Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, chất lượng hoạt động tư pháp không ngừng nâng lên, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên tình trạng án oan sai vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đòi hỏi những biện pháp căn cơ, quyết liệt để hạn chế tình trạng này, nhất là đối với giai đoạn xét xử vụ án. “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo” là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của tòa án Việt Nam. Chính vì vậy, cùng với việc quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, nguyên tắc này còn được ghi nhận trong rất nhiều văn bản pháp luật ở nước ta, đặc biệt là trong quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Nhận thức được tầm quan trọng của nguyên tắc này, em xin lựa chọn đề tài số 1: “Nguyên tắc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và thực tiễn thực hiện” để làm chủ đề cho bài tập học kì của mình.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng Dân sự, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
- Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Nxb Tư Pháp.
- So sánh Bộ luật Tố tụng dân sự 2004-2015, Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp, Nxb Thế giới.
- Lương Huy Hùng, Luận văn Thạc sĩ Luật học “Nguyên tắc hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự”
Những vấn đề lý luận chung
Khái niệm nguyên tắc “Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm”
Nguyên tắc Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trong tố tụng dân sự là tư tưởng chủ đạo, có tính bắt buộc chung, thể hiện quan điểm có tính định hướng của Nhà nước trong việc tổ chức tố tụng để xét xử các vụ án dân sự được xét xử lần đầu ở cấp sơ thẩm (cấp xét xử thứ nhất) có thể được xét xử lại và chỉ có thể được xét xử lại một lần nữa ở cấp phúc thẩm (cấp xét xử thứ hai) nếu có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, nhằm giải quyết đúng đắn, kịp thời vụ án, bảo đảm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Việc xét xử sơ thẩm là: “Xét xử lần đầu để giải quyết tất cả những vấn đề liên quan trong vụ án. Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án xem xét và giải quyết mọi vấn đề của vụ án bằng việc ra bản án và quyết định. Trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm”.
Với xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Nguyên tắc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và thực tiễn thực hiện
Mối liên hệ giữa xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm
Một là, tại cấp xét xử sơ thẩm, tất cả những vấn đề thuộc nội dung vụ việc lần đầu được xem xét, đánh giá và kết luận, trong khi đó cấp phúc thẩm xét xử lại vụ việc được xét xử ở cấp sơ thẩm mà bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc xét xử phúc thẩm luôn đi sau, dựa trên quyết định, bản án của toàn án cấp sơ thẩm. Có bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị mới có việc xét xử phúc thẩm, mới có bản án, quyết định của tòa án cấp phúc thẩm.
Hai là, việc xét xử sơ thẩm là giải quyết các vấn đề của vụ án, để ra quyết định về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án. Trong khi đó, mục đích của việc xét xử phúc thẩm là nhằm khắc phục, sửa chữa những sai lầm có thể có trong những bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng.
Ba là, hoạt động xét xử tại cấp sơ thẩm dựa trên cơ sở đơn khởi kiện của nguyên đơn khi họ có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và yêu cầu Tòa án giải quyết. Hoạt động xét xử tại cấp phúc thẩm dựa trên cơ sở kháng cáo, kháng nghị, khi người kháng cáo, kháng nghị cho rằng việc xét xử ở cấp sơ thẩm không đúng, xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp đương sự. Vì vậy, nội dung kháng cáo, kháng nghị quy định phạm vi xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm.
Ý nghĩa của nguyên tắc “Bảo đảm Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm”
Nguyên tắc “Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” đảm bảo cho việc xét xử của Tòa án được chính xác, đúng đắn. Việc quy định nguyên tắc là cơ sở pháp lý cho những người có thẩm quyền kháng nghị, kháng cáo quyết định sơ thẩm của Tòa án để xét xử lại ở cấp phúc thẩm, giúp kịp thời sửa chữa sai lầm hoặc vi phạm pháp luật mà cấp sơ thẩm mắc phải, nhờ đó mà chất lượng xét xử tại các cấp xét xử được nâng cao.
Việc quy định một vụ án dân sự có thể được xét xử ở hai cấp xét xử khác nhau là phù hợp quy luật của nhận thức nhằm đảm bảo tính đúng đắn, khách quan của hoạt động xét xử. Quy định nguyên tắc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo thể hiện thái độ thận trọng của Nhà nước trong việc đưa ra phán xét quyết định về tài sản và nhân thân, về số phận pháp lý, quyền lợi và tài sản, danh dự của đương sự. Việc xét xử phải nhằm đến mục đích cao nhất là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, đưa ra các phán quyết đối với người bị đưa ra xét xử.
Nội dung các quy định của pháp luật Việt Nam về nguyên tắc “Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm”
Nguyên tắc “Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” được quy định tại điều 17 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:
Theo đó, nguyên tắc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm bao gồm hai phần chính: Một là, Tòa án thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; hai là, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và được hiểu cụ thể như sau:
Về tổ chức tố tụng xét xử, Tòa án thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Vụ án dân sự được xét xử lần đầu ở cấp sơ thẩm. Bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên và có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật để yêu cầu xét xử lại vụ án ở cấp phúc thẩm.
Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị hợp lệ thì vụ án dân sự được xét xử lại ở cấp phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm là được coi là bản án, quyết định cuối cùng của tòa, có hiệu lực lực ngay khi tuyên. Khi xét xử vụ án dân sự ở cấp phúc thẩm, Tòa án chỉ xét lại những nội dung, vấn đề đã được xét xử ở cấp sơ thẩm, trong phạm vi của kháng cáo, kháng nghị; đồng thời kiểm tra tính hợp pháp của bản án, quyết định sơ thẩm. Những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị sẽ có hiệu lực pháp luật và đưa ra thi hành.
Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không thể bị kháng cáo, kháng nghị để xét xử một lần nữa. Tuy nhiên, nếu phát hiện có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không đúng với bản chất sự việc hoặc có những vi phạm, sai lầm nghiêm trọng về pháp luật thì bản án, quyết định này sẽ được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Cấp xét xử sơ thẩm
Xét xử sơ thẩm là cấp xét xử thứ nhất, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ án dân sự tại tòa án. Việc một bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đúng đắn, thuyết phục được các đương sự thì sẽ tránh được việc các đương sự hay những người có thẩm quyền khác kháng cáo, kháng nghị làm cho việc xét xử vụ án kéo dài.
Về thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm:
Theo Bộ luật TTDS 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án dân sự.
Theo Điều 35 BLTTDS, TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự, trừ các tranh chấp quy định tại Khoản 7 Điều 26 BLTTDS. Đó là các “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh,…”.
Đối với Tòa án có thẩm quyền giải quyết VADS theo lãnh thổ được xác định tại Điều 39 BLTTDS, nhằm phân định thẩm quyền sơ thẩm vụ việc dân sự giữa các Tòa án cùng cấp với nhau, để đảm bảo giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án được nhanh chóng, đúng đắn, tạo thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng, tránh sự chồng chéo trong việc thực hiện thẩm quyền giữa các Tòa án cùng cấp. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nơi có tài sản, hoặc nơi bị đơn có trụ sở. Các đương sự có thể thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, hoặc nơi nguyên đơn có trụ sở giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn: Theo Điều 40 BLTTDS thì được áp dụng đối với các trường hợp đặc biệt để nhằm giải quyết VADS tại các Tòa án khác nhau, sao cho việc xét xử được khách quan nhất và không trái với thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án.
Phạm vi xét xử sơ thẩm:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Bộ luật TTDS thì “…Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”
Hiệu lực của bản quán, quyết định sơ thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm là bản án chưa có hiệu lực pháp luật khi nó trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Đối với bản án sơ thẩm là trong 15 ngày kể từ ngày tuyên án, hoặc là kể từ khi họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định pháp luật. Đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nếu bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật. Đối với kháng cáo quá hạn của người có thẩm quyền, nếu Tòa án không chấp nhận thì tòa có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận, đồng thời giải thích lý do đó. Quá thời hạn kháng cáo, người có thẩm quyền không kháng cáo thì họ không được kháng cáo nữa. Do vậy, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và phải đưa ra thi hành. Hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định sơ thẩm còn căn cứ vào thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát. Quá thời hạn kháng nghị, thì VKS mất quyền kháng nghị và cũng không được kháng nghị quá hạn. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Cấp xét xử phúc thẩm
Tòa phúc thẩm chỉ tiến hành xét xử phúc thẩm với những vụ án dân sự mà bản án, quyết định của tòa cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Do đó, cơ sở pháp lý cho việc xét xử phúc thẩm là dựa trên kháng cáo, kháng nghị bản án hay quyết định sơ thẩm.
Về thẩm quyền xét xử phúc thẩm:
Thẩm quyền xét xử phúc thẩm theo khoản 1 Điều 37 Luật Tổ chức TAND 2014 là Tòa dân sự TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện; thẩm quyền phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh là Tòa phúc thẩm TANDCC (theo khoản 1 Điều 29 Luật Tổ chức TAND 2014)
Phạm vi xét xử phúc thẩm:
Theo điều 203 Bộ luật TTDS 2015 thì tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.
Với tính chất là cấp xét xử thứ hai, Tòa chỉ xem xét phần nội dung có kháng cáo, kháng nghị và chỉ xem xét các phần khác nếu thấy cần thiết. Điều này nhằm đảm bảo tính ổn định của phần bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị.
Hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định phúc thẩm:
Theo Khoản 6 Điều 313 Bộ luật TTDS 2015 thì Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Bản án, quyết định phúc thẩm được hiểu như là lần xét xử cuối cùng đối với vụ án.
Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Theo nguyên tắc hai cấp xét xử, việc xét xử chỉ được diễn ra ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Đối với trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà có sai lầm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng điều tra, truy tố, xét xử, áp dụng pháp luật khi giải quyết vụ án; Kết luận trong bản án, quyết định của tòa không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; Có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa không biết được thì bản án, quyết định được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Bản án, quyết định dân sự bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm:
Khi có những căn cứ quy định tại Điều 326 BLTTDS, người có thẩm quyền có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để yêu cầu Tòa án xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Giám đốc thẩm không xét xử lại vụ án mà chỉ xem xét việc chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị, sửa, hủy, hoặc đình chỉ giải quyết vụ án.
Bản án, quyết định dân sự bị xét lại theo thủ tục tái thẩm:
Theo Điều 352 BLTTDS, vụ án sẽ bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có những căn cứ phát hiện những tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án. Đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu phát hiện tình tiết mới của vụ án có quyền khiếu nại với người có thẩm quyền để họ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Hội đồng tái thẩm xem xét lại vụ án và quyết định chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị, hủy bản án có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc đình chỉ giải quyết vụ án.
Thực tiễn thực hiện nguyên tắc “Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” trong tố tụng dân sự và kiến nghị
Thực tiễn thực hiện nguyên tắc “Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” trong tố tụng dân sự
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xét xử của TAND tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm còn tồn tại những vấn đề sau:
Việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án chưa chính xác dẫn đến sai lầm và vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Việc xét xử vụ án dân sự vượt phạm vi giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm và việc Tòa án sơ thẩm bỏ sót người tham gia tố tụng.
Việc áp dụng pháp luật nội dung không chính xác dẫn đến giải quyết sai lầm vụ án.
Việc xét xử của Tòa án còn để tình trạng vụ án kéo dài, cả hai cấp xét xử đều vi phạm pháp luật, có những vụ án phải xét xử qua nhiều phiên tòa, không đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử.
Các vụ án dân sự bị xét xử kéo dài qua nhiều năm, qua nhiều cấp, nhiều phiên tòa, không đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử mà có nguy cơ tạo tiền lệ cho một nguyên tắc chưa từng có trong BLTTDS, đó là việc tái hai cấp xét xử.
Về vấn đề thu thập chứng cứ, trên thực tế còn có không ít các trường hợp Tòa án giải quyết vụ án khi chưa đầy đủ các chứng cứ, dẫn đến quyết định tại bản án tuyên chưa đủ căn cứ và bị Tòa án cấp trên hủy để giải quyết lại.
Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả nguyên tắc “Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” trong tố tụng dân sự
Một là, việc giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật phải nhanh chóng, kịp thời. Hoàn chỉnh pháp luật tố tụng dân sự, lưu ý về số lần xét xử, tạo ra một khả năng có thể kiểm soát cả về thời gian cũng như trình tự tố tụng.
Hai là, quy định lại thẩm quyền của từng cấp xét xử. Cần nghiên cứu tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án nhân dân cấp huyện theo hướng xét xử sơ thẩm được thực hiện chủ yếu ở cấp này. Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ xử phúc thẩm còn vai trò giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc về tóa án nhân dân cấp cao.
Ba là, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tòa án.
Bốn là, nâng cao vai trò, vị thế của luật sư trong tố tụng dân sự qua đó hỗ trợ tòa án một cách gián tiếp trong quá trình giải quyết vụ án nhanh chóng, hiệu quả.
Thực hiện nguyên tắc “Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” trong tố tụng dân sự là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng của Tòa án. Có thể nói nguyên tắc này là tiến bộ của kỹ thuật lập pháp trong nền văn minh nhân loại, bảo vệ quyền dân chủ của công dân. Từ việc thực hiện nguyên tắc này, quyền công dân được bảo đảm, pháp luật được bảo vệ. Chính vì thế, nguyên tắc này đã tạo ra sự phân cấp thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án, về tổ chức TAND các cấp cũng như tạo ra các nguyên tắc trong hoạt động xét xử, trình tự tố tụng để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác xét xử.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Nguyên tắc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và thực tiễn thực hiện. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.