Phân tích tình huống liên quan đến tội giết người được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999

       Trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tuyên bố vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nêu rõ: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đúng vậy! Quyền sống là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không có quyền nào có thể so sánh được. Chính vì vậy việc xâm phạm đến quyền sống của con người được pháp luật của mọi quốc gia xử lý bằng những hình phạt nghiêm khắc và cao nhất. Cũng chính vì ý nghĩa quan trọng của quyền sống của con người mà trong BLHS năm 1999, nhà làm luật đã quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người ngay sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Trong đó, tội xâm phạm tính mạng con người (tội giết người) được quy định đầu tiên và là một trong ba tội có hình phạt nghiêm khắc nhất-tử hình.

      Trong thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội là những hệ lụy vô cùng lớn, đó chính là các loại tội phạm ngày càng đa dạng và phức tạp hơn trước. Đặc biệt trong thời gian qua, hàng loạt những vụ giết người thương tâm đã xảy ra và trở thành một trong những vấn đề gây nhức nhối và lo sợ trong xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống tội phạm giết người, dựa trên lý luận và thực tiễn, em xin chọn đề 3 cho bài tập lớn môn Luật Hình sự I. Đây là tình huống liên quan đến tội giết người được quy định tại Điều 93 BLHS 1999.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam I, Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, 2013.
  • Bộ Luật Hình sự Việt Nam 1999, sửa đổi và bổ sung năm 2009.
  • Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ Luật Hình sự về án treo

Danh mục từ viết tắt

Từ viết tắt  
CTTP Cấu thành tội phạm
BLHS Bộ luật hình sự
TNHS Trách nhiệm hình sự

CTTP được quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS là CTTP cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ của tội giết người? Tại sao?

      Trả lời: Cấu thành tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 93 là cấu thành tội phạm cơ bản. CTTP cơ bản là CTTP chỉ có dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác.

      Giải thích: Điều 93 BLHS năm 1999 có quy định:

  • Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
  • Giết nhiều người;
  • Giết phụ nữ mà biết là có thai;
  • Giết trẻ em;
  • Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công việc của nạn nhân;
  • Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
  • Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
  • Để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác;
  • Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
  • Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
  • Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
  • Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
  • Thuê giết người hoặc giết người thuê;
  • Có tính chất côn đồ;
  • Có tổ chức;
  • Tái phạm nguy hiểm;
  • Vì động cơ đê hèn.
  • Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
  • Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

      Điều 93 BLHS đã có sự phân loại tội phạm đối với tội giết người, nhưng nhà làm luật thiết kế điều 9.Theo Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam tập I có định nghĩa:

  • CTTP cơ bản là CTTP chỉ có dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác.
  • CTTP tăng nặng là CTTP mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường).
  • CTTP giảm nhẹ là CTTP mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường).

      Từ thực tiễn xét xử đã được thừa nhận, có thể định nghĩa tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác. Tức là hành vi đã mang đầy đủ dấu hiệu cần và đủ, đặc trưng của tội giết người, phản ánh được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm, đồng thời cũng cho phép phân biệt nó với tội phạm khác. Chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác thì đã đủ các yếu tố CTTP, mà cụ thể là CTTP cơ bản.

Phân tích tình huống liên quan đến tội giết người được quy định tại điều 93 bộ luật Hình sự năm 1999

      Như vậy, quy định của khoản 2 Điều 93 là CTTP cơ bản bởi chỉ quy định duy nhất một dấu hiệu đó là giết người chứ không hề xuất hiện bất cứ một dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên hay giảm xuống một cách đáng kể. Trong đó quy định tại khoản 1, ngoài hành vi tước đoạt tính mạng người khác thì các dấu hiệu như giết nhiều người, giết phụ nữ mà biết là có thai, giết trẻ em,… chính là những dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên, vì vậy nó là CTTP tăng nặng.

      Kết luận: Điều 93 BLHS đã có sự phân loại tội phạm đối với tội giết người, nhưng nhà làm luật thiết kế Điều 93 đặc biệt hơn so với các điều luật khác trong phần tội phạm, khoản 1 là CTTP tăng nặng, khoản 2 là CTTP cơ bản, khoản 3 là một số hình phạt bổ sung với hình phạt chính.

Phân tích tình huống liên quan đến tội giết người được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999
Phân tích tình huống liên quan đến tội giết người được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999
  • Lỗi của Thắng trong trường hợp này là gì? Tại sao?

      Trả lời: Lỗi của Thắng trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp.

      Giải thích: Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

      Là mặt hình thức lỗi, quan hệ tâm lý ở đây bao gồm yếu tố lý trí và yếu tố ý chí là hai yếu tố cần thiết tạo thành lỗi. Hai yếu tố này – một thể hiện năng lực nhận thức thực tại khách quan, một thể hiện năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở của sự nhận thức là những yếu tố tâm lý cần thiết của mội hành động có ý thức của con người. Nếu xử sự gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi thì quá trình lý trí và ý chí phải có những đặc điểm nhất định phản ánh được rằng xử sự gây thiệt hại cho xã hội đã thực hiện là kết quả của sự tự lựa chọn và tự quyết định của chủ thể có đủ điều kiện đẻ lựa chọn và quyết định xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

      Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc tâm lý của yếu tố lý trí và ý chí trong những trường hợp có lỗi, luật Hình sự Việt Nam chia lỗi thành hai loại – cố ý và vô ý. Lỗi cố ý gồm hai hình thức là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Lỗi vô ý cũng gồm hai hình thức là vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả.

      Lỗi của Thắng trong trường hợp này là lỗi cố ý và cụ thể là cố ý gián tiếp. Vì:Theo quy định khoản 2 Điều 9 là:

      Người phạm tội nhận thực rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

      Xét về dấu hiệu mặt lý trí: Chủ thể tội phạm là Thắng, 22 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và mặc nhiên được thừa nhận có năng lực trách nhiệm hình sự. Vậy Thắng nhận thức rõ được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hành vi đó có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Việc Toán bán vào cửa xe tải đang chạy vốn dĩ đã là một hành động hết sức nguy hiểm, nhưng Thắng không những không dừng xe lại để giải quyết xích mích mà còn xô mạng cửa xe khiến Toán ngã ra khỏi xe, dĩ nhiên Thắng có thể lường trước được hậu quả của việc làm của mình là có thể nhẹ nhất Toán ngã xuống đường có thể bị thương, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc nặng hơn ngã xuống sẽ bị xe tải của Thắng hay phương tiện của người khác cán gây tử vong.

      Xét về mặt ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà người phạm tội đã thấy trước không phù hợp với mục đích của họ. Người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội với mục đích khác. Thắng hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra là Toán sẽ chết bởi lúc đó, do xích mích nên Thắng bị kích động, hành động của Y không phải nhằm mục đích là để Toán chết mà là để Toán không lên được xe của mình và thỏa mãn cơn tức giận của mình với Toán. Vậy ở đây Thắng thực hiện hành vi của mình vì mục tiêu khác với hậu quả, chính vì để đạt mục đích đó mà người phạm tội đã chấp nhận hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình có thể gây ra.

      Kết luận: Theo những phân tích ở trên ta có thể thấy, Thắng nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể là xảy ra và việc Toán chết không phải là mong muốn của Thắng nhưng Y vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, lỗi của Thắng là lỗi cố ý gián tiếp.

  • Phát biểu sau đây về vụ án đúng hay sai? Hãy giải thích: Nếu Thắng không bỏ trốn mà đến ngay cơ quan công an gần nhất để khai báo thì sẽ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

      Trả lời: Phát biểu: “Nếu Thắng không bỏ trốn mà đến ngay cơ quan công an gần nhất để khai báo thì sẽ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” là sai.

      Giải thích: Điều 19 BLHS 1999 có nêu rõ:

      “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy cũng không có gì ngăn cản”.

      Nếu Thắng không bỏ trốn mầ đến ngay cơ quan công an gần nhất để khai báo thì không thể coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, bởi hành vi giết người đã diễn ra và để lại hậu quả đó là khiến Toán bị dập nát hay chân và chết. Cấu thành tội phạm đã đầy đủ, hậu quả đã xảy ra nên không thể nói là Thắng tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

      Hơn nữa lỗi của Thắng là lỗi cố ý gián tiếp, mà theo Luật hình sự Việt Nam, vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ đặt ra đối với tội cố ý trực tiếp. Vì chỉ trong lỗi cố ý trực tiếp mới có các giai đoạn thực hiện tội phạm như: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và phạm tội hoàn thành. Đối với lỗi cố ý gián tiếp chỉ có thể có trường hợp có tội hay không có tội và ở tội này, người phạm tội không mong muốn tội phạm  xảy ra cho nên không thể quy định có việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi “chuẩn bị” hay “chưa đạt” cả. Do vậy, Thắng không thể tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

      Trong trường hợp này nếu Thắng không bỏ trốn mà đến ngay cơ quan công an gần nhất để khai báo thì Thắng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhờ hành vi tự thú (Điểm o Khoản 1 Điều 46 BLHS 1999).

      Kết luận: Vậy do tội phạm đã hoàn thành nên kể cả Thắng có không bỏ trốn mà đến này cơ quan Công an để khai báo thì cũng không thể được gọi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

  •  Giả sử Thắng đã phạm tội cố ý gây thương tích, bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm. Sau khi chấp hành được 3 năm thử thách, Thắng phạm tội giết người nêu trên và bị phạt 10 năm tù thì hình phạt tổng hợp đối với Thắng là bao nhiêu năm tù? 

      Trả lời: Trường hợp Y bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm, đã chấp hành được 3 năm thử thách, Thắng lại phạm tội giết người nêu trên  và bị phạt 10 năm tù thì hình phạt tổng hợp đối Thắng là 12 năm tù.

      Giải thích: Giả sử trong trường hợp này là Thắng đã phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội danh trong quá khứ, Thắng đã chấp hành được hai năm tù cho hưởng án treo và vượt qua 3 năm thử thách. Hiện nay Thắng lại phạm tội giết người và theo khoản 2 Điều 93 của Bộ luật Hình sự thì Thắng bị Tòa xử án về tội danh này là 10 năm tù. Như vậy việc ta cần giải quyết là tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách.

      Về vấn đề tổng hợp hình phạt với người được hưởng án treo,  Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ Luật Hình sự về án treo như sau:

      “Trường hợp người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 của Bộ luật hình sự; nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời gian họ đã bị tạm giam, tạm giữ về tội phạm bị đưa ra xét xử lần này cũng như thời gian tạm giam, tạm giữ về tội phạm đã bị xét xử ở bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.”

      Khoản 5 Điều 60 về án treo có nêu rõ:

      “Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”.

      Mặc dù Thắng đã chấp hành xong 3 năm thử thách nhưng lại tái phạm tội mới nên Tòa án sẽ buộc Y phải phải chấp hành hình phạt tù hai năm của bản án trước.

      Khoản 2 Điều 51 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có quy định:

      “ Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này.”

      Để đi đến quyết định cuối cùng tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm tội này thì căn cứ vào mục b Khoản 2 Điều 50: “Nếu các hình phạt đã truyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên”.

       Như vậy, sau khi tổng hợp các hình phạt cuối cùng của nhiều bản án thì hình phạt đối với Thắng sẽ là 10 năm tù của bản án mới cho tội giết người và cộng với 2 năm tù của bản án trước đó cho tội cố ý gây thương tích. Tổng hợp hai bản án là 12 năm tù.

      Kết luận: Như vậy, vấn đề TNHS mà Thắng phải chịu bây giờ là 12 năm tù.

      Tội phạm nói chung là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Tội phạm giết người lại càng là mối quan tâm lớn của pháp luật và xã hội. Việc định tội danh sẽ là tiền đề cho việc giải quyết hình phạt được chính xác, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng luật, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, nâng cao uy tín, hoạt động của các cơ quan tố tụng, cũng như góp phần củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.


      Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân tích tình huống liên quan đến tội giết người được quy định tại Điều 93 BLHS 1999. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top