Nghĩa vụ là một chế định quan trọng chính yếu của pháp luật dân sự, một trong những căn cứ để phát sinh quan hệ là thực hiện công việc không có ủy quyền. Thực hiện công việc không có ủy quyền là quan hệ diễn ra thường xuyên trong đời sống thực tiễn, để tìm hiểu kĩ hơn và làm rõ những quy định của pháp luật về thực hiện công việc không có ủy quyền, em lựa chọn đề bài số 12: “Phân tích quy định của BLDS 2015 về thực hiện công việc không ủy quyền. Sưu tầm một vụ việc có tranh chấp về thực hiện công việc không có ủy quyền và đưa ra cách giải quyết theo quan điểm cá nhân” làm bài tập học kì của mình.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình luật dân sự II, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân
- Bộ luật dân sự 2015, NXB Lao động, 2016.
- Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015, NBX CAND, PGS.TS.Nguyễn Văn Cừ- PGS.TS. Trần Thị Huệ, 2017.
Quy định của BLDS 2015 về thực hiện công việc không ủy quyền
Khái niệm của “Thực hiện công việc không có ủy quyền”
Theo Điều 574 BLDS 2015 thì “ thực hiện công việc không có ủy quyền” là: “Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.”
Như vậy, việc thực hiện công việc không có ủy quyền phải đáp ứng các yêu cầu sau.
Thứ nhất, người thực hiện công việc hoàn toàn tự nguyện khi thực hiện công việc. Tức nghĩa là, việc thực hiện công việc đó không phải là nghĩa vụ bắt buộc của người thực hiện công việc, họ thích thì thực hiện và không thích thì có thể không thực hiện. Về hậu quả pháp lí, họ có thực hiện hay không cũng không phải chịu bất kì chế tài nào
Thứ hai, việc thực hiện công việc phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc. Tức là tại thời điểm bắt đầu thực hiện công việc, người thực hiện công việc phải thể hiện ý chí thực hiện công việc để nhằm mang lại lợi ích, hoặc ngăn chặn thiệt hại cho người có công việc. Tuy nhiên, rất khó để chứng minh được điều này, bởi vì khi kết thúc công việc, người thực hiên công việc có thể được hưởng những lợi ích nhất định ( tiền thù lao). Ta có thể xác định rằng, nếu việc thực hiện công việc không được thực hiện thường xuyên, tức là việc thực hiện công việc chỉ xảy ra tức thì, thì có thể xác định việc thực hiện công việc hoàn toàn vì lợi ích của bên có công việc.
Thứ ba, người có công việc không biết hoặc biết mà không phản đối về việc thực hiện công việc.
Theo dấu hiệu này, tại thời điểm công việc được thực hiện, người có công việc không biết người khác thực hiện công việc đó cho mình, hoặc có thể họ biết nhưng không phản đối việc thực hiện công việc đó. Thông thường, khi công việc được thực hiện, người có công việc thường không biết đến việc người khác thực hiện công việc cho mình, bởi vì nếu như họ biết thì đã tự thực hiện công việc và bản thân người thực hiện công việc cũng sẽ không thực hiện khi chính người có công việc cũng đang hiện hữu tại nơi có công việc được thực hiện. Bản thân của thực hiện công việc không có ủy quyền là sự giúp đỡ người khác vượt qua những khó khăn, tránh những thiệt hại không đáng có. Do đó, nếu người có công việc có mặt hoặc biết việc người khác thực hiện công việc cho mình thì họ sẽ không phản đối nếu việc thực hiện công việc đó có lợi cho mình và bản thân mình không có thể thực hiện công việc đó tại thời điểm phải thực hiện. Tuy nhiên, ngay cả khi người có công việc không thể thực hiện được công việc hoặc việc thực hiện công việc có thể mang lại lợi ích cho người có công việc nhưng nếu họ phản đối người khác thực hiện công việc của mình, thì người thực hiện công việc cũng không được thực hiện. Nếu họ cố tình thực hiện thì sẽ bị coi là vi phạm và phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Thứ tư, việc thực hiện công việc phải thực sự cần thiết
Mặc dù, viêc thực hiện công việc có thể mang lại lợi ích cho người có công việc, người có công việc có thể không phản đối, và người thực hiện công việc toàn vì lợi ích của người có công việc, nhưng việc thực hiện công việc phải thực sự cần thiết. Sự cần thiết của việc thực hiện công việc thể hiện ở chỗ nếu công việc không được thực hiện kịp thời sẽ gây ra thiệt hại cho người có công việc, Đây là yếu tố quan trọng và có vai trò quyết định việc thực hiện công việc có thuộc trường hợp không có ủy quyền hay không. Bởi thực tế, nhiều trường hợp một người thực hiện công việc của người khác khi họ không biết và sau đó yêu cầu thanh toán thù lao, nhưng bản thân người có công việc không đồng ý vì bản thân họ không có nhu cầu người khác thực hiện công việc cho mình. Do đó, người thực hiện công việc muốn nhận thù lao thì phải chứng minh mình đã thực hiện công việc giúp cho người có công việc không bị thiệt hại. Điều này giúp ngăn chặn hành vi lợi dụng quy định pháp luật trục lợi không chính đáng.
Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền
Theo Điều 575 BLDS về nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền thì khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bắt đầu thực hiện công việc thì họ phải tuân theo các quy định của pháp luật, tức là việc thực hiện công việc lúc đó sẽ trở thành nghĩa vụ bắt buộc của người thực hiện công việc.
Thứ nhất, người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.
Điều này có nghĩa là người thực hiện công việc phải biêt được khả năng, điều kiện của mình có thể thực hiện công việc đến mức độ nào, Thực tế, tại thời điểm bắt đầu thực hiện công việc, người thực hiện công việc có thể nhận thấy trước được khả năng, điều kiện của mình có đủ để thực hiện công việc hay không. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp người thực hiện công việc không thể nhận thức được khả năng, điều kiện của mình tại thời điểm bắt đầu thực hiện công việc mà phải bước vào công việc thì họ mới nhận thức được. Nếu đang thực hiện công việc mà nhận thấy khả năng không thể tiếp tục được, thì người đang thực hiện phải dừng tạm ngừng thực hiện để tránh gây thiệt hại cho người có công việc. Việc tạm ngừng có thể diễn ra cho đến khi họ tiếp tục thực hiện công việc hoặc cho đến khi đã thông báo và chuyển giao việc thực hiện công việc cho người có công việc.
Thứ hai, người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.
BLDS đưa ra quy định này là muốn người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc một cách tận tâm nhất, hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Thứ ba, người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.
Bởi vì bản thân người thực hiện công việc không có ủy quyền khó có thể biết được ý định của người có công việc, nên nhiều trường hợp có thể thực hiện công việc không phù hợp với ý định ban đầu của người có công việc. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thực hiện công việc, gây thiệt hại cho chính người có công việc. Để ngăn chặn sự ảnh hưởng này, người thực hiện công việc phải thực hiện nghĩa vụ thông báo cho người có công việc về quá trình, kết quả thực hiện công việc. Việc thông báo kịp thời có thể giúp cho người có công việc biết được việc thực hiện công việc có phù hợp với ý định của mình hay không, qua đó có cách thức xử lí kịp thời. Tuy nhiên, việc thông báo này chỉ có thể thực hiện được nếu người thực hiện công việc biết được nơi cư trú hoặc trụ sở của người có công việc, hoặc có thể liên lach với người có công việc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, nếu người có công việc đã biết về việc thực hiện công việc thì người thực hiện công việc không phải thực hiện nghĩa vụ thông báo này.
Thứ tư, trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.
Theo quy định này, nếu người có công việc chết hoặc chấm dứt sự tồn tại thì người thực hiện công việc sẽ không tiếp tục thực hiện công việc khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc đã tiếp nhận công việc. Điều này có nghĩa rằng, công việc đó có thể chưa được hoàn thành.
Thứ năm, trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.
Mặc dù nghĩa vụ của người thực hiện công việc là phải thực hiện công việc của chính mình vả về nguyên tắc, người thực hiện công việc phỉa thực hiện công việc cho đến khi công việc được hoàn thành. Tuy nhiên, người thực hiện công việc có thể chấm dứt việc thực hiện công việc khi không thể tiếp tục thực hiện công việc vì lí do chính đáng. Có thể thấy rằng, những lí do liên quan đến sức khỏe, thay đổi nơi cư trú, trụ sở, thay đổi nơi làm việc hoặc các lý do tương tự có thể coi là chính đáng khiến cho người thực hiện công việc không có đủ điều kiện để thực hiện công việc.
Trong trường hợp này, người thực hiện công việc phải thông báo cho người có công việc hoặc người đại diện cũng như người thân thích của người có công việc biết, và việc thực hiện công việc chỉ chấm dứt khi những chủ thể này đã tiếp nhận công việc hoặc có một chủ thể khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc, Nếu người thực hiện công việc không thực hiện việc thông báo mà gây thiệt hại cho người có công việc thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 577 BLDS và các quy định khác có liên quan.
Nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện
Theo khoản 3 Điều 275 BLDS 2015, một trong số căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ là thực hiện công việc không có ủy quyền. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ là thời điểm công việc bắt đầu được thực hiện, nhưng tại thời điểm chỉ người thực hiện công việc phải thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định. Mặc dù nghĩa vụ của người có công việc cũng phát sinh ngay từ thời điểm công việc bắt đầu được thực hiện, nhưng chỉ khi người thực hiện công việc bàn giao công việc thì người có công việc mới phải thực hiện nghĩa vụ. Theo Điều 576 BLDS:
“1. Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.
Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.” thì nghĩa vụ mà người có công việc bao gồm:
Thứ nhất, phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc.
Đây là nghĩa vụ phải thực hiện đầu tiên của người có công việc. Trên cơ sở việc tiếp nhận công việc, người có công việc mới xác định được các nghĩa vụ khác có liên đới với người thực hiện công việc như nghĩa vụ thanh toán chi phí, trả thù lao. Tại thời điểm tiếp nhận, có thể công việc đã được hoàn thành hoặc chưa được hoàn thành. Tuy nhiên, ngay cả khi công việc chưa được hoàn thành nhưng người thực hiện công việc không thể tiếp tực thực hiện công việc vì lí do chính đáng, thì người có công việc cũng phải tiếp nhận công việc mà không có quyền từ chối.
Thứ hai, phải thanh toán chi phí hợp lí mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã phải bỏ ra để thực hiện công việc.
Không giống như nghĩa vụ tiếp nhận công việc, nghĩa vụ thanh toán chi phí là nghĩa vụ nhằm bù đắp lại những lợi ích mà người thực hiện công việc đã phải bỏ ra để thực hiện công việc, nên việc thực hiện hay không thực hiện nghĩa vụ này sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thực hiện công việc. Thực tế, công việc được thực hiện có thể không mang lại kết quả như ý muốn, nhưng người có công việc vẫn phải thanh toán các chi phí hợp lí để thực hiện công việc. Đây là những chi phí cần thiết mà người thực hiện công việc phải bỏ ra nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho người có công việc. Nếu người thực hiện công việc không bỏ ra chi phí này thì trong nhiều trường hợp công việc không thể được thực hiện và người có công việc sẽ phải gánh chịu những thiệt hại không mong muốn.
Thứ ba, phải trả thù lao cho người có công việc
Để có thực hiện công việc không có ủy quyền, ngoài những chi phí cần thiết phải bỏ ra, người thực hiện công việc còn phải bỏ công sức, thời gian của mình để thực hiện công việc nhằm mang lại lợi ích cho người có công việc. Tuy nhiên, nghĩa vụ trả thù lao chỉ được thực hiện khi có các điều kiện:
- Công việc được thực hiện một cách chu đáo
- Việc thực hiện không những ngăn chặn được thiệt hại mà còn có lợi cho người có công việc.
- Người thực hiện công việc không có ủy quyền đồng ý nhận thù lao.
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại
Điều 577. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại
“1. Khi người thực hiện công việc không có ủy quyền cố ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện.
Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường.”
Việc thực hiện công việc không có ủy quyền nhằm hướng tới việc hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại có thể xảy ra đối với người có công việc. Khi việc thực hiện công việc đã gây ra thiệt hại thì người thực hiện công việc phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc:
Theo Điều 577 BLDS thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thực hiện công việc không có ủy quyền phát sinh khi có các điều kiện sau: (i) phải có thiệt hại xảy ra; (ii), phải có sự vi phạm nghĩa vụ do luật quy định; (iii), phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ với thiệt hai xảy ra; (iv), người thực hiện công việc có lỗi.
Điều luật này cũng xác định căn cứ để giảm mức bồi thường thiệt hại cho người thực hiện công việc không có ủy quyền. Theo đó, có hai yếu tố mà dựa vào đó có thể xem xét để giảm mức bồi thường thiệt hại cho người thực hiện công việc không có ủy quyền, đó là: (i), người thực hiện công việc không có ủy quyền có lỗi vô ý; (ii), hoàn cảnh đảm nhận công việc không có ủy quyền.
Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền
Điều 578 BLDS quy định về các trường hợp chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền như sau:
“Việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
Theo yêu cầu của người có công việc được thực hiện.
Người có công việc được thực hiện, người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận công việc.
Người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định tại khoản 5 Điều 575 của Bộ luật này.
Người thực hiện công việc không có ủy quyền chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân.”
Thứ nhất, theo yêu cầu của người có công việc được thực hiện.
Người có công việc có quyền yêu cầu người đang thực hiện công việc chấm dứt việc đó. Tuy nhiên, người có công việc được thực hiện vẫn phải thanh toán những chi phí cần thiết mà người thực hiên công việc đã bỏ ra để thực hiện công việc cho mình tương ứng với phần công việc đã thực hiên.
Thứ hai, người có công việc được thực hiện, người thừa kế hoặc người địa diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận việc thực hiện công việc.
Theo Điều 575 BLDS, người có công việc được thực hiện, người thừa kế, người đai diện của người có công việc chỉ tiếp nhận công việc trong hai trường hợp là: (i) người thực hiện công việc không thể tiếp tực thực hiện công việc vì lí do chính đáng; (ii), người có công việc được thực hiện chết.
Thứ ba, người thực hiện công việc không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định tại khoản 5 Điều 575 BLDS.
Thứ tư, người thực hiện công việc không có ủy quyền chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 575, khi người có công việc chết hoặc chấm dứt tồn tại, người thực hiện công việc vẫn phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc tiếp nhận công việc. Như vậy, thời điểm chấm dứt việc thực hiện công việc là thời điểm người thừa kế hoặc người đại diện tiếp nhận công việc chứ không phải là thời điểm người có công việc chết hoặc chấm dứt hoạt động.
Một vụ việc có tranh chấp về thực hiện công việc không có ủy quyền trên thực tế
Tình huống
Lúc 23 giờ ngày 10-11, tàu cá của Khánh Hòa bao gồm 9 người mang số hiệu KH 96658 -TS đang đánh bắt hải sản ở khu vực gần đảo Đá Lát thì bị chết máy và trôi dạt trên biển, tín hiệu cấp cứu khẩn cấp của tàu bị hỏng. 9 người trên tàu hết sức hoảng loạn thì có một tàu đánh cá đến gần tàu, tiếp cận và giúp chuyển 9 người này sang bên tàu đánh cá này và cứu kéo tàu vào bờ. Thì ra, tàu đánh cá này cũng ra khơi chuẩn bị đánh bắt hải sản, tuy nhiên, khi sử dụng ống nhòm, một người ngư dân trên tàu phát hiện ra tàu đánh cá KH 96658 ở đằng xa, bằng kinh nghiệm và trực giác của một người đi biển lâu năm, người này nhận ra biểu hiện bất thường của con tàu và những người ngư dân trên tàu, và linh cảm, suy đoán rằng con tàu này đang gặp bất trắc. Do đó, người này thông báo với những người trên tàu về vấn đề này và quyết định đến gần con tàu đang gặp nạn để xem có thể hỗ trợ gì được họ không, Kết quả đúng như suy đoán của người ngư dân trên, vì vậy mà tàu KH 96658 và 9 người trên tàu được cứu giúp kịp thời, không bị thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng con người.
Khi về đến bờ, những người đánh cá ở thuyền cứu giúp yêu cầu tàu KH 96658 phải trả tiền cho họ vì những vật dụng họ đã phải sử dụng để kéo con tàu về bờ, chuyển người sang tàu, và số hải sản mà họ không thể đánh bắt do phải cứu giúp tàu đánh cá này. Những người trên tàu KH 96658 rất không đồng ý với yêu cầu này, vì họ cho rằng họ không hề yêu cầu tàu đánh cá kia phải hỗ trợ họ mà tự họ làm vậy, nên họ không có nghĩa vụ trả tiền cho họ. Hai bên xảy ra tranh chấp.

Giải quyết tình huống
Phân tích sự việc
Khẳng định: Việc cứu giúp tàu cá này là thực hiện công việc không có ủy quyền và tàu cá nọ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ mà luật quy định khi thực hiện công việc không có ủy quyền, không gây thiệt hại nào cho tàu cá được cứu giúp khi thực hiện công việc đó.
Theo quy định của Luật, thì việc cứu giúp của tàu cá đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện của thực hiện công việc không có ủy quyền.
Thứ nhất, người thực hiện công việc hoàn toàn tự nguyện khi thực hiện công việc. Trong trường hợp trên khi nhìn thấy tàu cá bị nạn trên biển, người ngư dân quyết định đến gần tàu cá để xem họ có vấn đề gì không dựa trên suy đoán không chắc chắn của mình, ông có thể không cần phải thử những suy đoán của mình. Bởi vì không có biểu hiện gì rõ ràng của con thuyền chứng minh rằng nó đang bị nạn và hai con thuyền cũng ở xa nhau, không liên quan gì. Như vậy, nếu họ không thử đến gần xem con tàu có gì cần giúp đỡ không thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm gì về mặt pháp lí.
Thứ hai, việc thực hiện công việc phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc. Có thể nói việc con tàu trên tiếp cận con thuyền đang bị nạn hoàn toàn vì lợi ích của con thuyền bị nạn. Vì họ đến gần con thuyền này với mục đích thuần túy là giúp đỡ con thuyền bị nạn. Bởi vì con thuyền có thể thật sự bị nạn theo suy đoán của người ngư dân hoặc không phải như người ngư dân nghĩ, không có điều gì chắc chắn cả.
Thứ ba, người có công việc không biết hoặc biết mà không phản đối về việc thực hiện công việc. Những người ngư dân trên tàu bị nạn không hề phản đối hành động giúp đỡ của tàu cứu trợ
Thứ tư, việc thực hiện công việc phải thực sự cần thiết. Có thể nói là việc thực hiện việc cứu trợ này là cực kì cần thiết, bởi tín hiệu khẩn cấp cứu nạn trên tàu đã bị hỏng nên nếu không may mắn được phát hiện thì họ có thể không chỉ bị thiệt hại về tài sản mà còn có thể thiệt hại về chính tính mạng của mình.
Có thể nói rằng việc những người được cứu nạn nói rằng họ không có nghĩa vụ trả tiền là không hợp lí, bởi vì, trong trường hợp đó, họ đương nhiên cần cứu trợ và họ không thể chủ động yêu cầu sự hỗ trợ do tín hiệu cứu trợ khẩn cấp của họ đã bị hỏng. Thêm nữa là họ vô cùng thuận theo để những người ngư dân cứu trợ họ.
Ngoài ra, khi thực hiện việc cứu trợ của mình, những người ngư dân kể trên không chỉ không gây ra thiệt hại nào về tài sản cho tàu bị nạn, mà họ đã thực hiện công việc theo đúng như yêu cầu của pháp luật về nghĩa vụ khi thực hiện không có ủy quyền. Bởi vì những người này đã hoàn thành xuất sắc công tác cứu trợ của mình, có thể chứng minh thông qua việc họ kéo được tàu vào bờ và chuyển được người sang tàu của mình.
Giải quyết
Bởi vì tình huống này đúng là thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định của pháp luật và những người ngư dân thực hiện việc cứu trợ đã thực hiện đúng nghĩa vụ được quy định trong pháp luật của người thực hiện công việc, nên những người được cứu trợ hay những người có công việc phải thực hiện nghĩa vụ của mình được quy định trong pháp luật.
Thứ nhất, họ có nghĩa vụ phải thanh toán các chi phí cần thiết để cứu trợ họ của tàu đã giúp họ: những tổn thất về vận dụng mà tàu cứu trợ đã bỏ ra. Về số lượng hải sản mà những người cứu trợ đã bỏ qua thì không tính vào, bởi vì tài sản này rất không thể suy đoán được.
Thứ hai, họ có nghĩa vụ phải trả thù lao cho những người đã cứu trợ. Khoản tiền này hai bên sẽ thỏa thuận với nhau.
Những quy định của pháp luật về thực hiện công việc không có ủy quyền là vô cùng thiết thực. Trên thực tế có rất nhiều những sự việc về thực hiện công việc không có ủy quyền và không phải thực hiện công việc không có ủy quyền, những quy định pháp luật về thế nào là thực hiện công việc không ủy quyền và nghĩa vụ của các bên giúp bảo vệ quyền lợi của các đối tượng trong cuộc sống, ngăn chặn những thoái thác hoặc yêu cầu nghĩa vụ không thỏa đáng.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Sưu tầm một vụ việc có tranh chấp về thực hiện công việc không có ủy quyền và đưa ra cách giải quyết theo quan điểm cá nhân. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.