Bình luận các quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam

         Với chính sách “hòa bình,hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới”, ở nước ta các quan hệ hôn và gia đình có yếu tố nước ngoài ngày càng phát triển một cách đa dạng và phức tạp cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trở thành một yếu tố cấp bách, quan trọng nhằm làm ổn định và phát triển giao lưu dân sự quốc tế, đồng thời bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của công dân các nước có liên quan. Để tìm hiểu các quy định của pháp luật của Việt Nam điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài em xin chọn đề tài: “Bình luận các quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam” làm đề tài cho bài tập học kỳ.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
  • Luật Hộ tịch 2014
  • Nghị định số 123/2015/NĐ- CP “ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch”
  • Nghị định số 126/2014/NĐ- CP “ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hôn nhân và gia đình”
  • Hướng dẫn học Tư pháp quốc tế- Trường Đại học Luật Hà Nội 2018
  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình tư pháp quốc tế, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2013
  • Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình tư pháp quốc tế, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2013

Khái quát về kêt hôn có yếu tố nước ngoài

      Khái niệm kết hôn

      Theo quy định tại khoản 5 điều 3 luật Hôn nhân và gia đình 2014:“ Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Như vậy việc kết hôn xác lập quan hệ vợ chồng và là cơ sở để hình thành nên gia đình. Hôn nhân là một hiện tượng xã hội đặc biệt, trong đó các chủ thể gắn kết với nhau nhằm tạo nên tế bào của xã hội là gia đình. Việc gắn kết này không nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần tại một thời điểm nhất định mà là xác lập mối quan hệ lâu dài. Có hai yếu tố để xác lập quan hệ hôn nhân là các chủ thể phải có đầy đủ các điều kiện để kết hôn và các chủ thể phải đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.

      Yếu tố nước ngoài trong quan hệ kết hôn

      Quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài thuốc quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, theo quy định tại khoản 25 điều 3 luật Hôn nhân và gia đình 2014:“ Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. Như vậy yếu tố nước ngoài trong quan hệ kết hôn được xác định theo 3 tiêu chí:

      Thứ nhất, căn cứ vào chủ thể thì chủ thể tham gia vào quan hệ kết hôn có ít nhất một bên là người nước ngoài hoặc người việt nam định cư ở nước ngoài.

      Thứ hai, căn cứ vào các sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ thì các sự kiện đó xảy ra theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra tại nước ngoài.

      Thứ ba, Tài sản có liên quan đến quan hệ kết hôn ở nước ngoài.

      Như vây, ta có thể thấy việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc người nước ngoài kết hôn với nhau đều là quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài.


Các quy định trong pháp luật Việt Nam điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam

Quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn

      Theo quy định tại điều 126 luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài: “Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn”. Như vậy, các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam được áp dụng cho bên nam hoặc nữ là công dân Việt Nam hoặc khi việc kết hôn có yếu tố nước ngoài tiến hành tại Việt Nam. Theo đó, hai bên nam nữ muốn kết hôn với nhau phải đáp ứng các điều kiện sau đây theo điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam

      a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

      b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

      c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

      d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

      Như vậy, nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn là nguyên tắc luật quốc tịch của các bên đương sự. Người nước ngoài khi thực hiện việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì ngoài việc phải có đầy đủ các điều kiện để được kết hôn theo quy định của nước mà người đó mang quốc tịch thì người này còn phải có đầy đủ các điều kiện để được kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Quy định của pháp luật Việt Nam về thẩm quyền đăng ký

      Trước kia, theo quy định tại điều 19 Nghị định số 126/2014/NĐ- CP “ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hôn nhân và gia đình” thì thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tô nước ngoài được quy định như sau:

      “1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài.

      Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi đăng ký thường trú, nhưng có nơi đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn.

    Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của một trong hai bên, thực hiện đăng ký kết hôn; nếu cả hai bên không đăng ký thường trú tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.

    Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu việc đăng ký đó không trái với pháp luật của nước sở tại.

      Trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài kết hôn với nhau thì Cơ quan đại diện thực hiện đăng ký kết hôn, nếu có yêu cầu.”.

      Như vậy, thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú của công dân Việt Nam nếu đó là quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Nếu người nước ngoài kết hôn với nhau trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú hoặc tậm trú của một trong hai bên.Ngoài ra, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người mước ngoài còn thuộc thẩm quyền của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nếu việc đăng ký đó không trái với pháp luật của nước sở tại.

      Nhưng từ ngày 01/01/2016 khi luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ- CP “ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch” có hiệu lực thì thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai người nước ngoài theo quy định tại điều 37 Luật Hộ tịch 2014:

      “1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

    Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.”

      Với việc luật hộ tịch 2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng có thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau đã tạo ra những thuận lợi rất lớn cho những người có nhu cầu đăng ký kết hôn so với quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

      Thứ nhất, việc quy định việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân xã đã giúp người dân dễ dàng hơn trong việc đăng ký kết hôn. Các địa bàn vùng sâu vùng xã dễ dàng hơn khi không phải đến tận Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đăng ký việc kết hôn có yếu tô nước ngoài.

      Thứ hai, việc quy định thêm Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài giúp giảm nhẹ gánh nặng mà ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gánh. Vì việc đăng ký kết hôn của một người mà phải cần quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là không phù hợp.

      Thứ ba, việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Ủy ban nhân dân cấp huyện giúp tiết kiệm thời gian và công sức hơn cho người đi đăng ký. Nếu trước kia phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì mất thời gian hơn khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phụ trách rất nhiều công việc dẫn đến việc “ ùn ứ” hồ sơ thì nay đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người có nhu cầu.

      Thứ tư, việc thay đổi thẩm quyền nhằm phát huy năng lực, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc phân cấp này cũng sẽ khắc phục sự chồng chéo, bất cập khi cả ba cấp đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch như hiện nay; tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân khi yêu cầu đăng ký hộ tịch”.

      Thuận lợi nhiều như vậy nhưng việc quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng có thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng gặp không ít những khó khắn như: Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đăng ký việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài chưa phù hợp với trình độ, năng lực của đội ngũ công chức cấp huyện làm công tác này, dễ dẫn đến gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

Quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký kết hôn

      Để đăng ký kết hôn trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì người đăng ký phải chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau theo quy định tại khoản 1 điều 38 luật Hộ tịch 2014:

      “ Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Bình luận các quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam
Bình luận các quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam

      Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu”.

      Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó, nếu giấy chứng nhận này không ghi thời hạn thì thời hạn là 06 tháng kể từ ngày cấp. Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú. Ngoài giấy tờ quy định trên, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định của pháp luật, nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.

      Sau khi nhận được hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật thì trình tự giải quyết được quy định tại khoản 2 điều 38 luật Hộ tịch 2014 thì thủ tục đăng ký kết hôn được quy định như sau:

      “2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

    Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.

      Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

      4.Chính phủ quy định bổ sung giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, việc phỏng vấn, xác minh mục đích kết hôn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn; thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên”.

      Việc quy định trình tự giải quyết vấn đề đăng ký kết hôn có yếu tô nước ngoài theo quy định tại khoản 2 điều 38 luật Hộ tịch 2014 có 1 điểm rất mới so với Nghị định số 126/20015/ NĐ- CP là đã bỏ đi thủ tục phỏng vấn mà chỉ quy định bổ sung việc phỏng vấn khi thấy cần thiết để giải quyết yêu cầu kết hôn. Với việc bỏ quy định này đã phần nào giúp cho thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đơn giản hơn, nhanh gọn hơn giúp nhà nước và người đăng ký tiết kiệm được công sức và tiền bạc. Song việc bỏ quy định phỏng vấn này cũng gặp phải những khó khăn nhất định vì việc kết hôn có yếu tố nước ngoài rất phức tạp. Có nhiều trường hợp việc kết hôn kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.

Quy định của pháp luật về những trường hợp từ chối đăng ký kết hôn

      Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam bị từ chối trong trường hợp vi phạm điều cấm hoặc một trong hai người không thỏa mãn điều kiện đăng ký kết hôn theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình 2014 theo quy định tại điều 33 Nghị định số 123/2015/NĐ- CP:

      “1. Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu một hoặc cả hai bên vi phạm điều cấm hoặc không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.

      2.Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện từ chối đăng ký kết hôn, Phòng Tư pháp thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho hai bên nam, nữ.”.

      Như vậy để việc kết hôn được giải quyết thì hai bên nam nữ ngoài việc không vi phạm các điều cấm của pháp luật về các trường hợp cấm kết hôn thì còn phải thỏa mãi  các điều kiện đăng ký kết hôn được pháp luật quy định. Ngoài ra đối với người nước ngoài thì ngoài việc phải thỏa mãi điều kiện kết hôn của Việt Nam thì còn phải thỏa mãn điều kiện kết hôn mà người đó mang quốc tịch. Việc từ chối yêu cầu đăng ký kết hôn này, phòng tư pháp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho hai bên nam nữ.

      So với quy định tại Nghị định 126/2014/ NĐ- CP thì Nghị định 123/2015/NĐ- CP đã bỏ đi trường hợp từ chối kết hôn khi bên nam và bên nữa không cung cấp đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật. Việc bỏ đi quy định này là hợp lý so với tình hình hiện nay, với trường hợp không cung cấp đủ các giấy tờ thì phòng tư pháp nên yêu cầu họ bổ sung giấy tờ thay vì từ chối yêu cầu đăng ký kết hôn của họ.

      Như vậy, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau là một quan hệ không hề đơn giản. Nó không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật của một nước mà còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước ngoài. Vì vậy để giải quyết quan hệ kết hôn một cách dễ dàng và thuận lợi đòi hỏi pháp luật Việt Nam phải ngày càng hoàn thiện. Thông qua bài tập này chúng ta có thể thấy các quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết quan hệ hôn nhân này đang ngày càng hoàn thiệt hơn song vẫn còn một số hạn chế nhất định. Vì vậy, cần có những hướng dẫn và sửa đổi kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân khi kết hôn với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau khi kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Bình luận các quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top
MỤC LỤC