Phân tích và bình luận quy định tại Điều 177 Luật thương mại 2005 về thời hạn đại lý

Phân tích và bình luận quy định tại Điều 177 Luật thương mại 2005 về thời hạn đại lý
      Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ cũng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Một thương nhân không thể tự mình thực hiện mọi hoạt động kinh doanh từ khâu sản xuất cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm. Để luân chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn, các thương nhân đã hợp tác với các nhà trung gian chuyên nghiệp.
      Giao dịch trung gian trong hoạt động thương mại là phương thức giao dịch trong đó mọi việc thiết lập quan hệ giữa người mua, cung ứng dịch vụ và người bán hang hóa, sử dụng dịch vụ và việc xác định các điều kiện giao dịch phải thong qua một người trung gian. Ở Việt Nam, theo quy định trong Luật thương mại năm 2005, hoạt động trung gian thương mại được xác định là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định. Một trong số các hình thức trung gian thương mại khá phổ biến hiện nay là hình thức đại lý thương mại. Với hình thức này, thương nhân có thể mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình một cách nhanh chóng và tiết kiệm đáng kể chi phí trong quá trình phân phối sản phẩm…Trong hoạt động đại lý thương mại, các bên tham gia có các quyền và nghĩa vụ pháp lý được pháp luật thương mại quy định tương đối cụ thể, rõ ràng. Trong đó, một trong những quyền cơ bản là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

      Em xin chọn đề tài: “Phân tích và bình luận quy định tại Điều 177 Luật thương mại 2005 về thời hạn đại lý” để đi sâu tìm hiểu, phân tích nhằm đưa ra hướng hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ hội nhập ngày nay.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại (tập 2), Nxb. CAND, Hà Nội, 2006.
  • Luật Thương mại năm 2005.
  • Luật Thương mại năm 1997.
  • Bộ luật Dân sự năm 2005.
  • Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
  • Các quy định pháp luật Việt Nam về hoạt động đại lý thương mại: Khóa luận tốt nghiệp, Trần Trung Nguyên, năm 2006.

Khái quát chung về đại lý thương mại

Khái niệm, đặc điểm

Khái niệm

      Điều 166 Luật Thương mại năm 2005 (LTM năm 2005) quy định về Đại lý thương mại: “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó, bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hang hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.”

Đặc điểm của đại lý thương mại

      Thứ nhất, quan hệ đại lý mua bán hàng hóa phát sinh giữa bên giao đại lý và bên đại lý. Bên giao đại lý là bên giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là bên ủy quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ. Bên đại lý là bên nhận hàng hóa để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận ủy quyền cung ứng dịch vụ. Theo quy định tại Điều 167 LTM 2005, bên đại lý và bên giao đại lý đều phải là thương nhân.
      Thứ hai, Nội dung của hợp đồng đại lý bao gồm việc giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý giữa bên giao đại lý và bên đại lý và giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ giữa bên đại lý với bên thứ ba theo yêu cầu của bên giao đại lý. Như vậy, LTM 2005 đã mở rộng phạm vi hoạt động đại lí sang cả đại lí dịch vụ.
      Để thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý được quyền tự do lựa chọn bên thứ ba để giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ theo những quy định cụ thể trong hợp đồng đại lý. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với bên thứ ba, bên đại lý nhân danh chính mình và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng với bên thứ ba ràng buộc bên đại lý với bên thứ ba. Sau đó, bên đại lí trực tiếp thực hiện hợp đồng mua bán hang hóa hoặc cung ứng dịch vụ với bên thứ ba.
      Trong đại lý mua bán hàng hóa, theo quy định tại Điều 170 LTM, bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc tiền giao cho bên giao đại lý.
      Thứ ba, phạm vi hoạt động đại lý thương mại: LTM năm 2005 quy định đại lý thương mại không chỉ hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàn hóa mà còn cả cung ứng dịch vụ.
      Luật thương mại (LTM) 2005 không quy định các loại dịch vụ thương mại. Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì đại lý phải tuân thủ những quy định của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
      Thứ tư, quan hệ đại lý thương mại được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng đại lý được giao kết giữa thương nhân đại lý và thương nhân làm đại lý. Hợp đồng đại lý phải được giao kết bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

 Các hình thức đại lý

      Hình thức đại lý là cách thức mà các bên tham gia quan hệ đại lý lựa chọn để thực hiện hợp đồng đại lý. Hình thức đại lý có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể. Từ hình thức đại lý có thể xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên. Theo Điều 169 LTM năm 2005, đại lý bao gồm các hình thức sau:

      Đại lý bao tiêu: là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hóa hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý. Trong hình thức đại lý này, bên giao đại lý ấn định giá giao đại lý, bên đại lý quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, do đó, thù lao mà bên đại lý được hưởng là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán thực tế so với giá mua, giá bán do bên giao đại lý quyết định.

Phân tích và bình luận quy định tại Điều 177 Luật thương mại 2005 về thời hạn đại lý

      Đại lý độc quyền: là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua bán hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một số loại dịch vụ nhất định.
      Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý là đối tác trực tiếp của bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
      Các hình thức đại lý khác mà các bên đã thỏa thuận. Các bên tham gia quan hệ đại lý có thể thỏa thuận các hình thức đại lý khác như: đại lý hoa hồng, đại lý bảo đảm thanh toán,…Việc LTM 2005 mở rộng các hình thức đại lý thương mại đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân trong hoạt động kinh doanh của mình.

Phân tích và bình luận quy định tại Điều 177 Bộ luật dân sự

      Theo Điều 177 LTM 2005 quy định:
1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.
2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó; Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý.
      Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.
      Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý”.

Chủ thể và điều kiện thực hiện việc chấm dứt thời hạn đại lý

      Về chủ thể: chủ thể có quyền chấm dứt thời hạn đại lý thương mại là bên đại lý và bên giao đại lý.
      Điều kiện của chủ thể: bên đại lý và bên giao đại lý đều phải là thương nhân (Điều 167 LTM).
      Về điều kiện: Theo như Điều luật nếu không có thỏa thuận khác thì các bên có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý và chỉ cần thông báo cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý trong thời hạn quy định là sáu mươi ngày. Và việc thông báo chấm dứt hợp đồng đại lý phải được thể hiện bằng hình thức văn bản.
      Như vậy, thời hạn đại lý chấm dứt được xem xét khi đáp ứng đủ hai điều kiện:
      Thứ nhất, theo thỏa thuận giữa các bên: Nếu như các bên có thỏa thuận hợp đồng đại lý chấm dứt vào thời điểm thông báo hay hợp đồng đại lý chấm dứt khi một trong hao bên hoặc cả hai bên vi phạm nghĩa vụ … thì khi đó việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý sẽ được xem xét theo thỏa thuận giữa các bên.
      Thứ hai, theo quy định của pháp luật: Các bên có quyền chấm dứt thời hạn đại lý với điều kiện là thông báo cho bên kia bằng văn bản trong thời hạn hợp lý nhưng ít nhất là 60 ngày.

Các trường hợp các bên tham gia quan hệ đại lí có quyền chấm dứt thời hạn đại lý

      Về các trường hợp chấm dứt hợp đồng đại lí thương mại:
      Pháp luật thương mại Việt Nam hiện hành không quy định một cách tổng quát về các trường hợp chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại, song căn cứ vào quy định của BLDSnăm 2005, hợp đồng đại lý thương mại chấm dứt trong các trường hợp do các bên thỏa thuận và trong những trường hợp sau:
      Một là, hợp đồng đã được thực hiện xong, hết thời hạn hiệu lực.
      Hai là, một trong các bên tham gia hợp đồng chết, mất tích hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tư cách thương nhân.
      Ba là, hợp đồng đại lý bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện.
      Như phân tích đặc điểm của hợp đồng đại lí thương mại, đây là loại hợp đồng dịch vụ, do vậy, theo quy định Bộ luật dân sự 2005, các bên tham gia hợp đồng đại lý có quyền chấm dứt thời hạn đại lý của hợp đồng trong những trường hợp sau:
      Thứ nhất, việc tiếp tục hợp đồng không có lợi cho bên giao đại lý thì bên giao đại lý có quyền đơn phương chấm đứt hợp đồng.
      Thứ hai, bên giao đại lý không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận thì bên đại lý có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
      Tuy nhiên, căn cứ quy định của LTM, các bên có thể chấm dứt thời hạn hợp đồng đại lý thương mại và chỉ cần báo thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt thời hạn đại lý trong hợp đồng theo thời hạn quy định là sáu mươi ngày. Rõ ràng, quy định của LTM đã mở rộng phạm vi quyền của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng đại lí.

Về hậu quả pháp lý

      Nếu không có thỏa thuận khác, trong trường hợp bên giao đại lý yêu cầu  chấm dứt hợp đồng đại lý thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý.
      Giá trị khoản bồi thường được tính như sau:
      Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý.
      Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.
      Trong trường hợp bên đại lý yêu cầu chấm dứt hợp đồng đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.
      Ví dụ cụ thể: Công ty X và Công ty Y ký với nhau một hợp đồng đại lý. Theo đó, Công ty Y sẽ làm đại lý bán hàng hóa cho công ty X tại tỉnh H trong thời hạn 5 năm. Nhưng khi công ty Y làm đại lý cho công ty X mới được 4 năm thì công ty X thông báo cho công ty Y chấm  dứt hợp đồng đại lý. Công ty Y đã yêu cầu công ty X phải trả một khoản tiền tương đương với thời hạn 4 năm làm đại lý cho công ty X nhưng đã bị từ chối.
      Hợp đồng đại lý thương mại cũng như hợp đồng nói chung có thể chấm dứt trong một số trường hợp mà pháp luật quy định trong đó có trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng. Theo Điều 177 Luật thương mại:
      Thứ nhất, khi công ty Y đang làm đại lý cho mình nghĩa là trong thời hạn đại lý công ty Y đơn phương chấm dứt hợp đồng như vậy là không được phép. Theo quy định của pháp luật, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng cần có thông báo cho bên đại lý ít nhất trước 60 ngày nếu không có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, vụ việc không nói rõ về hợp đồng và các điều khoản hợp đồng mà hai bên ký kết trong trường hợp này nên rất khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Do đó, từ những dữ kiện của vụ việc ta có thể chia thành 2 trường hợp:
      Trường hợp thứ nhất là việc công ty X thông báo chấm dứt hợp đồng là chính xác nếu trong hợp đồng hai bên giao kết cho nhau có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào mình muốn và chỉ cần thông báo là hợp đồng đại lý đã chấm dứt.
      Trường hợp thứ hai là các bên không có thỏa thuận nào khác về việc chấm dứt hợp đồng đại lý thì áp dụng theo quy định pháp luật mà cụ thể là khoản 1 Điều 177 LTM  2005 thì dễ dàng nhận thấy việc công ty X không thực hiện việc thông báo cho bên công ty Y ít nhất trước 60 ngày trước ngày được quyền chấm dứt hợp đồng đại lý mà gửi ngay thông báo chấm dứt hợp đồng và chấm dứt ngay vào thời điểm thông báo việc chấm dứt đó là trái quy định của pháp luật. Sở dĩ như vậy bởi theo quy định của pháp luật thì công ty X sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi gửi thông báo trước cho công ty Y về việc chấm dứt hợp đồng ít nhất trước 60 ngày thì hợp đồng đại lý mới được quyền chấm dứt. Thiết nghĩ, quy định về về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do trong quan hệ đại lý là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên điều đó cần tuân thủ một số điều kiên nhất định của pháp luật. Mà ở đây là điều khoản về thời hạn báo trước (ít nhất 60 ngày) để bên kia có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh lại hoạt động đại lý của mình trước khi chấm dứt hoàn toàn hợp đồng đại lý. Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm khi một bên vi phạm đơn phương chấm dứt hợp đồng trước khi hết thời hạn đại lý.

      Thứ hai,việc công ty Y yêu cầu công ty X phải trả một khoản tiền tương đương với thời hạn 4 năm làm đại lý cho công ty X nhưng đã bị từ chối. Để xác định được công ty nào đúng, công ty nào sai chúng ta cần xác định thêm nhiều thông tin cần thiết nữa về hợp đồng này giữa hai bên. Chính vì hợp đồng đại lý là một loại hợp đồng dịch vụ dân sự nên nó mang những đặc điểm chung của hợp đồng dân sự đó là sự thỏa thuận. Nên với vụ việc dạng mở này ta cũng chia thành hai trường hợp như trên: trường hợp thứ nhất, nếu hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng đại lý trước đó về việc một bên đơn phương chấm đứt hợp đồng mà không phải bồi thường ( như là “B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường”..). Nếu như vậy thì việc bên công ty Y yêu cầu công ty X bồi thường  trả một khoản tiền tương đương với thời hạn 4 năm làm đại lý cho công ty X là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật và việc công ty X từ chối yêu cầu là hoàn toàn hợp lý; Trường hợp thứ hai, nếu hai bên công ty X và công ty Y không có thỏa thuận về việc bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì áp dụng quy định của pháp luật mà cụ thể là khoản 2 Điều 177 LTM 2005. Theo đó, công ty Y có quyền yêu cầu công ty X trả cho mình một khoản tiền tương đương với thời hạn 4 năm làm đại lý cho công ty X là hoàn toàn có căn cứ pháp luật và ngược lịa việc công ty X từ chối yêu cầu cảu công ty Y là hoàn toàn Sai, không có cơ sở pháp lý. Cũng theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 177 LTM 2005 thì giá trị bồi thường là một tháng thù lao một tháng đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm. VD: Giả sử một tháng thù lao là trung bình năm 1 là 5 triệu, năm 2 là 6 triệu, năm 3 là 5 triệu, năm 4 là 6 triệu thì khoản bồi thường sẽ là 5+ 6 + 5 + 6 = 22 triệu.


Một số điểm tích cực, hạn chế trong quy định về thời hạn chấm dứt hợp đồng đại lí thương mại

Điểm tích cực

      Quy định về chấm dứt thời hạn đại lý trong quan hệ đại lí thương mại trong LTM 2005 có nhiều điểm tiến bộ so với quy định trong LTM 1997. Điều 126 LTM 1997 quy định về các trường hợp được chấm dứt hợp đồng đại lý, trong đó, “một bên có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng khi việc vi phạm hợp đồng của bên kia là điều kiện để đình chỉ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận”. Nói cách khác, theo quy định của LTM 1997, các bên chỉ có quyền chấm dứt thời hạn đại lý khi bên kia không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, LTM 2005 quy định rộng hơn các trường hợp chấm dứt thời hạn đại lý của các bên, nếu không có thỏa thuận gi khác thì các bên có quyền chấm dứt thời hạn hợp đại lý bất cứ khi nào nhưng phải thông báo bằng văn bản trước một khoảng thời gian ít nhất là sáu mươi ngày.
      So với quy định của Bộ Luật dân sự 2005 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ thì quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý được quy định tại LTM 2005 cũng có sự mở rộng về các trường hợp đơn phuơng chấm dứt hợp đồng. Sự tự do chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại được quy định trong LTM 2005 sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên kia bởi quan hệ đại lý thương mại có sự gắn kết, phụ thuộc cao.

Hạn chế

      Là hoạt động trung gian thương mại, đại lý thương mại có vai trò quan trọng, là kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Ở Việt Nam, hoạt động đại lý thương mại đang ngày càng sôi động…Tuy nhiên, pháp luật quy định về hoạt động này vẫn còn chưa đáp ứng được những nhu cầu phát triển trên thực tế mặc dù hoạt động đại lý được quy định trong LTM 2005 cũng như nhiều luật chuyên ngành như hoạt động đại lý xăng dầu, hoạt động đại lý tàu biển, đại lý lữ hành du lịch…
      Mặc dù có những điểm tiến bộ so với LTM 1997, nhưng quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong quan hệ đại lí thương mại vẫn tồn tại những điểm bất cập. Cụ thể:
      Thứ nhất, về các trường hợp chấm dứt thời hạn đại lý thương mại. LTM 2005 quy định mở rộng các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại. Theo đó, nếu không có thỏa thuận khác, các bên có quyền chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại mà chỉ cần thông báo cho bên kia bằng văn bản trong thời hạn quy định. Cụ thể, pháp luật quy định thời hạn báo trước việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý ít nhất sáu mươi ngày để bên kia có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh lại hoạt động đại lý của mình trước khi chấm dứt hoàn toàn quan hệ đại lý. Quy định cụ thể thời hạn báo trước cũng như hình thức thông báo nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đại lý. Có thể thấy, quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý không cần lý do phù hợp với tinh thần chung của LTM 2005, phù hợp điều kiện hội nhập của đất nước.
Tuy nhiên, quy định tự do đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý của các bên trong nhiều trường hợp sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bên kia, đồng thời quy định này cũng khiến cho quan hệ đại lý không còn được vững chắc, gắn bó đúng như bản chất của nó, thương nhân cũng thiếu sự tin tưởng khiên cho việc thúc đẩy hoạt động thương mại thông qua đại lý thương mại cũng bị ảnh hưởng phần nào.
      Thứ hai, Khoản 3 Điều 177 LTM năm 2005 quy định: “Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý”. Quy định như vậy chưa thực sự hợp lý, chưa bảo vệ được quyền lợi của bên đại lý trong trường hợp bên giao đại lý không thực hiện, thực hiện không đủ, thực hiện không đúng nghĩa vụ buộc bên đại lý phải chấm dứt hợp đồng.
      Thứ ba, về hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý:
      Về  việc đòi bồi thường của bên đại lý khi bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng quy định chưa hợp lý, chưa bao quát được tất cả các trường hợp. Không phải trong bất cứ trường hợp nào bên giao đại lý yêu cầu chấm dứt hợp đồng cũng là vi phạm hợp đồng đã kí. Ví dụ như đối với hợp đồng đại lý không xác định thời hạn, trong trường hợp không có vi phạm thì việc trả tiền bồi thường đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý của bên giao đại lý cần được xác định hợp lý hơn.
      Về mức bồi thường khi bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng: Điều 177 LTM 2005 quy định “Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý”. Cách quy định giá trị khoản bồi thường như vậy mang tính chủ quan, không phù hợp với nguyên tắc tính bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, trên thực tế quan hệ đại lý thường được thực hiện trong thời gian dài và để thực hiện dịch vụ đại lý cho bên giao đại lý, bên đại lý có thể phải bỏ khá nhiều chi phí. Nếu bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý sẽ gây thiệt hại cho bên đại lý.
      Đề xuất các giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về thời hạn chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại
      Đại lý thương mại là hoạt động đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Đây là kênh phân phối lớn để đưa hàng hóa dịch vụ của người sản xuất, người cung ứng đến với người tiêu dùng, người sử dụng. Để đảm bảo cho hoạt động đại lý có hiệu quả và ổn định, LTM cần có những quy định chặt chẽ hơn để các chủ thể tham gia có cơ chế pháp lý hoạt động, tránh những tranh chấp không đáng có, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong quan hệ đại lý.
      Tuy nhiên, với sự thay đổi không ngừng của các quan hệ kinh tế, pháp luật không thể điều chỉnh triệt để được, hơn nữa, trong quan hệ dân sự, quan hệ thương mại, yếu tố tự do thỏa thuận được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình và tránh những tranh chấp, những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, các bên tham gia quan hệ đại lý cần có những quy định cụ thể và chi tiết về tất cả các vấn đề liên quan đến hợp đồng đại lý, đặc biệt trong đó đến trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng và vấn đề bồi thường thiệt hại.
      Hợp đồng đại lý thương mại là một loại hợp đồng dịch vụ, do đó, vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý cần được quy định phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Nói cách khác, vấn đề liên quan đến việc bồi thường thiệt hại khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý đã được Bộ luật dân sự 2005 giải quyết khá thỏa đáng, do đó, các quy định tại LTM không cần quy định về vấn đề này, nếu có quy định thì nên quy định cụ thể rõ ràng nhưng phải phù hợp với luật dân sự, phù hợp với nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Cụ thể, nếu trong trường hợp việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đại lý không có lợi cho bên giao đại lý thì bên giao đại lý có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên đại lý đã thực hiện và bồi thường thiệt hại bao gồm những thiệt hại thực tế có thể tính toán được.
      LTM cần quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý trong trường hợp hai bên không thỏa thuận về thời gian làm đại lý. Trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường của bên giao đại lý cần được xem xét hợp lý hơn bởi trong trường hợp này, đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý thường không có sự vi phạm của các bên.
      LTM 2005 chỉ quy định quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bên đại lý nhưng bên giao đại lý cũng cần được sự bảo vệ của pháp luật khi bên đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng. Khi bên đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng, bên giao đại lý cũng phải gánh chịu những hậu quả như: hàng hóa giao cho bên đại lý không đảm bảo số lượng cũng như chất lượng do quy trình bảo quản, bên đại lý tiết lộ bí mật kinh doanh cho bên đối thủ hoặc bên đại lý bán hàng hóa dịch vụ giá cao hơn giá bên giao đại lý ấn định (đối với đại lý hoa hồng). Như vậy, bên giao đại lý cũng là bên phải gánh chịu những thiệt hại nhất định của việc chấm dứt thực hiện hợp đồng nên LTM 2005 cũng cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi cho bên giao đại lý khi bên đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng.
      Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3 Điều 177 LTM 2005, trong mọi trường hợp bên đại lý yêu cầu chấm dứt hợp đồng thì đều không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường; quy định này sẽ không bảo vệ quyền lợi của bên đại lý trong trường hợp bên giao đại lý không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ buộc bên đại lý phải chấm dứt hợp đồng. Việc bên đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng không phải do lỗi của họ mà do bên giao đại lý vi phạm nghĩa vụ thì thiệt hại của bên đại lý ngày càng nặng nề hơn. Như vậy, khoản 3 Điều 177 LTM 2005 cần cần được sửa đổi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên đại lý theo hướng như sau: Trong trường hợp bên giao đại lý không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng theo thỏa thuận thì bên đại lý có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và được yêu cầu bồi thường thiệt hại.
      Đại lí thương mại là một hoạt động đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Đây là kênh phân phối tương đối lớn để đưa hàng hoá, dịch vụ của người sản xuất, người cung ứng đến với người tiêu dùng, người sử dụng. Vì vậy, Luật thương mại cần có các quy định chặt chẽ và cụ thể hơn để các chủ thể tham gia có cơ chế pháp lý hoạt động tránh những tranh chấp không đáng có, bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ.

      Hiện nay, trong hoạt động kinh doanh, thương nhân sẽ kinh doanh có hiệu quả hơn nếu biết cách sử dụng dịch vụ trung gian thương mại một cách hợp lí. Theo đó, hoạt động đại lí cùng với các hoạt động khác thực tế đã đem lại hiệu quả rất lớn cho nền kinh tế cũng như cho các chủ thể kinh doanh. Do vậy, như đã phân tích, đối với các hoạt động đại lí thương mại, pháp luật quy định rất cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia, nhằm bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia vào quan hệ đại lí, đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của dịch vụ này. Đặc biệt, quyền về đơn phương chấm dứt hợp đồng khi tiến hành hoạt động đại lí thương mại trong những trường hợp một bên nhận thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo. Do vậy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan là rất cần thiết, nhằm tạo một hành lang pháp lý chặt chẽ, góp phần áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích và bình luận quy định tại Điều 177 Luật thương mại 2005 về thời hạn đại lý. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top