Phân tích những điểm bất cập của pháp luật hiện hành về tài sản bảo đảm và kiến nghị hoàn thiện

Phân tích những điểm bất cập của pháp luật hiện hành về tài sản bảo đảm và kiến nghị hoàn thiện

      Trong quá trình hội nhập kinh tế theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn xác định rõ kinh tế Việt Nam là nền kinh tế năng động và đang từng bước hội nhập với kinh tế thế giới. Khi các giao dịch dân sự được các chủ thể trong quan hệ áp dụng khi tìm kiếm lợi ích và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ những giao dịch đó là điều khó tránh khỏi và để hạn chế rủi ro, đảm bảo quyền lợi ích chính đáng giữa các bên thì tài sản bảo đảm bà các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự luôn được đề cao và quy định rất rõ trong Bộ luật dân sự 2015. Vậy thế nào là tài sản bảo đảm, quy định của pháp luật về tài sản bảo đảm ra sao,…Để giải quyết những vướng mắc trên, em xin chọn đề bài số 04: “Phân tích những điểm bất cập của pháp luật hiện hành về tài sản bảo đảm và kiến nghị hoàn thiện” để làm bài tập học kỳ của mình.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm
  • Thông tư Liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
  • Trường Đại Học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội – 2015
  • PGS. TS Nguyễn Văn Cừ, PGS.TS Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2017

Một số vấn đề lý thuyết về tài sản bảo đảm

Khái niệm tài sản bảo đảm

      Khoản 7 Điều 3 Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định:

Tài sản bảo đảm là tài sản mà bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.

      Điều 295 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về tài sản bảo đảm như sau:

1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.

Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

      Căn cứ vào quy định trên có thể thấy, Bộ luật Dân sự 2015 quy định đối tượng của biện pháp bảo đảm là tài sản thành một điều luật độc lập trong đó nhấn mạnh:

      Thứ nhất: Tài sản bảo đảm vẫn phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và chỉ loại trừ hai biện pháp bảo đảm là cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu. Điều này được giải thích rằng, khi đưa tài sản trở thành đối tượng của các biện pháp bảo đảm phải đảm bảo tài sản đó thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Quy định này loại bỏ phần nào đó rủi ro cho bên nhận bảo đảm.

      Tuy nhiên, theo tác giả thực chất tài sản đưa vào các giao dịch bảo đảm không phải là chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng nhưng cũng chưa hẳn ở mức độ thực hiện quyền định đoạt của chủ thể. Trong khi đó, ngoài chủ sở hữu, pháp luật còn cho phép người được chủ sở hữu ủy quyền hoặc theo quy định của luật vẫn được quyền định đoạt . Do đó, quy định này nên mở rộng phạm vi những người được thực hiện vai trò của người bảo đảm, có thể là “chủ sở hữu và người được chủ sở hữu cho phép dùng tài sản của chủ sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc theo quy định của luật” sẽ đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn hơn. Ví dụ, doanh nghiệp nhà nước, bên mua trả chậm trả dần…

      Thứ hai: Tài sản có thể được mô tả chung nhưng phải xác định được.

      Vì tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai nên luật dự liệu quy định tài sản có thể được mô tả chung nhưng phải xác định được. Mô tả chung tức là không thể cụ thể hóa loại tài sản đó,— vì thực tế nó chưa hình thành hoặc chưa hình thành một cách đồng bộ nhưng phải xác định được – tức là có cơ chế xử lý chính xác loại tài sản đó khi phát sinh vấn đề xử lý tài sản bảo đảm.

      Ví dụ: thế chấp một căn hộ chung cư X thuộc dự án Y đang xây dựng. Trong phần đối tượng của hợp đồng thế chấp buộc các bên phải thực hiện mô tả căn hộ, dự án, tọa lạc tại địa điểm nào… Rõ ràng, căn hộ đó phải xác định cụ thể bởi sơ đồ thiết kế, diện tích, vị trí…

      Thứ ba: Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

      Thông thường giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm để khi xử lý tài sản bảo đảm thì số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm để thanh toán các nghĩa vụ tài chính khác như chi phí bảo quản, chi phí xử lý tài sản. Tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận giá trị tài sản bảo đảm bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ bảo đảm. Trường hợp này nếu tài sản bị xử lý thì bên nhận bảo đảm có thể chịu thiệt hại khi bên bảo đảm không còn tài sản khác để thanh toán.

      Thứ tư: Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành tương tương lai. Bộ luật Dân sự 2015 cho phép tài sản hình thành trong tương lai được làm tài sản bảo đảm. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.

      Như vậy, tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có thể là tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai, lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm nhưng phải đảm bảo điều kiện là xác định được, phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

Quy định của pháp luật về tài sản bảo đảm

Các trường hợp xử lí tài sản bảo đảm

      Điều 299 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về các trường hợp xử lí tài sản bảo đảm như sau:

1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

      Khi nghĩa vụ đến thời hạn thực hiện mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình mà việc không thực hiện, thực hiện không đúng này không  thuộc trường hợp bất khả kháng hay nói cách khác, bên vi phạm không được miễn trách nhiệm dân sự thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm.

      Thông thường xử lý tài sản bảo đảm sẽ thực hiện khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, thì bên có quyền sẽ xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận nếu bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng thì bên có quyền sẽ xử  lý tài sản bảo đảm. Ngoài ra, tài sản bảo đảm có thể được xử lý khi có các căn cứ khác theo quy định của luật, ví dụ như (1) trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Khoản 3 Điều 296 Bộ luật dân sự năm 2015 và (2) xử lý tài sản bảo đảm theo Điều 90 Luật thi hành án dân sự năm 2008

      Khi tham gia quan hệ hợp đồng hoặc trong thời hạn thực hiện hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn, như hợp đồng vay có thời hạn và các bên có thể thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước kỳ hạn mà không phải trả toàn bộ lãi cho cả thời hạn vay. Tuy nhiên, khi bên cho vay yêu cầu trả nợ, nhưng bên vay không trả nợ hoặc trả một phần, thì bên cho vay có quyền xử lý tài sản bảo đảm.

Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm

      Điều 300 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm với nội dung sau:

1. Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.

Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.

Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.

      Việc xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến sự dịch chuyển về quyền sở hữu tài sản bảo đảm từ bên bảo đảm sang bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm. Hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác. Do đó, trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác. Tuy nhiên, để đảm bảo xử lý kịp thời tài sản bảo đảm, tránh nguy cơ tài sản bị mất mát, hư hỏng dẫn đến giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị, Bộ luật dân sự 2015 cho phép bên nhận bảo đảm được quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản khác về việc xử lý tài sản đó. Quy định này tạo sự linh hoạt cho bên nhận bảo đảm trong việc xử lý tài sản bảo đảm, đảm bảo hiệu quả của việc xử lí tài sản bảo đảm cũng như quyền và lợi ích của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác. Vì trong trường hợp này , nếu không cho phép xử lý ngay, thì tài sản bảo đảm sẽ bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị , dẫn đến khả năng thu hồi nợ của bên nhận bảo đảm sẽ thấp , đồng thời cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của bên có nghĩa vụ.

Giao tài sản bảo đảm để xử lý

      Điều 301 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về giao tài sản bảo đảm để xử lý với nội dung như sau:

Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

      Tài sản bảo đảm có thể do chính người bảo đảm giữ  hoặc do người thứ ba giữ , khi xử lý tài sản thì người giữ tài sản phải chuyển giao cho bên nhận bảo đảm xử lý theo thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Trường hợp người giữ tài sản không chuyển giao để xử lý tài sản, thì người nhận bảo đảm không được  dùng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tài sản mà phải yêu cầu Tòa án giải quyết. Quy định này nhằm ngăn ngừa trường hợp bên nhận bảo đảm cố ý gây mất trật tự xã hội hoặc cưỡng đoạt tài sản trái pháp luật.

Quyền nhận lại tài sản bảo đảm

      Điều 302 Bộ luật dân sự năm 2015  quy định về quyền nhận lại tài sản bảo đảm với nội dung như sau:

Trước thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo đảm và thanh toán chi phí phát sinh do việc chậm thực hiện nghĩa vụ thì có quyền nhận lại tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác.

      Sau khi đã thông báo về xử lý tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm tự nguyện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ, thì được coi là bên bảo đảm đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm, cho nên bên bảo đảm có quyền nhận lại tài sản bảo đảm.

Định giá tài sản bảo đảm

      Điều 306 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về định giá tài sản bảo đảm như sau:

1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm.

Trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản.

Việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường.

Tổ chức định giá phải bồi thường thiệt hại nếu có hành vi trái pháp luật mà gây thiệt hại cho bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm trong quá trình định giá tài sản bảo đảm.

      Khi xác lập biện pháp bảo đảm hoặc khi xử lý tài sản bảo đảm các bên có thể thỏa thuận về giá trị tài sản bảo đảm khi xử lý  hoặc yêu cầu tổ chức định giá. Việc định giá tài sản phải đảm bảo tính khách quan, phù hợp với giá thị trường để bảo đảm quyền lợi của các bên. Trường hợp tổ chức định giá tài sản không khách quan mà gây thiệt hại cho bên bảo đảm thì phải bồi thường thiệt hại.

Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm

      Điều 308 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm với nội dung như sau:

      Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:

      a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;

      b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;

      c) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.

      Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.

Những bất cập của pháp luật hiện hành về tài sản bảo đảm

      Bất cập về việc thế chấp bằng tài sản của người khác

      Khoản 2 Điều 4 Thông tư Liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quy định:

Việc đăng ký thế chấp quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này bao gồm các trường hợp đăng ký thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp hoặc của người khác.

      Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 chưa có quy định rõ ràng về biện pháp bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba. Do đó, các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro mất tài sản bảo đảm nếu Tòa án có quan điểm Hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản của bên thứ ba là không đúng quy định của Bộ luật Dân sự và tuyên hợp đồng này vô hiệu.

      Bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành còn thiếu thống nhất đối với biện pháp cầm cố và thế chấp, gây khó khăn trong công tác áp dụng biện pháp bảo đảm

      Cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thế chấp tài sản là bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhân thế chấp. Từ đó cho thấy, cầm cố và thế chấp chỉ khác nhau ở việc chuyển giao mang tính cơ học các tài sản bảo đảm mà không hề có sự phân biệt về loại tài sản. Vì thế, trong hoạt động cho vay việc cầm cố bất động sản là hoàn toàn có thể thực hiện.

      Tuy nhiên, các Luật chuyên ngành lại không quy định điều này. Theo quy định tại Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, quy định về các quyền sở hữu nhà ở thì không nhắc tới quyền cầm cố nhà ở mà chỉ thấy nhắc đến quyền thế chấp nhà ở.

      Hay tại Điều 167 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định quyền của người sử dụng đất cũng không hề nhắc tới cầm cố quyền sử dụng đất. Như vậy, quy định trong các văn bản Luật chuyên ngành lại hạn chế quyền cầm cố bất động sản của người sở hữu các quyền này.

      Bất cập về việc tài sản cầm cố, thế chấp tại tổ chức tín dụng bị cầm giữ, bảo lưu quyền sở hữu

      Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì bên cầm giữ tài sản chỉ giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện; bên bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu có quyền đòi lại tài sản trong trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận.

      Với quy định này, Tài sản bảo đảm tại Tổ chức tín dụng có nguy cơ rủi ro rất lớn vì những lý do sau:

      Pháp luật thừa nhận giao dịch cầm giữ kể cả trong trường hợp tài sản đã được thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng và phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

      Đối với trường hợp bảo lưu quyền sở hữu, nếu nhà nước không có hệ thống thông tin công khai tình trạng pháp lý tài sản và yêu cầu bắt buộc phải đăng ký công khai về việc bảo lưu quyền sở hữu thì TCTD không thể kiểm soát được TSBĐ có bị bảo lưu quyền sở hữu hay không và phải chịu rủi ro từ việc hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, dẫn đến mất TSBĐ.

      Thiếu quy định pháp luật và chưa thống nhất đối với một số loại tài sản bảo đảm đặc biệt

      Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 163/2006 đều không quy định rõ ràng về việc sử dụng thế chấp hay cầm cố, trong đó có các quyền tài sản. Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về việc sử dụng quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự theo Điều 322. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bãi bỏ Điều luật này.

      Việc bãi bỏ quy định này gây khó khăn cho khách hàng sử dụng quyền tài sản (quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp…) để đảm bảo vay vốn. Đồng thời, việc thiếu quy định quyền tài sản được bảo đảm dưới hình thức cầm cố hay thế chấp cũng khiến cho cán bộ nhân viên ngân hàng khó khăn áp dụng trong thực tiễn.

      Bên cạnh đó, còn nhiều quy định chưa thống nhất tại các văn bản Luật trong việc cầm cố hay thế chấp tài sản như tài sản là tàu bay, tàu biển… Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định “thế chấp tàu bay, tàu biển”, không có quy định cầm cố tàu bay nhưng sang đến Nghị định số 83/1010/NĐ-CP ngày 23/07/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch đảm bảo quy định “cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay”.

      Bất cập về thời hiệu khởi kiện đòi nợ gốc

      Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì từ trước tới nay, Tòa án có quan điểm cho rằng đây là tranh chấp về đòi lại tài sản và không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015 thì tranh chấp về đòi lại tài sản không còn là một trong các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện nữa. Trường hợp Tòa án có quan điểm áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì rất bất lợi cho các TCTD.

      Bất cập về việc tài sản cầm cố, thế chấp tại tổ chức tín dụng bị cầm giữ, bảo lưu quyền sở hữu

      Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì bên cầm giữ tài sản chỉ giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện; bên bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu có quyền đòi lại tài sản trong trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận.

      Với quy định này, TSBĐ tại TCTD có nguy cơ rủi ro rất lớn vì những lý do sau:

      Pháp luật thừa nhận giao dịch cầm giữ kể cả trong trường hợp tài sản đã được thế chấp, cầm cố tại TCTD và phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

      Đối với trường hợp bảo lưu quyền sở hữu, nếu nhà nước không có hệ thống thông tin công khai tình trạng pháp lý tài sản và yêu cầu bắt buộc phải đăng ký công khai về việc bảo lưu quyền sở hữu thì TCTD không thể kiểm soát được TSBĐ có bị bảo lưu quyền sở hữu hay không và phải chịu rủi ro từ việc hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, dẫn đến mất TSBĐ.

 Một số kiến nghị

      Trong Bộ luật Dân sự 2015 cần bổ sung Điều luật liên quan đến quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, tại các văn bản hướng dẫn cần có quy định cụ thế các biện pháp đảm bảo đối với quyền tài sản theo hướng cụ thế hóa quyền tài sản có thể được đảm bảo dưới hình thức cầm cố, thế chấp hay biện pháp khác khi áp dụng vào thực tiễn các cán bộ ngân hàng thực hiện thống nhất và có cơ sở.

      Kiến nghị pháp luật nên tạo ra một cơ chế mở cho hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng như việc vay vốn để làm ăn của người dân.

      Ngân hàng nhà nước làm việc Bộ Tư Pháp và Tòa án nhân dân Tối cao thống nhất đường lối xét xử không coi việc thế chấp/cầm cố bằng tài sản của bên thứ ba là vô hiệu.

      Sửa đổi các quy định về cầm cố tài sản. Điều 10 của Luật Nhà ở năm 2014 cần được sửa đổi, theo hướng mở rộng cả quyền cầm cố nhà ở cho chủ sở hữu, đồng thời quy định chi tiết về cầm cố nhà ở. Tương tự, tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 cũng cần sửa đổi theo bằng việc cho phép các chủ thể có quyền sử dụng đất làm tài sản cầm cố.

      Ngoài ra, các loại tài sản đặc biệt như tàu bay, tàu biển… cần thống nhất trong việc áp dụng biện pháp cầm cố hay thế chấp. Nếu những thay đôi này được tiến hành, sẽ kích thích hoạt động vay của các ngân hàng thương mại hơn nữa.

      Sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định phải cụ thể hóa Bộ luật dân sự năm 2015 và phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

      Ngân hàng nhà nước kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành quy định, hướng dẫn đảm bảo quyền lợi của các Tổ chức tín dụng  trong trường hợp tài sản bảo dảm bị cầm giữ; chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng hệ thống quốc gia để công khai các thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.

      Ngân hàng nhà nước kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành quy định, hướng dẫn đảm bảo quyền lợi của các tổ chức tín dụng trong trường hợp tài sản bảo đảm bị cầm giữ; chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng hệ thống quốc gia để công khai các thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.

      Trước những bất cập của quy định pháp luật hiện hành đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể và sự cố gắng, phối hợp đồng bộ của hệ thống các ngân hàng, các doanh nghiệp, chính phủ và các ban ngành có liên quan. Hi vọng rằng trong thời gian tới, tài sản bảo đảm sẽ phát huy vai trò tích cực của mình.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích những điểm bất cập của pháp luật hiện hành về tài sản bảo đảm và kiến nghị hoàn thiện. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top