Bổ sung yêu cầu của đương các sự ở tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm

Bổ sung yêu cầu của đương các sự ở tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm

      Đương sự trong vụ việc dân sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách do có quyền quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự. Khi nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, có thể vì lý do nào đó mà đương sự không nhận thức đúng về quyền lợi của mình do đó có thể đưa ra yêu không không đầy đủ hoặc không chính xác. Vì vậy, pháp luật đã quy định cho các đương sự quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình.

      Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật Quang Huy sẽ tiến hành giải đáp vấn đề: “Bổ sung yêu cầu của đương các sự ở tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm”


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật Tố tụng dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015.
  • Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội – 2017.
  • Quyền yêu cầu, thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu của đương sự trong tố tụng dân sự Việt Nam : luận văn thạc sĩ luật học / Nguyễn Thị Minh Trang ; PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng hướng dẫn . – Hà Nội, 2015.

Một số vấn đề lý luận chung về quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự

Khái niệm quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự

      Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền được thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình cho phù hợp với nguyện vọng. Trong từ điển tiếng Việt, “thay đổi” được hiểu là việc “thay cái này bằng cái khác hay đổi khác đi, trở nên khác trước” ; “bổ sung” là “thêm vào cho đầy đủ”. Vậy có thể hiểu thay đổi yêu cầu là việc sửa đổi yêu cầu mà đương sự đã đưa ra ban đầu còn bổ sung là việc đương sự thêm các yếu tố cần thiết để yêu cầu ban đầu trở nên đầy đủ. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu phải thể hiện dưới dạng hình thức và theo trình tự do pháp luật quy định.

      Tóm lại, có thể hiểu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu là sự thể hiện của quyền tự định đoạt của đương sự được pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức, cho phép họ được sửa đổi, thêm bớt các đề nghị, đòi hỏi đó trong quá trình tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Bổ sung yêu cầu của đương sự ở tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm

Cơ sở của quy định về quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự

Cơ sở pháp lý

      Cơ sở pháp lý của quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự là quyền tự định đoạt của đương sự được quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, theo đó: “Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”.

      Xuất phát từ nguyên tắc này, Điều 70 của BLTTDS quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự, trong đó đương sự có quyền “Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.”.

      Xuất phát từ các nguyên tắc trong giao lưu dân sự đó là nguyên tắc bình đẳng địa vị pháp lý giữa các bên, do đó các quan hệ dân sự được xác lập, thay đổi, chấm dứt dựa trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm và bình đẳng giữa các chủ thể. Vụ việc dân sự khởi đầu khi đương sự có đơn yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, do đó trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự hoàn toàn có quyền sửa đổi yêu hoặc bổ sung yêu cầu cho phù hợp với thực tế.

Cơ sở thực tiễn

      Cơ sở thực tiễn của quy định về việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự ở tòa án sơ thẩm, phúc thẩm là trong quá trình Tòa án xem xét, giải quyết tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội thì các đương sự yêu cầu thì có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau như sự việc có biến chuyển, các bên thỏa thuận được với nhau một số hoặc toàn bộ vấn đề tranh chấp hoặc có các tác động khác dẫn đến việc thay đổi mong muốn của người đã yêu cầu và họ đưa ra yêu cầu thay đổi, bổ sung các yêu cầu đó. Vì vậy, pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận quyền được thay đổi, bổ sung yêu cầu các của đương sự ở tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm.

Ý nghĩa của quy định về quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự

      Thứ nhất, việc quy định về quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự là sự thể hiện nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự.

      Thứ hai, quy định quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự một cách hiệu quả nhất. Bởi các quan hệ xã hội luôn luôn biến chuyển, do đó trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc, các đương sự có thể thay đổi mong muốn ban đầu của mình. Do đó, quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự sẽ giúp quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được đảm bảo.

      Thứ ba, quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự còn giúp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự một cách chính xác, nhanh chóng và dễ dàng hơn. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có thể thỏa thuận với nhau, hoặc vì lý do nào đó mà yêu cầu của đương sự được thay đổi, bổ sung. Do đó, việc ghi nhận quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự sẽ giúp việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án được triệt để hơn.

Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự ở Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm

Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự ở Tòa án cấp sơ thẩm

Thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

      Hiện nay, trong luật không có quy định về việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Do đó, có những quan điểm khác nhau về vấn đề này:

      Quan điểm thứ nhất cho rằng, hiện nay trong Bộ Luật tố tụng dân sự chỉ có quy định về việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự tại phiên tòa mà không có bất cứ quy định nào về việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Và Điều 243 quy định việc hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu chính là quy định chi tiết của khoản 4 Điều 70. Do đó, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử, các đương sự không có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu.

      Quan điểm thứ hai cho rằng Điều 243 BLTTDS không phải là một quy định hướng dẫn việc sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện được quy định tại khoản 4 Điều 70  BLTTDS  mà đây chỉ là một quy định chi tiết cho trường hợp đặc biệt là sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa. Đặc biệt quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự mang tính nguyên tắc cơ bản khi xây dựng BLTTDS. Do đó, nếu đương sự có sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì thẩm phán vẫn phải chấp nhận.

      Theo em, quan điểm thứ hai là hợp lý hơn bởi những lý do sau:

      Thứ nhất, sẽ đảm bảo được nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng dân sự.

      Thứ hai, việc chấp nhận sự thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sẽ giúp Tòa án có thời gian để xem xét, đánh giá những yêu cầu mới cùng với những chứng cứa chứng minh cho yêu cầu. Từ đó giúp cho việc giải quyết vụ án được triệt để và chính xác hơn.

Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm

      Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự được ghi nhận tại điều 243 BLTTDS quy định trước khi hỏi về nội dung vụ án, chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về các vấn đề thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu, cụ thể:

“1. Hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.

  1. Hỏi bị đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố hay không.
  2. Hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập hay không.”

      Để đảm bảo một mặt tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự nhưng mặt khác không gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án, Điều 244 BLTTDS quy định việc thay đổi yêu cầu của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.

      Hiện nay chưa có văn bản quy định thế nào là vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, những yêu cầu bị xem là vượt quá, và không được tòa án chấp nhận, thường được thể hiện dưới  các hình thức sau đây:

  • Vượt quá về giá trị yêu cầu.

      Đây là trường hợp, khi khởi kiện, phản tố hay có yêu cầu độc lập, đương sự trong vụ án đưa ra yêu cầu, buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản được ấn định bằng một con số hay giá trị cụ thể. Nhưng tại phiên tòa, họ đã thay đổi, bổ sung yêu cầu này, buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ về tài sản nhiều hơn so với yêu cầu khởi kiện ban đầu.

  • Vượt quá về chủ thể nghĩa vụ.

      Khác với yêu cầu vượt quá về giá trị, vượt quá về chủ thể nghĩa vụ  là trường hợp, khi khởi kiện, phản tố hay có yêu cầu độc lập, đương sự trong vụ án chỉ yêu cầu một hoặc một số cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đó, phải thực hiện một nghĩa vụ dân sự nhất định. Nhưng tại phiên tòa, ngoài những cá nhân, cơ quan, tổ chức mà họ đã yêu cầu trước đó, họ còn yêu cầu, buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác cũng phải có trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo nội dung khởi kiện của họ.

Bổ sung yêu cầu của đương các sự ở tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm
  • Vượt quá về quan hệ tranh chấp.

      Đây là trường hợp, khi khởi kiện, phản tố hoặc có yêu cầu độc lập, đương sự trong vụ án đưa ra yêu cầu, buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ dân sự nào đó đối với họ. Nhưng tại phiên tòa, ngoài việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ như đã thể hiện trong đơn khởi kiện, họ còn yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện một hay một số nghĩa vụ, mà các nghĩa vụ này hoàn toàn khác với nghĩa vụ đã yêu cầu trước đó.

      Như vậy, dù cho ở trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm hay tại phiên tòa sơ thẩm, quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu các của đương sự đều được Tòa án ghi nhận và tôn trọng, tuy nhiên vẫn có những giới hạn cụ thể được đặt ra cho các đương sự khi thực hiện quyền này.

Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự ở tòa án cấp phúc thẩm

Chủ thể có quyền yêu cầu thay đổi, bổ sung kháng cáo

      Theo quy định tại Điều 284 BLTTDS năm 2015, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo. Từ đây có thể thấy, chỉ những người đã thực hiện việc khàng cáo mới có quyền yêu cầu thay đổi, bổ sung kháng cáo. Và theo quy định tại Điều 271 BLTTDS năm 2015 về người có quyền kháng cáo: “Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.”

      Theo đó, người có quyền yêu cầu thay đổi, bổ sung kháng cáo là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện đã thực hiện việc kháng cáo.

Giới hạn của quyền yêu cầu thay đổi, bổ sung kháng cáo của đương sự

      Giới hạn của việc yêu cầu thay đổi, bổ sung kháng cáo của đương sự được quy định tại khoản 1 và khoản 2 BLTTDS năm 2015, theo đó:

      Thứ nhất, trường hợp Trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo quy định tại Điều 273 của BLTTDS, thì người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo đối với phần bản án hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo.

      Thứ hai, Trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 273 của BLTTDS, thì trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo đã gửi cho Toà án trong thời hạn kháng cáo.

      Như vậy, Bên cạnh trao quyền rất lớn cho người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo trong thời hạn kháng cáo thì theo quy định trên khi hết thời hạn kháng cáo người kháng cáo vẫn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, tuy nhiên quyền này bị hạn chế đó là không vượt quá phạm vi kháng cáo đã gửi cho Toà án trong thời hạn kháng cáo.

Thực tiễn thực hiện quy định quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự

Thực tiễn thực hiện quy định.

      Thứ nhất, hiện nay chưa có văn bản quy định về vấn đề thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Điều này đã dẫn đến một số khó khăn trong việc giải quyết trên thực tế.

      Thứ hai, pháp luật quy định việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự không được vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu. Tuy nhiên, quy định về “phạm vi yêu cầu” tại Điều 244 BLTTDS lại không rõ ràng về phạm vi về loại yêu cầu hay giá trị yêu cầu khiến cho Tòa án gặp khó khăn khi xem xét việc thay đổi yêu cầu của đương sự.

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật

      Thứ nhất, cần quy định rõ ràng về quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Có nhiều trường hợp đương sự không nhận thức đúng và đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình ngay từ đầu và trong quá trình tố tụng lại phát hiện ra những yêu cầu khác có liên quan nhưng không có quy định cụ thể nên họ không biết dựa vào quy định nào để bổ sung thêm yêu cầu. Do đó, cần phải bổ sung các quy định về quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

      Thứ hai, cần hướng dẫn chi tiết quy định thế nào là “vượt quá phạm vi yêu cầu”. Việc giải thích rõ ràng quy định này mới có thể đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng cho Tòa án khi xem xét việc thay đổi yêu cầu của đương sự tại phiên tòa.


 Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Bổ sung yêu cầu của đương sự ở tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top