Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc

Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc

Quan hệ thừa kế là một loại quan hệ pháp luật có nội dung kinh tế, xã hội sâu sắc, xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Xã hội càng phát triển thì các quan hệ thừa kế càng phức tạp, để đảm bảo quyền của người thừa kế cũng như quyền của người để lại thừa kế và nghĩa vụ mà người thừa kế phải làm đối với việc nhận di sản của người để lại thừa kế thì việc tìm hiểu về quyền và các trường hợp hạn chế về quyền của người lập di chúc là vô cùng cần thiết. Vì vậy e xin chọn đề tài: ”Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc” để là đề tài cho bài tập học kỳ.

Do trình độ am hiểu cũng như lượng kiến thức có hạn của bản thân cho nên trong bài làm sẽ còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Em kính mong sẽ nhận được những ý kiến phê bình và nhận xét của các thầy cô. Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong tổ bộ môn đã ân cần giảng dạy trong các tiết học, cũng như giờ thảo luận để giúp em hoàn thành bài tập này.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Luật dân sự Việt Nam – NXB Công an nhân dân-2016
  • Bộ luật dân sự năm 2015 – NXB Lao động
  • Một số suy nghĩ về thừa kế trong luật dân sự Việt Nam – Nguyễn Ngọc Điện- NXB Trẻ- Thành phố Hồ Chí Minh- 2001
  • Thừa kế- quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng – Phạm Văn Tuyết- NXB Chính trị quốc gia- Hà Nội- 2007
  • Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay phần I – Phùng Trung Tập- NXB Tư pháp- Hà Nội- 2004
  • Phùng Trung Tập – Quy định về người lập di chúc- Tạp chí tòa án nhân dân – số 03/2015
  • Phùng Trung Tập – Di sản dùng vào việc thờ cúng trong mối liên hệ với di sản thừa kế- Tạp chí luật học- số 1/2001

Một số khái niệm

Di chúc: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Người lập di chúc: là chủ thể thể hiện ý chí của bản thân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết bằng cách chỉ định một hoặc nhiều người trong di chúc và cho họ hưởng một phần hoặc toàn bộ tài sản. Người lập di chúc phải thỏa mãn các điều kiện do bộ luật dân sự quy định : người đã thành niên không bị mắc bệnh tâm thần hay các bệnh khác mà không thể nhận thức được hành vi của mình, hoặc người từ 15 -18 tuổi nếu được cha,mẹ, người giám hộ đồng ý.

Quyền của người lập di chúc: Quyền là khả năng pháp lý của cá nhân được pháp luật ghi nhận, tức là pháp luật công nhận cho người đó được hưởng, được làm và được đòi hỏi những gì.

Quyền định đoạt của cá nhân trong khi lập di chúc là biểu hiện của sự tự do ý chí: người có tài sản, trước khi chết có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác.


Quyền của người lập di chúc

Di chúc do các nhân còn sống tự nguyện lập ra với mục đích dịch chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người còn sống khác sau khi người lập di chúc chết. Người lập di chúc dựa vào ý chí, tình cảm của mình định đoạt cho người khác hưởng di sản sau khi qua đời, Quyền định đoạt của các nhân trong khi lập di chúc là sự biểu hiện tự do ý chí của người lập di chúc, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Quyền của người lập di chúc được quy định tại điều 626 bộ luật dân sự 2015.Người lập di chúc có quyền sau đây:

  • Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
  • Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
  • Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
  • Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
  • Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Quyền chỉ định người thừa kế

Chỉ định người thừa kế là chỉ định ai hoặc những ai được hưởng di chúc của người lập di chúc sau khi người đó chết. Thông thường, một người bao giờ cũng mong muốn rằng, sau khi chết tài sản của mình sã được chuyển dịch cho những người gần gũi, thân thiết nhất. Mong muốn này được thể hiện rất rõ trong di chúc mà họ đã lập trước khi chết. Vì thế, người được chỉ định trong di chúc thường là những người thuộc diện thừa kế theo luật của người lập di chúc. Họ có thể là vợ hoặc chồng của người để lại di sản được xác định theo quan hệ hôn nhân; là con,cha, mẹ, anh chị em ruột của người để lại di sản theo quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, những người thừa kế được xác định trong di chúc không chỉ là những người nằm trong phạm vi nói trên. Họ có thể là bất cứ ai, không nhất thiết phải là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc miễn là đó là ý chí thực sự tự nguyện của người lập di chúc.

Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc
Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc

Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế

Người lập di chúc có quyền truất quyền hưởng di sản của người hoặc những người thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp di sản được chia theo pháp luật thì những người đã được pháp luật xác định là người thừa kế của người để lại di sản sẽ được hưởng di sản đó. Tuy nhiên, thừa kế theo pháp luật chỉ là sự dự liệu để dịch chuyển di sản trông những trường hợp không thể dịch chuyển di sản theo ý chí của người để lại di sản được. Do vậy, có những người thừa kế, dù đã đáp ứng đủ các điều kiện và có quyền hưởng di sản theo pháp luật nhưng quyền hưởng di sản đó sẽ bị mất nếu họ bị người để lại di sản truất quyền thừa kế. Tôn trọng ý kiến của người để lại di sản, pháp luật thừa kế nước ta cho phép người lập di chúc phế truất quyền hưởng di sản của một người thừa kế nào đó. Nếu như xác định là người lập di chúc không cho người thừa kế nào hưởng di sản theo di chúc thì người đó bị truất quyền thì sẽ có hai trường hợp:

Truất quyền hưởng di sản được nói rõ: là việc người lập di chúc tuyên bố minh bạch, công khai trong di chúc là một hay nhiều người thừa kế theo pháp luật nào đó không có quyền hưởng di sản. Theo khoản 1 điều 626 bộ luật dân sự 2015 thì người bị truất quyền bao giờ cũng là người thừa kế theo pháp luật và vì thế khi họ bị truất quyền thì đương nhiên họ không còn là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc nữa.

Truất quyền hưởng di sản không được nói rõ: là người lập di chúc chỉ định một hoặc nhiều người để hưởng toàn bộ di sản nhưng lại không nói gì đến những người thừa kế theo pháp luật không được chỉ định. Người thừa kế không được hưởng di sản theo di chúc là người có quyền hưởng di sản của người đã chết để lại theo quy định của pháp luật, nhưng thực tế họ không được hưởng bởi di sản đã được định đoạt hết cho người khác. Như vậy, họ không bị mất tư cách người thừa kế có được do luật định. Vì thế, nếu có một phần di sản nào được chia theo pháp luật thì sẽ được hưởng.

Có thể thấy, dù đều là không được hưởng tài sản thừa kế của người lập di chúc để lại, nhưng tình trạng pháp lý của người thừa kế bị truất quyền hưởng di sản và không được hưởng di sản theo di chúc là khác nhau. Vì vậy, sự áp dụng các quy định của pháp luật cũng khác nhau.

Quyền phân định di sản cho từng người thừa kế

Khi người để lại tài sản lập di chúc đã xác định người hưởng di sản thì dù không xác định mỗi người thừa kế được hưởng bao nhiêu di sản cũng đã bao hàm cả việc phân chia tài sản. Tuy nhiên, theo luật quy định, người lập di chúc có quyền phân chia một cách cụ thể cho người thừa kế nào hưởng phần di sản là bao nhiêu hoặc hưởng phần di sản là hiện vật gì. Có ba trường hợp:

Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc

Phân định tổng quát: người lập di chúc không xác định rõ phần tài sản mà từng người thừa kế được hưởng. Như vậy, nếu trong di chúc chỉ định một người thì toàn bộ tài sản thuộc về người đó, nếu chỉ định nhiều người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người có tên trong di chúc, nếu có thỏa thuận khác thì chia theo thỏa thuận.

Phân định theo tỷ lệ: trong di chúc đã nói rõ mỗi người được hưởng một phần di sản theo tỷ lệ nhất định so với tổng giá trị tài sản, khi phân chia phải thực hiện việc định giá từng loại để xác định giá trị của toàn bộ khối tài sản.

Phân định cụ thể: là trường hợp người để lại di sản xác định rõ người thừa kế nào được hưởng di sản là hiện vật gì… Vì vậy khi phân chia di sản, các thừa kế được nhận hiện vật theo sự xác định trong di chúc.

Quyền dành một phần di sản để di tặng

Người để lại di sản có quyền dành một phần trong khối di sản để tặng cho người khác thông qua việc thể hiện ý nguyện trong di chúc. Tài sản tặng cho này gọi là vật di tặng

Về nguyên tắc, hiệu lực của việc di tặng được xác định theo hiệu lực của di chúc. Nghĩa là việc di tặng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết và người được di tặng phải còn sống vào thời điểm đó. Mặt khác, người nhận tài sản di tặng được coi là một bên trong hợp đồng tặng cho nên họ được hưởng di sản mà không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Nhưng khoản 3 điều 646 bộ luật dân sự 2015 lại quy đinh:

Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

Vì di tặng trong bộ luật dân sự chỉ là một hành vi dân sự đơn phương nên không cần sự chấp thuận của người thụ tặng, di chúc vẫn được coi là hợp pháp. Nó chỉ bị thất hiệu, nếu sau khi người lập di chúc chết mà người được di tặng từ chối quyền thụ tặng. Mặt khác, chỉ được coi là di tặng nếu phần tài sản đó được người để lại di sản di tặng cho người khác nhưng mới chỉ xác định trong di chúc, và vì vậy đối tượng của di tặng có thể là một bất động sản nhưng cũng có thể là một động sản. Người được hưởng di sản theo di tặng khác với người được hưởng di sản theo thừa kế về quyền và nghĩa vụ.

Quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng

Thờ cúng tổ tiên cũng như việc dành ra một số tài sản để lo việc phụng tự là một vấn đề đã có từ lâu đời trong tục lệ và pháp luật Việt Nam đã ăn sâu vào nếp sống cổ truyền của dân tộc. Tôn trọng và ghi nhận truyền thống của dân tộc, pháp lệnh về thừa kế trước đây và bộ luật dân sự hiện nay đều ghi nhận quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng của người lập di chúc. Điều 645 bộ luật dân sự 2015 cũng quy định rõ vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng biểu hiện trong các điểm sau:

Việc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng là do ý muốn của người đề lại di sản, nếu trong di chúc người này thể hiện ý nguyện đó thì nó phải được tôn trọng

Phỏng đoán ý nguyện truyền thống của người để lại di sản thờ cúng là phần di sản phải được lưu giữ, truyền từ đời này qua đời khác, nên pháp luật tôn trọng và quy định phần di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế.

Người để lại di chúc có thể chỉ định bất cứ người nào do mình muốn để quản lý di sản do mình lập ra, nếu trong di chúc không xác định điều này thì người quản lý di sản thờ cũng là ai do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

Quyền để lại di sản thờ cúng bao gồm cả việc xác định nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng cũng như việc phụng tự, có thể xem xét các trường hợp: Nếu trong di chúc đã xác định công việc thờ cúng mà người quản lý di sản để thực hiện việc thờ cúng không tuân theo sẽ bị những người thừa kế khác lấy lại di sản thờ cúng giao cho người khác để người đó trực tiếp quản lý thực hiện việc thờ cúng; Nếu trong di chúc không xác định công việc thờ cúng thì ngời quản lý di sản phải thực hiện việc thờ cúng theo thỏa thuận của những người thừa kế; Khi được giao di sản để thực hiện việc thờ cúng nhưng lại sử dụng tài sản trái với mục đích thờ cúng.

Tôn trọng quyền tự định đoạt của người lập di chúc, pháp luật nước ta cho phép người đó dành một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng và cũng không cần quy định cụ thể “phần ” đó là tỷ lệ bao nhiêu so với giá trị khối tài sản

Quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế

Người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế thực hiện một công việc vì lợi ích vật chất của người khác mà đáng lẽ khi còn sống, người để lại di sản phải thực hiện. Nghĩa vụ được xét đến ở đây là nghĩa vụ về tài sản, người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản. Có 3 trường hợp khi phân định nghĩa vụ tài sản:

Trong trường hợp người để lại di sản có để lại một nghĩa vụ tài sản nhưng trong di chúc không nói rõ người thừa kế nào phải thực hiện nghĩa vụ đó thì theo quy định của pháp luật, ai hưởng thừa kế người đó phải thực hiện. Tuy nhiên người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại trong phạm vi di sản thừa kế. Do đó nếu di chúc chỉ xác định một người thừa kế thì người thừa kế đó phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong phạm vi di sản. Nếu có nhiều người thừa kế theo di chúc thì tất cả những người đó phải thực hiện nghĩa vụ

Trong trường hợp di sản đã chia thì mỗi người thừa kế phải thực hiện một phần nghĩa vụ tương ứng với phần di sản mà mình đã nhận.

Trong trường hợp người để lại thừa kế đã xác định rõ tỷ lệ nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện phần đó trong phạm vi di sản mà mình được hưởng. Phần nghĩa vụ vượt quá số di sản người này được hưởng sẽ chia đều cho những người thừa kế khác thực hiện tương ứng với phần di sản mà họ đã nhận. Nếu người lập di chúc đã giao nghĩa vụ cụ thể cho người thừa kế thì riêng người thừa kế đó phải thực hiện nghĩa vụ ấy. Tất nhiên nếu có phần nghĩa vụ vượt quá số di sản mà người đó được hưởng thì những người thừa kế khác phải thực hiện tương ứng với phần di sản mà họ được hưởng.

Quyền chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, phân chia di sản

Để đảm bảo di chúc không bị thất lạc, hư hỏng hay có sự xâm phạm ý nguyện sau khi người lập di chúc chết, người lập di chúc có quyền chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, phân chia di sản

Quyền chỉ định người giữ di chúc: người lập di chúc có thể gửi lại di chúc ở công chứng nhà nước hoặc gửi bất kỳ người nào mà mình tin tưởng giữ bản di chúc. Nếu di chúc được gửi cơ quan công chứng nhà nước thì cơ quan đảm bảo giữ gìn bản di chúc theo quy định pháp luật, khi người lập di chúc chết cơ quan đó phải cồng bố di chúc trước những người thừa kế bằng việc sao gửi di chúc đến tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc; Nếu người giữ bản di chúc là cá nhân thì cá nhân đó phải giữ bí mật nội dung của di chúc, bảo quản, giữ gìn di chúc cẩn thận, khi người lập di chúc chết phải giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc có thẩm quyền công bố di chúc; Nếu người giữ di chúc đồng thời là người được chỉ định công bố di chúc thì khi người lập di chúc chết, người đó phải công bố di chúc trước những người thừa kế theo đúng thủ tục như trường hợp cơ quan công chứng là người công bố di chúc.

Quyền chỉ định người giữ di chúc: người lập di chúc có thể gửi lại di chúc ở công chứng nhà nước hoặc gửi bất kỳ người nào mà mình tin tưởng giữ bản di chúc. Nếu di chúc được gửi cơ quan công chứng nhà nước thì cơ quan đảm bảo giữ gìn bản di chúc theo quy định pháp luật, khi người lập di chúc chết cơ quan đó phải cồng bố di chúc trước những người thừa kế bằng việc sao gửi di chúc đến tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc; Nếu người giữ bản di chúc là cá nhân thì cá nhân đó phải giữ bí mật nội dung của di chúc, bảo quản, giữ gìn di chúc cẩn thận, khi người lập di chúc chết phải giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc có thẩm quyền công bố di chúc; Nếu người giữ di chúc đồng thời là người được chỉ định công bố di chúc thì khi người lập di chúc chết, người đó phải công bố di chúc trước những người thừa kế theo đúng thủ tục như trường hợp cơ quan công chứng là người công bố di chúc.

Quyền chỉ định người quản lý di sản: thường thì sau một thời gian người lập di chúc mất, di sản mới được phân chia, để tránh tình trạng di sản bị mất mát, hư hỏng, bị người khác tẩu tán, chiếm đoạt trong thời gian đó, người lập di chúc có thể chỉ định người quản lý di sản trong di chúc. Nếu di chúc không chỉ định thì dự liệu trước ý chí của người lập di chúc, pháp luật xác định người quản lý di sản có thể là: người được những người thừa kế cùng thỏa thuận cử ra để quản lý di sản trong thời gian chưa được chia; Người đang chiếm giữ,quản lý là người quản lý di sản trong thời gian những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản mới; Người đang chiếm giữ, sử dụng di sản thừa kế theo hợp đồng mà họ đã ký kết với người để lại di sản là người quản lý di sản cho đến khi hết hạn hợp đồng; Di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khi chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý. Người quản lý di sản là người đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ 3 liên quan đến di sản thừa kế.

Quyền chỉ định người phân chia di sản: thường khi xác định ai quản lý di sản thì người lập di chúc cũng chỉ định luôn người đó phân chia di sản, tuy nhiên cũng có thể chỉ định hai người khác nhau. Người được chỉ định nếu nhận nghĩa vụ phải đứng ra phân chia di sản khi người để lại di chúc chết, việc phân chia tuân theo di chúc, nếu di chúc không xác định cách phân chia thì chia theo sự thỏa thuận của những người thừa kế.

Quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc

Vì di chúc được lập ra là do ý chí, tình cảm chủ quan của người lập di chúc nên nó có tính khả biến, nếu người lập di chúc có sự thay đổi ý chí thì việc định đoạt trong di chúc sẽ bị thay đổi, pháp luật cho phép người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc đã lập, và việc này tiến hành theo hình thức nào cũng được, miễn là sự sửa đổi, bổ sung là ý chí tự nguyện, minh mẫn, hợp pháp của người lập di chúc.

Sửa đổi di chúc: là việc người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện của mình phủ nhận một phần di chúc đã lập, những phần di chúc còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật, phần bị sửa đổi sẽ không có hiệu lực mà thay vào đó, pháp luật căn cứ vào ý chí thể hiện trong sự sửa đổi sau cùng.

Bổ sung di chúc: là việc người lập di chúc quy định thêm một số vấn đề mà trong di chúc đã lập chưa nói đến làm cho di chúc cụ thể, chi tiết hơn, cả di chúc đã lập và phần bổ sung đều có hiệu lực như nhau, trường hợp có mâu thuẫn thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

Hủy bỏ di chúc: là người lập di chúc lại bằng ý chí tự nguyện của mình truất bãi di chúc đã lập. Pháp luật chỉ xác định một trường hợp được coi là hủy bỏ di chúc là khi người lập di chúc thay thế di chúc đã lập, tuy nhiên nếu di chúc đã bị người đó đốt, xé, tiêu hủy hay tuyên bố trước mọi người về việc phế truất di chúc thì cũng nên coi là việc hủy bỏ di chúc.

Quyền thay thế di chúc

Theo nguyên tắc: “Di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế” nên khi còn sống, một người tuy đã lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác nhưng sau đó nếu thấy việc định đoạt của mình chưa phù hợp thì có quyền lập một di chúc thay thế di chúc đã lập trước. Điều này được quy định tai pháp lệnh thừa kế: “ Trong trường hợp người lập di chúc đã thay thế di chúc thì coi như không có di chúc trước”, và BLDS “ Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”. Bản chất của việc thay thế di chúc là việc một người bằng ý chí tự nguyện của mình phủ nhận một ý chí tự nguyện trước đó về việc định đoạt di sản thừa kế. Như vậy, không những phải xét bản di chúc được lập ra theo những ngày tháng khác nhau để xem di chúc nào có hiệu lực, mà cần xem xét xem, việc thay thế di chúc cũng như bản di chúc cuối cùng có phải là ý muốn chủ quan của người lập di chúc không.


Những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc

Quyền định đoạt của cá nhân trong khi lập di chúc là sự biểu hiện của tự do ý chí, pháp luật tôn trọng quyền lập di chúc là tôn trọng quyền tự do ý chí cá nhân. Do tính chất chủ quan của ý chí và mục đích chuyển dịch tài sản đã phản ánh tính độc lập và tự định đoạt của người lập di chúc. Ý chí cá nhân khi lập di chúc thể hiện hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc, hoàn toàn độc lập, tự định đoạt ý chí cá nhân người lập di chúc mà không có sự lệ thuộc nào và bất kỳ ý kiến của ai, di chúc là loại giao dịch dân sự một bên. Tuy nhiên, dù tự do ý chí là cái cá biệt, cái đơn nhất của cá nhân nhưng cái cá biệt không thể tồn tại ngoài mối liên hệ dẫn đến cái chung. Trong các mối liên hệ xã hội, cái riêng luôn được tôn trọng nhưng đồng thời cũng bị cái chung hạn chế. Những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc:

Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc
Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc Mặc dù pháp luật quy định người lập di chúc có rất nhiều quyền như đã trình bày ở trên, nhưng để bảo vệ lợi ích của một số người trong diện thừa kế phù hợp với phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc nên tại Điều 644 bộ luật dân sự 2015 đã hạn chế một phần quyền của người lập di chúc. Điều 644 bộ luật dân sự nước ta đã quy định:

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Nội dung của điều luật trên thể hiện: một mặt, pháp luật tôn trọng ý chí của người để lại di sản, nhưng mặt khác chính pháp luật lại hạn chế quyền định đoạt ấy nếu người để lại di sản còn có những người mà khi họ còn sống họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc.

Hạn chế quyền của người lập di chúc trong việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng

Người lập di chúc có quyền định đoạt một phần hay toàn bộ tài sản của mình sau khi chết để dùng vào việc thờ cúng, tuy nhiên quyền tự định đoạt đó của người lập di chúc cũng bị hạn chế trong hai trường hợp sau : Trường hợp thứ nhất, nếu sự định đoạt đó vi phạm quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015. Nếu người lập di chúc định đoạt phần lớn hoặc toàn bộ di sản dùng vào việc thờ cúng mà xâm phạm đến quyền được hưởng hai phần ba suất thừa kế được chia theo pháp luật của cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì trước hết phải tính phần thừa kế cho những người này theo quy định tại điều 644, phần còn lại là di sản dùng vào việc thờ cúng. Trường hợp thứ hai, quyền của người lập di chúc định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng bị hạn chế trong trường hợ toàn bộ tài sản của người đó để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng ( khoản 2 điều 645). Việc di tặng của người lập di chúc cũng bị hạn chế bởi các trường hợp giống như việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng. Quy định này của pháp luật là nhằm bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ.

Hạn chế quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất

Trước đây vì pháp luật chưa ghi nhận quyền sử dụng đất là một tài sản nên di sản thừa kế của người chết chỉ đơn thuần là các vật dụng thuộc quyền sở hữu của người đó. Hiện nay, BLDS đã quy định quyền tài sản cũng được coi là một loại tài sản nên quyền sử dụng đất của người đó cũng thuộc di sản thừa kế. Tuy nhiên việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất bị hạn chế hơn nhiều so với quyền để lại thừa kế di sản nói chung. – Không phải ai cũng được để lại thừa kế quyền sử dụng đất. Trong số những người có quyền sử dụng đất, khi họ chết việc xác định quyền đó của họ có phải là di sản thừa kế không phải dựa vào việc xem xét quyền sử dụng đất của họ hình thành từ căn cứ nào. Nếu quyền sử dụng đất được xác lập do nhà nước giao cho hộ gia đình mà người chết là một thành viên trong gia đình ấy thì họ chỉ được để lại thừa kế nếu đất được giao là đất ở, đất lâm nghiệp lâu năm, để trồng rừng hoặc đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản.

Hạn chế về quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế

Như đã nói ở trên, người để lại di sản có quyền giao nghĩa vụ cho những người được hưởng di sản, nhưng quyền đó cũng có hạn chế được bộ luật dân sự 2015 quy định tại khoản 3 điều 615:

Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Từ quy định trên ta có thể thế người để lại di sản có quyền giao nghĩa vụ cho những người được nhận di sản đó tương ứng với phần di sản mà họ được nhận. Trong trường hợp phần nghĩa vụ mà người nhận di sản phải thực hiện vượt quá phần di sản mà họ được nhận thì họ không phải thực hiện phần nghĩa vụ vượt quá đó. Đây cũng là một hạn chế nhằm đảm bảo quyền của người nhận di sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đảm bảo ý chỉ chủ quan của người lập di chúc không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ.

Có thể thấy rằng với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp của khối tài sản, quyền của người lập di chúc được pháp luật tôn trọng tuyệt đối và phù hợp với những quy định pháp luật về quyền sở hữu. Pháp luật trao vào tay người lập di chúc rất nhiều quyền năng: quyền chỉ định người thừa kế, quyền truất quyền hưởng di sản, quyền phân định di sản cho từng người thừa kế, quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, dùng vào việc thờ cúng, quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế, quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc, quyền thay thế di chúc. Những quyền trên đây là minh chứng cho quyền sở hữu và định đoạt tài sản của mình khi còn sống và ngay cả lúc đã qua đời. Đó là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của nhân dân, vì đây là một trong những quyền thiêng liêng và quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, quyền của người lập di chúc luôn gắn liền với những hạn chế của quyền tự định đoạt của người lập di chúc. Những hạn chế cụ thể là về các mặt: quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế, về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc,về hạn chế quyền trong việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng, về việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất, về quyền đặt điều kiện trong di chúc và về việc định đoạt di sản cho vật nuôi, cây trồng. Có thể thấy người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản và các vấn đề khác nhưng việc định đoạt đó không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.


Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top