Thuốc chữa bệnh cho người là một loại hàng hóa đặc biệt, có những đặc điểm riêng biệt so với các loại hàng hóa thông thường, được xếp vào mặt hàng nhu yếu phẩm, có ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của con người. Trước vai trò và tầm quan trọng của thuốc như vậy, các công ty sản xuất thuốc ra đời ngày càng nhiều để người tiêu dùng, bác sĩ, dược sĩ, các đơn vị kinh doanh thuốc biết đến sản phẩm của mình; đòi hỏi họ phải sử dụng các hoạt động xúc tiến thương mại như quảng cáo, khuyến mại để giới thiệu, quảng cáo cho sản phẩm của mình. Qua bài viết này chúng tôi Luật Quang Huy sẽ đi sâu phân tích và tìm hiểu vấn đề: “Trình bày hiểu biết của em về quảng cáo và khuyến mại một trong các loại hàng hóa sau đây: Thuốc chữa bệnh cho người hoặc mỹ phẩm” để tìm hiểu về quảng cáo, khuyến mại trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh cho người.
Quảng cáo thuốc
Khái niệm thuốc
Bộ Y tế đã đưa ra định nghĩa: Thuốc là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, văcxin, sinh phẩm y tế. Thuốc tây (tân dược) hay thuốc nam (đông dược) đều phải được sản xuất tại các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc – theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới). Thuốc không phải là thực phẩm, phải cẩn trọng khi dùng, phải đúng liều đúng lượng.
Còn theo Khoản 2 Điều 2 Luật Dược năm 2005: Thuốc là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, trừ thực phẩm chức năng.
Có thể hiểu, thuốc chữa bệnh cho người là những sản phẩm có thể có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng chất, hóa dược hay sinh học tác động lên cơ thể con người, có các công dụng như: phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi điều chỉnh chức năng của cơ thể, làm giảm triệu chứng bệnh, chẩn đoán bệnh, phục hồi hoặc nâng cao sức khỏe, làm mất cảm giác một bộ phận cơ thể hoặc toàn thân, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản, làm thay đổi hình dáng cơ thể,…
hiểu biết của em về quảng cáo thuốc chữa bệnh cho người
Khái niệm quảng cáo thuốc
Quảng cáo là giới thiệu đến người tiêu dùng về hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ bao gồm dịch vụ có mục đích sinh lời và dịch vụ không có mục đích sinh lời.
Luật quảng cáo năm 2012 đã định nghĩa: Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của mình (Điều 102 Luật thương mại năm 2005).
Quảng cáo thuốc là hoạt động giới thiệu thuốc do đơn vị kinh doanh thuốc trực tiếp tiến hành hoặc phối hợp, hoặc tài trợ, ủy quyền cho một đơn vị khác tiến hành để thúc đẩy việc kê đơn, cung ứng, bán hoặc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả (Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 13/2009/TT-BYT ngày 1/9/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc).
Quảng cáo thuốc là một hoạt động xúc tiến thương mại vởi vì nó mang những dấu hiệu, tính chất của hoạt động xúc tiến thương mại. Quảng cáo thuốc là hoạt động mang tính chất giới thiệu hàng hóa là thuốc chữa bệnh cho người, chủ thể là đơn vị kinh doanh thuốc chữa bệnh với mục đích thúc đẩy việc tiêu thụ thuốc. Thuốc chữa bệnh cho người là một loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nên quảng cáo thuốc cũng có những quy định riêng và chặt chẽ.
Ý nghĩa của hoạt động quảng cáo thuốc
Đối với người tiêu dùng
Quảng cáo là để thông báo, truyền đạt một thông điệp của dịch vụ hay sản phẩm mới (mà đối tượng quảng cáo ở đây là thuốc) đến người tiêu dùng. Quảng cáo giúp cho người tiêu dùng chủ động hơn trong việc lựa chọn thuốc với những công dụng, chức năng phù hợp, bởi không phải loại thuốc nào cũng có sự hướng dẫn sử dụng của bác sĩ.
Đối với người trực tiếp mua sản phẩm, quảng cáo thuốc chính là một công cụ thúc đẩy sự tham gia chủ động của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thuốc cũng như sử dụng thuốc hiệu quả, phù hợp.
Đối với người không trực tiếp sử dụng thuốc như: nhân viên y tế, bác sĩ, dược sĩ,… quảng cáo thuốc chính là một kênh thông tin quan trọng đối với họ, giúp họ nắm bắt được thông tin về thuốc một cách nhanh chóng để có thể thực hiện nhiệm vụ, công việc của bản thân một cách chính xác.
Đối với người kinh doanh thuốc
Thuốc là mặt hàng mang tính chất đặc biệt và chịu sự quản lí chặt chẽ của Nhà nước, quảng cáo thuốc có một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến bác sĩ, dược sĩ, người chữa bệnh,… Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động quảng cáo, những thương nhân kinh doanh thuốc đã từng bước xây dựng được những thương hiệu thuốc quen thuộc, đáng tin cậy với người tiêu dùng như Minh Ngọc, Tâm Bình, Dược phẩm Vĩnh Phúc,… Hoạt động quảng cáo phát triển sẽ tạo sự hiểu biết của mọi người về sản phẩm, mở ra đầu mối mua hàng và làm an tâm khách hàng.
Đối với xã hội
Quảng cáo thuốc phát triển sẽ góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Bởi lẽ, nhu cầu sử dụng thuốc chữa bệnh được đáp ứng chính là một trong các tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống. Quảng cáo thuốc đem lại thông tin hỗ trợ về việc sử dụng thuốc, quảng bá, đưa các sản phẩm dược tới người tiêu dùng, thúc đẩy ngành Dược ngày càng phát triển.
Quy định của pháp luật hiện hành về quảng cáo thuốc
Các loại thuốc được phép quảng cáo
Thuốc thuộc Danh mục thuốc kê đơn do Bộ Y tế ban hành và có số đăng ký đang còn hiệu lực quảng cáo trên: sách, báo, tạp chí, tờ rơi; báo điện tử, website của doanh nghiệp, website của đơn vị làm dịch vụ quảng cáo; áp phích băng rôn, vật thể phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác và trên các phương tiện quảng cáo khác (trừ phát thanh, truyền hình).
Thuốc được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, có hoạt chất chính nằm trong danh mục hoạt chất thuốc do Bộ Y tế ban hành được quảng cáo trên phát thanh, truyền hình.
Quy định về chủ thể quảng cáo thuốc
Giống như chủ thể quảng cáo thương mại, chủ thể quảng cáo thuốc bao gồm: người quảng cáo thuốc, thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người cho thuê phương tiện quảng cáo.
Người quảng cáo thuốc: là các cơ sở kinh doanh thuốc và họ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 17 Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh quảng cáo, phải cung cấp cả Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, Giấy phép lưu hành sản phẩm do Cục quản lý dược cấp hoặc bản sao Quyết định cấp sổ đăng ký thuốc của Cục Quản lý dược (Điều 30 Thông tư số 13/2009/TT-BYT ngày 1/9/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc).
Thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo: là người thực hiện việc quảng cáo cho thương nhân khác. Quyền và nghĩa vụ của họ được quy định tại Điều 113, 114 Luật thương mại năm 2005.
Người phát hành quảng cáo: là người trực tiếp phát hành sản phẩm quảng cáo thương mại, cụ thể hơn, là người nắm giữ các phương tiện quảng cáo, có khả năng đưa sản phẩm quảng cáo đến công chúng bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, tổ chức quản lý mạng thông tin máy tính,… Quyền và nghĩa vụ của họ được quy định tại Điều 116 Luật thương mại năm 2005.
Người cho thuê phương tiện quảng cáo: là người nắm giữa các phương tiện quảng cáo như báo chí, truyền hình,… và sẵn sàng cho những người có nhu cầu thuê với mục đích phát hành quảng cáo, trên thực tế người cho thuê phương tiện quảng cáo thường đồng thời là người phát hành quảng cáo.
Các quy định khác về quảng cáo thuốc
Đăng ký hồ sơ thông tin, quảng cáo thuốc: Thông tư số 13/2009/TT-BYT quy định rõ chỉ đơn vị đăng ký thuốc được đăng ký hồ sơ thông tin, quảng cáo thuốc do mình đăng ký. Trường hợp đơn vị đăng ký thuốc muốn ủy quyền cho đơn vị khác đăng ký hồ sơ thông tin, quảng cáo thì phải có văn bản ủy quyền. Đơn vị được ủy quyền phải là đơn vị có tư cách pháp nhân hợp pháp. Thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam được thông tin, quảng cáo theo quy định tại Thông tư này. Thuốc chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng đã được phép lưu hành ở nước khác chỉ được thông tin cho cán bộ y tế thông qua hội thảo giới thiệu thuốc.
Các hành vi nghiêm cấm: Thông tư số 13/2009/TT-BYT đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như: thông tin, quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc; sử dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y, dược, của cán bộ y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, khuyên dùng thuốc; lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc; phát hành ra công chúng tài liệu thông tin thuốc cho cán bộ y tế; so sánh với ý đồ quảng cáo thuốc của mình tốt hơn thuốc, hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác.
Giới thiệu thuốc: Đơn vị kinh doanh thuốc có thể giới thiệu thuốc cho cán bộ y tế thông qua người giới thiệu thuốc, phát hành tài liệu thông tin thuốc cho cán bộ y tế, hội thảo giới thiệu thuốc cho cán bộ y tế và trưng bày, giới thiệu thuốc tại các hội nghị, hội thảo chuyên ngành y tế. Trong đó, đơn vị kinh doanh thuốc, văn phòng đại diện đã đăng ký hoạt động về lĩnh vực dược tại Việt Nam có quyền tổ chức hội thảo giới thiệu với cán bộ y tế các thuốc đã được phép sản xuất, lưu hành ở nước khác. Đơn vị nước ngoài muốn tổ chức hội thảo giới thiệu thuốc tại Việt Nam phải phối hợp với một cơ sở kinh doanh thuốc hoặc một cơ sở y tế Việt Nam như bệnh viện, viện chuyên khoa y tế, cơ sở đào tạo cán bộ y tế, Hội nghề nghiệp y, Hội nghề nghiệp dược.
Quảng cáo thuốc: Đơn vị kinh doanh thuốc có thể quảng cáo thuốc trên các phương tiện như: Sách, báo, tạp chí, tờ rơi, áp phích; bảng, biển, pano, băng rôn, vật thể phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác; phương tiện phát thanh, truyền hình; báo điện tử, website của doanh nghiệp, website của đơn vị làm dịch vụ quảng cáo; phương tiện thông tin quảng cáo khác. Nội dung, cách thức quảng cáo thuốc trên các phương tiện được Thông tư số 13/2009/TT-BYT quy định chặt chẽ hơn, điển hình là hình thức quảng cáo trên website. Việc quảng cáo thuốc trên báo điện tử, website của doanh nghiệp (chỉ được quảng cáo thuốc mà đơn vị đó kinh doanh), website của đơn vị làm dịch vụ quảng cáo phải thực hiện ở một chuyên mục riêng. Chuyên mục này phải ghi rõ: “Trang dành riêng cho quảng cáo thuốc” và dòng chữ này phải in đậm với cỡ chữ to hơn cỡ chữ bình thường và liên tục xuất hiện ở đầu trang. Nếu quảng cáo thuốc trên website dưới dạng videoclip phải đáp ứng quy định như quảng cáo trên phương tiện phát thanh, truyền hình.
Khuyến mại thuốc
Khái niệm khuyến mại
Khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại năm 2005 quy định: Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Các lợi ích mà khách hàng nhận được từ thương nhân như: dùng thử hàng mẫu miễn phí; tặng quà; giảm giá; tặng phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ; tặng kèm phiếu dự thi; tổ chức các chương trình may rủi; tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên; tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại; các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận. Giảm giá thường là hình thức được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất.
Các quy định của pháp luật về hoạt động khuyến mại thuốc chữa bệnh
Nguyên tắc khuyến mại
Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại có quy định: “Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người (kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông) để khuyến mại”. Quy định này đã gây khó khăn rất nhiều cho nhà sản xuất và những nhà phân phối bởi xem xét theo điều luật này, ngoài người tiêu dùng ra, những nhà sản xuất và những nhà phân phối cũng không được phép khuyến mãi thuốc khi buôn bán cho nhau, trong khi thực chất quy định này chỉ hướng tới việc hạn chế khuyến mại thuốc tránh gây sự bùng nổ về lượng thuốc trên thị trường, tuy nhiên, những nhà sản xuất và phân phối không phải dùng thuốc, tất nhiên sức khỏe của họ không chịu ảnh hưởng khi không được khuyến mại tuy nhiên họ lại không thể xúc tiến buôn bán. Điều này dẫn tới cho ra đời Nghị định số 68/2009/NĐ-CP ngày 6/8/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04/04/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại theo đó “Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại như sau: “Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người, kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mãi cho thương nhân kinh doanh thuốc”.
Về đối tượng khuyến mại
Đối tượng hướng đến khi khuyến mại sản phẩm là những thương nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh thuốc như quy định nêu tại Nghị định 68/2009 về sửa đổi khoản 7 Điều 4 NĐ 37/2006.
Về hình thức khuyến mại
Các hình thức khuyến mại có thể kể tới là: đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền (Điều 7 Nghị định 37/2006). Đây là cách mà các thương nhân thường sử dụng để khuyến mại đối với thương nhân khác tham gia kinh doanh, giao dịch dược phẩm; tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền; không kèm theo việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (Điều 8). Đây là hình thức tặng hàng hóa miễn phí, thường kèm theo việc mua sản phẩm; bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó (Điều 9); tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên (Điều 13). Thương nhân cung ứng thuốc sẽ dành cho những khách hàng quen một số lợi ích nhất định, có thể là phát thẻ giảm giá.
Còn lại các hình thức sau đây của khuyến mại thuốc thường ít gặp trong thực tế do các hình thức này chủ yếu nhắm vào đối tượng là những người trực tiếp sử dụng thuốc, người tiêu dùng do tính công khai và đặc điểm thu hút của nó; mà theo quy định của pháp luật, ngoài khuyến mãi cho các thương nhân kinh doanh thuốc, không được khuyến mãi thuốc dưới bất kỳ dạng nào, nên các hình thức trên thường không được dùng trong khuyến mãi thuốc: Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi; khuyến mại hàng hóa, dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác; bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ (Điều 10).
Về nội dung khuyến mại
Các trình tự thủ tục đăng ký khuyến mãi cần phải tuân thủ theo Mục 3 của Nghị định 37/2006. Nội dung khuyến mãi cần phải tuân thủ các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa khuyến mãi, giá trị không được vượt quá 50% trừ trường hợp là các hình thức đưa hàng mẫu, tặng hàng miễn phí, bán kèm phiếu dự thi để trao thưởng, tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên. Tổng giá trị của thuốc dùng để khuyến mại mà thương nhân bán thuốc thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức đưa hàng mẫu. Cần lưu ý là nghiêm cấm các khuyến mãi mà mức giảm giá đối với hàng hóa là trên 50%.
Thực trạng và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật
Thực trạng quảng cáo thuốc
Hiện nay, việc quảng cáo thuốc chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển một cách khá rầm rộ. Có rất nhiều quảng cáo chỉ nêu toàn ưu điểm của thuốc khiến nhiều người coi việc dùng thuốc trở nên quá bình thường, ai cũng có thể mua về tự uống, dùng càng nhiều càng tốt. Thuốc chữa bệnh cho người là những hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì vậy thông tin, quảng cáo thuốc phải trung thực, khách quan, chính xác nhằm hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
Theo quy định, quảng cáo thuốc phải khách quan, trung thực, nêu rõ cả công dụng lẫn tác dụng phụ của thuốc. Nhưng trên thực tế, nhà sản xuất, thương nhân kinh doanh thường chỉ nhấn mạnh về công dụng, ưu điểm của thuốc còn tác dụng phụ rất ít nói đến. Những clip quảng cáo trên truyền hình thường làm theo một mô típ chung là đau đầu, đau bụng, đau đại tràng, ho, hen suyễn, biếng ăn, cảm cúm, đau nhức xương khớp,… Sau khi uống thuốc, họ cầm hộp thuốc nâng lên ngang mặt, đọc một lượt các công dụng, tính năng tốt của thuốc cùng với tên hãng dược thuê họ quảng cáo – phần này được chiếm hầu hết thời lượng quảng cáo; còn phần chống chỉ định và tác dụng phụ của thuốc thưởng chỉ gói gọn trong câu “Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”. Việc quảng cáo thuốc như thế cùng với sự xuất hiện dày đặc của nhãn hiệu thuốc trên báo, đài, xe buýt tạo niềm tin cho người xem, khiến họ yên tâm dùng thuốc theo quảng cáo.
Các quy định về thông tin quảng cáo, ghi nhãn hàng hóa đã được ban hành, riêng đối với quảng cáo thuốc chữa bệnh cũng đã có nhiều văn bản quy định cụ thể. Theo đó, quy chế xử phạt cũng đã được quy định rõ. Tuy nhiên, chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Các hãng thuốc thường dùng các thủ thuật kinh doanh, quảng cáo tiếp thị thuốc bằng hình thức tài trợ, khuyến mãi, tặng thuốc, phát tờ rơi, trích hoa hồng cho bác sĩ,… khiến cho việc sử dụng thuốc nhiều nơi đã rơi vào tình trạng chạy theo quảng cáo, chạy theo lợi nhuận chứ không phải vì mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được công bố tại hội thảo “Đào tạo thực hành dược” do Trường ĐH Dược Hà Nội tổ chức mới đây cho thấy hơn 50% thuốc đang được sử dụng không hợp lý và hơn 50% bệnh nhân dùng thuốc không hợp lý. Việc dùng thuốc theo lời mách bảo của người khác, dùng lại đơn thuốc cũ hoặc tự chẩn bệnh rồi mua thuốc về điều trị… đang diễn ra khá phổ biến.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Việt Nam, hằng năm có hàng trăm loại thuốc đưa ra thị trường nhưng rất thiếu thông tin hướng dẫn người dân sử dụng an toàn, hợp lý nên đã làm gia tăng tai biến do dùng thuốc. Ở nhiều nước trên thế giới, thuốc chỉ bán theo đơn và được quảng cáo ở sách, tạp chí chuyên khoa y học với những chỉ định và phản ứng phụ khi dùng thuốc. Trong khi ở Việt Nam, các loại thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt… được quảng cáo tràn lan, nhiều bệnh nhân tự mua về uống rất dễ bị phản ứng, sốc phản vệ. Các nhà sản xuất, phân phối thuốc hầu như chỉ chú trọng đến quảng bá sản phẩm mà xem nhẹ thông tin về phản ứng có hại của thuốc. Ở nhiều bệnh viện, dù có trung tâm thông tin thuốc nhưng không có cán bộ chuyên trách hoặc kiến thức của cán bộ chuyên khoa còn hạn chế. Theo một công bố của WHO, có tới 90% bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện không được cung cấp thông tin về thuốc mà họ đang sử dụng. Quảng cáo thuốc đang dần trở thành nguy cơ đối với người tiêu dùng.
Ở các nước tiên tiến, việc quảng cáo thuốc chữa bệnh cực kỳ khắt khe vì nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng của toàn thể người dân. Việc quảng cáo sai không chỉ công ty dược phải bồi thường mà cơ quan truyền thông cũng phải chịu trách nhiệm. Về nguyên tắc, quảng cáo phải nêu cả ưu điểm và tác dụng phụ của thuốc, nhưng nhà sản xuất, kinh doanh thường nhấn mạnh về ưu điểm và đưa thông tin về tác dụng phụ rất mờ nhạt.
Tình trạng quảng cáo thuốc chữa bệnh cho người bán theo đơn (bán lẻ tại các nhà thuốc) vẫn rất phổ biến. Thậm chí các thuốc chưa được cấp đăng ký hoặc hết hạn đăng ký, thuốc đã bị loại ra khỏi danh mục hoặc bị đình chỉ lưu hành vẫn trôi nổi trên thị trường.

Thực trạng khuyến mãi thuốc
Quy định được phép khuyến mại đối với thương nhân kinh doanh đã tạo điều kiện đẩy mạnh ngành Dược ngày càng phát triển nhưng cũng đem lại nhiều bất cập, hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp “lách luật” để khuyến mại thuốc diễn ra phổ biến sau đó cùng nhau đẩy mạnh giá thuốc lên cao. Có thể nói, giá thuốc đến tay người tiêu dùng thường rất cao – đây là vấn đề Nhà nước rất khó quản lý hiện nay.
Tại cuộc kiểm tra giá thuốc ở trung tâm bán buôn dược phẩm Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), phần lớn các gian hàng được phát hiện đều tăng giá với mức 10 – 60% những mặt hàng thuốc được kiểm tra. Công ty cổ phần Trapharco có mặt hàng tăng từ 17 – 25%, công ty Domesco có 14/249 mặt hàng tăng giá với mức từ 8 – 21%,… Theo Pháp lệnh Giá, Luật Dược,… nhà nước quản lý giá theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp dược hiện nay sẽ căn cứ vào giá nhập khẩu (giá CIF), cộng thêm tỉ giá ngoại tệ hiện thời, cộng thêm các chi phí phát sinh (30%) để định giá thuốc bán trong nước. Ngoài ra, giá thuốc khi vào các cửa hàng bán lẻ đều phải cộng thêm ít nhất 10% chi phí hoa hồng. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp lách luật và tăng giá thuốc mà cơ quan chức năng không thể xử lý được. Còn người tiêu dùng thì hứng chịu mọi gánh nặng từ việc giá thuốc tăng không ngừng nghỉ.
Kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật
Đối với quảng cáo thuốc
Thứ nhất, cần siết chặt hơn công tác quản lý đối với nội dung quảng cáo thuốc được phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cần yêu cầu các đài truyền hình chủ động rà soát chặt chẽ những chương trình quảng cáo trên truyền hình theo quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí, loại bỏ những nội dung quảng cáo có thông tin gây hiểu nhầm cho người xem về tính năng, tác dụng của sản phẩm hàng hóa theo quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí.
Thứ hai, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trong đó có sự phối hợp, tham gia của các Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương. Sẽ xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm, vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình đồng thời cần tăng chế tài phạt vi phạm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, khuyến mại thuốc.
Thứ ba, thống nhất các định nghĩa, tên gọi trong pháp luật về quảng cáo, khuyến mại để không lúng túng khi áp dụng luật, tránh trường hợp áp dụng sai ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể kinh doanh; tạo môi trường minh bạch, giúp các nhà đầu tư, kinh doanh thuốc tự tin hơn khi tham gia kinh doanh thuốc chữa bệnh.
Thứ tư, điều chỉnh giá thuốc hợp lý để người dân có thể tiêu dùng trong khả năng của mình.
Đối với khuyến mại thuốc
Trước bất cập, hạn chế của khuyến mại thuốc, đòi hỏi Nhà nước cần có các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa về các hình thức khuyến mại cũng như sửa quy định về khuyến mại, theo đó sẽ cấm khuyến mãi thuốc hoặc nếu cho phép thì chỉ áp dụng mức khuyến mại từ 5 – 7% chứ không nên ở mức 50% như các mặt hàng khác. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc khuyến mại thuốc để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; tăng nặng các chế tài xử lý vi phạm.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: hiểu biết của em về quảng cáo và khuyến mại thuốc chữa bệnh cho người. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.