Trong bộ luật tố tụng hình sự các biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc đối với người chưa bị khởi tố hình sự, nhằm mục đích ngăn chặn kịp thời những hành vi nguy hiểm cho xã hội, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có những hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Trong số các biện pháp đó thì tạm giam là có tính cưỡng chế nghiêm khắc nhất và có tầm quan trọng đặc biệt, vì vậy khi áp dụng biện pháp này cũng gây ảnh hưởng nhiều nhất đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về tạm giam và việc hoàn thiện quy định này”
Danh mục tài liệu tham khảo
- Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
- Giáo trình luật Tố tụng hình sự ĐH Luật Hà Nội – NXB Chính trị Quốc gia.
- Tập bài giảng Luật tố tụng hình sự ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh (lưu hành nội bộ).
- Bình luận khoa học Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 – NXB Chính trị Quốc gia năm 2003.
- Nguyễn Văn Điệp, Các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam – Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp, Luận án tiến sĩ Luật học, Hà Nội, 2005.
- Hà Đình Hiệu, Tạm giam trong tố tụng hình sự – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội, 2010.
Nội dung
Khái quát chung về biện pháp ngăn chặn tạm giam
Khái niệm:
Theo Điều 88 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về tạm giam: “tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong TTHS do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay bị can, bị cáo phạm tội phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.”.
Mục đích, ý nghĩa của biện pháp tạm giam
Thứ nhất, về mục đích của tạm giam:
Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nên mục đích của biện pháp tạm giam trước hết cũng phải đảm bảo mục đích của các biện pháp ngăn chặn nói chung, đó là tạo các điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Ngoài mục đích chung, thống nhất là ngăn chặn không để bị can, bị cáo có điều kiện tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án thì ở mỗi giai đoạn tố tụng nhất định, việc áp dụng biện pháp này còn có mục đích riêng nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng tố tụng của cơ quan áp dụng.
Ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhằm mục đích ngăn ngừa tội phạm và bảo đảm các điều kiện khác để hoàn thành nhiệm vụ điều tra.
Ở giai đoạn truy tố, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhằm mục đích kiểm tra, giám sát các hoạt động tư pháp đã và đang diễn ra, để tống đạt được ngay cáo trạng hoặc các quyết định cần thiết khác, ngăn chặn việc bị can bỏ trốn gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án hình sự.
Trong giai đoạn xét xử, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhằm đảm bảo sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa và có thể thi hành được ngay bản án khi có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, về ý nghĩa của tạm giam:
Một là, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra xử lý tội phạm, đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo trong các hoạt động tố tụng khi cần thiết, đảm bảo để án tuyên có điều kiện thi hành khi có hiệu lực thi hành cũng như đảm bảo tính chính xác, khách quan của các hoạt động tố tụng.
Hai là, việc quy định và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam thể hiện sự cưỡng chế của Nhà nước trong việc đấu tranh chống tội phạm, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Ba là, việc quy định đúng và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần bảo đảm và tôn trọng các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003 về biện pháp ngăn chặn tạm giam
Đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam:
Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Những người không phải là bị can, bị cáo thì không bị áp dụng biện pháp tạm giam. Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 thì tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng. Đây là trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà theo quy định của Bộ luật hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình hoặc phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù. Việc áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp này cần hai điều kiện :
Người thực hiện tội phạm là người đã bị khởi tố bị can hoặc người đã bị Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử với tư cách là bị cáo;
Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng.
Trường hợp thứ hai: Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội mới. Để tạm giam trường hợp này, cần có 3 điều kiện như sau :
Người thực hiện tội phạm là bị can, bị cáo.
Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ Luật hình sự quy định phạt tù trên hai năm.
Có căn cứ để cho rằng người phạm tội có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Để xác định điều kiện này phải căn cứ vào nhân thân bị can, bị cáo, thái độ của họ sau khi phạm tội hoặc những vi phạm nghĩa vụ của bị can, bị cáo khi được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 88 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định những trường hợp không áp dụng biện pháp tạm giam bao gồm:
“2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú rõ rang thì không tạm giam mà áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:
Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;
Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;
Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.”
Việc Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định như thế đã thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo XHCN, đảm bảo quyền con người và bảo vệ quyền trẻ em. Với điều kiện sinh hoạt trong trại tạm giam thì không thể đảm bảo đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho bà mẹ mang thai cũng như đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu hoặc người có bệnh nặng. Hơn nữa, bị can, bị cáo lại có nơi cư trú rõ ràng. Nếu không thuộc trường hợp đặc biệt trên thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo theo Giấy triệu tập của Cơ quan tiến hành tố tụng.
Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam:
Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 không quy định trực tiếp các căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam mà chỉ có quy định để áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung. Theo đó, những căn cứ được áp dụng biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 79 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 đó là:
Thứ nhất, để kịp thời ngăn chặn tội phạm.
Thứ hai, khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo gây cản trở cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Thứ ba, khi có căn cứ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội.
Thứ tư, để đảm bảo thi hành án.
Trong các căn cứ để áp dụng nói trên thì căn cứ “để kịp thời ngăn chặn tội phạm” chỉ áp dụng đối với biện pháp bắt người phạm tội quả tang hoặc bắt người đang tình trạng khẩn cấp. Căn cứ này không thể áp dụng đối với biện pháp tạm giam vì bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp tạm giam đã thực hiện hành vi phạm tội trong quá khứ.
Thẩm quyền ra lệnh tạm giam:
Khoản 3 Điều 88 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định những người có thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam thì có quyền ra lệnh tạm giam. Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định tại khoản 1 Điều 80 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, bao gồm:
Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Như vậy, thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam được quy định cho nhiều cơ quan với nhiều chủ thể khác nhau tùy thuộc và từng giai đoạn tố tụng. Viện kiểm sát với chức năng là cơ quan kiểm sát các hoạt động tư pháp sẽ kiểm tra giám sát hoạt động này, đặc biệt đối với lệnh tạm giam của Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Lệnh tạm giam của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thời hạn mà Viện kiểm sát phải xem xét để ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra là ba ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam. Viện kiểm sát phải hoàn trả lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn dù có phê chuẩn hay không.
Thủ tục tạm giam:
Theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 thì việc tạm giam phải có lệnh viết của người có thẩm quyền. Lệnh tạm giam phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ tên chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị tạm giam; lý do tạm giam, thời hạn tạm giam và giao cho người bị tạm giam một bản.
Đối với lệnh tạm giam của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được lênh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và phải thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, người đại diện hợp pháp của họ (đối với người chưa thành niên) và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết lý do tạm giam và nơi tạm giam.
Nếu người bị tạm giam có con chưa thành niên dưới 14 tuổi và thân nhân là người tàn tật, già yếu, không có người chăm sóc thì cơ quan ra lệnh tạm giam giao những người đó cho những người thân thích hoặc chính quyền sở tại chăm nom. Trong trường hợp người bị tạm giam có nhà hoặc tài sản khác mà không có người chăm nom thì cơ quan ra lệnh tạm giam phải áp dụng các biện pháp bảo quản thích đáng và thông báo cho người bị tạm giam biết những biện pháp đã được áp dụng.
Thời hạn tạm giam:
Trong Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 thời hạn tạm giam không được quy định tập trung ở một điều luật mà được quy đinh theo từng giai đoạn của quá trình tố tụng. Cụ thể thời hạn tạm giam trong tố tụng hình sự được chia thành: thời hạn tạm giam để điều tra, thời hạn tạm giam để truy tố, thời hạn tạm giam để xét xử sơ thẩm, thời hạn tạm giam để xét xử phúc thẩm và thời hạn tạm giam để thi hành án.
Thứ nhất, về thời hạn tạm giam để điều tra:
Điều 120 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ hai, về thời hạn tạm giam để truy tố:
Thời hạn tạm giam trong trường hợp này được quy định tại khoản 2 Điều 166 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể: “ Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát có quyền quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này” mà theo quy định tại khoản 1 Điều 166 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 thì thời hạn tạm giam để truy tố đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng tối đa có thể lên đến 30 ngày, đối với tội phạm rất nghiêm trọng tối đa có thể lên đến 45 ngày, còn đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thời hạn tạm giam để truy tố tối đa có thể lên đến 60 ngày.
Thứ ba, về thời hạn tạm giam để xét xử sơ thẩm:
Theo Điều 177 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này. Dẫn chiếu theo quy định tại Điều 176 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, ta thấy thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử tối đa (kể cả gian hạn) là 75 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 90 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 120 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn này là 150 ngày.
Thứ tư, thời hạn tạm giam để xét xử phúc thẩm:
Thời hạn tạm giam để xét xử phúc thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 243 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, theo đó thì thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 242 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 (60 ngày đối với phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu và 90 ngày đối với phiên tòa phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương).
Thứ năm, thời hạn tạm giam để đảm bảo thi hành án:
Ngay sau khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm, hội đồng xét xử có thể quyết định việc tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án. Thời hạn tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm được quy định tại Điều 228 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, còn thời hạn tạm giam bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm được quy định tại Điều 243 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003.
Một số quy định khác liên quan đến việc tạm giam:
Về chế độ tạm giam:
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn để đảm bảo các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và ngăn không cho bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội. Tuy nhiên cần chú ý đây không phải là hình phạt, Điều 89 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù. Vì thế bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp tạm giam được đảm bảo thực hiện các chế độ tạm giam theo quy định tại Nghị định 89/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ về Quy chế tạm giữ, tạm giam.
Về chế độ chăm nom người thân và bảo đảm tài sản của người bị tạm giam:
Chế độ chăm nom người thân và bảo quản tài sản của người bị tạm giam được quy định cụ thể tại điều 90 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003. Việc pháp luật quy định về chế độ thăm nom người thân và bảo quản tài sản của người bị tạm giam thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, người bị tạm giam là người có trách nhiệm đối với người thân nhất là những người này lại không thể tự mình chăm sóc cho chính mình vì vậy mà khi đã tạm giam họ thì pháp luật phải có những chính sách để đảm bảo cuộc sống cho người phụ thuộc vào người bị tạm giam cũng như tài sản của người bị tạm giam trong trường hợp tài sản đó không có người chăm nom, bảo quản.
Về việc khấu trừ thời hạn tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù:
Theo quy định tại Điều 33 BLHS 1999, thời hạn tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ mỗi ngày tạm giam bằng 1 ngày tù. Quy định này không chỉ áp dụng đối với người bị tạm giam liên tục cho đến khi xét xử mà còn áp dụng đối với cả những người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác sau một thời gian bị tạm giam. Những hình phạt khác không phải là hình phạt tù có thời hạn như cảnh cáo, phạt tiền, hoặc tử hình thì không áp dụng quy đinh này mặc dù họ có bị tạm giam. Riêng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỉ luật của quân đội và hình phạt tù chung thân thì thời hạn tạm giam sẽ được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Về quyền của người bị tạm giam:
Theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù hoặc tử hình bỏ trốn bị bắt để tạm giam.
Khi bị tạm giam, bị can, bị cáo có đầy đủ quyền của bị can, bị cáo được quy định tại Điều 49, 50 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 và khi họ bị kết án đang chờ thi hành hình phạt tù họ có quyền quy định tại Điều 260 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003.
Như vậy, tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm đảm bảo cho hoạt động tố tụng đạt hiệu quả cao, đồng thời thể hiện tính nghiêm khắc của Nhà nước đối với người có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam vào hoạt động tố tụng cần tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ trình tự, thủ tục luật định để đảm bảo quyền của công dân, thực hiện hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thực trạng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam hiện nay:
Thực trạng:
Theo số liệu thống kê của tác giả Nguyễn Hải Phùng trong bài “Thực trạng và những giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát về tạm giữ, tạm giam” trong tạp chí Kiểm sát số 08/2008 cho thấy thời gian mấy năm gần đây việc áp dụng biện pháp tạm giam đã đạt được những hiệu quả nhất định góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Việc áp dụng biện pháp tạm giam đã thận trọng hơn nên số người bị tạm giam đưa ra truy tố, xét xử đã tăng lên, việc phân loại người bị tạm giam được chặt chẽ nên đã hạn chế tình trạng thông cung giữa các bị can trong cùng một vụ án, tình trạng người bị tạm giam trốn đã giảm hẳn. Tuy nhiên vẫn còn những vi phạm khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam xảy ra trên thực tế.
Về thủ tục tạm giam: việc tạm giam bị cáo để chờ xét xử phúc thẩm nhưng không được Tòa án cấp phúc thẩm ra lệnh tạm giam theo quy định tại điều 243 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, tồn tại này phần nhiều thuộc trách nhiệm của 3 Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Về thời hạn tạm giam: việc quá hạn vẫn xảy ra ở một số địa phương. Tình trạng tạm giam kéo dài tời gần 3 năm, thậm chí còn bị bỏ quên, thất lạc hồ sơ… Việc để xảy ra những trường hợp quá hạn tạm giam đều có trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp.
Việc vi phạm trong công tác quản lý của cán bộ chiến sĩ ở các trại tạm giam là người đưa người bị tạm giam ra ngoài lao động để cải thiện, có nhiều trường hợp do sơ hở mất cảnh giác của cán bộ trong lúc dẫn giải đi xét xử, khi đi khám tại bệnh viện, thậm chí còn quên khóa cửa buồng giam nên dẫn đến người bị tạm giam bỏ trốn, có trường hợp trốn ra lại tiếp tục phạm tội.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập trong thực trạng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam:
Nguyên nhân liên quan đến công tác xây dựng pháp luật:
Từ khi ban hành Bộ Luật tố tụng hình sự đầu tiên năm 1988 đến nay Bộ Luật tố tụng hình sự VN đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần nhưng chế định tạm giam trong Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 vẫn còn những tồn tại, bất cập đó là quy định về thời hạn tạm giam vẫn chưa có sự thống nhất với thời hạn điều tra đã hết, do vậy trong nhiều trường hợp thời hạn tạm giam đã hết nhưng do tính chất phức tạp của vụ án mà cơ quan điều tra vẫn chưa khám phá ra được trong khi thời hạn điều tra vẫn còn dẫn đến khó khăn cho công tác điều tra và sẽ khó khăn hơn nữa trong quá trình xét xử và thi hành án sau này.
Về đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam, Điều 88 chỉ quy định đối tượng áp dụng là bị can, bị cáo nhưng thực tế những đối tượng không phải là bị can, bị cáo những vẫn phải áp dụng tạm giam đó là những đối tượng đã bị tòa án tuyên phạt tù có thời hạn, tù chung thân, từ hình đã hết thời hạn tạm giam và chưa được thi hành ngay thì phải tạm giam để chờ thi hành án (Điều 88, Điều 243).
Nguyên nhân do ý thức chủ quan của chủ thể áp dụng:
Thực tiễn áp dụng cho thấy có nhiều trường hợp tạm giam không đúng đối tượng, không đúng thủ tục, sai thẩm quyền; những trường hợp tạm giam đã quá hạn nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn không trả tự do cho bị can, bị cáo. Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị và những ngừoi có trách nhiệm, quyền hạn trong việc áp dụng tạm giam còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật tố tụng trong quá trình áp dụng tạm giam như thủ tục áp dụng, căn cứ áp dụng, thẩm quyền áp dụng. Có những nơi đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa trình độ của cán bộ làm công tác này còn hạn chế về chuyên môn và hiểu biết pháp luật cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thế, quyền tự do của công dân. Nhiều trường hợp thì do nể nang, sở trả thù hoặc đã nhận hối lộ nên những người có thẩm quyền cũng đã “lờ” đi các quy định của pháp luật tố tụng mà tạm giam những người không phải là đối tượng bị tạm giam, trả tự do cho những đối tượng theo quy định của pháp luật tố tụng là phải tạm giam.
Nguyên nhân khách quan:
Bao gồm phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động tố tụng chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của bị can, bị cáo từ đó sẽ gây ra những phản ứng tiêu cức từ phía bị can, bị cáo do tác động của nền kinh tế thị trường, xu thế tội phạm mang tính chất toàn cầu ngày càng nhiều, đặc biệt là hành vi thực hiện tội phạm ngày càng tinh vi, khi bị phát hiện và truy bắt thì chúng chống trả rất liều lĩnh gây khó khăn rất nhiều cho cơ quan điều tra. Trong một số trường hợp chúng còn được sự hậu thuẫn của cơ quan hoặc tổ chức nước ngoài nhằm mục đích chống phá nhà nước ta… Đây là một trong những khó khăn rất lớn mà cơ quan tiến hành tố tụng gặp phải trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và gây khó khăn cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nói riêng.
Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về biện pháp ngăn chặn tạm giam
Hoàn thiện quy định của pháp luật:
Căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam:
Bên cạnh quy định chung căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn tại Điều 79. Thì tại Điều 88 và Điều 303 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 căn cứ để áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp tạm giam dựa vào một số loại tiêu chí như sau: Dựa vào sự phân loại tội phạm theo quy định của BLHS 1999; dựa vào khả năng bị can, bị cáo có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử…
Tại điểm b khoản 1 Điều 88 có quy định “ Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định trên hai năm…” quy định này nên hiểu như thế nào ? có ý kiến cho rằng, tội ít nghiêm trọng trong BLHS quy định hình phạt trên hai năm tù được hiểu là mức cao nhất của khung hình phạt là 2 năm tù. Do đó, đối với bị can, bị cao phạm tội ít nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt chỉ đến 2 năm tù thì không được áp dụng BPTG. Nhưng nếu có trường hợp, bị can, bị cáo bị khởi tố hình sự có khung hình phạt dưới 2 năm tù nhưng ngoan cố, chống đối, cố tình trốn tránh, tìm cách xóa dấu vết tội phạm, mua chuộc, đe dọa người làm chứng… thì cơ quan tiến hành tố tụng không được áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Vì vậy, đối với những trường hợp này cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.
Một số quy định khác của Bộ Luật tố tụng hình sự không quy định về căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn có thể bị hiểu nhầm là căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong các giai đoạn tố tụng khác nhau. Đó là các quy định tại đoạn 3 Điều 177, khoản 1 Điều 228, khoản 2,3 Điều 243, khoản 5 Điều 250 Bộ Luật tố tụng hình sự. Do đó, cần phải sửa đổi các điều này theo hướng dẫn chiếu về căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn về Điều 88 và Điều 303 Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành.
BLTHS còn chưa quy định một căn cứ xuất phát bản chất của tạm giam là để áp dụng, thay thế các biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm trọng hơn như bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra Bộ Luật tố tụng hình sự cũng chưa có quy định một trong những căn cứ tạm giam là bắt người theo quyết định truy nã. Vì vậy, theo cá nhân em thì Bộ Luật tố tụng hình sự cần phải quy định những căn cứ này để thuận lợi cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.
Liên quan đến việc hạn chế việc tạm giam bị can, bị cáo đối với một số loại tội phạm, từ thực tiễn áp dụng BPNC tạm giam ở nước ta cho thấy Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định đối với những loại nhóm tội phạm nào thì có thể hạn chế việc tạm giam nên việc xem xét, quyết định tạm giam chỉ căn cứ vào điểu 88 Bộ Luật tố tụng hình sự (và Điều 303 nếu bị can, bị cáo là người chưa thành niên) chứ không căn cứ vào loại tội phạm mà bị can, bị cáo đã thực hiện.
Vấn đề phê chuẩn lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
Cần quy định các mức thời hạn phê chuẩn lệnh của Viện kiểm sát (VKS), theo từng loại vụ án đơn giản hay phức tạp, kể từ khi nhận được công văn đề nghị phê chuẩn và tài liệu của vụ án. Hiện nay, tại khoản 3 Điều 88 có quy định về thời hạn xem xét của VKS đó là: Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tam giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ tài liệu liên quan đến việc tạm giam, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Theo em nên quy định cụ thể hơn thời hạn này theo hướng quy định các mức thời gian theo từng vụ án đơn giản hay phức tạp, nếu vụ án đơn giản, hồ sơ tài liệu đầy đủ thì chỉ cần một ngày nhưng có những vụ án mà hồ sơ, tài liệu nhiều lại phức tạp thì cần phải có nhiều thời gian hơn để VKS nghiên cứu trước khi phê chuẩn.
Về thời hạn tạm giam:
Thời hạn tạm giam cũng được Bộ Luật tố tụng hình sự quy định tại Điều 120 và một số điều luật có liên quan khác tùy theo từng giai đoạn của thủ tục tố tụng hình sự, có thể thấy THTG để phục hồi điều tra, tạm giam để điều tra bổ sung, tạm giam trong giai đoạn truy tố, tạm giam trong giai đoạn xét xử là khá thống nhất và hợp lý. Tuy nhiên, thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên còn một số hạn chế.
So sánh thời hạn tạm giam tối đa với thời gian điều tra tối đa quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự, có thể thấy: Thời hạn tạm giam để điều tra không đồng nhất với nhau đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Điều là dẫn tới sự bất hợp lý, bởi vì mục đích của tạm giam trong giai đoạn này là để ngăn chặn bị can phạm tội mới, cản trở hoặc gây khó khăn cho hoạt động điều tra và khi chưa thể ra được bản án kết luận điều tra mà vẫn còn căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam thì Cơ quan điều tra không thể hủy bỏ, thay thế biện pháp được, trong khi đó thì không phải vụ án nào cũng có thể đẩy nhanh tiến độ điều tra. Do đó Bộ Luật tố tụng hình sự cần quy định đồng bộ và thống nhất giữa thời hạn tạm giam để điều tra với thời hạn điều tra.
Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành có những hạn chế nhất định khi chưa quy định thủ tục rút gọn đối với người chưa thành niên, bất hợp lý khi mà các công ước về bảo vệ quyền của người chưa thành niên, thủ tục tư pháp đối với người chưa thành niên mà Việt Nam là thành viên đều yêu cầu một thủ tục rút gọn, thân thiện đối với nhóm người cần đến sư quan tâm đặc biệt này. Do đó, cần phải quy định rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên.
Về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp tạm giam:
Khoản 3 Điều 88; khoản 1 Điều 80 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định những người sau đây có quyền quyết định tạm giam bị can, bị cáo: Viện trưởng, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát nhân dân và Viện Kiểm Sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó chánh án tòa án nhân và tòa án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ chánh tòa, Phó chánh tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử, thủ trưởng, Phó thủ trưởng có quan điều tra các cấp.
Như vậy, hiện nay có 9 nhóm cá nhân và tập thể có thẩm quyền quyết định BPTG. Tuy nhiên, nên quy định việc thay đổi các đối tượng có thẩm quyền quyết định BPTG, giao cho người trực tiếp tiến hành tố tụng trong vụ án thẩm quyền này để nâng cao tính thực tế và tính trách nhiệm trong thi hành công vụ. Bởi lẽ họ là người trực tiếp theo dõi vụ án. Trực tiếp tiến hành tố tụng nên họ hiểu hơn ai hết có thật sự cần thiết áp dụng BPTG hay không. Điều này phù hợp với quyết định số 49- NQ/ TW là “ tăng quyền và trách nhiệm cho điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để họ chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng.”
Một số kiến nghị khác:
Tăng cường năng lực và nâng cao phẩm chất đạo đức của chủ thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam:
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, một vấn đề quan trọng đặt ra trước mắt cũng như lâu dài là tăng cường biện pháp để nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong vấn đề áp dụng biện pháp tạm giam. Đề nâng cao trách nhiệm của họ, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trình độ pháp lý cho những người tiến hành tố tụng, mặt khác tăng cường công tác kiểm tra của Thủ trưởng các đơn vị và của cơ quan quản lý cấp trên đối với cán bộ thuộc quyền và với cán bộ cấp dưới. Một lĩnh vực giám sát quan trọng là cần tăng cường công tác kiểm sát của Viện kiếm sát nhân dân đối với việc tạm giam. Mặc dù pháp luật có quy định Viện kiểm sát nhân dân có quyền thường kỳ hoặc bất thường kiểm sát trại tạm giam nhưng các Viện kiểm sát cần có kế hoạch thường kỳ áp dụng quyền hạn này, hơn nữa cần tạo lập quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa viện kiểm sát với cơ quan có thẩm quyền tạm giam để bảo đảm mỗi khi có việc tạm giam thì đều có hoạt động kiểm sát. Đối với những trường hợp vi phạm, cần xác định rõ trách nhiệm của từng người có liên quan để xử lý nghiêm minh, nhằm nâng cao trách nhiệm của những ngươi có liên quan.
Như vậy, vai trò của Viện kiểm sát có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Chính vì vậy, Viện kiểm sát cần kiểm sát chặt chẽ việc phê chuẩn lệnh tạm giam, đảm bảo không gây khó dễ cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án. Đồng thời, cũng cần phải kiện toàn đội ngũ kiểm sát viên, nâng cao nghiệp vụ và năng lực chuyên môn. Hơn nữa, cũng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động tuân theo pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhằm đảm bảo một cách tốt nhất nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.
Tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm sát kiểm tra việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn:
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, một số vấn đề quan trọng đặt ra trước mắt cũng như về lâu dài là tăng cường biện pháp để nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhất là biện pháp tạm giam. Để nâng cao trách nhiệm của họ đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trình độ pháp lí cho những người tiến hành tố tụng, mặt khác tăng cường công tác kiểm tra của Thủ trưởng các đơn vị, của các cơ quan quản lí cấp trên đối với các cán bộ thuộc quyền và các cán bộ cấp dưới. Một lĩnh vực kiểm sát quan trọng là cần tăng cường công tác kiểm sát của Viện Kiểm sát Nhân dân đối với việc tạm giam. Đối với những trường hợp vi phạm cần xác định rõ trách nhiệm của những người có liên quan để xử lí nghiêm minh nhằm nâng cao trách nhiệm của những người có liên quan.
Trong các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự thì biện pháp tạm giam chiếm một ví trí rất quan trọng, là một trong những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước và là một trong những phương tiện hữu ích giúp các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện biện pháp tạm giam còn nhiều những hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả trong khi tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của công dân đồng thời cũng ảnh hưởng tới quy trình của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì lẽ đó, trong thời gian tới cần hoàn thiện hơn nữa những quy định của pháp luật về các biện pháp ngăn chặn nói chung và biện pháp tạm giam nói riêng. Đồng thời, phải có những xử lý nghiêm khắc hơn nữa những trường hợp tạm giam không đúng để đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Đánh giá tác động của việc ly hôn đối với con cái ở nước ta hiện nay. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.