Dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay, trải qua các thời kỳ phát triển, qua các kiểu nhà nước khác nhau, chức năng nhà nước đã có sự phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, tối ưu hơn. Trong đó, chức năng bảo vệ Tổ quốc là một trong những chức năng quan trọng nhất.
Trải qua chiều dài của lịch sử, chức năng này được nhà nước Việt Nam thực hiện hiệu quả một cách rất sâu sắc, từ đó trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Và trong phạm vi bài tiểu luận này, Tổng đài Luật Quang Huy chúng tôi sẽ trình bày một số quan điểm về vấn đề trên thông qua việc nghiên cứu đề tài: “Chức năng bảo vệ Tổ quốc của nhà nước Việt Nam hiện nay”.
Nội dung
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Tư pháp, 2016.
Cơ sở lý luận của vấn đề chức năng bảo vệ Tổ quốc của nhà nước
Định nghĩa nhà nước và định nghĩa chức năng nhà nước
Định nghĩa nhà nước:
Nhà nước là tổ chức quyền lực đặc biệt của xã hội, bao gồm một lớp người được tách ra từ xã hội để chuyên thực thi quyền lực, nhằm tổ chức và quản lý xã hội phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội cũng như lợi ích của lực lượng cầm quyền trong xã hội.
Định nghĩa chức năng nhà nước:
Chức năng nhà nước là những mặt hoạt động cơ bản của nhà nước, phù hợp với bản chất, mục đích, nhiệm vụ của nhà nước và được xác định bởi điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong những giai đoạn phát triển của nó.
Về chức năng bảo vệ Tổ quốc:
Chức năng bảo vệ Tổ quốc là một trong những chức năng cơ bản quan trọng nhất của nhà nước và là chức năng của mọi nhà nước. Đó là những phương diện hoạt động của nhà nước nhằm mục đích chống lại các thế lực thù địch bên ngoài, những âm mưu chống phá từ bên trong, nhằm giữ vững độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Trước đây, nhiều nhà nước thường phát động chiến tranh xâm lược nước khác. Ngày nay, nhiều nhà nước vẫn tìm cách áp đặt ý chí của mình đối với nước khác. Trong điều kiện đó, các nhà nước phải thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ đất nước, chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược cũng như các ảnh hưởng tiêu cực khác từ bên ngoài.
Chức năng bảo vệ Tổ quốc của nhà nước Việt Nam hiện nay
Chức năng bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước Việt Nam hiện nay
Nguyên nhân bảo vệ Tổ quốc là một trong những chức năng cơ bản nhất của nhà nước Việt Nam hiện nay và được chú trọng:
Trong bất kỳ nhà nước, bất kỳ quốc gia nào, bảo vệ Tổ quốc là chức năng rất quan trọng. Đặc biệt với nhà nước Việt Nam nói riêng thì bảo vệ Tổ quốc lại càng có vai trò cấp thiết và luôn được đặt lên hàng đầu. Theo em nguyên nhân của vấn đề này như sau:
- Tổ quốc là nhân tố then chốt quyết định sự tồn tại của bất kỳ một nhà nước hay quốc gia nào. Đó là một điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là “nguyên khí” của một quốc gia. Bảo vệ Tổ quốc là căn cứ tiên quyết để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nền độc lập tự do của một dân tộc, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của đất nước.
- Chỉ khi bảo vệ được Tổ quốc mới có điều kiện để phát triển toàn diện đất nước. Nhìn vào minh chứng của lịch sử chúng ta có thể nhận thấy rõ, trong thời kỳ đất nước đang trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp(1945-1954) và chống Mỹ (1954-1975) đầy cam go và ác liệt, nền kinh tế của đất nước chững lại, trì trệ, xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn gian khổ. Tuy nhiên, đến năm 1975, khi chúng ta quét sạch quân thù, nước nhà hoàn toàn độc lập, bảo vệ vững chắc tự do của Tổ quốc, nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách phát triển làm cho Việt Nam dần dần khôi phục sau chiến tranh và đạt được những bước nhảy vọt cả về kinh tế và xã hội.
- Bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ cần thiết phải thực hiện mà nó còn là một truyền thống quý báu của đất nước Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam ta luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Bất kể khi nào có quân xâm lược, dù là nhà nước Âu Lạc phải chống lại nhà Tần hùng mạnh, hay nhà Trần ba lần chống lại quân Mông Nguyên – đội quân mạnh nhất vào thời bấy giờ, hay một đất nước Việt Nam nhỏ bé phải chiến đâu chống lại Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ – hai tên đầu xỏ của thế giới thế kỷ XX. Dù ở triều đại nào, dù trong hoàn cảnh nào, tinh thần bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta mỗi khi có quân xâm lược đều mạnh mẽ như làn sóng lớn, đẩy lùi mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù. Vì lẽ đó, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là việc làm bắt buộc, mà còn là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Việt Nam tuy là một nước nhỏ bé những lại có rất nhiều tài nguyên và lợi thế để phát triển: đường bờ biển dài 3260km cong hình chữ S, vùng biển rộng với nhiều nguồn lợi biển quý giá, có nhiều loại khoáng sản mà đặc biệt là than đá,…. Mặt khác, Việt Nam lại nằm gần những cường quốc lớn, đặc biệt là Trung Quốc nên luôn phải chịu sự xăm xoi nhòm ngó của nước ngoài. Trong điều kiện hoàn cảnh ngày nay, tình hình chính trị quân sự của khu vực ngày càng trở nên căng thẳng và nóng bỏng, đặc biệt là việc Trung Quốc đặt trái phép dàn khoan Hải Dương HD981 vào vùng biển Việt Nam 1/5/2014. Từ đó càng đặt ra yêu cầu nhà nước ta phải chú trọng bảo vệ Tổ quốc và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu.
Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện tốt chức năng bảo vệ Tổ quốc
Trong điều kiện hoàn cảnh ngày nay, bảo vệ Tổ quốc là một công việc không hề dễ dàng. Vì vậy,để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Đảng và nhà nước ta phải nhạy bén nắm bắt chính xác tình hình để từ đó đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp.
Thứ nhất, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên” của Đảng, nhà nước và nhân dân ta. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta, tạo cơ sở quan trọng cho Đảng, nhà nước, cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân ta xác định và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện tốt điều đó, về nguồn nhân lực, lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành hơn về kiến thức cũng như kĩ năng. Nhiều trung tâm đào tạo, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp hệ quân đội và công an như: Học viện Kĩ thuật quân sự, Học viện quân y, Trường Sĩ quan chính trị, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân,… được thành lập và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để cho ra trường những con người có trình độ, có năng lực bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra còn cử những người ưu tú ra nước ngoài để học tập quân sự sau đó trở về phụng sự Tổ quốc. Về nguồn vật lực, không ngừng đổi mới, hiện đại hóa trang thiết bị, áp dụng khoa học – kĩ thuật và kinh nghiệm của nước ngoài trong việc nâng cao chất lượng trang thiết bị quân sự. Ngoài những trang thiết bị hiện có, chúng ta đã mạnh tay đầu tư mua về nhiều trang thiết bị hiện đại như tàu chiến P28 của Ấn Độ, radar trinh sát EL/M-2288ER, UAV trinh sát Orbiter 2, tên lửa phòng không thế hệ mới SPYDER của Israel,… Từ đó ngày càng hoàn thiện và nâng cao sức mạnh hệ thống quân sự, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, phát triển nền kinh tế tạo sức mạnh và tiềm lực để từ đó bảo vệ Tổ quốc: Thực tế sức mạnh của mỗi quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào tiềm lực kinh tế của quốc gia đó. Sức mạnh kinh tế tạo nên vị thế của một đất nước. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển vì thế mà có thể gây sức ép về mọi mặt lên những nước có nền kinh tế kém phát triển hơn mình. Nhận thức sâu sắc điều đó, Đảng ta đã có những định hướng đúng đắn nhằm mục đích phát triển kinh tế đất nước. Từ đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, giai đoạn 2011-2015 tăng đến 18%/năm. Cho đến nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương (gồm sáu FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN; bốn FTA đàm phán với tư cách là một bên độc lập); vừa hoàn tất đàm phán hai FTA (Liên minh châu Âu và TPP); đang tích cực đàm phán ba FTA khác (ASEAN-Hong Kong; EFTA; RCEP). Những thành tựu quan trọng bước đầu này không chỉ góp phần đưa nền kinh tế phát triển vững mạnh, tạo vị thế của đất nước trên trường quốc tế mà còn tạo cơ sở quan trọng để chúng ta có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, ngoài ra, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là toàn diện, cả phương diện tự nhiên – lịch sử và chính trị – xã hội trong chỉnh thể thống nhất. Đại hội XII của Đảng xác định: “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng – an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.” Dựa trên cơ sở đó, Đảng ta đã tiến hành nhiều hoạt động trên nhiều mặt nhằm mục tiêu bảo vệ Tổ quốc như: bảo vệ những cảnh quan thiên nhiên có giá trị của đất nước, xây dựng các vườn quốc gia (ngoài các vườn quốc gia lâu đời như Cúc Phương, Tam Đảo, Cát Bà, mới đây nhà nước đã thành lập thêm một số vườn quốc gia như Phước Bình – 2006, U Minh Hạ – 2006),khu bảo tồn thiên nhiên ( khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, khu bảo tồn thiên nhiên Cù lao Chàm, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,…); công nhận các di tích lịch sử có ý nghĩa địa phương và toàn quốc (tính đến hết năm 2006, nước ta có 2882 di tích được xếp hạng quốc gia, 4286 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh); ngoài ra nhà nước còn công nhận và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như các lễ hội, các phong tục tập quán truyền thống,…Từ đó góp phần quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc một cách toàn diện.
Thứ tư, củng cố Đảng, kiện toàn bộ máy nhà nước cũng là một trong những phương hướng quan trọng. Muốn ổn định đất nước, bảo vệ Tổ quốc vững chắc thì cần có sự lãnh đạo sáng suốt, đoàn kết, nhất quán của một tập thể đứng đầu, biểu hiện cho ý chí của nhân dân. Hiến pháp đã khẳng định vai trò lãnh đạo tối cao của Đảng. Mặt khác, trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều thế lực thù địch luôn có âm mưu thâm nhập, chia rẽ Đảng ta từ bên trong thì củng cố Đảng là hết sức quan trọng.
Thứ năm, hoàn thiện hệ thống pháp lý để ngày càng chặt chẽ, khoa học hơn nữa. Hiện nay, xu thế chung của thế giới là hòa bình, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp đàm phán. Vì vậy, vai trò của luật pháp trở nên vô cùng quan trọng. Hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay so với nhiều quốc gia trên thế giới nhìn chung còn nhiều hạn chế. Do đó, trong bối cảnh nhạy cảm của tình hình thế giới rất cần thiết chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp lý, từ đó tạo căn cứ vững chắc để bảo vệ Tổ quốc. Điều 1 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập,có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.” Trong Hiến pháp 2013 đã dành hẳn một chương – chương IV: Bảo vệ Tổ quốc. Nhiều bộ luật như luật Nghĩa vụ quân sự, luật Hình sự , luật An ninh quốc gia cũng góp phần tạo tiền đề pháp lý để thực hiện chức năng bảo vệ Tổ quốc.
Thứ sáu , củng cố ý chí của công dân, tăng cường tình đoàn kết dân tộc: Đảng ta đã thực hiện nhiều hành động tuyên truyền nhằm giáo dục, định hướng nhận thức, hành vi cho công dân của đất nước, củng cố tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc đồng thời đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Điều 44 Hiến pháp 2013 quy định; “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.” Điều 64 Hiến pháp 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp toàn dân.” Bời vì nhân dân là nguyên khí của một quốc gia, nên chỉ khi nhân dân đồng lòng yêu nước thì mới có thể đưa sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đi đến thắng lợi.
Thứ bảy, có kế sách phòng,chống các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm,từ xa; chủ động phòng ngừa, khắc phục các yếu tố tác động tiêu cực đến sự nghiệp củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh,bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là kinh nghiệm quý, một phương thức giữ nước đặc sắc của dân tộc, được Đảng ta kế thừa và phát huy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, quốc phòng an ninh phải có đủ sức mạnh để ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến, để đất nước không bị động, bị bất ngờ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho bạn bè quốc tế trong việc hợp tác với Việt Nam.
Kết quả đạt được trong việc thực hiện chức năng bảo vệ Tổ quốc của nhà nước Việt Nam
Trải qua quá trình lâu dài và kiên trì thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, kết quả đạt được của nhà nước Việt Nam cũng có những mặt tích cực cần được biểu dương, phát huy và những mặt tiêu cực cần rút kinh nghiệm. Dựa vào quan điểm của mình, em xin được trình bày như sau:
Thứ nhất về những kết quả mang ý nghĩa tích cực:
- Ngăn chặn âm mưu của các thế lực phản động trong nước: Bằng việc thực hiện nghiêm chỉnh và sát sao những mặt hoạt động liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều âm mưu phản động. Ví dụ như trong và sau cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm ký 2016-2021 của nước ta, báo An ninh của Bộ An ninh Lào đã đăng tải loạt bài về âm mưu, phương thức và thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, lực lượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng tự do dân chủ, nhân quyền cũng như các sự kiện thời sự diễn ra trong nước để tuyên truyền, xuyên tạc cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV của Việt Nam nói riêng và chống phá Cách mạng Việt Nam nói chung. Từ sau Đại hội Đảng XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan công an đã thu được nhiều bằng chứng về âm mưu của Việt Tân và các tổ chức phản động lợi dụng các cuộc biểu tình “phản đối Trung Quốc” để tập dượt “cách mạng màu” ở Việt Nam. Hoặc ví dụ về xét xử phúc thẩm 5/2015 về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung là một hồi chuông cảnh báo cho những kẻ có tư tưởng phản động ở nước ta. Thực tế cho thấy Đảng và nhà nước ta ngày càng có nhiều biện pháp quyết liệt về cả nội dung và hình thức để ngăn chặn và đẩy lùi các tổ chức, cá nhân có tư tưởng phản động chống phá đất nước.
- Ngăn chặn âm mưu chia rẽ, xâm lược các thế lực thù địch từ bên ngoài: Ví dụ như trước sự kiện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương HD981 vào vùng biển Việt Nam, các lãnh đạo nước ta đã tỏ rõ lập trường không khoan nhượng nhằm ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc. Ngày 22/5/2014,trả lời báo chí quốc tế tại Philippines về tình hình Biển Đông, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ,chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Ngày 18/6/2014, trong cuộc gặp Ủy viên thường vụ Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Quan điểm về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi”. Tóm lại, đối với những âm mưu và hành động chống phá, nhà nước Việt Nam luôn giữ lập trường cứng rắn để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng khỏi mọi sự xâm phạm.
Ngoài ra, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nhà nước ta không thể tránh khỏi những hạn chế và thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện diễn biến tình hình chính trị của khu vực và thế giới ngày càng trở nên nhạy cảm và căng thẳng, cùng với sự xuất hiện của nhiều tổ chức phản động cũng như việc chúng tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc thực hiện những âm mưu ngày càng phức tạp, tinh vi nhằm chống phá nhà nước. Ngoài ra còn một số hành động xâm phạm chủ quyền Tổ quốc mà nhà nước ta đến nay vẫn chưa đấu tranh được như việc Trung Quốc chiếm giữ một số đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hay việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.
Một số đề xuất trong việc thực hiện chức năng bảo vệ Tổ quốc của nhà nước Việt Nam
- Luôn luôn giữ vững lập trường kiên định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc bảo vệ Tổ quốc.
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ Tổ quốc trên nhiều mặt tự nhiên – lịch sử, chính trị – xã hội.
- Hoàn thiện hệ thống pháp lý tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động bảo vệ Tổ quốc cho công dân,tăng cường củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc.
- Đảm bảo sự nhất quán, đoàn kết trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề “Chức năng bảo vệ Tổ quốc của nhà nước Việt Nam hiện nay”. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.