Quy định về xét xử theo thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự – so sánh với thủ tục thông thường

      Thủ tục rút gọn là một trong những thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự. Khi áp dụng thủ tuc rút gọn sẽ rút ngắn được đáng kể thời hạn điều tra, truy tố và xét xử nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về xử lý tội phạm, góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung. Thủ tục rút gọn đã xác lập cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quvết nhanh chóng một số lượng lớn các vụ án về tội phạm ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ đơn giản, rõ ràng; rút ngắn điều tra, truy tố xét xử thời gian, góp phần hạn chế lượng án tồn đọng hàng năm tại các cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương.

      Hiểu được vai trò, ý nghĩa của thủ tục rút gọn, em xin chọn đề bài số 11: “Quy định về xét xử theo thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự – so sánh với thủ tục thông thường”.


Danh mục từ viết tắt:

TTRG Thủ tục rút gọn
BLTTHS Bộ luật tố tụng hình sự

Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam/ Trường Đại học Luật Hà Nội; Hoàng Thị Minh Sơn chủ biên; Trần Văn Độ,…
  • Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
  • Bộ luật Hình sự 2015.
  • Thủ tục rút gọn trong luật Tố tụng Hình sự Việt Nam (Trên cơ sở số liệu thực tiễn ở Tây Nguyên) – Trương Thị Huế – Khoa Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2015.
  • Những điểm mới về thủ tục rút gọn theo BLTTHS năm 2015

Khái niệm về thủ tục rút gọn trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam

      Thủ tục rút gọn là một trong những thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, được rút ngắn về thời gian tố tụng, giản lược một số thủ tục nhất định nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, nhằm giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng đối với những vụ án nhất định.


Những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục rút gọn

Quy định về phạm vi, điều kiện và thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn

      Về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn: Theo Điều 455 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, Thủ tục rút gọn (TTRG) được áp dụng đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Chương XXXI BLTTHS năm 2015 và những quy định khác của BLTTHS năm 2015 không trái với quy định của Chương này.

      TTRG là 01 trong các thủ tục đặc biệt được BLTTHS năm 2015 quy định. Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa của TTRG cho nên phạm vi áp dụng TTRG chỉ áp dụng ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm mà không áp dụng đến giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm. Bởi vì, khi vụ án được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì vụ án cần được xem xét thận trọng nên cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án.Bên cạnh đó, khi đã quyết định giải quyết vụ án theo TTRG thì quy định tại Chương XXXI BLTTHS năm 2015 sẽ ưu tiên được áp dụng trước. Đồng thời, để tránh quy định về TTRG một cách rườm rà và tận dụng các quy định chung về thủ tục giải quyết vụ án, đối với những thủ tục mà Chương XXXI BLTTHS năm 2015 không quy định thì được áp dụng quy định khác của BLTTHS năm 2015 để giải quyết nhưng phải đảm bảo các đặc thù về việc giải quyết vụ án theo TTRG, nhất là phải đảm bảo thời hạn giải quyết vụ án.

      So với quy định hiện hành, phạm vi áp dụng TTRG đã được mở rộng đến giai đoạn xét xử phúc thẩm. Việc mở rộng phạm vi này đã đảm bảo mục đích, ý nghĩa, vai trò của TTRG, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Bởi vì, với điều kiện để giải quyết vụ án hình sự theo TTRG ở giai đoạn xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ phải xem xét lại việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm liên quan đến kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội, cho người phạm tội hưởng án treo.

      Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: Theo quy định tại Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

      Điều kiện thứ nhất là người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú.

      Theo đó, về dấu hiệu liên quan đến người phạm tội, bên cạnh dấu hiệu “người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang” đã bổ sung dấu hiệu “người phạm tội tự thú” cũng được áp dụng TTRG. Việc bổ sung này phản ánh yêu cầu đấu trang phòng chống tội phạm và phát huy ý nghĩa của việc áp dụng TTRG. Bởi vì, việc quy định điều kiện liên quan đến người phạm tội không nhằm mục đích nào khác là dễ dàng điều tra, truy tố, xét xử vụ án vì khi đó, các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự đã có thể xác định ngay thời điểm xác định được dấu hiệu này, rút ngắn thời gian điều tra vụ án. Trên thực tế, có nhiều vụ án mà “người phạm tội tự thú” về hành vi phạm tội của mình thì nội dung sự việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng phù hợp với việc áp dụng TTRG để giải quyết. Tuy nhiên, do BLTTHS năm 2003 không quy định dấu hiệu “người phạm tội tự thú” được áp dụng TTRG nên phải áp dụng thủ tục chung giải quyết dẫn đến tốn thời gian, chi phí không cần thiết. Vì vậy, BLTTHS năm 2015 khắc phục hạn chế này qua việc bổ sung dấu hiệu “người phạm tội tự thú” là điều kiện xem xét, giải quyết vụ án theo TTRG.

      Điều kiện thứ hai là sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng: Điều kiện “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” mang tính định tính. Sự việc phạm tội đơn giản là những sự việc mà vấn đề cần chứng minh trong vụ án không phức tạp và dễ xác định..

      Sự việc phạm tội có chứng cứ rõ ràng: Chứng cứ rõ ràng có thể được hiểu là những chứng cứ phản ánh đầy đủ, chính xác và toàn diện những vấn đề phải chứng minh trong vụ án.

      Điều kiện thứ ba là tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng. “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù” (Khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2009).

      Điều kiện thứ tư là người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng: Lý lịch của bị can, bị cáo liên quan đến năng lực trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, liên quan đến việc quyết định hình phạt (tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo)… Dấu hiệu “người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng” tại khoản 4 Điều 319 BLTTHS năm 2003 cũng được sửa đổi, bổ sung. Bởi vì, qua thực tiễn, khó xác định thế nào là “có căn cước, lai lịch rõ ràng” do chúng thuộc về yếu tố nhân thân của người phạm tội và có phạm vi rất rộng. Nếu làm rõ căn cước, lai lịch của người phạm tội sẽ tốn nhiều thời gian, không đảm bảo yêu cầu của TTRG. Cho nên, BLTTHS năm 2015 đã thay sửa đổi, bổ sung điều kiện “người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng” tại khoản 4 Điều 319 BLTTHS năm 2003 thành “người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” tại điểm d khoản 1 Điều 456 cho dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.

      Về thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn 

      Thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 1 Điều 457 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 

Quy định về thời hạn và thủ tục xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn

      BLTTHS năm 2015 đã có sự phân chia giai đoạn xét xử sơ thẩm thành chuẩn bị xét xử và phiên tòa xét xử sơ thẩm.

      Đối với giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm:

      Về thẩm quyền ban hành các quyết định: khoản 1 Điều 462 BLTTHS năm 2015, trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: (1) Đưa vụ án ra xét xử; (2) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; (3) Tạm đình chỉ vụ án hoặc (4) Đình chỉ vụ án.

      Trong trường hợp Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án.

      Về việc gửi, giao quyết định đưa vụ án ra xét xử: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.

      Đối với phiên tòa sơ thẩm: Về cơ bản, phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án theo TTRG vẫn được tiến hành theo thủ tục chung. Riêng chủ thể có thẩm quyền xét xử, nghị án được quy định theo hướng rút gọn trên cơ sở cụ thể hóa quy định từ Hiến pháp năm 2013. Theo khoản 1 và khoản 4 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, “Việc xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo TTRG” và “Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo TTRG”. Cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp và đảm báo mục đích, ý nghĩa của TTRG, Điều 463 BLTTHS năm 2015 đã quy định phiên tòa xét xử sơ thẩm theo TTRG do một Thẩm phán tiến hành và không tiến hành nghị án trong quá trình xét xử sơ thẩm. Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố. Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại BLTTHS năm 2015.

      Cũng như giai đoạn truy tố, trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án thì Tòa án phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng TTRG và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.

      So với quy định của BLTTHS năm 2003, quy định về về điều tra, truy tố, xét xử của BLTTHS năm 2015 có một số điểm được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như sau:

Quy định về xét xử theo thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

      Một là, luật hóa các văn bản tố tụng đánh dấu kết thúc giai đoạn điều tra, truy tố theo TTRG chuyển sang giai đoạn tố tụng khác và ấn định thời gian chuyển giao các văn bản tố tụng này cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

      Các Điều 321, 323 BLTTHS năm 2003 chỉ quy định ngắn gọn về văn bản tố tụng đánh dấu kết thúc giai đoạn điều tra, truy tố chuyển sang giai đoạn tố tụng khác. Theo đó, khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát. Trong thời hạn truy tố, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định: (1) Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố; (2) trả hồ sơ để điều tra bổ sung; (3) tạm đình chỉ vụ án; (4) đình chỉ vụ án. Với quy định này, trong trường hợp vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố chuyển sang giai đoạn tố tụng khác thì mỗi nơi sẽ ra quyết định đề nghị truy tố, quyết định truy tố theo TTRG là khác nhau tạo nên sự tùy nghi, gây khó khăn cho người tham gia tố tụng, nhất là những người không am hiểu pháp luật.

      Bên cạnh đó, do BLTTHS năm 2003 không quy định việc giao, thời hạn giao văn bản tố tụng đánh dấu kết thúc giai đoạn điều tra, truy tố chuyển sang giai đoạn tố tụng khác nên dễ dẫn đến việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không tống đạt hoặc tống đạt trễ quyết định đề nghị truy tố, quyết định truy tố theo TTRG cho bị can, người bào chữa, trong đó có trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát giao quyết định đề nghị truy tố, quyết định truy tố theo TTRG sau khi hết thời hạn điều tra, truy tố, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

      Hai là, phân chia giai đoạn xét xử sơ thẩm thành chuẩn bị xét xử và phiên tòa xét xử sơ thẩm

      BLTTHS năm 2003 chỉ quy định về xét xử sơ thẩm tại Điều 324 mà không có sự phân chia thành chuẩn bị xét xử sơ thẩm và phiên tòa sơ thẩm nên gây khó khăn trong việc xác định hoạt động tố tụng nào thuộc về chuẩn bị xét xử sơ thẩm, hoạt động tố tụng nào thuộc về phiên tòa sơ thẩm. Khắc phục hạn chế này, BLTTHS năm 2015 đã có sự phân chia giai đoạn xét xử sơ thẩm thành chuẩn bị xét xử (Điều 462) và phiên tòa xét xử sơ thẩm (Điều 463).

      Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra một trong các quyết định sau đây:

      Đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn

      Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

      Tạm đình chỉ vụ án

      Đình chỉ vụ án.

      Như vậy các thủ tục tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn về cơ bản giống như thủ tục tố tụng chung.

      Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự áp dụng thủ tục rút gọn vẫn phải tuân thủ mọi quy định chung như đối với các vụ án khác: xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục, thành phần Hội đồng xét xử gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm, sự có mặt của bị cáo, Kiểm sát viên, người bào chữa (nếu có), người làm chứng, và một số vấn đề khác và vẫn phải tiến hành theo trình tự: thủ tục bắt đầu phiên toà, thủ tục xét hỏi tại phiên toà, tranh luận tại toà, nghị án và tuyên án.

      Nếu như ở giai đoạn điều tra và truy tố theo thủ tục rút gọn, thủ tục tố tụng có sự giản lược, thì ở giai đoạn xét xử sơ thẩm pháp luật chỉ quy định rút ngắn về thời hạn tố tụng mà không có sự giản lược về thủ tục tố tụng. Quy định của pháp luật tố tụng hiện hành là không hợp lý.

Đối với giai đoạn xét xử phúc thẩm

      Với việc mở rộng phạm vi áp dụng TTRG đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung điều kiện áp dụng TTRG ở giai đoạn xét xử phúc thẩm tại khoản 2 Điều 457. Theo đó, TTRG được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong hai điều kiện:

      Một là, vụ án đã được áp dụng TTRG trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;

      Hai là, vụ án chưa được áp dụng TTRG trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

      Như vậy, TTRG chỉ được áp dụng ở giai đoạn xét xử phúc thẩm khi vụ án đó đảm bảo các điều kiện áp dụng TTRG ở giai đoạn xét xử sơ thẩm (có thể TTRG đã được áp dụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc chưa áp dụng) và nội dung kháng cáo, kháng nghị chỉ xoay quanh việc áp dụng pháp luật khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, chứ không liên quan đến các vấn đề khác cần phải giải quyết trong vụ án (như: tội danh, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự…).

      Theo khoản 5 Điều 324 BLTTHS năm 2003, việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo TTRG được tiến hành theo thủ tục chung.

      Với việc mở rộng phạm vi áp dụng TTRG ở cấp phúc thẩm, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về xét xử phúc thẩm theo TTRG tại Điều 464 về chuẩn bị xét xử phúc thẩm và Điều 465 về phiên tòa xét xử phúc thẩm. Nhìn chung, quy định về xét xử phúc thẩm theo TTRG được tiến hành theo thủ tục chung nhưng có một số điểm khác biệt quan trọng sau:

      Đối với giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:

      Bên cạnh quy định về thời gian tố tụng, thời hạn tạm giam như trình bày ở các phần trên, Điều 464 BLTTHS năm 2015 còn quy định các vấn đề sau:

      Về thẩm quyền ban hành quyết định: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong 02 quyết định: (1) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và (2) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

      Về việc chuyển giao hồ sơ vụ án với Viện kiểm sát cùng cấp: Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.

      Về việc gửi, giao quyết định đưa vụ án ra xét xử: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.

      Đối với phiên tòa phúc thẩm:

      Theo Điều 465 BLTTHS năm 2015, về cơ bản, phiên tòa phúc thẩm giải quyết vụ án theo TTRG vẫn được tiến hành theo thủ tục chung. Riêng chủ thể có thẩm quyền xét xử, nghị án được quy định theo hướng rút gọn trên cơ sở cụ thể hóa quy định từ Hiến pháp năm 2013. Theo đó, việc xét xử phúc thẩm theo TTRG do một Thẩm phán tiến hành. Các trình tự, thủ tục tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo thủ tục chung nhưng không tiến hành nghị án.

Quy định về xét xử theo thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự – so sánh với thủ tục thông thường
Quy định về xét xử theo thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự – so sánh với thủ tục thông thường

So sánh với thủ tục thông thường

      Thủ tục tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, quy định về xét xử phúc thẩm và phiên tòa phúc thẩm theo thủ tục rút gọn về cơ bản giống như thủ tục tố tụng chung.

      Một đặc điểm đặc trưng của thủ tục rút gọn là thời hạn tiến hành tố tụng theo thủ tục này có sự rút ngắn so với thủ tục thông thường. Thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn: thời hạn điều tra là hai mươi ngày, thời hạn truy tố là năm ngày và thời hạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày (tăng 3 ngày) so với BLTTHS năm 2003;thời hạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày. Trong khi thủ tục tố tụng thông thường thì thời hạn điều tra vụ án hình sự đối với tội ít nghiêm trọng là không quá hai tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra và có thể gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng (sáu mươi ngày). Như vậy thời hạn điều tra một vụ án hình sự đối với tội ít nghiêm trọng theo thủ tục tố tụng thông thường tối đa không quá 120 (một trăm hai mươi) ngày. Như vậy, ở giai đoạn điều tra, khi áp dụng thủ tục rút gọn thì thời hạn rút ngắn được 100 (một trăm) ngày.

      Ở giai đoạn truy tố thì thời hạn quyết định truy tố là không quá 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án và kết luận Điều tra. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn nhưng không qua mười ngày. Như vậy, thời hạn truy tố một vụ án hình sự đối với tội ít nghiêm trọng tối đa không quá 30 (ba mươi) ngày nhưng với thủ tục rút gọn thời hạn truy tố tối đa là 05 (năm) ngày. Như vậy, ở giai đoạn truy tố, khi áp dụng thủ tục rút gọn thì thời hạn rút ngắn được 25 (hai mươi năm) ngày. Ở giai đoạn xét xử thì thời hạn chuẩn bị xét xử là không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá mười lăm ngày. Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử một vụ án hình sự đối với tội ít nghiêm trọng tối đa không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày nhưng với thủ tục rút gọn thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là 17 (mười bốn) ngày. Như vậy, ở giai đoạn xét xử, khi áp dụng thủ tục rút gọn thì thời hạn rút ngắn được 28 (hai mươi tám) ngày.

      Do đó, với thủ tục tố tụng thông thường thì thời hạn điều tra, truy tố và xét xử đối với tội ít nghiêm trọng là 195 ngày còn thủ tục rút gọn chỉ có 59 ngày, rút ngắn được 136 ngày, là một thời gian đáng kể.

      Ngoài thời hạn, thủ tục rút gọn còn có một số những đặc điểm khác biệt khác như Điều 463 BLTTHS năm 2015 đã quy định phiên tòa xét xử sơ thẩm theo TTRG do một Thẩm phán tiến hành và không tiến hành nghị án trong quá trình xét xử sơ thẩm; về thẩm quyền ban hành quyết định, về việc chuyển giao hồ sơ vụ án với Viện kiểm sát cùng cấp, về việc gửi, giao quyết định đưa vụ án ra xét xử; việc xét xử phúc thẩm theo TTRG chỉ do một Thẩm phán tiến hành.

      Đặc điểm cơ bản của thủ tục rút gọn là rút ngắn về thời hạn, giản lược về thủ tục tố tụng. Với đặc điểm đó thủ tục rút gọn có ý nghĩa quan trọng, góp phần giải quyết nhanh chóng, kịp thời một số vụ án hình sự nhất định, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.


Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Quy định về xét xử theo thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự – so sánh với thủ tục thông thường. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top