DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BLHS |
Bộ luật hình sự |
BLTTHS |
Bộ luật tố tụng hình sự |
Người chưa thành niên |
Người chưa thành niên |
VPPL |
Vi phạm pháp luật |
Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc xây dựng cơ chế pháp lý để ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của người chưa thành niên nói riêng là vấn đề rất có ý nghĩa và thực sự cần thiết trong quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật. Tuy nhiên, nước ta vẫn chưa có một luật tư pháp Người chưa thành niên toàn diện để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho một hệ thống tư pháp cho Người chưa thành niên riêng biệt và đặc thù. Với bất cập trên, em xin lựa chọn đề tài: “Phân tích các mô hình tư pháp đối với người chưa thành niên và kinh nghiệm cho Việt Nam” làm đề tài bài tiểu luận của mình nhằm đề ra các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện hệ thống tư pháp cho Người chưa thành niên ở Việt Nam.
Nội dung
Các mô hình tư pháp đối với người chưa thành niên
Người chưa thành niên theo pháp luật và thông lệ quốc tế được hiểu là người dưới độ tuổi trưởng thành, được coi là người chưa trưởng thành đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Vì tình trạng chưa trưởng thành đó, họ không thể tự quyết định và/hoặc tự mình tham gia vào những quan hệ pháp luật nhất định. Tư pháp Người chưa thành niên được hiểu là một phần của hệ thống tư pháp, trong đó điều chỉnh, xử lý các hành vi VPPL, phạm tội của Người chưa thành niên, đồng thời cũng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho Người chưa thành niên theo quy định của pháp luật.
Mô hình phúc lợi
Về khái niệm: Mô hình phúc lợi (hay còn gọi là mô hình cải tạo) là mô hình đầu tiên về tư pháp Người chưa thành niên được hình thành ở Anh theo Luật về trẻ em năm 1908 và phát triển ở các nước theo truyền thống thông luật (common law), với tinh thần xử lý dựa trên các đặc điểm của cá nhân và sự chăm lo của nhà nước.
Về nền tảng: triết lý nền tảng cho mô hình này là học thuyết parents patriate – một học thuyết có nguồn gốc từ thời trung cổ trong đó nêu lên rằng: khi cha mẹ không thể, không muốn hoặc không đủ khả năng để chăm sóc con cái của họ, nhà nước có thể can thiệp để giúp đỡ. Về cốt lõi, hệ thống phúc lợi trẻ em cố gắng duy trì sự thống nhất trong gia đình và nhằm tách con cái và cha mẹ khi thật cần thiết. Về mặt pháp lý, hệ thống phúc lợi trẻ em đóng vai trò là cha mẹ thay thế cho trẻ em trong dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng hoặc các cơ sở khác ngoài gia đình và phải cung cấp đầy đủ sự bảo vệ và hỗ trợ.
Nội dung mô hình: Dựa trên hệ thống phúc lợi đối với trẻ em, tiến trình tư pháp được chuyển từ việc xem xét lỗi của Người chưa thành niên phạm tội sang tìm phương hướng giáo dục thông qua việc xử lý cải tạo thay thế cho trừng phạt. Như vậy, mô hình này coi trọng việc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em bằng việc thay đổi năng lực điều chỉnh, dẫn dắt cuộc sống theo đúng pháp luật của Người chưa thành niên. Mô hình này lấy tư tưởng chủ đạo là cải tạo thay vì trừng phạt và thực hiện tư pháp đối với Người chưa thành niên dựa trên việc xử lý cải tạo.
Về mục đích: chú trọng vào nhu cầu cải tạo của Người chưa thành niên phạm tội
Mô hình công lý
Về khái niệm: Vào khoảng năm 1960, một cách nhìn khác về Người chưa thành niên phạm tội đã xuất hiện và nhiều điểm tương đồng hơn với hệ thống tư pháp hình sự dành cho người đã thành niên được đưa ra. Theo mô hình quy trình đúng đắn về tư pháp cho người chưa thành niên, người ta tin rằng lợi ích tốt nhất của trẻ phải được tìm kiếm trong khi cung cấp sự công bằng cơ bản và đúng thủ tục.
Về nội dung mô hình: Trong mô hình này, hệ thống tư pháp Người chưa thành niên có nghĩa vụ bảo đảm những quyền hợp pháp của Người chưa thành niên. Hệ thống ấy phải chắc chắn rằng Người chưa thành niên phạm tội được xử lý một cách công minh trong suốt tiến trình tư pháp hình sự và các quyền hợp pháp của họ được bảo vệ. Như vậy, mô hình này tập trung nhất vào việc đảm bảo các quyền tố tụng của Người chưa thành niên phạm tội, việc đảm bảo phúc lợi cho Người chưa thành niên trở thành thứ yếu. Sự thay đổi thái độ của những người làm trong công tác tư pháp hình sự, trong luật pháp và chính sách đã cho thấy rằng mục đích chính của tư pháp Người chưa thành niên là trừng phạt. Mô hình này đề cao sự an toàn chung của xã hội.
Về mục đích: xử lý thích đáng và thủ tục đúng pháp luật đối với Người chưa thành niên phạm tội.
Mô hình tư pháp phục hồi
Tư pháp phục hồi xuất hiện trên thế giới vào khoảng những năm 1990 và nhanh chóng nhận được sự chấp nhận rộng rãi của các quốc gia tiên tiến vì những đặc điểm và mục đích tốt đẹp của nó. Khác với tư pháp truyền thống, tư pháp phục hồi thực hiện theo hướng tạo cơ hội để tất cả các bên có liên quan đến tội phạm (người phạm tội, gia đình người phạm tội, nạn nhân, nhà chức trách) cùng chia sẻ cách xử lí hậu quả của tội phạm, nó chú trọng đến khắc phục hậu quả mà tội phạm gây ra, ngăn ngừa người phạm tội tái phạm tội và hàn gắn quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội. Với những ưu điểm nổi bật đó, tư pháp phục hồi là mô hình phù hợp và hữu hiệu trong xử lí người chưa thành niên phạm tội.
Về khái niệm: Tư pháp phục hồi là quá trình giải quyết vụ việc vi phạm pháp luật trong đó tất cả các bên liên quan đến vụ án hay hành vi vi phạm pháp luật sẽ cùng đến với nhau để giải quyết vụ vi phạm theo sự sắp xếp của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.
Về nội dung mô hình: Một trong những đặc điểm của mô hình này là sự tham gia của nạn nhân trong việc xử lý người phạm tội. Mô hình phục hồi lập luận rằng hành vi phạm tội thể hiễn mâu thuẫn giữa các cá nhân và khi tội phạm được thực hiện, người bị thiệt hại là nạn nhân chứ không phải nhà nước. Chính vì vậy, người phạm tội bị coi là “mắc nợ nạn nhân” và phải thực hiện việc khôi phục những thiệt hại gây ra cho nạn nhân. Chương trình tư pháp phục hồi được xây dựng dựa trên niềm tin rằng các bên liên quan đến tội phạm cần tham gia một cách tích cực vào việc giải quyết và làm giảm tác hại của tội phạm. Cách tiếp cận này cũng được nhìn nhận theo hướng giải quyết xung đột một cách hoà bình, thúc đẩy sự rộng lượng và tính toàn diện, xây dựng sự tôn trọng đối với xử lí chuyển hướng và thúc đẩy trách nhiệm hành động của cộng đồng. Các nguyên lí chính của tư pháp phục hồi bao gồm: tạo không gian để nạn nhân và tội phạm (gồm cả gia đình và cộng đồng của họ) tương tác; nhận thức các vấn đề tội phạm trong bối cảnh xã hội; sử dụng hướng tiếp cận tập trung vào tương lai và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt. Có thể kể đến các mô hình tư pháp phục hồi tiêu biểu được áp dụng rộng rãi trên thế giới như Mô hình Xử lý chuyển hướng dựa vào cộng đồng – Hoà giải; Các chương trình xử lý chuyển hướng do công an, kiểm sát, tòa án áp dụng.
Mục đích: thúc đẩy Người chưa thành niên phạm tội nhận trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình và hậu quả cho hành vi ấy.
Các mô hình khác
Mô hình can thiệp tối thiểu: Triết lý nền tảng cho mô hình này bắt nguồn từ “lý thuyết ghi nhãn”, cho thấy tất cả Người chưa thành niên phạm tội đều bị dán nhãn và kỳ thị họ là tội phạm. Chính vì vậy, cần cân nhắc đến biện pháp can thiệp tối thiểu để sử dụng các giải pháp thay thế dựa vào cộng đồng, sử dụng các cơ quan giám hộ, tránh hoàn toàn việc truy tố nếu có thể…Đây là mô hình phát triển mạnh mẽ ở Anh và Scotland dựa trên có ảnh hưởng trong suốt những năm 1970 và 1980 trong một loạt các khu vực tài phán hình sự.
Mô hình tân sửa sai (Neo-correctionalist Model): Dựa trên hệ tư tưởng “luật pháp và trật tự”, mô hình này nhằm mục đích ngăn chặn hành vi vi phạm của Người chưa thành niên, buộc Người chưa thành niên phạm tội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình thông qua: (i) Cải cách thủ tục tòa án; (ii) Liên kết chặt chẽ hơn với các tòa án dành cho người lớn; (iii)Các hình thức trừng phạt dân sự.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Thực trạng về tư pháp đối với người chưa thành niên ở Việt Nam
Việt Nam không có một đạo luật riêng về tư pháp Người chưa thành niên. Thay vào đó, vấn đề phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho Người chưa thành niên được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật trẻ em, Luật xử lý VPHC, BLHS, BLTTHS…..
Có thể nhận thấy, Việt Nam bước đầu định hướng theo mô hình tư pháp phục hồi, tuy nhiên trong quá trình triển khai áp dụng còn gặp phải nhiều hạn chế. Ở Việt Nam, người phạm tội luôn được đặt trong mối quan hệ với nhà nước, với nạn nhân và với cộng đồng. Vấn đề xử lý Người chưa thành niên phạm tội được quy định trong BLHS hiện hành, theo đó, Người chưa thành niên có những hình phạt riêng, những biện pháp tư pháp xử lý riêng và khác biệt so với người đã thành niên phạm tội. Về cơ bản, các chính sách pháp luật của nhà nước đối với Người chưa thành niên đề cao hoạt động giúp đỡ, cải tạo, giáo dục họ, tạo điều kiện cho họ có khả năng tái hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù pháp luật đã bước đầu tạo áp dụng những hình thái nhất định của tư pháp phục hồi vào xử lý Người chưa thành niên phạm tội, nhưng sự can thiệp của nhà nước vào quá trình xử lý vẫn nhiều. Chẳng hạn, khoản 3 điều 29 BLHS 2015 đã cho phép người thực hiện hành vi được tự nguyện sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc xem xét miễn TNHS theo quy định này còn phụ thuộc hoàn toàn vào cách đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng.
Bên cạnh đó, pháp luật vẫn chưa có cơ chế cụ thể để trao quyền cho cộng đồng trong xử lý Người chưa thành niên phạm tội. Việc xây dựng các thiết chế dựa trên cộng đồng hay những biện pháp thay thế quy trình tư pháp có sự tham gia của cộng đồng vẫn chưa chú trọng phát huy. Các quy định về một số biện pháp mới được xây dựng trong các văn bản quy phạm pháp luật như quản lý tại gia đình còn đơn giản, sơ sài khiến việc áp dụng biện pháp này trong thực tiễn còn lúng túng.

Kinh nghiệm hoàn thiện về mô hình tư pháp đối với Người chưa thành niên cho Việt Nam
Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp Người chưa thành niên. Có thể thấy, tư pháp Người chưa thành niên là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Các nước phát triển như: NewZeland, Canada… về cơ bản đều đã có hệ thống tư pháp cho Người chưa thành niên riêng biệt, trong đó các quy định đều mang tính hệ thống và nhất quán, đồng thời có hệ thống các cơ quan tư pháp chuyên biệt nhằm áp dụng các quy định một cách có hiệu quả nhất. Việc đưa ra nhiều quy định mới nhằm tăng cường phòng ngừa, xử lý, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng cho Người chưa thành niên, thể hiện một xu hướng cải cách rõ rệt nhằm xây dựng một hệ thống tư pháp Người chưa thành niên toàn diện, hiệu quả, thân thiện, có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của Người chưa thành niênVPPL.
Thứ hai, hoàn thiện mô hình tư pháp phục hồi
Một là, phục hồi và tái hòa nhập là mục tiêu chính: Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng cách thức có hiệu quả nhất để giảm VPPL của Người chưa thành niên và bảo đảm an toàn của cộng đồng là thực hiện các biện pháp can thiệp thích hợp, có hiệu quả để giúp Người chưa thành niên nhận thức được lỗi lầm của mình và đi theo con đường trở thành công dân có ích, tuân thủ pháp luật. Cần tập trung xác định và giải quyết những nguyên nhân dẫn đến VPPL tiềm ẩn trong gia đình, nhà trường và cộng đồng, đằng sau hành vi của Người chưa thành niên.
Hai là, trong bối cảnh tình hình người chưa thành niên phạm tội phức tạp và hiệu quả cải tạo, giáo dục của tư pháp truyền thống chưa thật rõ rệt trong nhiều trường hợp như hiện nay, Việt Nam cần tiếp thu kinh nghiệm từ những quốc gia đã áp dụng thành công quy trình tư pháp phục hồi (như New Zealand, Úc, Mỹ, Anh, Canada, Nam Phi, Uganda…) vào xử lí tội phạm mà trước hết là tội phạm do người chưa thành niên thực hiện. Để thực hiện mục tiêu này, trước hết các nhà khoa học Việt Nam cần tăng cường các nghiên cứu về mô hình tư pháp phục hồi, các điều kiện để áp dụng hiệu quả chúng ở Việt Nam trên cơ sở đó quy định cơ sở pháp lí phù hợp và đầy đủ để triển khai áp dụng rộng rãi trong thực tiễn. Bên cạnh đó, để áp dụng tư pháp phục hồi thật sự hiệu quả cần có sự chung tay của cả nhà nước, gia đình người chưa thành niên phạm tội và toàn xã hội.
Ba là, pháp luật cần ghi nhận rõ ràng hơn trách nhiệm của cộng đồng trong việc xử lý Người chưa thành niên phạm tội. Đồng thời, giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước trong xử lý nhưng vẫn đảm bảo sự giám sát để không bỏ lọt tội phạm. Nói cách khác, kết quả thoả thuận diễn ra ngoài quy trình tư pháp phục hồi cần được toà án giám sát hoặc được hợp thành các quyết định hay phân xử của toà án khi cần thiết. Tư pháp phục hồi vẫn là quy trình xử lí vụ việc hình sự dưới sự giám sát của toà án để bảo đảm tính hợp pháp, không phải là việc các bên tự giải quyết vụ việc với nhau.
Ngoài ra, hệ thống tư pháp Người chưa thành niên cần được tách khỏi hệ thống tư pháp hình sự và tư pháp hành chính (the administration of juvenile justice) thông thường. Bên cạnh đó phải đảm bảo: tính hệ thống hóa và năng lực xử lý của hệ thống tư pháp Người chưa thành niên; mô hình quản lý, giáo dục Người chưa thành niên VPPL theo nội dung kết hợp, tăng cường trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội… là những kinh nghiệm tốt để hoàn chỉnh hệ thống tư pháp Người chưa thành niên ở Việt Nam.
KẾT LUẬN
Quyền con người nói chung và quyền của Người chưa thành niên nói riêng là giá trị mang tính phổ biến của nhân loại, là kết quả của quá trình đấu tranh, phát triển lâu dài của tất cả các dân tộc trên thế giới. Quyền của Người chưa thành niên được đặt trong mối quan hệ với nghĩa vụ, trách nhiệm của Người chưa thành niên đối với xã hội và được giải quyết trên cơ sở đảm bảo lợi ích đối với xã hội. Thông qua nghiên cứu các mô hình tư pháp đối với Người chưa thành niên, những kinh nghiệm được đề xuất cho Việt Nam sẽ là cơ sở để hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật Việt Nam về vấn đề này. Trong giai đoạn hiện nay, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là mục tiêu nhất quán của đảng và nước, thông qua đó để đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
PHỤ LỤC
- Phụ lục I
Số vụ Người chưa thành niên vi phạm pháp luật (2006-2018)
Theo thống kê của CCSHS, BCA, trong hơn một thập kỷ vừa qua, mỗi năm trung bình có khoảng 8.300 vụ vi phạm pháp luật do Người chưa thành niên thực hiện, khoảng 13.000 Người chưa thành niên bị xử lý vi phạm hành chính và hình sự mỗi năm. Năm 2017, tỷ lệ Người chưa thành niênVPPL là khoảng 26 em trên 100.000 dân số dưới 18 tuổi33. Cũng theo nguồn số liệu này, tình hình Người chưa thành niênVPPL trong thập kỷ qua nhìn chung đã được cải thiện. Số Người chưa thành niênVPPL, cả vi phạm hành chính lẫn phạm tội hình sự, đã giảm gần 60% từ 16.446 em trong năm 2006 xuống còn 6.632 em năm 2018. Tương tự như vậy, trong giai đoạn này số vụ vi phạm pháp luật có người vi phạm là Người chưa thành niên đã giảm hơn 57%, từ 10.468 vụ năm 2006 còn 4.441 vụ năm 2018. Số vụ vi phạm hành chính do Người chưa thành niên thực hiện giảm mạnh (66%), còn số vụ phạm pháp hình sự của Người chưa thành niên giảm với tốc độ chậm hơn nhiều (35%). Những phân tích trên cho thấy một nhu cầu cấp thiết phải có một hệ thống thống kê về tư pháp người chưa thành niên thống nhất, tích hợp các số liệu Người chưa thành niênVPPL hành chính lẫn Người chưa thành niên phạm tội từ những nguồn số liệu ổn định và đáng tin cậy. (theo: Báo cáo nghiên cứu pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với Người chưa thành niênVPPL và tình hình Người chưa thành niênVPPL tại Việt Nam).
- Phụ lục II
Bảng tóm tắt các mô hình tư pháp đối với Người chưa thành niên (đã phân tích trong bài)
Nguồn: James Dignan, Juvenile Justice Systems: A Comparative Analysis
- Phụ lục III
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận tư pháp và bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với UNICEF tổ chức Hội nghị tập huấn về “Tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên”. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu: Điểm cầu Hà Nội (Việt Nam) và điểm cầu Paris (Cộng hòa Pháp) trong thời gian 03 ngày: Ngày 03, 23 và 24/11/2020. Hội nghị được khai mạc hồi 13 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 03/11/2020
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cho rằng nội dung kiến thức trao đổi trong 03 ngày tổ chức hội nghị rất hữu ích, thiết thực đối với Việt Nam. Bà Ngô Quỳnh Hoa trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự tích cực và trách nhiệm của các chuyên gia đến từ Trường Đào tạo quốc gia về bảo vệ tư pháp và trẻ em, Cộng hòa Pháp. Trong thời gian tiếp theo, hi vọng các chuyên gia Pháp và tổ chức UNICEF sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp Việt Nam để nghiên cứu, xây dựng và áp dụng có hiệu quả công tác tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên tại Việt Nam.
Đại diện UNICEF và các chuyên gia Pháp ghi nhận và đánh giá cao tinh thần nghiêm túc học tập, trao đổi thảo luận tích cực của các đại biểu tham dự Hội nghị, họ cũng hiểu rõ hơn các quy định về xử lý chuyển hướng, hòa giải đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Trong thời gian tới, các chuyên gia Pháp và UNICEF sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam trong nghiên cứu và triển khai các hoạt động nghiên cứu, tập huấn, xây dựng tài liệu về tư pháp phục hồi dành cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật hiệu quả, phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân tích các mô hình tư pháp đối với người chưa thành niên. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.