Đối với người lao động, vấn đề “tiền lương” luôn là vấn đề cấp thiết, quan trọng nhất. Một chính sách tiền lương đúng đắn sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy lao động tích cực, khiến cho sản xuất được phát triển, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt trình độ cao. Hiện nay chính sách tiền lương ở nước ta còn rất nhiều bất cập, vì vậy rất cần những chính sách cải cách để nâng cao đời sống của những người lao động. Kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy cải cách tiền lương phải đi liền với lý luận của C. Mác về tiền công và đảm bảo đầy đủ giá trị sức lao động. Hiểu rõ được vai trò của tiền công (tiền lương) và đặc biệt là vai trò của nó đối với người lao động Việt Nam, em xin chọn đề tài: “Lý luận tiền công của C. Mác và sự vận dụng lý luận này trong cải cách chính sách tiền công (tiền lương) ở Việt Nam hiện nay”.
Danh mục tại liệu tham khảo
- Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin (Giành cho sinh viên đại học, cao đẳng khối không chuyên ngành Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh), Bộ Giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, 2009
Lý luận của C.Mác về tiền công trong chủ nghĩa tư bản
Hàng hóa sức lao động :
Sức lao động và hai điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa: Theo C.Mác: “Sức lao động, đó là toàn bộ các thể lực và trí lực ở trong thân thể một con người, trong nhân cách sinh động một con người, thể lực và trí lực mà con người phải làm cho hoạt động để sản xuất ra những vật có ích”.
Trong bất cứ xã hội nào, sức lao động cũng là điều kiện cơ bản của sản xuất. Nhưng không phải bất kì điều kiện nào, sức lao động cũng là hàng hóa. Sức lao động chỉ có thể trở thành hàng hóa trong những điều kiện lịch sử nhất định sau đây:
Thứ nhất, người có sức lao động phải được tự do về thân thể, làm chủ được sức lao động của mình và có quyền bán sức lao động củ mình như một hàng hóa.
Thứ hai, người có sức lao động phải bị tước đoạt hết mọi tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt, họ trở thành người “vô sản”, để tồn tại buộc anh ta phải bán sức lao động của mình để sống.
Sự tồn tại đồng thời hai điều kiện nói trên tất yếu biến sức lao động thành hàng hóa. Sức lao động biến thành hàng hóa là điều kiện quyết định để tiền biến thành tư bản. Tuy nhiên, để tiền biến thành tư bản thì lưu thông hàng hóa và lưu thông tiền tệ phải phát triển tới một mức độ nhất định.
Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động:
Lý luận tiền công của C. Mác
Cũng như mọi loại hàng hóa khác, hàng hóa sức lao động cũng có hai thuộc tính: giá trị và giá trị sử dụng.
Giá trị hàng hóa sức lao động, cũng do thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động quyết định. Nhưng sức lao động chỉ tồn tại như năng lực sống của con người. Muốn tái sản xuất ra năng lực đó, người công nhân phải tiêu dùng một lượng tiêu dùng sinh hoạt nhất định về ăn, mặc, ở, học nghề.v.v. Ngoài ra người lao động còn phải thỏa mãn những nhu cầu của gia đình và con cái của anh ta nữa. Chỉ có như vậy, thì sức lao động mới được sản xuất và tái sản xuất ra một cách liên tục.
Là hàng hóa đặc biệt, giá trị hàng hóa sức lao động khác với hàng hóa thông thường ở chỗ nó còn bao hàm cả yếu tố tinh thần và lịch sử. Điều đó có nghĩa là ngoài những nhu cầu về vật chất, người công nhân còn có nhưng nhu cầu về tinh thần, văn hóa… Những nhu cầu đó phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước ở từng thời kỳ, đồng thời nó còn phụ thuộc vào điều kiện địa lý, khí hậu của nước đó.
Tuy giá trị hàng hóa sức lao động bao hàm yếu tố tinh thần và lịch sử, nhưng đối với mỗi nước nhất định và trong một thời kỳ nhất định, thì quy mô những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người lao động là một đại lượng nhất định, do đó có thể xác định được lượng giá trị hàng hóa sức lao động do những bộ phận sau đây hợp thành:
Một là, giá trị những tư liệu sinh hoạt về vật chất và tinh thần cần thiết để tái sản xuất sức lao động, duy trì đời sống của bản thân người công nhân.
Hai là, phí tổn đào tạo người công nhân.
Ba là, giá trị những tư liệu sinh hoạt vật chất và tinh thần cần thiết cho con cái những người công nhân.
Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động: Hàng hóa sức lao động không chỉ có giá trị, mà còn có giá trị sử dụng như bất kỳ một hàng hóa thông thường nào. Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động, cũng chỉ thể hiện ra trong quá trình tiêu dùng sức lao động, tức là quá trình lao động của người công nhân. Nhưng quá trình sư dụng hay tiêu dùng hàng hóa sức lao động khác với quá trình tiêu dùng hàng hóa thông thường ở chỗ: hàng hóa thông thường sau quá trình tiêu dùng hay sử dụng thì cả giá trị hay giá trị sử dụng của nó đều biến mất theo thời gian. Trái lại, quá trình tiêu dùng hàng hóa sức lao động, đó lại là quá trình sản xuất ra một giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân hàng hóa sức lao động. Phần lớn hơn đó chính là giá trị thặng dư mà nhà tư bản sẽ chiếm đoạt. Như vậy, giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động có tính chất đặc biệt, nó là nguồn gốc sinh ra giá trị, tức là nó có thể tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó. Đó là chìa khóa để giải thích mâu thuẫn của công thức chung của tư bản. Chính đặc tính này đã làm cho sự xuất hiện của hàng hóa sức lao động trở thành điều kiện để tiền tệ chuyển hóa thành tư bản.
Tiền công trong chủ nghĩa tư bản:
Bản chất kinh tế của tiền công:
Biểu hiện bề ngoài của đời sống xã hội tư bản, công nhân làm việc cho nhà tư bản, công nhân làm việc cho nhà tư bản một thời gian nhất định, sản xuất ra một lượng hàng hóa hay hoàn thành một số công việc nào đó thì nhà tư bản trả cho công nhân một số tiền nhất định gọi là tiền công. Hiện tượng đó làm cho người ta lầm tưởng rằng tiền công là giá cả của lao động. Sự thật thì tiền công không phải là giá cả hay giá trị của lao động, vì lao động không phải là hàng hóa. Sở dĩ như vậy là vì:
Nếu lao động là hàng hóa, thì nó phải có trước, phải được vật hóa trong một hình thức cụ thể nào đó. Tiền đề để cho lao động vật hóa được là phải có tư liệu sản xuất. Nhưng nếu người lao động có tư liệu sản xuất, thì họ sẽ bán hàng hóa do mình sản xuất ra, chứ không phải bán “lao động”.
Việc thừa nhận lao động là hàng hóa dẫn tới một trong hai mâu thuẫn về lý luận như sau:
Thứ nhất, nếu lao động là hàng hóa và nó được trao đổi không ngang giá, thì nhà tư bản không thu được lợi nhuận (giá trị thặng dư); điều này phủ nhận sự tồn tại thực tế của quy luật giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản.
Thứ hai, còn nếu “hàng hóa lao động” được trao đổi không ngang giá để có giá trị thặng dư cho nhà tư bản, thì phải phủ nhận quy luật giá trị.
Nếu lao động là hàng hóa, thì hàng hóa đó cũng phải có giá trị. Nhưng lao động là thực thể và là thước đo nội tại của giá trị, bản thân lao động là không có giá trị. Vì thế lao động không phải là hàng hóa, cái mà công nhân bán cho nhà tư bản chính là sức lao động. Do đó tiền công mà nhà tư bản trả cho công nhân là giá cả của sức lao động.
Vậy bản chất của tiền công trong chủ nghĩa tư bản là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động, hay giá cả của sức lao động, nhưng lại biểu hiện ra bề ngoài thành giá cả của lao động.
Tiền công đã che đậy mọi dấu vết của sự phân chia ngày lao động thành thời gian lao động tất yếu và thời gian lao động thặng dư, thành lao động được trả công và lao động không được trả công, do đó tiền công che đậy mất bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản.
Hai hình thức trả công:
Tiền công có hai hình thức cơ bản là tiền công tính theo thời gian và tiền công tính theo sản phẩm.
Tiền công tính theo thời gian, là hình thức tiền công mà số lượng của nó hay nhiều tùy theo thời gian lao động của công nhân (giờ, ngày, tháng) dài hay ngắn.Cần phân biệt tiền công giờ, tiền công ngày, tiền công tuần, tiền công tháng. Tiền công ngày và tiền công tuần chưa nói rõ được mức tiền công đó cao hay thấp, vì nó còn tùy theo ngày lao động dài ngắn. Do đó, muốn đánh giá chính xác mức tiền công không chỉ căn cứ vào tiền công ngày, mà phải căn cứ vào độ dài của ngày lao động và cường độ lao động. Giá cả của một giờ lao đông là thước đo chính xác mức tiền công tính theo thời gian.
Tiền công tính theo sản phẩm, là hình thức tiền công mà số lượng của nó phụ thuộc vào số lượng sản phẩm hay số lượng những bộ phận của sản phẩm mà công nhân đã sản xuất ra hoặc là số lượng công việc đã hoàn thành.
Mỗi sản phẩm được trả công theo một đơn giá nhất định. Đơn giá tiền công được xác định bằng thương số giữa tiền công trung bình của công nhân trong một ngày với số lượng sản phẩm trung bình mà một công nhân sản xuất ra trong một ngày, do đó về thực chất, đơn giá tiền công là tiền công trả cho thời gian cần thiết sản xuất ra một sản phẩm là hình thức chuyển hóa của tiền công theo thời gian.
Tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế:
Tiền công danh nghĩa là số tiền mà người công nhân nhận được do bán sức lao động của mình cho nhà tư bản. Tiền công được sử dụng để tái sản xuất sức lao động, nên tiền công danh nghĩa phải được chuyển hóa thành tiền công thực tế.
Tiền công thực tế là tiền công được biểu hiện bằng số lương hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ mà công nhân mua được bằng tiền công danh nghĩa của mình.
Tiền công danh nghĩa là giá cả sức lao động, nên nó có thể tăng lên hoặc giảm xuống tùy theo sự biến động của quan hệ cung cầu về hàng hóa sức lao động trên thị trường. Trong một thời gian nào đó, nếu tiền công danh nghĩa không thay đổi, nhưng giá cả tư liệu tiêu dùng và dịch vụ tăng lên hoặc giảm xuống, thì tiền công thực tế sẽ giảm xuống hay tăng lên.
Tiền công là giá cả của sức lao động, nên sự vận động của nó gắn liền với sự biến đổi của giá trị sức lao động. Lượng giá trị sức lao động chịu ảnh hưởng của các nhân tố tác động ngược chiều nhau. Nhân tố tác động làm tăng giá trị sức lao động như: sự nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động, sự tăng cường độ lao động và sự tăng lên của nhu cầu cùng với sự phát triển của xã hội. Nhân tố tác động làm giảm giá trị sức lao động, đó là tăng năng suất lao động làm cho giá cả tư liệu tiêu dùng rẻ đi. Sự tác động qua lại của các nhân tố đó dẫn tới quá trình phức tạp của sự biến đổi giá trị sức lao động, do đó dẫn tới quá trình phức tạp của sự biến đổi phức tạp của tiền công thực tế.
Tuy nhiên, C.Mác đã vạch ra rằng xu hướng chung của sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là nâng cao mức tiền công trung bình mà là hạ thấp mức tiền công ấy. Nhưng sự hạ thấp của tiền công thực tế chỉ diễn ra như một xu hướng, vì có những nhân tố chống lại sự hạ thấp tiền công. Một mặt, đó là cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đòi tăng tiền công. Mặt khác, trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản ngày nay, do sự tác động của cuộc Cách mạng khoa học – công nghệ nên nhu cầu về sức lao động có chất lượng cao ngày càng tăng đã buộc giai cấp tư sản phải cải tiến tổ chức lao động cũng như kích thích người lao động bằng lợi ích vật chất. Đó cũng là một nhân tố cản trở xu hướng hạ thấp tiền công.
Cải cách chính sách tiền công tiền lương ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, nguyên nhân và một số phương hướng cơ bản
Thực trạng cải cách chính sách tiền công ở Việt Nam hiện nay là nguyên nhân
Quá trình cải cách chính sách tiền công ở nước ta trong những năm gần đây – những kết quả đạt được:
Công cuộc Đổi mới kinh tế của nước ta đã đem lại rất nhiều thành tựu quan trọng, cả trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu của vùng cao nhất hiện nay là 2,7 triệu đồng (vùng I) và thấp nhất là 1,9 triệu đồng (vùng IV); đến năm 2016, mức lương tối thiểu sẽ tăng lên tương ứng là 3,5 triệu đồng (vùng I) và 2,4 triệu đồng (vùng VI) được quy định tại Nghị định 103/2014/NĐ-CP. Nghị quyết 78/2014/QH13 còn quy định về việc điều chỉnh tăng 8% lương đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi cho người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Nghị quyết 99/2015/QH2013 của Quốc hội sẽ tăng lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Việc tăng các mức lương như vậy góp phần cải thiện đời sống của người lao động, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho họ.
Tách dần tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực hành chính nhà nước và khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công; chính sách tiền lương với chính sách bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội. Đó là bước ngoặt rất quan trọng trong cải cách tiền lương trong điều kiện mới định hướng thị trường.
Những hạn trong cải cách chính sách tiền công ở nước ta những năm gần đây và nguyên nhân
Mặc dù đã cải cách chính sách tiền lương thường xuyên, liên tục nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như sau:
- Mức lương tối thiểu: Mặc dù đã qua rất nhiều lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu nhưng hiện nay mức lương tối thiểu nước ta vẫn quá thấp không đảm bảo tái sản xuất giản đơn sức lao động. Mức lương tối thiểu hiện nay chỉ bằng 37,5% nhu cầu tối thiểu (gồm:ăn, ở, mặc, đi lại, học tập, văn hóa, giao tiếp xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp).
- Thời gian và mức độ điều chỉnh tiền lương danh nghĩa: Lạm phát ở nước ta mặc dù đã có sự kiềm chế những vẫn giữ mức khá cao qua các năm, để người lao động có điều kiện sống ổn định phải tăng mức lương danh nghĩa ngang bằng với tốc độ lạm phát. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lương vẫn chưa kịp thời và không theo kịp được tốc độ lạm phát.
- Các chế độ phụ cấp lương và chế độ nâng ngạch, bậc, bổ sung chắp vá, ngày càng vô lý, phá vỡ quan hệ tiền lương chung. Chế độ nâng ngạch, bậc, xếp lương quá bất cập, không gắn với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công việc, chức vụ yêu cầu. Chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức với công tác đào tạo, bồi dưỡng thi nâng ngạch công chức, viên chức không gắn với yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công việc đảm nhận, vừa hình thức vừa gây lãng phí lớn cho ngân sách và chi phí của doanh nghiệp nhà nước.
Nguyên nhân dẫn đến những bất cập về thực trạng tiền công của nước ta là do: nhận thức chưa đầy đủ về tính chất hàng hóa của sức lao động cũng như bản chất tiền lương, cải cách hành chính còn chậm, thiếu tính cương quyết, tiền lương chưa thực sự là để đầu tư cho người lao dộng mà chỉ là một khoản chi tiêu cho nhân công, việc trả công phụ thuộc vào ngân sách nhà nước eo hẹp, công tác quản lý tiền lương và thu nhập cũng còn nhiều bất cập.
Một số phương hướng cơ bản góp phần nâng cao hiệu quả cải cách chính sách tiền công ở nước ta hiện nay
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận tiền công của C.Mác trong điều kiện nước ta:
Tăng tiền công danh nghĩa trước tăng tiền công thực tế, bởi trong một thời gian nào đó, nếu tiền công danh nghĩa giữ nguyên nhưng giá cả tư liệu tiêu dùng và dịch vụ tăng lên thì tiền công thực tế giảm xuống.
Chống lạm phát bởi nếu xuất hiện lạm phát, giá cả tiêu dùng dịch vụ tăng lên trong khi mức công không tăng thì họ không thể mua được tư liệu tiêu dùng, không đảm bảo được đời sống ổn định.

Điều hòa cung – cầu để ổn định giá cả thị trường, giá cả ổn định để người tiêu dùng có thể chấp nhận dễ dàng và người sản xuất sẽ tái sản xuất nhanh.
Thực hiện các chính sách thuế phù hợp với từng người lao động.
Các biện pháp khác:
Quản lý chặt và giảm đến mức tối đa đối tượng được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Xây dựng một nền hành chính và công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, trên cơ sở xác định từng vị trí. Rà soát và đánh giá lại cán bộ, công chức, tinh giảm biên chế và chọn lọc, kiểm định chất lượng cán bộ công chức và áp dụng công nghệ thông tin liên lạc hiện đại, nối mạng trong toàn bộ hệ thống hành chính.
Cho phép khu vực ngoài Nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ công theo quy định và hướng dẫn của Nhà nước. Đồng thời, cần phải có kế hoạch và chương trình rà soát tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công hiện nay, xây dựng lộ trình thực hiện cơ chế tiền lương mới cho các đơn vị này.
Thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương đầu tư vào tiền lương là đầu tư cho phát triển, từ đó, điều chỉnh mạnh chi tiêu công, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, tăng huy động các nguồn ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển CSHT, giảm tỷ trọng ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội,…
Như vậy, lý luận tiền công của C.Mác không chỉ có ý nghĩa trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thị trường của nước ta. Việc vận dụng quy luật một cách sáng tạo sẽ góp phần làm giảm bớt và mất đi những bất cập còn tồn tại trong chính sách tiền công của Nhà nước ta hiện nay.
Trên đây là những hiểu biết của em về đề bài. Mặc dù đã có nhiều cố gắng tìm tòi kiến thức nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót. Mong thầy cô góp ý để bài làm của em được hoàn chỉnh hơn.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Lý luận tiền công của C. Mác và sự vận dụng lý luận này trong cải cách chính sách tiền công (tiền lương) ở Việt Nam hiện nay. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.