Trong những năm gần đây, Việt Nam đang dần hội nhập và bắt kịp đà phát triển của các nước trong khu vực, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tăng dần về quy mô và đa dạng ngành nghề. Quyền tự do kinh doanh được ghi nhận trong các văn bản pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp được quyền lựa chọn để kinh doanh tất cả các ngành nghề, trừ một số ngành nghề được liệt kê trong danh mục ngành nghề hạn chế kinh doanh và ngành nghề cấm kinh doanh. Để tìm hiểu thêm về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà pháp luật quy định cần phải có giấy phép kinh doanh. Vì vậy Luật Quang Huy sẽ phân tích cụ thể về đề bài số 02 “Tìm hiểu về giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực cụ thể”.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Nghị định 105/2017 về kinh doanh rượu.
- Luật du lịch 2017
Khái quát chung về giấy phép kinh doanh
Khái niệm
Giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ thể hiện việc cơ quan nhà nước cho phép chủ thể kinh doanh hoạt động trong một ngành nghề nhất định
Đặc điểm của giấy phép kinh doanh
Về phạm vi áp dụng: giấy phép kinh doanh không áp dụng phổ biến đối với tất cả các ngành nghề kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Xuất phát từ mục đích quản lý nhà nước, Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh mà người kinh doanh phải đáp ứng khi hoạt động trong một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Đây là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi chủ thể thực hiện nó phải có giấy phép kinh doanh, nhằm đảm bảo an toàn trong khi hoạt động.
Về đối tượng áp dụng: Giấy phép kinh doanh được cấp cho các chủ thể kinh doanh, bao gồm các cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trường hợp chủ thể kinh doanh đó là doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh…), đối tượng được cấp giấy phép kinh doanh là doanh nghiệp chứ không phải là cá nhân, tổ chức đã đầu tư vốn để thành lập ra doanh nghiệp.
Ý nghĩa pháp lý của giấy phép kinh doanh thể hiện sự xác nhận của Nhà nước về việc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh mà pháp luật quy định. Ngoài ra giấy phép kinh doanh còn là quyền của doanh nghiệp được cho phép (theo cơ chế xin–cho).
Thời điểm cấp: giấy phép kinh doanh được cấp khi chủ thể kinh doanh đã được thành lập hợp pháp, tức là khi tổ chức, cá nhân…đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Thẩm quyền cấp: Mục đích của các quy định về giấy phép kinh doanh là nhằm đảm bảo quản lý nhà nước phù hợp từng ngành, lĩnh vực, chính vì vậy giấy phép kinh doanh không do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp mà do các cơ quan nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực cấp, ví dụ Bộ văn hóa thông tin, Bộ xây dựng, Tổng cục bưu chính viễn thông…
Giấy phép kinh doanh
Điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh: Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định.

Thủ tục, hồ sơ:
Thủ tục đăng ký kinh doanh theo mẫu của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra các điều kiện.
Thời hạn tồn tại của giấy phép: Do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép ghi vào giấy phép. Đối với doanh nghiệp trong nước thì giấy phép kinh doanh không có thời hạn.
Tìm hiểu về giấy phép kinh doanh trong một số ngành nghề nhất định
Trong phạm vi bài viết của em, em đã quyết định chọn ngành sản xuất rượu công nghiệp và ngành kinh doanh lữ hành nội địa để tìm hiểu về giấy phép kinh doanh.
Giấy phép kinh doanh Ngành sản xuất rượu công nghiệp.
Theo quy định của Nghị định 105/2017 về kinh doanh rượu, thì để được sản xuất rượu công nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Điều kiện sản xuất rượu công nghiệp:
Cơ sở pháp lý: Điều 8 Nghị định 105/2017.
Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất.
Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định.
Đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa rượu.
Có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy sản xuất rượu công nghiệp
Cơ sở pháp lý: Điều 19 Nghị định 105/2017
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (01 bộ) bao gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.
Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bản sao Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà doanh nghiệp sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.
Bản sao bằng cấp, giấy chứng nhận chuyên môn và quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của cán bộ kỹ thuật.
- Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép
Cơ sở pháp lý: Điều 25 Nghị định 105/2017.
Thẩm quyền cấp giấy phép:
Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên và Giấy phép phân phối rượu; Sở Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm và Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Thủ tục cấp giấy phép:
Đối với cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, Giấy phép phân phối rượu và Giấy phép bán buôn rượu:
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày, làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
Thời hạn của giấy phép sản xuất rượu là 15 năm.
Trên đây là những bước cơ bản để được cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, ngoài ra còn một số vấn đề như cấp lại giấy phép, sửa đổi, bổ sung, hay thu hồi giấy phép thì các bạn có thể tham khảo quy định của pháp luật tại Nghị định 105/2017 để biết thêm chi tiết.
Giấy phép kinh doanh ngành lữ hành nội địa.
Kể từ ngày 01/01/2018, Luật Du lịch 2017 có hiệu lực có tác động rất lớn đối với các công ty kinh doanh lữ hành nội địa. Nếu như trước đây các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa không phải ký quỹ khi xin cấp giấy phép thì từ 01/01/2018 theo quy định của Luật Du lịch 2017 thủ tục ký quỹ là bắt buộc khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Chỉ khi doanh nghiệp có Giấy phép kinh danh lữ hành nội địa mới có thể thực hiện tổ chức tour du lịch trong nước phục vụ cho khách Việt Nam tại Việt Nam.
Công ty có vốn Việt Nam và công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều có thể được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa theo quy định của Luật du lịch 2017;
Điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa từ năm 2018:
Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (Trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có mã ngành 7912: Điều hành tua du lịch: Kinh doanh lữ hành nội địa).
Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng. Hiện nay, Luật du lịch 2017 đã có hiệu lực tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn quy định mức ký quỹ cho doanh nghiệp xin Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Đây cũng là một điều kiện mới của Luật Du lịch năm 2017 đối với hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa. (Trước đây công ty kinh doanh lữ hành nội địa không phải thực hiện nghĩa vụ ký quỹ);
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
Lưu ý: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn trên, nếu không có giấy phép thì doanh nghiệp không được kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Như vậy: Đối với các công ty đã có Giấy phép kinh doanh lữ hành được cấp hoặc thông báo hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa trước ngày 01/01/2018 thì chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa theo các điều kiện của Luật Du lịch 2017, trường hợp không thực hiện cấp phép theo thời hạn nêu trên coi như doanh nghiệp hoạt động không có giấy phép.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa;
Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành (Liên hệ Công ty luật Quang Huy để được hướng dẫn thủ tục và mẫu ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành);
Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành (Bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành hoặc chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa).
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp có trụ sở chính;
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Từ những phân tích ở trên ta có thể thấy để được cấp 1 giấy phép kinh doanh thì ta cần phải tuân thủ đầy đủ trình tự thủ tục theo luật định và phái có những điều kiện nhất định, bởi đây là các ngành nghề mà Nhà nước ta hạn chế kinh doanh.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Tìm hiểu về giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực cụ thể. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.