Chấp hành xong hình phạt 2 năm tù về tội cướp giật tài sản (khoản 1 Điều 171) chưa được xóa án tích, vào buổi tối, A dùng dây cáp buộc hai đầu dây vào 02 gốc cây ngang qua mặt đường (cách mặt đường khoảng 25cm). Sau đó A nấp sau bụi cây chờ đợi. Khoảng 10h đêm, B phóng xe với tốc độ cao trên đường, vướng phải sợi dây nên xe đổ, người ngã xuống đường bất tỉnh. A chạy ra lấy xe máy, ví tiền, điện thoại di động của nạn nhân rời khỏi hiện trường. B bị choáng nhưng thiệt hại sức khỏe không đáng kể, số tài sản người này chị chiếm đoạt trị giá khoảng 30 triệu đồng.
Hỏi:
- Xác định tội danh đối với hành vi phạm tội của A? (2 điểm)
- Xác định khung hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội của A? (1.5 điểm)
- Trường hợp phạm tội của A là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? (1.5 điểm)
- Do bị ngã xe, nạn nhân B không may bị đập đầu xuống đường nên đã tử vong thì tội danh của A có thay đổi không? Tại sao? (2 điểm)
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Bộ luật hình sự 2015 sửa đối bổ sung 2017
- Trường ĐH Luật HN, Giáo trình Luật Hình sự
- Bình luận khoa học Bộ Luật hình sự, Nguyễn Đan Quế – Chánh Tòa hình sự TAND tối cao.
- Về dấu hiệu hậu quả chết người ở tội cướp tài sản trong Bộ luật hình sự hiện hành / Phạm Văn Beo // Tòa án nhân dân. Số 14/2013, tr. 13 – 14, 24.
- Các yếu tố cấu thành tội cướp tài sản?
Xác định tội danh của A
Dựa vào những căn cứ pháp lý và các phân tích dưới đây có thể xác định tội danh của A trong tình huống này là cướp tài sản.
Theo quy định tại Điều 168 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cướp tài sản như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Thứ nhất, về mặt khách thể của tội phạm.
Khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân. Ở đây A đã dùng thủ đoạn nguy hiểm khác là căng dây ngang qua đường lúc trời tối khó nhận biết được khiến nạn nhân đang phóng xe với tốc độ cao bị ngã làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được (bất tỉnh). Do nạn nhân ngã xe bị bất tỉnh nên nhân lúc sơ hở đó A đã đến lấy xe rồi chạy thoát.
Giải quyết tình huống chấp hành bản án khi chưa được xóa án tích
Tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân (căng dây cáp ngang qua đường vào buổi tối khiến nạn nhân đi qua đường với tốc độ cao bị ngã đến bất tỉnh), thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản (A đã đến lấy xe máy rồi chạy thoát khi nạn nhân đang trong tình trạng bất tỉnh), nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản, nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quan hệ xã hội thì chưa phản ánh đầy đủ bản chất của tội cướp tài sản, đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm.
Hành vi của A là hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản được đề cập đến trong khoản 2 Điều 168 BLHS 2015. Tình tiết sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV Các tội phạm xâm phạm sở hữu của Bộ luật hình sự năm 1999.
“5.1. “Thủ đoạn nguy hiểm khác” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản…”.
Hành vi chiếm đoạt là hành vi mong muốn dịch chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình trái pháp luật và trái ý chí của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lầm vào tình trạng không thể chống cự được, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Thứ ba, về mặt chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội cướp tài sản là chủ thể thường. Bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể trở thành chủ thể của tội cướp tài sản.
Thứ tư, về mặt chủ quan của tội phạm.
Trong trường hợp này, A thực hiện hành vi cướp tài sản với lỗi cố ý trực tiếp. Mặc dù A nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó là chiếm đoạt trái pháp luật tài sản của người khác và mong muốn chiếm đoạt tài sản đó. Và mục đích thực hiện hành vi của A cũng là để chiếm đoạt tài sản. Như vậy về mặt chủ quan A có đầy đủ dấu hiệu của tội cướp tài sản. Bởi người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới là tội cướp tài sản. Như vậy, ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được. Nếu có hành vi tấn công nhưng vì động cơ và mục đích khác chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó người bị tấn công bỏ chạy, để lại tài sản và người có hành vi tấn công lấy tài sản đó thì không phải là tội cướp tài sản mà tuỳ vào trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tấn công theo các tội tương ứng, riêng hành vi chiếm đoạt của người có hành vi tấn công có thể là hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt hoặc chiếm giữ trái phép tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Nhiều trường hợp tuy lúc đầu người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã nảy sinh ý định chiếm đoạt và sau đó tiếp tục có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được tài sản thì hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn bị coi là hành vi phạm tội cướp tài sản.
Như vậy, mục đích giữ lại tài sản sau khi đã chiếm đoạt được bằng cách dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là cướp tài sản.
Xác định khung hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội của A
Dựa vào phân tích trên thì khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của A là từ 7 đến 15 năm tù thuộc điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS 2015.
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;”
Trường hợp phạm tội của A là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?
Căn cứ vào Điều 53 và Điều 9 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017:
Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Điều 9. Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Trước đây A đã phạm tội cướp giật tài sản – tội phạm nghiêm trọng vì mức cao nhất của khung hình phạt là 5 năm (Điều 171. Tội cướp giật tài sản 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.) nhưng chưa được xóa án tích nay lại phạm tội do lỗi cố ý. Theo đó hành vi phạm tội của A là tái phạm theo khoản 1 Điều 53.
Trường hợp A phạm tội cướp giật đã là tái phạm thì tội phạm cướp tài sản của A trong trường hợp này là tái phạm nguy hiểm theo điểm b khoản 2 Điều 53.
Xác định lại tội danh của A khi nạn nhân B chết
Trong trường hợp có hậu quả chết người, hiện tại có một số quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nếu người phạm tội dùng mọi hành vi mà mong muốn nạn nhân chết hoặc để mặc nạn nhân chết khi thấy rằng hành vi của mình sẽ hoặc có thể dẫn đến hậu quả chết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì phải định 2 tội: Cướp tài sản và Giết người. Cũng có quan điểm chỉ coi hành vi giết người với lỗi cố ý trực tiếp khi cướp tài sản mới bị xem là phạm tội giết người độc lập. Như vậy có thể thấy, nếu bàn đến hậu quả chết người trong tội cướp tài sản, các nhà lý luận hình sự và thực tiễn xét xử hình sự đã thừa nhận rằng nếu người phạm tội dùng mọi hành vi, thủ đoạn và cố ý làm cho nạn nhân chết nhằm chiếm đoạt tài sản thì phải định 2 tội: Cướp tài sản và giết người. Sở dĩ người phạm tội bị truy cứu thêm về tội giết người là vì hành vi giết người được thực hiện với lỗi cố ý (tính nguy hiểm cho xã hội cao). Nhưng nếu người phạm tội không có ý định giết người mà chỉ có ý định cướp tài sản nhưng chẳng may người bị hại bị chết thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết làm chết người.
Trong tình huống này, mục đích của A là nhằm chiếm đoạt được tài sản là chiếc xe máy, ví tiền, điện thoại, ý thức chủ quan của A là không hướng đến giết người và nghĩ rằng việc chăng dây cáp chỉ khiến B ngã ra, nhân lúc B bất tỉnh không có khả năng chống cự để lấy tài sản. Không may nạn nhân B chết là hậu quả nằm ngoài mục đích và nhận thức của A. Vì vậy tội danh của A vẫn là cướp tài sản nhưng chuyển từ khoản 2 sang khoản 4 của Điều 168 là cướp tài sản làm chết người với khung hình phạt là từ 18 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Giải quyết tình huống chấp hành bản án khi chưa được xóa án tích. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.