Trong các quan hệ tư pháp quốc tế điều chỉnh, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là một trong các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh này và quan hệ này luôn phát sinh xung đột pháp luật. Quan hệ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam cũng như các nước khác bao gồm các quan hệ cụ thể như kết hôn, li hôn, quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, xác định cha, mẹ, con, con nuôi, quan hệ giám hộ và các quan hệ khác có yếu tố nước ngoài.
Hôn nhân là một mối quan hệ cơ bản trong gia đình ở hầu hết mọi xã hội. Hôn nhân là kết quả của sự gắn kết về mặt tình cảm, là đích đến cuối cùng của tình yêu giữa những cá nhân trong xã hội. Bước đầu tiên của hôn nhân chính là sự kết hôn hợp pháp giữa con người với con người. Và việc một công dân Việt Nam kết hôn với một công dân nước ngoài được tư pháp quốc tế điều chỉnh.
Để đi sâu vào sự điều chỉnh của tư pháp quốc tế đối với vấn đề kết hôn, bằng kiến thức của bản thân, em xin phân tích đề bài sau: Đề bài số 21: “Bình luận các quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.”
Nội dung
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ KẾT HÔN TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ
Khái niệm kết hôn
Kết hôn là một thuật ngữ gần gũi với con người, thể hiện sự kết hợp giữa hai người với nhau và để chỉ việc xác lập quan hệ vợ chồng giữa họ.
Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học: Kết hôn là việc nam và nữ chính thức lấy nhau, làm vợ, chồng theo quy định của pháp luật.
Theo khía cạnh pháp lý, kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng khi thỏa mãn các điều kiện kết hôn và thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015: “Kết hôn là quyền dân sự của cá nhân được quy định trong Bộ luật dân sự, theo đó nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn. Việc tự do kết hôn giữa những người thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau, giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.”
Kế thừa các quy định cũ về kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tại Khoản 5 Điều 3 như sau: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”
Như vậy, quan hệ vợ chồng được hình thành trên cơ sở của việc kết hôn, là khi thỏa mãn các điều kiện về kết hôn, nam và nữ tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyền kết hôn là quyền nhân thân gắn với mỗi con người, không thể chuyển giao hay ủy quyền cho người khác được. Các bên muốn đăng ký kết hôn phải tự mình đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khai báo đầy đủ và ký trước mặt người có thẩm quyền đăng ký kết hôn. Điều này giúp thể hiện rõ ý chí, sự tự nguyện của các bên trong việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa hai người.
Kết hôn có yếu tố nước ngoài
Kết hôn có yếu tố nước ngoài là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo những quy định của pháp luật về các điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015: “Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác định, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”
Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tốc nước ngoài tại Khoản 25 Điều 3 như sau: “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt nam nhưng cắn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”
Như vậy, kết hôn có yếu tố nước ngoài gồm có những trường hợp sau:
– Quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa những người nước ngoài với nhau cư trú tại Việt Nam. Theo đó, công dân Việt Nam tham gia vào quan hệ pháp luật này phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo pháp luật Việt Nam; người nước ngoài phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo quy định của nước mà người đó là công dân hoặc nước mà họ thường trú, đồng thời họ phải đảm bảo đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Nguyên tắc áp dụng luật
Nguyên tắc chung
Thứ nhất, nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 121 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Theo nguyên tắc này, các chủ thể tham gia vào quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Khi quyền của họ bị vi phạm, chủ thể quyền có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi cho mình.
Thứ hai, nguyên tắc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế; đồng thời, không phân biệt đối xử với người nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. Khi công dân Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, quyền và lợi ích hợp pháp của họ được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Vấn đề này được ghi nhận thành nguyên tắc tại Khoản 3 Điều 121 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Thứ ba, nguyên tắc áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam về hôn nhân và gia đình. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 122 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Theo nguyên tắc này, nếu các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng pháp luật nước ngoài theo sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột mà vi phạm nguyên tắc được ghi nhận tại Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình thì pháp luật nước ngoài sẽ không được áp dụng.
Thứ tư, nguyên tắc áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 1 Điều 122 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam 2014. Luật hôn nhân và gia đình không có quy định khác thì các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Nguyên tắc cụ thể
Thứ nhất, nguyên tắc áp dụng luật nơi tiến hành kết hôn. Quan hệ kết hôn phát sinh hệ quả pháp lý quan trọng đối với mỗi chủ thể, như về quan hệ nhân thân giữa hai người, con cái và tài sản, làm thay đổi vấn đề nhân thân của chủ thể tham gia quan hệ hôn nhân đó. Do vậy, việc kết hôn được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước nào thì phải tuân theo quy định pháp luật của nước đó.
Cơ sở của nguyên tắc này là “Luật nơi thực hiện hành vi”, theo đó, hành vi pháp lý phải tuân tủ các điều kiện về hình thức theo pháp luật của nước nơi thực hiện hành vi. Việc áp dụng pháp luật nơi thực hiện việc kết hôn thể hiện sự tôn trọng pháp luật nước sở tại, tôn trọng văn hóa, thể hiện sự tôn trọng và hòa nhập vào môi trường xã hội của vợ, chồng.
Thứ hai, nguyên tắc áp dụng luật nhân thân (Luật quốc tịch). Nguyên tắc này bao gồm hai hệ thuộc luật: Hệ thuộc Luật quốc tịch và Hệ thuộc Luật nơi cư trú của đương sự. Việc áp dụng phối hợp hai hệ thuộc luật này nhằm tôn trọng pháp luật nơi cư trú, nơi công dân có quốc tịch, đồng thời thể hiện sự tôn trọng văn hóa, phong tục của nơi công dân có quốc tịch và cư trú.
Đối với trường hợp người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch sẽ áp dụng pháp luật của nước người đó mang quốc tịch đồng thời thường trú, nếu người đó không thường trú tại một trong các nước có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó mang hộ chiếu. Đối với trường hợp người không có quốc tịch, điều kiện kết hôn được thực hiện theo luật nơi cư trú của người đó.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT VỀ KẾT HÔN CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM.
Điều kiện kết hôn
Khi công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn, nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam về điều kiện kết hôn.
Điều kiện về độ tuổi
Điều kiện đầu tiên để xác định một người có được kết hôn hay không là điều kiện về độ tuổi. Theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nam nữ khi kết hôn phải đủ điều kiện về độ tuổi, cụ thể, nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi. Việc quy định độ tuổi kết hôn dựa trên sự phát triển tâm lý, sinh lý, sức khỏe và nhận thức của con người. Khi đạt đến một độ tuổi nhất định, nam, nữ về cơ bản đã hoàn thiện về cả thể chất và tinh thần để có thể nhận thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, ở các nước khác nhau, việc quy định độ tuổi kết hôn sẽ dựa trên tình hình xã hội, tập quán, tôn giáo riêng của mỗi nước. Ví dụ, ở Trung Quốc, độ tuổi kết hôn hợp pháp đối với nam là 22 tuổi, đối với nữ là 20 tuổi; ở một số nước Châu Âu, độ tuổi kết hôn có thể là 16 tuổi, nếu có sự đồng ý của cha mẹ.

Kết hôn tự nguyện
Việc kết hôn giữa nam và nữ dựa trên sự tự nguyện của cả hai bên đương sự, Điểm B Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định điều kiện này. Kết hôn tự nguyện phụ thuộc vào ý chí và quyết định của các bên, không do ép buộc, lừa dối, không phụ thuộc vào ý chí của người khác.
Bên cạnh đó, quyền đăng ký kết hôn là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, các bên không được ủy quyền cho bất kỳ ai thay mình đến đăng ký kết hôn, ký vào Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, vào Sổ đăng ký kết hôn. Nếu việc kết hôn không đảm bảo được tính tự nguyện của các bên, pháp luật coi đó là sự kết hôn giả tạo, cưỡng ép, lừa dối, cản trở việc kết hôn.
Điều kiện về năng lực hành vi dân sự
Việc một cá nhân đầy đủ hay không đầy đủ năng lực hành vi dân sự cũng là một điều kiện quan trọng để xác định việc người đó có thể kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình 2014. Pháp luật quy định như vậy nhằm mục đích duy trì nòi giống, bảo vệ gia đình và sự phát triển của xã hội.
Để xác định một cá nhân có mất năng lực hành vi dân sự hay không khi đăng ký kết hôn, các bên khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài phải có giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhân thức và làm chủ hành vi của mình. Do vậy, đây là một trong những điều kiện cần thiết để một người trở thành chủ thể trong quan hệ kết hôn.
Không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Căn cứ vào Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, các trường hợp cấm kết hôn bao gồm:
– Kết hôn giả tạo: các bên thỏa mãn điều kiện về độ tuổi, năng lực hành vi dân sự, tuy nhiên việc kết hôn đó là giả tạo nhằm các mục đích như xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch, hưởng chế độ ưu đãi hoặc mục đích khác không nhằm xây dựng gia đình.
– Tảo hôn, cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn: đây đều là các trường hợp vi phạm sự tự nguyện khi kết hôn mà pháp luật đã quy định.
– Đảm bảo tình trạng hôn nhân: các bên khi xác lập quan hệ hôn nhân phải là người độc thân, tức là tại thời điểm các bên tham gia vào quan hệ vợ chồng, không xác lập quan hệ hôn nhân với ai theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, khi thực hiện đăng ký kết hôn các bên phải xuất trình Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc giấy tờ khác tương tự của nước ngoài nhằm xác định tình trạng hôn nhân của cá nhân.
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng đều là các trường hợp mà pháp luật cấm kết hôn. Điều này được quy định nhằm bảo vệ sức khỏe vợ chồng, con cái, duy trì nòi giống, đảm sự ổn định của xã hội, bảo vệ luận thường, đạo đức xã hội.
Kết hôn giữa những người đồng giới
Bên cạnh việc bảo đảm sự quản lý của nhà nước, một trong những mục đích khác của kết hôn là duy trì nòi giống nên pháp luật một số nước trên thế giới cũng như Việt Nam không thừa nhận kết hôn đồng giới. Tuy nhiên so với Luật hôn nhân và gia đình 2000, Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới, nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới. Vì vậy, giữa những người đồng giới có thể tồn tại tình yêu, công khai tình yêu của mình, nhưng hôn nhân giữa họ không được nhà nước công nhận.
Dựa trên quy định này của pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, hoạt động kết hôn đồng giới giữa các công dân Việt Nam cũng như giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hay giữa những người nước ngoài với nhau đều không thể thực hiện tại Việt Nam.
Nghi thức kết hôn
Xuất phát từ bản chất giai cấp của nhà nước, từ phong tục, tập quán mà pháp luật các nước quy định nghi thức kết hôn khác nhau. Nghi thức kết hôn dân sự, nghi thức tôn giáo, hoặc kết hợp giữa nghi thức dân sự và nghi thức tôn giáo. Thực tiễn tư pháp quốc tế cho thấy luật nơi tiến hành kết hôn (Lex loci celebrationis) được sử dụng như một nguyên tắc chủ đạo . Tuy nhiên, ở một số nước việc áp dụng nguyên tắc này có kèm theo một số điều bảo lưu hoặc cùng với việc áp dụng nguyên tắc cơ bản này còn áp dụng bổ sung các nguyên tắc khác để giải quyết xung đột pháp luật về nghi thức kết hôn.
Theo pháp luật Việt Nam, nếu việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại Việt Nam thì phải được đăng kí và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức quy định của pháp luật Việt Nam. Đây chính là nghi thức dân sự, nghi thức kết hôn theo pháp luật Việt Nam, đực tổ chức trang trọng tại trụ sở Sở Tư pháp.
Khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
- Việc kết hôn phải được trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khi đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn của họ, nếu hai bên đông ý tự nguyện thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên kết hôn. Mọi nnghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 9 Luật HN&GĐ 2014 sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng (Điều 15); vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn (Khoản 2, Điều 9).
Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định nghi thức kết hôn là nghi thức kết hôn dân sự và việc tiến hành theo nghi thức này là điều kiện bắt buộc để công nhận tính hợp pháp của quan hệ vợ chồng. Thủ tục kết hôn quy định trên cũng được áp dụng cho quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài khi việc kết hôn này được tiến hành trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Do đó, vấn đề nghi thức kết hôn trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ được áp dụng các quy định của pháp luật như đối với quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau.
Trong trường hợp kết hôn ở nước ngoài thì cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt nam tại nơi trực tiếp cư trú của công dân Việt Nam thực hiện việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cư trú tại nước đó. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam. Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Giống với nghi thức kết hôn tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn, hôn nhân của họ sẽ được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận trong sổ đăng ký kết hôn, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Trong các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài ghi nhận nguyên tắc chung là nghi thức kết hôn được xác định theo pháp luật của nước kí kết nơi tiến hành kết hôn. Tuy nhiên, cũng có những bổ sung, chẳng hạn, Khoản 1 Điều 18 Hiệp định giữa Việt Nam – Séc quy định: Việc kết hôn giữa công dân hai nước kí kết với nhau nhất thiết phải theo hình thức nhà nước mới có giá trị.
Thẩm quyền đăng ký kết hôn
Kết hôn có yếu tố nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể có hai trường hợp như sau:
– Thứ nhất, việc kết hôn có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền được đặt tại lãnh thổ Việt Nam.
– Thứ hai, việc kết hôn có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyển của Việt Nam được đặt tại nước ngoài.
Kết hôn tại Việt Nam
Theo phạm vi đề bài, có hai trường hợp kết hôn sau đây:
– Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.
– Người nước ngoài với người nước ngoài kết hôn tại Việt Nam.
a) Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài
Trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 không có quy định cụ thể nhưng theo Điều 3 nghị định số 12-HĐBT ngày 01/02/1989 về thủ tục kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việt kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương nơi thường trú của công dân Việt Nam.”
Quy định này tiếp tục được ghi nhân trong Điều 7 Pháp lệnh về Hôn nhân và Gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài năm 1993: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.”
Đến Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định tương tự: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc đăng ký kết hôn… yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.” Điều khoản này cũng được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Nhìn chung, các quy định cũ của pháp luật Việt Nam quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Điều này là phù hợp với tình hình pháp luật của Việt Nam trước đây khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, pháp luật chưa được phổ biến sâu rộng đến với người dân, dẫn đến việc cán bộ các cấp huyện, xã chưa đủ khả năng để giải quyết được các vấn đề phức tạp.
Căn cứ Điều 37 Luật hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn:
“1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài…”
Trải qua quá trình phát triển kinh tế – xã hội, trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao, khả năng tiếp cận pháp luật của công dân cũng ngày càng được mở rộng hơn. Nhằm giảm tải gánh nặng cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Nhà nước đã quy định lại thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn cho công dân Việt Nam và người nước ngoài. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn cho công dân Việt Nam với người nước ngoài theo Điều 37 Luật Hộ tịch 2014.
Tuy nhiên, trong trường hợp kết hôn của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký kết hôn. Điều này nhằm tạo điều kiện cho người dân ở những vùng biên giới, điều kiện đi lại không thuận lợi, có thể thực hiện quyền của mình.
b) Hai công dân nước ngoài kết hôn tại Việt Nam
Theo Khoản 1 Điều 103 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: “Việc kết hôn giữa những người nước ngoài với nhau tại Việt Nam trước cơ quan có thẩm quyền của Việt nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.” Và theo Khoản 1 Điều 12 Nghị định 68 : “Trong trường hợp người nước ngoài thường trú tại Việt Nam xin kết hôn với nhau thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của một trong hai bên đương sự thực hiện đăng ký kết hôn.”
Và quy định về việc kết hôn giữa người nước ngoài với người nước ngoài được tiếp tục kế thừa trong Luật hôn nhân và gia đình 2014, Luật Hộ tịch năm 2014, việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là Ủy ban nhân dân cấp huyện (Điều 37 Luật Hộ tịch 2014), phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn: “2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam khi có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.”
Tuy nhiên, việc kết hôn giữa những người nước đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là không bắt buộc. Chỉ khi hai bên đương sự có yêu cầu, việc đăng ký kết hôn giữa họ mới được được Ủy ban nhân dân huyện thực hiện. Nếu không, giống như việc cho phép công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài được tiến hành đăng ký kết hôn tại Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài, việc kết hôn giữa người nước ngoài với nhau có thể được thực hiện tại cơ quan đại diện ngoại giao của một trong hai bên đương sự tại Việt Nam.
Ví dụ: Một công dân Úc muốn kết hôn với một công dân Mỹ, cả hai đều thường trú tại Việt Nam. Khi đó, họ có thể đến Đại sứ quán Mỹ hoặc Đại sứ quán Úc tại Việt Nam để tiến hành đăng ký kết hôn.

Quan hệ kết hôn ngoài Việt Nam
Kết hôn ở nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể là kết hôn giữa những công dân Việt Nam với nhau hoặc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài không mang quốc tịch của nước sở tại. Tuy nhiên, xét theo phạm vi của đề bài, chỉ có vấn đề kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài được đưa ra xem xét.
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP quy định:
“Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ là công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau hoặc với người nước ngoài”.
Khi một công dân Việt Nam và một công dân nước ngoài khác nước sở tại kết hôn với nhau, các bên có thể chọn đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của một trong hai bên để thực hiện đăng ký kết hôn, hoặc có thể đăng ký kết hôn ở cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại. Tuy nhiên, người mà công dân Việt Nam kết hôn không được là công dân của nước sở tại. Nếu người nước ngoài mà công dân Việt Nam là công dân của nước sở tại, thủ tục đăng ký kết hôn phải thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
Việc pháp luật Việt Nam cho phép công dân đăng ký kết hôn không chỉ trước cơ quan ngoại giao mà có thể tại cơ quan có thẩm quyền của nước người đó thường trú là một quy định hợp lý. Nếu chúng ta bắt buộc người Việt Nam tiến hành kết hôn tại cơ quan đại diện của Việt Nam, cơ quan lãnh sự của Việt Nam thì chúng ta buộc họ phải bỏ nhiều chi phí và gây khó khăn cho họ bởi vì, cơ quan đại diện, cơ quan lãnh sự của Việt Nam thường chỉ nằm ở thủ đô một nước, theo đó, người Việt Nam sinh sống tại các vùng khác sẽ phải đến thủ đô để thực hiện việc đăng ký kết hôn nhưng đối với nhiều người, tính chất công việc của họ không cho họ đi lại nhiều.
Kết bài
Kết hôn có yếu tố nước ngoài là kết hôn có hai bên chủ thể khác quốc tịch hoặc sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ hôn nhân xảy ra ở nước ngoài. Không giống kết hôn trong nước, kết hôn có yếu tố nước ngoài thường xả ra xung đột pháp luật. Vì hiện tượng xung đột pháp luật mà pháp luật điều chỉnh kết hôn có yếu tố nước ngoài có hai đặc điểm về phương pháp điều chỉnh và nguồn luật điều chỉnh. Và để đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn trong nước và quốc tế đối với lĩnh vực này, pháp luật điều chỉnh quan hệ này đang ngày càng hoàn thiện hơn.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Giáo trình Tư pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Hướng dẫn học Tư pháp quốc tế,
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986.
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Luật Hộ tịch 2014.
- Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP
- Tư pháp quốc tế Việt Nam năm 2010, Nxb. Chính trị quốc gia.
- Nguyễn Thị Đà (2016), Pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Giang, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Phoutthavy Inthalangsy (2015), Quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm đối với xây dựng pháp luật Lào, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.