Phân biệt và xác định công chức, viên chức

ĐỀ BÀI

Trường Tiểu học X là trường công lập thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Bà Nguyễn H được bổ nhiệm là Hiệu trưởng trường Tiểu học X kể từ ngày 07/12/2018, thời hạn giữ chức vụ là 05 năm. Hỏi:

  1. Dựa vào khái niệm được đưa ra trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, anh/chị hãy phân biệt công chức và viên chức? (2 điểm)
  2. Thế nào là hợp đồng làm việc của viên chức? Theo quy định pháp luật hiện hành, có những loại hợp đồng làm việc của viên chức nào? (2 điểm)
  3. Anh/chị hãy xác định tại thời điểm hiện tại, bà Nguyễn H là công chức hay viên chức? Vì sao? (1 điểm)
  4. Anh/chị hãy xác định chủ thể có thẩm quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Tiểu học X đối với bà Nguyễn H nêu trên? Nêu căn cứ pháp lí? (1 điểm)
  5. Năm 2020, trường Tiểu học X bị xác định hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2021, bà Nguyễn H đã cùng gia đình đi nghỉ ở vùng có dịch Covid-19. Khi quay trở lại Hà Nội, bà Nguyễn H đã không chấp hành quy định về việc bắt buộc khai báo y tế, vi phạm nghiêm trọng quy định phòng chống dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương và sức khoẻ cộng đồng. Bà Nguyễn H đã bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi này.
  1. Hành vi nào trong các hành vi trên của bà Nguyễn H có thể bị xử lí kỉ luật? Vì sao? Nêu căn cứ pháp lí? (2 điểm)
  2. Phân tích thủ tục xử lí kỉ luật đối với bà Nguyễn H trong trường hợp trên? Nêu căn cứ pháp lí? (2 điểm)

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

UBND

Ủy ban nhân dân

XLKL

Xử lý kỷ luật

Nhân lực là nguồn lực cơ bản, quan trọng quyết định sự tồn tại, chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức trong và ngoài khu vực nhà nước. Luật cán bộ, công chức và luật viên chức ra đời đã tạo cơ sở pháp lí vững chắc cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực Việt Nam theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân. Để tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề trong việc phân biệt và xác định công chức, viên chức; hợp đồng làm việc của viên chức hoặc những quy định về thẩm quyền bổ nhiệm; thủ tục xử lý kỷ luật viên chức…em xin chọn đề tài trên làm đề tài bài tiểu luận của mình.

Nội dung

Phân biệt công chức và viên chức

Tiêu chí

Công chức

Viên chức

Khái niệm

Khoản 2 điều 4 Luật cán bộ công chức 2008, sửa đổi bổ sung 2019: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Điều 2 Luật viên chức 2010, sửa đổi bổ sung năm 2019. “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Con đường hình thành

 Được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong biên chế.

Được tuyển dụng theo vị trí việc làm (thi tuyển hoặc xét tuyển)

Chế độ làm việc

Không theo chế độ hợp đồng làm việc và thực thi công vụ có tính quyền lực nhà nước.

Làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc và thực hiện nhiệm vụ thuần túy mang tính chuyên môn.

Nơi làm việc

Cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội

Đơn vị sự nghiệp công lập công lập

Nguồn lương

Ngân sách nhà nước (theo ngạch bậc)

Một phần từ ngân sách, còn lại là nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.

Hình thức xử lý kỷ luật

– Khiển trách

– Cảnh cáo

– Hạ bậc lương

– Giáng chức

– Cách chức

– Buộc thôi việc

– Khiển trách

– Cảnh cáo

– Cách chức

– Buộc thôi việc

 

Hợp đồng làm việc của viên chức và phân loại

Hợp đồng làm việc của viên chức

Hợp đồng nói chung là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ. Hợp đồng làm việc của viên chức được quy định tại khoản 5 điều 3 Luật viên chức 2010, theo đó, có thể thấy nội dung hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận giữa hai bên về công việc, nhiệm vụ, vị trí việc làm, địa điểm làm việc; quyền và nghĩa vụ của các bên; loại hợp đồng, thời hạn, điều kiện chấm dứt hợp đồng; tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, vấn đề bảo hộ lao động…

Chế định hợp đồng làm việc của viên chức cũng mang những điểm đặc thù, là cơ sở để đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức có thể đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Về phía đơn vị sự nghiệp công lập, việc quản lý, sử dụng viên chức theo hợp đồng làm việc cho phép đơn vị có thể tuyển chọn và thường xuyên duy trì được đội ngũ những người làm việc có ý thức tổ chức kỷ luật, có năng lực chuyên môn tốt, bởi lẽ nếu viên chức trong thời gian thực hiện hợp đồng có thời hạn không đáp ứng yêu cầu của công việc thì khi hết hạn hợp đồng, người đứng đầu đơn vị sẽ không ký kết hợp đồng tiếp với người đó nữa. Về phía viên chức, viên chức cũng không bị ràng buộc mãi mãi với một đơn vị cụ thể mà có thể lựa chọn cho mình nơi làm việc, vị trí việc làm, loại công việc phù hợp với nhu cầu, khả năng của mình tương đối dễ dàng thông qua việc chấm dứt hợp đồng làm việc ở đơn vị này để dự tuyển vào đơn vị khác. 

Phân loại hợp đồng làm việc của viên chức

Hợp đồng làm việc của viên chức được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019. Theo đó, bao gồm:

Một là, hợp đồng làm việc xác định thời hạn. 

Về khái niệm: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Về trường hợp áp dụng: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này. Đây là điểm mới so với Luật viên chức năm 2010 và là sự thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL đã đưa ra chủ trương: “Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị SNCL ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn)”. Đồng thời cũng là cơ chế tạo tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời”.

Hai là, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. 

Về khái niệm: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. 

Về trường hợp áp dụng: Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020; Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, đối với viên chức đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn; trường hợp đã ký hợp đồng xác định thời hạn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.

Phân biệt và xác định công chức, viên chức Việt Nam
Phân biệt và xác định công chức, viên chức Việt Nam

Bà Nguyễn H là viên chức theo quy định của pháp luật hiện hành

Theo dữ liệu ở đề bài, bà Nguyễn H là hiệu trưởng của trường tiểu học X kể từ ngày 07/07/2018 với thời hạn giữ chức vụ là 5 năm. Đồng thời, trường tiểu học X là trường công lập thuộc quận Đống Đa. Có thể xác định, ở thời điểm hiện tại, bà H là viên chức “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”. Bởi lẽ:

Theo như khái niệm công chức, viên chức đã nêu ở phần I, có thể thấy từ 1/7/2020, khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung 2019 có hiệu lực thì Hiệu trưởng của các trường công lập sẽ không còn được coi là công chức. Luật sửa đổi đã thu hẹp các đối tượng là công chức, không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức như quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008 mà là viên chức quản lý, được hưởng các chế độ của viên chức. Như vậy, Bà H không còn được coi là công chức theo quy định của Luật này, nhưng bà H vẫn tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách cũng như áp dụng các quy định về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm. 

Chủ thể có thẩm quyền bổ nhiệm hiệu trưởng đối với bà Nguyễn H

Bà Nguyễn H là hiệu trưởng trường tiểu học X thuộc quận Đống Đa làm việc thông qua quyết định bổ nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện. Nói cách khác, chủ tịch UBND cấp huyện (trong trường hợp này là Chủ tịch UBND quận Đống Đa) là chủ thể có thẩm quyền bổ nhiệm hiệu trưởng đối với bà H.

Điểm a khoản 1 điều 11 thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường tiểu học: “Hiệu trưởng trường tiểu học là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường”.

Khoản 3 điều 9 Nghị định 127/2018/NĐ-CP, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của chủ tịch UBND cấp huyện như sau: “Quyết định tuyển dụng hoặc ủy quyền quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục theo các quy định hiện hành; phân bổ số lượng người làm việc theo vị trí việc làm; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập quy định tại khoản 1 Điều này, ….”

Như vậy, chủ tịch UBND quận Đống Đa là chủ thể có thẩm quyền bổ nhiệm đối với chức vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học X của bà Nguyễn H. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Giải quyết tình huống

Hành vi có thể bị xử lý kỷ luật

Thứ nhất, hành vi không hoàn thành nhiệm vụ là hành vi bị xem xét xử lý kỷ luật.

Căn cứ vào điều 85 Luật cán bộ, công chức, viên chức sửa đổi bổ sung 2019 quy định: “Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mà không còn là công chức theo quy định của Luật này và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 84 của Luật này thì tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm”.

Theo đề bài, bà H được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường tiểu học X từ năm 2018, thời hạn bổ nhiệm là 05 năm. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, việc xử lý kỷ luật đối với bà H sẽ áp dụng các quy định của pháp luật đối với công chức. Thời điểm đánh giá, xếp loại hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại điều 20 Nghị định 90/2020/NĐ-CP: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức”. Chính vì vậy, hành vi của bà H sẽ áp dụng quy định của nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức; Nghị định 90/2020 về đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, viên chức.

Hành vi hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2020 là hành vi có thể bị xem xét xử lý kỷ luật. Bởi, theo điểm c khoản 2 điều 11 Nghị định 90/2020/NĐ-CP, công chức được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ”. Đối chiếu với quy định tại nghị định 112/2020/NĐ-CP, có thể thấy hành vi không hoàn thành nhiệm vụ tùy vào mức độ hậu quả sẽ áp dụng hình thức kỷ luật khác nhau (cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc theo nghị định 112/2020/NĐ-CP).

Thứ hai, hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực y tế là hành vi có thể bị xem xét xử lý kỷ luật.

Bà Nguyễn H đã bị xử phạt VPHC về hành vi không chấp hành quy định về việc bắt buộc khai báo y tế, vi phạm nghiêm trọng quy định phòng chống dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương và sức khoẻ cộng đồng theo quy định tại điều 117/2020/NĐ-CP. Đối chiếu với quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP, hành vi này cũng có thể xem xét xử lý kỷ luật dưới góc độ: “Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Để xem xét hành vi trên thuộc hình thức xử lý kỷ luật nào, cần cân nhắc tới mức độ nghiêm trọng của hành vi cũng như các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Thủ tục xử lý kỷ luật

Thủ tục XLKL đối với bà H được thực hiện theo quy định tại điều 25 Nghị định 112/2020/NĐ-CP:

Bước 1. Tổ chức họp kiểm điểm

Bà Nguyễn H bị xem xét kỷ luật với tư cách là công chức quản lý, vì vậy, trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp sẽ thuộc về lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức. Việc tổ chức họp kiểm điểm sẽ được tiến hành theo trình tự tại khoản 3 điều 26 NĐ 112/2020/NĐ-CP. Theo đó, bà H phải trình bày bản kiểm điểm, nêu rõ hành vi và tự nhận hình thức kỷ luật. Nội dung cuộc họp kiểm điểm phải được lập thành biên bản, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, người chủ trì cuộc họp gửi báo cáo và biên bản cuộc họp kiểm điểm đến cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Bước 2. Thành lập Hội đồng kỷ luật

Hội đồng kỷ luật được thành lập để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm và sẽ giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Thành phần hội đồng kỷ luật đối với bà H được quy định tại điều 28 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Thời hạn để gửi giấy triệu tập họp là 7 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của hội đồng kỷ luật. Hồ sơ XLKL trình Hội đồng kỷ luật gồm: bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lý lịch của viên chức có hành vi vi phạm, biên bản cuộc họp kiểm điểm viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng viên chức và các tài liệu khác có liên quan. Về trình tự họp được quy định chi tiết tại khoản 2 điều 29 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Bước 3. Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Về thời hạn, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ XLKL gửi cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật. Sau đó, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận công chức không vi phạm. Về hiệu lực của quyết định XLKL: 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành.  

Phân biệt và xác định công chức, viên chức Việt Nam
Phân biệt và xác định công chức, viên chức Việt Nam

KẾT LUẬN

Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi năm 2019 mới được ban hành cùng với các nghị định có liên quan chính là cơ hội để tháo gỡ những bất cập trong thực tiễn quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhóm đối tượng này. Những quy định mới về khái niệm công chức và viên chức cũng như các quy định về xử lý kỷ luật… cần nghiên cứu, phân tích một cách toàn diện và thấu đáo mọi khía cạnh xung quanh vấn đề này để có giải pháp cụ thể, vừa bảo đảm ở mức cao nhất quyền lợi của họ, nhưng đồng thời, bảo đảm sự thống nhất cũng như hiệu quả của chính sách đổi mới trong quản lý, sử dụng người lao động nói chung ở nước ta hiện nay.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn bản pháp luật

  1. Bộ luật dân sự năm 2015
  2. Luật cán bộ, công chức năm 2008
  3. Luật viên chức năm 2010
  4. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức và luật viên chức năm 2019
  5. Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ
  6. Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục
  7. Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
  8. Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức
  9. Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường tiểu học

Sách, báo, tạp chí

  1. TS. Bùi Thị Đào, Chế định hợp đồng trong Luật viên chức, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 2, tháng 01/2015
  2. Mai Thị Kim Huế, Các nội dung cần nghiên cứu thấu đáo khi xây dựng luật viên chức, tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 12/2010

PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Khoản 3 điều 26 Nghị định 112/2020. 

Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:

  1. a) Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do cuộc họp, thông báo hoặc ủy quyền cho cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thông báo các nội dung: tóm tắt về quá trình công tác; hành vi vi phạm; các hình thức xử lý đã ban hành (nếu có); thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, thời điểm phát hiện hành vi vi phạm; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người có hành vi vi phạm; thời hiệu và thời hạn xử lý theo quy định của pháp luật;
  2. b) Người có hành vi vi phạm trình bày bản kiểm điểm, trong đó nêu rõ hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật.

Trường hợp người có hành vi vi phạm có mặt tại cuộc họp nhưng không làm bản kiểm điểm thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.

Trường hợp người có hành vi vi phạm vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm được tiến hành sau 02 lần gửi thông báo triệu tập họp;

  1. c) Thành viên tham dự cuộc họp phát biểu, nêu rõ ý kiến về các nội dung quy định tại điểm a khoản này;
  2. d) Người chủ trì cuộc họp kết luận.

Nội dung cuộc họp kiểm điểm phải được lập thành biên bản.

  1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, người chủ trì cuộc họp gửi báo cáo và biên bản cuộc họp kiểm điểm đến cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật. Báo cáo phải thể hiện rõ các nội dung sau đây:
  2. a) Hành vi vi phạm, tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm;
  3. b) Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
  4. c) Trách nhiệm của người có hành vi vi phạm;
  5. d) Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật;

đ) Kiến nghị về việc xử lý kỷ luật; hình thức kỷ luật (nếu có) và trình tự thực hiện.

Phụ lục II: trình tự họp hội đồng kỷ luật đối với bà H

Trình tự họp

  1. a) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự.
  2. b) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc trích ngang sơ yếu lý lịch của công chức có hành vi vi phạm và các tài liệu khác có liên quan.
  3. c) Công chức có hành vi vi phạm đọc bản tự kiểm điểm.

Trường hợp công chức có hành vi vi phạm vắng mặt nhưng có bản kiểm điểm thì Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc thay; trường hợp có mặt nhưng không làm bản tự kiểm điểm hoặc vắng mặt và không có bản kiểm điểm thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại khoản này.

  1. d) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm.

đ) Các thành viên Hội đồng kỷ luật và người tham dự cuộc họp thảo luận và phát biểu ý kiến.

  1. e) Công chức có hành vi vi phạm phát biểu ý kiến; nếu công chức có hành vi vi phạm không phát biểu ý kiến hoặc vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại khoản này.
  2. g) Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu về việc có kỷ luật hay không kỷ luật; trường hợp đa số phiếu kiến nghị kỷ luật thì bỏ phiếu về việc áp dụng hình thức kỷ luật; việc bỏ phiếu được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín theo phương pháp tích phiếu.
  3. h) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp.
  4. i) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật và Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật ký biên bản cuộc họp

Trên đây là những ý kiến, quan điểm của em về đề tài. Đây là lần đầu tiên em hoàn thành bài thi với Bộ môn Luật hành chính dưới hình thức tiểu luận kết thúc học phần.  Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong suốt quá trình thực hiện đề tài, song vẫn không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Em hy vọng các thầy/cô tổ bộ môn có thể nhận xét, góp ý để bài tiểu luận của em được hoàn thiện hơn!

Em xin chân thành cảm ơn!


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân biệt và xác định công chức, viên chức. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top