Kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

       Theo quy định của Luật ngân hàng Nhà nước 2010, hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

        Để đảm bảo an toàn của hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện chức năng của mình, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng việc kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.


Danh mục từ viết tắt:

NHNN Ngân hàng Nhà nước
TCTD Tổ chức tín dụng
NHTM Ngân hàng thương mại
BKSĐB Ban kiểm soát đặc biệt
ĐHĐCĐ Đại hội đồng cổ đông

Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Luật Các Tổ chức tín dụng 2010.
  • Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam
  • Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • TT 11/2019/TT-NHNN kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng 
  • Dương Kim Thế Nguyên (2014), “Biện pháp kiểm soát đặc biệt với việc xử lý tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, 3, 43-51,84. 
  • Dương Kim Thế Nguyên (2014), “Kiểm soát đặc biệt trong phòng ngừa tình trạng mất khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng”, Tạp chí Quản lý Nhà nước, 8, 70-74. 

Những vấn đề cơ bản về TCTD và kiểm soát đặc biệt đối với TCTD

Giới thiệu chung về TCTD

      Tổ chức tín dụng (TCTD) là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. TCTD bao gồm ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân (khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng). Như vậy, TCTD cũng là một doanh nghiệp có chức năng kinh doanh.  Khác với các doanh nghiệp thông thường, TCTD là một loại doanh nghiệp đặc biệt, thể hiện ở nội dung hoạt động và cách thức hoạt động. Về nội dung hoạt động, TCTD hoạt động với tư cách là một trung gian tài chính trong nền kinh tế. Về cách thức hoạt động, TCTD có thể có rất nhiều tài khoản phục vụ cho hoạt động của mình và đồng thời phải quản lý một số lượng tài khoản vô cùng lớn của khách hàng. Chính vì vậy, khả năng tác động của TCTD, đặc biệt là ngân hàng thương mại, đối với nền kinh tế rất lớn. Chỉ cần một ngân hàng sụp đổ sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường cho hệ thống tài chính quốc gia, cụ thể như sau: 

      Thứ nhất, phá sản TCTD sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi người gửi tiền. Đối với khách hàng là cá nhân, khoản tiền gửi trong TCTD là khoản tiền tiết kiệm mà họ tích góp được trong quá trình lao động. Họ gửi tiền vào TCTD với hy vọng đảm bảo an toàn cho khoản tiền gửi và thu được một khoản lãi từ số tiền này. Đối với khách hàng là tổ chức, đây là khoản tiền vốn nhàn rỗi chưa có nhu cầu sử dụng hoặc khoản lợi nhuận không chia nhằm tái sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Xuất phát từ tầm quan trọng của khoản tiền gửi đối với người gửi tiền, việc tổ chức nhận tiền gửi bị tuyên bố phá sản sẽ gây ra hậu quả không nhỏ đối với đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người gửi tiền. 

      Thứ hai, phá sản TCTD sẽ gây đổ vỡ cả hệ thống tài chính. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng domino” trong phá sản. Theo lý thuyết chung, trong nền kinh tế, các doanh nghiệp đều có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với nhau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Một doanh nghiệp bị phá sản thì tất yếu sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của những doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác với nó và dần dần sự đổ vỡ này sẽ lan sang các doanh nghiệp khác, cuối cùng sẽ gây sụp đổ cả nền kinh tế. Đối với TCTD, do là một loại doanh nghiệp đặc biệt nên hiệu ứng domino diễn ra càng nhanh và gây hậu quả nặng nề hơn. Theo đó, việc một số khách hàng bị mất tiền gửi tại TCTD bị tuyên bố phá sản sẽ gây tâm lý hoang mang cho khách hàng gửi tiền ở những TCTD khác, dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt trong hệ thống TCTD. Khi tất cả khách hàng đều yêu cầu rút tiền trước thời hạn, TCTD sẽ không thể xoay vòng vốn và không đủ khả năng chi trả, điều này có thể dẫn đến nguy cơ phá sản ở cả những TCTD lẽ ra đang hoạt động bình thường. 

      Thứ ba, phá sản TCTD sẽ gây mất trật tự xã hội. Việc người dân chen chúc, đổ xô đi rút tiền với tâm lý hoang mang cũng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến trật tự an toàn xã hội và sẽ rất khó cho cơ quan chức năng trong việc ổn định trật tự và trấn an người dân khi toàn bộ tài sản của họ đều đang ủy thác cho TCTD. Bên cạnh đó, khi hệ thống TCTD sụp đổ, số lượng lớn người lao động làm việc trong TCTD sẽ bị thất nghiệp và khó có thể tìm được công việc phù hợp trong thời gian ngắn. Đây sẽ là một gánh nặng rất lớn cho xã hội. 

      Từ những hậu quả nặng nề mà việc phá sản TCTD có thể gây ra cho nền tài chính quốc gia, việc phá sản TCTD trở thành một trong những vấn đề nhạy cảm được Nhà nước cân nhắc rất kỹ lưỡng. Đó là lý do tại sao trong một khoảng thời gian dài từ khi Luật Phá sản lần đầu tiên được ban hành vào năm 1993 đến nay, Tòa án Việt Nam chưa từng tiếp nhận bất kỳ vụ việc phá sản nào liên quan đến TCTD trong khi số lượng TCTD hoạt động yếu kém ở nước ta không nhỏ. 

Kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng
Kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

Khái niệm và đặc điểm của kiểm soát đặc biệt

Khái niệm

      Khi một TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp quản lý nghiệp vụ đặc biệt để kiểm soát, giám sát trực tiếp tình hình tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, giúp đỡ tổ chức tín dụng và bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính trong nền kinh tế. Các biện pháp này gọi là kiểm soát đặc biệt.

Kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

      Ở Việt Nam, “kiểm soát đặc biệt” được đề cập trong pháp lệnh ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính ngày 23/5/1990, dưới khái niệm “tình trạng bảo tồn và áp dụng các biện pháp nhằm khôi phục tình hình”. “Trong trường hợp tình hình tài chính của một tổ chức tín dụng diễn biến theo chiều hướng có nguy cơ không đủ khả năng chi trả cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước có thể đặt tổ chức tín dụng đó trong tình trạng bảo tồn và áp dụng các biện pháp nhằm khôi phục tình hình trở lại bình thường. Trong quá trình bảo tồn hoặc khi kết thúc thời hạn bảo tồn, nếu xét thấy tổ chức tín dụng đó không thể phục hồi hoặc việc phục hồi không đem lại lợi ích hơn là giải thể, Ngân hàng Nhà nước công bố tổ chức tín dụng đó không có khả năng trả nợ và phải giải thể” (Điều 45). Khái niệm “kiểm soát đặc biệt” được sử dụng chính thức trong Luật các tổ chức tín dụng 1997. Luật các Tổ chức tín dụng 2010 hiện hành định nghĩa: “Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán”.

Đặc điểm 

      Kiểm soát đặc biệt là một giải pháp được thực hiện bởi một chủ thể thể bên ngoài tổ chức tín dụng: Đây là biện pháp quản lý Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng đối với tổ chức tín dụng được thực hiện dưới phương thức tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán (Điều 146 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010)

      Kiểm soát đặc biệt chỉ được tiến hành khi tổ chức tín dụng có nguy cơ bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả: Khác với hoạt động giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ do cơ quan giám sát ngân hàng thực hiện đối với mọi tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc biệt chỉ áp dụng đối với các Tổ chức tín dụng có nguy cơ bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả. 

      Mục đích của kiểm soát đặc biệt trước hết là để hạn chế đến mức thấp nhất sự đổ vỡ của tổ chức tín dụng bị kiểm soát, khoanh vùng, hạn chế sự lan rộng sang các tổ chức tín dụng khác gây ra những bất ổn trong hệ thống tổ chức tín dụng. Thực chất hoạt động kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm phục hồi năng lực tài chính và năng lực quản lý cho tổ chức tín dụng. Chính vì thế, chỉ có những tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả thì mới phải chịu sự kiểm soát đặc biệt của ngân hàng Nhà nước.  

      Kiểm soát đặc biệt có tính áp đặt đối với một tổ chức tín dụng: kiểm soát đặc biệt được tiến hành dựa trên một quyết định hành chính để thực hiện các hoạt động hỗ trợ và giúp đỡ ngân hàng phục hồi năng lực tài chính cho tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh toán.  

      Quá trình kiểm soát đặc biệt có thể phát sinh những hệ quả khác nhau: kết thúc quá trình kiểm soát đặc biệt, có thể đưa đến hệ quả: (a) TCTD được phục hồi, (b) TCTD được tổ chức lại bằng cách sáp nhập hay hợp nhất vào một doanh nghiệp khác, (c) TCTD chuyển sang bước tiếp theo là thủ tục giải thể hay thủ tục phá sản.


Những nội dung cơ bản của pháp luật về kiểm soát đặc biệt của tổ chức tín dụng ở Việt Nam

Các trường hợp kiểm soát đặc biệt

      Theo quy định tại Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 27 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 thì các trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt được quy định cụ thể như sau:

      Tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau đây:

  •  Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
  •  Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;
  •  Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục;
  •  Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

      Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.

Hình thức kiểm soát đặc biệt

      Căn cứ vào thực trạng, mức độ rủi ro trong hoạt động của TCTD, Thống đốc NHNN hoặc Giám đốc NHNN chi nhánh xem xét, quyết định:

      Đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện;

      Nội dung, phạm vi, biện pháp, công việc kiểm soát hoạt động phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt và nội dung quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 11.

      Trong đó:

      Giám sát đặc biệt là việc đặt TCTD dưới sự kiểm soát trực tiếp của NHNN thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm soát trực tiếp từ xa, kiểm tra tại chỗ của Ban kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động của TCTD.

      Kiểm soát toàn diện là việc đặt TCTD dưới sự kiểm soát trực tiếp của NHNN thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm soát trực tiếp tại chỗ của Ban kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động hằng ngày của TCTD.

Chủ thể tiến hành 

      Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người có thẩm quyền quyết định việc đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt;  thời hạn, gia hạn thời hạn, chấm dứt kiểm soát đặc biệt và nội dung giám sát đặc biệt, nội dung kiểm soát toàn diện và quyết định thành lập Ban kiểm soát đặc biệt…  dựa trên kết quả thanh tra, giám sát của các cơ quan giám sát, điều tra có thẩm quyền. Một tổ chức tín dụng khi nhận thấy tình hình tài chính có nguy cơ cần phải thực hiện kiểm soát đặc biệt ( mất khả năng thanh toán) thì phải báo cho Thống đốc ngân hàng hoặc Thanh tra để ra quyết định. Qúa trình xử lý một TCTD bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt như sau:

      Bước 1: Phát hiện TCTD mất khả năng chi trả và xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt

      Bước 2: Ra quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt

      Bước 3: Ban Kiểm soát đặc biệt (BKSĐB) chỉ đạo TCTD thuê hoặc trực tiếp thuê tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tổng thể của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

      Bước 4: Lựa chọn phương án xử lý TCTD theo quyết định của Ngân hàng nhà nước. 

      Bước 5:  Ban Kiểm soát đặc biệt chỉ đạo các TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố phục hồi (bao gồm cả phương án tăng vốn, thời hạn thực hiện phương án tăng vốn nếu có) hoặc xây dựng phương án xử lý pháp nhân theo các biện pháp tự nguyện (sáp nhập, hợp nhất, bán, giải thể)

      Bước 6: NHNN thông qua phương án trên theo đề nghị của Ban Kiểm soát đặc biệt.

      Bước 7: Thực hiện phương án trên. Nếu không thực hiện được sẽ chuyển sang các bước tiếp theo.

      Bước 8: NHNN trình cấp có thẩm quyền quyết định việc NHNN trực tiếp mua bắt buộc hoặc phá sản đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau: (i) TCTD không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn theo phương án 5A; (ii) Không thực hiện được 5A, 5B trong thời hạn quy định; (iii) Việc mua lại chỉ thực hiện với điều kiện: ảnh hưởng an toàn hệ thống; đánh giá có khả năng phục hồi khi được áp dụng các biện pháp hỗ trợ của NHNN.

      Bước 9: Thực hiện phương án mua bắt buộc bao gồm các quy định về: Hình thức mua; Nguồn tài chính để mua; Phương thức, quy trình mua; Giá mua; Các biện pháp quản lý, xử lý, hỗ trợ phục hồi TCTD trong giai đoạn NHNN mua TCTD; Phương thức xử lý sau khi phục hồi (thoái vốn, chuyển nhượng, bán,…) hoặc Thực hiện phương án phá sản.

Hoạt động của ngân hàng trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt 

      Thông tin về việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD được công bố bao gồm thông tin về hình thức kiểm soát đặc biệt, các biện pháp kiểm soát, chấn chỉnh đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các thông tin cần thiết khác.

      Thông tin về việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD được công bố thông qua một hoặc một số hình thức: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của NHNN; Đăng tải trên website của TCTD được kiểm soát đặc biệt; Đăng trên báo Trung ương hoặc địa phương nơi đặt trụ sở chính của TCTD ít nhất 03 số liên tiếp; Họp báo; Công bố tại Đại hội đồng cổ đông hoặc Đại hội đồng thành viên.

      Thống đốc NHNN quyết định thời điểm, nội dung và hình thức công bố thông tin về việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD trong từng trường hợp cụ thể, trừ trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt là quỹ tín dụng nhân dân do Giám đốc NHNN chi nhánh quyết định.

      Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định thời điểm, nguyên tắc, cách thức ghi giảm vốn điều lệ đối với NHTM được chuyển giao bắt buộc, cụ thể:

      NHNN yêu cầu NHTM được chuyển giao bắt buộc lập và gửi NHNN báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh hợp nhất cho kỳ kế toán tính từ thời điểm xác định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 151a Luật Các TCTD đến ngày cuối cùng của tháng liền trước thời điểm Ban KSĐB đề nghị ghi giảm vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc.

      Căn cứ báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh hợp nhất của NHTM được chuyển giao bắt buộc, kết quả xác định giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức kiểm toán độc lập quy định tại khoản 2 Điều 151a Luật Các TCTD, NHNN ghi giảm vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc tại Quyết định chuyển giao bắt buộc. Theo đó, thời điểm ghi giảm vốn điều lệ là thời điểm Quyết định chuyển giao bắt buộc có hiệu lực thi hành.

      Trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ theo xác định của tổ chức kiểm toán độc lập quy định tại khoản 2 Điều 151a Luật Các TCTD và kết quả kinh doanh theo báo cáo của NHTM được chuyển giao bắt buộc âm, NHNN ghi giảm vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc về bằng 0.


Quyền của các cổ đông, nhà đầu tư đối với TCTD rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt

      Các cổ đông, nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ nhiều hơn và quyền lợi khi TCTD của mình rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên họ chính là những người trực tiếp được hưởng một “ân huệ” đến từ ngân hàng Nhà nước. 

      Có thể nói giai đoạn kiểm soát đặc biệt trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD đã là một “ân huệ” rất lớn cho chủ thể này, bởi trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước và các TCTD khác sẽ hỗ trợ tất cả các điều kiện cần thiết, đặc biệt là vốn, để TCTD mất khả năng thanh toán có thể khôi phục hoạt động kinh doanh. Do đó, nếu TCTD không thể vượt qua giai đoạn khó khăn thì đồng nghĩa với việc TCTD đó không đủ khả năng để tồn tại trên thị trường. Một vấn đề nữa cần đặt ra đó là việc thành lập tràn lan các TCTD trong thời gian qua và hệ quả sau đó là kinh doanh không hiệu quả và tái cấu trúc một cách ồ ạt. Điều này gây xáo trộn trong hệ thống TCTD và lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước và doanh nghiệp. Theo người viết, việc mạnh tay cho phép phá sản TCTD sẽ góp phần định hướng cho nhà đầu tư khi quyết định bỏ vốn thành lập TCTD, hoặc là họ xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp và tạo được vị thế trên thương trường, hoặc là họ sẽ phá sản, mất toàn bộ vốn đầu tư và gánh chịu những hậu quả nặng nề từ việc phá sản. Không có lý do gì Nhà nước cấp giấy phép thành lập TCTD một cách ồ ạt rồi sau đó buộc các TCTD lớn, uy tín phải nhận sáp nhập những TCTD yếu kém, trừ khi chính bản thân TCTD lớn nhận thấy những lợi thế có thể khai thác từ TCTD yếu kém và tự nguyện nhận sáp nhập. 

      Trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam, đã không ít trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt vào diện này. Nhiều ngân hàng đã trở lại sau giai đoạn khó. Điền hình là trường hợp của Eximbank, ngân hàng cổ phần đầu tiên của Việt Nam, đã có thời điểm ôm khối nợ xấu cả nghìn tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng dư nợ do liên quan đến một vụ án kinh tế.

      Năm 1997, Eximbank thực sự rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Khi đó NHNN đã phải đưa Vietcombank vào quản lý. Mặc dù trong thực tế, Nhà nước không bỏ một đồng nào vào Eximbank nhưng ngân hàng này đã hồi sinh, nhiều năm sau đó tăng trưởng vượt bậc.

      Những cái tên khác cũng đã từng kinh qua một thời gian khó nhưng đã hồi sinh và “sống khỏe” như VPBank (2002), Maritime Bank (2001), thậm chí cả ngân hàng lớn như VietinBank (đầu năm 2001, Incombank, tên cũ của VietinBank đã rơi vào tình trạng phá sản về mặt kỹ thuật).

      Dù vậy, trong quá trình tái cơ cấu cũng có những cái tên đã biến mất sau khi bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt” mà không thể khắc phục được hậu quả như Ngân hàng Việt Hoa, Nam Đô, Vũng Tàu, Châu Á Thái Bình Dương.

      Cuối năm 2014 và nửa đầu năm 2015, đã có 4 ngân hàng đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt và đều có sự hiện diện giúp đỡ của ngân hàng lớn.

      Cụ thể, VietcomBank đã cử người hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng, người Vietinbank tham gia quản trị điều hành OceanBank và GPBank giai đoạn mới và sắp tới đây người BIDV sẽ được NHNN cử sang hỗ trợ Ngân hàng Đông Á.

      Theo thông tư 07/2013, thông tin kiểm soát đặc biệt sẽ được công bố. Tuy nhiên thời điểm, nội dung và hình thức công bố sẽ do Thống đốc NHNN quyết định. Trong khi ba trường hợp của VNCB, OceanBank và GPBank, thông tin về việc kiểm soát đặc biệt được chính thức công bố tại ĐHĐCĐ thường niên, riêng với GPBank là ĐHĐCĐ bất thường khi ngân hàng này tổ chức họp ĐHĐCĐ bàn chuyện tăng vốn.

      Trong khi đó đối với ngân hàng Đông Á, chiều ngày 14/8/2015, NHNN đã chính thức ra thông cáo trên Website của cơ quan .

      Đánh giá về Ngân hàng Đông Á, bản thân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã từng nhận xét Đông Á về cơ bản là một ngân hàng có hệ thống mạng lưới tốt, công nghệ tốt, bộ máy nhân sự không đến nỗi nào, có kinh nghiệm kinh doanh và tương đối bảo thủ trong phát triển tín dụng.

      Chưa rõ tương lai trong dài hạn của Đông Á nhưng đối hiện nay NHNN khẳng định Ngân hàng Đông Á vẫn hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo chi trả đầy đủ cho mọi khoản tiền gửi, vàng giữ hộ của khách hàng gửi tại ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng cam kết sẽ hỗ trợ thanh khoản đầy đủ, kịp thời để đảm bảo nhu cầu chi trả tiền gửi của người dân và hoạt động bình thường của Ngân hàng Đông Á.


Kiến nghị pháp lý

      Nhà nước cần mạnh tay cho phép phá sản đối với các TCTD yếu kém trên cơ sở đánh giá mức độ tác động của từng TCTD đối với hệ thống tài chính quốc gia. Điều này có nghĩa rằng Nhà nước chỉ nên “cân nhắc” trong trường hợp sự đổ vỡ quá lớn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, và kiên quyết áp dụng thủ tục phá sản đối với những trường hợp còn lại. Người viết đề xuất quan điểm trên xuất phát từ hai nguyên nhân: (i) Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, do đó nếu những quy định về phá sản TCTD đã được thông qua bởi cơ quan quyền lực Nhà nước thì chắc chắn chúng phải được thi hành trên thực tế; (ii) Tái cấu trúc, mua lại TCTD yếu kém chỉ là giải pháp tạm thời bởi Nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào quá trình hợp nhất, sáp nhập TCTD hoặc buộc một TCTD nào đó phải tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của một TCTD yếu kém. Sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với TCTD nếu việc tái cấu trúc không được thực hiện theo quy luật thị trường. Do đó, trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết để khắc phục hậu quả sau phá sản thì tái cấu trúc có thể là giải pháp tối ưu, nhưng trong tương lai giải pháp phá sản cũng nên được xem xét áp dụng để đảm bảo tính khả thi của luật. 

      Nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tôi đề xuất một số ý kiến sau: 

      Thứ nhất, Nhà nước cần tăng cường giám sát hoạt động của TCTD để ngăn chặn sự đổ vỡ ngay từ đầu. Có thể nói rằng việc Ngân hàng Nhà nước xác định dấu hiệu bất ổn của TCTD đúng thời điểm và có những biện pháp hữu hiệu để can thiệp kịp thời đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi khả năng kinh doanh của TCTD. Thêm vào đó, vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nên được đề cao. Cơ quan này có thể được xem như là đối tác hỗ trợ cho Ngân hàng nhà nước trong quá trình vực dậy TCTD bằng cách cho TCTD vay những khoản vay ngắn hạn hoặc đề xuất phương hướng kinh doanh mới phù hợp hơn. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế bởi quyền lợi của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi gắn với sự bền vững của hệ thống ngân hàng. 

      Thứ hai, thứ tự ưu tiên thanh toán khi thanh lý tài sản của TCTD cần được xem xét lại. Dường như đã có sự “thiên vị” trong chính sách của Nhà nước đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi chủ thể này được xếp cùng thứ tự ưu tiên thanh toán với người gửi tiền. Theo quan điểm của người viết, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể được xem là một loại chủ nợ không bảo đảm của TCTD và do đó nên được xếp cùng thứ tự ưu tiên thanh toán với các chủ nợ không bảo đảm khác, ngoại trừ người gửi tiền. Sở dĩ người viết đưa ra kiến nghị này vì các nguyên nhân sau: (i) Khi tham gia bảo hiểm tiền gửi, TCTD đã nộp phí bảo hiểm tiền gửi, khoản phí này có thể được tổ chức bảo hiểm tiền gửi mang đi đầu tư và thu lợi nhuận, do đó khi TCTD phá sản thì tất yếu tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải có trách nhiệm bù đắp một phần thiệt hại cho người gửi tiền; (ii) Mặc dù không phải là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi TCTD phá sản nhưng quyền lợi của các chủ nợ không bảo đảm khác cũng cần phải được quan tâm và bảo vệ bởi những thiệt hại mà họ phải gánh chịu khi TCTD phá sản cũng không hề nhỏ, do đó sẽ không công bằng nếu loại chủ nợ này luôn bị xếp sau tất cả các loại chủ nợ khác. Từ những lý do trên, người viết cho rằng trong số các chủ nợ không bảo đảm, chỉ có người gửi tiền là nên được ưu tiên thanh toán trước, còn các chủ thể còn lại như tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Nhà nước và các chủ nợ không bảo đảm khác nên được xếp cùng một thứ tự ưu tiên thanh toán. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Nhà nước về việc bảo vệ tối đa quyền lợi của người gửi tiền, bởi số tiền mà họ được nhận sẽ cao hơn nếu điều chỉnh thứ tự ưu tiên thanh toán theo hướng trên. Hạn chế thiệt hại của người gửi tiền có thể được xem là một trong những giải pháp làm giảm tâm lý e ngại của Nhà nước, từ đó nâng cao tính khả thi của pháp luật phá sản.

      Để đảm bảo an toàn của hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện chức năng của mình, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng việc kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán. Là các cổ đông, các nhà đầu tư, hãy tận dụng cơ hội mà Nhà nước đã tạo điều kiện để TCTD của mình có thể hồi sinh trở lại.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top