Chế tài của hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật

      Hiện nay, tình trạng trộm cắp tài sản ngày càng phổ biến. Đã có rất nhiều trường hợp xảy ra, mức độ nghiêm trong không hề nhỏ. Đáng lo ngại hơn là tình trạng này còn diễn ra ở nhiều  đối tượng khác nhau, từ trẻ vị thành niên đến những người đã trưởng thành .Vấn đề này không chỉ đặt ra với giáo dục, xã hội mà còn là vấn đề được pháp luật quan tâm. Qua bài viết này chúng tôi Luật Quang Huy sẽ đi sâu phân tích và tìm hiểu vấn đề: Chế tài của hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật.


Danh mục tài liệu tham khảo 

  • Giáo trình luật hình sự Việt Nam 1, trường đại học luật Hà Nội,NXB Công an nhân dân, 2007
  • Nghị quyết số 01/2013/NQ-HDTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 60 của bộ lụt hình sự.
  • Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) nhà xuất bản lao động Hà Nội.

Đề bài : Đức biết gia đình anh Mạnh thường không có ai ở nhà vào buổi sáng. Khoảng 9 giờ sáng ngày 26 tháng 7 năm 2010. Đức phá khóa vào nhà anh Mạnh để lấy tài sản.Đức đang dắt chiếc xe máy của anh Mạnh ra sân (chiếc xe máy trị giá 30 triệu), đúng lúc đó thì anh Mạnh quay về nhà, phát hiện và hô hoán. Đức bị mọi người bắt . Hành vi của Đức có thể bị xử lý theo khoản 1 Điều 138 BLHS.

  • Giả sử Đức mới 15 tuổi thì Đức có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?
  • Nếu Đức đủ 17 tuổi thì Đức có thể được hưởng án treo không? Tại sao?
  • Đức có thể được tòa án áp dụng điều 47 BLHS để quyết định hình phạt hay không ?
  • Giả thiết ,khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản Đức đã 25 tuổi, Đức đang phải chấp hành bản án 3 năm tù được hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm và mới chấp hành được 2 năm thử thách lại phạm tội trộm cắp nêu trên thì Đức có được hưởng án treo lần nữa không

Giả sử Đức mới 15 tuổi thì Đức có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?

      Giả sử Đức mới 15 tuổi thì Đức không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì:

      Theo đề bài thì hành vi phạm tội của Đức có thể bị xử phạt theo khoản 1 điều 138 BLHS :“ Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng  hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm  hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”. Thì hành vi của  Đức có thể chịu mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù.

      Mà theo khoản 3 điều 8 BLHS quy định : “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù, tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Ta thấy hành vi trộm xe máy của Đức là hành vi gây nguy hại không lớn cho xã hội và mức hình phạt cao nhất mà Đức phải chịu là ba năm tù với hành vi trộm cắp tài sản thì tương đương tội phạm ít nghiêm trọng.

      Mặt khác theo khoản 2 điều 12 BLHS “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”, và khoản 3 Điều 8 BLHS trên thì ta thấy hành vi phạm tôi của Đức không thuộc vào hai trường hợp là tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà hành vi của Đức chỉ thuộc vào tội phạm ít nghiêm trọng vì thế cho nên Đức không phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi trộm cắp của mình.

chế tài của hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật

Nếu Đức đủ 17 tuổi thì Đức có thể được hưởng án treo không? Tại sao?

      Nếu Đức đủ 17 thì Đức được hưởng án treo. Vì:

      Theo khoản 1 Điều 60 BLHS quy định: “1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.”. Thì một người được hưởng án treo sẽ dựa theo bốn căn cứ sau đây :

      Về mức hình phạt tù: Những người bị tòa án phạt tù không quá 3 năm không kể tội đã phạm là tội gì đều có thể được xem xét và cho hưởng án treo. Tuy nhiên phạt tù không qua 3 năm được tuyên phải phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm.

      Về thân phận người phạm tội : Người được hưởng án treo phải là người có nhân thân tương đối tốt .Người phạm tội là người có nhân thân tương đối tốt phải là người chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của bản thân với tư cách là thành viên trong xã hội,chưa có tiền án tiền sự.

      Có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Các tình tiết giảm nhẹ để xem xét cho hưởng án treo là những tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS cũng như các tình tiết giảm nhẹ được tòa án xác định trong từng vụ án cụ thể ( phù hợp với khoản 2 Điều 46 BLHS). Phải có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên trong đó phải có một tình tiết được ghi nhận tại khoản 1 Điều 46 BLHS.

      Thuộc trường hợp không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù: Người phạm tội thuộc trường hợp được hưởng án treo phải là nguồi thức sự có khả năng hoàn lương trong môi trường xã hội cụ thể, không có nguy cơ tái phạm bởi tính chất lọai tội phạm mà họ đã thực hiện cũng như do ảnh hưởng xấu của đối tượng xum quanh.

      Áp dụng vào trường hợp phạm tội của Đức ta thấy : Với hành vi phạm tội của Đức thì mức hình phạt cao nhất mà Đức phải chịu là 3 năm tù (theo khoản 1 điều 138 BLHS).Và hành vi trộm cắp của Đức thuộc vào nhóm tội phạm ít nghiêm trọng  (theo khoản 3 điều 8 BLHS). Bên cạnh đó thì đây là lần đầu Đức phạm tội, hành vi phạm tội của Đức chưa gây ra thiệt hại và Đức chưa có tiền án tiền sự nào trước đó. Theo điểm g, h khoản 1 Điều 46 quy định:

“g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn.

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.” Đây là các tình tiết giảm nhẹ để Đức có thể được hưởng án treo. Trong trường hợp phạm tội trộm cắp của Đức thì đã thỏa mãn các căn cứ tại khoản 1 Điều 60 BLHS vì vậy Đức  được hưởng án treo theo quy định của BLHS.

Đức có thể được Tòa án áp dụng điều 47 BLHS để quyết định hình phạt hay không ?

      Đức có thể được tòa án áp dụng điều 47 BLHS để quyết định hình phạt vì:

      Theo Điều 47 BLHS: “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.”. Ta thấy hành vi phạm tội của Đức có các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS cụ thể các tình tiết giảm nhẹ đó là : “g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn. h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.” thỏa mãn các điều kiện giảm nhẹ tội ở điều 47 BLHS thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 này cho việc quyết định hình phạt nhẹ hơn mức tối thiểu của khung hình phạt mà Đức đã phải chịu.Tòa án có thể quyết định giảm nhẹ hình phạt của Đức xuống dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà Đức phải chịu. Tuy nhiên hình phạt mà Đức phải chịu là mức án thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 1 Điều 138 BLHS, vì thế nên Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình hình phạt là dưới 6 tháng hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn như cải tạo không giam giữ.

Chế tài của hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật
Chế tài của hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật

Giả thiết ,khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản Đức đã 25 tuổi, Đức đang phải chấp hành bản án 3 năm tù được hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm và mới chấp hành được 2 năm thử thách lại phạm tội trộm cắp nêu trên thì Đức có được hưởng án treo lần nữa không?

  Theo giả thiết, khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản Đức đã 25 tuổi, Đức đang phải chấp hành bản án 3 năm tù được hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm và mới chấp hành được 2 năm thử thách lại phạm tội trộm cắp nêu trên thì Đức không được hưởng án treo lần nữa. Vì :

      Điều kiện để một người được hưởng án treo được quy định tại Điều 1 NQ 01/2013 : “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc phải chấp hành hình phạt tù.”. Ta thấy theo thì  lúc thực hiện hành vi phạm tội Đức đã 25 tuổi, đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Và theo khoản 1 điều 138 BLHS thì mức hình phạt cao nhất mà Đức phải chịu là 3 năm tù. Bên cạnh đó thì Đức đã có tiền án hình sự về tội trộm cắp và đang trong quá trình thử thách, trong trường hợp của Đức không những không có tình tiết giảm nhẹ mà còn có các tình tiết tăng nặng vì vậy  Đức không đủ điều kiện để được hưởng án treo.

      Và theo khoản 5 Điều 60 BLHS quy định :“5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.”. Có nghĩa là trong trường hợp này thì Đức ( được hưởng án treo nhưng phạm tội trong thời gian thử thách) sẽ bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt của lần phạn tội trước và tổng hợp với hình phạt của lần phạm tội mới cộng với các tình tiết tăng nặng đã nêu trên, và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Bên cạnh đó theo nghị quyết 01/2013 NQ-HĐTP tại điểm c khoản 2 Điều 2 của nghị quyết này quy định: “c) Trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác”. Đức ngoài lần phạm tội trộm cắp tài sản thì trước đó Đức còn thực hiện hành vi phạm tội khác. Cụ thể là Đức đàn phải chấp hành án treo cho lần phạm tội trước đó.

      Vậy Đức không thể được hưởng án treo lần nữa.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: chế tài của hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top