Nghĩa vụ dân sự được xác lập và thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định, trong các quan hệ nghĩa vụ được hình thành trên cơ sở thỏa thuận, yêu cầu đầu tiên là chủ thể tham gia phải tự giác thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, trên thực tế không phải chủ thể nào khi tham gia giao dịch dân sự đều có thiện chí hoặc có đủ điều kiện để có thể thực hiện được đầy đủ các nghĩa vụ của mình, điều đó có thể do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan chi phối.
Do vậy, để bảo đảm cho việc thực hiện đúng các nghĩa vụ đã thỏa thuận, tránh các thiệt hại do sự vi phạm của người có nghĩa vụ gây ra, tạo cho người có quyền trong các quan hệ nghĩa vụ có được thế chủ động trên thực tế để hưởng quyền dân sự, pháp luật cho pháp các bên tham gia giao dịch được thỏa thuận các biện pháp bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng cũng như việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự.
Pháp luật Việt Nam hiện hành có nhiều biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp, bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản. Mỗi biện pháp bảo đảm mang một đặc điểm riêng biệt, tùy thuộc vào nội dung và tính chất của từng quan hệ nghĩa vụ cụ thể cũng như phụ thuộc vào điều kiện của các chủ thể tham gia quan hệ ấy mà các bên lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho thích hợp.
Bảo lãnh cũng là một trong các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự được quy định trong hệ thống pháp luật nước ta. Sau đây, em xin chọn phân tích “Đề bài 03: Đánh giá quy định của pháp luật về bảo lãnh”.
Nội dung
Lý luận chung về biện pháp bảo lãnh
Khái niệm bảo lãnh
Bảo lãnh được pháp luật quy định là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Ở nước ta, quy định về bảo lãnh đã được hình thành từ rất sớm, ở triều đại nhà Lê khi ban hành Bộ Quốc triều hình luật, tuy chưa có điều luật riêng quy định về bảo lãnh như nhà nước phong kiến đương thời đã đưa vào Bộ luật này các quy phạm pháp luật xe kẽ với các chế tài hình sự để điều chỉnh các quan hệ dân sự.
Đến thời thực dân Pháp đô hộ, pháp luật dân sự nước ra đã có một bước tiến rõ rệt, thời kỳ này đã có những bộ luật riêng như Bộ dân luật Bắc kỳ, Bộ Hoàng việt Trung kỳ, trong hai bộ luật này đều có quy định riêng về bảo lãnh.
Theo pháp luật hiện hành, Bộ luật Dân sự 2015 đã nêu khái niệm bảo lãnh như sau: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
Như vậy, có thể nói rằng khái niệm bảo lãnh ở nước ra đã được hình thành từ rất sớm, ở mỗi thời kỳ khác nhau do chế độ kinh tế chi phối mà khái niệm và các quy định về bảo lãnh được quy định và áp dụng ở mức độ khác nhau, nhưng có một điểm chung là trong mọi thời kỳ, quan hệ bảo lãnh luôn có sự xuất hiện của người thứ ba.
Đặc điểm
Giống như các biện pháp bảo đảm khác, bảo lãnh cũng có những đặc điểm chung của một biện pháp bảo đảm nhưng cũng có những đặc điểm riêng khác với các biện pháp bảo đảm khác.
– Biện pháp bảo lãnh được phát sinh trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Trên thực tế thì vấn đề bảo lãnh được nhắc đến nhiều trong bảo lãnh ngân hàng.
– Hợp đồng bảo lãnh có thể được xem là hợp đồng phụ với mục đích để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho hợp đồng chính, thông thường thì hợp đồng phụ này sẽ được lập sau hợp đồng chính. VD: A vay tiền ngân hàng 10 tỷ đồng, tuy nhiên A không có tài sản thế chấp, B bảo lãnh cho A vay số tiền 10 tỷ đồng đó, nếu A không trả được nợ thì B sẽ trả nợ cho ngân hàng thay cho A.
– Bảo lãnh chỉ là biện pháp dự phòng nếu như hai bên ký kết hợp đồng hoặc thực hiện giao dịch dân sự không thực hiện đúng nghĩa vụ, quyền trong hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận.
– Phạm vi bảo lãnh cũng giống như các biện pháp cầm cố, thế chấp,… là bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ.
Bảo lãnh còn có các đặc điểm riêng như sau:
– Bảo lãnh là biện pháp mang tính chất đối nhân: Trong hệ thống các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đang được pháp luật ghi nhận, chỉ có biện pháp bảo lãnh và biện pháp tín chấp là mang tính chất đối nhân. Tuy nhiên, biện pháp tín chấp mang tính chất đặc biệt bởi nó mang tính chất tương trợ xã hội đối với các cá nhân, hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.
– Bên bảo đảm trong bảo lãnh bao giờ cũng là người thứ ba: Trong các biện pháp bảo đảm khác, bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thường chính là người có nghĩa vụ hay còn nói, bên có nghĩa vụ bảo đảm về việc thực hiện nghĩa vụ của chính mình đối với bên có quyền.
Đối với biện pháp bảo lãnh, đây là trường hợp bên có nghĩa vụ không đủ điều kiện để bảo đảm sự thực hiện nghĩa vụ của mình, đặt ra sự xuất hiện của người thứ ba trong quan hệ giao dịch bảo đảm. Chính vì vậy, trong bảo lãnh, người bảo đảm bao giờ cũng là người thứ ba. Người thứ ba dùng tài sản của mình hoặc cam kết thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ chính nếu bên có nghĩa vụ có hành vi vi phạm hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh).
– Nghĩa vụ giữa những người cùng bảo lãnh với bên nhận bỏa lãnh và nghĩa vụ liên đới, trừ khi có thỏa thuận khác: Quy định chung về nghĩa vụ đã ghi nhận nguyên tắc, nghĩa vụ chỉ mang tính chất liên đới khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Những nội dung cơ bản của pháp luật về bảo lãnh
Chủ thể của biện pháp bảo lãnh
Chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự là người trực tiếp tham gia xác lập, thực hiện quan hệ đó. Với góc độ là một quan hệ pháp luật dân sự, chủ thể của quan hệ bảo lãnh cũng được xác định theo tiêu chí này.
Quan hệ bảo lãnh luôn có sự xuất hiện của bên thứ ba, điều đó có nghĩa là chủ thể tham gia quan hệ bảo lãnh luôn có ba bên, đó là bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh. Bản chất của quan hệ bảo lãnh là mối quan hệ ba bên giữa người có quyền, người có nghĩa vụ và người thứ ba, vì vậy, chủ thể của các bên không chỉ là các bên trong mối quan hệ nghĩa vụ chính. Thông qua việc cam kết của người thứ ba trên cơ sở sự đồng ý của người có quyền sẽ hình thành nên quan hệ bảo lãnh.
– Bên được bảo lãnh: Là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng biện pháp bảo lãnh. Họ có thể biết hoặc không biết về việc xác lập quan hệ bảo lãnh để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng đều phải hoàn trả cho bên bảo lãnh các lợi ích mà bên đó đã thay mình thực hiện.
– Bên bảo lãnh: Là bên cam kết trước bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ đó nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ.
– Bên nhận bảo lãnh: Là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp bảo lãnh.
Đối tượng và phạm vi bảo lãnh
Đối tượng của bảo lãnh
Đối tượng của bảo lãnh là các cam kết của người bảo lãnh với người nhận bảo lãnh. Tuy nhiên để thực hiện được cam kết đó thì người bảo lãnh phải có tài sản hoặc công việc phù hợp để đáp lại lợi ích bên nhận bảo lãnh trong trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ.
Thông thường, lợi ích mà các bên chủ thể trong một quan hệ nghĩa vụ hướng tới là lợi ích vật chất, chỉ thông qua một lợi ích vật chất mới có thể bảo đảm được một lợi ích vật chất. Vì vậy, người bảo lãnh phải bằng một tài sản hoặc bằng việc thực hiện một công việc thay cho người được bảo lãnh mới đảm bảo được quyền lợi cho người nhận bảo lãnh.
Nếu đối tượng của nghĩa vụ chính là việc thực hiện một công việc mà chỉ thông qua việc thực hiện công việc đó, quyền lợi của bên có quyền mới được thỏa mãn thì người nhận bảo lãnh phải thực hiện một công việc. Trong trường hợp này, người bảo lãnh phải là người có khả năng thực hiện công việc đó.
Nếu đối tượng của nghĩa vụ chính là một khoản tiền hoặc một tài sản có giá trị thì người bảo lãnh phải lấy tài sản thuộc sở hữu của mình giao cho người nhận bảo lãnh xử lý.
Phạm vi bảo lãnh
Phạm vi bảo lãnh có thể được xác định theo thỏa thuận giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh, theo đó, phạm vi bảo lãnh có thể là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ được bảo lãnh (Điều 336 BLDS 2015). Toàn bộ nghĩa vụ có thể là nghĩa vụ gốc và cũng có thể nghĩa vụ gốc và các nghĩa vụ phát sinh trong thời hạn thực hiện nghĩa vụ như tiền lãi, thiệt hại phải bồi thường.
Một phần nghĩa vụ là đối tượng của nghĩa vụ chia thành nhiều phần hoặc đối tượng nghĩa vụ là công việc nhưng công việc có thể chia thành nhiều phần để thực hiện, thì các bên có thể thỏa thuận sẽ bảo lãnh một phần của nghĩa vụ chính.
Trường hợp các bên không thỏa thuận về phạm vi bảo lãnh, phạm vi bảo lãnh là toàn bộ nghĩa vụ được bảo lãnh. Khi bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ thì bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, lãi trên số tiền chậm trả, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại.
Nếu nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm các nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.
Như vậy, phạm vi bảo lãnh gồm bao nhiêu phần so với tổng giá trị của nghĩa vụ chính tùy thuộc vào sự cam kết, xác định của người bảo lãnh.
Nội dung
Bên bảo lãnh phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc không tự mình thực hiện một công việc để chịu trách nhiệm thay cho người được bảo lãnh nếu người này không thực hiện nghĩa vụ hoặc gây thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh.
Khi bên bảo lãnh thực hiện xong những cam kết trước bên nhận bảo lãnh, thì quan hệ nghĩa vụ chính cũng như việc bảo lãnh được coi là chấm dứt. Khi đó, bên bảo lãnh có quyền yêu cầu người được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi đã bảo lãnh; bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu có thỏa thuận giữa họ với người được bảo lãnh hoặc pháp luật có quy định.
Trong trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ mà giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh không có thỏa thuận khác thì nghĩa vụ của những người bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh được xác định theo nghĩa vụ liên đới thực hiện việc bảo lãnh.
Vì vậy, người nhận bảo lãnh có thể yêu cầu bất cứ người nào trong số những người cũng bảo lãnh phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ khi đến thời hạn thực hiện mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng. Khi một trong số những người bảo lãnh liên đới để thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh, thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện cho mình phần nghĩa vụ trong phạm vi mà họ đã bảo lãnh.
Nếu người bảo lãnh được người nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ, thì người được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đó đối với người có quyền. Trong trường người nhận bảo lãnh chỉ miễn cho một người trong số những người bảo lãnh liên đới việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của người đó khi những người bảo lãnh khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi mà họ bảo lãnh.
Nếu nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ nhưng họ đã thỏa thuận và cam kết trước người có quyền về việc mỗi người chỉ bảo lãnh một phần nghĩa vụ độc lập hoặc pháp luật có quy định từng phần nghĩa vụ độc lập, thì mỗi người bảo lãnh chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ trong phạm vi mà mình đã cam kết bảo lãnh.
Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (Điều 341 BLDS 2015).
Chấm dứt bảo lãnh
Căn cứ chấm dứt biện pháp bảo lãnh cũng giống như căn cứ chấm dứt một hợp đồng dân sự bình thường. Các trường hợp chấm dứt bảo lãnh được quy định tại Điều 343 BLDS 2015.
Bảo lãnh là biện pháp dự phòng bảo đảm cho nghĩa vụ chính. Nếu nghĩa vụ chính thực hiện xong hoặc các bên trong nghĩa vụ chính thỏa thuận chấm dứt nghĩa vụ hoặc do các căn cứ khác mà nghĩa vụ chính chấm dứt thì biện pháp bảo lãnh cũng chấm dứt. Biện pháp bảo lãnh phải thực hiện khi nghĩa vụ chính bị vi phạm, cho nên nghĩa vụ chính không còn tồn tại thì bảo lãnh chấm dứt.
Khi các bên lựa chọn biện pháp bảo đảm là bảo lãnh, thì phải giao kết một hợp đồng bảo lãnh vì thế hợp đồng bảo lãnh chấm dứt dựa tren các căn cứ chấm dứt hợp đồng là hủy bỏ hợp đồng, cho nên khi các bên thảo thuận hủy bỏ bảo lãnh thì nghĩa vụ chính không có biện pháp bảo đảm.
Các bên trong nghĩa vụ chính có thể thỏa thuận về thay thế biện pháp bảo lãnh bằng một biện pháp bảo đảm khác như cầm cố, thế chấp… thì biện pháp bảo lãnh chấm dứt, biện pháp mới thay thế sẽ bảo đảm cho nghĩa vụ chính.
Khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện thay. Bên bảo lãnh có thể tự giác thực hiện thay nghĩa vụ hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo lãnh mà bên bảo lãnh thực hiện thay nghĩa vụ. Trường hợp bên bảo lãnh cố tình không thực hiện thay mà phải áp dụng các biện pháp tư pháp thì nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.
Bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh có thể thỏa thuận chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh. Khi biện pháp bảo lãnh chấm dứt thì nghĩa vụ chính không có biện pháp bảo đảm, cho nên bên có nghĩa vụ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm dân sự với bên có quyền nếu có hành vi vi phạm nghĩa vụ.
Thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ nếu đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của họ tước bên nhận bảo lãnh. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.
Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bắt đầu từ thời điểm nào thì người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó phải được xác định theo từng trường hợp cụ thể.
Theo quy định tại Điều 335 BLDS 2015 quy định thì thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ được xác định theo hai trường hợp sau:
– Thứ nhất, khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh đến thời hạn thực hiện. Xác định việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh bắt đầu từ thời điểm này trong trường hợp này các bên trong quan hệ bảo lãnh không có thỏa thuận khác về thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Như vậy, trong trường hợp này, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ kể từ thời điểm bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đến hạn.
– Thứ hai, khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cho mình.
Nếu các bên trong quan hệ bảo lãnh có thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì dù nghĩa vụ đã đến thời hạn thực hiện mà bên được bảo lãnh không thực hiện, bên nhận bảo lãnh vẫn không được quyền yêu cầu bên nhận bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đó khi chưa có đủ căn cứ để xác định bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Như vậy, thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp này được xác định từ thời điểm có đủ căn cứ để xác định về việc bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm được áp dụng khá phổ biến hiện nay, nhất là trong quan hệ vay tài sản. Vì vậy mà hiểu được và biết được cách áp dụng các quy định về biện pháp này là rất cần thiết. Sự ra đời của BLDS 2015 đã phần nào hoàn thiện hơn các quy định về biện pháp bảo đảm bằng bảo lãnh cũng như các biện pháp bảo đảm khác, ngày càng phù hợp với thực tế xã hội hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật Dân sự 2015.
- .Giáo tình Luật Dân sự, tập 2, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
- Hướng dẫn môn học Luật Dân sự tập 2, Nxb. Tư pháp.
- Bình luận Khoa học Bộ luật Dân sự 2015, Nxb. Công an Nhân dân.
- Nguyễn Thị Thảo, Bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động ngân hàng, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự được quy định trong hệ thống pháp luật nước ta. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.