Xây dựng tình huống về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Xây dựng tình huống về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, những vụ việc phức tạp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngày càng phát sinh nhiều khiến cơ quan nhà nước cần áp dụng chính xác, hợp lý và sáng tạo những điều luật quy định về điều này để có những cách giải quyết phù hợp đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ giữa các bên. Không chỉ có một người mà nhiều người cùng có thể gây ra thiệt hại và chịu trách nhiệm phải bồi thường. Vậy khi nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường sẽ riêng rẽ hay liên đới? Pháp luật có những quy định gì để xử lí những việc này và điều kiện để phát sinh như thế nào? Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Xây dựng tình huống về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra. Giải thích điều kiện “cùng gây thiệt hại” là căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên đới. Giải quyết tình huống.”.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật dân sự 2015, Nxb Lao Động.

Xây dựng tình huống về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Ngày 31 tháng 10 năm 2017, A và B rủ C, D đi nhậu do rạng sáng hôm đó đội bóng U20 Hàn Quốc mà họ yêu thích đã bị thua thảm hại trong trận dành chức vô địch tại U20 World Cup. Họ rủ nhau tới quán X do ông E làm chủ. Trong khi ăn uống, A nhận ra ông E và một số người nữa đang ăn mừng chiến thắng của đội U20 Đức – đội bóng đã đánh bại U20 Hàn Quốc trước thềm chiến thắng, A liền nói lại với B,C,D và bàn bạc việc gây rối để trả thù. Sau khi nhậu nhẹt đã xong, A,B,C,D gây sự với ông E, không chịu trả tiền ăn uống nhậu nhẹt của mình và còn đập phá đồ đạc trong quán nhà ông E. Kết quả, làm hỏng 2 chiếc bàn, 4 chiếc ghế, cùng bát đĩa, cộng với chi phí cho bữa ăn của họ thì tổng thiệt hại họ gây ra cho quán quy ra tiền mặt là 3 triệu đồng. Ông E yêu cầu họ bồi thường và đã gọi công an tới để giải quyết. Hãy giải quyết tình huống trên và xác định nghĩa vụ bồi thường của 4 người.

Những vấn đề lý luận chung

Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự mà khi người nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Nếu trách nhiệm BTTH theo hợp đồng bao giờ cũng được phát sinh trên cơ sở một hợp đồng có trước thì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý do pháp luật quy định đối với người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hiện nay, pháp luật Việt Nam ngoài việc quy định chủ yếu về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng đối với hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của các cá nhân và tổ chức khác, còn quy định thêm trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại nhưng các bên có thỏa thuận bồi thường thì vẫn phải bồi thường: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc toàn bộ do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (Khoản 2 Điều 584 BLDS 2015).

So với trách nhiệm BTTH theo hợp đồng thì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng có một số khác biệt như sau:

Về cơ sở phát sinh trách nhiệm: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự phát sinh trên cơ sở do pháp luật quy định. Khác với các loại trách nhiệm pháp lý khác thì trách nhiệm dân sự có thể phát sinh trên cơ sở sự thoả thuận của các bên. Tuy nhiên, trách nhiệm phát sinh trên cơ sở thoả thuận của các bên chỉ có thể là trách nhiệm theo hợp đồng ví dụ như buộc phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, phạt vi phạm hoặc BTTH.

Về điều kiện phát sinh trách nhiệm: Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Các điều kiện đó là: có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra; có lỗi. Lỗi không phải là điều kiện bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, trong một số trường hợp, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng phát sinh ngay cả khi người gây thiệt hại không có lỗi (Khoản 3 Điều 601, Điều 602 BLDS 2015). Tuy nhiên, BTTH theo hợp đồng, do cơ sở phát sinh trách nhiệm là do các bên bên thoả thuận nên các bên cũng có thể thoả thuận đặt ra các điều kiện phát sinh có thể không bao gồm đầy đủ những điều kiện trên như bên vi phạm hợp đồng không có lỗi cũng vẫn phải BTTH…

Về chủ thể chịu trách nhiệm: Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng ngoài việc áp dụng đối với người có hành vi trái pháp luật thì còn áp dụng đối với người khác như cha mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân, trường học, bệnh viện, cơ sở dạy nghề…. Tuy nhiên, trách nhiệm BTTH theo hợp đồng chỉ có thể áp dụng đối với các bên tham gia hợp đồng mà không thể áp dụng đối với người thứ ba. Hay nói các khác, các chủ thể trong hợp đồng không thể thoả thuận bất kỳ ai không tham gia hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm BTTH mà không được sự đồng ý của họ.

Về mức bồi thường: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về nguyên tắc là người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Thiệt hại chỉ có thể được giảm trong một trường hợp đặc biệt đó là người gây thiệt hại có lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ. Còn đối với BTTH theo hợp đồng thì các bên có thoả thoả thuận ngay trong hợp đồng về mức bồi thường bằng, thấp hơn hoặc cao hơn mức thiệt hại xảy ra và khi phát sinh trách nhiệm BTTH thì mức bồi thường sẽ áp dụng mức do các bên thoả thuận.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên đới

BTTH liên đới được hiểu là trách nhiệm nhiều người mà theo đó thì mỗi người trong số những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ thiệt hại và mỗi người trong số những người có quyền đều có quyền yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ cho mình.

Đối với trách nhiệm liên đới thì khi một bên thực hiện xong phần nghĩa vụ của mình trách nhiệm vẫn chưa chấm dứt mà họ còn phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ thiệt hại. Khi một người gây thiệt hại đã thực hiện trách nhiệm bồi thường thì sẽ phát sinh nghĩa vụ hoàn lại giữa những người có trách nhiệm khác với người đó và khi một người trong số những người bị thiệt hại đã yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường toàn bộ thiệt hại cho mình thì phải hoàn lại phần tương ứng cho những người bị thiệt hại khác.

Giải thích điều kiện “cùng gây thiệt hại” là căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên đới:

Quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người gây ra theo BLDS 2015:

Theo quy định tại Điều 587, BLDS năm 2015 về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra:

“Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”

Trên thực tế, thiệt hại có thể cho một người hoặc nhiều người gây ra. Nếu thiệt hại do nhiều người gây ra thì những người gây thiệt hại phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Theo đó, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu một trong những người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tòa án phải xác định cụ thể mức bồi thường của từng người gây thiệt hại trên cơ sở mức độ lỗi của họ. Tuy nhiên, điều này không phải là căn cứ để xác định những người gây thiệt hại phải bồi thường liên đới hay bồi thường riêng rẽ, mà nó là cơ sở để người đã bồi thường toàn bộ thiệt hại yêu cầu những người khác phải hoàn trả cho mình phần đã bồi thường thay.

Thực tế, có thể có nhiều người gây thiệt hại cho một người, nhưng giữa họ không tồn tại bất cứ mối liên hệ nào trong việc gây thiệt hại thì việc xác định trách nhiệm bồi thường liên đới hay riêng rẽ cần phải xem xét các điều kiện sau đây:

Một là, phải có sự thống nhất về mặt ý chí của những người gây thiệt hại. Tức là những người gây thiệt hại phải có sự bàn bạc, thống nhất ý chí sẽ gây thiệt hại cho một người nào đó. Đây là yếu tố thể hiện tính có tổ chức của việc gây thiệt hại.

Hai là, phải có sự thống nhất về hành vi của nhiều người gây thiệt hại. Tức là phải tồn tại hành vi gây thiệt hại của nhiều người. Mỗi người có thể thực hiện một hoặc một vài hành vi theo sự bàn bạc trước đó, nhưng phải có đầy đủ hành vi của nhiều người (từ 2 người trở lên) thì thiệt hại mới có thể xảy ra. Nếu chỉ cần hành vi của một người đã có thể gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường sẽ là trách nhiệm bồi thường độc lập chứ không phải trách nhiệm bồi thường liên đới.

Ba là, tất cả những người gây thiệt hại đều phải có lỗi. Nghĩa là khi nhiều nguời cùng thực hiện hành vi gây thiệt hại thì tất cả những người đó đều có lỗi trong khi thực hiện hành vi của mình. Tức là bản thân những người thực hiện hành vi gây thiệt hại đều phải có nhận thức khi thực hiện hành vi. Do vậy, nếu nhiều người cùng thực hiện hành vi gây thiệt hại mà trong đó có người không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình thì họ không bị coi là có lỗi và không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Chỉ áp dụng Điều luật trên để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi những người gây thiệt hại đã có sự thống nhất ý chí với nhau về một phương diện nào đó. Hay nói cách khác, chỉ được coi là “cùng gây thiệt hại” khi giữa họ đã có sự bàn bạc với nhau trước khi gây thiệt hại hay sự tiếp nhận ý chí của nhau khi một hành vi gây thiệt hại nào đó đã được thực hiện. Vì vậy, chỉ áp dụng Điều luật trên để giải quyết việc bồi thường trong những trường hợp sau :

Những người gây thiệt hại cùng thống nhất ý chí với nhau về hành vi gây thiệt hại dù họ không thống nhất và cũng không mong muốn cho hậu quả xảy ra.

Những người gây thiệt hại cùng thống nhất ý chí với nhau cả về việc thực hiện hành vi trái pháp luật, cả về hậu quả xảy ra.

Những người gây thiệt hại dù không thống nhất, bàn bạc để cùng thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng hành vỉ của họ có sự kế tiếp nhau trong quá trình gây thiệt hại.

Trong những trường hợp trên, những người gây thiệt hại phải cùng nhau (liên đới) bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị thiệt hại. Tuỳ trường hợp cụ thể, căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi người, Toà án xác định phần phải bồi thường cho từng người tương ứng với mức độ lỗi của họ. Nếu không thể xác định được mức độ lỗi của mỗi người thì buộc họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Điều kiện “cùng gây thiệt hại” là căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường liên đới

Theo quy định tại điều 587, BLDS 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi “nhiều người cùng gây thiệt hại” là trách nhiệm liên đới bồi thường của những người cùng gây ra thiệt hại đối với người bị thiệt hại. Cơ sở để xác định trách nhiệm liên đới bồi thường khi nhiều người gây ra thiệt hại là có hành vi “cùng gây thiệt hại” của những người gây thiệt hại. Xuất phát từ đặc điểm này, tính liên đới trong việc bồi thường được xác định; tuy nhiên khi xác định trách nhiệm bồi thường vẫn cần căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi người để xác định bồi thường thiệt hại cho từng người.

Nếu một người gây thiệt hại cho nhiều người thì có làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra hay không? Theo quy định tại Điều 587 BLDS 2015, điều luật này chỉ sự liệu bồi thường khi nhiều người “ cùng gây ra thiệt hại” chứ không nói tới nhiều người “cùng bị thiệt hại” – do đó chúng ta cần phải hiểu người bị thiệt hại có thể là một hoặc nhiều người nhưng người gây ra thiệt hại bắt buộc phải là nhiều người chứ không thẻ là một người, khi đó mới phát sinh trách hiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người gây ra.

“Cùng gây thiệt hại” được hiểu là hành vi của những người gây thiệt hại đều là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại đã xảy ra, không phụ thuộc vào việc hành vi của từng người là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến thiệt hại. Có thể cùng một dạng hành vi ( hai người cùng trộm cắp tài sản của một người ), có thể các hành vi được mỗi người thực hiện riêng biệt nhưng tạo thành một xâu chuỗi công việc thống nhất gây ra thiệt hại. Tóm lại, “cùng gây ra thiệt hại” được hiểu là tổng hợp hành vi của nhiều người diễn ra dưới dạng khác nhau giữa chúng có mỗi liên kết, tương hỗ và cùng gây ra thiệt hại cho đối tượng bị thiệt hại. Tuy nhiên, điểm chung nhất trong các trường hợp này là họ có cùng ý chí thực hiện các hành vi đó.

Khái niệm “cùng gây thiệt hại” cũng có thể bao hàm cả trường hợp “cùng cố ý” và “cùng vô ý” gây thiệt hại. “Cùng cố ý” vừa thể hiện cả về mặt khách quan và chủ quan. Về khách quan, “cùng cố ý” có nghĩa là các chủ thể gây thiệt hại cùng thực hiện hành vi trái pháp luật như: cùng trộm cắp, cùng cố ý làm hư hỏng tài sản…Hành vi của họ có thể là cùng loại hoặc không, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là điều kiện, tiền đề của nhau hoặc hành vi của người này là hậu quả của hành vi người kia, như hành vi của người tổ chức, xúi giục hay giúp sức và hành vi của người trực tiếp thực hiện hành vi gây ra hậu quả thiệt hại. Về chủ quan, các chủ thể hành vi trái pháp luật đều nhận thức được tính trái pháp luật của hành vi của mình cũng như tính trái pháp luật của hành vi của người khác cùng thực hiện với mình và họ đều thấy trước được hậu quả thiệt hại của hành vi của mình cũng như hành vi của người cùng thực hiện với mình, cùng mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả (thiệt hại) xảy ra.

Xây dựng tình huống về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Đối với trường hợp nhiều người cùng cố ý gây thiệt hại thì họ phải liên đới bồi thường thiệt hại, còn đối với trường hợp cùng vô ý gây thiệt hại thì BLDS chỉ quy định hai trường hợp nhiều người “cùng có lỗi vô ý” gây thiệt hại phải liên đới bồi thường thiệt hại đó là trường hợp liên đới bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ khi chủ sở hữu để người khác chiếm hữu sử sụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ (khoản 4 Điều 601) và trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu súc vật và người thứ ba khi họ cùng có lỗi để súc vật gây thiệt hại cho người khác (khoản 2 Điều 603). Từ những phân tích trên chúng ta có thể khái quát là: trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng có lỗi cố ý gây ra hoặc những trường hợp khác do luật định.

Từ những phân tích trên chúng ta có thể khái quát là: trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng có lỗi cố ý gây ra hoặc những trường hợp khác do luật định. Như vậy, “ cùng gây thiệt hại” là căn cứ để phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng có lỗi cố ý gây ra hoặc những trường hợp khác do luật định.

Tuy nhiên việc xác định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại còn được pháp luật quy định khá mông lung, nhiều điểm còn hạn chế và còn nhiều khoảng trống trong luật. Mong xã hội phát triển thì sẽ hoàn thiện được quy định này rõ ràng hơn.

Giải quyết tình huống

A,B,C,D sẽ phải bồi thường cho ông C về thiệt hại của họ gây ra. Mức bồi thường của từng người sẽ do cơ quan công an xét mức độ lỗi của từng người để đưa ra.

Điều 587, BLDS năm 2015, quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra:“Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”. Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. Khái niệm về “ cùng gây thiệt hại” bao hàm cả hai khái niệm “ cùng cố ý” và ‘cùng vô ý”.

Có thể thấy trong tình huống ở trên, việc gây thiệt hại cho quán của ông E nằm trong ý chí chủ quan của A,B,C,D, họ đã có bàn bạc trước và cùng đi đến thống nhất, họ đã cố ý cùng nhau gây rối và đập phá đồ đạc trong quán nhà ông E gây ra thiệt hại cho quán. Như vậy, điều kiện đầu tiên đã thỏa mãn, tức là “nhiều người cùng gây thiệt hại”. Mặt khác, xét thấy, quyền được bảo vệ tài sản là một trong những quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức. Mọi người đều phải tôn trọng những quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào xâm phạm đến những quyền đó. Ở đây, A, B, C, D đều nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại tới tài sản cho ông E mà vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Như vậy, đã xuất hiện lỗi cố ý trong hành vi gây rối và đập phá tài sản của người khác. Nhận thấy, hành vi của A, B, C, D rõ ràng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả là ông E bị thiệt hại về tài sản với giá trị 3 triệu đồng. Do đó, giữa hành vi của 4 đối tượng trên và hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả với nhau. Từ đó có thể khẳng định: hành vi gây thiệt hại của A, B, C, D là hành vi trái pháp luật và chủ sở hữu hợp pháp của số tài sản bị A, B, C, D đập phá làm hư hỏng là ông E có thể kiện yêu cầu A, B, C, D bồi thường thiệt hại cho mình.

Do A,B,C,D đều trực tiếp đập phá, làm hư hỏng tài sản của ông E là đã có sự thống nhất và cùng ý chí từ trước nên cả A,B,C,D đều phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông E về tài sản có giá trị 3 triệu đồng. Và ông E cũng có thể yêu cầu một trong 4 người này bồi thường toàn bộ phần tài sản bị hư hỏng đó. Trong trường hợp này, nếu xác định được mức độ lỗi của mỗi người thì từng người trong số đó sẽ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi mà mình gây ra. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì A,B,C,D phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Ngoài ra, họ còn phải chịu phạt hành chính về tội Gây rối trật tự công cộng (Điều 245 BLHS). Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản trong các, quán ăn, quán giải khái có đông người. v.v. Trường hợp của 4 người A,B,C,D là đập phá các tài sản tại quán ăn đông người. Họ sẽ bị xử phạt hành chính về tội này. Nếu sau này còn vi phạm, thì họ có thể sẽ bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm (tùy mức độ vi phạm). Hoặc có thể bị phạt tù từ hai đến bảy năm (khi có thêm các tình tiết tăng nặng của tội).

Bồi thường thiệt hại do nhiều người gây ra là một trường hợp trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, có ngày càng nhiều các vụ việc phức tạp về bồi thường thiệt hại do rất nhiều người gây ra trong khi các cơ chế cũng như các quy định của pháp luật vẫn chưa thật sự bám sát với yêu cầu của đời sống. Mong rằng trong tương lai, thay vì phải vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, có thể sửa, đổi bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp, đồng thời nên có quy định chung cho cả trường hợp hành vi gây thiệt hại và tài sản gây thiệt hại trong bộ luật dân sự được sửa bổ sung sau này.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Mối quan hệ giữa chủ tịch nước với Tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao theo pháp luật hiện hành. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top