Quan hệ dân sự diễn ra ngày càng phong phú và đa dạng, việc một chủ thể có thực hiện được quyền và lợi ích của mình hay không nhiều khi phụ thuộc vào những người xung quanh. Do đó, trong trường hợp một người vắng mặt tại nơi cư trú có khả năng gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, pháp luật cho phép người thân thích và người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu thông báo tìm kiếm.Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề “Thủ tục giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và thực tiễn áp dụng”
Danh mục tài liệu tham khảo
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Trần Anh Tuấn chủ biên.
- Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Thực hiện từ 01/07/2016), Bùi Thị Huyền chủ biên.
- Giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội, nxb.CAND, Hà Nội – 2017.
Nội dung
Thủ tục giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú
Người có quyền yêu cầu
Khoản 1 Điều 381 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định, những người có quyền, lợi ích liên quan đến người vắng mặt có quyền yêu cầu tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú khi người đó biệt tích 6 tháng liền trở lên:
“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú khi người đó biệt tích 06 tháng liền trở lên, đồng thời có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt đó theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Giống như chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông báo tim kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú cũng là người có quyền, lợi ích liên quan. Những người này có thể là người thân thích của người vắng mặt tại nơi cứ trú hoặc có liên quan theo các quan hệ về dân sự, lao động, hành chính. Điều luật sử dụng cụm từ “Người có quyền, lợi ích liên quan” nhưng cần hiểu người có quyền, lợi ích liên quan là chủ thể của quan hệ pháp luật, bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vì vậy, cơ quan, tổ chức có liên quan theo các quan hệ về dân sự, lao động, hành chính với người cần tìm kiếm có quyền yêu cầu tuyên bố một người vắng mặt tại nơi cư trú.
Cùng với yêu cầu tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, người yêu cầu có thể có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt đó theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Cũng cần phải lưu ý về thời điểm phát sinh quyền yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú là khi người cần tìm kiếm biệt tích từ 6 tháng liền trở lên. Điều luật sử dụng cụm từ “từ 6 tháng liền” nên người cần tìm kiếm biệt tích từ 6 tháng trở lên nhưng không liên lục thì chưa phát sinh quyền yêu cầu thông báo tìm kiếm người đó vắng mặt tại nơi cư trú.
Chứng cứ chứng minh người đó biệt tích trong 6 tháng liền trở lên là xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quả lý hộ tịch nơi người đó cư trú về sự biệt tích trong 6 tháng liền trở lên của người cần tìm kiếm. Cách tính thời hạn 6 tháng theo quy định của BLDS 2015 được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Xác định thẩm quyền của Tòa án
Thẩm quyền theo loại việc
Thẩm quyền theo loại việc trong trường hợp này của Tòa án được xác định theo Điều 27 BLTTDS năm 2015:
“Điều 27. Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó
Theo đó, tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.
Thẩm quyền theo cấp
Thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo cấp được xác định theo Điều 35 và Điều 37 BLTTDS năm 2015.
Theo đó, việc giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện , trừ trường hợp những vụ việc có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Những trường hợp này thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Thẩm quyền theo lãnh thổ
Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ trong việc giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú được xác định theo thứ tự như sau:
Theo sự lựa chọn của người yêu cầu: tòa án nơi người yêu cầu cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi có tài sản của người bị yêu cầu giải quyết; (điểm a khoản 2 Điều 40)
Theo khoản 2 Điều 39 BLTTDS: Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú có nơi cư trú cuối cùng.
Thủ tục giải quyết
Theo Điều 362, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì, người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính quy định tài khoản 2 Điều này. Ngoài ra còn kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu. Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu sửa đổi bổ sung đầy đủ thì Thẩm phán tiến hành thủ tục thụ lý việc dân sự. Hết thời hạn mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ. ( Điều 362 BLTTDS).
Về việc xem xét đơn yêu cầu, nếu đơn yêu cầu sẽ bị trả nếu rơi vào các trường hợp tại khoản 1, Điều 364 BLTTDS. Nếu như đáp ứng đủ điểu kiện thụ lý đơn thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu. (Khoản 1, Điều 365, BLTTDS). Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án ra quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, nếu người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu. (Điều 382)
Trong 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu sẽ ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp. (Điều 366, BLTTDS). Trên cơ sở xem xét đơn yêu cầu và các chứng cứ, tài liệu mà đương sự cung cấp và được xem xét tại phiên họp xét đơn yêu cầu giải quyết đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự cùng việc xem xét lời trình bày của đương sự, của người làm chứng, ý kiến của kiểm sát viên về việc giải quyết việc dân sự. Thẩm phán quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự, trường hợp chấp nhận thì ra quyết định chấp nhận đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và ra thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.
Trường hợp xác định được yêu cầu áp dụng biện pháp quản lý tài sản là có căn cứ thì chấp nhận yêu cầu này và thể hiện cụ thể nội dung về quyết địn biện pháp quản lý tài sản trong quyết định chấp nhận đơn yêu cầu mà không cần ra một quyết định độc lập, đồng thời giao việc quản lý tài sản hoặc chỉ định người quản lý tài sản theo quy định của BLDS năm 2015, quyền và nghĩa vụ của người quản lý tài sản.
Thực tiễn thực hiện quy định của pháp luật về việc giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú
Những thành tựu đạt được
Thứ nhất, chế định giải quyết việc dân sự góp phần giảm tải cho Tòa án trong công tác xét xử các vụ việc dân sự. Việc giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú tạo điều kiện để giải quyết các vụ việc dân sự liên quan như thủ tục ly hôn, tuyên bố mất tích, thừa kế, xác định nghĩa vụ,…
Thứ hai, chế định giải quyết việc dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường. Việc thực hiện các án phí cũng phù hợp để giải quyết các vụ việc dân sự, đặc biệt là về thủ tục giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.
Thứ ba, với thời hạn 04 tháng kể từ lần thông báo lần đầu tiên, nếu người được yêu cầu tìm kiếm vắng mặt vẫn không có mặt, thì Tòa án có quyền tiến hành giải quyết yêu cầu của người yêu cầu tìm kiếm theo thủ tục giải quyết vắng mặt. Điều này tạo điều kiện để bên yêu cầu có thể thực hiện được quyền của mình, cũng như với thời hạn 04 tháng là hợp lý, đủ để bên được tìm kiếm có thể đến và giải quyết vụ việc tại tòa.
Thứ tư, với các trình tự, thủ tục đơn giản nhanh chóng chế định giải quyết việc dân sự góp phần nâng cao hiệu suất công tác xét xử của Tòa án, kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và Thẩm phán để có thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được giao, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm, buộc họ phải thân trọng, cân nhắc khi thụ lý giải quyết việc dân sự mà vẫn bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Một số hạn chế còn tồn tại
Thứ nhất, về quyền yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt của cơ quan, tổ chức có quyền, lợi ích liên quan.
Khác với quy định về quyền yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS hoặc bị hạn chế NLHVDS hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vì thì BLTTDS 2015 không quy định quyền yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt của các cơ quan, tổ chức có quyền, lợi ích liên quan. Vậy cơ quan, tổ chức có liên quan có được xác định là chủ thể có quyền yêu cầu không?
Thứ hai, về vấn đề quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú
Người yêu cầu có quyền chỉ yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc có quyền yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú. Việc chỉ có một yêu cầu hoặc có đồng thời cả hai yêu cầu hoàn toàn thuộc quyền tự định đoạt của người yêu cầu. Song, vấn đề đặt ra là đối với yêu cầu áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt cũng cần lưu ý là có phải bất kỳ người có quyền, nghĩa vụ liên quan nào cũng đều có quyền yêu cầu hay không và phạm vi yêu cầu này như thế nào? Và họ có quyền yêu cầu quản lý toàn bộ tài sản của người vắng mặt hay chỉ một phần?
Bên cạnh đó, đề người có quyền và lợi ích liên quan yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt. Khoản 2 Điều 381 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định khi có yêu cầu như vậy thì người yêu cầu “ phải cung cấp tài liệu, chứng cứ về tình hình tài sản của người đó, việc quản lý tài sản hiện có”. Quy định này thực sự là một bất cập vì tài sản của của người vắng mặt là những gì thì chỉ có họ biết. Bản thân người có quyền và lợi ích liên quan không thể nắm rõ được điều này và đặc biệt là giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu tài sản ( ví dụ : quyền sử dụng đất,…) thì rất khó để cung cấp cho Tòa án.
Thứ ba, về vấn đề ra thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú
Sau khi ra quyết định giải quyết việc dân sự chấp nhận yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tài nơi cư trú, TA phải tiến hành việc thông báo tìm kiếm người văng mặt tại nơi cư trú trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo phải bảo đảm đầy đủ các nội dụng được luật quy định. Tuy nhiên Điều 384 không có quy định chậm nhất trong phạm vi bao nhiêu ngày kể từ ngày ra quyết định, TA phải ra thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú nhưng việc thông báo cần được tiến hành ngay sau khi có quyết định.
Thứ tư, một trong những thủ tục bắt buộc khi thụ lý, giải quyết Đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú là Tòa án phải thực hiện công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo các quy định tại Điều 383, Điều 384, Điều 385, Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Khoản 1 Điều 385 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú như sau: “ Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thông báo này phải được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của Trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp”.
Nếu đọc Báo công lý ở trang thông báo, nhắn tin chúng ta sẽ thấy rất nhiều thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích… của rất nhiều Tòa án trong cả nước được đăng trên báo này. Trong khi đó, Báo công lý (Cơ quan của Tòa án nhân dân Tối cao) phát hành số ra thứ tư và thứ sáu hàng tuần, không phải báo hàng ngày. Như vậy những Tòa án đăng thông báo như trên ở báo Công lý vô hình chung đã thực hiện không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 328 Bộ luật tố tụng dân sự. Quá trình giải quyết các việc dân sự năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân quận Ngũ Hành Sơn phát hiện Tòa án cùng cấp đăng thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trên Báo công lý, đơn vị đã ban hành kiến nghị yêu cầu sửa chữa, khắc phục được Tòa án chấp nhận và có văn bản rút kinh nghiệm. Đến nay việc công bố các thông báo như trên được Tòa án đăng trên báo hàng ngày của trung ương (cụ thể là báo Nhân dân) theo đúng quy định
Thứ năm, về chi phí thực hiện thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.
Theo Điều 385 BLTTDS năm 2015, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp. Với việc thực hiện thủ tục này sẽ phải tốn nhiều chi phí cho 01 lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với văn bản tố tụng. Đồng thời, nghĩa vụ chịu chi phí đăng, thông báo tìm kiếm người vắng mặt do người yêu cầu chịu.
Việc quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú là cần thiết để tòa án có cơ sở giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc giải quyết việc ly hôn, chia thừa kế, quản lý tài sản. Tuy nhiên vướng mắc phát sinh từ quy định này là ở chỗ chi phí để thực hiện cho việc đăng, thông báo tìm kiếm không phải là nhỏ đặc biệt là với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Một số giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại và nâng cao hiệu quả của hoạt động giải quyết yêu cầu tuyên bố người vắng mặt tại nơi cư trú
Thứ nhất, Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề các cơ quan, tổ chức có liên quan có quyền yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Bởi người có quyền, lợi ích liên quan là chủ thể pháp luật bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vì vậy, cơ quan tổ cức có liên quan theo các quan hệ dân sự, hành chính, lao động với người vắng mặt cũng cần có quyền yêu cầu.
Thứ hai, cần quy định rõ phạm vi quyền yêu cầu quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú. Bởi pháp luật cho phép người yêu cầu thông báo tìm kiếm người vằng mặt tại nơi cứ trú có quyền yêu cầu Tòa án quản lý tài sản của người đó nhưng không quy định phạm vi yêu vầu này đến đâu, toàn bộ hay một phần. Theo quan điểm của nhóm thì nên quy định người thân thích sẽ có quyền yêu cầu quản lý toàn bộ tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú, còn người có quyền và lợi ích liên quan chỉ có quyền yêu cầu trong phạm vi nhất định.
Thứ ba, nên có những chế độ, chính sách để hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn như trợ giúp pháp lý miễn phí, miễn giảm tiền án phí dân sự. Những quy định trên sẽ góp phần tạo nên sự bình đẳng cho các chủ thể tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Việc BLTTDS năm 2015 quy định cho người thân thích, người có quyền, lợi ích liên quan được phép yêu cầu tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đã góp phần tạo ra hành lang pháp ký vững chắc để các đương sự bảo vệ quyển, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên trên thực tế áp dụng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, việc sớm khắc phục những bất cập này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả quy định, tạo cơ sở cho tòa án giải quyết những vụ việc liên quan.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.