Phân tích và đánh giá một số điểm mới của Luật Phá sản năm 2014 so với Luật Phá sản năm 2004

Phân tích và đánh giá một số điểm mới của Luật Phá sản năm 2014 so với Luật Phá sản năm 2004

Cũng giống như một thực thể sống “có sinh, có tử”, doanh nghiệp cũng có chu kỳ sống của nó. Theo các nhà kinh tế, chu kỳ sống của doanh nghiệp trải qua bốn giai đoạn tiêu biểu là: khởi nghiệp, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Nếu bước qua giai đoạn tăng trưởng, nhà quản trị không biết “nhìn xa trông rộng” và dự liệu những tình huống xấu xảy ra để kịp thời đối phó thì doanh nghiệp sẽ bước vào thời kỳ suy thoái. Tính chu kỳ này cũng cho thấy sự suy vong và phá sản có thể là một giai đoạn sẽ xảy ra với bất cứ một doanh nghiệp nào. Như vậy, có thể thấy phá sản là một hiện tượng tất yếu, có thể xảy ra với bất cứ một doanh nghiệp nào. Mặt khác, việc phá sản của một doanh nghiệp, hợp tác xã cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của đất nước, do đó, pháp luật cần quy định cụ thể về việc phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Phân tích và đánh giá một số điểm mới của Luật Phá sản năm 2014 so với Luật Phá sản năm 2004”


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Luật phá sản 2014.
  • Luật phá sản 2004.
  • Hướng dẫn môn học Luật thương mại, tập 1, nxb. Lao động, Hà Nội, 2014.
  • Giáo trình Luật thương mại, tập 1, nxb, Công an nhân dân, Hà Nội, 2015.
  • Quách Thị Thu Hương, Luật phá sane năm 2014 – bước phát triển của pháp luật phá sản Việt Nam, luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2015.

Một số vấn đề lý luận chung về phá sản

Khái niệm phá sản.

“Phá sản” hay “vỡ nợ” là tình trạng xảy ra khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt khi các doanh nghiệp gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt, sự khan hiếm nguồn vốn hay sự quản lý tài chính lỏng lẻo. Ở góc độ kinh tế, phá sản là tình trạng mất cân đối giữa thu và chi tại một DN hay một công ty mà biểu hiện rõ rệt nhất ở sự mất cân đối ấy là tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Ở Châu Âu, khi nói về khái niệm phá sản, người ta thường dùng thuật ngữ “Bankruptcy” hoặc “Banqueroute”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng La Mã “Banca Rotta”, có nghĩa là “chiếc ghế bị gãy.”

Từ xa xưa, các thương nhân La Mã thường họp với nhau để xem xét các khía cạnh kinh doanh của từng cá nhân, trong một diễn đàn gọi là “đại hội thương gia”; người nào không trả được nợ thường bị bắt làm nô lệ, đồng thời mất luôn quyền tham gia đại hội. Chiếc ghế của người “vỡ nợ”, theo đó, sẽ bị đem ra khỏi hội trường. Vì vậy, người La Mã khi xưa mới dùng thuật ngữ bóng bẩy “chiếc ghế bị gãy” để ám chỉ người “phá sản” và không còn quyền lợi gì, hay người mất vị thế trong các đại hội thương gia. Về sau, để quản lý các tình trạng “phá sản” của các thương nhân đồng thời ngăn ngừa những “con nợ” bỏ trốn nhằm tránh hình phạt hay trách nhiệm, các chế định về quản lý và xử lý tài sản của các “con nợ” ra đời rồi dần dần được cải thiện và nâng cấp thành Luật phá sản của nhà nước La Mã cổ đại. Cũng ở thời kì này, thuật ngữ “phá sản” được sử dụng phổ biến, rất nhiều chuyên gia cho rằng nó bắt nguồn từ tiếng “ruin” trong tiếng La Tinh, có nghĩa là “sự khánh tận”.

Luật Phá sản năm 2014 đã đưa ra một định nghĩa pháp lý về phá sản, theo đó, “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”

phân tích điểm mới của luật phá sản năm 2014 với luật phá sản năm 2004

Phá sản – thủ tục đòi nợ và thanh toán nợ đặc biệt

Khi doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không thanh toán được các khoản nợ đến hạn, các chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó. Thực chất của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản là việc pháp luật cho phép họ nhờ Tòa án đòi nợ hộ mình khi họ không tự đòi được. Do vậy, bản chất của phá sản chính là một thủ tục đòi nợ và thanh toán nợ, tuy nhiên nó đặc biệt vì nó khác với thủ tục đòi nợ dân sự thông thường ở một số điểm sau:

Thứ nhất, Việc đòi nợ và thanh toán nợ được thực hiện thông qua một cơ quant trung gian, đó là Tòa án. Nếu như thủ tục đòi nợ dân sự chỉ có chủ nợ và con nợ, tức là ai nợ thì người đó đòi thì thủ tục đòi nợ thông qua phá sản ngoài chủ nợ và con nợ có sự tham gia của Tòa án. Tòa án sẽ đại diện cho cả chủ nợ và con nợ để bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên.

Thứ hai, việc đòi nợ và thanh toán nợ trong phá sản là thủ tục đòi nợ trong phá sản là thủ tục đòi nợ mang tính tập thể. Nếu như thủ tục đòi nợ dân sự chỉ mang tính đơn lẻ giữa chủ nợ và con nợ thì thủ tục đòi nợ và thanh toán nợ trong phá sản diễn ra đồng thời giữa các chủ nợ và con nợ. Hay nói cách khác, khi một chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến Tòa án và Tóa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, tất cả chủ nợ của doanh nghiệp đều có quyền gửi giấy đòi nợ đến Tòa án.

Thứ ba, nguyên tắc thanh toán là dựa trên cơ sở tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã (trừ trường hợp doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh). Nếu việc đòi nợ trong dân sự là vay bao nhiêu trả bấy nhiêu thì việc thanh toán nợ trong phá sản lại được dựa trên cơ sở số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thứ tư, việc thanh toán nợ chỉ được diễn ra vào thời điểm Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản.

Phân biệt phá sản với giải thể doanh nghiệp

Tiêu chí Phá sản Giải thể
Lý do Doanh nghiệp, Hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

– Mục tiêu kinh doanh đã đạt được hoặc chủ doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh.

– Hết thời hạn hoạt động đầu tư, kinh doanh theo giấy phép.

– Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thẩm quyền giải quyết Tòa án ra quyết định Chủ sở hữu, các đồng chủ sở hữu Doanh nghiệp, Hợp tác xã; cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tính chất thủ tục Thủ tục tư pháp: chủ nợ đệ đơn lên tòa án xin giải quyết phá sản Doanh nghiệp và Tòa án tuyên bố Doanh nghiệp phá sản. Thủ tục hành chính: chủ DN tự quyết định việc giải thể hoặc theo quyết định, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hậu quả pháp lý

– Doanh nghiệp có thể bị tuyên bố phá sản, chấm dứt hoạt động, xóa tên khỏi sổ đăng ký kinh doanh;

– Doanh nghiệp có thể tái cơ cấu, thay đổi chủ sở hữu và vẫn tiếp tục hoạt động.

Dẫn đến việc chấm dứt hoạt động xóa sổ doanh nghiệp trên thực tế, cơ quan đăng kí kinh doanh cập nhập tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.
Thái độ của nhà nước

Trừ trường hợp bất khả kháng, Những người giữ chức vụ lãnh đạo trong các Doanh nghiệp nhà nước không được đảm đương các chức vụ lãnh đạo tại các Doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày Doanh nghiệp nhà nước mà họ quản lý bị phá sản.

Người giữ chức vụ quản lý của Doanh nghiệp, Hợp tác xã bị tuyên bố phá sản có thể bị cấm thành lập Doanh nghiệp, Hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Doanh nghiệp, Hợp tác xã bị tuyên bố phá sản.

Chủ Doanh nghiệp, Hợp tác xã chấm dứt do giải thể được toàn quyền thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh trở lại bằng việc thành lập các Doanh nghiệp hay các Hợp tác xã mới mà không bị hạn chế gì.

Một số điểm mới của Luật phá sản năm 2014 so với Luật phá sản năm 2004

Định nghĩa rõ hơn về Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Điều 3 Luật phá sản 2004 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản.” Như vậy, theo Luật phá sản 2004, để bị xem là lâm vào tình trạng phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đồng thời hội tụ đủ hai điều kiện đó là không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, và có yêu cầu của chủ nợ. Quy định này chỉ mang tính chung chung, thiếu chặt chẽ, không phản ánh đúng thực trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bị lâm vào tình trạng phá sản. Bên cạnh đó, có thể thấy Luật phá sản 2004 đã đánh đồng khái niệm hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ đến hạn với khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều doanh nghiệp đã căn cứ vào điều luật này để nộp đơn yêu cầu, nhằm gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Bởi trên thực tế, khi một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bình thường mà có thông tin rằng doanh nghiệp đó lâm vào tình trạng phá sản thì chắc chắn danh dự, uy tín của doanh nghiệp đó sẽ bị hạ thấp, cũng như như những hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng không thể diễn ra bình thường. Trong nhiều trường hợp, các chủ nợ thay vì khởi kiện để đòi nợ theo thủ tục dân sự, lại làm đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản để đòi nợ, và tòa án không thể từ chối yêu cầu này.

Luật phá sản 2014 ra đời đã thay đổi quan niệm về doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Theo đó, khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 định nghĩa rằng “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”

Trước hết, Luật phá sản 2014 xác định mất khả năng thanh toán là “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” chứ không phải là “không có khả năng thanh toán” như trong Luật phá sản 2004. Sự khác biệt ở đây thể hiện ở ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, hợp tác xã. Nếu như trong Luật phá sản 2004, doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản được hiểu là đang ở trong tình trạng mất khả năng thanh toán, dù cho doanh nghiệp, hợp tác xã đó có muốn hay không muốn thực hiện việc thanh toán. Còn theo Luật phá sản 2014, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phụ thuộc vào cả ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, hợp tác xã đó. Việc “Không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” có thể hiểu theo hai cách: một là doanh nghiệp, hợp tác xã đó không có tài sản để thanh toán; hai là doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn có khả năng thanh toán nhưng không muốn thanh toán hoặc muốn trốn tránh nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, Luật phá sản 2014 cũng bỏ đi từ “các” trong cụm từ “các khoản nợ” với ý nghĩa việc phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không phụ thuộc vào số lượng khoản nợ, mà chỉ cần một khoản nợ đến hạn là đủ.

Như vậy, có thể hiểu theo Luật phá sản 2014:

  • Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp, hợp tác xã cạn kiệt về tài sản.
  • Bản chất của việc mất khả năng thanh toán không trùng với biểu hiện bên ngoài là có trả được nợ hay không.
  • Pháp luật không quy định mất khả năng thanh toán một khoản nợ bao nhiêu thì doanh nghiệp, hợp tác xã bị coi là mất khả năng thanh toán.

Ngoài ra, Luật phá sản 2014 còn quy định thời điểm được xác định là mất khả năng thanh toán: 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán chứ không còn là khi chủ nợ có yêu cầu như Luật phá sản 2004. Có thể nói, Luật phá sản 2014 đã đưa ra tiêu chí mang tính rõ ràng hơn, chỉ cần sau 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện việc thanh toán thì sẽ bị coi là mất khả năng thanh toán; không còn phụ thuộc vào yêu cầu của chủ nợ, bởi Luật phá sản 2004 không quy định sau bao lâu kể từ lúc đến hạn thanh toán, miễn là có yêu cầu của chủ nợ thì đã có đủ căn cứ để giải quyết. Khoảng thời gian 03 tháng này đảm bảo quyền lợi của cả chủ nợ và con nợ, bởi chủ nợ không cần chứng minh rằng mình đã có yêu cầu thanh toán, con nợ cũng không phải chịu áp lực từ chủ nợ, và 03 tháng cũng là thời gian để các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội để giải quyết khó khăn và thanh toán khoản nợ.

Quy định mới về quản tài viên.

Đây là một quy định mới trong Luật phá sản 2014 để thực hiện việc quản lý và thanh lý tài sản.

Phân tích và đánh giá một số điểm mới của Luật Phá sản năm 2014 so với Luật Phá sản năm 2004

Đối với Luật phá sản 2004, Điều 9 quy định về việc quản lý và thanh lý tài sản cũng do tổ quản lý, thanh lý tài sản đảm nhiệm: “Đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.” thành phần tổ quản lý, thanh lý tài sản bao gồm: Một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp làm tổ trưởng; Một cán bộ của Tòa án; Một đại diện chủ nợ; Đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản; trường hợp cần thiết có đại diện công đoàn, đại diện người lao động, đại diện các cơ quan chuyên môn tham gia tổ quản lý, thanh lý tài sản thì Thẩm phán xem xét quyết định.

Tuy nhiên, điều luật đã không có hướng dẫn tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn thành viên nên trên thực tế thành viên Tổ quản lý, thanh lý tài sản thường là những người hoạt động kiêm nhiệm, chính vì vậy, hiệu quả của việc quản lý, thanh lý tài sản không cao, nhiều trường hợp họ lung túng, bị động và định giá tài sản không chính xác dẫn đến việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên tham gia thủ tục phá sản. Bên cạnh đó, Luật phá sản 2004 quy định chức năng quản lý và thanh lý tài sản thuộc về một tập thế với những thành viên đến từ các cơ quan khác nhau, điều đó dẫn đến sự không thống nhất giữa các thành viên trong việc đánh giá, kết luận về tài sản cũng như việc thực hiện các biện pháp quản lý, thanh lý tài sản.

Để khắc phục được những bất cập nêu trên, Luật phá sản 2014 đã quy định một chế định mới – chế định Quản tài viên trong 06 Điều luật (từ Điều 11 đến Điều 16) theo đó:

Quản tài viên là người đảm bảo các điều kiện quy định tại điều 12 Luật Phá sản: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

Những người được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gồm: Luật sư; Kiểm toán viên;Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.

Quản tài viên có quyền và nghĩa vụ được quy định tại điều 16 Luật Phá sản 2014, gồm những nhóm quyền và nghĩa vụ cụ thể sau:

  • Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Trong đó có những công việc cụ thể sau: Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; Bảo quản tài sản, ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản; Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
  • Thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Quản tài viên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật khi thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Quản tài viên tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định tại các Điều 121, 122, 123, 124 Luật Phá sản năm 2014, gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng và báo cáo cơ quan Thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc thanh lý tài sản.

Ngoài ra, quản tài viên cũng có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình theo quy định của pháp luật về phá sản.

Những quy định về quản tài viên đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, kiêm nhiệm của các thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Bên cạnh đó, để trở thành Quản tài viên thì cần phải đáp ứng được những yêu cầu chuyên môn nhất định thao quy định của pháp luật, do đó việc quản lý, thanh lý tài sản cũng được thực hiện chính xác, nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn.

Điểm mới trong thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục xử lý nợ.

Điểm mới rõ ràng nhất trong Luật phá sản 2014 so với Luật phá sản 2004 là có sự đảo ngược về trình tự thủ tục thanh lý tài sản. Nếu Luật phá sản 2004 quy định thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục xử lý nợ diễn ra trước quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì Luật phá sản 2014 quy định thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục xử lý nợ diễn ra hợp lý trước và sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Việc quy định về trình tự diễn ra thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục xử lý nợ như trong Luật phá sản 2004 dẫn đến một số bất cập, bởi lẽ trong trường hợp này, việc giải quyết yêu cầu phá sản của một doanh nghiệp, hợp tác xã phụ thuộc vào hoạt động thanh lý tài sản của Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Điều này đã khiến cho thủ tục giải quyết phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn và không thể đi đến hồi kết do vướng mắc trong việc xác định thời điểm hoàn thành việc thanh lý tài sản để ra tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Luật phá sản 2014 đã khắc phục được hạn chế này: Điều 53 quy định “Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật này”. Như vậy, việc xử lý khoản nợ có bảo đảm được thực hiện trước khi có tuyên bố phá sản; điều này bảo đảm lợi ích của các chủ nợ có bảo đảm. Tiếp theo đó, đi kèm với quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại, phân chia theo thứ tự được quy định tại Điều 54 của Luật phá sản 2014. Trường họp này thủ tục xử lý nợ diễn ra sau khi có quyết định tuyên bố phá sản.

Khi một doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn trong thời hạn 03 tháng thì sẽ có thể bị tuyên bố phá sản. Việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã là để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ trả nợ; do đó việc quy định thủ tục xử lý nợ diễn ra vào cả thời điểm trước và sau khi có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã tạo điều kiện cho việc mơ thủ tục phá sản trở nên dễ dàng hơn, đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên.

Điểm mới về hội nghị chủ nợ.

Trong thủ tục phá sản, hoạt động và vị trí của hội nghị chủ nợ là rất cần thiết; những quyết định của hội nghị chủ nợ có ảnh hưởng lớn đến quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; mặt khác họ cũng là những người có quyền lợi liên quan trực tiếp đến việc doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Nhận thức được điều này, quy định về Hội nghị chủ nợ trong Luật phá sản 2014 đã có những điểm mới tiến bộ so với luật phá sản 2004:

Thứ nhất, về điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ: theo đó, Hội nghị chủ nợ hợp lệ khi “có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm.”. Điều này có nghĩa là hội nghị chủ nợ có thể hợp lệ khi chỉ cần một chủ nợ tham gia mà đại diện cho ít nhất 51% số nợ không có bảo đảm. Bên cạnh đó, chủ nợ cũng không bắt buộc phải là chủ nợ không có bảo đảm hay có bảo đảm một phần. Quy định này đã tạo được sự công bằng trong về quyền lợi đối với chủ nợ có bảo đảm một phần, bởi như quy định tại Luật phá sản 2004 thì điều kiện dố nợ thì bắt buộc phải là “hai phần ba tổng số nợ không có bảo đảm trở lên” trong khi khi số nợ không có bảo đảm ở đây được hiểu là số nợ của chủ nợ không có bảo đảm và số nợ của chủ nợ có bảo đảm một phần.

Thứ hai, là về việc lập ban đại diện chủ nợ. Đây là một quy định mới trong Luật phá sản 2014, theo đó Ban đại diện chủ nợ có từ 03 đến 05 thành viên do các chủ nợ bầu tại Hội nghị chủ nợ, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên. Ban đại diện chủ nợ thay mặt cho các chủ nợ thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, đề xuất với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ. Trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện đề xuất thì Ban đại diện chủ nợ có quyền thông báo bằng văn bản với Thẩm phán phụ trách giải quyết phá sản. Điều này đảm bảo cho các chủ nợ thực hiện công việc giám sát đối với các hoạt động liên quan đến thủ tục phá sản nhằm đảm bảo quyền lợi của họ.

Điểm mới trong quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng và thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài.

Thứ nhất, về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng là một loại doanh nghiệp đặc biệt, thể hiện các đặc điểm, bao gồm: nội dung hoạt động (hoạt động với tư cách là một trung gian tài chính trong nền kinh tế); cách thức hoạt động (có thể có rất nhiều tài khoản phục vụ cho hoạt động của mình và đồng thời phải quản lý một số lượng tài khoản hết sức lớn của khách hàng); khả năng tác động của sự đổ vỡ của một tổ chức tín dụng đến nền kinh tế (diễn ra nhanh, ảnh hưởng rộng và tác động lâu dài). Do đó, việc thành lập, hoạt động và chấm dứt (phá sản) của các tổ chức tín dụng phải được quy định theo một cơ chế được biệt và thận trọng hơn so với các doanh nghiệp khác.

Do vậy, Luật phá sản 2014 đã dành một chương riêng (Chương VIII), từ Điều 97 đến Điều 104 quy định về thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng. Đây là quy định hoàn toàn mới so với quy định của Luật phá sản 2004. Điều 99 Luật PS 2014, quy định: “Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán”. Việc tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng được quy định theo Điều 104 Luật PS 2014. Theo đó, “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của tổ chức tín dụng, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này”.

Ngoài ra, để phù hợp và thống nhất với tinh thần quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và đảm bảo những đặc thù trong phá sản các tổ chức tín dụng, Luật phá sản 2014 bổ sung quy định về hoàn trả khoản vay đặc biệt tại Điều 100. Theo đó, tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng mà bị tuyên bố phá sản thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện phân chia tài sản theo quy định của Luật phá sản 2014.

Quy định này nhằm đảm bảo tính ổn định, an toàn trong hoạt động của các ngân hàng. Bởi vì, hệ thống các ngân hàng hoạt động liên quan chặt chẽ và có thể gây ảnh hưởng dây chuyền đến nhau. Do đó, quy định này góp phần chặn đứng những cuộc phá sản dây chuyền có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống các ngân hàng có liên quan đến nhau, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của đất nước.

Thứ hai, là thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài.

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập với thế giới, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam hay thành lập các công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài. Khi các doanh nghiệp như vậy phá sản, đòi hỏi phải có một cơ chế đầy đủ và cụ thể để quá trình giải quyết vụ việc phá sản có thể tiến hành hợp pháp và đảm bào quyền lợi của các bên. Chính vì vậy, Luật phá sản 2014 đã dành một chương để quy định về điều này. Chương 11 Luật phá sản đã quy định những vấn đề nền tảng làm căn cứ cho việc thực hiện thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài như: Người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản của Việt Nam; vấn đề ủy thác tư pháp của Tòa án nhân dân Việt Nam đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài. Quy định này thể hiện sự tiến bộ trong Luật phá sản 2014, tạo hành lang pháp lý để giải quyết những trường hợp phá sản có yếu tố nước ngoài.

Từ những phân tích trên, có thể thấy Luật phá sản 2014 đã có những đổi mới rất tiến bộ so với luật phá sản 2004, góp phần bảo vệ một cách có hiệu quả nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, con nợ, bảo vệ lợi ích của người lao động; bảo vệ trật tự kỉ cương trong xã hội và góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, tái tạo tổ chức lại doanh nghiệp.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: phân tích điểm mới của luật phá sản năm 2014 với luật phá sản năm 2004. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top