Hiện nay, theo đà phát triển của xã hội công nghiệp, việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng được đẩy mạnh. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng các hoạt động của con người lên môi trường xung quanh. Những tác động này tạo ra những thay đổi về chất lượng, biến đổi sự phân bố các tài nguyên thiên nhiên hoặc nhân tố chất lượng môi trường có thể tích cực nhưng cũng có thể tiêu cực. Từ đó, bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề cấp bách đang được quan tâm hàng đầu của nhân loại.Để bảo vệ môi trường, pháp luật của các nước đã quy định nhiều công cụ pháp lý cũng như kỹ thuật, trong đó ĐTM là một công cụ hữu hiệu.Ở Việt Nam trong thời gian qua việc thực hiện ĐTM đã thu được nhiều thành tựu đáng kể. Nhưng bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện trong thực tế. Để hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật về ĐTM cũng như tình hình áp dụng hiện nay, em xin chọn đề bài số 88: “Tìm hiểu tình hình thực tế áp dụng các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam”.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Trường Đại học Luật Hà Nội,Giáo trình Luật môi trường, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2016;
- Luật bảo vệ môi trường 2014;
- Nghị định số 18/2015/NĐ – CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
- Về việc thực hiện pháp luật đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam, Lê Sơn Hải
Lý luận chung và các quy định của pháp luật hiện hành về đánh giá tác động
Định nghĩa
Khoản 23, Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014 định nghĩa: “Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó”.
Mục đích của đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để biết được tầm ảnh hưởng của dự án đến môi trường xung quanh so với tiêu chuẩn quy định, từ đó thẩm định xem có cấp quyết định phê duyệt dự án hay không; đồng thời ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tạo sự chủ động trong vấn đề bảo vệ môi trường nơi dự án hoạt động.
Các văn bản pháp luật hiện hành quy định về ĐTM
ĐTM giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định lựa chọn phương án khả thi tối ưu, liên quan giữa môi trường và hoạt động sản xuất, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước mà vẫn có lợi về kinh tế.
Căn cứ để thực hiện việc báo cáo ĐTM:
- Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ban hành ngày 23/06/2014, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2015.
- Nghị định số 18/2015/NĐ – CP của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường.
- Nghị định số 19/2015/NĐ – CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.
- Thông tư số 27/2015/TT – BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
Nội dung của các quy định pháp luật hiện hành về ĐTM
Đối tượng phải thực hiện ĐTM
Đối tượng phải thực hiện ĐTM bao gồm tại Điều 18 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định. Bên cạnh đó, Nghị định số 18/2015/NĐ – CP cũng quy định cụ thể và chi tiết “Danh mục dự án phải thực hiện ĐTM”.
Trách nhiệm lập báo cáo ĐTM của chủ dự án
Tại khoản 1 Điều 19 Luật bảo vệ môi trường quy định: “Chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giátác động môi trường.”Đây là một quy định hoàn toàn hợp lí và có tính khả thi cao.Không những thế, khoản 2 Điều 13 Nghị định 18/2015/NĐ – CP cũng quy định “Cán bộ thực hiện ĐTM phải có trình độ đại học trở lên và có chứng chỉ tư vấn ĐTM đúng chuyên môn”. Điều này góp phần vào việc ĐTM được chính xác, từ đó đưa dự án vào thực hiện trên thực tế đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác ĐTM, khoản 1 Điều 20 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định chủ dự án phải lập báo cáo ĐTM trong các trường hợp
Đồng thời, trong quá trình thực hiện ĐTM, chủ dự án phải tiến hành tham vấn Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bơi dự án, điều này quy định rõ tại khoản 2 Điều 21 Luật bảo vệ môi trường 2014. Sự tham gia của các tổ chức có liên quan và của cộng đồngvào quá trình ĐTM ngày càng được khẳng định là có giá trị quan trọng.
Nội dung chính của báo cáo ĐTM
Theo quy định tại Điều 22 Luật bảo vệ môi trường năm 2014, nội dung chính của ĐTM bao gồm:
1. Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp ĐTM.
….
Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường”.
Thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM
Thẩm định báo cáo ĐTM là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm xem xét thẩm tra về mặt pháp lý cũng như nội dung khoa học của các báo cáo,từ đó quyết định phê duyệt hoặc không phê duyệt.
Hình thức thẩm định
Việc thẩm định báo cáo ĐTM có thể được tiến hành thông qua một trong hai hình thức:
– Qua Hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm thẩm định báo cáo ĐTM thành lập.
-Qua việc lấy ý kiến các cơ quan tổ chức, có liên quan (đối với các dự án thực hiện trong tình thế cấp bách như: thiên tai, dịch bệnh,…).
Phân cấp tổ chức thẩm định
Theo quy định của pháp luật môi trường hiện hành, trách nhiệm tổ chức việc thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án được quy định tại Điều 23 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và được chi tiết hóa tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ – CP
Thời hạn thẩm định báo cáo ĐTM
Tại khoản 1 Điều 25 Luật bảo vệ môi trường năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo ĐTM đã được chỉnh sửa … trường hợp không phê duyệt phải trả lời cho dự án bằng văn bản và nêu rõ lý do”.Đồng thời được cụ thể hóa tạikhoản 2 Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ – CP.
Tình hình thực tế áp dụng các quy định pháp luật về ĐTM ở Việt Nam
Những kết quả tích cực
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta do nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển nên đã cố gắng từng bước tìm các biện pháp cải thiện môi trường và kiên quyết phòng ngừa các vấn đề môi trường mới phát sinh. Nhận thức của các nhà quản lý, các doanh nhân, các tổ chức quần chúng và nhân dân về vấn đề môi trường đã có những chuyển biến tích cực.Đó cũng là những yếu tố thuận lợi để hoạt động ĐTM phát huy tác dụng của mình. Việc xây dựng và phát triển lực lượng cán bộ về ĐTM đã được tăng cường. Các trường đại học, Viện nghiên cứu cũng đã bắt tay và tích cực tham gia các hoạt động về ĐTM.Nhiều dự án lớn đưa vào hoạt động đã thực hiện ĐTM có chất lượng.
Cơ sở pháp lý để yêu cầu các chủ dự án phải tiến hành ĐTM đã được luật hóa và quy định bởi Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống các văn bản hướng dẫn và tiêu chuẩn môi trường của Quốc gia, của các bộ, ngành và các địa phương. Có thể nói nước ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ về ĐTM, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Cùng với việc ban hành các quy định pháp luật về ĐTM, các cơ quan môi trường, các cơ quan, các tổ chức liên quan, các tổ chức đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, giới thiệu, tư vấn cho các doanh nghiệp các quy định về ĐTM để họ hiểu rõ hơn mục tiêu và ý nghĩa của hoạt động này. Các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp đã dần ủng hộ hoạt động này và nhu cầu ĐTM từng bước gia tăng và có tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Ví dụ, kết quả đạt được trong giai đoạn từ 1993 đến 2006 như sau, trên quy mô toàn quốc đã có tổng số 5818 báo cáo ĐTM được thẩm định gồm: 4088 báo cáo ĐTM của dự án và 1730 báo cáo ĐTM của cơ sở đang hoạt động , trong đó cấp Trung ương đã thẩm định 800 báo cáo ĐTM của các dự án và cơ sở đang hoạt động, giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1999 khoảng 45% và từ năm 2000 đến năm 2004 khoảng 55%. Ở cấp địa phương, tổng số báo cáo ĐTM và Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được thẩm định và phê duyệt là 26.000 báo cáo, trong đó giai đoạn từ năm 1994 đến 1999 khoảng 25% và giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2004 là 75%.
Một số số liệu về công tác thẩm định ĐMC, ĐTM,KBM và hoạt động sau ĐTM tại các bộ, ngành từ 05/6/2011 đến 10/9/2014 (riêng số liệu của Bộ TNMT được cập nhật đến 15/9/2015)
Nội dung | Bộ TN và MT | Các bộ, ngành khác | Sở TNMT |
Số lượng cán bộ về quản lý môi trường | 619 | 66 | 1226 |
Số lượng cán bộ trực tiếp liên quan đến ĐMC, ĐTM, CBM, sau ĐTM | 100 | 50 | 323 |
Hồ sơ ĐTM | |||
Đã nhận | 1252 | 112 | 6525 |
Đã phê duyệt | 1205 | 94 | 5623 |
Những hạn chế còn tồn tại
Thứ nhất, các báo cáo ĐTM tuy nhiều về số lượng nhưng đa số còn nặng tính hình thức. Nhiều nơi chỉ mới quan tâm đến tác động có hại, tác động trực tiếp, tác động trước mắt…mà ít quan tâm đến tác động gián tiếp, lâu dài.Các biện pháp đưa ra để giảm thiểu tác động còn sơ sài, ít khả thi, thiếu số liệu thuyết phục.
Có nhiều ví dụ cho thấy rõ điều này.Chẳng hạn phần đánh giá tác động xã hội trong báo cáo ĐTM cuả dự án ti-tan Hà Tĩnh chỉ có ½ trang; dự án thủy điện Hương Sơn có 01 trang. Các đánh giá được trình bày chung chung, không có chiều sâu, và dường như chỉ được “xào xáo” lại từ các báo cáo ĐTM khác. Báo cáo ĐTM của dự án thủy điện Lai Châu – một trong ba công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà với công suất thiết kế là 1.200MW, toàn bộ nội dung dày tới 200 trang, nhưng phần đánh giá tác động kinh tế – xã hội chỉ cũng chiếm 2 trang (1% toàn bộ nội dung). Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, với quy mô dự án lớn nhưng ĐTM được thực hiện rất sơ sài… Rõ ràng, yêu cầu đánh giá tác động xã hội đã không được đề cao trong yêu cầu lập báo cáo ĐTM.
Một chuyên gia từng tham gia Hội đồng thẩm định ĐTM nhiều dự án cho biết, việc đánh giá ĐTM hiện nay chưa thực chất. “Hầu hết các dự án đều làm cho có, mang tính hình thức, ĐTM gần như chủ yếu là thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp và chủ đầu tư để được phê duyệt dự án. Nhiều ĐTM chỉ thực hiện trong thời gian ngắn 2-3 tháng, với vài người làm, sơ sài nhưng khi đưa lên hội đồng vẫn “mắt nhắm mắt mở” thông qua và hiếm ĐTM nào không được phê duyệt do chưa đảm bảo”.
Ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: “Việc thực hiện ĐTM vẫn còn nhiều bất cập, còn nhiều dự án bỏ qua bước ĐTM, chưa tiến hành lập hồ sơ hoạt động sau ĐTM hoặc có những dự án thực hiện ĐTM cho có. Đặc biệt, nhiều trường hợp chủ dự án giao khoán, phó mặc cho bên tư vấn môi trường thực hiện ĐTM, nên nội dung tư vấn đưa ra trong báo cáo ĐTM không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án…”.
Về điều này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng thẳng thắn thừa nhận: “ĐTM vẫn mang tính chất chung chung và là hình thức doanh nghiệp qua mắt để được đầu tư. Cần phải xem xét ĐTM trong giai đoạn cấp giấy phép xây dựng, thiết kế cơ sở, mới có căn cứ để đánh giá tác động môi trường”.
Theo thông lệ quốc tế, chi phí để lập một báo cáo ĐTM thường chiếm từ 1 – 3% so với tổng kinh phí của một dự án. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở Việt Nam có những dự án có giá trị hàng chục tỷ đồng, nhưng chi phí thực hiện ĐTM thậm chí chỉ vài chục triệu đồng. Với mức chi như vậy khó có thể đáp ứng một loạt các yêu cầu khảo sát và đo đạc một cách nghiêm túc và cập nhật các chỉ tiêu môi trường ở các khu vực dự án cụ thể.
Đặc biệt, thủ tục ĐTM vẫn giao cho chủ đầu tư thực hiện hoặc thuê đơn vị tư vấn độc lập, như vậy thiếu tính khách quan, bởi vì chủ đầu tư khó có thể thuê cá nhân hay tổ chức tư vấn lập báo cáo ĐTM để dẫn tới quyết định dự án bị trì hoãn hoặc chấm dứt, không đảm bảo lợi ích của họ. Thậm chí, trong nhiều năm qua vì sức ép tăng trưởng kinh tế nên lãnh đạo nhiều ngành, địa phương xem nhẹ vai trò của ĐTM.
Thứ hai, việc cưỡng chế lập báo cáo ĐTM và quyết định phê chuẩn báo cáo của cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa nghiêm. Tỷ lệ các dự án không lập báo cáo ĐTM hoặc chưa tiến hành lập, thẩm định ĐTM còn cao. Theo ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn nhiều dự án bỏ qua bước ĐTM, chưa lập hồ sơ hoạt động sau ĐTM, hoặc có những dự án thực hiện ĐTM làm cho có. Đặc biệt, nhiều trường hợp chủ dự án giao khoán, phó mặc cho bên tư vấn môi trường thực hiện ĐTM, nên nội dung tư vấn đưa ra trong báo cáo ĐTM không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án…
Thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM được pháp luật phân cấp cho Bộ TN-MT (cấp trung ương) và UBND (cấp địa phương). Theo các chuyên gia, những ưu tiên về dự án đầu tư và phát triển kinh tế của cả Chính phủ, ngành và đặc biệt là các tỉnh, thành đã đặt các cơ quan (và cá nhân) chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo ĐTM vào thế “không được làm trái ý cấp trên”, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn của nước ngoài nhưng tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như xây dựng thủy điện, cảng biển, khai thác khoáng sản, sửa chữa tàu biển, tái chế rác thải… Có thể nói, tính độc lập, phản biện và chịu trách nhiệm trước pháp luật, thể hiện qua trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM chưa được quy định rõ ràng.
Các cơ quan quản lý không có đủ nhân lực, trang thiết bị và thời gian để giám sát môi trường trong quá trình xây dựng và hoạt động của dự án. Họ cũng chưa có đủ quyền để cưỡng chế việc thực thi các yêu cầu được ghi trong quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ Công ty TNHH Vedan (Đồng Nai) trắng trợn vi phạm Luật Bảo vệ môi trường – xả trái phép nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải kéo dài liên tục trong 14 năm. Khi vụ việc bị lực lượng Cảnh sát Môi trường (CSMT) phát hiện và điều tra thì có tới 3 tội danh không xử phạt được do đã hết thời hạn xử phạt hành chính (quá 2 năm). Cả ba tội danh này đều liên quan đến báo cáo ĐTM bổ sung và cam kết bảo vệ môi trường

Thứ ba, việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ĐTM còn nhiều bất cập. Phần lớn các chủ dự án và cơ quan tư vấn có hỏi ý kiến cộng đồng dân cư, nhất là các dự án có liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tuy nhiên, hầu hết mới chỉ tiến hành bằng hình thức phiếu điều tra xã hội học hoặc phỏng vấn trực tiếp, mặt khác, việc hỏi ý kiến mới chỉ dừng lại ở tìm hiểu nguyện vọng hay phản ứng của cộng đồng dân cư về dự án. Việc hỏi ý kiến cộng đồng nhằm mục đích khai thác các ý kiến bản dịa hầu như chưa được tiến hành.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh, Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng, một trong những bước quan trọng của báo cáo ĐTM chính là tham vấn ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, hiếm có báo cáo ĐTM nào thực hiện việc tham vấn đúng nghĩa. Thậm chí, nhiều báo cáo ĐTM còn giống nhau cả về ý kiến trả lời tham vấn của UBND cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã lẫn lỗi chính tả. Sở dĩ có bất cập này bởi hiện nay quy định trong Luật Bảo vệ môi trường còn quá chung chung. Dù vậy, luật chưa quy định cụ thể thế nào là “chịu tác động trực tiếp bởi dự án”, sẽ tiến hành tham vấn ở bước nào của quá trình thực hiện và không giao cho cơ quan nào quy định chi tiết nội dung này.
Thứ tư, chưa tiến hành ĐTM tổng hợp cho một vùng lãnh thổ. ĐTM đối với các dự án đầu tư phát triển ở nước ta trong thời gian hơn 20 năm qua hầu như mới chỉ tiến hành một cách đơn lẻ, trong khi ở một vùng lãnh thổ nhất định lại thường có nhiều dự án và cơ sở đang hoạt động cùng tồn tại. Về nguyên lý, các tác động môi trường của các dự án và cơ sở trong một vùng, vào cùng một thời điểm có thể cộng hưởng với nhau và tăng lên gấp bội, hoặc cũng có thể triệt tiêu nhau. Việc thiếu vắng đánh giá tổng hợp các tác động môi trường của các dự án và cơ sở đang hoạt động trong cùng một vùng sẽ không thấy hết được bức tranh tổng thể về tác động môi trường xảy ra ở vùng đó, từ đó, sẽ không có căn cứ chắc chắn để có thể quyết định cho phép hay không cho phép đầu tư thêm dự án vào một vùng nhất định. Còn thiếu các hướng dẫn kỹ thuật lập ĐTM chuyên ngành ở các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Chưa tiến hành ĐTM xuyên biên giới. Vấn đề môi trường nói chung, tác động môi trường nói riêng không phụ thuộc vào ranh giới hành chính của một vùng hay một quốc gia. Tác động môi trường xảy ra ở một quốc gia này có thể ảnh hưởng đến một quốc gia hoặc nhiều quốc gia khác.Vì vậy, trong khuôn khổ Liên hợp quốc đã có Công ước về ĐTM xuyên biên giới (thường được gọi tắt là Công ước Espoo). Việt Nam có biên giới trên đất với ba nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia, có những con sông và có vùng biển rộng lớn liên quan đến nhiều nước khác, do đó ĐTM xuyên biên giới là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta chưa tiến hành được do chưa có những phương thức, cơ chế phối hợp cụ thể với các quốc gia lân cận để tiến hành.
Các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống ĐTM
Thứ nhất, cần tiến hành nghiên cứu tổng thể về thực trạng ĐTM của Việt Nam thông qua hoạt động rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá các điều kiện, nguồn lực thực hiện; hệ thống hóa những tồn tại, khó khăn thách thức, những bài học kinh nghiệm từ các sự cố môi trường trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu, tham khảo hệ thống ĐTM của một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công;
Thứ hai, tiến hành sửa đổi các quy định về ĐTM cho cả 3 cấp độ là Luật, Nghị định, Thông tư, trong đó định hướng công tác ĐTM, khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức và tiếp cận hài hòa với các quy định quốc tế.
Cụ thể: Cân nhắc việc xây dựng Luật ĐTM; sàng lọc, phân chia thành các nhóm dự án tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm, phức tạp về khía cạnh môi trường; từ đó, quy định rõ phạm vi, quy trình, các bước ĐTM và mức độ chi tiết của báo cáo ĐTM đối với từng nhóm dự án. Đối với các dự án có quy mô lớn, nhạy cảm về môi trường, nên quy định hai bước thực hiện ĐTM; nâng cao chất lượng công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến của họ về dự án, về các vấn đề môi trường và xã hội trong quá trình ĐTM
Duyệt báo cáo ĐTM, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bên từ chủ dự án đến các cơ quan quản lý môi trường các cấp và có sự tham gia của chính quyền, nhân dân địa phương; xây dựng quy định về kinh phí lập ĐTM, hệ thống chứng chỉ hành nghề dịch vụ ĐTM; nghiên cứu cơ chế về ký quỹ bảo vệ môi trường trước khi dự án vận hành thử nghiệm đối với các đầu tư lớn, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn rủi ro, sự cố môi trường. Số tiền ký quỹ được xác định trong báo cáo ĐTM
Thứ ba, cần xây dựng quy trình kỹ thuật ĐTM, đề xuất cấu trúc, nội dung của báo cáo ĐTM cho từng danh mục dự án; Xây dựng quy trình kiểm tra, xác nhận công tác BVMT theo từng giai đoạn của dự án và theo các cấp độ khác nhau; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật thẩm định báo cáo ĐTM, hình thành bộ tiêu chí thẩm định ĐTM thông qua việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cần xem mỗi ĐTM là tập hợp các nghiên cứu chuyên sâu về các thành phần môi trường vật lý, sinh thái, văn hóa, kinh tế, xã hội; về khoa học dự báo và công nghệ môi trường…
Thứ tư, cần sàng lọc và quyết định đầu tư dự án trên cơ sở thấm nhuần quan điểm phát triển bền vững – phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội từ chủ đầu tư cho đến các cấp có thẩm quyền. Xóa bỏ quan điểm xem ĐTM là một thủ tục hành chính để được cấp phép hoặc chấp thuận đầu tư, thay vào đó, cần xác định rằng ĐTM là công cụ khoa học – kỹ thuật – pháp lý, là một trong những căn cứ quan trọng để đi đến quyết định đầu tư hay không đầu tư dự án hoặc phải thay đổi phương án khác cho dự án. Theo đó, từng dự án phải được xem xét kỹ các yếu tố chi phí – lợi ích, chẳng hạn như dự án đó sẽ đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách nhà nước, thu hút được bao nhiêu việc làm, tổn thất môi trường khi hoạt động bình thường và khi xảy ra sự cố. Về môi trường và xã hội, cần nghiên cứu, tính toán tính cụ thể các yếu tố: Ô nhiễm, dự báo các rủi ro, sự cố và tác động đến môi trường; các chất độc và nguy hại; nơi cư trú tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp; sức khỏe và an toàn của công nhân…
Hệ thống pháp luật về ĐTM khoa học, toàn diện, có tính thực tiễn và tuân thủ nghiêm minh sẽ giúp Việt Nam loại trừ được những bất cập liên quan đến công tác ĐTM như hiện nay. Tuy nhiên, bản chất ĐTM là dự báo, do vậy khó có thể một báo cáo ĐTM chi tiết đến mức có thể dự báo định lượng và nêu rõ các giải pháp giảm thiểu tất cả các tác động, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án. Vì vậy, đối với các dự án phức tạp, nhạy cảm về môi trường, cần xem công tác giám sát môi trường sau khi thẩm định ĐTM là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường của dự án.
ĐTM và những công cụ đánh giá môi trường khác là những công cụ được sử dụng để đảm bảo rằng các quyết định phát triển phải tính đến và giảm thiểu đến mức có thể các tác động tiêu cực đến môi trường.Công tác ĐTM của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng như đã đề cập trong báo cáo. Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cơ quan chức năng với sự phối hợp của bộ ngành địa phương, sự đồng thuận của xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, chúng ta hy vọng sẽ tiếp tục phát huy được những thành tựu đã đạt được, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, bất cập và cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Tìm hiểu tình hình thực tế áp dụng các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.