Bình luận quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về thỏa thuận trọng tài thương mại

Trong nền kinh tế thị trường đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và phức tạp, các hoạt động thương mại đang không ngừng tăng lên cả về số lượng và mức độ. Do số lượng ngày càng nhiều, mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp trong quan hệ thương mại cũng diễn ra ngày càng nhiều, đa dạng, tính chất cũng ngày càng phức tạp. Việc này đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới một cách sâu sắc và toàn diện cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế cho phù hợp với tính chất và đặc  điểm của các quan hệ kinh tế trong tình hình mới.

Nhà nước đặt ra phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhằm đảm bảo tối đa quyền tự định đoạt của các bên đương sự. Việc nắm vững những vấn đề pháp lý cơ bản về trọng tài thương mại, từ đó vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong các  hoạt động thương mại không những tạo được điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp mà còn góp phần giữ vững trật tự và ổn định xã hội tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Với kiến thức của bản thân về vấn đề trọng tài thương mại, em xin phân tích Đề bài số 09: “Bình luận quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về thỏa thuận trọng tài thương mại”.

Nội dung

Khái quát chung về thỏa thuận trọng tài

Khái niệm, đặc điểm của trọng tài thương mại

Trọng tài Thương mại là một khái niệm đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và ngày càng phổ biến trong đời sống kinh tế ở khắp nơi trên thế giới. Khái niệm này cũng được tiếp cận theo nhiều định nghĩa khác nhau. 

Trọng tài với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp là cách tiếp cận chủ yếu của hệ thống các quy định pháp luật về trọng tài. Chẳng hạn, theo Hiệp hội Trọng tài Hoa kìa (AAA) thì: “Trọng tài là cách thức giải quyết tranh chấp bằng cách đệ trình vụ tranh chấp cho một số người khách quan xem xét giải quyết và họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng, có giá trị bắt buộc các bên tranh chấp phải thi hành”.

Pháp luật về trọng tài Việt Nam cũng có quy định tương tự về khái niệm này. Cụ thể, theo Điểm 1 Khoản 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 (LTTTM 2010) quy định về giải thích từ ngữ: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.”

Tuy có những khái niệm và nhận định khác nhau về trọng tài thương mại được đưa ra song, có thể đánh giá trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp mang bản chất phi chính phủ, thông qua hoạt động của trọng tài viên, với tư cách là bên thứ ba độc lập được các bên có tranh chấp tin tưởng lựa chọn để giải quyết những mâu thuẫn giữa các chủ thể này.

Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định rõ ràng, để có thể giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài, giữa các bên xảy ra tranh chấp phải tồn tại một thỏa thuận trọng tài, tức là các bên thống nhất sử dụng phương thức trọng tài để giải quyết mâu thuẫn thì trọng tài mới có quyền giải quyết. Trọng tài sẽ giải quyết các xung đột này bằng cách đưa ra phán quyết trên cơ sở nguyên tắc tự định đoạt của các bên đương sự và buộc các bên phải thi hành phán quyết được đưa ra. 

Theo đó, trọng tài thương mại có những đặc điểm sau đây:

– Trọng tài thương mại là một loại hình tổ chức phi Chính phủ, trọng tài có quyền phán quyết như Tòa án và quyết định của trọng tài được cưỡng chế thi hành.

– Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là sự kết hợp giữa hai yếu tố thỏa thuận và tài phán. Thỏa thuận làm tiền đề cho phán quyết và không thể có phán quyết thoát ly được những yếu tố đã được thỏa thuận.

– Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự rất cao. Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên, quy tắc tố tụng trọng tài, luật áp dụng.

– Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực thi hành với các bên. Nếu một bên không thi hành thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài.

– Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cần sự hỗ trợ của Tòa án. Sở dĩ cần sự hỗ trợ của Tòa án vì phán quyết của trọng tài không mang tính quyền lực Nhà nước, do đó cần phải có một cơ quan Nhà nước hỗ trợ, đó là Tòa án.

– Trọng tài tồn tại dưới hai hình thức cơ bản: trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực. Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài được lập ra để giải quyết các tranh chấp cụ thể và tự giải thể khi giải quyết xong tranh chấp đó. Trọng tài thường trực là những tổ chức trọng tài có hình thức tổ chức, trụ sở ổn định, danh sách trọng tài viên và hoạt động theo điều lệ riêng.

Khái niệm, đặc điểm của thỏa thuận trọng tài

Theo Khoản 2 Điều 3 LTTTM 2010: “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”. Như vậy, có thể hiểu khái quát thỏa thuận trọng tài là một thỏa thuận bằng văn bản theo đó các bên ký kết nhất trí đưa tất cả hoặc một số tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh từ giao dịch thương mại có khả năng được áp dụng trọng tài ra giải quyết bằng phương pháp trọng tài”.

Trong phương thức trọng  tài thì thỏa thuận trọng tài là yếu tố quan trọng nhất. Thỏa thuận trọng tài là yếu tố tiên quyết để hình thành việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Bản chất của thỏa thuận ở đây thể hiện sự thống nhất ý chí, sự tự nguyện và đồng thuận của các bên tham gia tranh chấp.

Điều cơ bản làm nên một thỏa thuận trọng tài là sự thống nhất ý chí của các bên khi cùng nhau đưa tranh chấp ra giải quyết tại một tổ chức trọng tài nhất định. Thỏa thuận trọng tài sẽ không có giá trị pháp lý nếu chỉ là ý chí chủ quan của một bên hay là sự áp đặt của bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào.

Theo đó, thỏa thuận trọng tài có những đặc điểm như sau:

– Thỏa thuận trọng tài là sự thể hiện ý chí của các bên có liên quan trong việc giải quyết tranh chấp. Theo đó các bên cam kết và đồng thuận với nhau về việc sử dụng phương thức trọng tài để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra, đồng thời thỏa thuận cụ thể về cách thức, trình tự giải quyết và các vấn đề khác có liên quan.

– Thỏa thuận trọng tài được xác lập dưới hình thức văn bản. Trong các trường hợp, thỏa thuận trọng tài phải được thể hiện dưới hình thức văn bản. Điều này đảm bảo cho thỏa thuận trọng tài có giá trị như một chứng cứ xác định ý chí của các bên muốn giải quyết tranh chấp trọng tài.

– Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra.

– Nội dung của thỏa thuận trọng tài: Nội dung của thỏa thuận trọng tài chính là việc xác định cách thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của các bên liên quan khi cần giải quyết những tranh chấp, bât đồng phát sinh hay liên quan đến hợp đồng chính. Một thỏa thuận trọng tài chỉ có giá trị pháp lý khi đáp ứng được những yêu cầu của pháp luật về mặt nội dung. Hầu hết các pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu nội dung của thỏa thuận trọng tài phải rõ ràng, chính xác, có thể dễ dàng xác định thẩm quyền của hội đồng trọng tài và quy tắc tố tụng nhất định.

– Thỏa thuận trọng tài có hiệu lực độc lập với  hợp đồng trong cả trường hợp thỏa thuận trọng tài là một điều khoản của hợp đồng.

Pháp luật Việt Nam hiện hành về trọng tài thương mại
Pháp luật Việt Nam hiện hành về trọng tài thương mại

Ý nghĩa của thỏa thuận trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại.

– Thỏa thuận trọng tài là nguồn gốc phát sinh hoạt động của trọng tài. Khi có tranh chấp xảy ra, không phải tự thân trọng tài có khả năng giải quyết hau có thể áp đặt thẩm quyền của mình lên các bên. Thỏa thuận trọng tài là cơ sở để vụ tranh chấp được giải quyết bằng phương thức trọng tài, qua đó giúp các bên thực hiện quyền tự do kinh doanh, trong đó có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, thỏa thuận trọng tài giúp giảm tải công việc xét xử của Tòa án, chuyển bớt các tranh chấp cho các chế định xã hội.

– Thỏa thuận trọng tài ràng buộc trách nhiệm của các bên. Qua đó giúp các bên nghiêm túc trong việc thực hiện nghĩa vụ đã cam kết, là một biện pháp tích cực để giải quyết các tranh chấp.

– Thỏa thuận trọng tài là cơ sở pháp lý để thực hiện phán quyết của trọng tài, phán quyết trọng tài là kết luận cuối cùng của hội đồng trọng tài về giải quyết tranh chấp.

Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về thỏa thuận trọng tài

Điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận trọng tài

Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài có liên quan chặt chẽ đến các điều kiện luật đình về năng lực chủ thể tham gia thỏa thuận trọng tài, thẩm quyền của trọng tài, ý chí tự nguyện của các chủ thể và hình thức của thỏa thuận trọng tài, chỉ khi một thỏa thuận trọng tài đáp ứng đủ các điều kiện trên theo luật thì nó mới có hiệu lực.

Thứ nhất, điều kiện về chủ thể: người xác lập thỏa thuận trọng tài phải có đủ điều kiện giao kết thỏa thuận trọng tài thì thỏa thuận trọng tài mới được coi là hợp pháp. Theo đó, người tham gia kí kết thỏa thuận trọng tài phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật, phải là người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Có thể nói năng lực chủ thể là vấn đề đầu tiên mà các bên cần quan tâm khi tiến hành đàm phán thỏa thuận trọng tài vì nếu một bên không có năng lực chủ thể sẽ khiến điều khoản này vô hiệu. 

Thứ hai, điều kiện về ý chí tự nguyện của chủ thể: Thỏa thuận trọng tài là một loại hợp đồng trong đó ý chí tự nguyện của chủ thể đóng vai trò là một nguyên tắc vô cùng quan trọng trong quá trình xác lâp. Quy định của LTTTM2010 cũng dựa trên quy định cơ bản của BLDS – đó là dựa trên ý chí tự nguyện của các bên. Đồng thời, LTTTM 2010 cũng quy định thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, quy định này mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Thỏa thuận trọng tài sẽ không có giá trị pháp lí nếu nó không phải là kết quả của sự thống nhất ý chí của các bên tranh chấp. Dựa trên cơ sở sự thống nhất ý chí, các bên thỏa thuận về các yếu tố liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp: tổ chức trọng tài, hình thức trọng tài, ngôn ngữ, địa điểm và  các nội dung khác phù hợp với lợi ích các bên.

Thứ ba, điều kiện về thẩm quyền của trọng tài: mặc dù phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có nhiều ưu điểm và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền tự đình đoạt của các bên tranh chấp nhưng không phải mọi tranh chấp đều có thể được giải quyết bằng trọng tài, ngay cả khi giữa các bên tranh chấp thỏa mãn điều kiện về sự tự nguyện. Đó có thể là trường hợp tranh chấp phát sinh không là một trong các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền của trọng tài.

Thứ tư, điều kiện về hình thức của thỏa thuận trọng tài: đây là một điều kiện cơ bản của thỏa thuận trọng tài, nó là sự thể hiện ra bên ngoài sự thống nhất ý chí của các bên tham gia quan hệ thương mại. LTTTM 2010 nước ta quy định thỏa thuận trọng tài phải được thể hiện dưới dạng văn bản, có thể nằm trong hợp đồng hoặc dưới hình thức một hợp đồng độc lập. Điều này giúp tạo nên sự tin tưởng giữa các bên, đồng thời là cơ sở ràng buộc trách nhiệm của các bên khi tranh chấp xảy ra. 

Hình thức của thỏa thuận trọng tài

Luật trọng tài của đa số các quốc gia trên thế giới thường quy định một thỏa thuận trọng tài phải được lập thành văn bản. Văn bản này có thể là một quy định sẵn trong hợp đồng hoặc là một thỏa thuận riêng biệt ngoài hợp đồng chính. Văn bản có thể được thể hiện dưới hình thức tài liệu, telex, thư điện tử,… Ngoài ra, một số nước còn có quy định cụ thể hơn về hình thức thỏa thuận trọng tài ký kết với người tiêu dùng.

Theo quy định tài Điều 16 LTTTM 2010 về hình thức thỏa thuận trọng tài thì thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thỏa thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản như xác lập thông qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật như thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên, thỏa thuận được luật sự, công chứng viên hoặc tổ chức có tẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên, trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác, qua trao đổi đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Như vậy, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận hình thức của thỏa thuận trọng tài được lập thành văn bản và không phụ thuộc vào yếu tố nó là một điều khoản hợp đồng hay một văn bản riêng biệt. Việc quy định như vậy nhằm hạn chế những tranh chấp xảy ra sau này về thỏa thuận trọng tài cũng như để làm căn cứ khởi kiện ra trọng tài thương mại hay tòa án có thẩm quyền. Quy định về hình thức của thỏa thuận trọng tài trong pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam như vậy là hoàn toàn hợp lý.

Pháp luật Việt Nam hiện hành về trọng tài thương mại
Pháp luật Việt Nam hiện hành về trọng tài thương mại

Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài

Pháp luật Việt Nam quy định, hiệu lực của thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hiệu lực của hợp đông chính. Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài được quy định tài Điều 19 LTTTM 2010 như sau: 

“Điều 19. Tính độc lập của thoả thuận trọng tài

Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài.”

Có thể nói, đây là một nguyên tắc rất quan trọng, đảm bảo mọi tranh chấp phát sinh trong phạm vi thẩm quyền của trọng tài đều được giải quyết kể cả khi hợp đồng vô hiệu.

Trên thực tế thỏa thuận về trọng tài thông thường được thể hiện đơn giản dưới hình thức một điều khoản trọng tài và đưa vào hợp đồng thương mại, tuy nhiên thỏa thuận này vẫn có một mức độ độc lập nhất định với hợp đồng chính. Hay nói cách khác, việc hợp đồng chính vô hiệu không dẫn đến thỏa thuận trọng tài vô hiệu, không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Chẳng hạn trong một số trường hợp như sau:

– Trong trường hợp bất khả kháng kéo dài khiến hợp đồng không thể thực hiện được, các bên phải chấm dứt hợp đồng nhưng điều khoản trọng tài vẫn phát huy hiệu lực để giải quyết vấn đề chấm dứt hợp đồng;

– Trong trường hợp hợp đồng đã được các bên thực hiện xong nhưng điều khoản trọng tài vẫn còn hiệu lực để có thể thành lập tổ chức trọng tài xem xét hậu quả pháp lý và nghĩa vụ của các bên;

– Trường hợp hợp đồng bị vô hiệu vì đối tượng của hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật nhưng điều khoản trọng tài thì vẫn có hiệu lực bởi đối tượng của thỏa thuận trọng tài là hoàn toàn hợp pháp;

– Trường hợp hợp đồng bị vô hiệu từng phần nhưng phần hợp đồng bị vô hiệu không tự động kéo theo sự vô hiệu của điều khoản trọng tài.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự vô hiệu của hợp đồng chính cũng sẽ làm cho điều khoản trọng tài cũng trở nên vô hiệu, chẳng hạn như nguyên nhân hợp đồng vô hiệu trùng với nguyên nhân làm điều khoản trọng tài vô hiệu: chủ thể không có thẩm quyền ký kết hợp đồng, nên hợp đồng vô hiệu, đồng thời thỏa thuận trọng tài cũng vô hiệu, hoặc việc ký kết hợp đồng vi phạm sự tự nguyện.

Bên cạnh mối liên hệ về hiệu lực giữa thỏa thuận trọng tài và hợp đồng chính, hiệu lực của thỏa thuận trọng tài đối với các chủ thể liên quan cũng là một vấn đề được pháp luật Việt Nam đề cập. 

– Đối với cơ quan trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Thông qua việc chỉ định trọng tài viên, các bên trao cho hội đồng trọng tài quyền hạn để giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài trao quyền cho hội đồng trọng tài quyết định giải quyết một tranh chấp mà các bên có nghĩa vụ đệ trình lên trọng tài. Quyết định này sẽ ràng buộc các bên và nó có thể được cưỡng chết thi hành bởi tòa án.

– Đối với Tòa án quốc gia: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi giữa các bên đã có thỏa thuận trọng tài thì khi tranh chấp phát sinh, các bên sẽ dùng phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp, Tòa án sẽ từ chối thụ lý đối với các tranh chấp này. Vấn đề này được quy định tại Điều 6 LTTTM 2010 như sau: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”.

Quy định này thể hiện rõ thái độ của Nhà nước đối với thỏa thuận trọng tài và nó như là sự đảm bảo của Nhà nước để thỏa thuận được tôn trọng và thực hiện một cách tốt nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu, không thể thực hiện được, Tòa án có thể thụ lý vụ án.

– Đối với các bên tham gia hợp đồng: Khi các bên đã có thỏa thuận trọng tài, các bên phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh từ thỏa thuận này và không bên nào được đơn phương thay đổi hoặc vi phạm nghĩa vụ trọng tài. 

Ngoài ra, LTTTM 2010 cũng có những quy định về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài khi có trường hợp có sự thay đổi của một bên trong hợp đồng. Theo đó, Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 LTTTM 2010 quy đinh: “2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.”

Thỏa thuận trọng tài vô hiệu và hậu quả của thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Thỏa thuận trọng tài vô hiệu là trường hợp các bên đã chấp thuận việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhưng vì một lý do của pháp luật, thỏa thuận trọng tài đó bị coi là vô hiệu. LTTTM 2010 quy định các trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu tại Điều 18 như sau:

– Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của trọng tài đã được quy định. Theo đó, các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của trọng tài được quy định tại Điều 2 LTTTM 2010 bao gồm các lĩnh vực sau: tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên có ít nhất một bên hoạt động thương mại, tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật cho phép được giải quyết bằng Trọng tài.

– Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Người có quyền ký kết hợp đồng thương mại của Công ty A là ông X, nhưng do ông X đang đi công tác nên ông Y, không có có thẩm quyền cũng không được ủy quyền, đã ký kết hợp đồng với Công ty B, vì vậy, hợp đồng ông Y đã ký kết với Công ty B bị vô hiệu, cũng như thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng cũng bị vô hiệu do người ký kết không có thẩm quyền.

– Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của BLDS. Ví dụ: Nguyễn Văn A năm nay 17 tuổi được bà B là mẹ của A, đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân Y ủy quyền ký kết hợp đồng sản xuất ô tô với Công ty X, do A chưa đủ tuổi thực hiện hợp đồng mua bán giá trị cao nên hợp đồng bị vô hiệu, đồng thời, thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng cũng sẽ vô hiệu.

– Hình thức của thỏa thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 LTTTM 2010. Ví dụ: Khi giao kết hợp đồng, Công ty A muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, công ty B cũng đã chấp thuận với phương án này, tuy nhiên, do trong hợp đồng không quy định cũng không có các văn bản khác tại thời điểm ký kết hợp đồng, hai bên quyết định rằng dù sao cũng đã chấp thuận với nhau như vậy nên cũng không cần lập thành văn bản nữa, như vậy, thỏa thuận trọng tài trong trường hợp này là vô hiệu.

– Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu.

  • Ví dụ: Khi giao kết hợp đồng, anh H không đồng ý với việc áp dụng phương thức trọng tài khi xảy ra tranh chấp mà muốn ra Tòa án giải quyết, dù bên công ty A cố gắng thuyết phục anh H chấp nhận nhưng vẫn không thành, công ty A dùng gia đình anh H ra để đe dọa anh, nếu anh không chấp nhận thì gia đình anh sẽ không được sống yên, vì vậy, anh H bắt buộc phải chấp nhận kí kết hợp đồng, tuy nhiên, sau đó, biết công ty A không thể làm gì được gia đình mình, anh H quyết định kiện ra Tòa án yêu cầu tuyên thỏa thuận trọng tài là vô hiệu do anh bị cưỡng ép.

– Để một thỏa thuận trọng tài được coi là có hiệu lực pháp luật thì thỏa thuận trọng tài đó không vi phạm điều cấm của pháp luật. Hay nói cách khác, thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi nó vi phạm các điều cấm của pháp luật. Các trường hợp thỏa thuận pháp luật cấm quy định tại Điều 123 BLDS 2015.

Pháp luật Việt Nam hiện hành về trọng tài thương mại
Pháp luật Việt Nam hiện hành về trọng tài thương mại

Hậu quả của thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Tùy thuộc vào từng giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp mà việc thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu có thể dẫn tới những hậu quả pháp lý khác nhau, cụ thể:

– Khi xem xét thụ lý đơn kiện, nếu có cơ sở để khẳng định thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì tổ chức trọng tài từ chối thụ lý vụ việc. Trường hợp các bên không xác lập được một thỏa thuận trọng tài mới có hiệu lực thì một bên tranh chấp có thể khởi kiện vụ việc ra tòa án.

–  Trong quá trình hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà phát hiện thỏa thuận trọng tài vô hiệu và các bên tranh chấp không đạt được thỏa thuận trọng tài mới có hiệu lực thì hội đồng trọng tài phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ việc. Trong trường hợp này một bên tranh chấp có thể khởi kiện vụ việc ra tòa án có thẩm quyền.

– Khi hội đồng trọng tài đã ra quyết định cuối cùng mà có một bên yêu cầu tòa án xem xét hủy phán quyết trọng tài thì trong quá trình xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nếu tòa án phát hiện thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu thì tòa án ra quyết định hủy phán quyết trọng tài. Trong trường hợp này, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận với nhau để đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết. Nếu các bên tranh chấp không đạt được thỏa thuận trọng tài mới thì một bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra tòa án giải quyết.

Biện pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về thỏa thuận trọng tài thương mại

Thứ nhất, văn bản hướng dẫn luật nên bổ sung và làm rõ khái niệm thế nào là “thỏa thuận trọng tài không thực hiện được” để các bên tranh chấp cũng như trọng tài viên dễ dàng áp dụng và đối chiếu giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, nên bổ sung quy định về nội dung thỏa thuận trọng tài trong LTTTM Việt Nam. Thực tế, có rất nhiều thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu do nội dung không rõ ràng, cụ thể. Để khắc phục tình trạng này, LTTTM Việt Nam cần có quy định cụ thể về nội dung của thỏa thuận trọng tài.

Thứ ba, pháp luật trọng tài Việt Nam nên bổ sung các quy định về trường hợp thỏa thuận trọng tài không thực hiện hoặc không thể thực hiện được và có thể quy định cho tòa án có thẩm quyền xét xử nếu thỏa thuận trọng tài rơi vào tình huống đó. Việc pháp luật trọng tài ghi nhận đối với trường hợp này một mặt tạo điều kiện cho trọng tài được phát triển vì Tòa án sẽ không can thiệp vào vụ việc nếu như các bên có thỏa thuận trọng tài, mặt khác tạo điều kiện cho các bên có thể giải quyết được tranh chấp trong trường hợp thỏa thuận trọng tài đó có sai sót khiên thỏa thuận trọng tài không thực hiện được. 

Thứ tư, pháp luật trọng tài của Việt Nam nên bổ sung quy định về luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài. Đây là nội dung rất quan trọng đối với việc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến thương mại quốc tế. Thực tế cho thấy, việc xem xét luật điều chỉnh hiệu lực thỏa thuận trọng tài phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng trọng tài sẽ có những quyết định riêng rẽ


Kết luận

Có thể thấy rằng, thỏa thuận trọng tài đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động trọng tài nói riêng, quá trình giải quyết tranh chấp nói chung. Trọng tài là phương thức được đánh giá cao trong việc giải quyết tranh chấp, giúp các bên có thể đảm bảo được quyền và lợi ích của chính mình trong quá trình giải quyết tranh chấp. Và để có thể giải quyết bằng phương thức trọng tài, đương nhiên các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Có thể nói thỏa thuận trọng tài là tảng đá đặt nền móng cho quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. 


Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Giáo trình Luật Thương mại tập II, 2017, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  2. Luật Trọng tài thương mại 2010.
  3. Đặng Thu Hằng, Pháp luật về thỏa thuận trọng tài ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2014, Khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-06-07/so-vu-giai-quyet-qua-trong-tai-van-chua-tao-duoc-nhieu-ky-vong-58411.aspx
  5. https://luatduonggia.vn/dieu-kien-co-hieu-luc-cua-thoa-thuan-trong-tai/
  6. http://luat247.vn/Dieu-kien-co-hieu-luc-cua-thoa-thuan-trong-tai-3A923172.html
  7. http://vi.sblaw.vn/giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai-bang-trong-tai-trong-nhung-truong-hop-nao/

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Bình luận quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về thỏa thuận trọng tài thương mại. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top