham nhũng qua từng giai đoạn khác nhau đều có xu hướng mở rộng. Điều này cho thấy thái độ quyết liệt của Đảng, nhà nước đối với vấn đề phòng, chống tham nhũng để xử lý nghiêm minh những hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội cao, gây thất thoát nhiều tiền của của nhà nước và nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Xu hướng phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về tham nhũng. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top