Khi tiến hành hoạt động quản lí hành chính nhà nước, thì giữa các chủ thể quản lí và đối tượng quản lí phát sinh các quan hệ xã hội cần được nhà nước điều chỉnh – đó chính là các quan hệ quản lí hành chính nhà nước. Các quan hệ này xuất hiện rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày, do đó việc đặt ra các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội này là một điều tất yếu, khách quan trong quá trình quản lí. Và để những quy định này phát huy được hiệu quả thì cần sự thực hiện nghiêm chỉnh của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Qua bài viết này chúng tôi Luật Quang Huy sẽ đi sâu phân tích và tìm hiểu vấn đề: “Phân tích các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính, đánh giá việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính ở nước ta trong giai đoạn vừa qua”
Danh mục tài liệu tham khảo
- Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Giáo trình luật hành chính Việt Nam. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Hướng dẫn môn học luật hành chính.
- Luật hành chính Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn.
Nội dung
Khái niệm và đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính
Khái niệm quy phạm pháp luật hành chính
Trong hoạt động quản lý nhà nước, các chủ thể quản lý cần một khuôn mẫu xử sự chung cho các cá nhân, tổ chức thực hiện theo khi rơi vào tình huống được dự liệu trên thực tiễn. Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước cũng vậy, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước cần quy phạm pháp luật để định ra những khuôn mẫu, những nguyên tắc xử sự chung cho mọi người, để điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước.
Những quy phạm pháp luật dùng để điều chỉnh các quan hệ quản lí hành chính nhà nước là các quy phạm pháp luật hành chính. Do đó, có thể hiểu: quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh những quan hệ xá hội phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước.
Đặc điểm của các quy phạm pháp luật hành chính
Là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật nên các quy phạm pháp luật hành chính cũng mang đầy đủ các đặc điểm chung của quy phạm pháp luật như: là những quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá tính hợp pháp của hảnh vi của con người. Ngoài ra, quy phạm pháp luật hành chính còn có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, các quy phạm pháp luật hành chính chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành.
Ở nước ta, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật hành chính có thể là chủ thể lập pháp hoặc chủ thể quản lí hành chính nhà nước, trong đó, chủ yếu là chủ thể quản lí hành chính nhà nước. Bởi số lượng chủ thể có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hành chính nhiều, các cơ quan hành chính nhà nước thì hoạt động thường xuyên, do các cơ quan hành chính nhà nước có chức năng quản lý hành chính nhà nước nên các văn bản được các cơ quan này ban hành chủ yếu chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính. Do đó, các quy phạm pháp luật hành chính chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền ban hành trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, luật và pháp lệnh trong lĩnh vực quản lí hành chính nhà nước.
Thứ hai, các quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn và có hiệu lực pháp lí khác nhau.
Do phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hành chính rất rộng và tính chất đa dạng về chủ thể ban hành nên các quy phạm pháp luật hành chính ở nước ta có số lượng lớn. Trong đó có những quy phạm có hiệu lực trên cả nước và các ngành, có những quy phạm có hiệu lực trong một ngành và một địa phương nhất định. Bên cạnh đó có những quy phạm được áp dụng chung cho mọi cá nhân, tổ chức, có những quy phạm chỉ được áp dụng đối với cá nhân hoặc chỉ được áp dụng đối với tổ chức.
Thứ ba, quy phạm pháp luật hành chính tạo thành một thể thống nhất.
Mặc dù các quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn và có hiệu lực pháp lí khác nhau, nhưng do yêu cầu điều chỉnh thống nhất pháp luật trong quản lí hành chính nhà nước mà các quy phạm này cần phải hợp thành một hệ thống.
Thứ tư, quy phạm pháp luật hành chính có tính ổn định không cao.
Do các quan hệ xã hội xuất hiện trong quá trình quản lí hành chính nhà nước luôn thay đổi, nên các quy phạm pháp luật hành chính cũng thường xuyên thay đổi để phù hợp với những điều kiện thực tế.
Phân tích các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Khái niệm thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Các cơ quan nhà nước, các cá nhân được nhà nước trao quyền ban hành quy phạm pháp luật hành chính là nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quản lí hành chính nhà nước, hướng các quan hệ xã hội đó phát triển phù hợp với mong muốn của nhà nước, nghĩa là nhằm mục đích hướng các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ mà quy phạm pháp luật hành chính đã xác định. Có một hệ thống quy phạm pháp luật hành chính tốt sẽ tạo nên một nền tảng pháp lý vững chắc để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quản lí hành chính nhà nước. Tuy nhiên, có một hệ thống quy phạm pháp luật hoàn thiện là chưa đủ, mà còn cần đến việc thực hiện các quy phạm pháp luật hành chính của các cá nhân, tổ chức.
Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính là hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cán bộ, công chức nhà nước và cá nhân, nhằm đạt được mục đích là làm cho yêu cầu của quy phạm pháp luật hành chính trở thành hiện thực.
Các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Sử dụng quy phạm pháp luật hành chính
Sử dụng quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi được pháp luật cho phép. Ví dụ: công dân A kinh doanh mặt hàng nước giải khát, công dân thực hiện quyền tự do đi lại,…
Đối với các cá nhân, tổ chức, điều mà quy phạm pháp luật hành chính quy định dưới các hình thức: cho phép, lụa chọn, trao quyền, khuyến khích, chính là quyền của các chủ thể này. Vì vậy, họ có thể không thực hiện những quyền này, nhưng khi thực hiện thì họ phải thực hiện theo đúng quy định, tức pahir là những hành vi hợp pháp, không được lợi dụng những quền Nhà nước trao cho để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật (làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể khác). Ví dụ, công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc sự thật, để vu khống người khác.
Các chủ thể sử dụng quy phạm pháp luật hành chính ở nước ta tham gia vào quản lí hành chính nhà nước với tư cách là những đối tượng quản lí nhằm mục đích trước hết và chủ yếu là bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của họ.
Tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính
Tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính là một hính thức thực hiện pháp luật, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân kiềm chế không thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm. Ví dụ: công dân không vượt đèn đỏ, không sử dụng điện thoại khi đi xe gắn máy trên đường phố.
Chủ thể tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính tham gia vào quản lí hành chính nhà nước với tư cách là đối tượng quản lí, nhằm mục đích trước hết và chủ yếu là bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Các chủ thể tham gia vào quản lí hành chính nhà nước có thể không sử dụng quy phạm pháp luật hành chính nhưng buộc phải tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính, việc không tuân thủ quy phạ pháp luật hành chính được xác định là hành vi trái pháp luật.
Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính
Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó là cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi mà pháp luật hành chính đòi hỏi họ phải thực hiện. Ví dụ: công dân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ đăng kí tạm trú, tạm vắng,…
Đối với cá nhân, tổ chức, điều mà quy phạm pháp luật hành chính buộc phải làm chính là nghĩa vụ của họ, nghĩa vụ mà họ không thể từ chối. Việc không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ những điều mà quy phạm pháp luật hành chính buộc phải làm sẽ có thể dẫn đến việc reuy cứu trách nhiệm pháp lý đối với họ.
Đối với các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức nhà nước, những quyền mà các quy phạm pháp luật hành chính trao cho cũng đồng thời là nghĩa vụ mà Nhà nước buộc phải làm trong một số trường hợp. Ví dụ như Điều 96 Hiến pháp năm 2013 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, đó là quyền hạn, đồng thời cũng là nghĩa vụ mà Chính phủ phải thực hiện. Trong một số trường hợp thì quyền của cán bộ, công chức là phương tiện để họ thực hiện tốt nghĩa vụ được giao.
Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính
Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền căn cứ vào các quy phạm pháp luật hành chính hiện hành để giải quyết những công việc cụ thể phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước.
Chủ thể của việc sử dụng, tuân thủ, chấp hành quy phạm pháp luật hành chính là tất cả các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Còn việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính luôn là hoạt động của các cơ quan nhà nước (chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước), cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền.
Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính nhằm bảo đảm cho các quy phạm pháp luật hành chính được thực hiện trên thực tế. Có những tình huống cụ thể phát sinh trong hoạt động hành chính chỉ được giải quyết đúng đắn thông qua hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính (xử lý vi phạm hành chính, khen thưởng, kỉ luật,…)
Khi áp dụng quy phạm pháp luật hành chính, các chủ thể quản lí hành chính nhà nước đơn phương ban hành các quyết định hành chính hay thực hiện các hành vi hành chính để tổ chức việc thực hiện pháp luật một cách trực tiếp đối với các đối tượng quản lí thuộc quyền. Do đó, áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính là sự kiện pháp lí trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một số quan hệ pháp luật cụ thể.
Việc áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính phải đảm bổ một số những yêu cầu pháp lí nhất định, những yêu cầu đó là:
Một là, áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải đúng với nội dung, mục đích của quy phạm pháp luật được áp dụng. Yêu cầu đảm bảo đúng nội dung của quy phạm pháp luật hành chính thể hiện nội dung quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính. Quan hệ này hướng tới việc đạt được một số mục đích nhất định.
Hai là, việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được thực hiện bới chủ thể có thẩm quyền. Tùy thuộc vào những quy định cụ thể của pháp luật, theo yêu cầu của việc phân cấp trong quản lí hành chính nhà nước, mỗi chủ thể quản lí hành chính nà nước chỉ có thẩm quyền áp dụng một số quy phạm pháp luật hành chính trong những trường hợp cụ thể đối với những đối tượng áp dụng. Nếu việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính được tiến hành bới chủ thể không có thẩm quyền thì việc áp dụng đó là trái pháp luật và người áp dụng sẽ phải gánh chịu trách nhiệm pháp lí.
Ba là, áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được thực hiện theo đúng thủ tục luật định. Các công việc cụ thể cần phải áp dụng quy phạm pháp luật hành chính đều phải được thực hiện theo thủ tục hành chính. Tùy từng loại việc mà việc áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính sẽ được thực hiện theo những thủ tục khác nhau như: thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, thủ tục đăng kí kết hôn,…
Bốn là, việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải bảo đảm nhanh chóng, đúng thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định. Do các công việc cụ thể cần phải áp dụng quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn, phát sinh thường xuyên ở những phạm vi và quy mô khác nhau nên luật cần phải quy định cụ thể về thời hiệu, thời hạn giải quyết các công việc. Nếu không làm được điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức.
Năm là, kết quả của việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải trả lời công khai, chính thức cho các đối tượng có liên quan và phải được thể hiện bằng văn bản (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Bởi hình thức văn bản là hình thức chưa đựng một cách chính xác, đầy đủ, dễ lưu trữ và có thể sử dụng lại được, chỉ trừ một số trường hợp. Kết quả của việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của nhà nước, cá nhân, tổ chức mà còn là căn cứ pháp lí cần thiết cho việc thực hiện các quy phạm pháp luật hành chính trong các trường hợp khác. Vì vậy, kết quả của việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được thông báo một cách chính thức, công khai cho các đối tượng có liên quan.
Sáu là, quyết định áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính phải được các đối tượng có liên quan tôn trọng và được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Việc áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính chỉ có ý nghĩa khi các đối tượng có liên quan tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyết định trên thực tế. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà các quyết định áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được các đối tượng có liên quan tông trọng, chấp hành hay cần được bảo đảm thực hiện trên thực tế.
Đánh giá việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính ở nước ta trong giai đoạn vừa qua
Thực tế việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính ở nước ta trong giai đoạn vừa qua
Hiện nay, phần lớn các quy phạm pháp luật hành chính được thực hiện khá nghiêm chỉnh. Thực hiện Đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam, chính sách của nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của các ban cấp lãnh đạo, công tác tuyên truyền pháp luật của các cơ quan chức năng; tất cả những nhân tố đó đã tạo cho người dân một cái nhìn tổng quan và chính xác nhất về pháp luật, từ đó, người dân chấp hành, tuân thủ và thực hiện quy phạm pháp luật hành chính một cách tự giác, chủ động và nghiêm chỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn có tình trạng cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật hành chính. Điển hình là quy phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực giao thông, môi trường hay lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Trong lĩnh vực giao thông, hàng ngày, vẫn có những trường hợp người dân đi xe không đội mũ bảo hiểm, đi xe gắn máy lên vỉa hè, vượt đèn đỏ,… Chỉ tính trong giai đoạn 2011 – 2015, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67), Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 264.778 trường hợp, xử phạt trên 138 tỷ đồng (ngoài ra, còn giữ 27.557 xe, tước 27.224 GPLX). Trung bình mỗi năm, lực lượng còn phát hiện và xử lý trên 66.000 trường hợp với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 34 tỷ đồng
- Trong lĩnh vực vệ sinh môi trường: vẫn còn hiện tượng người dân vứt rác, đổ rác không đúng nơi quy định, các công ty xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm môi trường. Ví dụ như công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải, công ty Sơn Hà xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin xả thải chưa qua xử lý ra biển,…
- Trong lĩnh vực vệ an toàn thực phẩm, hiện tượng thực phẩm bẩn tràn lan trên thì trường hay việc người sản xuất, trăn nuôi sử dụng chất cấm đang là một vấn đề hết sức nóng bỏng. Chỉ cần gõ “thực phẩm bẩn” vào trang tìm kiếm google, ngay lập tức sẽ có hàng loạt những bài báo, những hình ảnh về các loại thực phẩm không hợp vệ sinh. Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng các cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật như tham ô, nhận hối lộ, có biểu hiện hách dịch, gây phiền hà cho người dân.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên
Việc không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm chỉnh các quy phạm pháp luật hành chính do nhiều nguyên nhân gây ra.
Thứ nhất, do ý thức của người dân còn kém dẫn đến việc không hiểu biết pháp luật và coi thường pháp luật nên cố tình vi phạm. Mặt khác, do tâm lý số đông nên khi thấy người khác vi phạm, thay vì nhắc nhở thì một số chủ thể lại vi phạm theo.
Thứ hai, do chính sách pháp luật của Nhà nước ta đôi khi vẫn được ban hành chậm hơn thực tế, không theo kịp được sự phát triển của xã hội nên chưa kịp điều chỉnh một số quan hệ xã hội mới phát sinh. Với sự phát triển không ngừng của thế giới cùng với xu thế toàn cầu hóa thì có nhiều tình huống mà các nhà làm luật không kịp dự liệu nên chưa thể ban hành kịp để điều chỉnh các vấn để phát sinh.
Thứ ba, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu và thực hiện còn hạn chế. Hiện nay, có thể thấy nước ta có một hệ thống pháp luật vô cùng lớn, gần như điều chỉnh đến mọi quan hệ xã hội trong đời sống. Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lại chưa được nhiều, do đó có nhiều trường hợp người dân vi phạm pháp luật mà không hề biết là mình đang vi phạm, hay không biết được hết những quyền và nghĩa vụ mà mình có.
Thứ tư, do mặt trái của kinh tế thị trường. Cơ chế thị trường có ưu điểm là tự do kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh, thông qua thị trường mà phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả nhất, phát huy đến mức cao nhất các tài năng sáng tạo, nhưng nó cũng còn tồn tại những khuyết điểm như cạnh tranh vô tổ chức, độc quyền, hủy hoại môi trường, tình trạng tham ô, tham nhũng của một số cán bộ, công chức. Hơn nữa, trong bối cảnh giao thời giữa cơ chế, thói quen, lề lối cũ với yêu cầu mở cửa, năng động, hoà nhập của cơ cấu mới đã làm phát sinh các cơ hội để một bộ phận không nhỏ những người trong và ngoài bộ máy nhà nước tận dụng sự hạn chế của cơ cấu mới do chưa thật sự có chỗ đứng ổn định và vững chắc trong xã hội, nhằm hưởng lợi bất chính hoặc thoả mãn nhu cầu cá nhân không chính đáng.
Thứ năm, việc xử phạt còn chưa nghiêm khắc, triệt để, vẫn còn tình trạng nể nang trong quá trình điều tra và xử lí. Đây là một vẫn đề khá nổi trội ở đất nước ta khi tâm lý coi trọng tình cảm hơn pháp luật nên thà phạm luật còn hơn để mất lòng nhau vẫn còn, nhiều trường hợp vi phạm nhưng nhờ có một chút “quan hệ” nên lại được xử phạt nhẹ hơn so với mức quy định.
Một số giải pháp giúp cho việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính được triệt để hơn
Một là, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật hành chính. Để việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính được hiệu quả thì điều kiện tiên quyết là chúng ta phải có một hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, bởi vì pháp luật định hướng cho các quan hệ xã hội phát triển đúng định hướng mà Nhà nước và nhân dân mong muốn.
Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Đề các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính thực hiện tốt các quy định của pháp luật thì trước hết họ phải hiểu biết về pháp luật, bởi có hiểu biết về pháp luật họ mới có thể thực hiện nghiêm chỉnh. Từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc tôn trọng và thực hiện những quy định của pháp luật.
Ba là, nâng cao năng lực, trình độ, ý thức của đội ngũ cán bộ, công chức, những người làm công tác quản lý. Muốn người dân thực hiện tốt pháp luật thì những người là cán bộ, công chức phải đi đầu trong việc tôn trọng và thực hiện pháp luật. Họ cũng là người có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, việc xử lý nghiêm minh cũng tạo điều kiện để các quy phạm pháp luật được thực hiện tốt hơn
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.