Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề về môi trường là vấn đề được dư luận cũng như các nhà chức trách quan tâm hàng đầu. Các vấn đề về môi trường này không chỉ là mối quan tâm của một quốc gia mà còn là vấn đề chung của toàn thể nhân loại. Môi trường càng ngày càng có những biến đổi nhanh chóng, phức tạp, mà thường những trong đó hầu hết những biến đổi này đi theo chiều hướng xấu đi, đôi khi còn đến mức báo động đỏ.
Đi đôi với sự phát triển kinh tế toàn cầu nhanh chóng, sự xả thải từ các nhà máy, xí nghiệp ra không khí, sông ngòi, gây ra sự suy giảm nghiêm trọng về môi trường không khí, nguồn nước, sự khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, lâm nghiệp,.. gây nên sự cạn kiệt nhanh chóng của các tài nguyên này.
Dù các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức hay các cá nhân đã có những hành động thiết thực để giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến môi trường nhưng ô nhiễm môi trường và áp lực lên thiên nhiên vẫn diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi. Vấn đề ô nhiễm môi trường sống, sự suy giảm trầm trọng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là những nguồn tài nguyên quý giá, quá trình thay đổi khí hậu toàn cầu đang là những thách thức khó khăn vô cùng đối với quá trình phát triển kinh tế bền vững.
Tại Việt Nam, vấn đề này cũng đã, đang và sẽ là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hiện nay, việc bảo vệ nguồn nước, không khí và tài nguyên được thúc đẩy mạnh mẽ.
Dưới sự quan tâm của Đảng và nhà nước, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam tuy vẫn còn nhiều thiếu xót nhưng đã đạt được những thành tựu nhất định, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao, hệ thống những quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được ban hành và đưa vào áp dụng trong thực tế cuộc sống.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay cho thấy tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường xảy ra tương đối phổ biến, công tác xử lý chưa triệt để, có nhiều vụ vi phạm chưa được phát hiện kịp thời hoặc được phát hiện nhưng xử lý chưa thỏa đáng.
Để tìm hiểu và xác định được rõ được nghĩa vụ pháp lý của các bên chủ thể trong lĩnh vực môi trường cũng như tìm ra biện pháp xử lý đúng đắn trong trường hợp vi phạm đó, em chọn nghiên cứu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường trong tình huống cụ thể trong vụ việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của một công ty thuộc da. Bài làm của em còn nhiều thiếu sót, mong thầy cô góp ý để bài làm của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!
Nội dung
Tình huống cụ thể.
Ngày 17/3/2004, Công ty TNHH Hào Dương được BQL KCX và CN thành phố Hồ Chí Minh cấp Quyết định chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy phép đầu tư. Mục tiêu của công ty là sản xuất và tiêu thụ các loại đại gia súc, công suất sản xuất ổn định là 3.005.000m2 da thuộc/năm, tương đương với 19.000 tấn/năm.
Từ năm 2008, công ty đã nâng công suất sản xuất lên đến 26.000 tấn da thuộc/năm mà không nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Nguyên liệu sản xuất da của công ty này có chứa những chất như S2, BOD5, COD, Crom VI,… Trong nhiều năm liền, Công ty CP Thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM) liên tục gây ô nhiễm, xả nước thải trực tiếp ra sông Đồng Điền.
Từ năm 2008 đến khi bị tạm đình chỉ hoạt động vào cuối tháng 11/2013, cơ quan chức năng đã 8 lần kiểm tra và cả 8 lần đều phát hiện công ty này có hành vi xả nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường vượt quá quy chuẩn cho phép. Hành vi vi phạm của các lần xử phạt đều là xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Ngày 24/10/2013, công ty Hào Dương đã bị bắt quả tang khi đang có hành vi xả chất thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Để thực hiện việc xả thải chất độc hại ra sông Đồng Điền không bị phát hiện, công ty Hào Dương đã bố trí mạng lưới bảo vệ cảnh giới dày đặc nhằm theo dõi, báo động từ hai hàng rào ở ven sông đề phòng nge, xuồng của cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra.
Một trong số những người trực tiếp vận hành hệ thống xả thải khai nhận rằng mỗi khi các bể lắng đầy, công ty ra lệnh yêu cầu vận hành đường ống xả thải, mỗi đêm xả từ lúc 22h, liên tục trong 3-4 giờ, với lượng nước thải lên đến hàng trăm mét khối trong một đêm. Hơn 10 năm hoạt động, Công ty Hào Dương gây ra nhiều hậu quả cho môi trường và xã hội, ảnh hưởng không tốt đến đời sống, sinh hoạt và cuộc sống của hàng trăm hộ dân và người lao động sau 10 lần xử phạt.
Giải quyết tình huống.
Xác định sai phạm.
Thông qua kết quả điều tra của cơ quan chức năng, ta thấy Công ty CP Hào Dương có hành vi vi phạm là đã không xây lắp hệ thống xử lý nước thải đúng quy trình xử lý đạt yêu cầu theo quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Cụ thể, Công ty này sau khi tăng công suất lên 26.000 tấn da/năm thì không nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, sau đó lại có hành vi xả chất thải công nghiệp gây ô nhiễm ra môi trường (sông Đồng Điền) gấp nhiều lần cho phép.
Căn cứ theo Điều 101, Luật Bảo vệ môi trường 2014, quy định về hệ thống xử lý nước thải:
Điều 101. Hệ thống xử lý nước thải
- Đối tượng sau phải có hệ thống xử lý nước thải:
- a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;
- b) Khu, cụm công nghiệp làng nghề;
- c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung.
- Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- a) Có quy trình công nghệ phù hợp với loại hình nước thải cần xử lý;
- b) Đủ công suất xử lý nước thải phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh;
- c) Xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
- d) Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát;
đ) Phải được vận hành thường xuyên.
- Chủ quản lý hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý. Số liệu quan trắc được lưu giữ làm căn cứ để kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dựa theo khoản 1 điều 101, công ty Hào Dương phải có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu tại khoản 2 điều này. Thông qua quy định này, việc công ty Hào Dương xây lắp hệ thống xả thải vi phạm nghiêm trọng vào điểm b, khoản 2, điều 101 khi không xây lắp hệ thống đủ công suất để xử lý nước thải phù hợp với khối lương nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Về việc công ty Hào Dương xả nước thải có thông số chất gây hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường sông Đồng Điền, căn cứ vào điều 100, Luật Bảo vệ môi trường 2014, về việc thu gom, xử lý nước thải:
Điều 100. Thu gom, xử lý nước thải
- Đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải.
- Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn; bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng sau khi kiểm tra công ty Hào Dương cho thấy công ty này không thu gom triệt để chất thải vào khu vực lưu chứa tạm thời theo quy định, mà trực tiếp phát tán chất thải có hàm lượng chất nguy hại vượt quy chuẩn kỹ vượt mức cho phép nhiều lần ra môi trường sông Đồng Điền, vi phạm vào khoản 2, điều 100 và khoản 5, điều 7, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 : Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.
Trách nhiệm pháp lý.
Trách nhiệm hành chính.
Căn cứ vào khoản 1, điều 160, Luật BVMT 2014 quy định về xử lý vi phạm: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì có trách nhiệm phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, căn cứ vào điểm a, c khoản 2, Điều 1, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
“ Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm:
a.Các hành vi vi phạm các quy định về cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường;
c.Các hành vi vi phạm các quy định về quản lí chất thải;”
Đối với hành vi vi phạm việc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải theo yêu cầu:
- Phạt tiền 35.000.000 đồng (áp dụng khung tiền phạt: e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định, trừ trường hợp: Giám sát môi trường; làm cho môi trường tốt hơn đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và trường hợp quy định tại điểm b và điểm i khoản này).
Do Công ty CP Hào Dương là tổ chức kinh tế nên bị phạt tiền 70.000.000 đồng.
Đối với hành vi xả nước thải có chứa các thông số vượt quá QCKT.
- Phạt tiền 85.000.000 đồng (áp dụng phạt tiền theo khoản l, điều 13, NĐ 155/2016/NĐ-CP: Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m³/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m³/ngày (24 giờ))
Do công ty này là tổ chức kinh tế nên bị phạt 170.000.000 đồng.
- Phạt tiền 36.000.000 đồng đối với mỗi thông số vượt quá 5-10 lần QCKT (áp dụng khoản 7, điều 13, NĐ 155/2016/NĐ-CP).
Với mỗi thông số vượt chuẩn 5-10 lần, Công ty Hào Dương bị phạt 72.000.000
Trong thực tế, Công ty CP thuộc da Hào Dương bị UBND TP HCM xử phạt lên đến 1,9 tỷ đồng vì vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, về bảo vệ môi trường đối với nguồn thải, chất thải nguy hại, xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại. Ngoài ra, Hào Dương bị buộc phải nộp 4,3 tỷ đồng được cho là thu lợi bất chính từ việc xả hơn 437.000m3 nước thải ô nhiễm. Tổng cộng số tiền công ty phải nộp là hơn 6,39 tỷ đồng.
Kết luận
Như vậy, thông qua tình huống trên có thể thấy mặc dù nhà nước quy định cụ thể về xử phạt vi phạm đối với các hành vi phạm tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có những hành động cố ý sai phạm, sẵn sàng chịu phạt để thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Phải chăng các khung hình phạt của nhà nước ra quy định trong lĩnh vực môi trường chưa thực sự có tính răn đe, chưa thực sự mạnh mẽ để rồi so với việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp sẵn sàng đón chịu các hình thức xử phạt để vi phạm?
Thực tế hiện nay ngày càng nhiều các vụ việc mà các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn nước , đất, biển được phát giác, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống người dân. Qua đó, em thấy pháp luật về bảo vệ môi trường cần có các quy định chặt chữ và mang tính răn đe hơn, mạnh mẽ hơn để hạn chế tối đa việc doanh nghiệp vi phạm gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm cho con người cuộc sống trong lành.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường trong tình huống cụ thể. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.