Bình luận về vụ kiện DS404 mà Việt Nam đã tham gia với tư cách nguyên đơn trong cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO

      WTO ra đời đã thúc đẩy quá trình hợp tác thương mại quốc tế, điều tiết hoạt động thương mại giữa các quốc gia trên thế giới. Chống bán phá giá là một trong những biện pháp cơ bản trong thương mại hàng hóa quốc tế. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Bình luận về vụ kiện DS404 mà Việt Nam đã tham gia với tư cách nguyên đơn trong cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO”


Danh mục tài liệu tài liệu tham khảo

  • Giáo trình môn thương mại quốc tế trường Đại học Luật Hà Nội
  • Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT 1994
  • Tuyên bố Marrakesh 1994
  • Bài viết: Việt Nam thắng Mĩ trong vụ kiện tôm tại WTO: Một số bình luận và lưu ý. Tác giả. Ths Nguyễn Tiến Hoàng. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới

Khái quát về chống bán phá giá

Khái niệm chống bán phá giá

          Điều VI Hiệp định GATT 1994 quy định về chống BPG như sau: “Các bên kí kết nhận thấy rằng bán phá giá, với việc sản phẩm của một nước này được đưa vào kinh doanh trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị bình thường của sản phẩm này, phải bị lên án nếu việc đó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại vật chất đáng kể cho một ngành kinh tế tại  lãnh thổ của một bên kí kết hay thực sự làm chậm trễ sự thiết lập một ngành kinh tế trong nước”.

          Theo đó, một sản phẩm bị coi là bán phá giá nếu giá xuất khẩu của sản phẩm đó thấp hơn giá có thể so sánh được trong điều kiện thương mại bình thường (giá trị bình thường) của sản phẩm tương tự được tiêu thụ tại thị trường nước xuất khẩu. Hiệp định ADA cho phép chính phủ các nước có biện pháp chống BPG khi ngành sản xuất trong nước thực sự bị thiệt hại vật chất do việc BPG gây ra. Muốn vậy, chính phủ nước có liên quan phải chứng minh được là có hành vi BPG, tính được biên độ phá giá và chứng minh được rằng việc BPG đang gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại vật chất đáng kể.

Bình luận về vụ kiện DS404 mà Việt Nam đã tham gia với tư cách nguyên đơn

Biện pháp chống bán phá giá

          Biện pháp chống BPG thường được quy định là đánh thuế quan bổ sung lên sản phẩm bị coi là BPG nhằm đẩy giá của sản phẩm đó ngang bằng với “giá trị bình thường” hoặc nhằm chấm dứt thiệt hại mà ngành sản xuất của nước nhập khẩu phải chịu. Một biện pháp chống BPG chỉ được áp dụng nếu việc phá giá gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại vật chất đáng kể cho ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Do đó, trước khi áp dụng biệp pháp chống BPG, nước nhập khẩu phải tiến hành điều tra kĩ càng, phù hợp với những quy trình tố tụng cụ thể.

Bình luận về vụ kiện DS404

Tóm tắt những nét chính của vụ kiện DS404

          DS404 là vụ tranh chấp đầu tiên về chống BPG mà Việt Nam khởi kiện ra WTO. Ngày 01/02/2010, Chính phủ Việt Nam đã gửi yêu cầu tham vấn đến Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đế các biện pháp chống BPG đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Các bên tham gia bao gồm: Việt Nam (nguyên đơn); Hoa Kỳ (bị đơn); Các bên thứ ba: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ.

          Cụ thể, Việt Nam khiếu nại các biện pháp sau đây của USDOC là vi phạm quy định của WTO:

      Sử dụng phương pháp Zeroing trong tính toán biên độ giao động BPG;

      Giới hạn số lượng bị đơn được lựa chọn điều tra trong điều tra ban đầu và rà soát hành chính;

      Phương thức xác định thuế suất áp dụng đối với các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn trong điều tra tại các đợt rà soát hành chính lần thứ 2 và 3;

        Phương pháp xác định mức thế suất toàn quốc dựa trên thông tin sẵn có gây ra bất lợi đối với những DN Việt Nam không chứng minh được sự độc lập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ với Nhà nước.

          Kết quả: Ngày 11/07/2011 Ban hội thẩm đã ra báo cáo công bố Việt Nam thắng kiện và yêu cầu Mĩ phải điều chỉnh các biện pháp liên quan cho phù hợp theo quy định của WTO.

Bình luận về vụ kiện DS404

Đối với vấn đề Zeroing

          Phương pháp Zeroing là tách riêng từng giao dịch và chỉ lấy những giao dịch có biên độ dương để tính khối lượng BPG. Còn các giao dịch có biên độ phá giá âm thì coi như không BPG và không tính vào khối lượng BPG chung. Cách thức này gọi là “quy về 0” và là chủ đề được tranh cãi gay gắt trong thực tiễn chống BPG quốc tế. Không chỉ có sự thiệt thòi hơn dành cho DN xuất khẩu, cách thức quy về 0 còn không thuyết phục được về tính công bằng bởi vì sẽ làm sai lạc không chỉ biên độ BPG mà cả kết luận về việc có tồn tại BPG hay không.

          Với việc áp dụng cách tính toán không hợp lý thông qua phương pháp Zeroing, DOC đã kết luận Việt Nam BPG vào ngày 01/02/2005 và ban hành lệnh áp thuế chống BPG đối với các DN xuất khẩu tôm Việt Nam: công ty thủy sản Minh Phú (4.21%), công ty cổ phần chế biến thủy sản Minh Hải (4.13%), tổng công ty xuất nhập khẩu và chế biến thủy sản đông lạnh Cà Mau (4.99%) là ba DN bị đơn bắt buộc của Việt Nam trong vụ kiện.

          Quyết định của DOC về mức thuế suất cuối cùng áp dụng đợt rà soát hành chính lần 2 là bất công và đã làm DN xuất nhập khẩu Việt Nam rơi vào tình thế rất khó khăn vì các DN của Việt Nam được DOC lựa chọn điều tra và tính thuế suất riêng (Minh Phú và Camimex) đều có mức thuế suất không đáng kể (làm tròn về 0). Mặc dù đã nộp đơn xin rà soát lại mức thuế suất nhưng các DN là bị đơn tự nguyện của Việt Nam không được DOC xem xét số liệu và hồ sơ để tính thuế riêng và cũng không được hưởng mức thuế suất bằng 0 khi mức thuế tính cho tất cả các bị đơn bắt buộc là 0 hoặc không đáng kể.

          Trước khi ADA 1994 được ban hành, WTO chưa có các quy định cụ thể về vấn đề “quy về 0”. Chính vì vậy cách tính này vẫn còn được áp dụng khá nhiều bởi các nước phát triển như EU, Hoa Kỳ nhằm bảo hộ ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, khi ADA 1994 của WTO được ban hành thì cách tính quy về 0 đã được hiểu là không được phép áp dụng trong quá trình tính toán biên độ phá giá. WTO đã thể hiện rất rõ quan điểm của này trong các án lệ của mình sau đó ví dụ trong vụ Bed linen và vụ US – Lumber V năm 2004.

          Vì thế, cơ quan phúc thẩm kết luận rằng việc tính biên độ BPG theo thương vụ kết hợp với phương pháp quy về 0 vi phạm yêu cầu liên quan đến việc so sánh công bằng tại Điều 2.4 của ADA. Do vậy không cần kết luận thêm về việc phương pháp này vi phạm một quy định nào khác của WTO để giúp cho việc giải quyết tranh chấp hay thực hiện phán quyết. Kết luận này của Ban hội thẩm là phù hợp với kết luận trong nhiều tranh chấp trước đây của WTO về vấn đề tương tự, đảm bảo công bằng trong việc áp dụng pháp luật của WTO và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN.

Đối với vấn đề thuế suất toàn quốc

          Mức thuế chống BPG của DOC có sự phân biệt giữa các nước có nền kinh tế phi thị trường và các nước được chỉ định là có nền kinh tế thị trường. Đối với các nước có nền kinh tế thị trường, DOC tuân thủ Hiệp định AD và tính toán các mức thuế suất riêng lẻ cho từng bị đơn bị điều tra và một mức thuế suất bình quân gia quyền của các bị đơn này để áp dụng cho tất cả các bị đơn không bị điều tra riêng lẻ còn lại trong cùng một đợt rà soát. Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế phi thị trường, DOC bắt buộc các DN không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc phải nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng lẻ và những DN mà không làm như vậy hoặc không thỏa mãn các tiêu chí được hưởng thuế suất riêng lẻ thì phải chịu thuế suất toàn quốc. Trong tiến trình vụ kiện đối với nền kinh tế phi thị trường, DOC đưa ra một nhận định thiếu căn cứ rằng tất cả các DN ở nước đó đang hoạt động dưới một thể chế chính phủ đơn nhất nắm quyền trên toàn quốc và vì vậy phải chịu cùng một mức thuế suất chống BPG.

          Các DN thất bại trong việc xin hưởng mức thuế suất riêng lẻ thì phải chịu mức thuế suất toàn quốc, việc này mang tính định kiến và rất bất lợi cho DN. Trong vụ này, DOC đã áp mức thuế suất 25,76% trong khi mức thuế suất riêng lẻ cho các đơn vị chỉ là 4.38%.

          Thực tiễn áp dụng một mức thuế suất toàn quốc không được Hiệp định AD khuyến khích hay cho phép và không phù hợp với các nghĩa vụ trong WTO vì bản thân mức thuế này là một mức thuế trừng phạt. Thực tiễn này cũng đòi hỏi các nhà sản xuất ở các nền kinh tế phi thị trường mà không phải là bị đơn bắt buộc phải cung cấp các thông tin mà các bị đơn không bắt buộc ở các nền kinh tế thị trường không phải làm. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng đối với các bị đơn ở các nền kinh tế phi thị trường.

          Như vậy, việc áp dụng thuế suất toàn quốc của DOC là một hành động bất hợp lý. Việc Ban hội thẩm ủng hộ quan điểm của Việt Nam, kết luận Mĩ vi phạm Điều 9.4 của Hiệp định AD khi áp dụng mức thuế suất toàn quốc là một phán quyết có tính bước ngoặt trong tiến trình hoạt động thương mại quốc tế.

Về việc hạn chế số lượng bị đơn bắt buộc

          DOC dựa vào việc sử dụng điều tra mẫu để lựa chọn các công ty bị điều tra hay rà soát riêng lẻ các vụ điều tra chống BPG. Luật chống BPG của Mĩ cho phép DOC có thẩm quyền giới hạn cuộc điều tra chỉ đối với một số nhà sản xuất được lựa chọn. Trong vụ kiện này, số lượng DN Việt Nam được chọn mẫu rất ít, trong đợt rà soát lần 1 Việt Nam có 84 DN bị đơn nhưng chỉ 3 DN được chọn mẫu, lần 2 có 101 doanh nghiệp nhưng chỉ chọn 2,.. DOC cũng hạn chế số DN Việt Nam được tính biên độ BPG riêng rẽ. DOC cho rằng, việc rà soát tất cả các DN là không khả thi và không đủ nguồn lực để thực hiện trong thời hạn định trước.

          Việc hạn chế điều tra của Mĩ dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi cho các DN Việt Nam bởi vì những DN không có cơ hội được tham gia vào vụ kiện phải chấp nhận mức thuế do DOC xác định dựa trên mức thuế của các công ty bị điều tra. Vì vậy, những nhà sản xuất không được lựa chọn thì hoàn toàn phụ thuộc vào các bị đơn được lựa chọn.

          Tuy nhiên, Ban hội thẩm đã bác khiếu kiện của Việt Nam vì cho rằng khiếu kiện này chỉ mang tính nguyên tắc, trong thực tế điều tra vụ tôm, không có DN nào trong diện liên quan.

Liên quan đến khiếu kiện về mức thuế suất áp dụng cho các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn

          Điều 9.4 quy định trường hợp liên quan đến mức thuế áp dụng đối với các DN không thuộc điện điều tra và đưa ra một điều kiện: các cơ quan thẩm quyền trong quá trình thực thi quy định tại khoản này sẽ không xét tới các trường hợp có biên độ BPG bằng 0 hoặc ở mức de minimins hoặc ở mức biên độ được xác định theo như Khoản 8 Điều 6 (tức là dựa trên những chứng cứ có sẵn). Đây là một lỗ hổng của điều 9.4 bởi nó không quy định mức độ tối đa của thuế chống BPG áp dụng trong trường hợp tất cả các biên độ BPG đều bị loại bỏ khỏi quá trình tính toán. Trong vụ kiện này, vấn đề đặt ra rơi vào trường hợp này, bởi tất cả các DN thuộc diện bị điều tra trong các cuộc rà soát hành chính thứ 2 và thứ 3 đều được kết luận là có biên độ BPG bằng 0 hoặc de minimis.

          Trong kì rà soát hành chính lần thứ 2 DOC đã áp dụng với các DN không thuộc diện điều tra mức bình quân gia quyền của tất cả các mức thuế của các DN được điều tra trong đó có cả mức 0 và de minimis. Tuy nhiên, trong kết luận cuối cùng, DOC lại áp dụng mức thuế tính được trong kì điều tra mức BPG đầu tiên (4.57%). Các quyết định tương tự cũng được đưa ra trong đợt rà soát lần 3. Kết luận của DOC là không hợp lý và công bằng bởi vì mức thuế 4.75% áp dụng cho các DN không được điều tra là không phù hợp với luật WTO bởi việc tính biên độ BPG bằng phương pháp Zeroing không phù hợp với quy định của ADA và việc áp dụng mức thuế cho các DN không được điều tra dựa trên các biên độ được tính trong các kì rà soát và điều tra trước là không phù hợp với Điều 9.4, 17.6(i) và 2.4 của ADA.

          Dựa trên những chứng cứ của Việt Nam đưa ra, Ban hội thẩm đã ủng hộ khiếu kiện của Việt Nam về việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế suất không phù hợp cho các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Bình luận về vụ kiện DS404 mà Việt Nam đã tham gia với tư cách nguyên đơn trong cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top
MỤC LỤC