Thực hiện công việc không có ủy quyền

Trong đời sống xã hội của con người luôn tồn tại những mối quan hệ đa dạng. Các mối quan hệ này có thể ở phương diện vật chất hay tinh thần, xuất hiện do đơn phương từ một bên chủ thể của quan hệ hay đa phương – từ nhiều phía chủ thể. Cụ thể trong lĩnh vực dân sự, khi con người không tự mình thực hiện các công việc, giải quyết các vấn đề của bản thân mà cần người khác thay mình hoàn thành sẽ xuất hiện trường hợp ủy quyền. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp mà người nào đó thực hiện công việc thay người khác mà không có sự ủy quyền của người kia, lúc này sẽ phát sinh vấn đề về thực hiện công việc không có ủy quyền. Do vậy pháp luật cần có quy định nhằm điều chỉnh những tình huống như vậy. Vậy cụ thể pháp luật quy định về việc thực hiện công việc không có ủy quyền ra sao? Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Thực hiện công việc không có ủy quyền: phân tích quy định của pháp luật và sưu tầm một vụ việc có tranh chấp về thực hiện công việc không có ủy quyền và đề xuất hướng giải quyết”.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam (tập 2), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009;
  • Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam (tập 2), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
  • TS Ngô Hoàng Oanh (chủ biên), Bình luận Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb Lao động, Hà Nội, 2016
  • Bộ luật dân sự năm 2015

Nội dung

Khái quát chung về nghĩa vụ dân sự

Điều 274 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”. Có thể thấy, trong nghĩa vụ dân sự, các quyền và nghĩa vụ dân sự hợp pháp của các bên, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người thứ 3 đều được pháp luật đảm bảo thực hiện. Việc xác định nghĩa vụ dân sự là thật sự cần thiết để có căn cứ áp dụng các quy phạm pháp luật dân sự hay áp dụng các quy phạm pháp luật khác. Nghĩa vụ là quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể của quan hệ nghĩa vụ rất rộng, bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và nhà nước.Các chủ thể tự xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đến đâu, nghĩa vụ được thực hiện ở mức độ nào còn tùy thuộc vào hành vi pháp lý của các bên trong quan hệ nghĩa vụ. Xét về mặt pháp lý, nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật, hậu quả của quan hệ đó do pháp luật điều chỉnh. Vì vậy nghĩa vụ là mối liên hệ ràng buộc giữa các chủ thể tham gia, hành vi gây thiệt hại, hành vi không thực hiện đúng, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quả mình..được pháp luật điều chỉnh. Nghĩa vụ phải thỏa mãn các yếu tố cấu thành quan hệ : chủ thể, đối tượng và nội dung của quan hệ pháp luật dân sự. Chủ thể mang nghĩa vụ dân sự có nghĩa vụ thực hiện quyền yêu cầu của chủ thể mang quyền, các quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên xác lập quan hệ nghĩa vụ dân sự. Điều 275 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh nghĩa vụ:

“Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ sau đây:

  • Hợp đồng.
  • Hành vi pháp lý đơn phương.
  • Thực hiện công việc không có ủy quyền.
  • Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
  • Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
  • Căn cứ khác do pháp luật quy định”

Như vậy, thực hiện công việc không có ủy quyền là một trong những căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự. Trong đó, đối tượng của nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền là công việc phải thực hiện. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những công việc trên phải là công việc có thể thực hiện được đồng thời không bị pháp luật cấm và không trái đạo đức xã hội.

Thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định của pháp luật

Thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định của PL
Thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định của PL

Thực hiện công việc không có ủy quyền

Khái niệm

Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người tự ý thực hiện công việc của người khác, vì lợi ích của người khác mà không dựa trên cơ sở hợp đồng thực hiện công việc đó. Thông thường, một người không có quyền can thiệp vào công việc của người khác, không có quyền làm điều đó theo ý chí chủ quan của mình mà không được người có công việc chấp nhận. Tuy nhiên, trên thực tế nếu việc thực hiện công việc đó hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc, nhằm mang lại lợi ích cho người có công việc thì cần được pháp luật thừa nhận. Do đó Điều 574 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó, hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối”.

Điều kiện để xác định công việc không có ủy quyền

Một công việc được xác định là công việc không có uỷ quyền phải đủ các yêu tố sau:

Thứ nhất, người thực hiện công việc không có ủy quyền là người hoàn toàn không có nghĩa vụ phải thực hiện công việc đó nhưng đã thực hiện công việc đó. Nghĩa vụ ở đây là nghĩa vụ pháp lý do luật định hoặc do các bên thỏa thuận.

Thứ hai, việc thực hiện công việc đó phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc, nếu người thực hiện công việc vì lợi ích của mình hoặc của người khác thì không áp dụng chế định này.

Thứ ba, người có công việc được thực hiện không biết hoặc biết mà không phản đối việc thực hiện đó. Nếu người có công việc phản đối mà bên kia vẫn tiếp tục thực hiện thì  không thuộc chế độ này. Tuy nhiên, ý nguyện của người thực hiện công việc không được trái pháp luật và trái đạo đức xã hội. Ví dụ: ngăn cản người khác tự tử được coi là công việc không có ủy quyền mặc dù việc thực hiện đó bị người tự tử phản đối.


Những quy định của pháp luật về thực hiên công việc không có ủy quyền

Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền

Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền:

Điều 575 BLDS 2015 đã quy định về nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền như sau:

Thực hiện công việc không có ủy quyền phù hợp với điều kiện, khả năng của mình. Vì việc thực hiện công việc ở đây hoàn toàn không có sự ủy quyền cũng như bất kì thỏa thuận nào cho nên để đảm bảo lợi ích của người có công việc thì người thực hiện công việc chỉ có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với điều kiện, khả năng của mình.

Thực hiện công việc như công việc của chính mình. Thực hiện công việc theo ý định của người có công việc nếu biết hoặc đoán biết được ý định đó. Nếu không biết được ý định đó thì phải cân nhắc đến tính chất công việc để thực hiện sao cho có lợi nhất cho người có công việc. Nếu vi phạm nguyên tắc này người thực hiện công việc phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

Thông báo cho người có công việc được thực hiện biết quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu người đó yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú của người đó. Người thực hiện công việc ngoài việc thông báo cho người có công việc thì phải thông báo cho cả người thừa kế, người đại diện của người có công việc trong suốt quá trình thực hiện công việc.

Người đã thực hiện công việc không ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc chi đến khi có công việc có thể tự mình thực hiện công việc. Nếu người có công việc chết trước khi tiếp nhận công việc thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế, người đại diện của người có công việc tiếp nhận công việc.

Khi có lí do chính đáng không thể tiếp tục thực hiện công việc tì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo   ngay cho người có công việc, người đại diện, thân thích cuả họ. Nghĩa vụ thực hiện công việc sẽ chấm dứt sau khi thông báo dù những người được báo có tiếp nhận công việc hay không  trừ khi lí do không thể tiếp nhận công việc là chính đáng. Người đã thực hiện công việc không có ủy quyền có thể người khác thay mình thực hiện công việc. Khi đó nghĩa vụ của họ chấm dứt. Người được nhờ sẽ trở thành người thực hiện công việc không có ủy quyền.

Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại:

Điều 577 BLDS đã quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người thực hiện công việc không có ủy quyền như sau:

Khi người thực hiện công việc không có ủy quyền cố ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện. Quy định này xuất phát từ nghĩa vụ được quy định tại điều 575 BLDS 2015, người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc một cách khách quan, trung thực, thực hiện công việc như thực hiện công việc của chính mình. Vì vậy, người thực hiện công việc không có ủy quyền không được thực hiện công việc theo cách thức mà người đó biết trước, đoán biết trước rằng làm như vậy sẽ gây thiệt hại cho người có công việc. Nếu biết mà vẫn có tình thực hiện, người thực hiện công việc không có ủy quyền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra, phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện.

Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, tùy thuộc vào hoàn cảnh đảm nhận công việc. mức độ hoàn thành công việc, mức độ thiệt hại, mối quan hệ xã hội giữa hai bên.

Nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện

Theo Ðiều 576 BLDS năm 2015 thì:

Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.

Việc người khác thực hiện công việc của mình không xuất phát từ ý chí – mong muốn chủ quan thường sẽ tạo ra kết quả không như mong đợi của bản thân. Tuy nhiên pháp luật dựa trên sự công bằng và xuất phát từ lợi ích của người có công việc nên ghi nhận nghĩa vụ của bên có công việc là phải tiếp nhận kết quả thực hiện công việc.

Phải thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc

Chi phí mà người thực hiện công việc bỏ ra là những khoản kinh phí thực tế phải thanh toán, tất toán cho người khác khi hoàn thiện các công việc cụ thể. Pháp luật ghi nhận chi phí ở đâu phải là chi phí hợp lí. Sự hợp lí này được hiểu rằng giá trị lợi ích có thể hao tổn, mất mát nếu không được khắc phục bằng công việc mà người thực hiện công việc đã làm sẽ lớn hơn những chi phí đã bỏ ra. Thêm nữa những khoản chi phí cần chi trả phải phù hợp với điều kiện kinh tế của người có công việc được thực hiện.

Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.

Thù lao là một khoản lợi mà một bên đã bỏ ra công sức để thực hiện cần được hưởng. Với quan hệ này, người đã thực hiện công việc có quyền được hưởng thù lao khi họ đã hoàn thành chu đáo công việc. Trừ trường hợp người này từ chối nhận. Đây là quy định phù hợp nhưng chưa triệt để vì không có căn cứ xác định rõ ràng cho việc tính thù lao.

Thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định của PL
Thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định của PL

Một vụ việc có tranh chấp về thực hiện công việc không có ủy quyền và đề xuất hướng giải quyết

Nội dung vụ việc có tranh chấp

Ngày 20/2/2007, bà Nguyễn Thị L có gặp và nhờ bà Trần Thị H (hàng xóm) trông nhà giúp để bà về quê chăm sóc mẹ ốm. Đến cuối tháng 3/2007, bà H vẫn thực hiện việc trông coi nhà giúp cho bà L nhưng phát hiện thấy vườn cam của nhà bà L đã chín, mọng nước, bà H tìm cách liên lạc với bà L nhưng không được. Không dự đoán được thời gian nào bà L sẽ về, tiện có thương lái đến mua bà H quyết định thuê thêm nhân công, xe vận chuyển để thu hoạch và bán cam giúp bà L. Ngày 20/5/2007 bà L về, gặp bà H để xin lại nhà và cảm ơn bà H đã giúp đỡ trong quá trình đi chăm sóc mẹ của mình. Bà H trả lại nhà đồng thời có đưa lại cho bà L số tiền 30 triệu đồng và nói rằng tiền do thu hoạch và bán cam giúp bà L. Cụ thể, tiền bán cam được 50 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí thuê nhân công cắt cam, thu hoạch, xe vận chuyển đi bán, phần còn dư là 30 triệu đồng. Bà L không đồng ý việc bà H thu hoạch và bán hộ số cam trong vườn của bà vì cho rằng chỉ nhờ bà H trông nhà giúp, khi không có sự đồng ý của bà, bà H không được động đến vườn cam. Đồng thời bà nhận thấy rằng, lượng cam trong vườn của bà năm nay có thể thu hoạch và bán được nhiều hơn những năm trước, trong khi đó bà H chỉ đưa lại cho bà có 30 triệu – số tiền thậm chí ít hơn những vụ thu hoạch trước. Ngày 22/5/2007, bà L yêu cầu bà H trả bà toàn bộ số tiền 50 triệu đồng như bà H nói đã thu được từ việc bán cam, đồng thời buộc bà H phải chịu chi phí thuê nhân công, xe vận chuyển vì cho rằng bà H đã tự ý thu hoạch vườn cam nhà mình khi chưa được sự đồng ý của mình. Bà H không chấp nhận vì cho rằng, mình đã làm giúp bà L khi một mặt không liên lạc được với bà L, mặt khác vườn cam đã chín đến vụ thu hoạch nếu không cắt sớm cam sẽ hỏng hoặc già quá bán sẽ mất giá. Hai bên xảy ra tranh chấp.

Đề xuất hướng giải quyết

Mâu thuẫn phát sinh từ việc bà H đã thực hiện công việc không có uỷ quyền vì lợi ích của bà L là thu hoạch và bán giúp bà L số quả chín. Việc hoà giải giữa bà H và bà L cần được dựa trên các quy định từ Điều 574 đến Điều 576 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Nghĩa vụ của bà H trong việc thực hiện công việc không có uỷ quyền:

Việc bán quả tuy không được bà L nhờ nhưng bà H đã tự nguyện làm vì lo bà L bị mất thu nhập từ số quả đó. Theo Điều 574 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà H đã thực hiện công việc không có uỷ quyền. Đó là, việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó, hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.

Trong trường hợp này, bà H đã thực hiện công việc giúp bà L như công việc của chính mình. Bà H cũng đã làm đúng như ý định của bà L vì nếu bà L có mặt ở nhà, bà L cũng thu hoạch và bán số quả đó.

Như vậy, việc làm của bà H trong trường hợp này là phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 575 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đó là, người thực hiện công việc không có uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình; người thực hiện công việc không có uỷ quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.

Về nghĩa vụ thanh toán của bà L là người có công việc được thực hiện:

Điều 576 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.

Trong trường hợp này dù số tiền bà H bán quả không được nhiều như bà L mong muốn nhưng nếu bà H không thu hoạch và bán giúp số quả đó thì số quả đã bị hư hỏng và không thể bán được.

Do vậy, để giữ sự đoàn kết giữa hai gia đình, bà L nên nhận số tiền mà bà H bàn giao lại và cảm ơn bà L về những việc chị đã làm giúp mình.

Qua phân tích trên có thể cho ta có cái nhìn tổng quan hơn về việc thực hiện công việc không có ủy quyền để từ đó người thực hiện công việc ủy quyền sẽ có những hành động phù hợp khi thực hiện công việc không có ủy quyền, và người có công việc được thực hiện cũng biết được nghĩa vụ của mình đối với người đã thực hiện công việc.


Trên đây là toàn bộ vấn đề giải đáp thắc mắc của mình về vấn đề: Phân tích đối tượng tham gia đóng bảo hiểm y tế. Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 để được hỗ trợ chi tiết.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top