Bạn đang có ý định kinh doanh nhượng quyền thương hiệu nhưng vẫn còn do dự có nên hay không? Hãy tham khác bài viết của Luật Quang Huy về Ưu và nhược điểm nhượng quyền thương mại trước khi đưa ra quyết định của mình nhé.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Luật Thương mại Việt Nam 2005
Tổng quan về nhượng quyền thương mại
Khái niệm, đặc điểm Theo điều 284 Luật Thương mại 2005:
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, kinh doanh, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; Nhượng quyền thương mại coi trọng khâu tiêu chuẩn hóa sản phẩm và marketing. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phải đồng nhất hóa toàn bộ 100 phần trăm. Các công ty nhận quyền địa phương có quyền thay đổi đồ bán ra để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu trong nước.
Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Ưu, nhược điểm của hoạt động nhượng quyền thương mại
Từ quan điểm của doanh nghiệp nhượng quyền
Các công ty thường lựa chọn hình thức nhượng quyền khi họ thiếu vốn hay các kinh nghiệm quốc tế để lập cơ sở ở nước ngoài thông qua hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, hay khi việc đưa sản phẩm ra nước ngoài bằng các kênh phân phối độc lập hay cấp phép truyền thống không có hiệu quả. Khả năng sinh lời ở các thị trường nước ngoài thường lớn hơn nhiều so với thị trường trong nước.

Đối với các hãng nhượng quyền, nhượng quyền thương mại là một phương thức gia nhập thị trường có độ rủi ro và chi phí thấp. Nó cung cấp khả năng phát triển các thị trường quốc tế mới, có khoảng cách địa lý xa nhanh hơn và trên một quy mộ rộng hơn các doanh nghiệp không tham gia nhượng quyền. Doanh nghiệp nhượng quyền có thể thu được lợi nhuận bổ sung chỉ với những khoản đầu tư nhỏ về vốn, nhân viên, sản xuất và phân phối.
Một bất lợi lớn đối với người nhượng quyền là sự cần thiết phải duy trì kiểm soát đối với các cửa hàng ở nước ngoài. Do hoạt động tại nhiều thị trường đa dạng và phức tạp, nguy cơ tạo ra các đối thủ là rất lớn. Người nhượng quyền phải chia sẻ các bí mật kinh doanh và kiến thức chuyên môn. Khi hợp đồng chuyển nhượng chấm dứt, một số công ty nhận quyền sẽ lợi dụng kiến thức mới thu được để tiếp tục kinh doanh, thường là bằng cách thay đổi chút ít tên nhãn hàng hay thương hiệu của hãng chuyển nhượng. Một nguy cơ khác là các hãng nhận quyền hiện tại có thể hủy hoại hình ảnh của nhà nhượng quyền nếu họ không tuân thủ các quy định. Ngoài ra, bên nhượng quyền là cần phải nắm rõ luật pháp và quy định của nước ngoài.
Từ quan điểm của doanh nghiệp nhận quyền
Xét từ góc độ các doanh nghiệp nhận quyền, nhượng quyền đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn các công ty nhỏ thường không có nhiều nguồn lực trong khi năng lực quản lý còn yếu kém. Ưu điểm lớn nhất của mô hình này đối với bên nhận quyền là cho phép họ bắt đầu tiến hành kinh doanh bằng một mô hình đã được kiểm nghiệm. Thực tế, nhượng quyền không khác gì việc sao chép những hoạt động kinh doanh được coi là hiệu quả nhất. Nó khiến cơ hội thành công của các doanh nghiệp nhỏ tăng lên nhanh chóng nhờ tái tạo những mô hình kinh doanh có thực và đã được kiểm chứng
Các hình thức nhượng quyền thương mại
Câu chuyện nhượng quyền của thương hiệu Phở 24
Phở 24 là một thương hiệu kinh doanh nhà hàng phở đã từng rất nổi tiếng ở khắp các miền của Việt Nam, với công thức lưu truyền có 24 nguyên liệu trứ danh, giá một bát phở ban đầu lúc Phở 24 mới đi vào hoạt động cũng là 24 nghìn Đồng… Chủ sở hữu thương hiệu Phở 24 là ông Lý Quí Trung, chủ tịch tập đoàn An Nam, ông xây dựng nên thương hiệu này ở TP.HCM từ năm 2003 và đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu này tại Cục Sở hữu trí tuệ. Thương hiệu này cũng được đăng ký độc quyền tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ, Canada và các nước tham gia thỏa ước Madrid. Thương hiệu Phở 24 cũng là thương hiệu đầu tiên thực hiện nhượng quyền thương mại thành công ở Việt Nam và ở các nước khác, và trong giai đoạn đầu đã có những thành công nhanh chóng, nhưng từ năm 2011 trở đi lại gặp những vấn đề về mặt quản lí chuỗi, dẫn đến việc ông Trung đã phải bán lại thương hiệu này cho hãng đồ ăn nhanh Jollibee.
Mô hình nhượng quyền của Phở 24
Phở 24 đã áp dụng mô hình nhượng quyền độc quyền kinh doanh khu vực. Theo thỏa thuận , người mua độc quyền kinh doanh khu vực (còn gọi là Bên nhượng quyền thứ cấp) được cấp quyền thương mại trên toàn bộ hoặc một khu vực của một quốc gia. Người mua độc quyền kinh doanh khu vực, có thể là một cá nhân, một nhóm người hay một công ty, có quyền phát triển trên toàn bộ lãnh thổ hoặc nhượng lại quyền thương mại cho các bên thứ ba (Người mua quyền thương mại thứ cấp).
Bên nhượng quyền huấn luyện bên mua độc quyền kinh doanh khu vực. Đến lượt mình, người mua độc quyền kinh doanh khu vực sẽ tuyển chọn và đào tạo người mua quyền thương mại thứ cấp để quản lý những đơn vị kinh doanh riêng lẻ tại nước mình. Trên thực tế, người mua độc quyền kinh doanh khu vực là Bên nhượng quyền tại nước mình và hưởng một phần khoản phí bản quyền vì có công hỗ trợ người mua quyền thương mại riêng lẻ.
Ưu điểm
Áp dụng mô hình nhượng quyền độc quyền kinh doanh khu vực, Phở 24 đã khai thác được đầy đủ các ưu điểm của mô hình này, đó là sử dụng ít vốn và nhanh chóng mở rộng thị trường. Sau khi ra đời vào năm 2003, Phở 24 đã có thêm 60 nhà hàng tại Việt Nam. Như vậy, tốc độ phát triển của nó còn nhanh hơn tốc độ phát triển của thương hiệu đồ ăn nhượng quyền đắt nhất Việt Nam – KFC. Không những thế, Phở 24 – với doanh thu 20 triệu đôla vào năm ngoái – đã có thêm 20 cửa hàng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nhược điểm
Theo đánh giá của giới kinh doanh, sau khi nhượng quyền thương hiệu, nhiều cửa hàng Phở 24 đã không còn giữ được sự hấp dẫn về thương hiệu. Bên cạnh đó, Phở 24 bộc lộ rõ những điểm yếu của hệ thống nhượng quyền. Đáng lẽ, khi gia tăng quy mô hoạt động, thách thức trong quản trị chất lượng cũng tăng theo. Hình thức nhượng quyền đòi hỏi phải kiểm tra liên tục và nếu bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm soát bắt buộc của bên nhượng quyền thì phải kết thúc hợp đồng, nếu không muốn đánh mất hình ảnh thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng nhượng quyền của Phở 24 đã không còn giữ được phong cách phục vụ cũng như chất lượng món ăn như trước. Đó là chưa kể, ở từng cửa hàng khác nhau, mùi vị phở đã thấy có khác.
Phở 24 đã lâm vào tình trạng mất kiểm soát thương hiệu khi một số các nhà hàng thuộc hệ thống Phở 24 không chỉ tập trung bán phở mà có bán kèm cả cơm, lẩu, trong khi một số khác thì không… Bên cạnh đó, hệ thống nhận diện thương hiệu của chuỗi Phở 24 vẫn chưa có gì thay đổi từ khi người dùng phở biết đến thương hiệu này.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích ưu nhược điểm của nhượng quyền thương mại. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.