Giới hạn quyền tác giả

      Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng tiến nhanh theo bước đi của thời đại, chinh phục những đỉnh cao mới của trí tuệ và sáng tạo. Từ đó, những sản phẩm trí tuệ ra đời, không chỉ khiến cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, mà còn là một sự khẳng định khả năng không giới hạn của con người trong hành trình chinh phục những đỉnh cao của trí tuệ và sáng tạo ấy. Từ thực tế đó, đòi hỏi phải có một sự bảo vệ và ghi nhận xứng đáng cho những thành quả mà con người tạo ra, một trong số đó là quyền tác giả. Sau đây chúng tôi tổng đài tư vấn Luật Quang Huy sẽ tiến hành phân tích vấn đề này như sau:


Cơ sở pháp lý

  • Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ, NXB Công an nhân dân, 2009.
  • Luật Sở hữu trí tuệ, sửa đổi bổ sung năm 2009.
  • Công ước Bern.
  • Hiệp định TRIPS.
  • Bàn về quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam liên quan đến giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan; TS. Vũ Thị Hải Yến; Tạp chí Luật học.
  • Nghị định 100/2006/NĐ-CP.
  • Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

Giới hạn quyền tác giả

Phân tích quy định của pháp luật về giới hạn quyền tác giả

Phân tích quy định của pháp luật về giới hạn quyền tác giả

Khái quát về quyền tác giả, giới hạn quyền tác giả

Quyền tác giả:

      Khái niệm quyền tác giả:

      Quyền tác giả là phạm vi những quyền mà pháp luật thừa nhận và bảo hộ đối với tác giả có tác phẩm. Về quyền tác giả, Điều 738 Bộ Luật Dân sự và Điều 19, 20 Luật sở hữu trí tuệ quy định quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. Căn cứ vào những quy định của pháp luật về quyền tác giả thì quyền tác giả được hiểu theo hai phương diện:

      Về phương diện khách quan: Quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật về quyền tác giả nhằm xác nhận và bảo vệ quyền của tác giả, của chủ sở hữu quyền tác giả, xác định các nghĩa vụ của chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Quy định trình tự thực hiện và bảo vệ các quyền đó khi có các hành vi xâm phạm.

      Về phương diện chủ quan: Quyền tác giả là quyền dân sự cụ thể (quyền tài sản và quyền nhân thân) của chủ thể với tư cách là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình khoa học và quyền khởi kiện hay không khởi kiện khi quyền của mình bị xâm phạm.

      Quyền tác giả còn được hiểu là quan hệ pháp luật dân sự. Đó là quan hệ xã hội giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với các chủ thể khác trong xã hội thông qua tác phẩm, dưới sự tác động của các quy phạm pháp luật, quan hệ giữa các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với các chủ thể khác được xác định. Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được sáng tạo ra và được thể hiện dưới hình thức khách quan và được các quy phạm pháp luật điều chỉnh, theo đó quan hệ về quyền tác giả được xác lập.

      Đặc điểm của quyền tác giả:

      Ngoài các đặc điểm chung của quyền sở hữu trí tuệ là tính vô hình của các đối tượng; các đối tượng này chỉ được bảo hộ trong thời hạn nhất định.

      Quyền sở hữu trí tuệ không những được bảo hộ tại nước có công dân sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ đó mà còn được bảo hộ ở các nước thành viên của các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ; các thành quả của lao động trí tuệ đều có tác dụng nâng cao độ hiểu biết và quyền tác giả có những đặc điểm riêng sau:

     Đối tượng của quyền tác giả luôn mang tính sáng tạo, được bảo hộ không phụ thuộc vào giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.

      Quyền tác giả thiên về bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm.

      Hình thức xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động.

      Quyền tác giả không được bảo hộ một cách tuyệt đối.

     Giới hạn quyền tác giả:

    Giới hạn quyền tác giả được quy định tại Điều 9 Công ước Bern và Điều 13 Hiệp định TRIPS. Theo đó, tác phẩm được sử dụng tự do trong một số trường hợp như: trích dẫn để minh họa cho giảng dạy, in lại trên báo chí, phát lại trên đài truyền hình hay phương tiện thông tin đại chúng những bài báo có tính chất thời sự về kinh tế, chính trị hay tôn giáo đã đăng tải trên các tập san hay các tác phẩm truyền thanh.

    Tuy nhiên trong trường hợp này quyền tác giả vẫn được bảo vệ vì người sử dụng phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả. Sự trích dẫn phải phù hợp với những thông lệ chính đáng và trong mức độ phù hợp với mục đích.

    Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009 đã xác định giới hạn cho quyền tác giả bằng việc quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25) và các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 26).

     Giới hạn quyền tác giả trong những trường hợp này giúp cho công chúng có khả năng khai thác, sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học vào mục đích phi thương mại (như nghiên cứu khoa học, giảng dạy, sử dụng riêng) dễ dàng hơn.

     Tuy nhiên, bên cạnh quyền lợi này, tổ chức, cá nhân sử dụng các tác phẩm trong những trường hợp giới hạn quyền tác giả có nghĩa vụ làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Hơn nữa, bản sao tác phẩm trong những trường hợp này cũng bị giới hạn quyền tác giả ở số lượng một bản.

      Giới hạn quyền tác giả có thể hiểu là một số ngoại lệ dành cho người sử dụng tác phẩm trong một số trường hợp nhất định không phải xin phép, không trả nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Phân tích quy định của pháp luật về giới hạn quyền tác giả

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao:

     Ngoại lệ này chỉ dành cho một số trường hợp sử dụng tác phẩm đáp ứng ba điều kiện sau:

     Việc sử dụng tác phẩm hoàn toàn vào mục đích phi thương mại (như nghiên cứu khoa học, giảng dạy, sử dụng riêng).

Việc sử dụng không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến quyền tác giả;

Khi sử dụng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả (thông tin về tác giả, tác phẩm). Cụ thể bao gồm các trường hợp:

    Sao chép tác phẩm: Tự sao chép nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc sao chép để lưu trữ trong thư viện. Việc sao chép này không được quá một bản và không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính.

     Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình, trích dẫn tác phẩm để viết báo, dùng trong chương trình phát thanh, truyền hình, trích dẫn để giảng dạy trong nhà trường.

    Tuy nhiên việc trích dẫn tác phẩm phải thỏa mãn hai điều kiện sau: (a) Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập; (b) Số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn, phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

  •     Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào…
  •      Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy.
  •     Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của các tác phẩm đó.
  •     Chuyển tác phẩm sang chữ, nói hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
  •     Nhập khẩu một bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

      Tuy nhiên, việc áp dụng những quy định này trên thực tế còn nhiều bất cập: [Theo: Bàn về quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam liên quan đến giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan; TS. Vũ Thị Hải Yến; Tạp chí Luật học]:

       Liên quan đến quyền sao chép: Trong nội dung quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sao chép, quyền kiểm soát hành vi sao chép (bao gồm cả việc ngăn cản người khác sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, cuộc biểu diễn hoặc chương trình phát sóng) là quyền năng quan trọng nhất, vì nó là cơ sở pháp lý đói với các hình thức khai thác tác phẩm được bảo hộ.

       Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ dành ra một số ngoại lệ đối với quyền sao chép là các trường hợp: “tự sao chép nhằm mục đích nghiên cứu khoa học”, “sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện” mà theo hướng dẫn tại Điều 25 Nghị định 100/2006/NĐ-CP là việc sao chép không quá một bản và không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình  máy tính. Như vậy, theo quy định hiện nay, trường hợp sao chép với số lượng lớn hơn một bản tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng để phục vụ mục đích sử dụng cá nhân, phi thương mại vấn phải xin phép, vẫn phải trả tiền cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

      Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao:

      Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Đây là ngoại lệ dành riêng cho những trường hợp đặc thù về lĩnh vực hoạt động, những chủ thể này thường xuyên sử dụng tác phẩm, bản ghi âm trong hoạt động kinh doanh, thương mại như vũ trường, nhà hàng, khách sạn,… để tạo điều kiện thuận lợi cho những chủ thể này trong quá trình sử dụng tác phẩm, pháp luật quy định họ không phải xin phép tác giả nhưng vẫn phải trả nhuận bút, thù lao khi sử dụng.

      Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao như sau:

          “1. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

     Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

       Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.”

        Theo quy định tại Điều 26 thì việc tổ chức, phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng dù chương trình đó có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền hay không thì khồn phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán có thể do các bên thỏa thuận hoặc thực hiện theo quy định của Chính phủ. Cần phân biệt hai trường hợp: (a) Nếu tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm cho các chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo, thu tiền thì tổ chức này và chủ sở hữu quyền tác giả có quyền thỏa thuận về mức thù lao, nhuận bút, các lợi

Ví dụ minh họa

       Có thể dẫn chứng vụ việc tranh chấp dân sự liên quan đến quyền tác giả giữa hai nhà nghiên cứu Truyện Kiều. Năm 2001, PGS.TS. Đào Thái Tôn đã có cuốn sách “Văn bản Truyện Kiều, nghiên cứu và thảo luận” được NXB Hội nhà văn xuất bản, sau đó cuốn sách được tái bản năm 2003. Trong cuốn sách này, ông Tôn đã dùng nguyên văn bốn bài viết về Truyện Kiều của ông Nguyễn Quảng Tuân (bốn bài viết này đã được in trên các số báo văn nghệ trước đó). Ông Tôn cho rằng ông trích nguyên văn bốn bài viết của ông Tuân để nghiên cứu, bình luận, chỉ ra những quan điểm sai lầm của ông Tuân khi nghiên cứu về Truyện Kiều chứ không phải vì mục đích kinh doanh. Ngược lại, ông Tuân cho rằng ông Tôn đã vi phạm quyền tác giả khi sử dụng các tác phẩm của ông để xuất bản mà không xin phép, không trả tiền và sau đó đã khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Bản án sơ thẩm ngày 26/12/2006 tuyên ông Tôn vi phạm quyền tác giả của ông Tuân và phải bồi thường cho ông Tuân 25 triệu đồng và 1.040.400 đồng tiền nhuận bút. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm đã bác bỏ quyết định bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, cho rằng việc ông Tôn trích dẫn bốn bài viết đã công bố của ông Tuân để tranh luận trong cuốn sách của mình là hợp pháp vì việc sử dụng này với mục đích nghiên cứu, thảo luận chứ không vì mục đích kinh doanh.

      Tôi đồng ý với quan điểm của Hội đồng xét xử khi cho rằng bốn tác phẩm được sử dụng là tác phẩm đã công bố và việc sử dụng của ông Tôn là vì mục đích nghiên cứu, bình luận.

      Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi trong vụ việc này là việc ông Tôn sử dụng nguyên văn bốn bài viết của ông Tuân để in trong sách của mình là hành vi “trích dẫn” hay “sử dụng” tác phẩm. Nếu là “trích dẫn” hợp lý để nghiên cứu, bình luận theo quy định của Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ sẽ không phải xin phép, không phải trả tiền; nhưng nếu là “sử dụng” tác phẩm thì theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, người sử dụng phải trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả.

      Về mặt ngữ nghĩa, “trích dẫn” được hiểu là dẫn ra, lấy ra một phần của tác phẩm. Theo hướng dẫn tại Điều 24 Nghị định của Chính phủ số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, việc trích dẫn tác phẩm phải thỏa mãn hai điều kiện sau: (a) Phần trích dẫn nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập; (b) Số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn, phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn, những rõ ràng việc sử dụng toàn văn một tác phẩm không thể gọi là trích dẫn. Mặt khác, mặc dù ông Tôn viết sách để nghiên cứu nhưng sách đã được xuất bản, nhưng ông có thu được tiền nhuận bút mà giá thành sách để tính nhuận bút có căn cứ vào số trang in. Tôi không tán thành quyết định của bản án phúc thẩm cho đây là hành vi “trích dẫn tác phẩm” mà phải xác định việc ông Tôn đưa nguyên văn bốn bài viết của ông Tuân vào sách của mình là hành vi “sử dụng” tác phẩm của người khác để làm tác phẩm phái sinh.

      Để thống nhất về cách hiểu cũng như áp dụng pháp luật, tránh tình trạng tranh chấp như hiện nay, tôi kiến nghị trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ cần bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể trường hợp “trích dẫn tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao là trường hợp trích dẫn một phần tác phẩm để bình luận, minh họa.” Nếu sử dụng toàn bộ tác phẩm đã công bố của người khác để bình luận, minh họa thì không phải xin phép nhưng phải trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Giải quyết tình huống

Đặt tình huống

       Công ty cà phê Trung Nguyên phát hiện ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận có một số cửa hàng cà phê Cao Nguyên của công ty Phương Đông có những hành vi: sử dụng bảng hiệu “Cà phê Cao Nguyên” có kiểu chữ và cách trình bày tương tự với nhãn hiệu của cà phê Trung Nguyên; sơn bảng hiệu có khẩu hiệu “Café hàng đầu Buôn Ma Thuột”, “Đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới” trên nền nâu giống với bảng hiệu của cà phê Trung Nguyên. Công ty Phương Đông cho rằng mình không xâm phạm quyền của công ty cà phê Trung Nguyên vì: Họ sử dụng nhãn hiệu “Cao Nguyên” không trùng hay tương tự với nhãn hiệu “Trung Nguyên”, còn các khẩu hiệu kinh doanh kia công ty Trung Nguyên chưa đăng ký bảo hộ.

      Căn cứ vào quy định của pháp luật, anh (chị) hãy xác định hành vi của công ty Phương Đông có xâm phạm quyền của công ty cà phê Trung Nguyên không? Nếu có thì là những hành vi nào?

Giải quyết tình huống

Dựa vào quy định của pháp luật, có thể khẳng định hành vi của công ty Phương Đông đã xâm phạm quyền của công ty cà phê Trung Nguyên.

      Theo tình huống đề bài, hành vi của công ty Phương Đông đã xâm phạm quyền của công ty cà phê Trung Nguyên đối với hai đối tượng là nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên và khẩu hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên.

      Trước hết, cần phải khẳng định, khẩu hiệu “Café hàng đầu Buôn Ma Thuột”, “Đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới” của cà phê Trung Nguyên có tính chất mô tả, nên sẽ khó có khả năng đăng ký bảo hộ dưới hình thức là nhãn hiệu do không có khả năng phân biệt, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ: Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc trường hợp “chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ,…”. Tuy nhiên, điều luật này còn quy định nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt “trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu”. Do đó, nếu công ty cà phê Trung Nguyên chứng minh được khẩu hiệu của mình có khả năng phân biệt, được biết đến rộng rãi qua quá trình sử dụng trước đó thì sẽ được coi là có khả năng phân biệt và khẩu hiệu này sẽ được đăng ký bảo hộ thành công dưới hình thức nhãn hiệu. Xét thấy nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên là một nhãn hiệu nổi tiếng nên khả năng chứng minh được khẩu hiệu này đã có khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước đó là rất lớn.

        Từ đó, có thể đưa ra khẳng định về hành vi xâm phạm quyền của công ty Phương Đông đối với công ty cà phê Trung Nguyên như sau:

      Trường hợp nhãn hiệu công ty cà phê Trung Nguyên đăng ký là nhãn hiệu thông thường thì công ty Phương Đông đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên, quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và có hành vi xâm phạm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ.

      Trường hợp công ty cà phê Trung Nguyên chứng minh được nhãn hiệu mà mình đăng ký là nhãn hiệu nổi tiếng và được biết đến rộng rãi thì hành vi của công ty Phương Đông đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và có hành vi xâm phạm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể như sau:

      Thứ nhất, trường hợp nhãn hiệu công ty cà phê Trung Nguyên đăng ký là nhãn hiệu thông thường thì công ty Phương Đông đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên, quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và có hành vi xâm phạm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ.

      Điểm a khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như sau: “Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;”. Trong trường hợp này, công ty Phương Đông đã có hành vi sử dụng bảng hiệu có khẩu hiệu “Café hàng đầu Buôn Ma Thuột”, “Đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới” là khẩu hiệu mà công ty cà phê Trung Nguyên đã sử dụng trước đó cho sản phẩm cà phê của mình. Như đã phân tích ở trên, mặc dù khẩu hiệu này của công ty Trung Nguyên chưa đăng ký bảo hộ nhưng nếu công ty Trung Nguyên có thể chứng minh được khả năng phân biệt đối với khẩu hiệu này thì nó sẽ được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu. Mặt khác, công ty Phương Đông sử dụng dấu hiệu này cho sản phẩm cà phê giống với công ty cà phê Trung Nguyên. Từ đó, có thể khẳng định công ty Phương Đông đã có hành vi sử dụng dấu hiệu là khẩu hiệu trùng với khẩu hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên đã được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu.

       Điểm c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như sau: “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàn hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàn hóa, dịch vụ.” Trong trường hợp này, dấu hiệu “Cao Nguyên” mà công ty Phương Đông sử dụng tương tự đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên. Điểm c Điều 39.8 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN quy định về việc đánh giá sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của dấu hiệu yêu cầu đăng ký với nhãn hiệu khác như sau :

‘‘(i) Dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc hoặc/ và nội dung hoặc/ và cách phát âm hoặc/ và ý nghĩa hoặc/ và hình thức thể hiện đến mức làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một đối tượng hoặc hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng có cùng một nguồn gốc ;… ’’

      Có thể thấy rằng, so sánh dấu hiệu ‘‘Cao Nguyên’’ và ‘‘Trung Nguyên’’ có thể thấy có hơn một nửa số ký tự của dấu hiệu ‘‘Cao Nguyên’’ trùng với dấu hiệu ‘‘Trung Nguyên’’ (6/9 ký tự). Đồng thời, dễ thấy cà phê Trung Nguyên là một thương hiệu có tiếng trên thị trường cà phê Việt Nam, được khẳng định bởi chất lượng sản phẩm. Sự tương tự này sẽ khiến người tiêu dùng không tránh khỏi nhầm lẫn.

        Đồng thời, dấu hiệu ‘‘Cao Nguyên’’ được công ty Phương Đông sử dụng cho sản phẩm cà phê trùng với loại hàng hóa mà công ty cà phê Trung Nguyên sử dụng. Do đó, có thể khẳng định công ty Phương Đông đã vi phạm quyền đối với nhãn hiêu quy định tại điểm c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là hành vi sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên đã được bảo hộ trùng với danh mục hàng hóa là cà phê đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

      Mặt khác, hành vi này của công ty Phương Đông đã vi phạm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên, quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ về hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh :

‘‘a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ ; ’’

      Trong tình huống này, công ty Phương Đông đã sử dụng chỉ dẫn thương mại là nhãn hiệu ‘‘Cao Nguyên’’ tương tự đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên (đã chứng minh ở trên) và khẩu hiệu “Café hàng đầu Buôn Ma Thuột”, “Đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới” trùng với khẩu hiệu của cà phê Trung Nguyên. Từ đó người tiêu dùng sản phẩm sẽ không thể tránh khỏi nhầm lẫn cà phê Cao Nguyên là cà phê Trung Nguyên, nhầm lẫn cách sản xuất, chất lượng của cà phê Cao Nguyên cũng giống với cà phê Trung Nguyên. Do đó, có thể khẳng định hành vi của công ty Phương Đông đã xâm phạm quyền chống cạnh tranh khoog lành mạnh của công ty cà phê Trung Nguyên.

      Thứ hai, trường hợp công ty cà phê Trung Nguyên chứng minh được nhãn hiệu mà mình đăng ký là nhãn hiệu nổi tiếng và được biết đến rộng rãi thì hành vi của công ty Phương Đông đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và có hành vi xâm phạm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ.

      Điều 42.3 Thông tư Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN quy định về tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu như thông tin về phạm vi, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, trong đó có thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;… Nếu đáp ứng đủ các yêu cầu này thì có thể chứng minh được sự nổi tiếng của nhãn hiệu. Nếu công ty Trung Nguyên có thể chứng minh nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng và được biết đến rộng rãi thì có thể khẳng định rằng hành vi của công ty Phương Đông là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ:

‘‘d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng định nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”

      Trong tình huống đề bài, công ty Phương Đông đã có hành vi sử dụng dấu hiệu ‘‘Cao Nguyên” tương tự với nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên (đã chứng minh ở trên) và sử dụng khẩu hiệu “Café hàng đầu Buôn Ma Thuột”, “Đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới” trùng với khẩu hiệu của cà phê Trung Nguyên được đăng ký bảo hộ như một nhãn hiệu. Trong trường hợp cà phê Trung Nguyên là nhãn hiệu nổi tiếng, hành vi sử dụng của công ty Phương Đông có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn cà phê Cao Nguyên là cà phê Trung Nguyên hoặc tưởng rằng cà phê Cao Nguyên là một nhãn hiệu khác của cà phê Trung Nguyên. Do đó có thể khẳng định hành vi của công ty Phương Đông đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

      Mặt khác, hành vi của công ty Phương Đông còn vi phạm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên của công ty Trung Nguyên (đã chứng minh ở trên).

      Ngoài ra, về hành vi của công ty Phương Đông sử dụng bảng hiệu “Cà phê Cao Nguyên” có kiểu chữ và cách trình bày tương tự với nhãn hiệu của cà phê Trung Nguyên; sơn bảng hiệu có khẩu hiệu “Café hàng đầu Buôn Ma Thuột”, “Đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới” trên nền nâu giống với bảng hiệu của cà phê Trung Nguyên thì có thể xác định như sau: cách trình bày, màu sắc, thiết kế bảng hiệu của cà phê Trung Nguyên có thể coi là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng theo định nghĩa quy định tại Điều 15.2 Nghị định 100/2006/NĐ-CP: “Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng; hàng thủ công mỹ nghệ; hình thức thể hiện trên sản phẩm; bao bì sản phẩm”. Do đó nó được bảo hộ kaf quyền tác giả theo quy định tại điểm g Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, quyền tác giả chỉ bảo hộ về hình thức, không bảo hộ về ý tưởng. Do đó hành vi của công ty Phương Đông rất khó để xác định nó có xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là bảng hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên hay không.

      Kết luận: Dựa vào quy định của pháp luật, có thể khẳng định hành vi của công ty Phương Đông đã xâm phạm quyền của công ty cà phê Trung Nguyên.

      Trường hợp nhãn hiệu công ty cà phê Trung Nguyên đăng ký là nhãn hiệu thông

thường thì công ty Phương Đông đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên, quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và có hành vi xâm phạm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ.

       Trường hợp công ty cà phê Trung Nguyên chứng minh được nhãn hiệu mà mình đăng ký là nhãn hiệu nổi tiếng và được biết đến rộng rãi thì hành vi của công ty Phương Đông đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty cà phê Trung Nguyên, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và có hành vi xâm phạm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ.


      Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân tích quy định của pháp luật về giới hạn quyền tác giả. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí NQH qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top