Sau một thời gian nghiên cứu thực tế, ông Taka Hiroshi, quốc tịch Nhật Bản có dự định thành lập một trang trại nuôi gà Đông Tảo ở Hưng Yên, Việt Nam với mục đích xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Câu hỏi:
- Anh, chị hãy tư vấn hình thức đầu tư phù hợp nhất cho ông Taka Hiroshi để thực hiện dự án trên?
- Hãy tư vấn những ưu đãi đầu tư đối với dự án trên?
- Soạn thảo giấy tờ (cơ bản và cần thiết) để hoàn thiện hồ sơ đối với dự án trên?
Khái quát chung về đầu tư
Hiện nay, với mục đích khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhà nước ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể các hình thức mà nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài có thể tiến hành đầu tư theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đầu tư trực tiếp
Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư mà nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư, bao gồm các hình thức sau:
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế: nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam. Tổ chức kinh tế liên doanh có thể là công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần được thành lập và tổ chức theo qui định của Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra nhà đầu tư nước ngoài còn có thể đầu tư thành lập các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác theo quy định của pháp luật; cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hoá, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi; và các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
Đầu tư theo hợp đồng: nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành hoạt động đầu tư theo hình thức này có thể ký kết các loại hợp đồng như hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO) hoặc hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Đầu tư phát triển kinh doanh: nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư phát triển kinh doanh thông qua các hình thức như mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, năng lực kinh doanh; đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư: tỷ lệ vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành nghề do Chính phủ quy định.
Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp và các hình thức đầu tư trực tiếp khác theo qui định của pháp luật.
Đầu tư gián tiếp
Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các chế định tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Đầu tư thông qua mua, bán cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác của tổ chức, cá nhân và thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp theo qui định của pháp luật về chứng khoán và các quy định của pháp luật có liên quan.
Giải quyết tình huống
Anh, chị hãy tư vấn hình thức đầu tư phù hợp nhất cho ông Taka Hiroshi để thực hiện dự án trên?
Trong tình huống trên, ông Taka Hiroshi có dự định muốn thành lập một trang trại nuôi gà Đông Tảo ở Hưng Yên, Việt Nam với mục đích xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Để được công nhận là kinh tế trang trại cần phải hội tụ nhiều điều kiện như quy mô, giá trị kinh tế thu được… Theo quy định của pháp luật (Điều 5 Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT) thì cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện sau:
“2. Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên;”
Theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư
Điều 7. Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư
Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư theo hình thức 100% vốn để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam được hợp tác với nhau và với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài mới.
Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Vì ông Taka Hiroshi là nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam và đây là lần đầu đầu tư nên hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài là thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài để chăn nuôi với mục đích xuất khẩu. Ông Taka Hiroshi có thể được thành lập tổ chức kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam. Tổ chức kinh tế liên doanh có thể là công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần được thành lập theo quy định pháp luật. Bởi lẽ hình thức đầu tư này giúp :
Dễ dàng thu hút đầu tư đối với những lĩnh vực còn khó khăn và cần phát triển lâu dài.
Việc thành lập pháp nhân tạo điều kiện cho dự án đầu tư dễ dàng hơn khi thực hiện các hợp đồng phục vụ cho hợp đồng hợp tác kinh doanh
Hình thức liên doanh làm tăng khả năng thành công của các dự án đầu tư:
Có sự thành lập của một pháp nhân mới
Thế mạnh: Vốn, nhân công, kỹ thuật lập và tổ chức theo qui định của Luật Doanh nghiệp.
Hãy tư vấn những ưu đãi đầu tư đối với dự án trên?
Theo nghị định số 118/2015/NĐ-CP có quy định về danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp trong đó có : “3. Dịch vụ khoa học, kỹ thuật về gieo trồng, chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.”
Theo Điều 16 luật đầu tư thì đối tượng và nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư như sau:
Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 và Điều 16 Luật Đầu tư gồm:
a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục I Nghị định này;
b) Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục II Nghị định này;
c) Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
d) Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng);
đ) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và pháp luật về khoa học công nghệ.
Nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư:
a) Dự án đầu tư quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Dự án đầu tư quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn;
c) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
d) Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau được áp dụng mức ưu đãi cao nhất;
đ) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất quy định tại Mục 55 Phụ lục II Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
e) Ưu đãi tiền thuê đất theo địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất quy định tại Mục 55 Phụ lục II Nghị định này không áp dụng đối với dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư:
a) Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
b) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
c) Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.
Thứ nhất : Về địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư thì Hưng Yên không thuộc địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên nếu ông xây dựng trang trại tại những địa bàn theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật đầu tư thì có thể được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Thứ hai : Về ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư thì việc ông Taka Hiroshi thành lập trang trai chăn nuôi gà có thể coi là kinh doanh chăn nuôi tập trung và nếu đáp ứng được điều kiện theo khoản 2 Điều 15 Luật đầu tư thì ông Taka Hiroshi cũng sẽ được hưởng mức ưu đãi theo luật.
=> Nếu ông Taka Hiroshi thuộc các trường hợp được hưởng ưu đãi theo khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 16 thì sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo luật đầu tư 2014.
=> Nếu ông Taka Hiroshi không thuộc các trường hợp được hưởng ưu đãi theo luật đầu tư 2014 thì ông vẫn được hưởng 15% thuế suất quy định tại: khoản 5, Điều 11 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“5. Bổ sung Khoản 3a Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
3a. Thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn”.
Soạn thảo giấy tờ (cơ bản và cần thiết) để hoàn thiện hồ sơ đối với dự án trên?
Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài được Nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn thành lập tại Việt Nam tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.
Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư.
Hồ sơ gồm:
Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
Đối với nhà đầu tư là cá nhân: Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu
Đối với nhà đầu tư là tổ chức: bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý;
Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
Bản sao một trong các tài liệu sau:
Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;
Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;
Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính;
Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;
Tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
Giải trình về sử dụng công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính đối với Dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao
Cơ quan nộp hồ sơ: Cơ quan đăng ký đầu tư
Thời gian: Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư: 15 – 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ
Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư: 05 – 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Trên đây là toàn bộ vấn đề giải đáp thắc mắc của mình về vấn đề: Phân tích tình huống thực tế thành lập doanh nghiệp của ông Taka Hiroshi . Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 để được hỗ trợ chi tiết.
Trân trọng./.