Cùng với sự ra đời của Nhà nước La mã cổ đại, hệ thống pháp luật La mã cũng được hình thành và phát triển. Đây là hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhất của Nhà nước chiếm hữu nô lệ. Cùng với sự tan ra của xã hội nguyên thủy là sự xuất hiện của xã hội có giai cấp. Từ khi của cải dư thừa, đồi sống của mỗi gia đình và ngoài xã hội đã có rất nhiều sự thay đổi. Sự mất bình đẳng trong gia đình giữa chồng và vợ, cha và con, giữa người với người đã xuất hiện. Dưới sự đòi hỏi và nhu cầu của thực tiễn lịch sử Nhà nước La mã lúc bấy giờ, Luật La mã ra đời thực sự là công cụ bảo vệ mọi quyền và lợi ích của tất cả mọi người sống ở La mã có quốc tịch La mã trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của Nhà nước La mã. Cũng như mọi chế độ, Luật La mã luôn mang bản chất của giai cấp thống trị và bảo vệ lợi ích của tầng lớp giàu có trong xã hội. Nguyên tắc công bằng chỉ được áp dụng mang tính tương đối. Tuy nhiên, tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thời La mã đã phản ánh một xã hội tư hữu tiến bộ, văn minh vào bậc nhất so với các quốc gia khác tồn tại cùng thời. Luật La mã cổ đại là sự tổng hợp của ba hệ thống luật: ius civile (Luật Quirít), ius gentium và ius praetorium (Luật của các quan) – (tương ứng với các nghĩa: luật dân sự cho người có quốc tịch La mã, luật vạn dân và luật của quan). Vào thời hoàng đế Justinian (thế kỉ VI SCN), ius civile, ius gentium và ius praetorium được hợp nhất thành một hệ thống pháp luật thống nhất. Ngoài ra, vấn đề chủ thể của của Luật La mã, trong chế độ chiếm hữu nô lệ ở La mã, không phải tất cả mọi người đều có quyền công dân như nhau. Quyền công dân không đương nhiên mà có, quyền của con người do nhà nước và pháp luật quy định. Bên cạnh đó, Luật La mã cũng có các quy định về năng lực chủ thể của các cá nhân và để tìm hiểu rõ hơn về năng lực chủ thể của cá nhân trong Tư pháp La mã, em chọn đề bài số 04: Phân tích nội dung năng lực chủ thể của cá nhân trong Tư pháp La mã.
Các vấn đề chung về năng lực chủ thể của cá nhân trong Luật La mã.
Chủ thể trong Luật La mã.
Theo quy định của Luật la mã thì chủ thể của Luật La mã rất hạn chế, địa vị pháp lý của các chủ thể là không bình đẳng. Họ là những người trực tiếp tham gia vào các quan hệ mà bản thân họ có các quyền và nghĩa vụ từ quan hệ đó đồng thời họ phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Một cá nhân muốn có đầy đủ năng lực chủ thể thì phải đáp ứng đầy đủ 03 điều kiện:
– Địa vị tự do – status libertatis: khái niệm này dùng để phân biệt những người công dân tự do và người nô lệ.
– Địa vị công dân – status civitatis: khái niệm này dùng để phân biệt những người La mã và người người công dân khác nhau người Latinh, người ngoại tộc.
– Địa vị gia đình – status familiae: khái niệm này dùng để xác định người chi phối quyền lực trong gia đình như người cha hoặc gia chủ khác (Patres familiae) với các chủ thế khác như con cái phụ thuộc vào gia chủ.
Năng lực pháp luật trong Luật La mã.
Năng lực pháp luật của cá nhân trong xã hội La mã không phải bản chất tự nhiên của mỗi con người, người La mã hiểu khái niệm này như đặc tính của các chủ thể có khả năng thực hiện nghĩa vụ và là người có quyền năng nhất định. Khả năng này đương nhiên phụ thuộc vào thành phần chủng tộc, địa vị xã hội, giới tính, năng lực của từng cá nhâ, vị thế trong gia đình, vị thế về tài sản, vị thế tham gia tố tụng. Năng lực pháp luật của cá nhân trong xã hội La mã yêu cầu ba yếu tố cơ bản là người tự do, có quốc tịch La mã và giữ vị trí độc lập trong gia đình. Địa vị của từng người sẽ quyết định năng lực pháp luật của người đó. Sự thay đổi địa vị của cá nhân cũng dẫn đến sự thay đổi năng lực pháp luật của người đó, theo đó:
– Thay đổi địa vị tự do là quan trọng nhất.
– Thay đổi địa vị công dân là ở mức trung bình.
– Thay đổi địa vị trong gia đình là ít quan trọng nhất.
Năng lực pháp luật của cá nhân trong mỗi thời kì phát triển của nhà nước chiễm hữu nô lệ La mã được pháp luật quy định khác nhau. Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội thì năng lực pháp luật cũng được mở rộng phạm vi quyền công dân và dần dần pháp luật quy định mọi công dân bình đẳng hưởng các quyền công dân, mặc dù trên thực tế không bao giờ có sự bình đẳng đó.
Mọi công dân có thể bị mất năng lực pháp luật hoặc năng lực chủ thể được hồi phục, trình tự này được thực hiện thông qua hành vi tố tụng tại tòa án.
Năng lực hành vi.
Về năng lực hành vi, luật tư pháp La mã không phân biệt năng lực pháp luật với năng lực hành vi của công dân. Nhưng luật tư pháp La mã lại quy định độ tuổi và điều kiện của công dân La mã được tham gia vào các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.
Có thể hiểu, năng lực hành vi của cá nhân là khả năng của 01 người bằng hành vi của chính mình xác lập thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp luật. Độ tuổi của công dân La mã được coi là một trong những điều kiện của chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật.
– Không có năng lực hành vi: trẻ em dưới 7 tuổi (infantes). Đối tượng này không được tham gia và thực hiện giao dịch dân sự, trừ những giao dịch phục vụ cho nhu cầu cần thiết và phù hợp với lứa tuổi infantes. Trẻ em ở độ tuổi này luật quy định bắt buộc phải đặt dưới sự giám hộ của người đã trưởng thành, gọi là Tutor.
– Có năng lực hành vi một phần: người từ 7 tuổi đến 14 tuổi đối với nam, 12 tuổi đối với nữ. Đối tượng này được tham gia thực hiện những giao dịch bảo đảm, duy trì được lợi ích của mình. Khi thực hiện một giao dịch mà phát sinh một nghĩa vụ hay chấm dứt một quyền, phải được sự đồng ý của gia chủ hoặc người đỡ đầu vào thời điểm thực hiện giao dịch đó. Những người thuộc độ tuổi này phải đặt dưới sự giám hộ. Việc giám hộ không áp dụng đối với người trưởng thành (người có Sui Iuris) mà chỉ áp dụng đối với Sui Iuris chưa có đủ năng lực hành vi dân sự, cần phải có sự giúp đỡ của người có kinh nghiệm, người đã trưởng thành là người giám hộ. Luật La mã còn gọi những người thuộc độ tuổi này là người chưa trưởng thành (Impuberes), chỉ được tham gia những giao dịch làm tăng giá trị tài sản của bản thân, còn những giao dịch không làm tăng giá trị tài sản của họ đều vô hiệu. Những giao dịch liên quan đến sự định đoạt tài sản hay thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của Impuberes đều phải được Tutor cho phép.
– Có năng lực hành vi toàn phần và được tham gia các giao dịch: Nam trên 14 tuổi, nữ trên 12 tuổi không có dấu hiệu của các bệnh tâm thần. Người thuộc độ tuổi này cho đến năm 25 tuổi được pháp luật coi là người có đầy đủ năng lực hành vi, pháp luật còn cho phép họ có quyền yêu cầu các quan tòa tuyên bố hủy bỏ giao dịch mà họ đã tham gia đồng thời phục hồi tình trạng tài sản bản đầu của họ.
– Đối với nam trên 14 tuổi và nữ trên 12 mà có dấu hiệu của các bệnh tâm thần (furiosi) thì được coi là người không có năng lực hành vi. Họ không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình trong các quan hệ xã hội và pháp luật, vì vậy, những người được xác định là furiosi đều phải đặt dưới sự giám hộ bắt buộc của người đã trưởng thành khác (Curatela).
– Đối với phụ nữ từ 12 tuổi trở lên có năng lực hành vi toàn phần nhưng vẫn chịu sự giám hộ của người khác, họ có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ những lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Ngoài ra, phụ nữ từ 12 tuổi đến 25 tuổi khi tham gia giao dich cí quyền lựa chọn người khác giám hộ cho mình. Tuy nhiên, khi người phụ nữ được giám hộ theo luật định (tutela mulierum) thì không được thực hiện các giao dịch đòi hỏi lễ nghi và hành vi chính thức hóa (legic actio). Luật cho phép phụ nữ đã trường thành có quyền định đoạt tài sản của mình thông qua các giao dịch mua, bán, đổi, tặng cho, chỉ trừ những giao dịch quan trọng như trả tự do cho nô lệ, giao dịch có giá trị lớn về tài sản thì phải được sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp.
– Ngoài những đối tượng nói trên, người mắc bệnh tâm thần, người mất năng lực hành vi, người bị hạn chế về thể chất, người không có ý thức về tài sản đã có hành vi phá tán tài sản của gia đình đều phải đặt dưới sự giám hộ.
Theo nguyên tắc chung, pháp luật La mã quy định những người phải đặt dưới sự giám hộ của người khác thì năng lực chủ thể của người được giám hộ bị hạn chế, không được toàn quyền tham gia các giao dịch theo ý chí của mình mà bị ràng buộc vào ý chí của người giám hộ.

Địa vị pháp lý của các loại chủ thể.
Địa vị pháp lý của công dân La mã.
Công dân La mã là người có quốc tịch La mã. Trong lĩnh vực tư pháp họ có các quyền:
– Quyền kết hơn hợp pháp và những đứa con sinh ra sẽ có quyền công dân La mã và người cha sẽ chi phối quyền lực đối với con.
– Quyền tham gia vào các giao dịch và quyền sở hữu tài sản, các quyền khác đối với tài sản.
Người có quốc tịch La mã được xác định như sau:
– Là người được sinh ra từ gia đình La mã, bố mẹ có quan hệ hôn nhân hợp pháp.
– Nô lệ được trả tự do từ công dân La mã.
– Người nước ngoài được ban tặng danh hiệu công dân La mã do được đặc ân của Hoàng đé.
Việc chấm dứt địa vị pháp lý của công dân La mã được xác định như sau:
– Người đó chết hoặc được xác định đã chết.
– Người đó phạm tội hình sự và bị trừng trị.
– Người đó bị bắt làm tù binh.
– Người đó bị đem bán hoặc tự gán mình cho chủ nợ, trở thành thân phận nô lệ cho chủ nợ trong thời hạn gán thân.
Luật La mã còn quy định về sự hạn chế năng lực chủ thể của công dân La mã khi hành vi của người đó là nguyên nhân làm hạn chế năng lực của chính mình. Sự hạn chế năng lực của công dân mang tính chất trừng phạt và là một biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với người có hành vi trái với nguyên tắc mà pháp luật La mã đã quy định.
– Người bị tức danh dự do phạm tội và đã bị kết án. Người đã bị kết án về một hành vi phạm tội không được tham gia các giao dịc mà sự thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch cần thiết phải có sự trung thực như hợp đồng gửi giữ, hợp đồng ủy thác tài sản.
– Người vi phạm những quy định về hôn nhân và gia đình La mã cũng bị hạn chế năng lực chủ thể. Sự vi phạm đó về thực chất tuy không xâm phạm đến quyền, lợi ích của bất kỳ ai nhưng pháp luật coi như đã vi phạm một chuẩn mực đạo đức, một lối sống cụ thể. Luật quy định đối với người đàn bà góa mà kết hôn với người khác trong thời hạn một năm, kể từ khi chồng chết thì bị coi là người vô lương tâm, sẽ không có quyền được bảo hộ về danh dự.
– Người làm nghề hèn mọn, nghề phi đạo đức xâm phạm đến những lợi ích nhân thân của người khác, bị dư luận lên án như phá hoại mồ mả của người khác…
– Người làm chứng trong việc xác lập giao dịch của người khác nhưng sau đó lại phủ nhận sự làm chứng đó.
Những người có hành vi nói trên theo quy định của luật La mã được gọi là người bất lương, bị hạn chế về năng lực chủ thể. Họ là những người bị mất hết lòng tin đối với người và theo quan niệm ở thời La mã, họ là những người bị tẩy chay, người không thể cộng tác được (Personnae turpes).
Người Latinh và người ngoại tộc.
– Plebs là tầng lớp cư dân mới xuất hiện do sự phát tiển của nền kinh tế La mã và là kết quả do các cuộc chiến tranh mở rộng lãnh thổ của chính quyền La mã. Plebs là tầng lớp bình dân, là những người tự do có gốc Latinh, họ có nghĩa vụ phải nộp thuế và đi linh cho nhà nước nhưng họ không được hưởng quyền lợi kinh tế và chính trị.
Những người Latinh không được coi là dân La mã nhưng họ giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của người La mã. Đồng thời họ cũng chiếm đa số trong lực lượng quân đội của nhà nước La mã. Quyền lợi và nghĩa vụ của người Latinh trong nhà nước La mã không bình đẳng với công dân La mã đã dẫn tới những cuộc đấu tranh quyết liệt của người Latinh để đòi hưởng quyền công dân La mã và bình đẳng với công dân La mã về mọi quyền lợi và nghĩa vụ.
– Người ngoại tộc không phải là công dân La mã hay người Latinh sinh sống ở La mã đều được gọi là người ngoại lai (Peregrini). Người ngoại lai có năng lực pháp luật theo hệ thống luật quy định cho các dân tộc, gọi là ius gentium. Nhưng vào đầu thế kỷ thứ III, Hoàng đế Karacala trao quyền công dân La mã cho tất cả các thần dân sống ở La mã.

Nô lệ được trả tự do.
Nô lệ là người không có quyền công dân La mã và không được coi là con người trong xã hội La mã. Nô lệ trong nhà nước La mã chỉ được coi là công cụ biết nói và được xếp ngang hàng với đất đai, nhà cửa, gia súc của công dân La mã.
Trong xã hội La mã, nô lệ được coi là vật hoàn toàn phụ thuộc vào chủ nô. Vì vậy, với tư cách là chủ sở hữu của nô lệ, chủ nô có quyền thực hiện quyền định đoạt đối với thân phận của nô lệ.
Việc giải phóng nô lệ được thể hiện dưới hai hình thức chính thức và không chính thức xét theo hậu quả pháp lý của nó:
– Thứ nhất, chủ nô có quyền lập di chúc trả tự do cho nộ lệ và nô lệ được trả tự do khi có người nhận thừa kế. Hoặc chủ nô lập di chúc chuyển giao nô lệ cho người thừa kế. Các thủ tục giải phóng nô lệ nói trên thường diễn ra rất phức tạp. Đến khi Luật XII được công bố, việc giải phóng nô lệ mới trở nên dễ dàng hơn khi chủ nô đến trước quan chấp chính để quan chấp chính tuyên án giải phóng nô lệ.
– Thứ hai, chủ nô giải phóng nô lệ thoe hướng không chính thức thì nô lệ chỉ tự do trên thực tế mà không được tự do trên cơ sở luật định. Người được giải phóng khỏi thân phận nô lệ không chính thức có thể trở thành công dân La mã nếu người đó chứng minh được vợ của mình là công dân La mã hoặc công dân Latinh hoặc đã công đức khoảng 200 nghìn Sestere để xây dựng thành La mã.
Một đặc điểm đặc trưng của việc giải phóng nô lệ và địa vị của người được giải phóng trong xã hội La mã là nô lệ được trả tự do phụ thuộc vào địa vị của gia chủ thả tự do, nếu gia chủ là công dân La mã thì họ là công dân La mã. Nhưng đến thời Justinian, những nô lệ được giải phóng đều được công nhận là công dân La mã. Tuy nhiên, trên thực tế, những nô lệ được giải phóng vẫn không thực sự được bình đẳng như công dân La mã khác. Những hạn chế về địa vị pháp lý của họ cũng đã thể hiện sự thiếu bình đẳng trong quan hệ giữa những công dân La mã với nhau.
Nông nô và lệ nông.
Nông nô.
Nông nô là những người tự do nhưng sống phụ thuộc vào sự canh tác đất đai của chủ đất. Nông nô là những lĩnh canh và có nghĩa vụ nộp thuế, tô tức nặng nề.
Nông nô có quyền kết hôn, có quyền sở hữu tài sản, quyền giao dịch, quyền để lại di sản thừa kế và quyền thừa kế di sản. Nông nô có quyền khởi kiện đến Tòa án La mã để yêu cầu được bảo vệ lợi ích khi bị xâm phạm.
Năng lực pháp luật của nông nô là năng lực chủ thể trong quan hệ xã hội La mã nhưng không chắc chắn vì họ có thể bị bán, phải gán thân cho chúa đất khi không còn khả năng trả được ợ và khi đó họ là nô lệ.
Lệ nông.
Chế độ chiếm hữu nô lệ của Nhà nước La mã cổ đại đã bắt đầu có những dấu hiệu khủng hoảng từ thế kỷ thứ II và từ thế kỷ thứ III nó bị khủng hoảng nghiêm trọng. Do sự chống đối của tầng lớp nô lệ, năng suất lao động không cao, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của chủ nô. Để khắc phục tình trạng đó, bộ phận quý tộc chủ nô ruộng đất đã phải chia nhỏ những điền trại rộng lớn (Latifundia) thành những diện tích đất nhỏ hơn và giao cho nô lệ tư canh tác, thu hoạch và nộp cho chủ nô còn một phần sản phẩm nô lệ được sử dụng. Trong hoàn cảnh đó, thân phận nô lệ ngày càng được cải thiện và chế độ lệ nông xuất hiện.
Vào thế kỷ thứ IV và V theo sắc lệnh của hoàng đế Conxtantinuxo khi chủ nô bán ruộng thì thân phận lệ nông cùng gia đình đang canh tác trên diện tích đất đó cũng bị đem bán theo. Theo Sắc lệnh trên thì lệ nông không còn là người có quyền sở hữu và quyền công dân La mã nữa. Những người lệ nông cũng không có quyền kết hơn những người tự do khác. Và thậm tệ hơn, hôn nhân giữa lệ nông với nhau cũng không được pháp luật thừa nhận.
Chung quy lại, lệ nông không phải là người tự do nhưng cũng không hẳn là nô lệ, họ là tiền thân của nông nô thời kỳ trung đại.

Pháp nhân.
Luật La mã cũng không nếu khái niệm của pháp nhân như một chủ thể trong quan hệ luật tư pháp La mã. Theo Luật XII bảng thì các nhà thờ của tôn giáo, các xưởng chợ, các hội buôn được tham gia các quan hệ xã hội với các chủ thể khác là cá nhân, tổ chức về lĩnh vực tài sản và nhân thân để phục vụ cho nhu cầu tồn tại và phát triển của tổ chức.
Thuật ngữ pháp nhân không ồn tại trong những quy định của luật tư pháp La mã và ngay cả những khảo cổ mới nhất cũng không có dấu hiệu gì về sự tồn tại của pháp nhân dưới thời La mã. Tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo, hội buôn, tổ chức kinh tế khác đã tồn tại phổ biến ở La mã và hơn nữa, các tổ chức đó cũng thông qua hành vi của người đại diện tham gia các quan hệ tài sản vì lợi ích của tổ chức.
Trong Luật XIII bảng có quy định cho công dân La mã được quyền tự do lập hội, tự do về Điều lệ nhưng lại không quy định tự do lập hội gì, điều kiện của hội đó như thế nào, số lượng các thành viên, tài sản và các quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản của hội được giải quyết theo phương thức nào.
Vào thời Octaviuxo năm quyền ở La mã (năm 30 TCN) đã được tặng danh hiệu là Oguxtuxo (đấng tối cao, tôn kính) và thời của ông đưỡc đặt tên là Principat.Vào thời này, các hiệp hội (Sodalitates) được công nhận là một tổ chức mà cơ quan hoạt động của hội có tên là nghiệp đoan (Syndicus). Các hiệp hội vào thời này có quyền có tài sản riêng, đó là quyền sở hữu tài sản của tổ chức.
Các nhà thờ của những người công giáo, các bệnh viện, nhà an dưỡng cũng được coi là tổ chức và được tham gia các quan hệ xã hội và đặt dưới sự quản lý của nhà thờ về kinh tế.
Kết bài
Ở La mã cổ đại, những giá trị tư tưởng liên quan đên nhà nước và pháp quyền đã được tích lũy trong điều kiện phát triển cao. Nhiều chế định của luật La mã cổ đại có giá trị như một nguồn tri thức chung của nhân loại về cấu trúc lập pháp và trình độ lập pháp. Luật La mã ảnh hưởng đến hệ thống luật pháp của châu âu lục địa trong việc xác định phạm vi điều chỉnh của luật dân sự được xây dựng thành hệ thống các quy phạm thành văn. Thật sự, luật La mã là một nguồn tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu pháp luật và các nhà lập pháp trong thời hiện đại.
Danh mục tài liệu tham khảo
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân tích nội dung năng lực chủ thể của cá nhân trong Tư pháp La mã. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.