Phân tích các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Xây dựng một tình huống tranh chấp có liên quan và đưa ra cách giải quyết theo quan điểm cá nhân

Phân tích các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, những thành tựu mới của công nghiệp hóa, cơ giới hóa đã làm thế giới ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nó cũng kéo theo sự gia tăng các tai nạn khách quan nhiều khi nằm ngoài sự điều khiển của con người, đe dọa tới sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của các chủ thể trong xã hội. Có những sự vật như máy móc, phương tiện, hệ thống điện, dây chuyền sản xuất trong nhà máy bản thân hoạt động của nó luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho môi trường xung quanh.

Xuất phát từ lý do này, dưới góc độ khoa học pháp lý, nguồn nguy hiểm cao độ đã được biết đến với nhận định là sự tiềm ẩn nguy cơ gây ra thiệt hại. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, em xin chọn đề bài: “Phân tích các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Xây dựng một tình huống tranh chấp có liên quan và đưa ra cách giải quyết theo quan điểm cá nhân.”


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập II, Nxb. Công An Nhân Dân, Hà Nội, Năm 2017;
  • TS Trần Thị Huệ, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra theo pháp luật dân sự Việt Nam, Nxb. Chính trị – Hành chính, Năm 2013;
  • TS. Phạm Văn Tuyết, Hướng dẫn học môn luật dân sự, Tập 2, Nxb. Tư pháp;
  • Bộ Luật Dân sự 2015;
  • Bộ Luật Giao thông đường bộ 2008;
  • Nghị định số 153/2016/NĐ-CP: Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;
  • Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt bởi lẽ thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và do lỗi của con người mà do hoạt động của những sự vật mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại. Mặc dù chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có thể không có lỗi đối với thiệt hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn buộc họ có trách nhiệm bồi thường.

Nguồn nguy hiểm cao độ có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật

Tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 không đưa ra một định nghĩa khái quát về nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ có liệt kê một số nguồn như sau:

  • Các phương tiện giao thông vận tải cơ giới đang hoạt động;
  • Hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động;
  • Vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ;
  • Thú dữ;
  • Các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Khái niệm cụ thể của những loại nguồn nguy hiểm trên được quy định trong nhiều văn bản khác nhau. Nguồn nguy hiểm cao độ theo Điều 601 được hiểu là những vật đang tồn tại mà hoạt động của chúng luôn chứa đựng khả năng gây thiệt hại cho môi trường và những người xung quanh mà con người không thể kiểm soát một cách tuyệt đối.

Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó.

Ví dụ: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được xác định căn cứ vào khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ, bao gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Theo Điều 601, ngoài những nguồn nguy hiểm cao độ đã liệt kê, còn có những loại nguồn nguy hiểm cao độ khác theo quy định của pháp luật. Theo ý kiến của em, để xác định một vật có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không ngoài các quy định pháp luật còn cần dựa vào tính chất của vật đó. Ví dụ ong bắp cày, bọ cạp, đại bàng ( thuộc các lớp côn trùng, bò sát, chim) mặc dù không thuộc vào “thú dữ” nhưng phải coi là nguồn nguy hiểm cao độ vì đây là những loài động vật mang tính hoang dã và có tính nguy hiểm lớn.

Chỉ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau:

Thứ nhất, những sự vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ phải đang hoạt động, ví dụ như: phương tiện giao thông vận tải cơ giới đang tham gia giao thông trên đường; nhà máy công nghiệp đang hoạt động… Trường hợp thiệt hại xảy ra khi nguồn nguy hiểm cao độ đang trong trạng thái không hoạt động thì không thể coi là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, ví dụ: ô tô dừng đỗ trên dốc nhưng trượt xuống theo quán tính gây thiệt hại, thú dữ chết thối rữa gây dịch bệnh,…

Thứ hai, thiệt hại phải do tác động từ chính nguồn nguy hiểm cao độ hoặc do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm cao độ. Trong một số trường hợp, hoạt động của nguồn nguy hiểm nằm ngoài sự kiểm soát của con người và tự gây thiệt hại.

Điều quan trọng ở đây là phải xác định thiệt hại do tác động “người” hay của “vật” để xác định trách nhiệm bồi thường. Nếu do tác động từ con người (dùng nguồn điện để gài bẫy trộm; đặt mìn để đánh cá gây ô nhiễm môi trường;…) thì ta sẽ áp dụng nguyên tắc chung của bồi thường thiệt hại đối với hành vi do con người gây ra.

Còn trường hợp thiệt hại do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm cao độ, hoàn toàn độc lập và ngoài sự quản lý thì sẽ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Ví dụ: xe ô tô đang chạy trên đường bị mất phanh đâm vào nhà bên đường; lựu đạn đã cũ nên chốt bị oxy hóa và gãy, khi vận chuyển do va đập nên làm bật chốt lò xo gây nổ;…

Bên cạnh đó, hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ phải có tính trái pháp luật. Hoạt động của xe ủi, xe cần cẩu,… khi phá dỡ các công trình xây dựng trái phép không phải là hành vi trái pháp luật.

Có nhiều trường hợp do đặc tính của nguồn nguy hiểm cao độ mà việc gây thiệt hại của những phương tiện này không bị coi là trái pháp luật. Ví dụ, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, những thiệt hại trên đường sắt do tàu hỏa gây ra cho các chủ thể khác không bị coi là trái pháp luật và ngành đường sắt không có trách nhiệm bồi thường.

Nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho “người xung quanh”

Nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây thiệt hại cho bất kỳ ai: chủ sở hữu, người đang chiếm hữu, sử dụng, những người không có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ… Đối với chủ sở hữu, họ phải tự chịu mọi rủi ro đối với thiệt hại do tài sản của mình gây ra.

Đối với người bị thiệt hại trong khi đang sử dụng nguồn nguy hiểm theo nghĩa vụ lao động sẽ được hưởng bồi thường theo chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ chỉ được đặt ra khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những người không có quan hệ sở hữu hoặc quan hệ lao động liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người này.

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ

Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra

Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, hành vi trái pháp luật được coi là nguyên nhân và thiệt hại được coi là hậu quả.

Về mặt nguyên tắc, hành vi trái pháp luật phải có trước và thiệt hại có sau. Việc xác định mối quan hệ nhân quả trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó là cơ sở để xác định mức bồi thường. Do đó, cần có cái nhìn toàn diện trách đánh giá một cách chủ quan, duy ý chí. Cần phải xác định rằng, thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi và ngược lại.

Phân tích các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Điều kiện lỗi đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm gây ra

Khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, nguyên tắc đảm bảo yếu tố lỗi trong bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đã được loại trừ. Theo khoản 3 điều 601 Bộ luật Dân sự:

“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

  1. Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
  2. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm dân sự đặc biệt. Trách nhiệm không cần yếu tố lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.

 Xây dựng tình huống

Anh A là chủ sở hữu của xe ô tô tải mang biển số 15N8 – 78909 ở Hải Phòng. Ngày 15 tháng 2 năm 2017, anh B – là người anh A thuê – được anh A chuyển giao chiếc xe nói trên để vận chuyển hàng về kho của anh A vào ngày 17 tháng 2 năm 2017.

Hai ngày sau, khi đang vận chuyển hàng trên đường từ cảng Đình Vũ đến Thủy Nguyên (Hải Phòng) thì bất ngờ xe tải bị mất phanh khiến anh B không làm chủ được tay lái, đâm vào quán ăn của chị C bên đường. Hậu quả là có 1 người bị thương nặng và chết trên đường đến bệnh viện, tiền xe vận chuyển đến bệnh viện là 500.000 đồng; tổng giá trị thiệt hại của cửa hàng chị C là 40.000.000 đồng.

Được biết, người chết là anh D đang có một đứa con 4 tuổi.

Giải quyết tình huống

Các mối quan hệ pháp luật trong tình huống được xây dựng

Mối quan hệ giữa anh A (chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) và anh B (người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ)

Anh A – chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho anh B theo nghĩa vụ lao động. Trong trường hợp này, anh B được chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ là người làm công ăn lương, được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ để thực hiện nhiệm vụ mà người chủ lao động giao cho. Giữa anh A, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và anh B được giao chiếm hữu, sử dụng có mối quan hệ lao động, được xác lập qua hợp đồng lao động.

Tại thời điểm xảy ra thiệt hại, mặc dù anh B đang thực tế chiếm hữu và sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nhưng hoàn toàn dưới sự quản lý của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ là anh A và vì lợi ích của chủ sở hữu nên phải coi đây là trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng.

Theo khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”, anh A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản của mình gây thiệt hại cho người khác.

Mối quan hệ giữa anh A (Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) với người bị thiệt hại (chị C, anh D)

Nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại là sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ, không có yếu tố lỗi của con người. Trong tình huống đưa ra, anh A phải bồi thường thiệt hại dù không có lỗi vì xét thấy có mối quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra: anh D chết vì chiếc xe anh A bị mất phanh rồi đâm cửa hàng anh đang ở trong.

Tương tự, mối quan hệ nhân quả trong thiệt hại đối với quán ăn của chị C là: chiếc xe anh A mất phanh, đâm vào cửa hàng phá hủy tài sản.

Anh A không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho anh D, chị C. Tuy nhiên, dù không có lỗi nhưng pháp luật vẫn quy định anh A phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc bồi thường cho anh D, chị C. Khoản 3 Điều 601 quy định: “…Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp…”

Tóm lại, trong tình huống này, thiệt hại xảy ra hoàn toàn không do lỗi cố ý của anh A, đồng thời cũng không phải do trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết mà gây ra thiệt hại. Sự hoạt động của của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cho anh D, chị C làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa anh A (chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) và anh D, chị C (người bị thiệt hại).

Mối quan hệ giữa anh A (người bồi thường thiệt hại) và con anh D (người mà trước đó người bị thiệt hại (anh D) đang nuôi dưỡng).

Theo điểm a, Tiểu mục 2.3 mục 2 phần II NQ số 03/2006/NQ – HĐTP quy định: “Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.”

Ở điểm b, Tiểu mục 2.3 mục 2 phần II NQ số 03/2006/NQ – HĐTP quy định về đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng: “Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;”

Như vậy, con anh D được anh A bồi thường khoản tiền cấp dưỡng mà lẽ ra khoản tiền đó phải do anh D thực hiện nếu anh D không bị thiệt hại đến tính mạng. Anh A được coi như phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con anh D thay cho anh D và phải thực hiện cho tới khi con anh D thành niên và đủ khả năng lao động.

Xác định mức độ bồi thường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm gây ra.

Như trên phần c mục 2.1, trách nhiệm bồi thường thuộc về anh A – chủ sở hữu chiếc xe tải .

Xác định mức độ bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm gây ra.

Trong trường hợp này, hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ đã gây thiệt hại đến tài sản của chị C và tính mạng anh D. Anh A là người có trách nhiệm bồi thường hoàn toàn thiệt hại xảy ra.

Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm.

Theo Điều 589 Bộ luật Dân sự, trong trường hợp tài sản bị hư hỏng sẽ được bồi thường. Quán ăn của chị C bị tổn hại, chi phí sửa chữa hết 40.000.000 đồng và khoản chi phí này sẽ do anh A thanh toán. Hoặc anh A có thể bồi thường vật phẩm bằng tiền theo giá thị trường bấy giờ.

Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.

Theo Điều 591 BLDS và mục 2 phần II NQ 03/2006/NQ – HĐTP, anh A phải bồi thường những khoản sau:

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết, trong đó bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu, tiền viện phí. Tình huống nêu rõ khoản tiền này là 500.000 đồng.

Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…

Những người đang được người bị thiệt hại nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng đó. Do vậy, anh A có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con anh D với khoản tiền cấp dưỡng với mức cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của anh A cùng với nhu cầu thiết yếu của con anh D.

Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần: Theo quy định của Điều 591 Bộ luật Dân sự và NQ 03/2006/NQ – HĐTP, anh A phải bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: cha, mẹ, vợ, chồng, con của người bị thiệt hại.

Trong trường hợp này, anh A phải bồi thường cho gia đình (vợ, con, cha, mẹ) anh D. Mức bồi thường do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức bồi thường căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của người bị thiệt hại, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết việc bồi thường.

Tại thời điểm xảy ra thiệt hại (Ngày 17 tháng 2 năm 2017), mức lương tối thiểu được thực hiện theo quy định của Nghị định 153/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017) là 3.750.000 đồng/tháng (đối với vùng 1) nên khoản tiền mà anh A phải đền bù về tổn thất tinh thần là: 3.750.000 đồng ´ 60 = 225.000.000 đồng.


Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Xây dựng một tình huống tranh chấp về nguồn nguy hiểm cao độ và đưa ra cách giải quyết theo quan điểm cá nhân. Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top