Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã mang lại cho Việt Nam nhiều kết quả khả quan trên các mặt: xuất khẩu, nộp ngân sách, chuyển giao công nghệ, giải quyết việc làm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và góp phần hoàn thiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Một trong những yếu tố góp phần đạt được những thành tựu trên phải kể đến việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, trong đó có hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh nhằm tranh thủ mọi khả năng và nguồn lực của nhà đầu tư. Qua bài viết sau đây Luật Quang Huy chúng tôi sẽ tiến hành phân tích về vấn đề: “Phân tích đặc điểm hợp đồng hợp tác kinh doanh theo pháp luật hiện hành của Việt Nam và sưu tầm một ví dụ về đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh ở Việt Nam”
Nội dung
Một số vấn đề về lý luận về hợp đồng hợp tác kinh doanh
Khái niệm về hợp đồng hợp tác kinh doanh
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư năm 2014: “hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế”.
Như vậy, hiểu một cách khái quát thì hợp đồng hợp tác kinh doanh là sự thỏa thuận giữa các nhà đầu tư, theo đó, các bên cùng góp vốn, cùng quản lý kinh doanh, cùng phân chia lợi nhuận và cùng chịu rủi ro trong quá trình đầu tư kinh doanh mà không phải thành lập một pháp nhân mới. Đầu tư theo hợp đồng BCC là một hình thức đầu tư trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giao kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới.
Đây là một điểm mới của Luật đầu tư năm 2014 khi khắc phục hạn chế về khái niệm hợp đồng BCC quy định tại Luật đầu tư năm 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ – CP. Theo như khái niệm cũ thì đối tượng của hợp đồng BCC chỉ là giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư Việt Nam, điều này hạn chế rất lớn việc hợp tác giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau. Để giải quyết hạn chế này thì Luật đầu tư 2014 đã ra đời, khắc phục tình trạng trên.

Đặc điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh
Hợp đồng BCC mang đầy đủ các đặc điểm của hợp đồng nói chung. Nó là sự thỏa thuận giữa các bên ký kết, tức là sự thỏa hiệp ý chí của các nhà đầu tư. Các bên tham gia tự nguyện, tự do bày tỏ ý chí của mình. Các bên chủ thể của hợp đồng chủ yếu là các chủ thể kinh doanh và có năng lực chủ thể để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Người đại diện để ký kết hợp đồng phải là người đại diện hợp pháp của các bên chủ thể hợp đồng. Nội dung của hợp đồng BCC không được trái với quy định của pháp luật: Hình thức của hợp đồng BCC phù hợp với quy định của pháp luật. Mặt khác, mục đích của các bên trong hợp đồng nhằm hướng đến tìm kiếm lợi nhuận, bởi lẽ, các nhà đầu tư chủ yếu là các nhà kinh doanh.
Đầu tư theo hợp đồng BCC là một hình thức đầu tư trực tiếp, được thiết lập trên cơ sở hợp đồng các nhà đầu tư không chỉ bỏ vốn mà còn trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Hoạt động đầu tư này luôn phải có sự hợp tác của hai hay nhiều nhà đầu tư với nhau. Sự hợp tác này là kết quả của quá trình thỏa thuận, rồi đi đến ký kết hợp đồng, mọi quyền và nghĩa vụ cơ bản được ghi nhận trên văn bản có giá trị pháp lý là hợp đồng BCC.
Khác với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư theo hợp đồng BCC được thực hiện trên cơ sở pháp lý là hợp đồng, các bên cùng hợp tác góp vốn, cùng tiến hành hoạt động kinh doanh, cùng hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận trong hợp đồng đồng thời cùng chịu rủi ro xảy ra trong quá trình hợp tác.
Nội dung quan hệ đầu tư của hợp đồng BCC: “Bao gồm những thỏa thuận thể hiện tính “hợp tác kinh doanh”, bao gồm các thỏa thuận về bỏ vốn để cùng kinh doanh, cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh.
Đây chính là đặc thù của hợp đồng hợp tác kinh doanh trong sự so sánh với các hợp đồng khác trong thương mại, ở các hợp đồng này, thời điểm chuyển rủi ro được các bên thỏa thuận hoặc được pháp luật quy định là cơ sở xác định rõ lợi nhuận hay rủi ro thuộc về một trong các bên trong hợp đồng.”
Trong quá trình đầu tư theo hợp đồng BCC, các nhà đầu tư sử dụng tư cách pháp lý của mình một cách hoàn toàn độc lập, mặc dù trong quá trình hợp tác kinh doanh, các bên có thể thỏa thuận thành lập một Ban điều hành để giám sát việc thực hiện hợp đồng nhưng không phải là đại diện pháp lý cho các bên hợp doanh.
Chủ thể của hợp đồng BCC là các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Số lượng chủ thể trong từng hợp đồng cũng không giới hạn, chủ thể của hợp đồng có thể bao gồm hai hoặc nhiều nhà đầu tư có quan hệ hợp tác kinh doanh với nhau, tùy vào quy mô của dự án cũng như nhu cầu, khả năng và mong muốn của các nhà đầu tư. Đây cũng là điểm để phân biệt hợp đồng BCC với hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cung ứng dịch vụ, những hợp đồng này thường chỉ có sự tham gia của hai bên.
Mục đích của các bên tham gia hợp đồng BCC là nhằm thực hiện việc hợp tác kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận thông qua hợp đồng mà không thành lập pháp nhân mới.
Ưu điểm và nhược điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh
Ưu điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Hiện nay, ở nước ta hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC đang ngày càng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn khi tiến hành hoạt động đầu tư của mình. Đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh Bất động sản, cung cấp dịch vụ viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí và các khoáng sản quý hiếm… do những ưu điểm nổi trội mà nó mang lại.
Thứ nhất, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC có thể giúp các nhà đầu tư tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, tài chính trong việc thành lập pháp nhân mới cũng như chi phí vận hành doanh nghiệp khi nó được thành lập, khi dự án đầu tư kết thúc, các nhà đầu tư cũng không phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, thời gian để cơ quan Nhà nước xem xét, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp không lâu nhưng các thủ tục liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ thì rất nhiều và tốn thời gian. Không những thế, vấn đề về trách nhiệm liên đới còn được đặt ra đối với các thành viên sáng lập khi họ đặt bút ký kết các hợp đồng trước đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp đó lại không được thành lập.

Hình thức này luôn là ưu tiên số một cho các dự án đầu tư các khu chung cư ở các thành phố lớn vì khi dự án kết thúc, các bên phân chia lợi nhuận thì không cần phải tính đến chuyện làm thủ tục giải thể doanh nghiệp nếu như các nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư khác. Ngoài ra, ngay khi các chung cư hoàn thành, các bên có thể ngay lập tức bán phần của mình như thỏa thuận phân chia mà không phụ thuộc vào đối tác còn lại.
Thứ hai, với hình thức đầu tư này, các bên có thể hỗ trợ nhau những thiết sót, yếu điểm của nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như đối với những thị trường đầu tư còn mới mẻ, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông qua những đối tác trong nước đã am hiểm thị trường. Còn các nhà đầu tư nước ngoài thì có thể được các đối tác nước ngoài hỗ trợ về vốn, nhân lực, công nghệ hiện đại. Như vậy, đối với các nhà đầu tư có thể nói là đôi bên cùng có lợi.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ. Do đó, nhà đầu tư sẽ rất linh hoạt, độc lập, ít lệ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề của dự án đầu tư. Nếu như đối với hình thức đầu tư thành lập pháp nhân mới, các nhà đầu tư căn cứ vào phần vốn góp để lựa chọn một hoawjac một nhóm người đứng đầu lãnh đạo công ty.
Như vậy, những nhà đầu tư có nguồn vốn ít sẽ có ít cơ hội được nắm quản lý, không chủ động trong việc cũng như với số vốn mà họ đã bỏ ra. Nhưng đối với hình thức đầu tư này, với cơ chế đàm phán để chia sẻ lợi ích cũng như nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư, các nhà đầu tư có thể linh hoạt trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng. Do đó, hình thức đầu tư này góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu và sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư khác nhau.
Thứ tư, việc tiến hành đầu tư theo hợp đồng BCC còn giúp các nhà đầu tưu khi ký kết được lựa chọn phương án góp vốn, phân chia kết quả kinh doanh sao cho phù hợp với mức độ đóng góp của các bên. Thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam không trường vốn nên khi tham gia liên doanh thường góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng không phải lúc nào cũng có thể góp vốn bằng đất đai.
Do đó, phương thức đầu tư theo hợp đồng BCC là khá phù hợp so với tình hình thực tế ở nước ta, doanh nghiệp Việt Nam chúng ta có lợi thế hươn trong hiểu biết về văn hóa tiêu dùng trong nước, về lực lượng lao động,… còn các doanh nghiệp nước ngoài thường có lợi thế về vốn, công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến. Những điều này khi kết hợp với nhau sẽ mang lại thuận lợi cho cả hai bên.
Nhược điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh những ưu điểm nổi trội của mình, hợp đồng BCC cũng tồn tại những hạn chế mà khi lựa chọn đầu tư theo hình thức này, các nhà đầu tư không thể không tính đến để đảm bảo cho hoạt động đầu tư của mình thu được lợi nhuận cao nhất và ít rắc rối nhất.
Thứ nhất, việc không thành lập pháp nhân mới như phân tích ở trên là một ưu điểm nổi bật nhưng nó cũng chính là mặt hạn chế của hình thức đầu tư này. Chính vì không thành lập doanh nghiệp mới, do đó dự án đầu tư sẽ gặp kho khăn khi thực hiện các hợp đồng phục vụ cho việc đầu tư theo hợp đồng BCC.
Cũng chính vì không có một doanh nghiệp mới ra đời giữa các nhà đầu tư, mà sẽ không có con dấu riêng, và đương nhiên, các nhà đầu tư sẽ phải thỏa thuận việc chọn một con dấu của các nhà đầu tư để phục vụ cho các hoạt động của dự án đầu tư.
Việc không thành lập pháp nhân mới trong nhiều trường hợp nếu các nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ, lựa chọn sai thì nó lại trở thành một hạn chế rất lớn, gây ra nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư không lường trước được. Đó là chưa kể đến trường hợp nếu do bất đồng mà một bên không cho sử dụng con dấu như đã thỏa thuận thì điều gì sẽ xảy ra? Đương nhiên, dự án sẽ phải dừng lại.
Ngoài ra thành lập một pháp nhân mới thì quyền quản lý pháp nhân mới đó sẽ được phân chia theo tỷ lệ số vốn góp do các nhà đầu tư bỏ ra. Nhưng vì không có doanh nghiệp mới ra đời, do đó, quyền quản lý dự án đầu tư có thể sẽ được chia đều cho các nhà đầu tư, như vậy sẽ có lợi cho các nhà đầu tư bỏ ra ít vốn và không công bằng với các nhà đầu tư bỏ ra nhiều vốn hơn.
Thứ hai, pháp luật chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên và bên thứ ba khi một bên giao kết hợp đồng với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC. Đây cũng là một hạn chế cần phải chú ý tới nếu các bên lựa chọn hình thức đầu tư này.
Như vậy, có thể thấy hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC hiện nay trở nên phổ biến do tính chất linh hoạt, hiệu quả. Tuy nhiên, từng loại dự án đầu tư chụ thể, các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu cả ưu điểm và hạn chế của từng hình thức đầu tư để lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.
Thứ ba, đầu tư theo hợp đồng BCC sẽ khó thu hút đầu tư đối với những lĩnh vực còn khó khăn và cần phát triển lâu dài, chỉ thực được đối với một số lĩnh vực dễ sinh lợi và sinh lợi nhanh. Đầu tư theo hợp đồng BCC thường được áp dụng để thực hiện một dự án cụ thể, nên việc quản lý, kinh doanh đối với các dự án lâu dài sẽ là không phù hợp khi lựa chọn hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC.
Thứ tư, đôi khi quan hệ hợp tác với đối tác nước sở tại còn thiếu tính chắc chắn làm các nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Điều này xuất phát từ văn hóa kinh doanh và nhận thức của nhiều doanh nghiệp trong nước còn yếu kém. Vẫn có nhiều trường hợp hợp tác làm ăn nghiêm túc thì ít mà nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi hay trốn thuế thì nhiều, khiến các nhà đầu tư nước ngoài còn nhiều băn khoăn khi bắt tay hợp tác.
Thực tiễn tiễn thi hành pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh ở Việt Nam
Thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh ở Việt Nam
Từ năm 2005 trở về trước, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ só với các hình thức đầu tư khác, các nhà đầu tư nước ngoài không mấy mặn mà với hình thức đầu tư này.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ những rào cản mà pháp luật đầu tư tạo ra cho hợp đồng BCC. Hiện nay, với những thay đổi ngày một tích cực của pháp luật đầu tư nói chung và pháp luật về đầu tư theo hợp đồng BCC nói riêng mà hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC ngày càng được các nhà đầu tư trong mà ngoài nước lựa chọn. Lĩnh vực đầu tư cũng được mở rộng, không còn bó hẹp trong một số lĩnh vực như trước đây.

Ví dụ về đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Một dự án BCC điển hình tại Việt Nam đó là dự án đường ống dẫn khi Lô B – Ô Môn với tổng mức đầu tư 1.2 tỷ USD với các hạng mục công nghệ, thiết bị chính gồm:
- Chiều dài tuyến ống 431km, công suất thiết kế 20.3 triệu m3, trong đó tuyến ống trên biển 295km vận chuyển khi từ Lô B đến trạm tiếp bờ tại An Minh (Kiên Giang); ống nhánh 37 km nối từ KP209 về trạm tiếp bờ Mũi Tràm để cấp bù khí cho đường ống PM3 – Cà Mau; tuyến ống trên bờ dài 102km chạy qua tỉnh Kiên Giang và thành phố Cần Thơ để cung cấp khi cho hai nhà máy điện tua-bin khí chu trình hồn hợp, với công suất 750MW/nhà máy tại Trung tâm Điện lực Kiên Giang và các Nhà máy điện Ô Môn 1, công suất 660MW; Ô Môn 3 và Ô Môn 4, tổng công suất 2 x 750 MW tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ).
- Ngày 11/03/2010, tại trụ sở của PVN, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas), Công ty Chevron Việt Nam (Mỹ), Công ty TNHH Khai thác Mitsui Oil (MOECO) (Nhật Bản) và công ty PTTEP (Thái Lan) đã ký hợp đồng BCC dự án này. Đường ống dẫn khí Lô B – Ô môn là một dự án quan trọng của PVN có tổng mức đầu tư 1.2 tỷ USD, trong đó PVGas tham gia 51% và các đối tác nước ngoài tham gia 49%. Theo kế hoạch, công trình đưa vào vận hành Quý II/2020 và ước tính sơ bộ trong vòng 20 năm hoạt động, nộp ngân sách khoảng 930 triệu USD.
- Việc ký kết thỏa thuận đầu tư dự án này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phấn tiết kiệm được một lượng đáng kể ngoại tệ dùng cho việc nhập khẩu nhiên liệu, tạo them việc làm cho lao động địa phương, góp phần bảo vệ môi trường do sự dụng nhiên liệu sạch, ổn định nguồn điện quốc gia, mở ra khả năng nối mạng với hệ thống dẫn khí của các nước trong khu vực cũng như thúc đẩy sự phát triển công nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói, đầu tư theo hợp đồng BCC trong lĩnh vực dầu khí vẫn là một hình thức nhiều ưu điểm và nhiều nhà đầu tư quan tâm.
- Thành công của các hợp đồng BCC đã góp phần không nhỏ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Nhìn chung, quy định về Hợp đồng BCC theo Luật đầu tư 2014 đã thể hiện chính sách đầu tư cởi mở, tinh thần khuyến khích đầu tư của Việt Nam, đồng thời đã tạo được cơ sở pháp lý vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để phục cụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực viễn thông, dầu khí, ngân hàng,… với rất nhiều các dự án lớn giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.
Trên đây là toàn bộ vấn đề giải đáp thắc mắc của mình về vấn đề: Phân tích đặc điểm hợp đồng hợp tác kinh doanh theo pháp luật hiện hành của Việt Nam. Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật miễn phí của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 để được hỗ trợ chi tiết.
Trân trọng./.