Phân tích những nhược điểm của các quy định về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường

Phân tích những nhược điểm của các quy định về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường

      Hiện nay, cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, sự tiến bộ của khoa học công nghệ và những hoạt động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của con người đã thải ra môi trường đủ mọi loại chất thải làm cho môi trường bị ô nhiễm. Để giảm bớt, ngăn chặn và răn đe đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường, pháp luật trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã ban hành nhiều Bộ luật và văn bản có liên quan đến vấn đề này. Trong đó, vấn đề bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường là vấn đề quan trọng, rất đáng quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề bồi thường thiệt hại đã được quy định rất rõ ràng chi tiết tại Luật Bảo vệ môi trường 2014 . Tuy nhiên, vấn đề bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay vẫn còn mới mẻ cả về lý luận lẫn thực tiễn. Do đó mà những quy định của pháp luật về vấn đề bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường ở nước ta đang bộc lộ rất nhiều nhược điểm là điều không tránh khỏi. Để nhìn nhận một cách khách quan hơn những quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề nêu trên, trong bài tập lớn môn Luật môi trường này, em xin được lựa chọn đề bài số 55: “Phân tích những nhược điểm của các quy định về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường”.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;
  • Bộ luật dân sự năm 2005;
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
  • Giáo trình Luật môi trường.

Khái quát về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường

Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

      Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể do sự cố môi trường hay hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Điều 163 Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã xác định rõ hai loại thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm:

      Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường: là sự biến đổi theo chiều hướng xấu đi của môi trường mà những biến đổi này làm giảm đi những tính năng vốn có của môi trường – những tính năng có thể tạo những điều kiện thuận lợi có ích cho sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.

Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.”

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm, suy thoái môi trường

      Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm suy thoái môi trường là hậu quả pháp lý bất lợi mà tổ chức cá nhân phải gánh chịu khi làm ô nhiễm, suy thoái môi trưng, gây thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác.

Đặc điểm pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm, suy thoái môi trường

      Về cơ sở pháp lý: đây là loại trách nhiệm phát sinh dưới sự tác động trực tiếp của các quy phạm pháp luật mà không cần có sự thỏa thuận trước của các chủ thể, chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp, pháp luật Dân sự, pháp luật Môi trường khi có hành vi vi phạm pháp luật môi trường, làm tổn hại môi trường, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân.

      Về điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường.

      Có thiệt hại xảy ra.

      Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật bảo vệ môi trường.

      Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và thiệt hại xảy ra.

      Có lỗi của người gây thiệt hại.

Về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

      Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định tại Điều 606 BLDS 2005, như vậy cá nhân phải có năng lực chủ thể và năng lực hành vi. Các tổ chức chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể là pháp nhân hoặc các tổ chức khác không phải pháp nhân. Các tổ chức phải có năng lực pháp luật, có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phải chịu bằng tài sản của mình.


Những nhược điểm của các quy định về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường

Về xác định thiệt hại

      Thứ nhất, quy định của pháp luật hiện hành chưa xác định thiệt hại từng thành phần của môi trường.

      Điều 165 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định chi tiết về xác định thiệt hại, cụ thể:

  • Xác định 3 mức độ thiệt hại là: có suy giảm, suy giảm nghiêm trọng, suy giảm đặc biệt nghiêm trọng.
  • Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng bị thiệt hại, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, vùng đệm trực tiếp bị suy giảm, vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm.
  • Xác định thành phần môi trường bị suy giảm: số lượng thành phần môi trường bị thiệt hại, mức độ thiệt hại của từng thành phần.

      Đây là điều luật đầu tiên quy định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường, áp dụng chung trong xác định thiệt hại tới các nguồn tài nguyên sinh vật. Tuy nhiên hiện tại pháp luật chưa có các quy định để lượng hóa các mức độ suy thoái môi trường nên việc xác định mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường do môi trường bị suy thoái mới chỉ dừng lại ở các mức định tính. Trên thực tế quy định trên dường như chỉ đơn thuần mang tính định hướng, giúp nhận biết có thiệt hại  về môi trường và khoanh vùng bị thiệt hại. Quy định pháp luật chỉ nêu chung chung rằng phải xác định từng thành phần môi trường bị thiệt hại, mức độ suy giảm từng thành phần mà không chỉ rõ các thành phần môi trường phải xác định là những thành phần môi trường nào. Vì vậy quy định pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể về các thành phần môi trường bị thiệt hại được xem xét, đánh giá.

      Thiệt hại là yếu tố quan trọng bậc nhất để xác định và tính mức bồi thường. Do vậy, phải xác định và tính toán cụ thể sự thiệt hại của từng thành phần môi trường. Mặt khác mỗi thành phần của môi trường lại có tính chất khác nhau nên cách xác định thiệt hại cũng khác nhau, không thể dựa vào một quy định chung như trên để xem xét. Chỉ khi căn cứ vào một số liệu tính toán chính xác thì mới giải quyết được yêu cầu bồi thường hơp lý. Trong khi đó thiệt hại về tính mạng sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân lại dựa trên cơ sở dữ liệu thiệt hại về các thành phần của môi trường là việc làm đầu tiên của mỗi vụ việc giải quyết bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường. Như vậy Điều 165  Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa đáp ứng được yêu cầu này.

      Thứ hai, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 tuy đã nêu ra 2 loại thiệt hại nhưng lại không chỉ ra tiêu chí phân loại chúng. Điều này dẫn đến khó xác định  được thiệt hại suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về tài sản của tổ chức, cá nhân.

      Ví dụ nhà máy A thải các chất gây ô nhiễm ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước, do đó các loài cá tôm bị chết và không sinh sản được. Trong khi đó các loài cá tôm này là nguồn sống hàng ngày của người dân cư trú quanh sông thông qua hoạt động đánh bắt. Vậy sự suy giảm về số lượng các loài sinh vật trên sẽ là thiệt hại về môi trường hay thiệt hại về tài sản của cư dân vùng sông nước?

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

      Việc quy định áp dụng song song 2 hình thức trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm là một biểu hiện đặc thù của pháp luật môi trường. Người làm ô nhiễm, suy thoái môi trường gây thiệt hại phải thực hiện đồng thời cả 2 biện pháp. Tuy nhiên tác dụng của 2 biện pháp này là khác nhau nên việc áp dụng chúng phải hài hòa để giải quyết bồi thường hợp lý. Tác dụng của bồi thường thiệt hại là bù đắp những tổn thất về giá trị sinh thái, người, tài sản. Còn tác dụng của khắc phục ô nhiễm, suy thoái là hạn chế, ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng lây lan ô nhiễm đồng thời làm giảm nhẹ những thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra.

      Nếu tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái  đã phục hồi hoàn toàn và kịp thời, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận thì không phải bồi thường thiệt hại nữa. Nếu tổ chức, cá nhân đó vừa tiến hành cả 2 biện pháp một cách chủ động và tích cực thì trách nhiệm đối với từng biện pháp cần được xem xét thỏa đáng. Tuy nhiên pháp luật môi trường hiện nay lại chưa quy định vấn đề này.

Quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra

      Luật Bảo vệ môi trường 2014 không có quy định rõ về vấn đề này nên quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường chủ yếu dựa vào quyền khởi kiện bồi thường thiệt hại trong luật dân sự.

      Đối với những thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường: Luật Bảo vệ môi trường 2014 không quy định rõ về quyền này nên thực tế khi các vụ việc đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường thì Nhà nước đã “quên” đòi bồi thường thiệt hại cho môi trường, mục tiêu hàng đầu của bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường là khôi phục hiện trạng môi trường tự nhiên đã không được đáp ứng.

      Đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thì người dân bị thiệt hại có quyền khởi kiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên một số vụ ô nhiễm môi trường thường có phạm vi ảnh hưởng rộng và gây thiệt hại tới rất nhiều người dân sống xung quanh khu vực gây ô nhiễm nên nếu như tất cả những người dân này thực hiện quyền khởi kiện thì số lượng nguyên đơn trong vụ kiện là rất lớn. Từ đó quá trình tố tụng sẽ tốn kém, phức tạp, tốn kém về tiền của, khó có thể đáp ứng được yêu cầu bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Thời hiệu khởi kiện

      Điều 160 BLDS 2005 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự đối với trường hợp yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước; yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm hại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      Điều 607 BLDS 2005 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm hại.

      Dựa vào các quy định trên có thể thấy rằng đối với các vụ việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường thì:

  • Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về các thành phần môi trường, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe.
  • Nếu yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về tài sản tì thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ khi quyền và lợi ích hợp pháp đối với tài sản bị xâm phạm.

      Thứ nhất, các quy định trên về không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với thiệt hại về môi trường, tính mạng, sức khỏe có cả ưu điểm và nhược điểm. Một mặt quy định này rất có lợi cho người bị hại, có giá trị thực tiễn trong lĩnh vực môi trường do hậu quả thiệt hại môi trường là tiềm ẩn và lâu dài. Nhưng mặt khác quy định này cũng gây bất lợi cho hoạt động giải quyết tranh chấp, bởi lẽ thiệt hại do ô nhiễm suy thoái môi trường gây nên vào các thời điểm khác nhau là không giống nhau. Các chất gây ô nhiễm có thể biến đổi theo hướng mức độ thiệt hại không còn như ban đầu dẫn đến các chứng cứ, số liệu không khách quan và chính xác. Các bên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng gặp bất lợi, đặc biệt là đối với các tranh chấp đòi bồi thường do sự cố tràn dầu mà bên gây sự cố đã mua bảo hiểm ô nhiễm môi trường. Với những quy định chặt chẽ trong các hợp đồng bảo hiểm về thời gian thông báo sự kiện gây thiệt hại, mức độ thiệt hại thì việc chậm phát sinh yêu cầu bồi thường của bên có quyền sẽ làm mất giá trị thực hiện đối với sự kiện được bảo hiểm.

      Thứ hai, trong khi đó quy định về thời hiệu khởi kiện là 2 năm đối với thiệt hại về tài sản dường như là quá ngắn. Khi còn gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại tài sản do ô nhiễm suy thoái môi trường thì việc người dân phát hiện thiệt hại kịp thời trong khoảng thời hiệu đã quy định là rất khó. Thực tế thường xảy ra tình trạng đến khi người dân nộp đơn khởi kiện thì đã hết thời hiệu.

Phân tích những nhược điểm của các quy định về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường

Nghĩa vụ chứng minh

      Các vụ việc đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể giải quyết thông qua thỏa thuận, trọng tài hay tòa án. Tuy nhiên theo cách thức nào thì nghĩa vụ chứng minh cũng luôn được đặt ra đối với bên bị thiệt hại.

      Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản liên quan hiện nay không có quy định về nghĩa vụ này. Theo đó, nếu có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường thì bên bị thiệt hại cũng sẽ phải có nghĩa vụ chứng minh như BLDS 2005 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quy định. Như vậy nếu đối chiếu với đặc thù của bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường thì sẽ thấy các tồn tại sau:

      Điều 166 Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã quy định về cơ chế giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Tuy nhiên quy định này đề cập đến cách thức lựa chọn tổ chức giám định trên cơ sở yêu cầu của bên bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường về môi trường mà không quy định rõ rằng giám định thiệt hại là bắt buộc. Như vậy nếu không yêu cầu thì việc giám định cũng không được đặt ra. Trường hợp có yêu cầu nhưng bên yêu cầu bồi thường và bên bị yêu cầu bồi thường không thống nhất được tổ chức giám định thì cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết bồi thường sẽ quyết định. Có thể hiểu cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết bồi thường ở quy định này sẽ là tòa án hoặc trọng tài. Khi các bên không thống nhất được tổ chức giám định thì trọng tài hoặc tòa án sẽ giúp các bên lựa chọn tổ chức giám định.

      Vì vậy quy định này vẫn chưa tạo ra cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm thu thập dữ liệu, chứng cứ hoặc trách nhiệm lựa chọn tổ chức giám định của các cơ quan nhà nước đối với thiệt hại suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.


Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường

      * Về xác định thiệt hại

      – Đối với xác định thiệt hại về sức khỏe tính mạng và những lợi ích khác do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra: Cần có những nghiên cứu, công bố và thể chế hóa thành pháp luật về tác động của các chất do ô nhiễm môi trường gây ra với sức khỏe, tính mạng, tài sản của con người. Điều này là vô cùng quan trọng để khi có ô nhiễm môi trường xảy ra và gây thiệt hại cho người dân thì chúng ta có cơ sở pháp lý để xác định những thiệt hại này một cách rõ ràng hơn.

      – Đối với xác định thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra: Cần giải thích rõ thuật ngữ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và chỉ ra các tiêu chí để phân biệt hai loại thiệt hại suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

      * Về mức độ thiệt hại:  thiết nghĩ không nên quy định thành 3 mức độ suy thoái môi trường như pháp luật hiện hành mà chỉ nên quy định ở hai mức độ là nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, điều đó sẽ giúp cho việc bồi thường thiệt hại mang tính khả thi hơn.

      * Về quyền khởi kiện: nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn để tránh tình trạng hiểu sai các quy định của pháp luật. Chẳng hạn với những vụ việc số lượng nguyên đơn lớn thì nhiều quan điểm cho rằng pháp luật có thể ghi nhận việc những người bị thiệt hại tập hợp thành một hội có tư cách pháp nhân để bảo vệ lợi ích chính đáng của người bị thiệt hại

      * Về thời hiệu khởi kiện:  thiết nghĩ nên tùy vào từng trường hợp cụ thể mà pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện cho phù hợp. Nếu chất gây ô nhiễm là chất độc hại, gậy quả để lại lâu dài cho sức khỏe và môi trường thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây nên. Còn nếu là chất gây ô nhiễm thông thường không nghiêm trọng thì pháp luật có quy định cụ thể về thời hiệu khởi kiện.

      Việc quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra không chỉ ngăn chặn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giáo dục mọi người về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên để có được kết quả như trên đòi hỏi cần phải có một hệ thống pháp luật thực sự hoàn thiện, chặt chẽ và có tính răn đe. Với những nhận xét, đánh giá trên đây, chúng ta một lần nữa được khách quan nhìn nhận lại những nhược điểm, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật về môi trường nói chung và lĩnh vực bồi thường thiệt hại nói riêng. Đây sẽ là cơ sở để các nhà làm luật sớm hoàn thiện các quy định về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường một cách đầy đủ, chặt chẽ hơn, làm công cụ pháp lý để môi trường sống của chúng ta ngày một trong sạch hơn.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Luật tổ chức Chính phủ 2015. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top